Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Trên dòng sông Dinh

Trên dòng sông Dinh

Cậu thanh niên trẻ tuổi quê ở Chánh Hòa (Nam Trạch, Bố Trạch) khéo léo điều khiển con thuyền máy lướt đi trên sông, giọng nói hồ hởi hòa trong tiếng máy lạch bạch: “Đời sông nước cực lắm nhưng đêm trên sông cũng có nhiều cái hay. Ở miết trên sông lâu rồi cũng thành nghiện. Anh chị cứ đi thử một lần cho biết”.

5 giờ chiều. Chúng tôi men theo con dốc nhỏ xuống dòng Dinh, đoạn qua địa phận thôn Phúc Tự Đông, xã Đại Trạch (Bố Trạch). Dòng sông buổi chiều hè vắng lặng lạ kỳ, thi thoảng chỉ có vài ba con trâu nhẩn nha gặm cỏ, rồi đằm mình dưới nước. Sông chẳng có một gợn sóng.
Ở giữa sông, những khối đá với đa dạng hình hài nằm xếp bên nhau, vô tình kiến tạo nên một bức tranh đẹp lạ lùng. Anh chủ thuyền tên Tẩn chẳng ngại ngần gật đầu cho những người khách lạ là chúng tôi lên thuyền, dẫu chiếc thuyền nhôm nhỏ của anh dường như khá mong manh trước cái bao la của sông nước.
Chồng chồng, lớp lớp những cái rập đơm cá xếp lên nhau, cao ngất, như thể muốn nuốt chửng cái dáng bé nhỏ đến tội nghiệp của mẹ anh-bà Nguyễn Thị Hồng. Người phụ nữ ấy có khuôn mặt khắc khổ nhưng bao giờ cũng nở nụ cười thật tươi. Mái tóc đã bạc màu quá nửa, vài ba sợi tóc vắt ngang qua khuôn mặt nhiều nếp nhăn. Đôi bàn tay của bà thoăn thoắt xếp lại từng cái rập thật ngay ngắn. Bà bảo: “Phải xếp lại rứa chứ đi trên sông Dinh ni nhiều đá ngầm lắm, thường xuyên gặp đá là chuyện bình thường”.
Quả đúng như lời bà, con thuyền máy lướt đi trên sông nhưng thi thoảng bị “mắc cạn” bởi những bãi đá ngầm lởm chởm. Nhanh như cắt, Tẩn thả mái chèo, nhảy ùm xuống nước. Nước tại những bãi đá này trong vắt, chưa quá đầu gối. Tẩn giải thích: “Phải làm vội, chứ thuyền nhôm mà cà vô đá miết thì trước sau chi cũng thủng”. Quãng đường thả rập, đơm cá của hai mẹ con anh chỉ kéo dài chừng 3km nhưng đã vài ba lần “mắc cạn”.
Lại tiếp tục nổ máy xuôi trên sông, Tẩn phân trần: “Tại mình mới vô nghề nên còn chưa rành đường đi, lối về chứ những người lâu năm trong nghề, quen thuộc từng con nước, họ có thể xác định được những bãi đá ngầm từ xa để mà tránh”. Nói đoạn, anh đẩy nhẹ chiếc thuyền máy lướt nhanh trên sông. Con thuyền nhỏ lại chênh chao rẽ nước vươn tới. Ở ngay cạnh, người phụ nữ già lần lượt đẩy từng cái rập đơm cá xuống sông, mang theo ước vọng một đêm mưu sinh vẹn tròn.
Xuôi thuyền trên sông khi ánh nắng cuối ngày thoi thóp dần rồi vụt tắt, dòng sông Dinh sẫm lại trong cái nhìn đượm buồn. Bà Hồng đã hoàn thành xong công việc của mình khi gần 100 cái rập đã được thả xuống lòng sông. Chúng được buộc liền nhau và neo lại bằng một khối bê tông khá nặng. Bà bảo như thế để rập khỏi bị trôi đi theo con nước.

Gạt vài ba sợi tóc lòa xòa trước mặt, bà kể trong tiếng thở dài: “Tiền đóng thuyền nhôm, rồi tiền mua rập, cả thảy cũng gần 50 triệu bạc. Không cẩn thận là bị trộm rập, mà chuyện mất trộm là chuyện thường ngày. Mất cái mô là đau rọt (ruột) cái nấy. Mới tuần trước, tui bị trộm mất cả chục cái, đi luôn hơn 2 triệu. Xót lắm!”.

Thuyền dừng lại ngay một khúc cua khá hẹp, nơi đây chỉ cách cửa biển chừng 3km. Lúc này, trời đã nhọ mặt người. Ngoài lèo tèo vài ba con thuyền chuyên thả rập, cuộc sống mưu sinh trên sông Dinh còn có bóng dáng những người làm nghề thả lưới. Trong số họ, có người đã neo đời mình với khúc sông này, với cái nghề sông nước ấy cũng ngót nghét vài chục năm. Họ ngồi trên những chiếc phao được làm từ săm lốp ô tô, dập dềnh trên sóng nước, thỉnh thoảng dừng tay lại rít điếu thuốc, cùng chuyện trò rôm rả.
Tiếng nói cười vang lên giữa xao xác gió và mênh mang nước. Phạm Văn Hữu - cậu thanh niên quê ở Chánh Hòa ép sát vào thuyền của Tẩn rồi hồ hởi chào hỏi: “Đêm qua khá không? Đêm qua suýt tý nữa là em mất mấy tay lưới”. Họ chạm mặt nhau hằng ngày nhưng câu chuyện cứ rổn rảng như thể đã lâu ngày mới gặp lại. Bên bữa cơm chiều cùng vài ba lon nước giải khát mang theo, những con người có làn da đen sạm vì nắng gió dòng Dinh ấy cứ say mê kể miết về chuyện sông, chuyện tôm, chuyện cá. Có lẽ, với họ, trên mỗi mao mạch cơ thể đã thấm nước dòng sông ấy.
Sẽ không sai khi nói như thế, nhất là với Hữu - cậu thanh niên mới chừng 20 tuổi nhưng đã gắn bó với nghề này khá lâu. Cha cậu là tay sát ngư có tiếng trên sông Dinh nên từ nhỏ, nhiều đêm liền, Hữu được cha mang theo trong những đêm lênh đênh trên sông nước. Cậu lớn lên bên tiếng máy nổ lạch bạch trên sông, với mùi tanh nồng của tôm, của cá.
Có lẽ thế nên Hữu có cách nói chuyện mộc mạc, hồn nhiên như sông. Tốt nghiệp THPT, chẳng theo đuổi một ngành học nào, Hữu chọn cho mình cuộc sống trên sông nước, lấy đêm làm ngày. Cậu bảo: “Làm nghề khác, em thấy mình không bon chen được với người ta, chỉ có nghề ni là hợp với em nhất. Cứ siêng một chút thì cũng không lo đói”. Nói rồi, cậu lại nở nụ cười thật hiền. Gương mặt em như sáng lên trong ánh chiều chập choạng.
Mặt trời gác núi. Gió qua sông vẫn lồng lộng thổi. Những ánh đèn bắt đầu lấp lánh trên một khúc sông hẹp. Ánh sáng hiu hắt tỏa ra từ những chiếc đèn pin cầm tay chẳng đủ để soi tỏ mặt người nhưng là phương tiện hữu hiệu trong những đêm thức, ngủ cùng dòng sông. Đêm trên sông Dinh, lặng lẽ và yên bình! Chỉ có tiếng sóng thỉnh thoảng lại vỗ nhẹ vào mạn thuyền. Giữa mênh mang sông nước, tựa như nỗi buồn dễ dàng bị cuốn đi, trôi tuột theo từng con nước...
Có lẽ thế mà Hữu vẫn nhắc hoài câu nói: “Làm nghề sông nước cực khổ thiệt, nhất là những đêm trời gió rét, chẳng còn chi khổ bằng, nhưng cứ ra sông là thấy vui chị à, chẳng phải nghĩ ngợi chi ngoài chuyện tôm, chuyện cá”. Đêm trôi qua nhẹ tênh trên sông Dinh. Thỉnh thoảng cậu lại cất lên vài ba bài hát nhạc trẻ, chẳng rõ đầu, đuôi, phá vỡ cái tĩnh lặng yên bình vốn có trên sông.   

3h sáng, có lẽ là khoảng thời gian được mong chờ nhất trong mỗi cuộc mưu sinh: khoảnh khắc thu lưới, kéo rập. Khi những chiếc thuyền chênh chao tiến ra giữa sông, ánh đèn toả về các ngả, bắt đầu công đoạn vất vả nhưng đầy háo hức. Việc kéo rập khó nhọc và đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại để gỡ cá, tôm, làm sao vẫn đủ độ tươi và còn nguyên vẹn.

Công đoạn ấy kéo dài chừng 2h đồng hồ. Khi những rập cá bắt đầu được xếp lại ngay ngắn như ban đầu, rổ cá cũng dần đầy lên. Những con thuyền tất tả ngược dòng để kịp cho buổi chợ sớm. Ánh bình minh đã tràn trên từng khuôn mặt người. Trên bờ, những người phụ nữ đón đợi sẵn với nụ cười lấp lánh hy vọng. Tôi thấy niềm vui ấm nồng trong ánh mắt của Hữu, của Tẩn và rạng rỡ trên gương mặt nhiều nếp gấp của bà Hồng.
Đều đặn sau một đêm thức trọn với sông nước, họ sẽ có khoảng 1 - 2 trăm nghìn đồng bỏ túi. Đêm trúng đậm thì cũng được 3- 5 trăm. Như thế, ở cái xóm neo mình bên dòng Dinh này cũng được gọi là xông xênh, khá giả. Nhưng không phải gia đình nào cũng có thể làm cái nghề lấy đêm làm ngày này được bởi nghề đánh cá đêm vẫn nhọc nhằn với bao điều may rủi. Phải yêu sông lắm họ mới chấp nhận rời xa những thú vui trên bờ, chấp nhận gắn bó đời mình với những đêm thức, ngủ cùng con nước.
Trong câu chuyện in bóng dáng sông nước của mình, họ trăn trở bởi nạn khai thác cát sạn trái phép đã từng một thời làm nhức nhối lòng sông. Và hôm nay, họ lại chất chứa một nỗi lo mơ hồ khác: “không biết vì sao, mấy hôm rồi nước sông đỏ ngầu, cả đêm ngâm trong nước là y như rằng sáng mai tay bỏng rát, lạ lắm”. Thế mới hiểu, cái đau của sông trở thành nỗi đau chung của bao phận người gắn chặt với sông.
Dù không dài rộng, không tích tụ nhiều phù sa như những dòng sông khác, nhưng dòng chảy của sông Dinh vẫn chất chứa những sản vật lưu danh. Xuôi theo sông, để nghe hương vị ngọt ngào lan theo con nước. Một lần thức để nghe hơi thở của sông Dinh lúc nửa đêm về sáng, nghe con cá mắc lưới quẫy đuôi vọng hoài nhịp sống và để thấy yêu hơn chính từng khúc sông nhỏ gắn bó với bao phận người nổi nênh trên sông.

27/6/2015
Diệu Hương
Theo https://baoquangbinh.vn/


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tình yêu của biển – Chùm thơ của Lê Nhi   1 Tháng Tư, 2023 Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/...