Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Bởi ai cũng có một thiên đường

Bởi ai cũng có một thiên đường

Buổi sáng thức dậy, cảm giác cái lạnh se se như đang phủ dưới sàn nhà. Mở cửa. Nắng chưa vội tràn vào. Nắng vẫn còn vòng qua mấy tàu thốt nốt xa xa vẫy vẫy. Mẹ nói, quê mình vào xuân đẹp tựa một thiên đường. Em hỏi, sao mẹ biết thiên đường mà so sánh. Thiên đường do tâm hồn mình mà có. Bởi ai cũng có một thiên đường.
Mẹ già lồm cồm ngồi dậy vén mùng bước ra quét sân. Toàn lá. Lá của cội mai già vừa thay áo. Hăm mấy Tết, vẫn còn mùa đông. Mẹ một mình ngồi hơ tay bên đống lửa nhỏ, không có các em ngồi quanh như hồi ấy. Ngày mai nữa chúng nó về dần. Mẹ bồn chồn không ngủ được. Trưa hơn một chút, điện thoại cứ reo liên tục. “Tranh thủ việc nhà chồng xong, con sẽ về với mẹ...”. Chạng vạng rồi, Tết đang xôn xao ngoài ngõ. Người đàn bà còn thủng thẳng lùa gà về ổ, người đàn ông chưa xong việc còn nán lại cơ quan... Bắt đầu từ hôm đưa ông Táo về trời, tiếng trống lân của bọn trẻ đã ầm vang khắp xóm. Em có nghe những bước chân tha hương như được giục về để sum vầy. Người ta làm lụng quanh năm cũng là để dành cho Tết. Vậy là một mình mẹ ra chợ sắm thêm vài thứ cho Tết đủ đầy.
Một vài cửa hàng đóng cửa, chắc là dành nốt mấy ngày còn lại cho việc sửa soạn ngoài ngõ trong nhà. Chỉ có cửa hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm và ngành phục vụ trang trí, làm đẹp... là luôn đắt khách. Bận rộn là thế, từ trong cửa hàng vẫn bật ra những khúc ca xuân. Tiếng hát như dắt dìu ta bước ra từ giấc ngủ giữa những ngày cuối đông nhẹ nhàng mà vội vã: "Phải chăng mầm non mùa xuân đang hé mở/ Phải chăng nụ hoa mùa xuân đang hé nở/ Phải chăng ngày xuân đầu tiên đang gõ cửa..."
Mầm non, nụ hoa..., dấu hiệu của mùa xuân bắt đầu, của tuần hoàn cho muôn loài kiêu hãnh khoe sắc. Vài hôm nữa, những chiếc búp nhọn kia sẽ nứt từng cánh trấu nâu nâu đầu cành, mướt một màu xanh non của lá. Trong những búp nhọn tròn và to hơn một tí, những nụ mai sẽ thôi những ngày ấp ủ, nhú ra một màu vàng thắm. Đó là nhờ sự nhường chỗ của từng chiếc lá dày sau khi đã nổi lên đường gân nhám bụi tháng năm.
Khoảng trước rằm tháng Chạp, đi từ trung tâm thành phố về đến quê, hai bên đường nhà nhà ráo riết việc chuẩn bị đón Tết. Và không thể thiếu những cội mai. Người ta lặt hết lá như thay vào sức sống mới cho một loài cây. Đóa mai vàng, biểu trưng của sự sung túc, vinh hoa... Nhà giàu sang thì dăm ba gốc, mỗi gốc hàng triệu đồng là ít; nhà đủ ăn đủ xài hay thậm chí nhà túng thiếu thì cũng ráng sao cho có một nhành mai.
Mẹ dạo một vòng chợ hoa xuân được bày san sát phía bờ kinh. Nhà vườn vận chuyển hoa kiểng từ các tỉnh đổ về làm xôn xao một góc chợ. Chợ xuân biên giới không rầm rộ như ở trung tâm, người đi sắm Tết không kỳ kèo mà chọn hàng nhanh gọn.
Nhớ hồi đó, ông dắt bọn trẻ lên chùa hái lộc. Vườn mai tựa lưng núi là một rừng cây cao khỏi đầu người lớn. Ông lựa nhành mai thẳng nhất, đều nhất và có nhiều búp trấu nhất đem về. Trên bàn thờ, những cánh mai vàng chuẩn bị một mùa khoe sắc. Chỉ chờ đài hoa dần dần hé mở, những cánh mai vàng bí mật trổ bung, điểm xuyết cho gian nhà thêm ấm cúng. Tiết trời mùa xuân ban tặng một sắc hoa. Mấy ai quan sát được lúc từng bộ phận trên nhành mai chuyển mình. Chỉ có sự dâng hiến của mai vàng trọn vẹn với mùa xuân. Giấc xuân chưa say, sáng dậy đã thấy những nụ to hơn, đã thấy những bông hoa xòe ra ngỡ ngàng như một nét chấm phá hân hoan đến lạ.
Mùa xuân, mùa cây cối nảy lộc đâm chồi, mùa của màu sắc xen chút hương thơm từ bếp lửa chiều ân cần bàn tay mẹ. Thịt mỡ dưa hành mấy ngày đầu ngậy béo vậy mà sau mấy ngày du xuân mệt mỏi, em sẽ vòi mẹ hâm lại mang ra không kịp cái bụng đói réo lên.
Vui cùng gia đình cho hết tháng Giêng đi, rồi hẵng lao vào với công việc của riêng mình! Nếu phải ăn Tết ở xứ người thì cũng rưng rưng trong hương xuân một dáng hình của mẹ. Em theo mẹ ra sau nhà rọc lá chuối phơi khô để kịp gói bánh. Em học từ tay mẹ. Mẹ và các dì học từ đôi tay khéo léo của bà. Đôi tay của những người phụ nữ quê mùa bình dị mà tình nghĩa sâu nặng.
Nồi bánh đương sôi, cũng là lúc chuông đồng hồ điểm một thời khắc thiêng liêng nhất. Không phải ai cũng có diễm phúc được ở bên cạnh người thân lúc trời đất giao hòa. Không còn gì giản đơn mà cao quý hơn thế: thiên-đường-mùa-xuân.
Ánh sáng của những vì sao và bếp lò tí tách cháy. Ở vùng biên giới này, chưa bao giờ người dân chứng kiến những tràng pháo hoa tung nhoáng lên bầu trời. Ngày mai nữa là một năm mới sẽ bắt đầu. Bọn trẻ ngày xưa cũng không dậy trễ hơn được khi mọi thứ từ nhà ra phố đang được bày sẵn và đón chờ những bước chân xuân. Bọn trẻ bây giờ vô tư hớn hở, chúc Tết ông bà cha mẹ để nhận về những bao lì xì may mắn.
Lại một tiếng hát cất lên trên đài: "Và chúng ta lại đón giao thừa/ Phút giây lặng lẽ mong chờ, báo tin mùa xuân về/ Để biết ta còn mãi trông đợi, phút mong chờ ấy tuyệt vời, chứa chan niềm tin yêu..."
Cho đến hạ nêu, xuân hối tiếc để sót vài cánh mai vàng nhẹ lay trong nắng ấm. Những chậu mai trong nhà lại được ông mang ra trở về chỗ cũ. Chỉ bấy nhiêu ngày làm nên mùa xuân, nhưng cả năm ròng cội mai nào cũng đều phải bươn mình với bao khó nhọc. Em có để ý thấy không? Người lớn dù âm thầm vui đón xuân qua nhưng hẳn thầm bảo rằng, “từ từ thôi xuân nhé, kẻo tuổi đời chồng chất, phôi pha!”. 
24/1/2019
Nghiêm Quốc Thanh
Theo https://www.vinhthong.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...