Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Hương vị ngày Tết

 Hương vị ngày Tết

1. Nấu bánh chưng, bánh tét là truyền thống mỗi dịp Tết về. Bởi lẽ nồi bánh chưng, bánh tét chứa đựng cả tình cảm của người gói, sự trân trọng của người nhận và những phút giây hiếm hoi quây quần bên nhau của mỗi gia đình. Đây cũng chính là lý do mà đều đặn 20 năm nay, cứ đến dịp Tết cổ truyền, gia đình bà Trần Thị Tắt (70 tuổi, phường Thị Nại, TP Quy Nhơn) lại quây quần cùng nhau gói bánh. Tết này, gia đình bà Tắt còn đón thêm một vị khách ngoại quốc cùng tham gia gói bánh. Bà Tắt vui vẻ tiếp chuyện: “Bây giờ cuộc sống gấp gáp, thời gian dành cho ngày Tết không nhiều, nên đa phần người ta sẽ đặt bánh, mua bánh. Cũng may, con cháu tôi thích sự quây quần, nên gia đình cứ duy trì. Vui hơn nữa là từ những chiếc bánh tét, bánh chưng biếu cho họ hàng, bạn bè, nhiều người vừa miệng nên cứ tầm 23 tháng Chạp là đến nhờ làm”. Cũng nguyên liệu nếp, đậu, thịt mỡ nhưng mỗi gia đình có một khẩu vị, sở thích riêng, nên dấu ấn trong từng chiếc bánh chưng, bánh tét cũng rất riêng. Nhìn đôi tay thoăn thoắt, thuần thục của bà Tắt và các thành viên trong gia đình thực hiện từng công đoạn gói bánh, anh Jeff Jackson (quốc tịch Mỹ, tên thân mật là Jack) hết sức hào hứng. Và Jack càng thích thú hơn khi được bà Tắt hướng dẫn cách gói bánh. Nhìn sự lóng ngóng, vụng về nhưng hết sức tập trung, nghiêm túc của Jack, tôi hiểu rằng anh đang thực sự bị cuốn hút không chỉ bởi chiếc bánh truyền thống này mà đó còn là nếp nhà, là sự ngưỡng vọng với tổ tiên gia đình bà Tắt nói riêng và của người Việt nói chung. “Mọi người rất thân thiện và nhiệt tình. Họ vừa làm phần việc của mình vừa nói chuyện rất vui. Vui nhất là lần đầu được trải nghiệm cùng làm bánh chưng, bánh tét...”, Jack chia sẻ. Quả thật, với những con người lớn lên ở cái thời mọi thứ quá đủ đầy như tôi, Jack hay nhiều bạn trẻ khác, đôi khi lại lạ lẫm với không gian chộn rộn này. Vậy nên sự quây quần cùng nhau chuẩn bị Tết như gia đình bà Tắt quả thật rất quý. 

2. Truyền thống nhưng phải hợp xu thế. Đó là cách mà bà Lê Thị Thanh Hương (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) đã và đang hướng tới để những chiếc bánh phục linh, ngũ cốc... vẫn có một vị trí giữa muôn vàn các loại bánh trên thị trường hiện nay. Vốn là bánh truyền thống nên nguồn nguyên liệu cũng thật gần gũi, giản dị, như các loại đậu, bột bình tinh, mè, gạo lứt, đường, nước cốt dừa, lá dứa… Mỗi chiếc bánh là sự hội tụ của một bầu thiên nhiên, gợi nên nét mộc mạc, đặc trưng làm say lòng biết bao người thưởng thức. “Wow, thật tuyệt! Từng chiếc bánh bé xinh cứ tan biến trong miệng, quyện với vị thanh ngọt và mùi thơm nhẹ nhàng rất lạ, kích thích tôi liên tục...”. Đó là chia sẻ của ông Robert Paul Ebers (quốc tịch Anh) - một du khách - khi được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm bánh hoàn toàn thủ công và thưởng thức những chiếc bánh bé xinh với đủ sắc màu và kiểu dáng. Với kinh nghiệm 30 năm làm bánh phục linh và nhiều năm làm bánh ngũ cốc, bà Hương đã và đang đưa những nguyên liệu truyền thống đặc trưng của nền nông nghiệp Việt vào những chiếc bánh không chỉ xuất hiện trong dịp Tết mà còn gần gũi với đời sống thường nhật. Bà Hương cho biết: “Trước đây tôi chỉ làm hai loại bánh này cho gia đình và tặng bạn bè. Nhưng nay nhiều người tìm đến đặt làm. Vào dịp Tết, đơn hàng càng tăng. Như Tết năm nay, tôi phải làm trước 2 tháng mới đủ cung cấp đơn hàng”. Bên cạnh những loại bánh truyền thống của ngày Tết thì những loại bánh hiện đại như tiramisu, bắp, bông lan trứng muối hay plan phô mai... cũng đang góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho ẩm thực bánh Tết Việt, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của khách hàng. Chị Trần Phương Linh (phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) chia sẻ: “Hai năm trở lại đây, các loại bánh này không chỉ được đặt trong dịp sinh nhật, gặp gỡ, nhiều gia đình bắt đầu đặt bánh trong dịp Tết để đãi khách, tăng thêm sự đa dạng hương vị trong dịp sum vầy này”. Bánh - thứ quà mộc mạc song có một giá trị, một chỗ đứng riêng trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Bánh được làm nên từ hạt nếp, hạt đậu, quả trứng… và từ đôi bàn tay khéo léo, tỷ mẩn và sáng tạo của người thợ. Vậy nên, đất nước dù phát triển, đời sống của mỗi gia đình ngày một cải thiện, thì hương vị ngọt ngào của những chiếc bánh truyền thống lẫn hiện đại, chứa chan tình cảm ấm áp vẫn luôn hiện hữu trong mỗi gia đình Việt khi Xuân về Tết đến.
Kiều Anh
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...