Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Tộc họ võ thuật, gia đình văn chương

 Tộc họ võ thuật, gia đình văn chương

Nếu đi sâu vào chữ nghĩa, hai tiếng “võ” và “văn” lâu nay được nhiều người nhắc đến như thuộc tính trong đặc trưng văn hóa Bình Định, nội hàm của nó rất sâu rộng. Chữ “Võ” mạnh mẽ oai phong vừa có nghĩa sức mạnh, chiến đấu, quân sự, vừa có nghĩa là bước chân, nối gót. “Hốt bôn tẩu dĩ tiên hậu hề, cập tiền vương chi chủng võ” (Vội rong ruổi trước sau, mong nối gót các đấng vua trước) là câu thơ trong thiên Ly Tao của đại thi hào Khuất Nguyên. Chữ “Văn” ngoài nghĩa thông thường là chữ viết, văn tự, còn nhiều nghĩa khác như hiện tượng thiên văn trên mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao; hiện tượng địa lý nhân văn của đất và người. Nó lại bao hàm mọi nghi thức, lễ tiết, pháp luật, điển chương, cái dấu vết do đạo đức lễ nhạc giáo hóa mà sinh ra vẻ đẹp đẽ rõ rệt (“văn minh” “văn hóa”). Ở rất nhiều thời đoạn, đa số từng con người, từng gia đình, làng xóm, với mức độ đậm nhạt khác nhau đều nuôi dưỡng những thuộc tính chung nhất ấy, từ nghĩa hẹp đến nghĩa rộng, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, từ nghĩa cụ thể đến nghĩa trừu tượng, tương tác trong diễn trình lịch sử. Mỗi thời đoạn qua đi đọng lại trong con người những ký ức, di chỉ hình thành nên di sản, vật thể lẫn phi vật thể, Tác giả đi xe ngựa với nhà thơ Yến Lan. qua đó lưu trữ dữ kiện cuộc cảm nhận lịch sử, xác tín truyền thống. Văn của Bình Định vì thế còn hàm những nghĩa trên. Ở miền “đất võ trời văn”, dưới góc độ xóm làng hoặc dòng họ, gia đình truyền thống lại có điều kiện nảy nở và đơm hoa kết quả. Có những làng võ thuật được định danh trong phương ngôn tục ngữ như “Trai An Thái, gái An Vinh”, “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”; bên cạnh đó là những dòng họ võ thuật như họ Nguyễn (Phú Lạc), họ Hồ (Thuận Truyền), họ Bùi (Xuân Hòa), họ Võ (Phú Mỹ), họ Đinh (Bằng Châu), họ Phan (Thủ Thiện Thượng), họ Lâm (Thắng Công), họ Trương (Kỳ Sơn), họ Diệp (An Thái), họ Lý (Đập Đá)... Ở Bình Định, đâu chỉ võ thuật Tây Sơn mà còn lưu hành các bài võ Việt thời Đinh Lê Lý Trần như Động địa thủy tiên, U linh thương, Tây quy kinh môn tiên, Tru hồn kiếm, Mai hoa quyền, Vệ la thành thương, Đằng vân sát kiếm, Sa vân kiếm pháp… Nghe tên các bài võ, cũng giống như nghe tên các tác phẩm văn chương nghệ thuật lưu hành dưới bóng me, cạnh dòng sông, trước cổng làng, bên bờ ruộng hay trong sân chùa, dân gian thường nhắc những cái tên lừng danh trong lịch sử như Nghiêm thương của Nguyễn Huệ, Song phượng kiếm của Bùi Thị Xuân, Lôi phong tùy hình kiếm của Trần Quang Diệu, Lôi long đao của Võ Văn Dũng, Hùng kê quyền của Nguyễn Lữ, Ngọc Trản thần công của Trương Văn Hiến… Bên cạnh những dòng võ, môn phái, họ tộc hoặc gia đình võ nghệ trui rèn nhiều thế kỷ trong công cuộc đấu tranh thiên nhiên, xã hội rồi làm nên danh xưng “miền đất võ”, với những đặc điểm khác, Bình Định cũng đồng thời hình thành các thế hệ và gia đình văn chương. Về lĩnh vực gia đình văn chương, từ các bậc tiền bối như Quách Tấn, Chế Lan Viên, Yến Lan, Phạm Hổ… đều có những hậu duệ tỏa sáng. Tất nhiên, gia đình văn chương là đặc trưng quý hiếm không chỉ ở Bình Định, nhưng ở Bình Định, đặc trưng ấy ở mức độ rất đậm đà. Một gia đình năm cha con thi sĩ và nghĩa sĩ của phong trào Cần Vương như nhà họ Nguyễn (Vân Sơn), đã được lưu danh với Nguyễn Khuê, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Thúc Mân, Nguyễn Quý Luân, há chẳng phải là một địa chỉ văn hóa thắm đượm của một vùng đất? Họ Đặng (Bồng Sơn) có danh sĩ Đặng Đức Siêu, “cây đũa thần văn tế” của văn học Nam Hà và danh sĩ Đặng Đức Tuấn. Nhà họ Quách (Trường Định) có nhà thơ Quách Tấn và con trai ông là nhà văn Quách Giao. Nhà họ Ngô (Tùng Giản) có hai anh em là nhà thơ Xuân Diệu và nhà văn Tịnh Hà. Nhà họ Phạm (Thanh Liêm) với ba anh em nhà văn viết tiếng Pháp lừng danh Phạm Văn Ký, nhà thơ Phạm Hổ và nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã để lại dấu ấn văn hóa đặc sắc của thế kỷ nơi đất này. Và các con gái của nhà thơ Phạm Hổ đều là những cây bút đặc sắc, đó là nhà văn Phạm Sông Hồng, nhà biên kịch điện ảnh Phạm Sông Đông. Hay như gia đình Yến Lan, có con trai ông là nhà thơ Lâm Huy Nhuận. Nhà họ Nguyễn (Xuân Hòa) có nhà văn Nguyễn Mộng Giác và anh trai ông là nhà văn Nguyễn Văn Lân. Bình Định trong những thế kỷ trung cận đại và cận hiện đại là hợp lưu của các dòng chảy, ở mức độ tụ nhân tụ thủy và nhiều thập niên có chức năng văn hóa vùng. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Đào Duy Từ đã từ Đàng Ngoài vào lập thân ở Bình Định. Thời chúa Nguyễn suy vi, Tây Sơn dấy nghiệp, nhiều nhân vật tìm vào Quy Nhơn như Trương Văn Hiến, Trần Văn Kỷ, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Đề (anh ruột đại thi hào Nguyễn Du)... Trường thi Bình Định thời Nguyễn, trường Colegge Quy Nhơn thời Pháp thuộc đã tập trung nhiều anh tài Nam Trung bộ và một số nơi khác. Phong vận ấy đã thu hút bước chân tao nhân mặc khách nhiều nơi ghé đến, có người sống trọn tuổi thơ và tuổi trẻ, và tạo tác dấu ấn văn hóa trên quê hương thứ hai như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử… Phong trào Thơ Mới đương nhiên không phải ngẫu nhiên mà có, và song hành với nó, Trường thơ Loạn, nhóm thơ Bình Định trong thời kỳ này cũng không phải ngẫu nhiên mà có. Nó là sự gặp gỡ, phôi thai, tương tác, hiệu ứng giữa các nguồn mạch truyền thống, luồng lạch cư dân trong cái thế địa lịch sử, địa văn hóa ở xứ sở này, nói theo ngôn ngữ văn hóa học là “hội tụ kết tinh giao lưu và lan tỏa”. Tiếng Việt, văn Việt, người Việt hình thành ở xứ sở “đất võ trời văn” hình như có những ẩn số riêng trong phương trình lịch sử. Một số thành tựu nghệ thuật ngôn từ Bình Định dường như trực tiếp hoặc gián tiếp, đã hô hấp ở trường lực không gian lịch đại mà Vua Quang Trung từng xác lập chữ Nôm vào địa vị chính thống của quốc gia. Xa xưa hơn, từ thế kỷ XVI ở Đàng Trong, một hành trình chữ Quốc ngữ cũng chọn nơi này làm đất phôi thai, từ các hải thuyền, qua lưng voi ngựa, chao đưa trên cái nôi La Tinh, Nước Mặn, Làng Sông và từ đó gian lao và quật cường, âm thầm và bùng nổ, sức lan tỏa không cưỡng được, đã làm cho khoa cử trường thi Hán tự nghìn năm cáo chung trên đất Việt. Quốc ngữ không ngừng có những cuộc thăng hoa, định danh ngày càng sâu đậm và lộng lẫy trong khuôn mặt văn hóa Việt, cho đến bây giờ và cả mai sau. Di chỉ của ký ức là một khái niệm mà thế giới hiện đại không ngừng khắc họa ở phạm vi từ địa phương đến quốc gia, quốc tế. Những nhân tố cá thể, gia đình, tộc họ, làng xóm… định danh bằng những thành tựu vượt trội, sẽ xác lập cho xã hội hiện đại niềm tự hào có tên gọi chung là truyền thống. Trên bản đồ du lịch văn hóa Bình Định, đương nhiên những di chỉ ấy trong muôn trùng di chỉ văn khác, sẽ được du khách ngày một lưu tâm hơn khi được hữu thể hóa thành những chứng tích sống động.
Nguyễn Thanh Mừng
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tình yêu của biển – Chùm thơ của Lê Nhi   1 Tháng Tư, 2023 Thì ra biển cũng bạc lòng say đắm/ nhuộm đen khuôn hình, trắng tấm sắt son/...