Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Hà Nội, thành phố trong hồi tưởng

Hà Nội, thành phố trong hồi tưởng

Từ trong đáy thẳm của tâm hồn, mỗi người tong chúng ta đều có một nơi để mà thương, mà nhớ.
Nơi chốn ấy, có thể là nơi ta cất tiếng khóc đầu đời, trải qua nhiều năm tháng của tuổi thơ với đầy ắp kỷ niệm.
Nơi chốn ấy, có thể là ngôi làng xưa với bóng đa xanh ôm ta ngày bé, có thể là thành phố cũ với những con đường hồng trời hoa phượng nở, vàng chiều ngợp lá me bay.
Nơi chốn ấy, có những con đường tình ta đi, có những lối mòn ta hẹn tới, e ấp mộng ban đầu…
Nơi chốn ấy, ta muốn tìm về, ta muốn gửi gấm biết bao niềm thương, nỗi nhớ.
Nơi chốn ấy, có thể mờ nhạt theo lớp bụi thời gan, theo những thăng trầm của dòng đời xôn xao sóng vỗ, từng trang sử phế hưng. Nhưng đôi khi, chỉ một thoáng nhớ, một giây phút liên tưởng cũng đủ đưa ta về với ngào ngạt hương hoa, với nồng nàn kỷ niệm.
Chiều nay, một buổi chiều chớm thu, gió heo may lại về với bầu trời trong xanh, ngàn cây thay sắc áo. Tôi thơ thẩn đi dạo trên bờ sông Potomac êm đềm, làn nước lăn tăn gợn sóng. Trong cái se se lạnh của một mùa thu nơi đất khách, tôi thấy lòng nao nao nhớ về những chiều thu Hà Nội với hồ Gươm của một thời trẻ dại năm xưa. Này là đền vua Lê u sầu, tĩnh mặc, này Tháp Rùa soi bóng nước xanh, này đền Ngọc Sơn cổ kính, này cầu Thê Húc cong cong… ẩn hiện trong màn liễu rủ quanh hồ.
Vào những ngày có mưa phùn bay bay, giăng giăng khắp nẻo, những cô gái Hà Thành duyên dáng trong những tấm áo nhung đủ màu sắc, đổ xuống từ phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai,, Cầu Gỗ, Trường Thi… Các cô đi dạo bờ hồ để thưởng thức cái thú đi trong mưa, để hưởng cái lành lạnh của gió heo may đưa về. Màn mưa mỏng và nhẹ như hơi sương. Mưa không ướt áo, mưa không ướt mặt, mưa chỉ làm hồn xuân các cô phơi phới khi nghe các chàng trai Hà Nội tán tỉnh:
“Yêu em góp cả mưa phùn lại
Nhốt kín em vào trong giấc mơ”
Hà Nội không chỉ có hồ Gươm mà còn có hồ Trúc Bạch rộng mênh mông và hồ Tây mịt mù khói tỏa. Có một thời, hồ Tây còn được gọi là hồ Mù Sương:
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Sương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chầy Yên Thái mặt gương Tây hồ”
Thuở xa xưa lắm, hồ Tây còn được gọi là hồ Lãng Bạc. Lãng Bạc xưa kiêu hùng với trận thủy chiến vẻ vang, Hai Bà Trưng đánh quân Mã Viện của triều Đông Hán cũ. Hàng năm, cứ đến ngày mồng sáu tháng hai, ngày giỗ Hai Bà, dân Hà Nội lại đến Đền Hai Bà ở làng Đồng Nhân để làm lễ tưởng niệm hai vị anh thư lừng danh kim cổ.
Hồ Tây cũng là nơi cuộc tình Nguyễn Trãi - Thị Lộ khởi đầu với những vần thơ đối đáp:
“Ả ở đâu đi bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?
Hỏi có có chồng chưa, được mấy con?
Và:
“Tôi ở Tây hồ bán chiếu gon
Hỏi chi chiếu ấy hết hay còn.
Xuân xanh mới độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con?”
Nguyễn Trãi, một công thần nhà Lê, nằm gai nếm mật, giúp Lê Lợi dựng nghiệp nhưng sau đã bị chu di tam tộc. Vụ án này mãi mãi là một vết nhơ trong lịch sử Việt Nam.
Gần hồ Tây có Cổ Nguyệt Đường, nơi mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã sống, đã sáng tác những vần thơ bất hủ:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bẩy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”
Ngoài những hồ nước mênh mông giữa lòng thành phố, Hà Nội còn có biết bao danh lam thắng cảnh với một khí hậu ôn hòa của bốn mùa xuân hạ thu đông. Có lẽ vì lý do ấy nên vua Lý Thái Tổ đã xuống chiếu dời đô về Thăng Long năm 1010.
Như vậy, Hà Nội đã tròn một ngàn tuổi vào năm 2010 và đã bước vào câu lạc bộ những thành phố ngàn tuổi của thế giới với Jerusalem, Bagdad, Rome, Bắc Kinh, Kyodo, London, Paris.
Một ngàn năm, Thăng Long hay Đông Đô hay Tây đô hay Đông Kinh hay Hà Nội trải qua bao mùa hưng phế nhưng những di tích lịch sử vẫn ngạo nghễ với thời gian: Gò Đống Đa còn vang vọng tiếng trống Hạ Hồi vua Quang Trung đánh đuổi quân nhà Thanh thuở trước.
Chùa Một Cột được xây cất từ đời vua Lý Thái Tông là một kiến trúc thật độc đáo! Ngôi chùa thờ Phật Quan Âm, xây theo hình hoa sen trên một cột đá thật lớn, quanh chùa là hồ nước trong xanh, thả sen trắng van hồng. Ngôi chùa này đã nhắc nhở ta nhớ tới sự hưng thịnh của đất nước trong bốn trăm năm dưới triều đại nhà Lý.
Văn Miếu với những tấm bia ghi tên những nhân tài thuở trước đã là gương sáng cho hậu thế noi theo…
Hà Nội đẹp như tranh vẽ với núi Nùng, sông Nhị, Đền Voi Phục, chùa Láng… và những con đường nhỏ được ôm ấp bởi những hàng bàng, hàng sấu ngát xanh. Những con đường trải nhựa bóng láng nhờ những bác phu quét dọn buổi sáng sớm tinh mơ và xe vói rồng phun nước vào những buổi trưa hè oi ả. Những mái nhà lợp ngói âm dương cũ rêu phong cổ kính:
“Thăng Long Hà Nội đô thành
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ
Cố đô rồi lại Tân đô
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây"
Hà Nội được coi như đất ngàn năm văn vật, được coi như Trường An của ta. Hà Nội gạo trắng nước trong, người người thanh lịch:
«Không thơm cũng thể hoa nhài
Không người thanh lịch cũng người Tràng An»
Hà Nội có ba mươi sáu phố phường:
“Rủ nhau chơi khắp Long thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai…”
Các tiểu thư Hà Nội thường “bát phố” Hàng Ngang, Hàng Đào để ngắm một rừng tơ lụa, gấm vóc nhập cảng từ Pháp, từ Thượng Hải bên Tàu. Khi “bát phố” các cô chỉ mặc áo dài hàng vân hoặc lụa Hà Đông với quần lụa trắng. Tiếng guốc khua vang trên hè phố nghe thật vui tai khiến các chàng trai cũng không thể bỏ lỡ dịp lẽo đẽo theo sau, thật là:
“Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm”
Vào những dịp Tết Trung Thu, Hàng Đường, tưng bừng kẻ qua người lại. Những gian hàng bán bánh dẻo, bánh nướng rực sáng dưới ánh đèn đêm nhấp nháy Những bảng hiệu lớn vẽ cung vàng điện ngọc, cô tiên gẩy đàn, Hằng Nga, Chú Cuội… khiến ta như lạc vào cảnh thần tiên diễm ảo. Hàng Mã là thế giới của tuổi thơ với một rừng lồng đèn muôn màu, muôn sắc, muôn hình muôn dạng: lồng đèn ngôi sao, cá chép, tàu bay, tàu thủy, con bướm, con voi, con ngựa… Những đèn con bướm, con thỏ…bằng sắt tây, đẩy kêu leng keng và những con giống, những mâm ngũ quả làm bằng bột, nhỏ xíu, đã làm cho những đôi mắt bé thơ sáng long lanh, miệng cười như hoa nở.
Hà Nội có năm cửa ô: ô Quan Trưởng, ô Cầu Giấy, ô chợ Dừa, ô Cầu dền, ô Đông Mác, đã được thi sĩ Vũ Hoàng Chương ví như một đóa hoa năm cánh.
Từ các vùng phụ cận, những người dân đổ vào các cửa ô để vào thành phố làm việc hoặc buôn bán. Họ gánh rau, đậu, quà bánh, hoa quả…đi bán rong khắp các phố phường với tiếng rao lanh lảnh. Hàng quà là bạn thiết của tuổi thơ. Buổi sáng có bánh mì nóng giòn, ba tê xúc xích, không muối như mưa trả lại tiền, cháo đậu xanh, cháo sườn, bánh nếp, bánh tẻ, bánh khoai, xôi lúa, xôi lạp sường… Mùa thu thì có thêm cốm, những hạt cốm xanh non được gói bằng những chiếc là sen thơm thơm của những cô gái làng Vòng được dân Hà Nội chờ đón và say sưa thưởng thức! Buổi trưa có tào phở, lục tào xá… buổi tối có chè đậu đen, chè đậu xanh. Những người khá giả hơn, có chỗ ngồi ở chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Châu Long…
Nhắc đến phố Hàng Da, ta lại nhớ đến căn nhà số 5, nơi Phạm Quỳnh, linh hồn của tạp chí Nam Phong, một thời đã sống để ngày ngày đi bộ đến làm việc ở hội Khai Trí Tiến Đức, ngay bên hồ Gươm, cuối đường Hàng Trống. Ta lại nhớ đến căn nhà số 80 phố Quan Thánh, góc phố Quan Thánh và phố Hàng Bún, cái nôi của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nơi mà nhà văn Khái Hưng đã viết văn, làm báo. Có sự liên tưởng ấy vì tạp chí Nam Phong, nhóm Tực Lực Văn Đoàn đã có công rất lớn đối với nền văn học nước nhà và Phạm Quỳnh, Khái Hưng, hai nhà làm văn hóa đã có những tác phẩm giá trị về cả hai phương diện văn chương và tư tưởng đã chịu chung một số phận đau thương là bị Cộng sản giết vào năm 1945, 1947.
Hà Nội ngàn năm văn vật, Hà Nội ba mươi sáu phố phường, Hà Nội năm cửa ô xưa, là thành phố trong hồi tưởng của tôi.
Văng vẳng bên tai tôi là âm hưởng của “Mưa Sài gòn, Mưa Hà Nội”, một ca khúc của Phạm Đình Chương, phổ thơ của Hoàng Anh Tuấn:
“Mưa mùa thu, năm cửa ô sầu hiu hắt trong ngục tù, tủi thân nhớ bao ngày qua. Mưa ngùi thương nhòa trên dòng sông Hồng Hà. Ôi còn đâu vàng son mùa thơ hiền hòa. Đau lòng Tháp Rùa, Thê Húc bơ vơ, thành đô xác xơ. Cô liêu trong nỗi u hoài. Lòng người sống lạc loài, thê lương mềm vai gầy, bao oan trái, dâng tê tái. Cho kiếp người héo mòn tháng ngày…”
Hà Nội trong tôi là Hà Nội của những ngày tháng cũ, những ngày tháng, năm cửa ô không “sầu hắt hiu trong ngục tù" vì chưa có “Mưa sa trên màu cờ đỏ”.
Những ngày tháng Hà nội còn có thể là nguồn cảm xúc dạt dào của biết bao tâm hồn nghệ sĩ. Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương… đã có những áng thơ văn mượt mà viết về Hà Nội. Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ cảnh trí Hà Nội với tất cả tấm lòng. Nhiếp ảnh gia Phạm Văn Mùi, Nguyễn An Ninh, Cao Đàm. Cao Lĩnh đã thu lại biết bao hình ảnh tuyệt vời của Hà Nội để hôm nay, những người Việt xa quê hương cả nửa vòng trái đất có thể nhìn ngắm cảnh Hà Nội để mà thương, mà nhớ và để tiếng tơ lòng thổn thức với lời ca của Vũ Thành trong bản nhạc “Giấc Mơ Hồi Hương”:
“Lìa xa, thành đô yêu dấu
Một sớm khi heo may về…
Lê Thị Nhị
Theo https://vbmdhk.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...