Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Phần IIId: Nhiều tác giả viết về thầy Tuệ Sỹ

Phần IIId: Nhiều tác giả viết về thầy Tuệ Sỹ

THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH
ALONE ON A LENGTHY JOURNEY 
Poem by Tue Sy 
Translated by Phe Bach 
Edited by Professor 
Nguyễn Văn Thái
THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH 
1. Ta về một cõi tâm không 
Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn 
Còn yêu một thuở đi hoang 
Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya 
2. Ta đi dẫm nắng bên đèo 
Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều 
Nguyên sơ là dáng yêu kiều 
Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ 
Còn đây góc núi trơ vơ 
Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao 
3. Bên đèo khuất miếu cô hồn 
Lưng trời ảo ảnh chập chờn hoa đăng 
Cây già bóng tối bò lan 
Ta ôm cỏ dại mơ màng chiêm bao 
4. Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn 
Bóng người cô độc dẫm hoàng hôn 
Bởi ta hồn đá phơi màu nắng 
Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn 
5. Từ thuở hồng hoang ta ở đâu 
Quanh ta cây lá đã thay màu 
Chợt nghe xao xuyến từng hơi thở 
Thấp thoáng hồn ai trong khóm lau 
6. Trên đỉnh đèo cao bát ngát trông 
Rừng, mây, xanh, ngất tạnh, vô cùng, 
Từ ta trải áo đường mưa bụi 
Tưởng thấy tiền thân trên bến không 
7. Khi về ngả nón chào nhau 
Bên đèo còn hẹn rừng lau đợi chờ 
Trầm luân từ buổi ban sơ 
Thân sau ta vẫn bơ vơ bụi đường 
8. Bóng tối sập mưa rừng tuôn thác đổ 
Đường chênh vênh vách đá dọa nghiêng nghiêng trời 
Ta lầm lũi bóng ma tròn thế kỷ 
Rủ nhau đi cũng tận cõi luân hồi 
Khắp phố thị ngày xưa ta ruổi ngựa 
Ngang qua đây ma quỷ khác thành bầy 
Lên hay xuống mắt mù theo nước lũ 
Dẫm bàn chân lăn cát sỏi cùng trôi 
Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu 
Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi 
Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu 
Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi 
9. Gởi lại tình yêu ngọn cỏ rừng 
Ta về phố thị bởi tình chung 
Trao đời hương nhụy phơi hồn đá 
Thăm thẳm mù khơi sương mấy từng 
10. Một thời thân đá cuội 
Nắng chảy dọc theo suối 
Cọng lau già trầm ngâm 
Hỏi người bao nhiêu tuổi 
11. Bước đi nghe cỏ động 
Đi mãi thành tâm không 
Hun hút rừng như mộng 
Chập chùng mây khói trông 
12. Thân tiếp theo thân ngày tiếp ngày 
Mù trong dư ảnh lá rừng bay 
Dõi theo lối cũ bên triền đá 
Sao vẫn còn in dấu lạc loài 
13. Khi về anh nhớ cài quai nón 
Mưa lạnh đèo cao không cõi người 
Lonely Journey of Thousand Miles 
1. 
On my way back to mind emptiness, 
I still hear the past flooding the dying sun; 
I am still in love with the times of the wild: 
Hoarding in the depth of the eyes the thousands of midnight stars 
2. 
Stepping on the sun’s rays on the hillside of the pass, 
I hear the suffering soul of the grass withering along with twilight, Which, so charming in its original form, 
All of a sudden turns into infinite solitude, 
Leaving behind only a corner of a lonely mountain; 
For thousands of years I keep waiting for the summit. 
3. 
Hidden by the side of the pass is erected a shrine for wandering souls, In the middle of the sky are perching illusionary images of flickering lanterns. 
While old trees are casting long widespread crawling shadows, 
I embrace the wild grass, lost in reverie. 
4. 
Thousands of years of waiting wearies me, 
The shadow of a lonely man tramping the crepuscule 
Since I have exposed my soul of stone to the harsh sun 
While embracing the reeds to cover up all sadness. 
5. 
Where have I been since the beginning of time? 
While around me leaves have changed their colors, 
I suddenly hear the stirring of a living breath: 
Gleaming somewhere in the reeds is somebody’s soul. 
6. 
The immensely tall summit overlooks Forests, clouds, extremely dark green and quiet. 
Since the time I rolled out my clothes onto the dusty rainy roads, 
I thought I could latch on to my previous existence at the berth of Void. 
7. 
On my way back home, while tilting our hats for a good-bye, 
We still promise to wait for each other in the reeds at the hillside of the pass: 
Immersed in existential miseries since the very beginning, 
Our future incarnations must wander about amidst the misfortunes of life. 
8. 
As darkness befalls and forest rains pour down torrentially, 
On the precarious rocky cliff road threatening to tilt the sky, 
Wretchedly I walk like a specter throughout the century, 
Urging others to jointly complete the cycle of samsara 
Across cities where on horseback we carry on our journey 
Past this place where gather in groups devils and ghosts, 
Up and down following the flood due to blind eyes, 
Stepping on rolling pebbles and sliding sand, 
Slumping upon cascades filled up with blood: 
Existential body is the body of leaves of grass bending to the bumpy road, 
Waiting for the rain to let up so I can roll out the moon for a sleeping mat 
And white flowers can blossom on the hill thousands of years later. 
9. 
Leaving love behind with the leaves of grass in the forests, 
I return to the cities that call up loyalty, 
Giving up ephemeral existence laid bare onto my soul of stone 
Deep in the dense fog piled up with a multitude of layers of dew. 
10. 
Once being a pebble 
In the sun that flows onto a rivulet and 
Alongside an old stalk of reed that remains quietly pensive, 
I was inquired about my age. 
11. 
As my steps agitate the grass, 
Empty mind I reach as I persist in proceeding: 
Never ending lie forests like dreams 
In witness of accumulating smoky clouds. 
12. 
Existential body follows one another day after day, 
Obfuscated in the superfluous images of the flying forest leaves, Continuing the old trodden road near the rocky cliff 
Paradoxically imprinted with marks of errant conduct. 
13. 
On your way back, bear in mind to tighten up the ribbon of your conic hat, 
The rain being freezing cold; the pass, elevated where no world of humankind is found. 
Poems by Tuệ Sỹ 
Translated by Bạch Xuân Phẻ 
Edited by Professor 
Nguyễn Văn Thái 
Nguồn: http://phebach.blogspot.com 
TUỆ SỸ TRÊN NGÕ VỀ IM LẶNG 
TÂM NHIÊN
Giữa thiên đường rong chơi lêu lổng 
Cõi vĩnh hằng mờ nhạt rong rêu 
Ta đi xuống quậy trần hoàn nổi sóng 
Đốt mặt trời vô hạn cô liêu. 

Tuệ Sỹ là ai mà thơ hào sảng, hùng tâm tráng khí như thế? Tuệ Sỹ quê Quảng Bình, sinh năm 1943, nhỏ hơn Phạm Công Thiện 2 tuổi, cũng là một bậc thiên tài xuất chúng, làu thông kinh điển Nguyên thủy, Đại thừa và nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Hán, Phạn, Pali. Khi mới vừa 26 tuổi đã viết Triết Học Về Tánh Không làm chấn động giới văn nghệ sĩ, học giả, thiện tri thức Việt Nam thời bấy giờ. 
Cùng đứng tên trong nhóm chủ trương tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, trước năm 1975, Tuệ Sỹ cũng là giáo sư giảng dạy Thiền tông, Trung quán luận ở Đại học Vạn Hạnh và Cao đẳng Phật học viện Hải Đức, Nha Trang, nổi bật lên như một hiện tượng độc đáo, gây bao nguồn cảm hứng cho những tâm hồn ưa thích thiền học, thi ca và phiêu lãng. 
“Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết mọi chân trời mới cũ từ Đường thi Trung Hoa tới siêu thực Tây phương” (1). Bùi Giáng đã nhận định như thế về Tuệ Sỹ qua bài thơ Không đề: 
Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ 
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang 
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ 
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn 
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở 
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan 
Cười với nắng một ngày sao chóng thế 
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng? 
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ 
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh 
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ 
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn 
Trừ thi sĩ Bùi Giáng ra, khi nói về Tuệ Sỹ thì có lẽ không ai đủ tư cách, thẩm quyền bằng triết gia Phạm Công Thiện: 
“Có sống bên cạnh Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát từ ngày này qua ngày khác, trong những hoàn cảnh khác nhau thì mới may ra cảm nhận đôi chút tác phong thiền sư kín đáo toát ra một cách tự nhiên, một cách vô công dụng hạnh từ đời sống thường nhật và tinh thần diệu nhập của hai vị. Tôi xin gọi hai vị này là thiền sư với tất cả đắn đo thận trọng, với tất cả ý nghĩa cao đẹp và như thực của một danh xưng xung thiên chí”. 
Như vậy, chúng ta có thể gọi Tuệ Sỹ là một thiền sư thi sĩ với ý nghĩa trọn vẹn, tốt đẹp nhất của danh từ. Còn tiến sĩ kỳ tài Lê Mạnh Thát, bạn thân thiết, cận kề Tuệ Sỹ là nhà Phật học, Sử học quảng bác, lão luyện, uyên thâm, một con người quán tuyệt cổ kim, thông tuệ, siêu quần bạt chúng, cũng bằng tuổi Tuệ Sỹ 
Giống như Tuệ Trung Thượng Sỹ thời Trần thuở xa xưa, Tuệ Sỹ bây giờ cũng là một thiền sư thi sĩ đích thực. Điều đó chứng tỏ qua những tác phẩm thâm viễn, uyên áo, nhất là thể hiện qua phong cách sống đạm bạc, đơn sơ giản dị mà rất nghệ sĩ phiêu bồng, thong dong phóng khoáng, khai mở thông lộ tự do cho con người, biết mỉm cười vô úy, “uy vũ bất năng khuất” trên tinh thần Đại bi tâm trầm hậu giữa muôn chiều diệu dụng với đời sống thực tại cái đang là. 
Năm 1973, Tuệ Sỹ vừa đúng 30 tuổi, viết Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng, một tác phẩm thâm thúy tuyệt trù, trữ tình lai láng, tràn đầy chất nhạc và thơ, mở ra con đường phong quang sáng tạo, ngạt ngào hương vị thi ca hòa chan cả trời thơ đất mộng không cùng: “Đạt đến cõi thượng thừa của Thơ như người học Thiền chứng chỗ Không tịch của Đạo, cái đó vừa khó vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm đày đọa thân tâm mà không thành. Phẫn chí bỏ đi, bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi Không tịch cũng hoạt nhiên, đột ngột mở ra. Chỗ ảo diệu đó, khó giảng cho thông. Cho nên không thể nào lấy tay chỉ thẳng vào cõi thơ, rồi bảo đây là chân diện mục của nó… 
Thơ phát ra từ những khổ lụy và những nguyện ước khơi vơi của cuộc tồn sinh, từ độ đó, Thơ đi vào những thảm họa hoành sinh của lịch sử. Từ buổi bình minh, Thơ vang vọng những lời tình tự thiết tha, từ tiếng chim thư cưu nơi cồn cát đến những đêm dài trằn trọc... Thơ dấn bước đi vào cuộc lữ… 
Thơ phát ra từ cuộc lữ đọa đày rồi trở lại đọa đày cuộc lữ. Cuộc lữ là trường thể nghiệm lịch sử tồn sinh thảm họa của Thơ và Thơ mở rộng những phương trời lữ thứ. Quê hương nguyên thủy chỉ là những âm vang của lịch sử, vang dội ngân dài trong những phương trời viễn mộng. Cho nên đất của Thơ là đất trích, là những vùng đày ải, đường của Thơ là quán trọ, là những bước đường ngược gió. Mặn nồng nơi đất trích, lân la nơi quán trọ, cuộc thể nghiệm dây dưa với hằng triệu vấn vương và cũng là cuộc thể nghiệm cho khước từ tuyệt đối… Bởi cách điệu trầm trọng như thế, nên Thơ là phong vận tài hoa, đẹp như những cụm mây trời trong nắng sớm” (2). 
Tuệ Sỹ nói về cõi thơ Tô Đông Pha mà vô hình chung cũng dường như nói về cõi thơ của chính mình. Thật vậy, cõi thơ Tuệ Sỹ bước đi bi tráng giữa dòng sử lịch kinh hoàng của thời hiện đại. Đơn sơ mà kỳ vĩ, bi ai mà hùng tráng, im lặng mà sấm sét, tĩnh tọa mà phiêu bồng, đó là cõi thơ trầm thống, khốc quỷ kinh thần của Tuệ Sỹ, một thi sĩ thượng thừa, một tài hoa đủ điệu, một tâm hồn cô liêu cùng tuyệt với hồn thơ thâm viễn, uyên mặc u ẩn, ngân dài trên giai điệu trầm tư lãng đãng: Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn 
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về 
Để cho trời thơ phiêu phưởng, bước đi lồng lộng, độc hành ca giữa đỉnh cao và hố thẳm, làm kẻ rong chơi từ thuở hồng hoang hỗn độn, phiêu hốt tang bồng, rong rêu, lêu lổng trong cuộc mộng trần sa: 
Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn 
Treo gót hài trên mái tóc vào thu 
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá 
Rủ mi dài trên bến cỏ sương khô 
Vì lêu lổng mười năm trời nói mộng 
Ôm tình già quên bẵng tuổi hoàng hôn 
Một sớm nọ nghe chim buồn đổi giọng 
Người thấy ta xô dạt bóng thiên thần 
Đất đỏ thắm nên lòng người hớn hở 
Đá chưa mòn sao lòng dạ trơ vơ 
Thành phố nọ bởi sương mù nắng quái 
Nên mười năm quên bẵng mộng giang hồ 
Cuộc rong chơi phiêu bạt, lãng tử giang hồ vô tận đến nỗi quên bẵng hết những chuyện mộng mị chiêm bao, hồn thi nhân chuếnh choáng, xuất thần lâng lâng rồi chợt bỗng hóa thân thành cánh chim én mùa xuân bay qua dòng sông chiều tàn hoang vắng hay làm cánh bướm chao nghiêng, tung lượn xôn xao giữa mưa nắng phong trần: 
Một con én một đoạn đường lay lất 
Một đêm dài nghe thác đổ trên cao 
Ta bước vội qua dòng sông biền biệt 
Đợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao 
Bóng ma gọi tên người mỗi sáng 
Từng ngày qua từng tiếng vu vơ 
Mưa xanh lên tóc huyền sương nặng 
Trong giấc mơ lá dạt xa bờ 
Người đứng mãi giữa lòng sông nhuộm nắng 
Kể chuyện gì nơi ngày cũ xa xưa. 
Con bướm nhỏ đi về trên cánh mỏng 
Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa? 
Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng 
Người vẫn đi như nước chảy xa nguồn 
Bờ bến lạ chút tự tình với bóng 
Mây lạc loài ôi tóc cũ ngàn năm 
Ngàn năm rồi mà sao vẫn còn mãi lạc loài hỡi mây trắng hoằng viễn miên du? Nhà thơ chợt lặng thầm trầm tư thắc mắc, chẳng biết chiếc lá vàng úa rụng xa mùa kia sẽ về đâu giữa phong ba, bão loạn? Nhưng rồi bỗng thấy “năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng” nên cứ để mặc nhiên cho dòng thơ trôi chảy qua nghìn bến bờ xa lạ nhòa nhạt hoang vu tận cuối bãi mịt mù. Thi nhân chạnh lòng trắc ẩn trong ngậm ngùi, khắc khoải, xót xa cho bao kiếp người phải hốt hoảng, kinh hoàng vượt trùng dương để tìm kế sinh tồn. Cưu mang nung nấu một nỗi niềm tâm sự mênh mông, không biết bày tỏ cùng ai nên chẳng biết nói gì hơn là để cho tiếng lòng ngân lên cung bậc sầu thương vô hạn trước những lượn sóng cuồng phong chìm nổi giữa sinh tử ba đào: Một bước đường thôi nhưng núi cao 
Trời ơi! Mây trắng đọng phương nào 
Đò ngang neo bến đầy sương sớm 
Cạn hết ân tình nước lạnh sao? 
Một bước đường xa xa biển khơi 
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời 
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ 
Nhưng mấy ngàn năm tống biệt rồi 
Cho hết đêm hè trông bóng ma 
Tàn thu khói mộng trắng 
Ngân hà Trời không ngưng gió chờ sương đọng 
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa 
Cho hết mùa thu biệt lữ hành 
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh 
Ta so phấn nhụy trên màu úa 
Trên phím dương cầm hay máu xanh 
Hình ảnh máu màu xanh bầm tím rơi xuống như mưa mù ảm đạm thật khiếp đảm làm sao, gợi ra bao cảnh xiêu hồn lạc vía ở địa ngục âm u mù tăm tối. Ơi chao! Địa ngục đó chẳng phải ở dưới lòng đất sâu kín kia mà lại ở ngay trên mặt đất trần gian này mới đau đớn, rợn người khủng khiếp chứ! Từ khi chứng kiến biết bao oan khiên, nghiệt ngã, biết bao khổ lụy đọa đày diễn ra một cách khốc liệt, tàn bạo, vô nhân đạo, vô lương tâm trên khắp mọi miền thế giới đó, nhà thơ nhạy cảm của chúng ta đã thấm thía một nỗi buồn vạn cổ sầu trong vô lượng xót thương: 
Ôi nỗi buồn từ ngày ta lạc bước 
Cố quên mình là thân phận thần tiên 
Cốt cách, phong vận của thi nhân vốn là ở cõi tự do tiêu sái, tiêu dao, bay bổng chất ngất một trời thần tiên huy hoàng tráng lệ. Thế mà cũng đành phải cố quên đi tất cả, vì ma quỷ A tu la tham sân si đã hiện hình như người, dùng bạo lực thâm độc, dốc hết tốc độ tham tàn, sân hận, si mê giáng xuống những tai ương thảm họa, trong cơn điên đảo loạn cuồng. Buồn quá phải không, buồn chết lặng quặn lòng đau tê tái giữa chập chùng bóng tối u mê: 
Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế 
Một kiếp người ray rứt bụi tro bay 
Tôi ngồi mãi giữa tha ma mộ địa 
Lạnh trăng tà lụa trắng trải rừng cây 
Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỷ 
Quỷ run run hôn mãi lóng xương gầy 
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã 
Để hồn tan theo đốm lửa ma trơi 
Khi tâm tư chưa là gỗ mục 
Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời 
Một khi đối diện với quỷ ma giữa ban ngày thì hầu hết chúng ta đều hãi hùng khiếp sợ, nhưng ở đây, kỳ lạ thay, nhà thơ vẫn hào hùng vô úy, khi biết mình đang giáp mặt với thập tử nhất sinh. Một mình lẫm liệt hiên ngang bất khuất, dấn bước lên đường dưới gầm trời bão loạn cuồng si. Đi về đâu hỡi Long Thọ, Mã Minh, Thế Thân, hỡi Tăng Triệu, Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Năng, hỡi Tô Đông Pha, Lý Hạ, Vương Duy, hỡi Duy Ma Cật, Thiện Tài, Thắng Man, hỡi Suzuki, Nietzsche, Heidegger… giữa điêu tàn tan hoang trên mặt đất? Rồi lặng hồn lắng nghe đồng vọng vang lên những lời kinh Hoa Nghiêm hùng tráng: 
Trang phục bằng khôi giáp Nhẫn kiên cố 
Thanh gươm Trí trong cánh tay Đại bi 
Nguyện đấng Đại Hùng dũng mãnh hướng dẫn con 
Trực diện chiến đấu với ma quân 
Với cánh tay Đại bi cầm thanh gươm Đại trí, thi nhân còn mặc thêm áo giáp Vô sanh pháp nhẫn nữa thì cũng thừa sức dấn mình vào địa ngục trần gian, trực diện đương đầu với đảo điên, chuyển hóa ma vương, quỷ sứ đang quờ quạng, loạn cuồng trong bóng tối vô minh. Cuộc thế trận sinh tử kinh hồn, một lần tận tường giáp mặt là một lần thấu triệt lẽ vô thường huyễn ảo quá đỗi mong manh trong cõi người ta và cũng chính từ đó, thi nhân mới phát Bồ đề tâm, phát đại nguyện thượng thừa, gánh vác lên vai vô số khổ lụy đoạn trường của nhân gian như chính lời Tuệ Sỹ nhắc nhở rạt rào: “Bồ đề tâm, đó là chí nguyện nóng bỏng của một chúng sinh tự thấy mình đang sống trong cảnh tối tăm giữa đọa đày khổ nhục, mong tìm một con đường sáng, không những để giải thoát bản thân khỏi những đe dọa áp bức mà còn là để giải thoát cho tất cả những người cùng cảnh ngộ. Bồ đề tâm, đó là ý chí kiên cường, bất khuất của một con người bị cột trói trên ngọn lửa rực cháy, bị chà đạp dưới những sức mạnh tàn khốc bởi tham vọng điên cuồng của chính ta và của một tập thể ma quái chung quanh ta. “Vui sướng gì, thích thú gì giữa ngọn lửa tam độc không ngừng thiêu đốt? Bị bao phủ trong bóng tối, sao không đi tìm bó đuốc?” Không có tâm nguyện đó, không có ý chí đó, Bồ tát đạo chỉ là một con đường xa xôi, không tưởng, thần thoại hoang đường và Phật thừa không hơn một tiếng nói suông của một người mê sảng trong giấc ngủ ngày”. (3) Thi nhân thấy như vậy bằng đôi mắt sâu thẳm rực lửa tam muội của chính mình nên vẫn thường vô vi tùy duyên nhẹ bước vào ra giữa ta bà đây đó: 
Đây khúc nhạc đưa hồn lên máu đỏ 
Bước luân hồi chen chúc cọng lau xanh 
Xô đẩy mãi sóng vàng không bến đỗ 
Trời lênh đênh ma quỷ rắc tro tàn 
Vẫn khúc điệu tự ngàn xưa ám khói 
Ép thời gian thành rượu máu trong xanh 
Rượu không nhạt mà thiên tài thêm cát bụi 
Thì ân tình ngây ngất cõi mong manh. 
Ôi tiết nhịp thiên tài hay quỷ mị 
Xô hồn ta lảo đảo giữa tường cao 
Trưa dài lắm ta luân hồi vô thủy 
Đổi hình hài con mắt vẫn đầy sao 
Từ vô thủy đến vô chung, cuộc luân hồi khởi sự từ đâu chẳng biết, chỉ hay rằng từ lúc nghe đồng vọng những trận gió phù trần tận chốn miền thiên thu vi vu thổi tới giữa vạn đại miên trường: 
Đá mòn phơi nẻo tà dương 
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi 
Nghìn năm vang một nỗi đời 
Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương 
Đan sa rã mộng phi thường 
Đào tiên trụi lá bên đường tử sinh 
Sinh tử là một việc trọng đại như thi nhân đã có lần nói tới trong lời tựa Vô môn quan của thiền sư Vô Môn, do Trần Tuấn Mẫn dịch: “Nơi đây, sa mạc vẫn cứ thiên thu cô tịch trong cơn gió bức bách của hư vô. Lẽ sống và lẽ chết cứ mãi bập bềnh trên hư ảo. Tâm hồn miệt mài nóng cháy, nhưng không cháy tan nổi những giấc mộng hãi hùng của hư vô và hủy diệt”. Hư vô đã trở thành một thứ chủ nghĩa đang hủy diệt mặt đất một cách trầm trọng đau thương, gây bao tang tóc não phiền, khiến thi sĩ nghe ra nghèn nghẹn tận đáy hồn: 
Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc 
Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu 
Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc 
Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào 
Khuya còn lạnh sương mù và gió lốc 
Thở hơi dài cát bụi cuốn chiêm bao 
Bên cửa sổ bên kia đồi sao mọc 
Một lần đi là vĩnh viễn con tàu 
Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng 
Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu. 
Giọt máu nào phiêu lưu, lạc nẻo xa nguồn trôi tan tác, lao đao trong nỗi hao mòn tàn tạ, trong cơn gió lốc kinh hồn rờn lạnh buốt xương da? Đi là đi mất, đi biền biệt, biến tan như sợi khói mỏng manh giữa bầu trời gió lộng, không bao giờ trở lại nữa, nhưng vừa đi vừa ngoái nhìn để lắng nghe những tiếng gào kêu thống thiết của nhân gian, của thập loại chúng sinh đang quằn quại rên siết trong bao đổ nát đoạn trường, dâu bể tan hoang đầy thảm họa tồn sinh bức bách rợn ngần: Tiếng ai khóc trong đêm trường uất hận 
Lời ai ru trào máu lệ bi thương? 
Hồn ai đó đôi tay gầy sờ soạng 
Là hồn tôi tìm dấu cũ quê hương 
Ai tóc trắng sững sờ trên tuyết lãnh 
Bước chập chờn heo hút giữa chiều sương 
Viên đá nhỏ mấy nghìn năm cô quạnh 
Hồn tôi đâu trong dấu vết hoang đường? 
Hoang đường nào còn in trên dấu vết lênh đênh? Tên tuổi nào cô liêu đến bạc trắng cả mái đầu? Sầu thế kỷ điêu linh nào cứ ngân dài mãi trong não nề thê thiết: 
Tang thương một dải tóc huyền 
Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu 
Gởi thân gió cuốn xa mù 
Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng 
Chênh vênh hoa đỏ nắng vàng 
Gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều 
Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu 
Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu 
Cô liêu, cô đơn, cô độc, cô lữ là bước đi kỳ cùng của người thi sĩ dị thường. Bước đi chênh vênh, khập khễnh bên này cát bụi phù du, bên này bờ Thị Ngạn Am xao xác cọng lau gầy sậy yếu lặng phất phơ. Thở cùng hương trái đắng và hương nắng buồn trong mắt biếc nhiều diệu vợi uyên tư: 
Gà xao xác gọi hồn ta từ quá khứ 
Về nơi đây cùng khốn với điêu linh. 
Hương trái đắng mùa thu buồn bụi đỏ 
Ôi ngọt ngào đâu mái tóc em xinh 
Từng tiếng lẻ loi buồn thống thiết 
Nghe rộn ràng từ vết lở con tim 
Từ nơi đó ta ghi lời vĩnh biệt 
Nắng buồn ơi là đôi mắt ân tình 
Còi xa vắng giữa trưa nào lạc lõng 
Môi em hồng ta ước một vì sao 
Trưa dài lắm nhưng lòng tay bé bỏng 
Để vươn dài trên vầng trán em cao 
Em ở đây chính là hình ảnh cuộc đời. Cuộc đời nếu nhìn từ chân đế, vốn là tuyệt trần Chơn mỹ, vốn là Vô sinh bất diệt, vốn là Niết bàn, Tịnh độ như thị như nhiên. Biết được điều đó, cho nên lòng thi nhân tự bao giờ vẫn vô cùng khoan dung rộng lượng, thương yêu nhân loại trong vô ngôn lặng lẽ, trong tận cùng dung nhiếp âm thầm, chia sẻ với muôn loài vạn vật trần ai: 
Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói 
Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao 
Từ nguyên sơ đã một lời không nói 
Như trùng dương ngưng tụ ánh hoa đào 
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi 
Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao 
Vô biên vô lượng thương yêu con người tha thiết mà không bao giờ nói mình yêu thương gì hết cả, đó mới chính là thương yêu đích thực nhất. Phải chăng chỉ có những tấm lòng Bồ tát mới có thứ tình yêu vô điều kiện, vô phân biệt như vậy? Một tình yêu rộng rãi Đại bi tâm nhập diệu, kết tinh thành bản tình ca mà thi sĩ thường lắng nghe từ hun hút biển ngàn, sông núi giữa trời đất mênh mang: 
Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng 
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn 
Triều Đông hải vẫn thì thầm cát trắng 
Chuyện tình người và nhịp thở Trường Sơn 
Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị 
Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng 
Tay anh vói trời cao chim chiều rủ rỉ 
Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường 
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối 
Tìm quê hương trên vết máu đồng hoang 
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi 
Từng con sông từng huyết lệ lan tràn 
Mười năm đó anh quên mình sậy yếu 
Đôi vai gầy từ thuở dựng quê hương 
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu 
Bản tình ca vô tận của Đông phương Bản tình ca vô tận ấy, thi nhân vẫn nghe hoài rung ngân bất tuyệt trên những dặm dài long đong lữ thứ ở dọc đường quán trọ bơ vơ, bên làng mạc, thôn ấp đìu hiu, cạnh ven rừng sơn dã hay quanh triền sông thị trấn tiêu điều hoặc trên ghềnh suối truông ngàn hoang vắng tịch liêu giữa những chiều sương khói chơi vơi bềnh bồng trống trải: 
Em trải áo trên hoa rừng man dại 
Để hoa rừng nước cuộn biết yêu nhau 
Nhưng nước cuộn xóa đời ta trên bãi 
Để hoa rừng phong nhụy với ngàn lau 
Em xỏa tóc cho cây khô sầu mộng 
Để cây khô mạch suối khóc thương nhau 
Ta cúi xuống trên nụ cười chín mọng 
Cũng mơ màng như phố thị nhớ rừng sâu 
Ta chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại 
Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy 
Ôi hạnh phúc chợt thấy mình nhỏ bé 
Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây 
Ta cúi xuống trên chân người bụi đỏ 
Để nhìn sâu trong vết tích hoang đường 
Ta sống lại trên môi cười rạng rỡ 
Để nhìn sâu trong ngọn nến tàn canh 
Bằng ánh mắt từ tâm thâm cảm, nhà thơ bi tráng của chúng ta nhìn sâu vào lòng đời với nụ cười bao dung rạng rỡ. Thở cùng điệu hát bản tình ca nhã nhạc vang lừng trên núi rừng cô tịch hay giữa ngày hội lễ rộn ràng dưới phố thị xôn xao, nhà thơ đều im ắng lắng nghe trong từng khoảnh khắc lặng trầm, cảm nhận sâu xa vì biết chỉ là chiêm bao huyễn mộng trong khói bụi chập chờn: 
Em mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn 
Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao 
Như cò trắng giữa đồng xanh bát ngát 
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao 
Em là nàng thơ, là hình ảnh cuộc sống. Cuộc sống nếu nhìn từ tục đế thì đầy những thăng trầm, điêu linh khổ lụy từ nghìn xưa đến ngày nay. Khổ đế là sự thật thứ nhất mà Đức Phật đã chỉ bày cách đây gần ba nghìn năm rồi. Giống như đại văn hào Hermann Hesse phát biểu: “Dù có bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn yêu thương trần gian điên dại này” nhà thơ Tuệ Sỹ cũng vậy, cũng hết lòng thương yêu con người, dù kiếp người có tàn xiêu hiu hắt: 
Ai biết mình tóc trắng 
Vì yêu ngọn lửa tàn 
Rừng khuya bên bếp lửa 
Ngồi đợi gió sang canh 
Một hình một bóng cô đơn ngồi trên tuyệt đỉnh núi lạnh xanh rờn, sẵn sàng chờ đợi một điều gì có thể xảy đến, đôi mắt thi nhân cúi nhìn xuống cuộc đời đang chìm trong bóng tối mù sa mà cảm thương một nỗi u buồn xót xa sầu khôn tả: 
Ta không buồn còn ai buồn hơn nữa 
Người không đi sông núi có buồn đi 
Tia nắng mỏng soi mòn khung cửa 
Để ưu phiền nhuộm trắng hàng mi 
Ta lên bờ nắng vỗ bờ róc rách 
Gió ở đâu mà sông núi thì thầm 
Kìa bóng cỏ nghiêng mình che hạt cát 
Ráng chiều xa ai thấy mộ sương dầm? 
Ráng chiều xa bảng lảng bóng hoàng hôn nhân loại đang phủ trùm vàng vọt xuống khắp vùng sông núi Đông phương. Cho dẫu đường đời giăng bẫy đầy hầm hố cách ngăn, khó khăn trắc trở gì gì đi nữa, thi nhân vẫn nhận diện, tỉnh thức trước những sự kiện đang diễn biến, vì đã bừng ngộ thấy: “Ngay trong phiền não tức là Bồ đề, ngay trong những nguy hiểm đáng sợ hãi của sinh tử cũng chính là Niết bàn an ổn. Sợi dây bị tưởng lầm là con rắn, nhưng không phải hủy diệt sợi dây để diệt trừ ảo giác gây nên sợ hãi. Ngoài những gì vô thường được thấy, được kinh nghiệm bằng chính mắt, tai, mũi, lưỡi này, không tồn tại một thế giới chân thường, đại lạc hay đại ngã nào khác. Đó chính là thực tại Nhất nguyên tuyệt đối.” (4) 
Phải chăng, đó là cái thấy bằng Trí tuệ siêu việt? Một khi nhà thơ có cái nhìn tuệ giác đó rồi thì những sầu khúc thê lương kéo dài trong đợi chờ não nuột suốt mười lăm năm trường đọa đày viễn mộng như lời thơ tiên tri trước cuồng phong bão tố mịt mùng cũng chẳng hề dao động mà vẫn như như tự tại vô ngại: 
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải 
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng 
Trong bóng tối nỗi gì tha thiết mãi 
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng 
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió 
Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa 
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử 
Dài con sông tràn máu lệ quê cha 
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ 
Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương 
Người ở lại giữa bàn tay bạo chúa 
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương 
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng 
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu 
Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng 
Như sương mai như ánh chớp mây chiều 
Chút thân bé bỏng dù bị tù ngục lưu đày vì sự ngộ nhận của thế lực vô minh, nhưng ngay trong dầu sôi lửa bỏng, trong đêm dài sinh tử đó, thi nhân đã nhập thần, đại thiền định, thấu thị tất cả vạn pháp “như sương mai như ánh chớp mây chiều” làm vỡ bùng rơi rụng bóng tối để rực ngời lên ánh phong quang, hiển lộ vô ngần thần lực vô vi. Một câu thơ khiến bay dậy âm vang sấm sét, mặc như lôi từ trong kinh Kim Cang làm phấn chấn bất khả tư nghì: 
Tất cả pháp hữu vi 
Như huyễn mộng bọt nước 
Như ánh chớp sương mai 
Thường quán tưởng như thị 
Trùng trùng vạn pháp muôn loài vạn vật núi sông, rừng biển, thiên nhiên vũ trụ và con người đều như mộng như huyễn, như bọt nước như sương mai… Phải thường xuyên thấy rõ ràng như thế. Tuệ Sỹ cũng nhiều lần nói: “Tất cả giáo pháp của Phật đều hướng đến diệt trừ tự ngã. Tôi đang tồn tại, đó là một hiện thực, đồng thời cũng là một ảo ảnh. Đau khổ là một sự thực. Cái tôi đang đau khổ ấy lại là ảo ảnh. Cái ta ảo ảnh được bọc trong vỏ trứng vô minh, nó được định hình bằng vọng tưởng thành thân thể ta, linh hồn ta, sở hữu của ta, tài sản của ta, cho đến núi sông này là của ta, tài sản này là của ta, ta là tài sản này, sông núi này là của ta, ta là sông núi này. Cho nên, khi tán gia bại sản, khi sông núi sụp đổ, cái ta vọng tưởng cũng sụp đổ thì có kẻ trầm mình xuống sông hoặc treo cổ trên cành. Vì thế, khi nghe nói cái ta này là ảo ảnh, là không thực, người nghe có thể kinh hoàng như nghe sét đánh ngang tai. Tiếng sét đó là từ Kim Cang Bát Nhã. Duy có điều, mọi người đều mù, chỉ thấy bóng tối, mọi người đều điếc, chỉ nghe tiếng vo ve. Làm sao có thể thấy cái ta chỉ là ảo ảnh ? Làm sao nghe được tiếng sấm từ kinh Kim Cang? Với những ai có mắt để thấy, có tai để nghe, kinh Kim Cang sẽ chỉ đường để đối diện với ảo ảnh của cái tôi và chỉ cách vận dụng kim cang xử đập vỡ vỏ trứng vô minh bao bọc tự ngã”. 
Khi thi nhân lãnh hội, quán chiếu sâu xa, thấy tất cả vạn pháp như ảo ảnh, mộng huyễn như vậy thì hoạt nhiên hiển lộ, bừng sáng lên một phương trời Tánh Không lồng lộng nên hết thảy mọi khổ nạn điêu linh trầm thống đều chuyển hóa thành lửa tịch mịch, tự nhiên đốt cháy hết những kinh hoàng khủng khiếp của địa ngục trần gian và sầu khúc thê lương trở thành “Bản tình ca vô tận của Đông phương” hay biến thành Những điệp khúc cho dương cầm thâm thúy dưới ngàn trăng sao xao xuyến lặng bồi hồi: 
Nỗi nhớ đó khát khao luồn sợi tóc 
Vòng tay ôm cuộn khói bâng khuâng 
Uống chưa cạn chén trà sương móc 
Trên đài cao em ngự mấy tầng 
Lên cao mãi đường mây khép chặt 
Để xoi mòn ảo tượng thiên chân 
Ồ, nguyệt quế! Trắng mờ đôi mắt 
Ồ, sao Em? Sao ấn mãi cung đàn? 
Giai điệu cổ thoáng buồn u uất 
Xưa yêu Em xao động trăng ngàn 
Từ xưa đến nay vẫn điệp khúc cung đàn trường ca Đại bi tâm trầm lặng ngân rung trên cung bậc Bất nhị giữa cõi người ta vô thủy vô chung. Chúng ta hãy lắng nghe, thưởng thức những giai điệu tài hoa của nhạc sĩ tế nhị cảm giao hòa: 
Ta nhận chìm thời gian trong khóe mắt 
Rồi thời gian ửng đỏ đêm thiêng 
Đêm chợt thành mùa đông huyễn hoặc 
Cánh chim bạt ngàn từ quãng Vô biên 
Từ đó ta trở về Thiên giới 
Một màu xanh mù tỏa Vô biên 
Bóng sao đêm dài vời vợi 
Thật hay hư chiều nhỏ ưu phiền 
Chiều như thế cung trầm khắc khoải 
Rát đầu tay nốt nhạc triền miên 
Ôm dấu lặng nhịp đàn đứt vội 
Anh ở đâu khói lụa ngoài hiên? 
Ngoài hiên chiều phất phới bay qua những vệt nắng nhạt nhòa phôi pha trong bóng tà huy thấp thoáng lan dần nhẹ tỏa xuống mềm mại những sợi khói mênh mang: 
Nắng lụa đỏ phủ tường rêu xám bạc 
Lá cây xanh nghiêng xuống mắt mơ màng 
Người có biết mặt trời kia sẽ tắt? 
Ta yêu người từ vết rạn thời gian 
Thời gian và không gian trộn lẫn hòa quyện tan vào trong cùng một tấu khúc rung cảm, bồng tênh lênh láng, dạt dào du dương, vi vu vi vút nguồn cảm xúc khôn dò của người em thi ca quá tuyệt diệu trong tự tình khúc rung động chan hòa: 
Tự hôm nào suối tóc ngọt lời ca 
Tay em rung trên những phím lụa ngà 
Thôi huyễn tượng xô người theo cát bụi 
Vùng đất đỏ bàn chân ai bối rối 
Đạp cung đàn sương ứa đọng vành môi 
Đường xanh xanh phơn phớt nụ ai cười 
Như tơ liễu ngại ngùng lay nắng nhạt 
Lời tiễn biệt nói gì sau tiếng hát 
Hỏi phương nào cho nguyện ước Trường Sơn 
Lời em ca phong kín nhụy hoa hờn 
Anh trĩu nặng núi rừng trong đáy mắt 
Mờ phố thị những chiều hôn suối tóc 
Bóng ai ngồi so phím lụa đàn xưa 
Tiếng đàn miên man réo rắt lặng hồn dưới bàn tay phấn chấn thân yêu, dìu dặt vọng vang bàng hoàng qua những điệp khúc cho dương cầm thâm tình thấm thiết mãi ngân nga từ cõi mộng không lời, hỡi vầng trăng gầy tịch nhiên soi chiếu trong vườn sương khuya mờ ảo lung linh ngời lấp lánh long lanh: 
Nhà đạo nguyên không khách 
Quanh năm bạn ánh đèn 
Thẹn tình trăng liếc trộm 
Bẽn lẽn núp sau rèm 
Yêu nhau từ vạn kiếp 
Nhìn nhau một thoáng qua 
Nhà đạo nguyên không nói 
Trăng buồn trăng đi xa 
Chao ơi! Yêu thương nhau đã từ muôn triệu kiếp rồi, hỡi vầng trăng thanh thoát vàng hoa mộng như nàng thơ gầy yểu điệu, lặng lẽ chia phôi. Thôi buồn làm chi nữa phải không? Thôi cứ thản nhiên để cho hồn thơ dệt phím nhạc ngàn đời những tơ đàn diệu âm trầm bổng ngát xanh huyền: 
Tóc em bay trong sương chiều khói biếc 
Dệt tơ trời thành khúc hát bâng khuâng 
Tình hay mộng khi Trường Sơn xa hút 
Đến bây giờ mây trắng gởi tin sang 
Hồn tôi đi trong rừng lang thang 
Cọng lời ru từ ánh trăng tàn 
Mắt em nhỏ ngại ngùng song cửa 
Nghe tình ca trên giọt sương tan 
Gót chân em nắng vàng xưa viễn phố 
Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim 
Ôi ta nhớ như đêm dài thượng cổ 
Sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim 
Trong tim hồn rộn ràng bao nhịp hát hoang sơ từ thượng cổ vọng về, nghe như điệu hát Trang Tử Tiêu dao du, bên bờ sông xa mù Dương Tử, hay như lời thơ ngâm nga của Milarepa trên tuyệt đỉnh ngàn cao Hy Mã Lạp Sơn chập chờn sương khói tỏa thiên thu hoặc như khúc hát nghêu ngao Phóng cuồng ca của Tuệ Trung Thượng Sĩ, trong cơn xuất thần nhập diệu, đại hòa điệu chơi cùng nhật nguyệt, thiên địa tuần hoàn. 
Thế là, bát ngát bồng tênh trên ngõ về im lặng, tiếng thơ trầm hùng Tuệ Sỹ như ánh trăng huyền nguyên thủy, chiếu diệu xuyên qua ngút ngàn bóng tối vô minh làm bừng hiện rực ngời lên trên cung bậc ngôn ngữ thi ca đầy sáng tạo và sáng tạo tân kỳ như Tuệ Sỹ từ thuở thanh xuân đã nghe tận thần hồn: “Ngôn ngữ không còn là một hình ảnh héo hắt của Thực tại sai biệt và sai biệt. Nó không đi chơi vơi trên Thực tại mà đóng vai trò truyền thông như tiếng gọi từ trên một đỉnh trời Tuyệt đối vô tri, từ trên một đỉnh núi ngàn đời bất khả xâm phạm, luôn luôn thách đố bước tiến của con người. Nó đánh mất đi cái cụ thể nghèo nàn trong tầm mắt thường nghiệm của phàm phu để dẫn đến một chân trời rực rỡ của sáng tạo”. (5) 
Con đường mây trắng thênh thang sáng tạo đã vượt qua những mộng tàn năm tháng cũ, dù vẫn còn chút dư hương của một thời đọa đày viễn mộng u sầu: 
Màu nắng xế ôi màu hương tóc cũ 
Chiều chơ vơ chiều dạt mấy hồn tôi 
Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở 
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa trùng khơi 
Vén thanh sắc đổ mù khơi về đối diện 
Cuộc ân tình lơi lả vội chia phôi 
Trăng nằm xuống duỗi dài hai bến hẹn 
Một dòng sông vồn vã động chân trời 
Ơi chao! Đã chia phôi, từ biệt cuộc ân tình nhân thế từ dạo đó, kể từ ngày như Nguyễn Du xa xưa từng chứng kiến giữa trần ai: “Trải qua một cuộc bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” nhà thơ Tuệ Sỹ cũng đi về theo thể điệu phiêu nhiên, quy hồi Vĩnh cửu với nụ cười sâu lắng tự tri: 
Khói ơi! Bay thấp xuống đi 
Cho ta nắm lại chút gì thanh xuân 
Ta đi trong cõi Vĩnh hằng 
Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần rụng hoa 
Vĩnh hằng chẳng ở đâu xa mà ngay trong từng sát na hiện tại, ở đây và bây giờ, ngay trong tiếng ve sầu hay từng nhịp thở nhẹ nhàng giữa lòng phố bụi lao xao: 
Ve mùa hạ chợt về thành phố 
Khóm cây già che nắng hoang lương 
Đám bụi trắng cuốn lên đầu ngõ 
Trên phím đàn lặng lẽ tan hương 
Tiếng ve dội lăn tăn nốt nhỏ 
Khóc mùa hè mà khô cả đại dương 
Ngôn ngữ thi ca thường chứa nhiều ẩn dụ, tượng trưng hàm súc như vậy, chúng ta tha hồ suy diễn, lãnh hội, cảm nhận theo đủ cách điệu riêng tư của mình thôi. Đọc thơ Tuệ Sỹ là lang thang bước dạo chơi vào một thế giới diêu mang kỳ ảo vô vàn: 
Một ngày chơi vơi đỉnh thác 
Nghe bồn chồn tiếng gọi hư không 
Giai điệu nhỏ dồn lên đôi mắt 
Mặt hồ im ánh nước chập chờn 
Mặt hồ im tảng màu man mác 
Ảnh tượng mờ một chút sương trong 
Quãng im lặng thời gian nặng hạt 
Tôi nghe đời trong tấu khúc 
Thiên hoang 
Tấu khúc Thiên hoang vang rền, đồng vọng trong tận đáy lòng Không tánh vô biên, khiến cho thi nhân tự mình thưởng thức hương vị cô liêu của cuộc sống diệu thường: 
Tự tâm tự cảnh tự thành chương 
Tự đối bi hoan diệc tự thưởng 
(Cô độc cảnh tâm thơ tự xuất 
Tự ngắm buồn vui tự thưởng thức) 
Thế thì, tuyệt cùng ẩn ngữ thi ca Tuệ Sỹ là gì? Làm sao chỉ ra được, khi ngôn ngữ cứ lấp lánh ẩn hiện trong ánh sáng phát ra từ tâm cảm thâm trầm? Có ai nắm giữ được những tiếng dương cầm âm thanh thánh thót, phiêu diêu, dịu dàng vang ngân bất tận từ giữa lòng bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa? 
Đã rời khỏi Thị Ngạn Am ở Sài Gòn gần 2 năm nay rồi, bây giờ Tuệ Sỹ sống lang thang đúng nghĩa lang thang, hoàn toàn rỗng rang vô sự. Vô sự là thong dong tự do tự tại giữa đang là, không còn chạy theo nắm bắt bất cứ một cái gì nữa cả, dù đó là Phật, là Tổ như thiền sư Lâm Tế nói: “Con người vô sự là người đã dừng lại, không còn dính mắc vào một lý thuyết, một giáo pháp, một đường lối nào nữa hết. Con người vô sự có tự do, có khả năng sống hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại, không bị bất cứ một cái gì có thể kéo đi, kể cả lý tưởng độ sinh cứu đời. Bởi vì lý tưởng độ sinh cứu đời cũng có thể bắt mình chạy đi tìm cầu, bỏ mất giây phút hiện tại, bỏ mất cái tâm sáng chói và sáu đạo thần quang đang có mặt, vốn là nguồn gốc của tất cả chư Phật”. Lẫn vào cát bụi phù du “hòa kỳ quang đồng kỳ trần” Tuệ Sỹ giống như thiền sư thi sĩ Nhật Bản Basho xuống núi, phiêu bồng thõng tay vào chợ làm thơ và làm thơ giữa ngày tháng lưu linh cùng sương khói bồng bềnh. 
Trên ngõ về im lặng, lúc thì tiêu dao với mây trắng trên núi rừng Madagoui huyền ảo, lúc thì lên đồi Phương Bối ở vùng Đại Lão, Bảo Lộc uống trà với nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, bồng tênh xuôi về phố hoa Đà Lạt, ghé bên cầu sông nước Đại Ninh cùng những ẩn sĩ tâm tình, rồi thênh thang xuống miền biển khơi Vạn Giã, Nha Trang muôn trùng bát ngát… Hát khúc vô thanh siêu thoát làm hồi phục những tiêu điều, hiu hắt dọc khắp ven đường thi sĩ đi qua. 
Hòa trong nhịp bước vân du, người viết chợt bỗng nghe văng vẳng lời nói của Phạm Công Thiện, một người bạn thâm tình chí cốt của Tuệ Sỹ: “Một con người vừa là thi sĩ vừa là thiền sư, vừa là nhà hành động nhập thế với tinh thần vô công dụng hạnh của bậc Bồ tát. Hành động tích cực, mãnh liệt toàn triệt mà vẫn giữ cảm thức viễn ly và viễn mộng, vì không tham vọng, ích kỷ mù quáng, cho nên nuôi dưỡng cảm thức viễn ly, vì không bị kẹt dính vào tham sân si của thế tục, cho nên mới hàm dưỡng viễn mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sĩ thi nhân với pháp khí phi thường là Trí tuệ Bát nhã cùng với lòng Đại bi thơ mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của ý thức chính trị toàn diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng, dẫn đường soi sáng Thể mệnh của Sử tính quê hương… 
Anh không thể cảm thơ người ta thì anh hãy im lặng, còn nếu cảm được thì anh hãy tha thiết ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những kẻ phê bình thơ mà chỉ nên có những người ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người, không có ai làm thầy ai cả.” 
Bắt chước Phạm Công Thiện, người viết cũng muốn ca ngợi tán thán Tuệ Sỹ, một thiền sư thi sĩ vĩ đại, một trái tim Kim Cang bất hoại vô úy nhưng ngợi ca làm chi nữa, khi mà tiếng thơ của thi nhân đã làm chấn động rung chuyển cả thế giới hoàn cầu và lan tỏa lạ thường ra khắp vũ trụ mười phương rồi. Thôi thì chỉ xin kính tặng một bài thơ bình dị: Những phương trời viễn mộng đi 
Thi ca tư tưởng bước kỳ ảo qua 
Đọa đày một thuở ta bà 
Nỗi đau rực cháy thấy ra tột cùng 
Ôi! Giấc mơ Trường Sơn rung 
Rúng hồn tim máu chợt bùng vỡ mơ 
Kinh thiên động địa sững sờ 
Đâu chân diện mục của thơ với thiền? 
Mặc như lôi ngồi tịch nhiên 
Nghe ban sơ vọng ngân huyền diệu âm 
Những điệp khúc cho dương cầm 
Từ vô tận ý vang thâm thiết niềm.
Chú thích:
(1) Bùi Giáng. Đi Vào Cõi Thơ. Nhà xuất bản Ca Dao, Sài Gòn 1969 (2) Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng. Tái bản lần thứ ba. Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn 2008 
(3) Tuệ Sỹ. Thắng Man Giảng Luận. Nhà xuất bản Phương Đông, 2012 
(4) Tuệ Sỹ. Huyền Thoại Duy Ma Cật. Nhà xuất bản Phương Đông, 2007 
(5) Tuệ Sỹ. Triết Học Về Tánh Không. Nhà xuất bản An Tiêm. Sài Gòn 1970 
Thơ Tuệ Sỹ, trích trong 2 thi phẩm: Giấc Mơ Trường Sơn. Nhà xuất bản An Tiêm, Paris 2002 và Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm. Nhà xuất bản Phương Đông 2009. 
Virginia, December 8, 2014 
Tuệ Sỹ - Đinh Cường - Nguyễn Dương Quang - Bửu Ý 
Cà phê Tùng, Đà Lạt, photo by Nguyễn Hữu, 11.2013.
TUỆ SỸ - BI TRÁNG MỘT HỒN THƠ 
TÂM NHIÊN
 
Đơn sơ mà kỳ vĩ, bi ai mà hùng tráng, im lặng mà sấm sét, tĩnh tọa mà phiêu bồng. Đó là cõi thơ trầm thống, khốc quỷ, kinh thần của Tuệ Sỹ, một thi sĩ dị thường, một tâm hồn cô liêu cùng tuyệt. 
Hồn thơ khốc liệt u uẩn, ngân dài trên giai điệu trầm tư tối thượng: Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn 
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về 
Để cho trời thơ phiêu phưởng, bước đi lồng lộng, độc hành ca giữa đỉnh cao và hố thẳm, trầm hùng vô úy khi biết mình đang giáp mặt với thập tử nhất sinh. Một mình lẫm liệt hiên ngang bất khuất, dấn bước lên đường dưới gầm trời bão loạn cuồng si. Đi về đâu hỡi Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng (1) hỡi Giấc Mơ Trường Sơn (2) rờn máu lệ ngậm ngùi? 
Cuộc lữ khởi sự từ đâu chẳng biết, chỉ hay rằng từ lúc nghe đồng vọng những trận gió phong trần tận chốn miền thiên thu vạn đại vi vu thổi tới: 
Nghìn năm vang một nỗi đời 
Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương 
Đan sa rã mộng phi thường 
Đào tiên trụi lá bên đường tử sinh 
Sinh tử là một việc trọng đại như thi nhân đã có lần nói tới trong lời tựa Vô Môn Quan (3): “Lẽ sống và lẽ chết cứ mãi bập bềnh trên hư ảo. Tâm hồn miệt mài nóng cháy nhưng không cháy tan nổi những giấc mộng hãi hùng của hư vô và hủy diệt”. Hư vô đã trở thành một thứ chủ nghĩa đang hủy diệt mặt đất một cách trầm trọng đau thương, khiến thi sĩ nghe ra nghèn nghẹn tận đáy hồn: 
Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc 
Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu 
Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc 
Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào 
Nghe tiếng gào kêu thống thiết của nhân gian, của thập loại chúng sinh đang quằn quại rên siết trong bao đổ nát đoạn trường, giữa cuộc vô thường dâu bể tan hoang đầy thảm họa tồn sinh bức bách, khiến cho nhà thơ phát tâm đại nguyện yêu thương nhân loại trong vô ngôn lặng lẽ âm thầm: 
Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói 
Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao 
Từ nguyên sơ đã một lời không nói 
Như trùng dương ngưng tụ ánh hoa đào 
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi 
Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao 
Vô biên, vô lượng thương yêu con người tha thiết mà không bao giờ nói mình yêu thương gì hết cả, đó mới chính là thương yêu đích thực nhất. Phải chăng chỉ có những tấm lòng Bồ-Tát mới có thứ tình yêu vô điều kiện, vô phân biệt như vậy? Một tình yêu rộng rãi Đại Bi tâm nhập diệu, kết tinh thành bản tình ca mà thi sĩ thường lắng nghe từ hun hút núi sông, rừng biển, đất trời: 
Mười năm đó anh quên mình sậy yếu 
Đôi vai gầy từ thuở dựng quê hương 
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu 
Bản tình ca vô tận của Đông Phương 
Bản tình ca ấy, thi nhân vẫn nghe hoài rung ngân bất tuyệt trên những dặm dài long đong lữ thứ giữa những chuỗi ngày lênh đênh bên ghềnh suối truông ngàn Vạn Giã hoang vắng tịch liêu, tiều tụy nỗi u hoài: 
Anh chiến đấu nhọc nhằn như cỏ dại 
Thoảng trông em tà áo mỏng vai gầy 
Ôi hạnh phúc anh thấy mình nhỏ bé 
Chép tình yêu trên trang giấy thơ ngây 
Em ở đây là hình ảnh cuộc đời. Cuộc đời vốn dĩ lao đao khổ lụy từ nghìn xưa đến ngày nay. Khổ đế là sự thật thứ nhất mà đức Phật đã chỉ bày cách đây gần ba nghìn năm rồi. Giống như đại văn hào Hermann Hesse phát biểu: “Dù bị đau đớn quằn quại tôi vẫn yêu thương trần gian điên dại này.” Nhà thơ Tuệ Sỹ cũng vậy, cũng hết lòng thương yêu con người, dù kiếp người có tàn xiêu hiu hắt: 
Ai biết mình tóc trắng 
Vì yêu ngọn lửa tàn 
Rừng khuya bên bếp lửa 
Ngồi đợi gió sang canh 
Một hình một bóng cô đơn ngồi trên tuyệt đỉnh núi lạnh xanh rờn, đôi mắt thi nhân cúi nhìn xuống cuộc đời đang chìm trong bóng tối mù sa mà cảm thương một nỗi u sầu xót xa vô hạn: 
Ta không buồn còn ai buồn hơn nữa? 
Người không đi sông núi có buồn đi? 
Tia nắng mỏng soi mòn khung cửa 
Để ưu phiền nhuộm trắng hàng mi 
Sầu khúc thê lương kéo dài suốt mười lăm năm trường đọa đày viễn mộng, như lời thơ tiên tri thấu thị trước cuồng phong bão tố phủ trùm xuống mịt mù u tối: 
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng 
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu 
Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng 
Như sương mai như ánh chớp mây chiều 
“Như sương mai như ánh chớp mây chiều” Một câu thơ làm bay dậy âm vang sấm sét, mặc như lôi trong kinh Kim Cang làm phấn chấn bất khả tư nghì: 
Tất cả pháp hữu vi 
Như huyễn mộng bọt nước 
Như ánh chớp sương mai 
Thường quán tưởng như thị”. 
Khi thi nhân lãnh hội, quán chiếu sâu xa, thấy tất cả vạn pháp như mộng huyễn thì hoạt nhiên hiển lộ một phương trời Tự Tánh thanh tịnh nên hết thảy mọi khổ nạn điêu linh đều chuyển hóa thành lửa tịch mịch, tự nhiên đốt cháy hết những kinh hoàng khủng khiếp của địa ngục trần gian và sầu khúc thê lương trở thành “Bản Tình Ca Vô Tận Của Đông Phương” hay biến thành Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm (4) thâm thúy dưới ngàn trăng: 
Ồ! Nguyệt quế trắng mờ đôi mắt 
Ồ! Sao Em sao ấn mãi cung đàn? 
Giai điệu cổ thoáng buồn u uất 
Xưa yêu Em xao động trăng ngàn 
Từ xưa đến nay vẫn cung cầm Đại Bi Tâm trầm lặng ngân rung trên cung bậc thượng thừa Bất Nhị giữa cõi người ta vô thủy vô chung. Trên ngõ về cố quận, bỗng nghe văng vẳng lời nói của Phạm Công Thiện, một người bạn thâm tình chí cốt của Tuệ Sỹ: “Anh không thể cảm thơ người ta thì anh hãy im lặng, còn nếu cảm được thì anh hãy tha thiết ca ngợi, đừng e dè giữ gìn gì cả. Không nên có những kẻ phê bình thơ mà chỉ nên có những người ca tụng thơ. Thơ là của riêng từng người, không có ai làm thầy ai cả”. Bắt chước Phạm Công Thiện, người viết cũng muốn ca ngợi tán thán Tuệ Sỹ, một Thiền sư thi sĩ vĩ đại, một trái tim Kim Cang bất hoại vô úy nhưng ngợi ca làm chi nữa, khi mà tiếng thơ của thi nhân đã làm chấn động rung chuyển cả thế giới hoàn cầu và lan tỏa diệu thường ra khắp vũ trụ mười phương rồi. Ôi nỗi buồn từ ngày ta lạc bước 
Cố quên mình là thân phận thần tiên“. 
Chú thích: 
(1) Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng. Tái bản lần thứ ba. Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn. 2008 
(2) Tuệ Sỹ. Giấc Mơ Trường Sơn. An Tiêm xuất bản. Paris 2002 
(3) Vô Môn Quan. Trần Tuấn Mẫn dịch. An Tiêm xuất bản. Sài Gòn 1973 
(4) Tuệ Sỹ. Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm. NXB Phương Đông. 2009. 
ÂM TRẦM TUỆ SỸ 
ĐẶNG TIẾN
 
Tuệ Sỹ là bậc danh sĩ cao tăng, đã nhận nhiều chức vụ quan trọng trong hàng giáo phẩm Phật giáo Việt Nam. Trong và ngoài nước nhiều người biết danh và ái mộ, qua những trầm luân mà ông chịu đựng non nửa thế kỷ, chúng tôi không nhắc lại nơi đây, vì ai muốn truy tìm thì rất dễ. 
Tuệ Sỹ còn là nhà thơ, nhiều người biết danh, nhưng ít người được đọc, vì thơ ông ít được phổ biến. Mới đây, trong nước, nhà xuất bản Phương Đông đã ấn hành tập thơ Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm, song ngữ Việt - Pháp đối chiếu, do Dominique de Miscault, nữ họa sĩ người Pháp, chuyển ngữ và trình bày, minh họa, bà gọi là “biểu cảm đồ họa” (expressions graphiques). Trang bên trái là văn bản Việt - Pháp nối tiếp, trang bên phải là hình cách điệu nhà sư đang lướt ngón tay trên phía dương cầm. 
Sách gồm 23 bài thơ ngắn, trình bày trên 53 trang, khổ vuông 21 x 21 cm, giấy tốt, in đẹp và trình bày trang nhã. 
Điều đáng mừng là độc giả Việt Nam và thế giới có dịp tiếp xúc với thơ Tuệ Sỹ, trong niềm đồng cảm nhân loại, qua thi ca và nghệ thuật. Trong lời tựa, bà De Miscault kể lại:
“Tôi được hạnh ngộ với Tuệ Sỹ và người thân từ mùa xuân 2003. Chúng tôi đã học tập phơi trải và trao đổi hai thế giới, diễn dịch những cảm xúc, đồng thời là dấn thân. Tôi không phải Phật tử cũng không phải người tu hành, lại không biết tiếng Việt, nhưng thơ Tuệ Sỹ thì đã gặp đâu đó tại Châu Âu già cỗi. Đó chẳng phải là những khoảng hư không mà các tác giả thần bí đã trải nghiệm? Kinh nghiệm phiêu du trong bóng đêm và tĩnh lặng, cũng như những tâm hồn khắc khoải, vô vọng truy tầm lời giải đáp cho những hy sinh, dù tự nguyện hay cưỡng chế?” 
Bà tiếp xúc với thơ Tuệ Sỹ nhờ việc lược dịch của một người Pháp được Tuệ Sỹ duyệt lại. 
“Tôi cố gắng nắm bắt nội dung qua những hình ảnh, và không gian sống của Tuệ Sỹ như tôi được trông thấy và đã khai thị cho tôi. Tôi chọn những từ ngữ và ảnh tượng đơn giản nhất, đã giản lược và tát cạn tối đa thi pháp để tập trung vào cuộc phiêu lưu thần bí của nhà sư mệt mỏi vì đời sống và những truy tầm vô vọng… 
Vô vọng hay không, vẫn là câu hỏi. Buông thả theo dòng đời. 
Dương cầm và tịch lặng là thần giao giữa hai lục địa giữa chúng tôi. Nơi đây không còn là hoài cảm hay xúc cảm, mà là phân tích khô khan cõi dửng dưng. 
Tôi hân hoan được tiếp tục chia sẻ, và trong dài lâu tính nhẹ nhàng tuyệt đối của đời sống.” 
Bài tựa này đã được Hạnh Viên dịch ở trang 7, tôi dịch lại để đóng góp. 
Một cơ duyên khác, là với kỹ thuật điện tử hiện đại, toàn bộ công trình của Tuệ Sỹ - Dominique de Miscault và nhà xuất bản Phương Đông được đưa lên mạng, để người đọc, Việt hay ngoại quốc, khắp năm châu bốn biển đều có thể thưởng lãm. Năm mươi trang giấy không phải là công trình to tát gì, nội dung cũng không phải chuyện khai sơn phá thạch, nhưng là một sự kiện văn học, như cơn gió bất ngờ đưa đóa lan rừng ra ánh sáng. 
Tuệ Sỹ không phải là người tìm danh vọng, nhất là bằng thi ca. Ông không tìm độc giả, tìm tri kỷ, tri âm. Ông thừa nội lực để sống an nhiên trong tịch lặng giữa cõi ta bà. Nhưng thơ ông xuất hiện như vầng trăng ra khỏi đám mây, như mùi hương bông sứ chợt thoảng vào vườn khuya, là một niềm vui chung, và cho người lữ khách ngồi lại bên đường, buổi chiều, “cười với nắng một ngày sao chóng thế… đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan”, câu thơ ngày xưa của ông mà Bùi Giáng hết lời ca ngợi. 
Thơ, thơ gì đi nữa, thì trước tiên phải là ngôn ngữ. Ngôn ngữ của ai đi nữa thì cũng mang sử tính. Thơ Thiền sư làm bằng ngôn ngữ hàng ngày vẫn vang âm xã hội và lịch sử. 
Ví dụ bài cuối: 
Giăng mộ cổ 
Mưa chiều hoen ngấn lệ 
Bóng điêu tàn 
Huyền sử đứng trơ vơ 
Sương thấm lạnh 
Làn vai hờn nguyệt quế 
Ôm tượng đài 
Yêu suốt cõi hoang sơ. 
Ý nghĩa chính xác của bài thơ là gì ta không nên giải thích chân phương. Nhưng từ ngữ thì rõ ràng là trầm tích đau thương của con người trong lịch sử. Bà De Miscault dịch hay và thoát. Tôi vẫn táy máy dịch lại xem như góp một nốt đàn vào bản hợp tấu: 
Sur les tombes antiques 
La pluie du soir se confond en larmes 
Des mythes illusoires 
En ruine esseulés, 
La bruine givre 
Les épaules meurtries de laurier 
Serrant la statue
J’aime ô que j’aime les espaces innocents 
Trầm tích lịch sử còn dư vang rõ hơn trong bài này:
Ngoài biên cương 
Cây cao chói đỏ 
Chiến binh già cổ mộ 
Nắng tắt chiến trường 
Giọt máu quạnh hơi sương 
(Tr. 34) 
A la frontière 
Le grand arbre rougeoie 
Le soldat vieillit sur la tombe antique 
Le soleil éteint la bataille 
Le sang se condense en rosée. 
Thơ gì, thơ ai, thơ nước nào, trong ngôn ngữ vẫn là một thứ ngoại ngữ; người đọc một bài thơ trong tiếng mẹ đẻ là đã dịch bài thơ ấy ra ngôn ngữ của riêng mình. Gọi là tiếng lòng. 
Trong nghề dạy học và việc bình luận văn chương tôi có đôi kinh nghiệm về việc dịch thuật và thông ngôn này. Gặp những bài thơ Tuệ Sỹ việc giảng luận có phần trắc trở. Ngôn ngữ vẫn là ngôn ngữ chung là tiếng Việt, nhưng tương quan giữa người nói và lời nói thì khác nhau. Khi Tuệ Sỹ viết đâu đó “Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang” thì ông không chỉ nói về màu áo, cũng không nói về ngọn đồi, mà phản ảnh tâm linh trong một thế giới khác. Đưa lời thơ Tuệ Sỹ vào ngôn ngữ thế tục e dễ thành dung tục. 
Thơ bao giờ cũng phản ảnh ba tính cách: môi trường xã hội trong lịch sử; ngôn ngữ trong những biến chuyển với thời đại; và tác giả, qua đời sống hàng ngày; nhưng ở Tuệ Sỹ đời sống hằng ngày, ý thức và vô thức dường như đã thăng hoa, thành một siêu thức. Ngôn ngữ do đó cũng siêu thoát, khó bề lý giải chân phương và đơn phương. 
Đầu thế kỷ XX giới văn học Tây phương đưa ra khái niệm “thơ thuần túy”, và nghệ thuật nguyên chất theo nghĩa của hóa học: thực thể nguyên chất đối lập với những thực thể tạp chất “impur”, có lẫn lộn nhiều ngoại tố. Nghệ thuật nguyên chất là kiến trúc của ngôn ngữ: một dạo khúc dương cầm, một tranh tĩnh vật, một bài thơ đẹp. Người thưởng thức không pha lẫn vào đó những kỷ niệm, buồn vui riêng tư, nhất là những thành kiến lịch sử, chính trị. Yêu một chân dung phụ nữ không phải vì nó hao hao giống một người bạn cũ. 
Trong nghệ thuật, dân tộc là một tạp chất. 
Tôi nghĩ khi Tuệ Sỹ đặt tên Những điệp khúc cho dương cầm, và làm những bài thơ mô tả tiếng dương cầm, là ông muốn cho tiếng thơ mình trong trẻo, thuần khiết “trong như tiếng hạc bay qua”. Do đó, bình giải thơ Tuệ Sỹ là tạo cơ nguy gây tạp âm không phải lẽ và không phải lúc. Bài viết này vẫn mang tạp âm là ngoài ý muốn của chúng tôi. 
Lấy một ví dụ ngoài đề, cho thông thoáng. Nhà thơ Phạm Công Thiện, thời trẻ, có lúc tu tại một Phật Viện Nha Trang. Một hôm anh về chơi với nhà văn Võ Hồng, ở lại mấy hôm, khi về Chùa, anh có thơ: 
Mưa chiều thứ bảy, tôi về muộn 
Cây khế đồi cao trổ hết bông. 
Anh tâm đắc thường đọc cho chúng tôi nghe, và chúng tôi hiểu đại khái, nhưng chưng hửng khi nghe Phạm Công Thiện, mười năm sau, tự dịch câu thơ ra tiếng Pháp: 
Je suis le Retour 
Il fait Tard sur le Chemin 
Sept jours après la pluie tombe 
En haut 
du Temple 
L’arbre est le 
Défleuri 
Chúng tôi đã hiểu chung chung: thứ bảy là trước chủ nhật, cây khế là cây khế, ngọn đồi là ngọn đồi, nhưng qua bản dịch tiếng Pháp, thì nội hàm câu thơ không phải chỉ có vậy. 
Nhưng nghĩ cho cùng, ai làm sao hiểu hết một câu thơ, kể cả tác giả? Và cách tiếp cận thơ Tuệ Sỹ của bà De Miscault biết đâu là cách hay nhất, như câu tiếng Pháp không biết của ai “la voix du cœur est la voie au cœur”: lời trái tim là lối đến con tim. 
Đọc thơ Tuệ Sỹ. Bằng trái tim. Nỗi Nhớ 
Màu tối mù lan vách đá 
Nhớ mênh mông đôi mắt giã từ 
Rồi đi biệt 
Để hờn trên đỉnh gíó 
Ta ở đâu? 
Cánh mộng phù du 
(Tr. 18) 
Les ténèbres envahissant les pierres du mur 
Immense le souvenir des regards de nos adieux 
Et je m’en vais à jamais 
Délaissant les chagrins aux cimes de l’ouragan 
Où suis-je? 
Frêles sont les ailes de l’éphémère 
Tình người: 
Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói, 
Vẫn yêu người từ khoảnh khắc chiêm bao 
Từ nguyên sơ đã một lời không nói 
Nhưng trùng dương ngưng đọng cánh hoa đào 
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi 
Vì yêu người ta vói bắt trời sao. 
(Tr. 50) 
Sur mes chagrins enfumés, je revis 
L’Amour des hommes à chaque instant de mes songes 
Dès l’origine la parole a été retenue 
Comme l’océan retient le reflet du printemps en fleur 
Des refrains animent mes ailes épuisées 
Pour l’Homme, j’ouvre mes mains au firmament étoilé 
Trần thế: 
Theo chân kiến 
Luồn qua cụm cỏ 
Bóng âm u 
Thế giới chập chùng 
Quãng im lặng 
Nghe mùi đất thở 
(Tr. 46) 
Traces de fourmi 
Je faufile entre les herbes 
Ténèbres des ténèbres 
Les mondes s’amoncellent 
Silences entre silences 
J’accueille la terre respirante. 
Thơ Tuệ Sỹ cô đọng, hàm súc, uyên áo. Người đọc không quen cho là khó hiểu, vì tác giả không đề cập đến một đề tài nào chính xác, không miêu tả, không tự sự. Ngôn ngữ lấp lánh ánh sáng tâm cảm và ngoại giới, trầm tư và huyễn mộng. Hình ảnh chập chờn, ngôn từ lảo đảo, như những tiếng dương cầm đuổi bắt nhau, chưa kịp tương phùng đã muôn đời vĩnh quyết. 
Thỉnh thoảng, người đọc cảm thấy an tâm trong đôi lời thơ mạch lạc: Cửa kín chòm mây cuốn nẻo xa 
Ngu ngơ đếm chữ, mắt hoa nhòa 
Tay buồn vuốt mãi tờ hương rã 
Phảng phất mưa qua mấy cụm nhà 
(Tr. 26) 
Người Thơ hé mở một thoáng tâm linh, nhưng hình ảnh vẫn mang tính cách tượng trưng, xa cách, xóa nhòa tâm sự cá nhân, pha loãng tình riêng vào làn mưa trên mái ngói. 
Đôi khi người đọc gặp vài từ ngữ, ẩn dụ trở đi trở lại như những ám ảnh, tạo nên dăm viên đá cuội trên lộ trình cậu bé tí hon, nhưng dễ gì tìm được heo hút đường về. 
Ngoại giới biết đâu là ảo giác: 
Bóng sao đêm dài vời vợi 
Thật hay hư, chiều nhỏ ưu phiền 
(Tr. 10) 
Và thơ, tập thơ mình cầm trong tay, những nốt nhạc, những hàng chữ “đen trắng đuổi nhau thành ảo tượng”. Thơ, tất cả thi ca trên cõi trần này biết đâu chẳng là ảo giác của ảo giác? 
Cần gì để nói thêm về Những Điệp Khúc Cho Dương cầm của Tuệ Sỹ? 
Phải chăng là tiếng ve sầu chung thủy, ưu hoài những mùa hạ đã ra đi? 
Tiếng ve trở về, 
Khóc mùa hè mà khô cả đại dương. 
ĐẶNG TIẾN 
Orleans 17/8/2009 
ĐÊM SÂU TUỆ SỸ 
HOÀNG QUỐC BẢO
 
* Tuệ Sỹ luôn cười, bằng "đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ". Con mắt to tròn rực sáng. Cái miệng rộng và hàm răng trắng đều, thẳng tắp. Như gửi gấm cả chân tình vào đó. Ngay đến lúc ông chuyện vãn, nhẹ nghiêng đầu, ngón tay trỏ gầy guộc đưa lên, điểm xuyết cho từng nhận định, ôn tồn, nhu hậu. 
* Hóa cho nên cái Bi của bậc đại Từ rộng lớn trùm khắp thiên hạ, tùy thuận vào cái đau chung của thiên hạ, vẫn đau đáu, mà vẫn vô chấp, vô trước. Trí huệ sâu rộng như biển, nên dưới lớp sóng gió loạn cuồng kia, nước vẫn thanh tịnh thể tính. Vẫn vô quái ngại, viễn ly điên đảo mộng tưởng. Thật như thế nên nhiều học Tăng để sống còn, tránh né được sự dần sàng của chế độ, đã chẳng thốt nên thành lời ví cái ông thầy tu gầy ốm yếu nọ không biết sợ quỷ thần, là Kim cang bất hoại rồi... đấy sao. 
Một bài tứ tuyệt thì có bốn câu. Có bốn câu nhưng Tứ không tuyệt. Như Bùi Giáng mượn làm "tiền đề" cho câu chuyện Tuệ Sỹ qua mắt Bùi Giáng trong Ði Vào Cõi Thơ. Cõi thơ ấy, hôm nay chúng ta nghe bằng chính Tuệ Sỹ, cái giọng Nha Trang êm ả, ngọt ngào. Bài thơ đã làm Bùi Giáng phải khiếp vía, hốt hoảng đến quên ăn, mất ngủ, đến tê cóng cả cõi dạ. 
Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo (Ảnh: Internet) 
Tứ tuyệt 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy 
Hiện tiền vi liễu lạc hoa phi 
Tang bồng tâm sự tân toan lệ 
Trí Hải đa tàm trúc loạn ly 
(Tuệ Sỹ - Bùi Giáng) 
Ðêm thẳm gió đùa trêu bóng nghiệp 
Nương về làm liễu lạc hoa bay 
Chí lớn trạnh lòng đau đáu lệ 
Trúc loạn chưa lìa biển giác ai 
(Hoàng Quốc Bảo dịch) 
Tuệ Sỹ ngồi đó, chiếc bóng sậy gầy. Sững như một ngọn gió. Ðôi mắt tròn to, long lanh. Mãi long lanh với miệng cười. Như Niêm Hoa Vi Tiếu. Bỗng ông bật dậy đi rót cốc nước lọc cho tôi, cho ông. Tôi im lặng dõi theo dáng người nhỏ bé di động, lắng nghe tiếng vạt áo lam phất phất trong căn phòng nhỏ một buổi chiều. Rồi chắp tay cung kỉnh, thưa Thầy khỏe không? 
Miệng cười nở rộ hơn, ánh mắt tinh nghịch hơn, Tuệ Sỹ đáp như reo, anh thấy tôi khỏe không hè? Tôi cười nheo mắt, Thầy khỏe con mừng. 
Trông ông khỏe hơn mấy năm trước thật, lúc mới ra tù được đúng một tháng. Ngày ấy đầu ông như đóng trốc, da bọc sát sọ, mường tượng như Thế Thân Thiền sư Vũ Khắc Minh, không ngồi kiết già nhập đại định ở chùa Ðâu nữa, mà đi lại, mà nói cười, nhập vào cơn huyễn mộng. 
Nay da đầu đã nhuận thắm, những vết chốc ghẻ biến mất, nhưng cái ót sọ ông vẫn nhô ra quá khổ với thân mình. Quá khổ đối với thế tục. Chắc nó phải cứng, khiến bạo quyền lui lại. 
Tuệ Sỹ luôn cười, bằng "đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ". Con mắt to tròn rực sáng. Cái miệng rộng và hàm răng trắng đều, thẳng tắp. Như gửi gấm cả chân tình vào đó. Ngay đến lúc ông chuyện vãn, nhẹ nghiêng đầu, ngón tay trỏ gầy guộc đưa lên, điểm xuyết cho từng nhận định, ôn tồn, nhu hậu. 
Ðược ngồi mãi với Thầy cho đến tối. Khoảng 9 giờ, khi hồi chuông thong thả báo hiệu buổi công phu, cũng là giờ chùa Già Lam đóng cửa chúng tôi mới cáo biệt. Thầy lại hẹn hò. Nụ cười lại Niêm Hoa. Tiếng chuông lênh đênh giữa bóng cây sẫm màu trong vườn. Mấy vần thơ cũ lại hiện ra, như gió thoảng chậm rãi đi ngang qua sân chùa Già Lam. 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy 
Hiện tiền vi liễu lạc hoa phi... 
Nghiệp lực của Bồ Tát, nhòa lẫn vào cộng nghiệp của chúng sanh. Như gió thoảng như mây trôi. Như nghiêm mật như cợt đùa. Giữa đêm sâu và sự tùy thuận. Ðêm càng sâu lòng càng lắng. Gió càng thoảng bóng hình càng phiêu diêu. Trật tự thiên nhiên lên tiếng, trùng trùng duyên khởi gọi mời. 
Sự hiện hữu trong giây phút này, trước mặt cuộc đời, là hiển lộ, là mầu nhiệm nhất, nằm trong đường rơi của lá, nét bay của hoa. Không trước cũng chẳng sau. Cái hiện tiền ấy gói trọn cả tam thiên đại thiên thế giới, cả đêm cả ngày, cả hằng sa nghiệp dĩ. Cái tức thời ấy, có khác chi "đình tiền tạc dạ nhất chi mai" của Mãn Giác hôm nào. Vượt ra ngoài thời gian, vượt ra ngoài không gian, mà tóm gọn cả bốn chiều ấy vào làm một. Bất sinh bất diệt. Ấy luôn là lúc: 
Ðêm thẳm gió đùa trêu bóng nghiệp 
Nên... 
Nương về làm liễu lạc hoa bay... 
Không trước cũng không sau, lại chẳng không trước cũng chẳng không sau. Nghe ra như hình bóng phất phới của một tiết điệu Bát Nhã. Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức, diệc phục như thị. Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì Sắc, Sắc chính thực là Không, Không chính thực là Sắc, bốn uẩn còn lại kia, Cảm thọ, Tư duy, Tâm hành, nhận Thức ấy cũng đều như vậy cả. Cho nên Nghiệp lực kia, trong sát na nhận thức trong suốt của tánh Không, đã dứt lìa mắt xích. Không còn chỗ bám víu, trầm mịch. Không còn chỗ đắc. Trí Huệ đã biến thành Từ Bi, Nghiệp Lực đã hóa ra Hạnh Nguyện của Bồ tát. 
Bồ tát không mong dứt nghiệp mình, mà còn muốn đưa vai gánh vác lấy cộng nghiệp của chúng sinh. Cho nên Bùi Giáng làm Bồ Tát đọa, chịu đày xuống trần gian, lấy vui buồn, tỉnh mê của chốn gió bụi mà thị hiện: 
Tang bồng tâm sự tân toan lệ, 
Trí Hải đa tàm trúc loạn ly 
Bùi Giáng đã thế, mà Tuệ Sỹ cũng vậy. Xin nghiêm nghị đứng nép vào chỗ của Tuệ Sỹ mà tạm dịch: 
Chí lớn trạnh lòng đau đáu lệ 
Trúc loạn chưa lìa biển Giác ai 
Lấy đau khổ của chúng sinh làm của mình. 
Chí lớn trong thiên hạ ấy, sao nguôi được, lúc bao sinh linh còn chìm đắm trong tang tóc, đọa đầy? 
Sao nguôi được mà chả đau đáu lệ, chạy ngược vào hồn u uẩn của quê hương? 
Nhưng đằng sau dâu trúc khô héo, nghiêng ngả loạn ly kia, vẫn mang mang một biển Giác. Tướng trạng có oan khiên nhưng Tánh Giác vẫn làu sáng, vẫn thanh tịnh. Một người đã bảo một người, cứ phiêu hốt đi qua cuộc đời, lúc nào cũng mỉm cười tựa Niêm Hoa Vi Tiếu, cho dù có lúc là đằm đằm ngang qua một đám tang, giữa những kêu gào thảm thiết của nhân thế; có lúc là im lìm lạnh lẽo, giữa bốn bức tường vôi ủ rũ ngục tù. Mà thế nhân có thấy như vậy được đâu. 
Có kẻ nói với tôi rằng, không thích cái cung cách bỡn cợt thiếu tôn kính của Thi sĩ họ Bùi nọ đối với một danh Tăng. Quả đấy là cố tật mê thích thần thánh hóa của một số tín đồ muốn đóng khung niềm tin bao trùm lên trên bến giác. Sự say mê tin tưởng ấy không ít ở một số người, chia bè kết phái, như hai ông Tăng nọ mải mê cãi nhau về cái động. Ông cho rằng phướng động, ông cho rằng gió động. Lục Tổ tạng ngang cười bảo tâm hai ngài động đấy thôi. 
Cho nên Thi sĩ họ Bùi có ngạo nghễ bỡn cợt, thì cái bỡn cợt ấy không phải tầm thường, không phải chỗ để cho người trần mắt thịt chúng ta chen chân tìm miếng thị phi. Kẻ nhân nghĩa thấy nơi đâu cũng đầy nhân nghĩa, ngay giữa gươm giáo loạn cuồng, và ngược lại Nhất là làm Thi nhân, với đôi mắt ở đây mà thấy những đâu đâu, như Bùi Giáng đã hồn nhiên thơ dại, như đại sư Tuệ Sỹ vẫn thơ dại hồn nhiên, vượt ra ngoài cái cảm thọ ngắn ngủi, vô thường: 
Khổ thọ và lạc thọ 
Như mây trời theo gió 
Hơi thở là giây leo 
Thuyền về nơi bến cũ... 
(Nhất Hạnh) 
Ta hãy đọc lại bài thơ Tứ tuyệt nọ, hai câu đầu của Tuệ Sỹ, hai câu sau của Bùi Giáng, để thành độc nhất vô nhị một bài thơ, một bài Tứ tuyệt: 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy 
Hiện tiền vi liễu lạc hoa phi 
Tang bồng tâm sự tân toan lệ 
Trí Hải đa tàm trúc loạn ly 
Có hỏi Tuệ Sỹ thì vẫn nụ cười cố hữu, vẫn là câu trả lời rất mực thành thật, hồn nhiên: Hồi đó chỉ làm chơi chơi vậy mà... 
Thì cả cuộc tồn sinh này có lấy gì làm thật? Chẳng là giả tưởng cả đấy sao? Lọ là phải vấn đáp. Hóa ra chỉ là cái cớ, cho những Thi sĩ làm xiếc, đu bay. 
Cái cớ để đề, cái cớ để thuyết. 
Cái cớ để du, cái cớ để dịch: 
Ðêm thẳm gió đùa trêu bóng nghiệp 
Nương về làm liễu lạc hoa bay 
Chí lớn trạng lòng đau đáu lệ 
Trúc loạn chưa lìa biển Giác ai. 
Hóa cho nên cái Bi của bậc đại Từ rộng lớn trùm khắp thiên hạ, tùy thuận vào cái đau chung của thiên hạ, vẫn đau đáu, mà vẫn vô chấp, vô trước. Trí huệ sâu rộng như biển, nên dưới lớp sóng gió loạn cuồng kia, nước vẫn thanh tịnh thể tính. Vẫn vô quái ngại, viễn ly điên đảo mộng tưởng. Thật như thế nên nhiều học Tăng để sống còn, tránh né được sự dần sàng của chế độ, đã chẳng thốt nên thành lời ví cái ông thầy tu gầy ốm yếu nọ không biết sợ quỷ thần, là Kim cang bất hoại rồi... đấy sao. 
Một bài tứ tuyệt thì có bốn câu. Có bốn câu nhưng Tứ không tuyệt. Như Bùi Giáng mượn làm "tiền đề" cho câu chuyện Tuệ Sỹ qua mắt Bùi Giáng trong Ði Vào Cõi Thơ. Cõi thơ ấy, hôm nay chúng ta nghe bằng chính Tuệ Sỹ, cái giọng Nha Trang êm ả, ngọt ngào. Bài thơ đã làm Bùi Giáng phải khiếp vía, hốt hoảng đến quên ăn, mất ngủ, đến tê cóng cả cõi dạ. 
Đó là một buổi chiều khác, vẫn đôi mắt tròn to lấp lánh từ cõi mộng vào cuộc đời thực, đen láy ướt mượt như nhung, cái nụ cười hiền hiền cố hữu trên chiếc cổ cò chênh nghiêng, mảnh dẻ như nụ hoa trắng muốt điểm trên cành mai khẳng khiu, tỏa lan cái ấm áp vào hơi lạnh của cuộc đời tuyết giá, Tuệ Sỹ đọc: 
Ðôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ 
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang 
Phút vội vã bỗng thấy mình du thử 
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn 
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở 
Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan 
Cười với nắng một ngày sao chóng thế 
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng 
Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ 
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh 
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ 
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn 
Trăng 
Nay chúng ta cũng thêm chút tương chao, làm bữa cỗ "tiếp đề" cho cuộc du phương, vào cõi nhạc. Nhạc mà thơ, chất chứa trong nhau cái tình tự lai láng. 
Thêm một buổi chiều khác, trong quán ăn nhỏ mang tên gọi, khiến nhớ về cố quận. Nữ chủ nhân cũng có chỗ quen biết, trọng vọng danh tăng, thừa khéo léo, kín đáo tiếp chúng tôi cùng tăng nhân trên một căn gác riêng tây, để mọi người được phước báu ngồi quây lấy Thầy, được rưng rưng trong im lặng, được sảng khoái nói, được hồn nhiên cười. 
Cái hứng đến bất chợt, khiến tôi nhớ bài thơ "Trăng" mới phổ nhạc gần đây, liền hát cho Tuệ Sỹ nghe, nhờ Thầy nhắc lời chỗ tôi không nhớ: 
Nhà Ðạo nguyên không khách 
Quanh năm bạn ánh đèn 
Thẹn tình trăng liếc trộm 
Bẽn lẽn nấp sau rèm. 
Yêu nhau từ vạn kiếp 
Nhìn nhau một thoáng qua 
Nhà Ðạo nguyên không nói 
Trăng buồn trăng đi xa... 
(Tuệ Sỹ) 
Tuệ Sỹ lại cười, ông không nói và chớp mắt. Vẫn "đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ," thoáng qua trong bài thơ ngũ ngôn, bát cú. Chỉ thế thôi, ngắn ngủi mà lai láng. Thoáng nhìn... lai láng. Tình thơ... lai láng. 
Ai bảo Thiền sư là tuyệt tình? 
Nhưng cái Tình quả có khác. 
Bài thơ quẩn quanh giữa hai người, mối tình quấn quít lấy hai người, hai nhân cách, một thực một mộng: Thiền chủ và Nguyệt nương. 
Ta thử ngắm nhìn thật sâu sắc từng nhân vật này xem sao. 
Nheo mắt lại, mường tượng ra Ðạo gia, đọ lấy câu đầu: 
Nhà Ðạo nguyên không khách. 
Một cự tuyệt đấy chăng? 
Hay chỉ là một khẳng định, Khách thì có mà lòng đã Không rồi? Khách cứ đến, đi, cứ ra, vào. Thiền chủ vẫn sống, vẫn ăn, vẫn thở, vẫn vào, ra. 
"Không khách" nghe ra chẳng cự tuyệt chút nào, mà chỉ là mở nhẹ cánh cửa vào ý thức giải thoát, không còn vướng bận chủ khách nữa, đã ung dung sống trong cảnh giới vô phân biệt, thoát khỏi đối đãi và chấp trước rồi. Dù trăng soi long lanh, hay Nguyệt dãi mơ màng, huyễn ảo cuộc đời đã không còn sôi nổi được nhau thêm nữa. 
Cho nên Trăng Nguyệt ơi, đọc thêm câu sau: 
Quanh năm bạn ánh đèn 
thì xin cũng hiểu cho. 
An bần lạc đạo đã thành nếp, vậy đừng khuấy động cảnh sống giản đơn, thanh bạch này mà chi. Tại sao vậy? Ấy bởi ngọn đèn kia đã thắp, đã lan tỏa ấm áp suốt cuộc đời, đã nguyện làm bó đuốc soi tỏ u minh, chuyển hóa thành Tâm đăng rực rỡ. Ngọn đèn ấy không tắt. Phật tánh trong mỗi chúng ta cũng vằng vặc đến nghìn thu. 
Nhìn nhau một thoáng qua, như giấc mộng giữa cuộc đời. Nhưng vẫn bằng “đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ..." Nếu quả như thế thì chẳng "thoáng qua" một chút nào, mà dường như đã trông nhau tự vạn kiếp: 
Yêu nhau từ vạn kiếp... 
Cái vạn kiếp ấy là gì? mà chẳng rời, mà chẳng lưu luyến đến thế? Con chim kia vụt ngang trời không, trường giang có lưu ảnh? Mà sao in sũng trong đôi mắt buồn đến thế? 
Ta đi hỏi vầng trăng vậy. 
Bấy nhiêu đã đủ, mối tình xin được ngọt ngào vào nhiên lặng. Nhà đạo nguyên... không nói, vì... hôm nay bạo dạn nói ra mất nửa rồi.
Mà quả có nói thêm nữa cũng không cùng. Vậy bặt ngôn ngữ, một nửa kia học thoái Hồ Tăng, bất khả thuyết. 
Ta đi hỏi vầng Trăng, là tùng Tướng. Về cái chỗ không nói của nhà Ðạo nguyên, là nhập Tánh vậy. 
Thẹn tình trăng liếc trộm 
Bẽn lẽn nấp sau rèm 
Từ khi trăng là nguyệt, từ khi em là Tướng sở tri bên ngoài, nên em không thật, nên em bẽn lẽn, nên em thẹn thuồng. Em nấp sau rèm mà liếc trộm bóng anh. Nên bóng anh mờ mờ nhân ảnh, nên Tình ấy nhòa nhạt giữa vô minh. 
Yêu nhau từ vạn kiếp... 
Vạn kiếp thì đằng đẵng, quẩn quanh trong vô minh kia. Ngay cả lúc tưởng tìm thấy nhau, em vẫn còn bẽn lẽn xa lạ, núp sau rèm, sau một màn vô minh ngăn cách nữa, nên chỉ nhìn được nhau thoáng qua, có thấy, như một lần chớp lóe. 
Yêu nhau, ta yêu nhau từ vạn kiếp. Theo nhau, ta theo nhau từ vạn kiếp. Lầm lũi trong vô minh. Anh có lần nhắc với em về Nghiệp dĩ, lấy sanh tử làm chốn đi về. Cái mắt xích khít khao từ Vô minh đến Nghiệp. Nhưng có bao giờ em dám cắt lìa, đối diện với thực tướng ấy. Làm Trăng để em chịu đầy vơi. Làm Nguyệt để em vẫn đi về vạn kiếp. 
Yêu nhau từ vạn kiếp 
Nhìn nhau một thoáng qua 
Nhà Ðạo nguyên không nói 
Trăng buồn trăng đi xa 
Ðến đi, đầy vơi ấy, trong im lặng một lúc nào, em nghe ra tiết điệu vô thường... 
Ánh trăng thu trong e rực rỡ rồi tàn tạ, duy có đốm lửa trong tim anh là thiết tha, còn sáng mãi. 
Tuệ Sỹ im lặng. Tuệ Sỹ cười bằng mắt. Xuyến xao cả cung trời hội cũ, từ đôi mắt chú điệu mở to đen nhánh quanh đuôi tóc xanh mướt vắt bên vành tai khi nghe bản Piano Sonata 14 giữa mùa trăng ấy, đến nay... 
Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ 
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh 
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ 
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn 
Từ lúc hỏi vừng trăng lạnh, vân du đến mấy phương trời viễn mộng rồi, cũng theo Tướng mà đi. Khi trở về, yên lặng làm bạn với ánh đèn, vô phân biệt chủ khách, nhập cùng thể Tánh. Ta nên tôn trọng cái giây phút tĩnh mặc ấy, mà thôi khuấy động. 
Mà Tướng với Tánh nào phải là hai 
Mà trăng với đèn nào khác. 
Giữa hồi chuông thu không dìu dặt, giữa nhịp Bát Nhã nhặt khoan lúc đêm về trong sân chùa Già Lam, hãy để cho Tuệ Sỹ nằm im trên võng ngắm vừng Nguyệt bạch... 
Sắc tức thị Không 
Không tức thị Sắc... 
Vào cho đến khi Trăng xa làm một với ánh Ðèn gần thì... 
Trăng ơi, hãy cứ hát ca... (**) 
HOÀNG QUỐC BẢO 
Tháng 5, 2002 
“Tuệ Sỹ Đạo Sư - Thơ Và Phương Trời Mộng” Tập 2 
Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức, Nha Trang, 2006, CA, Hoa Kỳ 
Ghi chú: (**) Trăng, thơ Tuệ Sỹ, nhạc Hoàng Quốc Bảo. 
TUỆ SỸ, VIỄN MỘNG MẤY KHUNG TRỜI 
NGUYỄN MẠNH TRINH 
Có người yêu thơ và hay tập tành làm thơ, sau khi đọc một tác phẩm "Tô Đông Pha, những phương trời viễn mộng" của một người làm thơ viết về một người làm thơ khác (Tuệ Sỹ viết về Tô Đông Pha) đã cảm khái: 
“nghe từ thiên cổ 
lời ru mênh mang 
bước vào cuộc Lữ 
mấy chuyến đò ngang. 
Tà dương có khóc 
Nắng ngả ánh vàng 
Mưa bay thoảng chốc 
Thiên địa hoang tàn 
Một người đọc thơ 
Nhìn trăng vừa khuyết 
Sinh tử đâu chờ 
Vòng quay nhật nguyệt. 
Đi vào đất trích 
Quanh quẩn nhân gian 
Cho tròn vai kịch 
Giây phút muộn màng. 
Phương trời viễn mộng 
Sẵn lúc chào đời 
Bốn bề gió lộng 
Người ơi, Thơ ơi!!” 
Viết về Tô Đông Pha, mà nghe như viết cho chính mình. Tuệ Sỹ, trong cái quay cuồng của lịch sử, đã nhìn vào chặng lữ hành của lịch sử để tìm vào cõi sâu kín của vòng chuyển dịch. Ông, không phải trong vai trò thiền sư để đi tìm cái uyên áo mà, với thái độ mơ mộng lãng mạn đi tìm cho riêng mình một cõi thơ riêng. 
Ông viết: “Thơ vẫn là một cuộc lịch nghiệm Riêng và Chung, của Thời Đại và Lịch Sử. Từ cuộc Riêng, Thơ nương theo cánh của Thi và Dịch để đi về nơi Hoằng Viễn, dẫn Lịch Sử Uyên Nguyên tụ hội với Thời Đại. Hình như những sự này tôi nghe được từ nơi thơ của Tô Đông Pha, nhưng có nghe lộn hay không thì không biết…" 
Kinh Thi và Kinh Dịch là những trầm lắng suy tư của người xưa, theo Tuệ Sỹ là hai cánh chim lớn của con thần nhạn chuyên chở định mạng của dân tộc Trung Hoa bay lượn suốt mấy mươi thế kỷ trên vòm trời Viễn Đông. Thi và Dịch, là suy ngẫm để tìm đến đích đến rốt ráo của Chân Lý. Và, cũng là những phiến gương soi để tìm lại những bóng hình vẫn còn hiện hữu dù đã xa xôi những không gian, thời gian muôn trùng… 
Có những câu thơ, của thấp thoáng tình Riêng trong Ý chung. Thấp thoáng nỗi niềm của Tuệ Sỹ trong ngôn ngữ một thuở Thịnh Đường. Dù thơ lục bát, của ngữ ngôn thuần túy Việt Nam, nhưng giấc mộng vẫn vút cao: 
“Đồi mai ngơ ngác nụ cười cánh hồng lả mộng của đời lưu ly
tồn sinh thấp thoáng nẻo về 
dấu trơ bãi tuyết, ngoài tê cánh hồng 
Sư già, tháp mới, hồn không 
Tường rêu đổ xuống đâu đồng vọng Thơ
Gập ghềnh năm tháng, hay chưa? 
Đường dài người mỏi, gót lừa kêu đau...” 
Ôi, những phương trời viễn mộng, của những kiếp nhân sinh trôi nổi theo dòng thời thế, của nỗi niềm người tha hương lưu lạc ngay trong chính đất nước mình. Những canh trường mộng, những lời nỉ non nghe vẳng lại từ hai bờ tịnh không của cảm xúc. Vẫn, vần lục bát, lời của Tuệ Sỹ, làm vẳng nhớ đến Tô Đông Pha thuở nào xa xưa: 
“Đá mòn phơi nẻo tà dương 
nằm nghe bước lũ khóc chừng Cuộc Chơi 
nghìn năm vang một nỗi đời 
gió đưa cuộc lữ lên lời Viễn phương 
đan sa rũ mộng phi thường 
đào tiên trụi lá bên đường Tử Sinh 
đồng hoang mục tử chung tình 
Đăm chiêu dư ảnh nóc đình hạc khô". 
Viết về bài thơ, viết về cái tâm tình của bờ biển lớn, của cõi hoang vu mà thiên nhiên là đại dương bí ảo để, ở đó những dấu chân tỏ mờ trong ngã về hoang lộ. 
Tuệ Sỹ viết: “... Người đã lãng phí trọn vẹn tinh thể của người, để cho thiên nhiên tỏ bày ân tình trơ trọi, như viên sỏi bên đường lây lất với nắng và gió. Nắng lên cùng với dấu hiệu của hao mòn và sụp đổ. Gió lên cùng với những ước nguyện thiên thu phảng phất ra ngoài khung trời Hoằng viễn và Tịch nhiên. Mộng Phi Thường được ký thác trong đan sa trong dấu hiệu của trường sinh bất tử, nhưng đường Sinh tử đi trong cõi Hoằng viễn Tịch nhiên, ấy thế mà không bao giờ dừng bước cho Lữ Khách một lần ngụ cư ở đó. Sống và Chết vẫn còn như một nỗi đời hư huyễn, vẫn rầm rộ như một cuộc chơi. Giữa khoảng đồng rộng, đồng trống, đồng không mông quạnh. Mục tử đăm chiêu tư lự những chuyện đường đời. Và Lịch sử qua bóng dáng con Hạc gầy, rồi tự hỏi: Đâu là Cõi Mộng Thiên Thu?...” 
Đọc “Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng“ của Tuệ Sỹ để thấy từ một người hậu sinh sau những thế kỷ dài đã chia sẻ với Người Thơ những nỗi niềm của những người tri kỷ. Thời thế có khác, đất nước có khác, nhưng chất Thơ vô cùng bát ngát của những phương trời mở ra mênh mông những cánh vỗ để đi vào cái tận cùng của ngữ ngôn, để bay vào cái vô tận của ý tưởng. Viết về thơ đã khó, giải thích thơ lại khó hơn nhưng tái tạo lại không gian thơ, lại khó bội phần. Thơ ở trong thơ, không chỉ là cái khám phá hời hợt bên ngoài, mà, Thơ có tham vọng đi sâu vào cõi vô thủy vô chung của những nốt lặng của một bản trường ca chưa hoàn tất. Chính cái dở dang ấy, là thái độ của người thơ, dù trong hoàn cảnh lao lung cấm cố, bốn bề là những bức tường đá lạnh lùng, mà, hồn vẫn thoát đi, bay bổng, không có gì ngăn chắn được. Thơ, là thái độ sống, là sự thản nhiên của người hiểu biết được cái vô cùng nhỏ nhoi nhưng cũng vô cùng lớn lao của tâm thức con người… 
Một buổi tối, đọc lại tập thơ. Giấc Mơ Trường Sơn. Không dừng lại được, ngồi dậy bật máy, viết... Những tâm cảm đón nhận được từ những câu thơ. Như những làn sóng lan tỏa từ mặt nước yên tịnh. Ngoài trời chắc khuya lắm thì phải. Và những giọt mưa, mù mịt đất trời. Sắc không, còn mất, có lúc như hơi thở nhẹ. Lắng nghe từ vô thức, tôi đọc… Có những điều, nói nhiều mà chẳng đủ. Cũng như có những việc, nói ít mà vẫn thừa. Chuyện thi ca, có khi chỉ một giây phút, hiểu rồi, sẽ bất khả tư nghị. Tôi không dám làm người vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm cánh. Mà, tôi chỉ diễn tả cái tâm chân thực của mình. Đọc rồi cảm, cái quá trình ấy phải chăng là lúc này, khi mọi lắng đọng đã theo giấc ngủ ngon vút mất. Thơ như cánh tay lay động, thức tỉnh ngũ quan... 
Đóng lại tập thơ. Với bài thơ cuối. Những câu lục bát đơn sơ. Như một lời nhắn nhủ. Có thể với chính mình nhưng cũng có thể là một ai khác, cùng mang khắc khoải trong lòng. Một chút vỗ về, một chút xao động thoảng qua. Bước chân ai, đi về, biền biệt. 
“Khói ơi, bay thấp xuống đi 
Cho ta nắm lại chút gì thanh xuân 
Ta đi trong cõi Vĩnh hằng 
Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần ra hoa”. 
Tại sao lại nhớ những lần cây nhỏ ra hoa? Có phải vì ý niệm thời gian? Tôi nghĩ là không phải. Mỗi lần ra hoa, là một lần sự phát triển đến mức tuyệt đối. Trong hành trình của con người, có phải là đi tìm một cái gì tuyệt đối mà chẳng bao giờ nắm bắt được. Cõi vĩnh hằng, có khi là khói sương, là những mong manh vô định…
Giấc mơ Trường Sơn. Những bài thơ có man mác ý tình, của cái tâm như biển động lúc nào cũng trào khơi theo ngàn sóng vỗ. Không nói đến thời thế mà quê hương vẫn hiển hiện trong thơ. Những nhọc nhằn của một thời đại nhiều máu lệ. Những giấc mơ của những người tham dự vào lịch sử một cách bất đắc dĩ. Những người nhìn thấy Trường Sơn vòi vọi nhân chứng.
Quê hương, những bước chân đi của mười năm, những mốc thời gian đau đớn.
“Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng 
Nhìn quê hương qua dấu tích điêu tàn 
Triều Đông Hải vẫn thầm thì cát trắng 
Truyện tình người và nhịp thở Trường Sơn. 
Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị 
Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng 
Tay anh với trời cao chim chiều rủ rỉ 
Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường 
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối 
Tìm quê hương trên vết máu đồng hoang 
Chiều khói nhạt như lòng ai còn hận tủi 
Từng con sông từng huyết lệ lan tràn 
Mười năm đó anh quên mình sậy yếu 
Đôi vai gầy từ thuở dựng quê hương 
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu 
Bản tình ca vô tận của Đông phương 
Và ngày ấy anh trở về phố cũ 
Giữa con đường còn rợp khói tang thương 
Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ 
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương“ 
Có phải đó là tự truyện của một người Việt Nam? Ở bên kia? hay bên này? Của chiến tuyến đã vạch sẵn từ bao nhiêu năm nay. Dường như đó là nỗi niềm chung mang của cả một thế hệ? Ở phố thị, lầm lì với những tâm tình khó ngỏ thành lời. Trời thì cao mà bàn tay thì khó với tới những ước nguyện và chim trời thì lênh đênh những cánh nhỏ ngơ ngác bên đường. Mười năm rồi tiếp mười năm, quê hương vẫn chỉ là những con sông huyết lệ. Ngày trở về phố cũ vẫn man mác nỗi hờn thiên cổ, của những người hình như mất mát một quê hương. 
Thơ Tuệ Sỹ, trong ngôn ngữ bình dị có những suy tư thâm trầm. Xúc cảm hình như cố gắng để lắng đọng lại và ý tưởng cũng được trình bầy một cách gián tiếp để trong màn sương mờ ảo ấy, thấy được cái lẽ xoay vần của thời thế. 
Thi sĩ cũng làm thơ tù. Cũng những ngày biệt giam, cũng những bức tường cao nhưng sao lồng lộng gió và đầy trăng sao. Cái thong dong của tâm thể đã vượt quá cái cùm gông của thân xác… 
“… Vẫn khúc điệu tự ngàn xưa ám khói 
Ép thời gian thành rượu máu trong xanh 
Rượu không nhạt mà thiên tài thêm cát bụi 
Thì ân tình ngây ngất cõi mong manh 
Ôi tiết nhịp thiên tài hay quỷ mị 
Xô hồn ta lảo đảo giữa tường cao 
Trưa dài lắm ta luân hồi vô thủy 
Đổi hình hài con mắt vẫn đầy Sao”. 
Viết ở trại giam Phan Đăng Lưu mà tưởng đến quán trọ của ngàn sao, có lẽ chỉ có một mình Tuệ Sỹ. Sự tưởng tượng ấy như cánh buồm đưa con thuyền ra khơi về chân trời nào mênh mông chỉ có được từ những hồn thơ trải theo muôn dặm bát ngát. Thơ, vô úy, thong dong. Thơ, như trèo qua được con dốc thực tại để đến một nơi, rộng khắp bao la: 

“Mắt em quán trọ của ngàn sao 
Ngọt ngất hoang sơ ánh rượu đào 
Pha loãng nắng tà dâng cát bụi 
Ám lòng khách lữ bước lao đao 
Mắt huyền thăm thẳm mượt đêm nhung 
Mưa hạt long lanh rọi nến hồng 
Sương lạnh đưa người xanh khói biển 
Bình minh quán trọ nắng rưng rưng”. 
Có những vần thơ ngưng đọng, xót xa. Như những thề nguyền, hứa hẹn cho những bước chân lên đường. Những hùng tráng trộn lẫn với bi thương. 
“… Ta đã hát những bài ca của suối 
Gã anh hùng bẻ vụn mặt trời 
Gọi quỷ sứ từ âm ty kéo dậy 
Ngập rừng xanh lấp lánh ma trơi 
Đêm qua chiêm bao ta thấy máu 
Từ sông Ngân đổ xuống cõi người 
Bà mẹ soi tim con thành lỗ 
Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời". 
Những câu thơ diễn tả tâm trạng của một người muốn làm chuyện đội đá vá trời. Ta đã hát những bài ca của suối. Gã anh hùng bẻ vụn mặt trời… Lời suối thầm thì muôn năm. Hát bài ca đó, có phải là từ thiên thu vọng lại. Gã anh hùng? Ta? Hay kẻ khác? Bẻ vụn mặt trời, để đêm tối kéo về, để quỷ sứ từ âm ty kéo dậy, để hãi hùng rừng núi những ánh ma trơi… 
Một bài thơ viết giữa những ngày tháng tư năm 75 ở Nha Trang, lúc tình trạng đất nước nghiêng ngửa thẳm đen. Bài thơ, như một mốc dấu tích cho những ngày tháng không thể xóa nhòa trong tâm khảm những người dân Việt. 
“Phố trưa nắng đỏ cờ hồng 
Người yêu cát bụi đời không tự tình 
Sầu trên thế kỷ điêu linh 
Giấc mơ hoang đảo thu hình tịch liêu 
Hận thù sôi giữa ráng chiều 
Sông tràn núi lở nước triều mênh mông 
Khói mù lấp kín trời đông 
Trời ơi tóc trắng rủ lòng quê cha 
Con đi xào xạc tiếng gà 
Đêm đêm trông bóng Thiên Hà buồn tênh 
Đời không cát bụi chung tình 
Người yêu cát bụi quê mình là đâu?“ 
Cát bụi, từ ngữ được nhắc đi nhắc lại một cách cố tâm. Người yêu cát bụi đời không tự tình. Rồi Đời không cát bụi chung tình. Người yêu cát bụi quê mình là đâu? Cát bụi, hình ảnh của hỗn loạn, của những lênh đênh ngày tháng. Bài thơ diễn tả nỗi niềm của một người ngơ ngác giữa vần xoay của thời cuộc….Tháng tư năm 75, những ngày tháng chẳng thể nguôi quên. Dù là một thiền sư cố giữ lòng không vọng động. Mà sao vẫn ầm vang thác lũ nỗi niềm. 
Thơ Tuệ Sỹ có lúc cô đọng đến chẳng thể ngắn gọn hơn. Như những hé mở, để ở đó tầm nhìn bị kích thích để trải dài tới sâu xa rộng khắp hơn. Không phải thơ haiku của những cây trồng ép mình trong chậu bonsai mà ở đây tự nhiên sống đời thảo mộc trong khổ hạnh chịu đựng náu thân vào ngôn ngữ. 
“Bứt cọng cỏ 
Đo bóng thời gian 
Dài mênh mang” 
Hay: 
”Gió cao bong bóng vỡ 
Mây sương rải kín đồng 
Thành phố không buồn ngủ 
Khói vỗ bờ hư không”. 
Buổi sáng tập viết chữ thảo, có một chút mênh mang thời cũ nhưng cũng có những khắc khoải bây giờ. Ban mai là lúc tấm lòng mở ra, vô tận. Thơ, cũng phơi phới, an nhiên vô ngại: 
“Sương mai lịm khói trà 
Gió lạnh vuốt tờ hoa 
Nhè nhẹ tay nâng bút 
Nghe lòng rộn âm ba“ 
Tuệ Sỹ. Thiền sư khổ hạnh. Hay một nghệ sĩ phiêu bồng. Hay là chiến sĩ tranh đấu cho dân tộc cho đất nước với sự sắt son kim cương vô hoại. Thơ cũng trong những góc cạnh ấy để có một đời sâu sắc phong phú mà ngôn từ bình dị như thanh kiếm gỗ của Độc Cô Cầu Bại trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung sắc bén hơn vạn lần bảo kiếm. Thơ Tuệ Sỹ, ngôn ngữ đời thường để biểu hiện tấm lòng Bồ tát… 
Trong cuộc hành trình, đời sống mở ra những cảm xúc. Tuệ Sỹ làm thơ trong cái phơi phới của thiên nhiên, của núi cao mây trắng, của bến cũ neo thuyền, của mặt biển khơi xao động. Bài thơ “Một Bước Đường“, không có phong vị của một bài hành nhưng sao nghe như có một điều gì bừng dậy của tâm tư, của những tâm can bừng bừng ngữ ngôn: 
“Một bước đường thôi nhưng núi cao 
trời ơi mây trắng đọng phương nào? 
Đò ngang neo bến chờ sương sớm 
Cạn hết ân tình nước lạnh sao 
Một bước đường xa xa biển khơi 
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời 
Thuyền chưa ra biển bình minh đó 
Nhưng mấy ngàn năm tống biệt rồi 
Cho hết đêm hè trong bóng ma 
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà 
Trời không ngưng gió chờ sương đọng 
Nhưng mấy ngàn sau ố nhạt nhòa 
Cho hết mùa thu biệt lữ hành 
Rừng thu mưa máu dạy lều tranh 
Ta so phấn nhụy trên màu áo 
Trên phím dương cầm hay máu xanh… 
Giấc Mơ Trường Sơn, một tập thơ mỏng nhưng chứa đựng nhiều biển trời và đại dương như thi sĩ Bùi Giáng đã nhận xét khi đọc một bài thơ trong đó. Và tôi xin được trích dẫn lại thay cho lời kết bài viết này: “… Thi nhân đã mấy phen ngồi ngắm trăng tàn. Ngồi trên một đỉnh đá? Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp với chân trời xa xôi đại hải? 
Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá quy tụ về mọi hướng màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình đứng sững tại giữa tuế nguyệt phiêu du.. Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ từ Đường thi Trung Hoa đến siêu thực Tây phương…”. 
NGUYỄN MẠNH TRINH

PHỤ LỤC:

LẠI NHỚ VÀ NHỚ LẠI VỀ THẦY TUỆ SỸ 
NGUYỄN HIỀN ĐỨC
Ở bìa 4 cuốn CỔ THỤ LẶNG BÓNG SOI - Dấu Ấn Những Bậc Thầy của Văn Công Tuấn, NXB Tôn Giáo, tháng 10/2016, tôi có ghi mấy dòng cảm nhận như sau: 
* Văn Công Tuấn chỉ viết về những điều có thực mà anh đã trải nghiệm, và là người trong cuộc; đã “sống với”, “sống cùng” nó. Anh sống thật với lòng mình, tuyệt đối không vay mượn, không hư cấu, không cường điệu, không “nói hai lưỡi”. 
* Tôi học được ở anh nhiều điều, điều lớn nhất, có ý nghĩa nhất là tâm niệm mộc mạc, đơn giản, chân chất này của anh: “Ai kẻ chuyên vạch lá tìm sâu thì chỉ thấy sâu mà chẳng bao giờ thấy lá xanh tươi thắm, tội nghiệp lắm. Ai làm mặc ai chứ tôi chỉ muốn tìm tới những cái đẹp từ nếp sống đức hạnh ấy để học theo thôi”. 
Và cũng trong Lời Cuối Sách này nơi mục 2.4. Những Phương Trời Viễn Mộng (Khung Trời Tuệ Sỹ) tôi viết đoạn ngắn gọn như sau: 
Tôi cảm phục sự tự trọng, chân thành và lòng can đảm - đôi khi pha chút “liều lĩnh” khi Văn Công Tuấn công khai nói lên cái điều mà mình đã cảm nhận qua nhiều năm tháng gần gũi và thân thiết với Thầy Tuệ Sỹ; rằng: 
“Trên đời này, nếu chỉ được phép nhắc đến tên một nhà Văn hóa Phật giáo Việt Nam thì tên người ấy chắc chắn phải là Tuệ Sỹ; nếu chỉ được phép viết về một người của thế kỷ này thì nên viết về Tuệ Sỹ; nếu tôi chỉ phải nêu tên một người bằng tất cả niềm cảm phục và kính trọng thì tôi sẽ nêu tên Thầy Tuệ Sỹ”. (tôi nhấn mạnh - NHĐ
Và, Văn Công Tuấn kết thúc bài viết rất đỗi thơ mộng và viễn mộng về Đại sư Tuệ Sỹ như thế này: “Thì ra, sa mạc chính là nơi kỳ ngộ những khối óc và trái tim của nhân loại. Sa mạc mênh mông và nắng cháy nhưng “nó chôn dấu một cái giếng dạt dào đâu đó…”
Tôi nhớ lại rằng, Đại Học Vạn Hạnh có một dãy hành lang rất dài, rộng mà chiều chiều có nhiều sinh viên, kể cả các sinh viên của các trường đại học khác đến vui chơi, giải trí. Họ ngồi đó nhìn ra sân bóng chuyền, nhìn qua chùa Phổ Tuệ và… tán gẫu, và… “bình loạn” nhiều chuyện nghe rất vui tai, đại để: 
- Chú Tuệ Sỹ ốm nhom ốm nhách, cân nặng chưa tới 40 kí-lô, cao dưới 1,60m, chỉ có da bọc xương nhưng vầng trán thì cao rộng “mênh mông”, đặc biệt là đôi mắt sáng rực, sâu thăm thẳm, cái nhìn “xa vắng, ngút ngàn”. 
- Chú Tuệ Sỹ mới tốt nghiệp cử nhân Phật học cách đây không lâu nhưng nghe nói có vị danh Tăng phải nhờ chú “hiệu đính” một cuốn sách chuyên khảo về Phật học. Rồi có bạn khác chen vào: “Vạn Hạnh là một đại học danh tiếng, có uy tín, có Ôn Minh Châu làm Viện trưởng nên có nhiều giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng ở trong và ngoài nước hợp tác. Tất cả những vị này đều quý trọng và khâm phục sở học và lối sống của Chú Sỹ. 
- Đợi lúc Chú Tuệ Sỹ lặng lẽ đi vào Phòng Văn Thể Mỹ (Trung tâm Sinh Viên Vụ), một số nam nữ sinh viên vào yên lặng nghe và nhìn Chú dạo đàn piano. Có bạn bảo: không biết Chú học piano lúc nào, với ai mà lại “điệu nghệ” đến thế. Tiếp theo là một bạn khác: “Mấy ông, bà còn chưa được nghe Chú thổi sáo. Như tiếng sáo của Trương Chi ấy!” 
Tôi chưa được nghe tiếng sáo của Thầy, chỉ thỉnh thoảng nghe được tiếng đàn piano của Thầy thôi. Qua đó, trong một bài viết, tôi ghi một vài cảm nhận đại để rằng… “tôi tập tễnh học Phật, dĩ nhiên trước hết và trên hết phải từ Kinh, sách Phật học; nhưng tôi cũng học Phật qua những bài học pháp thân từ cách xưng hô, từ nụ cười Di Lặc của Ôn Minh Châu, từ nụ cười hồn nhiên, sảng khoái của Ôn Mãn Giác, từ tiếng đàn piano của Thầy Tuệ Sỹ và cả từ những bài thơ của Bùi Giáng, Trần Xuân Kiêm và những họa phẩm của họa sĩ Đinh Cường v.v…”. 
Sau 1975, những năm còn ở Sài Gòn, tôi cũng không được gặp gỡ, hầu chuyện với Thầy Tuệ Sỹ. Lo lắng, nóng lòng về tình hình sức khỏe của Thầy, tôi lên Thiền Viện Vạn Hạnh hỏi thăm thì Hòa thượng Chơn Nguyên trả lời rất đơn giản, nhẹ nhàng như sau: Đừng lo gì cả. Anh Tuệ Sỹ sống rất “Vô Cầu”. Thầy Chơn Nguyên lặp lại với tôi mấy lần chữ “sống rất Vô Cầu” này. 
Rồi tôi nhớ đến và nhớ lại những cảm nhận sâu sắc, những thông tin chính xác, đáng tin cậy của Hòa thượng Thích Phước An, của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Bác sĩ Thân Trọng Minh… mà chúng tôi đã đưa vào Tuyển tập này; nhưng nay thấy cần phải dẫn lại nguyên văn một số đoạn mà cũng như tôi, nhiều chư độc giả thấy đáng đọc, cần đọc và đáng nhớ về Thầy Tuệ Sỹ như sau: 
Đoạn văn trong bài viết của Hòa thượng Thích Phước An như sau: “Có lẽ, cũng vì bốn chữ “đọa đày viễn mộng” ấy, mà Tuệ Sỹ đã từ bỏ chức Giáo sư cũng như Tổng thư ký tạp chí Tư Tưởng, cơ quan luận thuyết của Viện Đại học Vạn Hạnh mà ra đi. Tuệ Sỹ ra đi trong lúc đang được sinh viên Vạn Hạnh cùng báo chí coi anh và Phạm Công Thiện là hai cây bút trẻ lỗi lạc nhất (lúc đó cả hai đều dưới 30) của văn học Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. Tuệ Sỹ được xem là quảng bác về Phật học và tư tưởng Đông Phương, còn Phạm Công Thiện thì lỗi lạc về triết lý Tây phương. Chính những bài viết của Phạm Công Thiện và Tuệ Sỹ (cả Ngô Trọng Anh và vài người nữa) trên tạp chí Tư Tưởng mới đủ sức thuyết phục một số nhà trí thức trở về Phật giáo qua Viện Đại học Vạn Hạnh. Trong số đó, đáng kể nhất là trường hợp cố Giáo sư Linh mục Lê Tôn Nghiêm. Lê Tôn Nghiêm là giáo sư triết Tây của các Đại học như: Văn Khoa Sài Gòn, Huế và Đà Lạt, và được xem như là người giỏi triết Tây nhất trong các nhà khoa bảng Thiên Chúa giáo của Việt Nam. Cứ xem những bài viết trên tạp chí Tư Tưởng của Lê Tôn Nghiêm, ai cũng có thể đoán ngay được rằng, thế nào thì ông cũng sẽ từ bỏ Thiên Chúa giáo trong một ngày không xa. Và lời tiên đoán ấy rất đúng, vào những ngày cuối đời, sống tại Sài Gòn, Lê Tôn Nghiêm đã thờ Phật, ngồi Thiền và ăn chay như một Phật tử thuần thành. 
“Năm 1969 nhà xuất bản Ca Dao của Hoài Khanh in cuốn “Đi Vào Cõi Thơ” của Bùi Giáng. Ngoài những nhà thơ lớn như Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Quang Dũng, v.v… Bùi Giáng đã bất ngờ dành những trang đầu sách để viết về một bài thơ của Tuệ Sỹ. Dù bài viết chưa đầy 6 trang, nhưng ảnh hưởng rất lớn. Tất nhiên một phần cũng nhờ vào tài bình thơ của Bùi Giáng, nên mới có ảnh hưởng lớn như vậy. Vào đề Bùi Giáng viết: “Tuệ Sỹ là một vị sư. Ông viết văn nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thực quảng bác vô cùng, thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u”. 
Đúng như Bùi Giáng đã ví “Không ai ngờ rằng” vì trước đó chỉ biết Tuệ Sỹ là một cây bút lý luận về Phật học, đọc rất khó hiểu, có thể nói là rất khô khan nữa. 
Nếu ai đã từng đọc bài: “Luận Lý Học Trên Chiều Tuyệt Đối” Tuệ Sỹ viết về Long Thọ và lập trường Tánh Không Luận đăng trên tạp chí Tư Tưởng, mà sau đó nhà xuất bản An Tiêm in thành sách vào năm 1970 đổi lại đề là “Triết Học Về Tánh Không”, thì sẽ thấy nhận định của Bùi Giáng là hoàn toàn chính xác. Có một lần tôi than với Tuệ Sỹ: “Đọc Triết Học Tánh Không chẳng hiểu gì cả” thì anh cười và nói lại rằng: “Tôi là tác giả mà đọc lại còn chưa hiểu, huống gì là ông”. 
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin thú vị, bổ ích về Thầy Tuệ Sỹ như sau: 
"Thầy “khoe” cái cốc của thầy ở Blao. Đẹp quá và thanh tịnh quá chứ. Mình vẫn “méo mó nghề nghiệp” hỏi thăm một chút về sức khỏe và lối sống hiện nay của thầy ra sao thì biết mắt đã bắt đầu kém, hình như đã bị cườm khô rồi, còn nói chung thì ổn, mặc dù gầy nhom, chỉ cao 1,59m và nặng 39,5kg. Mỗi ngày ăn nhẹ buổi sáng và ăn cơm vào buổi trưa, buổi tối nhịn (y như thời Phật). Mình đùa nghiên cứu gần đây cho thấy ăn đói đói thì sống rất lâu đó! Ngủ mỗi đêm chỉ từ 21h đến 2 giờ sáng, thức dậy làm việc ngay. Thỉnh thoảng nhịn đói tuần lễ, mươi ngày, chỉ uống nước chanh đường. 3,4 ngày đầu thấy hơi mệt, nhưng sau đó thấy sảng khoái và rất sáng suốt… 
Công việc của thầy bây giờ là nghiên cứu và dịch kinh sách từ tiếng Pali. Những tác phẩm rất có giá trị của Phật giáo giúp cho các tăng ni trẻ có tài liệu học tập, tham khảo.” 
Chúng tôi xin phép được “sao lục” lại đôi điều cảm nhận này để kính nhớ Thầy Tuệ Sỹ vậy. 
NGUYỄN HIỀN ĐỨC  
GÓP LỜI… NHỚ 
NGUYÊN ĐẠO VĂN CÔNG TUẤN 
Trong những ngày đại dịch Corona giờ giấc của tôi có hơi bị xáo trộn, tâm trí lại quá căng thẳng. Làm việc tại bệnh viện đại học này đã hai mươi năm nay tôi vẫn thường thấy nhiều ca bệnh, nhiều bệnh nhân, cũng thường có khi thấy thây người chết. Nhưng trường hợp người bệnh CoViD19 thì quả là thật đặc biệt. Con bệnh khi biết mình đã nhiễm virus CoViD19 là bắt đầu hoảng hốt lo sợ, lo là từ bây giờ mình sẽ bị hoàn toàn cô lập, chỉ một mình đơn độc chiến đấu một mất một còn với bệnh dịch hiểm nghèo. Chung quanh họ ở trong phòng hồi sức không bóng một người thân để mong có một ánh mắt, một bàn tay chia sẻ. Họ chỉ thấy các bác sĩ, y tá toàn thân bịt kín bít, trông như người từ hành tinh khác đến. Cứ nhìn họ tôi tự cảm thấy mình may mắn còn đứng đây, chứ con CoViD ấy mà viếng mình, không chừng mình là nhân vật nằm trên chiếc giường ấy. Mà với CoViD19 không ai có thể lường được, nó có thể nhập vào bất cứ ai, bất luận giàu nghèo sang hèn già trẻ. Chỉ cần đứng đâu đó (ví dụ siêu thị, trạm xăng…) mà có người ho hay hách xì lên một tiếng là có thể có nguy cơ ùa đến. Giữa cơn bối rối hoảng loạn ấy, anh Nguyễn Hiền Đức đã thương tưởng gởi cho tôi Tuyển Tập này. Tôi như người đang khát mà gặp dòng nước mát. Tôi vừa đọc vừa mày mò sửa lại những lỗi kỹ thuật theo yêu cầu của anh. Thật ra những lỗi cũng không gì nhiều cho lắm. Có một số bài do anh tự gõ vào máy nên có những “lỗi gõ”, nghĩa là do vì ngón tay vướng vào phiếm gõ kế bên. Còn số bài anh copy từ các trang mạng thì các code, co chữ, khung, màu… có khi không hợp những bài khác. Lại có lúc mấy tấm hình bị lệch đi do khổ lớn nhỏ khác nhau. Thật ra tôi đã mày mò đọc để chìm đắm trong nội dung và thưởng thức nhiều hơn là sửa bài. Vậy mà còn được anh ấy hết lời khen! Thật chẳng khoái lắm ru (nói như lời của cụ Kim Thánh Thán). Anh Nguyễn Hiền Đức như người đầu bếp giỏi, đi gom góp những lương thực ngon lạ bổ dưỡng khắp trong thế gian, rồi nấu nướng, sắp xếp đúng thứ tự lớp lang đâu đó, biến thành những món cao lương mỹ vị đem mời mọi người. Tôi đóng vai anh chàng bồi bàn, chỉ có nhiệm vụ bưng các món ăn ấy ra đây thôi. Bởi vậy nghe anh khen (có khi hơi quá lời), đọc mà thấy mình hơi… mắc cở. Có bài của tôi viết ra đã mấy năm trước, viết với cả tâm tình của mình trong những ngày đẹp ở Vạn Hạnh năm xưa. Những ngày ấy tôi đã cả gan gọi Thầy Tuệ Sỹ là anh (do bắt chước Thầy Phước An và Thầy Chơn Nguyên, bây giờ thì không dám nữa). Thỉnh thoảng vào phòng Thầy ngồi nghe Thầy kể chuyện. Rồi có hôm lại được chính vị giáo sư khoa trưởng trẻ nhất Việt Nam thời ấy tự tay nấu cơm mời ăn. Cũng có khi chạy đến để Thầy sai vặt chuyện gì đó, như đi thư viện mượn hay trả vài cuốn sách, đi ra chợ Trương Minh Giảng mua cái gì đó mà Thầy đang cần. Bởi vậy ba năm trước, khi anh Hiền đề nghị viết thì tôi nhớ sao viết ra ngay, chả có gì là khó khăn cả. Viết về Thầy Tuệ Sỹ với tôi chỉ là hành động cúi đầu ngưỡng mộ trước Thái Sơn. Không khó vì lòng ngưỡng mộ ấy vẫn cứ còn mãi trong tôi, mãi đến tận hôm nay. 
Mày mò đọc từng bài viết của bao thức giả bốn phương trong Tuyển Tập Thầy Tuệ Sỹ Là Viên Ngọc Quý Của Phật Giáo Và Của Việt Nam này, cái tâm đang bất ổn của tôi bỗng dưng an ra, cái đầu tối tăm của tôi bỗng dưng sáng ra thêm. Thì vậy như nhan đề, Thầy Tuệ Sỹ Là Viên Ngọc Quý. Ngọc thì tỏa sáng và chỉ biết âm thầm tỏa sáng. Ngọc càng quý thì lại càng sáng hơn. Những điều ấy bây giờ lại được nói ra, được lặp lại từ khẩu khí của các bậc tôn túc, thức giả bốn phương. Từ quý Hòa Thượng Như Điển, Nguyên Siêu, Phước An… đến cụ Đào Duy Anh, rồi Đỗ Hồng Ngọc, Đinh Cường, Phạm Công Thiện, Viên Linh, Nguyên Giác, Đặng Tiến, Nguyễn Minh Cần vân vân và vân vân. Còn nhiều bậc tài danh khác như ở trang Mục Lục. 
Nhưng thói đời luôn có hai mặt, như đồng tiền có sấp có ngửa. Vì ngọc tỏa sáng nên có khi đã làm chói mắt khó chịu một số người. Có những đôi mắt không tiếp nhận nổi ánh sáng. Thôi thì, xin anh xin chị hãy ráng thêm chút. Ai cũng vậy. Khó chịu thì cũng cố tập quen với ánh sáng. Chẳng lẽ cả đời cứ nhởn nhơ trong cảnh tranh tối tranh sáng nhập nhằng, hay chấp nhận ngồi trong bóng tối mãi sao? 
Thầy Tuệ Sỹ là viên ngọc quý, ai cũng biết! Muốn cảm được ánh sáng ngọc quý thì phải chịu nhìn. Nếu cứ để đôi mắt của mình nấp sau các cặp kính râm thì sẽ chẳng bao giờ nhận ra ngọc sáng được. 
Ngày xưa tôi từng rất khâm phục khi đọc được rằng, Trà Đạo Nhật Bản dựng những ngôi trà thất có cửa ra vào rất thấp. Bước vào cửa trà khách dù là tay kiếm sĩ lừng danh, bậc luận sư uyên bác hay ông đại quan quyền cao chức trọng, ai muốn vào trà thất thì trước tiên phải lột bỏ tất cả vũ khí, hành trang, áo mão… để ở bên ngoài. Sau đó khách phải tự cúi thấp đầu xuống thì mới đi lọt vào cửa được. Ai không cúi đầu thì sẽ bị đụng vào cái khung cửa nọ làm lỗ đầu, u trán (vậy mà cũng chưa vào được bên trong). Và bất cứ ai, khi đã bình tâm cúi đầu nhẹ xuống thì ai cũng đẹp hết. Cái cúi đầu là để tự nhắc nhở rằng, cái ta của mình xem ra vậy mà nhỏ hơn cái vũ trụ càn khôn nhiều lắm. Học Trà Đạo trước tiên là học cúi đầu. Dù đầu cứng hay đầu mềm, dù có tóc hay không có tóc, bất kể dù là nam nhi hay phụ nữ. Giáo lý nhà Phật cũng dạy ta gieo năm vóc cúi xuống sát đất để lạy Phật, Pháp, Tăng. Không cúi xuống, không phủ phục thì không có cơ hội lọt vào Cửa Động Thiếu Thất. Vào bên trong trà thất thì ngồi xếp bằng khiêm tốn ở dưới sàn nhà, chứ không chễm chệ trên những chiếc ghế cao. 
Thời gian gần đây tôi có đọc được nhiều lời bàn tán qua lại, sau khi bản Chúc Nguyện Thư của Thầy Tuệ Sỹ gởi đi. Có người còn bỏ công lục tung những việc xưa của Thầy rồi phê phán hay kết án bằng nhãn quan của họ. Trong khi ấy Thầy còn đang bị bệnh đang điều trị ở bệnh viện. Xin hỏi, anh chị đã có lúc phải nằm nhà thương chữa bệnh chưa? Người ta nói: “người khỏe mạnh mong ước đủ thứ, muốn lấp biển vá trời; người bệnh chỉ mong ước một điều duy nhất: muốn hết bệnh và khỏe lại“. Ai từng nằm trên giường bệnh, từng kề vai Thần Chết chập chờn, mới biết rằng trong giờ phút ấy con người cảm thấy rất cô đơn, chỉ nghĩ đến bước hiện hữu của mình giữa lằn ranh sanh tử. Vậy mà từ trên giường bệnh Thầy Tuệ Sỹ dám can đảm nói rằng, Thầy khâm thừa lời ủy thác của Ôn Quảng Độ, nai lưng gánh vác công việc giáo hội trong giai đoạn ngặt nghèo này, dù sức khỏe không có gì là khả quan cho mấy. 
Đấy chính là lòng can đảm. Đấy chính là lòng từ bi của một bậc Bồ Tát. Chưa đủ, đấy chính là đức vô úy của Ngài Quán Tự Tại. Và phải chăng, đấy cũng chính là lời đại nguyện: “Ngũ trượt ác thế thệ tiên nhập” của Tôn giả A Nan. 
Trong tập sách này tôi đã đọc được những lời này của Thầy Tuệ Sỹ: ”Vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn không chùn bước trước bất cứ kẻ thù nào, nhưng tâm tư của Ðại Hãn cảm thấy bất an khi nhìn sâu vào cuối con đường chinh phục một bóng dáng đang thấp thoáng đợi chờ. Ðó là kẻ thù cần phải chinh phục sau cùng. Ðại Hãn cũng biết rằng dẫu cho tập hợp sức mạnh của trăm vạn hùng binh cũng không thể đánh bại kẻ thù ấy, chinh phục vương quốc ấy“. (Đạo Phật và Thanh Niên) 
Đại Hãn với đội quân bách chiến bách thắng như vậy mà cũng khuất phục, cũng phải quá lo âu khi cảm thấy cận kề hình bóng Tử thần, vẫn thấy thần chết lảng vảng quanh ông. Đại Hãn lo sợ cho cái thân của mình nên đã sai sứ giả đi vào núi Chung Nam thỉnh cầu Ðạo trưởng Khưu Xử Cơ giúp. 
Tả về con người của Thầy Tuệ Sỹ chắc khó ai viết hay hơn những lời này của Thầy Như Điển: 
”Thầy Tuệ Sỹ với mình hạc xương mai; nhưng tư tưởng của Thầy thì cao hơn núi Thái và vững hơn bàn thạch, sáng giá hơn kim cương, dầu cho Thầy có sống ở dưới bất cứ hoàn cảnh nào…“. 
Trong tâm niệm ấy, con xin chắp tay nguyện cầu mười phương chư Phật gia hộ Hòa Thượng Tuệ Sỹ chóng bình phục, hùng tâm hùng lực tăng trưởng để cùng chư Tôn Đức Tăng Ni lèo lái con thuyền Giáo Hội trước dòng thác lũ điên cuồng hiện nay. 
Nam Mô Sư Tử Hống Vương Bồ Tát Ma Ha Tát. 
NGUYÊN ĐẠO VĂN CÔNG TUẤN 
Đức Quốc tháng 5 năm 2020 
Mùa đại dịch Corona. 
“Người xuất gia, khi cất bước ra đi, là hướng đến phương trời cao rộng; tâm tính và hình hài không theo thế tục, không buông mình chìu theo mọi giá trị hư dối của thế gian, không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền bạo lực. Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại; đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy, mà ngay cả người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không tiếc nuối để giữ tròn danh tiết. [...] 
Mỗi thế hệ có vấn đề riêng của nó, do những biến thiên của xã hội chung quanh, do những biến cố dao động mang tính thời đại. Thế hệ của Thầy thừa hưởng được nhiều từ Thầy Tổ, nhưng chưa hề báo đáp ân đức giáo dưỡng cao dày trong muôn một. Chỉ mới tròn ba mươi tuổi, đã phải khép lại cổng chùa, xách cuốc lên rừng, xuống biển, cũng mưu sinh lao nhọc như mọi người. Rồi lại vào tù, ra khám, lênh đênh theo vận nước thăng trầm. Sở học và sở tri cũng cùn mòn theo tuổi đời, năm tháng. Duy, chưa có điều gì thất tiết để điếm nhục tông môn, uổng công Sư trưởng tài bồi. Một chút niềm tin chưa hề thoái thất, chỉ mong cùng chia sẻ với thế hệ kế thừa. Một thế hệ đang trưởng thành để khởi tô ngọn đèn Chánh pháp giữa một đất nước thấm nhuần phong hóa”. 
TUỆ SỸ 
(Tâm Thư gửi Tăng Sinh Thừa Thiên Huế)
Mùa Phật Đản Phật lịch 2564 - Dương lịch 2020
Nguyễn Hiền Đức
Theo https://www.vienminh.ch/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tình yêu của biển – Chùm thơ của Lê Nhi   1 Tháng Tư, 2023 Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/...