Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Bướm trắng hoàng cung

Bướm trắng hoàng cung

Phế hậu Dương Thị đứng nhìn qua khe hẹp của cánh cửa cung Dương Thượng. Mái tóc rối phủ lên khuôn mặt khô héo. Những nếp gấp phía hai môi nàng trễ xuống, ủ dột và thê lương. Ngoài kia, le lói vài tia hoàng hôn đỏ quạch như màu máu. Bầy quạ đói trên mấy ngọn cây kêu tao tác. Phế hậu khẽ rùng mình. Là nàng đang sợ hãi, hay tại ngọn gió cuối mùa mỏng manh len vào khe cửa làm nàng run rẩy? Quay trở về, nàng ngồi dựa lưng vào tường đá lạnh lẽo, khẽ co mình lại. Xung quanh nàng, các thị nữ vật vờ, vài người đói quá bật lên tiếng kêu khe khẽ. Mùa thu rồi. Mùa thu thì hơi đá mới lạnh thế này. Những ngày mùa thu trước, trời cũng lạnh, nhưng sao mà trong trẻo. Trong đầu phế hậu, hình ảnh năm tháng cũ cứ thoắt ẩn thoắt hiện. Thế rồi, khi nàng lịm đi trên sàn gạch hoa cúc, kỉ niệm rủ nhau ùa về, trong một khoảng không sáng lóa, rạng rỡ và tươi mới.
Buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng mùa thu thật đẹp, khi Bạch Điệp đang ngồi chơi với tiểu muội bên hoa viên, vú Liên, nhũ mẫu của nàng chạy lại: “Tiểu thư Bạch Điệp”. Bạch Điệp ngẩng đầu, khuôn mặt trắng như bông bưởi tháng ba, cười chúm chím: “Vú gọi con ư?”. Vú Liên hớt hải: “Ông cho gọi tiểu thư lên nhà chính ngay”. “Cha gọi con có việc gì mà vú hoảng hốt làm vậy?”. Vú Liên ra chiều bí mật: “Việc gì, hạng gia nô như tôi sao biết được. Thôi, tiểu thư mau vào đi, kẻo tôi lại bị ông trách phạt”.
Bạch Điệp tung tăng chạy theo vú Liên. Vài cánh bướm trắng bay phấp phới theo nàng. Nàng mới tám tuổi, ngây thơ, non nớt, chưa vương bụi trần. Vào đến nhà chính, Bạch Điệp thấy cha đang ngồi đàm đạo với một người đứng tuổi trên bộ bàn ghế tre. Người này râu dài tóc bạc, đầu đội mũ vải, vai đeo túi thẻ, dáng tựa thầy tướng số. Thoáng thấy con gái yêu dấu, Dương viên ngoại khẽ nhắc: “Kìa con, mau đến đây vái chào thầy Khúc đi nào”. Bạch Điệp vâng lời, khum tay, cúi lưng vái chào, bộ dạng tuy còn luýnh quýnh nhưng cử chỉ mềm mại, đáng yêu vô cùng. Dương viên ngoại khẽ cười: “Đây là nữ tử của tôi. Thầy xem, liệu có thể cho cháu một vài lời tiên đoán…”.
Đạo sĩ họ Khúc nhìn Bạch Điệp, đôi mày khẽ nhíu lại. Đứa trẻ này, dung mạo như hoa, tư chất đoan trang, nhưng… nhưng mà… Đôi mắt đó, bộ đồ lụa trắng đó… Đạo sĩ thoáng ưu tư, viết mấy câu thơ lên tấm thẻ đặt trước mặt:
Vóc như ngọc khiết
Sắc tựa phù dung
Đa đoan điệp mộng
Trầm tai đế cung
Đoạn vẩy bút lông gà, chào từ biệt rồi thở dài, phất áo ra đi.
Bảy năm sau ngày gặp ông thầy tướng, Bạch Điệp được tiến cung. Khi ấy, nàng vừa mười lăm, lòng vẫn còn non tơ như loài bướm trắng. Ngày tiễn nàng đi, gió trong vườn thổi nhiều. Vú Liên, mái tóc đã lấm tấm bạc, nắm tay nàng khóc mãi. Dương viên ngoại cầm quạt, nét mặt u sầu. Lẽ ra ngày này ông phải vui mới phải. Nhưng chuyện xưa như chiếc kim châm vào lòng ông, nhức buốt. Lời sấm của đạo sĩ đã ứng điều thứ nhất. Liệu sau này Bạch Điệp có “trầm tai”? Viên ngoại thở dài. Giá chi lệnh vua mà cưỡng được, ông đã chẳng bao giờ để nữ tử yêu của mình vào cung cấm. Đăm chiêu hồi lâu, sợ con gái thêm buồn, ông khẽ bảo Bạch Điệp: “Con đi lần này, kinh thành thì gần nhưng cấm cung xa vời vợi. Chẳng biết khi nào cha con mới được gặp nhau. Cha từng nghe cuộc sống nơi hậu cung đầy gấm vóc lụa là nhưng chẳng ấm êm. Con nhớ liệu đường cư xử, lấy bình yên làm trọng cho mình”.
Bạch Điệp khẽ vâng lời. Giọt nước mắt nàng nhỏ xuống, trong suốt như sương. Nàng đưa mắt nhìn lại cảnh vật thân quen, chợt thẫn thờ nhận ra, trong hoa viên, từng đàn bướm trắng bay rợp trời. Phải rồi, ngày mẹ sinh nàng, một ngày thu nắng đẹp, những con bướm trắng cũng bay la đà như thế. Vậy nên nàng mới có tên Bạch Điệp. Đàn bướm ấy, chúng đến để tiễn đưa nàng…
Tiếng vị quan thái giám the thé giục giã. Bạch Điệp vội gạt nước mắt vái lạy cha lần nữa rồi lên kiệu. Chiếc kiệu hồng đưa nàng đi trong tiếng nhạc rộn ràng. Xung quanh, đàn bướm trắng vẫn la đà bay lượn.
Dương phế hậu ngồi dậy. Trời đã tối rồi sao? Đêm thu lạnh quá. Bộ quần áo thô không đủ ấm. Phế hậu khẽ co mình. Nàng nghe phía bên ngoài tiếng gió thổi hun hút. Những sợi gió dài và mảnh chạy dọc hành lang, luồn qua khe cửa hẹp vào tận căn phòng u tối của lãnh cung. Tiếng dế kêu thảm thiết như vọng về từ cõi nào.
Phế hậu nghe nhồn nhột gót sen. Tiếng chít chít quen thuộc. Thì ra là chuột con đến gặm chân nàng. Nàng biết nó tìm thức ăn. Ngày thường, nàng vẫn san sẻ một phần đĩa cơm hẩm của mình cho nó. Lâu dần thành quen, ngày nào nó cũng đến với nàng. Đó là một chú chuột mồ côi. Hôm nàng mới bị đày vào lãnh cung Dương Thượng, nhằm lúc các nàng thị nữ đang ngồi chải tóc, nhà chuột thung thăng chạy ngang qua. Chuột mẹ cắn đuôi chuột bố. Chuột con cắn đuôi chuột mẹ. Các thị nữ rú lên sợ hãi, đập chết cặp chuột bố mẹ. Lúc ấy, chuột con vẫn còn ngậm đuôi mẹ. Kể cũng lạ, giống chuột này dày con, thế mà không hiểu vì sao cặp vợ chồng chuột chỉ có một mống. Có nàng thị nữ sợ quá, lăm lăm cây gậy toan đập chết nốt chuột con. Phế hậu mủi lòng, bảo tha cho nó.
Gặm gặm, chít chít một lát, không thấy động tĩnh gì, chuột con tủi thân bỏ đi. Phế hậu nở nụ cười buồn bã. Đã hai ngày nay, lãnh cung không nhận được cơm. Các thị nữ đói quá, đã bắt đầu hoảng loạn. Chẳng biết chuyện gì sắp xảy ra đây? Dương phế hậu trở mình. Đầu nàng gối lên mái tóc dày và dài. Trong gió, mùi một loài hoa đêm thoảng nhẹ. Nghe quen lắm. Khoảng ký ức sáng trắng lại ùa về.
Dương hoàng hậu bế trên tay hài nhi nhỏ bé. Đôi mắt nàng rạng rỡ niềm vui. Đứa trẻ ngọ nguậy đầu trong tấm choàng lụa vàng óng, đưa đôi mắt đen láy nhìn nàng. Tim hoàng hậu rộn ràng nhảy múa. Đứa bé này không phải con nàng, nhưng từ nay nàng sẽ là người nuôi nó. Lớn lên, nó sẽ gọi nàng là mẫu hậu. Là mẹ. Tiếng mẹ làm đôi mắt hoàng hậu ngân ngấn nước. Đây chẳng phải là ước mong bao ngày tháng của nàng sao. Nàng thân làm hoàng hậu mà không thể sinh hoàng nhi cho đức vua. Nhưng nay đã khác rồi. Hoàng thượng đã có người kế vị, còn nàng thì được ẵm bồng một đứa trẻ.
Thanh Loan, thị nữ thân thiết nhất của nàng khẽ nhíu mày, đoạn đánh bạo khẽ thưa: “Hoàng hậu, người thật nhân từ. Nhưng hoàng thái tử không phải con đẻ của người. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. E rằng sau này khi đủ lông đủ cánh, thái tử sẽ tìm về với mẹ ruột thôi”.
Nàng cười: “Hoàng thượng trăm công ngàn việc. Lan muội trí tuệ hơn người. Muội ấy còn phụ việc triều chính. Ta đây bất tài chẳng giúp được gì, chẳng lẽ không giúp muội ấy chăm sóc các con được sao?”. Thanh Loan bướng bỉnh tiếp lời: “E rằng, Lan phi là người dã tâm khó lường. Nô tì mạn phép nghĩ hoàng hậu nên cẩn trọng”.
Dương hậu không trả lời. Môi nàng nở nụ cười hiền dịu. Nàng bế thái tử ra ngoài hiên, đứng dưới ánh mặt trời rực rỡ. Phía trên, những cành hoa tím phấp phới bay trong gió dịu nhẹ, êm đềm…
Minh họa: Lê Trí Dũng
Không phải nàng không biết Lan nguyên phi là người quá khéo léo. Ngày nguyên phi nhập cung, nàng ta đã chọn những vàng bạc châu báu quý nhất đem qua cung hoàng hậu để lấy lòng nàng. Sáng nào Lan phi cũng đích thân dâng nàng món trà ướp nhị sen hồ Dâm Đàm thơm ngát. Dương hậu không phải người ưa xu nịnh, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy nguyên phi không phải người xấu. Nguyên phi thông minh tài trí. Có nàng ta, hoàng thượng bớt phần nhọc lòng triều chính. Nàng ta lại sinh hạ được hoàng thái tử. Đó là những điều mà chính cung như nàng không làm được. Vậy cớ gì phải ghen tị với Lan phi. Đã bao lần, nàng tự nhủ mình: “Chốn cung cấm này, tìm đâu chân tình? Đối tốt với nhau, dẫu rằng chỉ là ngoài mặt, chẳng phải đã đáng quý rồi sao?”.
Ngày lại ngày, hoàng thái tử Càn Đức lớn lên trong tay Dương hậu. Nàng yêu cái cảm giác được bế thái tử trong vòng tay, nhìn thái tử biết đứng, biết đi, rồi biết bập bẹ: “Mẫu hậu, mẫu hậu”. Lên ba, thái tử biết đá cầu cùng các thái giám ngoài sân, biết ê a học chữ, thỉnh thoảng biết đưa tay cho những chú bướm trắng đậu lên rồi tíu tít chạy vào khoe với nàng.
Những con bướm trắng, từ khi Dương hậu đến đã bay la đà khắp cấm cung. Các thị nữ, thái giám ban đầu lạ lắm, khi thấy chúng cứ quanh quẩn gần nơi hoàng hậu ngự, nhưng cũng chỉ cho đó là điềm lành của trời đất. Vậy mà, khi thái tử lên bốn lên năm, khắp kinh thành lan ra tin đồn, vì hoàng hậu theo ma đạo nên mới có khả năng dẫn dụ đàn bướm đến. Những con bướm lại còn mang màu trắng tang tóc, chẳng khác nào điềm gở. Không ai biết tin đồn từ đâu mà ra. Thanh Loan có lần rỉ tai Dương hoàng hậu: “Nghe nói tin đồn độc ác ấy lan ra từ cung của nguyên phi”; nhưng nàng nhíu mày quát khẽ: “Lan muội là người hiền đức, lại có công nhiếp chính thay vua khi người xuất chinh biên ải. Các ngươi không được đổ oan cho người tốt. Còn nói nữa, ta nghiêm trị không tha”. Tin đồn cứ lan mãi, lan mãi, rồi đến một ngày không ai buồn nói nữa. Nhưng từ đó, hoàng thượng ít đến cung Dương hậu. Nghe nói, nhiều khi ngài ở lại hẳn cung của nguyên phi suốt mấy ngày...
Phế hậu bật lên tiếng ho nhè nhẹ. Xung quanh nàng, bóng tối im lặng như đồng lõa với những âm mưu khủng khiếp đang vần vũ ngoài kia. Tiếng rên rỉ vì lạnh và đói của vài thị nữ rờn rợn trong đêm, nghe như tiếng từ cõi chết vọng về. Bàn chân phế hậu lại nhột nhột. Là chuột con. Nó không còn sức kêu chít chít, chừng như đã yếu lắm rồi. Nàng gọi Thanh Loan. Gọi hai ba lần, thị mới uể oải ngồi dậy được. “Mau đốt đèn lên”. Thanh Loan thều thào: “Bẩm thái hậu, dầu đã hết rồi. Khắp cung chẳng còn gì ăn, cũng không còn gì sưởi ấm cả. Chỉ còn mấy lu nước lã. Hồi chiều, vài thị nữ đói quá, uống nước trong lu căng bụng, rồi thốc tháo nôn ra hết. Tình cảnh rất thê lương”.
Phế hậu thở dài, khẽ bảo Thanh Loan ngủ tiếp. Nàng với xuống chân, thấy chuột con vẫn còn ở đó, thở khó nhọc. Nàng nhấc nó lên tay, hơi ấm từ cơ thể tội nghiệp cứ nguội dần. Phế hậu nhỏ nước mắt, trách khẽ: “Chuột con ngốc. Sao không đào ngách ra ngoài kia mà tìm thức ăn? Ở lại với ta làm chi, chỉ còn đường chết...”. Giọt nước mắt bỏng rẫy của nàng nhỏ xuống, trúng vào lòng chuột con. Nó giẫy lên một lần rồi thiếp hẳn. Phế hậu khóc nấc lên, ôm chuột con vào lòng. Không hiểu sao, nó khiến nàng nhớ lại cảm giác chia xa Càn Đức trong ngày hoàng thượng băng hà...
Càn Đức mới bảy tuổi, đôi mắt ngây thơ mở to nhìn hoàng cung hóa thành màu trắng tang tóc. Trong chiếc quan tài lớn bằng gỗ quý, phụ hoàng của cậu nằm im lặng. Xung quanh, mọi người đều kêu khóc. Người ta chạy đi chạy lại, mang màu trắng rải khắp các cung, điện. Người ta cũng bắt cậu phải hành đủ thứ lễ. Người thị nữ già vừa mặc đồ tang cho Càn Đức, vừa cung kính nói: “Hoàng thái tử, từ nay người là hoàng thượng rồi”. Càn Đức không thích làm hoàng thượng. Càn Đức chỉ thích ở trong cung cùng mẫu hậu, ngày ngày nghe mẫu hậu đọc thơ, ăn chén chè sen hồ Dâm Đàm do mẫu hậu nấu, chơi với đàn bướm trắng bay la đà bên hiên, dưới những nhành hoa tím buông rủ.
Càn Đức đưa mắt khắp nơi tìm mẫu hậu. Nhưng mẫu hậu đâu rồi? Chỉ có nguyên phi (à không, bây giờ là thái phi chứ) quỳ bên long cữu, khóc lên những tiếng ai oán. Đoạn thái phi nhích lại gần Càn Đức, muốn nắm chặt tay cậu. Càn Đức khẽ rụt tay lại. Cậu biết thái phi là mẹ ruột. Dương mẫu hậu cũng dặn cậu phải biết ơn sinh mẫu của mình. Nhưng Càn Đức còn nhỏ quá nên không hiểu được. Cậu chỉ biết, khi thái phi bận luận bàn triều chính, mẫu hậu là người đắp chăn ru cậu ngủ; khi thái phi bận tụng kinh xây chùa, mẫu hậu là người thức suốt đêm trông cậu ốm; khi thái phi được xưng tụng Quan Âm, chỉ mẫu hậu âm thầm ở bên, dạy cậu đạo lý làm người. Càn Đức muốn đi tìm mẫu hậu. Nhưng đôi chân bé bỏng vừa nhổm lên, bàn tay rắn đanh của sinh mẫu ghì vai cậu lại... Càn Đức quay lại phía sau, đôi mắt dáo dác đập thẳng vào dáng vẻ uy nghiêm cao vời vợi của Lý thái úy Thường Kiệt. Càn Đức không biết rằng, vua cha mới băng hà, mẫu hậu của cậu và bảy mươi hai thị nữ đã bị đày vào cung Dương Thượng, nhốt chặt...
Phế hậu thẫn thờ vuốt lại mái tóc khô héo lòa xòa trước mặt. Ngoài kia, chút ánh sáng nhập nhoạng, âm âm tối của một ngày mới len qua khe cửa. Vài tiếng gà tao tác gáy. Giữa sự thinh lặng đáng sợ của lãnh cung, tiếng gà sắc nhẻm như những lưỡi dao xoáy vào tim nàng. Trong tay nàng, xác chuột con đã lạnh cứng. Không hiểu sao, nàng khao khát được ôm Càn Đức một lần. “Ngày mới... ngày mới rồi...”, phế hậu lẩm bẩm như vô thức. Xung quanh, các thị nữ đều lả đi, nằm ngổn ngang trên nền gạch hoa cúc lạnh băng như những cái xác không hồn.
“Rầm”, cánh cửa cung Dương Thượng bật mở. Một làn gió lùa vào đem theo mùi hương lạnh lẽo. Tất cả các thị nữ hoảng hốt bật dậy. Trước mặt họ là Lan thái phi cùng rất nhiều thái giám lực lưỡng. Thái phi đẹp quá, uy nghi quá, bộ y phục nàng mặc lộng lẫy quá. Đứng trước nàng, những kẻ mang thân phận nhược tiểu đều thấy cần quỳ lạy. Nàng liếc nhìn sang viên thái giám tổng quản. Y vội vàng rút chiếu thư ra đọc. Là chiếu thư bức tử! Phế hậu và bảy mươi hai thị nữ trong Dương Thượng cung sẽ phải tuẫn táng theo tiên đế!
Chúng thị nữ khóc lóc thảm thiết, dập đầu như tế sao: “Xin thái phi tha mạng. Xin thái phi tha mạng”. Ánh mắt thái phi sắc lạnh, nàng quát lớn: “Lũ tiện nhân các người, dám gọi ta là thái phi. Ta sắp sửa là hoàng thái hậu, nghe rõ chưa, hoàng thái hậu”. Rồi nàng tiến đến gần phế hậu, lúc này vẫn lặng im, mặt không biến sắc: “Bạch Điệp, bà không xin ta sao? Bà không sợ chết sao?”. Phế hậu không trả lời. Đôi môi nàng khẽ nở một nụ cười cay đắng. Nàng đến bên lu nước lã, khẽ vục chút nước rửa mặt, rồi vén lại mái tóc. Nàng đang chuẩn bị cho chuyến đi của mình.
“Làm đi”, thái phi lạnh lùng ra lệnh. Lũ thái giám xô tới. Những tiếng kêu khóc ai oán dậy lên rồi im bặt. Bảy mươi ba dải lụa trắng phất phơ bay.
“Hoàng... hoàng thái hậu, người nhìn xem”. Tên thái giám líu lưỡi lại. Lan thái phi nhìn theo tay hắn chỉ, tim nàng như ngừng đập trong niềm kinh sợ tột độ. Trong ánh mặt trời lóe lên của ngày mới, đàn bướm trắng hàng ngàn con từ đâu bay tới. Những đôi cánh mỏng manh chấp chới rợp cả cung Dương Thượng. Chúng tụ lại, đậu quanh di hài Dương phế hậu, như một tấm lụa trắng trong thuần khiết. Đoạn, tất cả lại chấp chới bay lên không trung, xa mãi, xa mãi, rồi biến mất...
Lan thái phi lên làm hoàng thái hậu, có tài kinh bang tế thế, giúp cho quốc thái dân an. Nghe đồn bà chăm chỉ xây chùa, ngày ngày tụng kinh niệm Phật nhưng không hiểu vì sao rất sợ loài bướm trắng...
17/7/2019
An Thư
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...