Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

Bố già 1

Bố già 1
(The Godfather)

Giới thiệu:
Xuất bản năm 1969 với 11 triệu bản in được bán sạch, là quyển tiểu thuyết hay nhất viết về giới giang hồ, giới Mafia tại Mỹ. Thật nhiều lời khen chê về nó. Và như vẫn thường xảy ra ở Mỹ, mọi quyển sách "best-seller" đều được quay thành phim. "The Godfather" đã được hãng Paramount dựng thành phim, tài tử lừng danh Marlon Brando thủ vai chính, và cũng nhanh chóng trở thành cuốn phim ăn khách nhất lúc bấy giờ.
Trong tiểu thuyết của Mario Puzo, "Bố già" là Ông trùm Don Vito Corleone, người gốc Sicily, một trong những thủ lĩnh tối cao của giới Mafia Mỹ. Kẻ thù căm ghét ông, khiếp sợ ông, khinh bỉ ông; ông như con rắn hổ mang nguy hiểm có đôi mắt chứa đựng một uy lực tối thượng nhìn thấy hết, biết hết, làm được hết. Nhưng đối với bạn bè, thân quyến, "Bố già" gần như là một đấng toàn năng có thể cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là "Mafia" theo cái nghĩa nguyên thủy của nó thuở ban đầu hình thành, nơi ẩn náu.
CHƯƠNG 1
Độc giả Mỹ chẳng lạ gì tựa sách đó. Xuất bản năm 1969 với 11 triệu bản in được bán sạch, nó là quyển tiểu thuyết hay nhất viết về giới giang hồ, giới Mafia tại Mỹ. Thật nhiều lời khen chê về nó. Và như vẫn thường xảy ra ở Mỹ, mọi quyển sách "best-seller" đều được quay thành phim. "The Godfather" đã được hãng Paramount dựng thành phim, tài tử lừng danh Marlon Brando thủ vai chính, và cũng nhanh chóng trở thành cuốn phim ăn khách nhất lúc bấy giờ.
Trong tiểu thuyết của Mario Puzo, "Bố Già" là Ông trùm Don Vito Corleone, người gốc Sicily, một trong những thủ lĩnh tối cao của giới Mafia Mỹ. Kẻ thù căm ghét ông, khiếp sợ ông, khinh bỉ ông; ông như con rắn hổ mang nguy hiểm có đôi mắt chứa đựng một uy lực tối thượng nhìn thấy hết, biết hết, làm được hết. Nhưng đối với bạn bè, thân quyến, "Bố Già" gần như là một đấng toàn năng có thể cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là "Mafia" theo cái nghĩa nguyên thủy của nó thuở ban đầu hình thành, nơi ẩn náu.
Sự toàn năng tối thượng của "Bố Già" một phần do cái dũng trí khác thường của ông đem lại, phần khác là do những đồng đô-la trong tài sản đồ sộ của ông tạo ra. Balzac đã viết: "Đằng sau mọi gia sản kếch sù là một tội ác". Đó cũng chính là câu mà Mario Puzo đã trích dẫn ở đầu chương I của tiểu thuyết như lời bình giới thiệu nhân vật "Bố Già" của mình. Ông còn cẩn thận ghi chú thêm: Tất cả nhân vật trong truyện đều là hư cấu, và bất kỳ sự trùng hợp nào nếu có... đều là ngẫu nhiên. Ngày nay, chúng ta hiểu được sự thận trọng của tác giả khi viết lời ghi chú đó. Tiểu thuyết của ông quả thực đã dựa trên những chi tiết có thực về những con người có thực.
Nhiều tư liệu gần đây về Mafia và "The Godfather" cho chúng ta biết rằng nhân vật "Bố Già" ngoài đời chính là Don Vito Cascio Ferro, một trong những thủ lĩnh quan trọng đầu tiên của giới Mafia Ý di cư sang Mỹ. Ông cầm đầu giới giang hồ ở Sicily, và sau đó thống lãnh nhóm "Mano Nero" (Bàn tay đen), một nhóm chuyên tống tiền và cưỡng đoạt. Nhóm này chính là tiền thân của giới Mafia Mỹ, hiện nay được gọi là tổ chức "La Cosa Nostra" (Chuyện làm ăn của chúng ta). Những người nghiên cứu về vấn đề Mafia viết rằng cách đây hơn 50 năm, trong bè đảng của Don Vito Cascio Ferro đã sản sinh ra các thủ lãnh Mafia mới ở Mỹ và họ đã du nhập những ngành làm ăn bất chính vào Mỹ rồi phát triển chúng lên.
Ngoài "Bố Già" thực Don Vito Cascio Ferro, trong truyện còn có một nhân vật thực khác rất thú vị. "Kép" Johnny Fontane lại chính là Frank Sinatra, ca sĩ và tài tử nổi tiếng của Mỹ trong thập niên 60, bạn thân của Tổng Thống Reagan và là một trong những nghệ sĩ Mỹ giàu nhất hiện nay.
... Tuy Mario Puzo vẽ lên những nhân vật tiểu thuyết là cái bóng phản của ông X, ông Y... sừng sỏ có thực ngoài đời như đã dẫn ở trên, những điều ông tiết lộ chẳng phải là cái gì khiến độc giả bàng hoàng, sửng sốt lắm. Ngay cả những cảnh bạo lực, bắn giết trong truyện cũng vậy. Họ thích thú đọc, hồi hộp theo dõi, và dường như sẵn sàng tin vào tính chất xác thực của nó. Tin dễ dàng. Tin thanh thản. Báo chí Mỹ ngày ấy viết rằng tuy có rất nhiều máu chảy trong "Bố Già", nó dường như lại bao phủ lên giới giang hồ một màu sắc lãng mạn nào đó. Trong khía cạnh này thì "Bố Già" cũng giống phần lớn các sách, phim Mỹ viết về đề tài các tổ chức tội ác. Các nhân vật chính trong đó không chỉ là bọn găng-tơ, hay găng-tơ mại bản, mà còn mang dáng dấp của một anh hùng, một thần tượng. Họ có những cá tính độc đáo, họ sống trong những gia đình quyền quý xây dựng trên một nền tảng gia tộc chặt chẽ, vợ họ sùng đạo và cương trực, v.v... Hơn hết, người viết không lên giọng miệt thị tố cáo giới giang hồ, cái mầm độc gây nguy hại cho xã hội Mỹ. Bằng một cách nào đó, người đọc hay người xem được cho thấy rằng tội ác rõ ràng không thể tiêu diệt được, nó là một bộ phận không xóa bỏ được. "Thời Báo" đã có lần nhận xét: chính sự lãng mạn hóa các ông Trùm Mafia và giới giang hồ đó đã khiến cho nó trở thành một hiện tượng xã hội chấp nhận được và giúp nó phát triển".
Phải chăng Mario Puzo chỉ dừng lại ở chỗ lãng mạn hóa một ông Trùm Mafia và những sự kiện bạo lực ác liệt chung quanh ông Trùm đó? Xây dựng nhân vật dựa trên những chất liệu có thật, ông đã tiểu thuyết hóa các con người thật dưới những nét miêu tả chân chất. Và chúng ta cũng không quên chủ định của tác giả ẩn sau câu trích dẫn đầu quyển sách: "Đằng sau mọi gia sản kếch xù là một tội ác".
Giới thiệu "Bố Già" lần này, chúng tôi mong sẽ đem đến cho độc giả một hình ảnh xưa với những suy nghĩ mới về một hiện tượng phức tạp đang tồn tại trong xã hội Mỹ hiện nay.
CHƯƠNG 2
Amerigo Bonasera có việc ra Tòa, Tòa Đại hình Nữu Ước, Phòng 3 để nghe công lý phán xét, trừng trị hai thằng khốn can tội bạo hành, toan cưỡng dâm con gái lão. Ngài Chánh án uy nghi, bệ vệ vén áo thụng đen làm như sắp đích thân ra tay trị hai thằng nhãi ranh đang đứng xớ rớ trước Tòa. Giọng ngài sang sảng, lạnh tanh:
- Tụi bây hành động như những quân côn đồ tồi tệ nhất. Tụi bây làm như thú dữ ở rừng vậy! Cũng may mà cô bé đáng thương kia chưa bị tụi bây xâm phạm tiết hạnh, bằng không thì mỗi đứa 20 năm chắc...
Cả hai thằng cúi mặt làm như tủi hổ, hối hận. Tóc chúng hớt cao, mặt mũi sáng sủa quá. Nhưng chúng quả là thú vật, thú vật lắm mới dám càn rỡ vậy. Bonasera nghĩ thế, nhưng không hiểu sao lão vẫn mang máng cảm thấy có một cái gì giả trá bên trong vụ xử nầy.
Dưới cặp lông mày chổi xể, đôi mắt sáng lóng lánh của ngài Chánh án khẽ liếc nhìn khuôn mặt bí xị của Bonasera rồi dừng lại trên chồng đơn xin khoan hồng trước mặt. Ngài cau mặt, rồi nhún vai như sắp phải có một quyết định ngược với chính lòng mình.
- Xét vì tụi bây còn nhỏ, chưa có tiền án và con nhà đàng hoàng... Vả lại xét vì luật pháp đặt ra chẳng phải để trả thù nên tòa tuyên phạt mỗi đứa 3 năm tù, cho hưởng án treo!
Bốn mươi năm hành nghề chủ xe đòn, chôn người chết đã quen nên Bonasera giận sôi sùng sục vẫn ngậm miệng làm thinh. Con nhỏ xinh đẹp là thế ngày giờ này còn nằm liệt giường, chiếc cằm bể còn kẹp chưa lành mà cả hai thằng khốn, hai con vật lại ra về thong thả. Vậy là tòa phường tuồng còn gì? Kìa cha mẹ chúng đang tíu tít bao quanh hai cậu quý tử. Họ sung sướng, họ cười hả hê.
Bonasera nghiến răng nghe nỗi đắng cay trào lên nghẹn họng. Lão đưa chiếc khăn tay trắng lên bụm chặt miệng, ngó hai thằng khốn đi tà tà trở ra. Mặt chúng tươi rói, chúng tỉnh bơ không thèm nhìn lão một phát. Đành đứng trơ ra vậy. Cha mẹ chúng tò tò đi theo: hai cặp vợ chồng Mỹ trạc tuổi lão, bề ngoài Mỹ rặt bẽn lẽn ra mặt nhưng ánh mắt vẫn cứ vênh váo ngầm.
Không nhịn nổi, Bonasera vuột ra khỏi hàng ghế hét toáng lên: "Được rồi! Tụi mày sẽ được khóc như tao. Con cái tụi mày làm khổ tao thì tao sẽ cho tụi mày thử nếm mùi đau khổ!"
Thấy vậy mấy ông luật sư đi sau cùng vội đẩy các thân chủ đi tới, đi nhập một với hai thằng con đang chậm bước hẳn lại làm như chúng sẵn sàng đứng ra bảo vệ cha mẹ vậy. Một bố lục sự đồ sộ còn đứng ra chắn lối Bonasera, sợ lão làm hoảng... nhưng có chuyện gì xảy ra đâu?
Bao nhiêu năm lập nghiệp ở đất này, ăn nên làm ra được cũng vì Bonasera một mặt tin tưởng ở công lý, ở trật tự xã hội. Đứng ngơ ngẩn trước tòa, căm thù đến tóe khói, đầu óc chỉ lởn vởn ý định trả thù, nghĩa là sắm ngay một khẩu súng, bắn bỏ cả hai thằng khốn, nhưng Bonasera cứ phải cắn răng an ủi mụ vợ đang đứng lặng người chưa hiểu chuyện gì: "Thôi vậy là mình bị chúng giỡn mặt rồi! Điệu này đành phải lết tới ông Trùm mới xong..."
Lão quyết định tìm tới cố nhân Corleone, tốn bao nhiêu thì tốn...
Một mình trong căn phòng khách sạn diêm dúa ở Los Angeles, kép Johnny Fontane cũng mượn rượu giải sầu như bất cứ thằng đàn ông nào bị vợ bỏ trên cõi đời này. Nằm bật ngửa trên tấm nệm đó, hắn đưa chai húyt-ky lên uống ừng ực, rồi vớ xô nước đá lạnh tợp vài ngụm đưa cay.
Bốn giờ khuya rồi men rượu bốc lên, đầu óc hắn chỉ lởn vởn ý định "thịt" con vợ, nếu nó về đây. Nếu nó còn về. Không lẽ giờ này "phôn" về cho con vợ cũ, thăm hỏi mấy đứa con hay phá mấy thằng bạn, gọi dựng nó dậy? Kỳ cục quá. Mình xuống dốc rồi. Chớ hồi đang lên thì nửa đêm chợt nhớ ra "phôn" chơi chơi cho bạn bè mới là tình sâu nghĩa nặng. Chán mớ đời. Hắn mỉm cười chua chát, nhớ ngày nào chỉ nội chuyện lên, xuống của chàng Johnny Fontane cũng làm nhức tim mấy cô đào lớn nhất nước Mỹ.
Mãi mới nghe tiếng khóa mở lách cách. Johnny biết là nó về, nhưng vẫn làm bộ tỉnh bơ nốc rượu. Nó bước vô, nó đứng sững ngay trước mặt, hắn cũng cứ ỳ ra. Coi, con này còn đẹp quá chớ? Khuôn mặt thiên thần, đôi mắt tím mơ huyền, khổ người mình dây vô cùng cân đối. Trên màn bạc nó càng lộng lẫy, mỹ miều nữa. Trách nào cả triệu anh mê, sẵn sàng bỏ tiền mua vé xi-nê chỉ cốt để chiêm ngưỡng dung nhan Margot Ashton.
Johnny lè nhè hỏi: "Mày đi đâu về giờ này?" Nó buông một câu: "Đi ngủ với trai". Giận quá, hắn gạt tung cái bàn, nhảy dựng lên túm cổ. Toan đập thì khựng lại, buông xuôi tay. Con khốn nạn cười ngặt nghẽo, cười phá lên. Đành phải đập. Họng nó la lớn: "Ê, không đánh vào mặt. Tao đang đóng phim nghe!"
Thế là Johnny cứ bụng mà loi. Nó té ngửa, hắn nhào theo, đè cứng. Nó nghẹt thở, há miệng thở hồng hộc, hơi thở nghe lại thơm thơm nữa! Hắn bèn lựa mấy chỗ thịt non, phơi nắng đỏ hồng ở đùi, ở vai để cứ thế mà dộng túi bụi, dộng ồ ạt như hồi còn nhỏ quen bắt nạt mấy đứa nhỏ đầu đường xó chợ. Cái lối "tẩm quất" này thấm đòn đáo để mà khỏi sợ để lại vết tích, tang chứng như gãy răng, bể miệng.
Nhưng làm sao "tẩm quất" nó mãi được. Johnny chịu. Con khốn nạn biết vậy nên cười hăng hắc, cười thách thức. Lớp váy lụa thêu bên trong lộ ra, nó nằm xoạc cẳng, nằm tô hô ra, miệng la lớn: "Đây này. Mày cứ đánh đi, đánh nữa đi... Mày thì chỉ có thế!"
Chán quá, Johnny lồm cồm bò dậy. Hận lắm nhưng lại đánh không nổi con điếm này chỉ vì nó đẹp quá, đẹp quá đi. Margot cũng vùng dậy theo, nhún một phát là đứng phắt dậy, đứng chống nạnh trước mặt... rồi đi một đường vũ ưỡn ẹo, nhún nhẩy "chọc quê".
- Mày đập tao... ăn thua gì! Như con nít vậy... Cái thứ mày thì làm ăn gì? Không bằng một đứa con nít! Vậy mà cũng đàn ông. Bộ mày tưởng làm tình cũng như mày "sủa" mấy bài máy nước ấy hả? Còn lâu! Thôi nhé,bái bai Johnny...
Thế là nó biến vào phòng ngủ, khóa cứng cửa lại. Johnny ngồi bệt xuống sàn, chán nản úp mặt vào hai bàn tay, mệt mỏi, nhục nhã đến rã rời người.
Một lúc sau, nhờ chịu đựng thất bại đã quen nên gắng gượng lấy lại tinh thần, Johnny nhấc điện thoại lên, gọi một chiếc tắc xi ra phi trường cấp tốc. Phải bay về Nữu Ước ngay. Tình hình này nguy ngập quá. Chỉ có một người cứu vãn nổi hắn. Chỉ có một người đủ thế lực, đủ sáng suốt và còn thực lòng thương yêu hắn. Đó là bố già Corleone.
Ông chủ lò bánh Nazorine người mập mạp in hệt một ổ bánh mì Ý. Quần áo bám đầy bột, hắn bực bội cằn nhằn vợ con. Chú làm công Enzo đâm hoảng hồn vì vụ này: bộ đồ tù binh mặc vô rồi, đeo băng tay chữ xanh đàng hoàng rồi mà trễ giờ sang trại tập hợp thì nguy quá! Hắn thuộc đám vài ngàn tù binh Ý được trưng dụng làm thợ để phục vụ kỹ nghệ sản xuất nên lỡ có chuyện lộn xộn phải trở về nghiệp tù thì đau khổ lắm lắm.
Ông chủ lớn tiếng chất vấn: "Mày tính bêu xấu gia đình tao? Mày biết là hết chiến tranh này mày sớm muộn cũng bị tống cổ vềSicilynên mày cố tình để lại cho con gái tao một cái bầu kỷ niệm chứ gì?". Cu cậu Enzo người thấp lùn, vạm vỡ vội cuốn quýt đưa tay lên ngực thề: "Thưa ông chủ... Tôi xin thề có Đức Mẹ, tôi không dám lợi dụng lòng tốt của ông chủ. Tôi thương cô chủ thiệt tình, tôi muốn xin cưới hỏi đàng hoàng. Tôi thật không nên không phải, nhưng nếu bị tống về xứ thì chẳng thế nào trở qua được. Đành phải xa Katherine vĩnh viễn".
Lúc bấy giờ bà chủ mới gắt: "Thôi im đi, đừng vớ vẩn nữa. Anh biết phải làm gì mà?. Thằng Enzo cứ việc ở lại, có gì gởi nó quaLong Islandvới bà con mình".
Katherine chỉ có khóc. Con bé mập tròn, quê mùa và trông như có ria mép thế kia thì kiếm sao nổi một thằng chồng bảnh như Enzo? Cái thằng lại biết chiều chuộng đúng cách, đúng chỗ nữa! Quay sang phía bố, con bé nức nở: "Ba không có cách gì giữ Enzo thì con sẽ bỏ nhà này đi theo anh ấy. Con về Ý liền..."
Nazorine ngắm con nhỏ. Đúng týp con gái bố. Nó hăng lắm. Có lần rõ ràng, ban ngày ban mặt nó dám âu yếm cạ bàn toạ vào trán thằng Enzo lúc thằng này cúi phía sau lom khom bưng khay bánh chất vô quầy. Vụ này không khéo dàn xếp thì tụi nó dám làm bậy lắm. Đành phải kiếm cách vận động cho nó ở lại, nhập tịch dân Mỹ. Chỉ có một người thu xếp nổi. Bố già Corleone chớ ai?
Ba người nói trên cũng như nhiều người khác đều nhận được thiếp mời của bố già Corleone dự lễ vu quy của cô gái út Constanzia vào thứ Bảy cuối tháng Tám năm 1945. Dù bây giờ nhà cao cửa rộng bên Long Island nhưng một người như Vito Corleone đâu thể quên bạn bè cũ, láng giềng xưa.
Đám cưới linh đình, khách đến đông, ăn uống suốt ngày. Một dịp vui đúng lúc quá. Chiến tranh với Nhật vừa dứt xong, đâu còn nơm nớp sợ tin dữ chợt tới cho đứa con ngoài mặt trận nên ai nấy cùng vui thả dàn. Muốn vui thì còn gì bằng đi đám cưới? Vì lẽ đó sáng thứ Bảy bạn bè Ông Trùm từ Nữu Ước kéo rốc sang. Đồ mừng cô dâu là những phong bao màu kem đầy tiền, tiền mặt chớ ngân phiếu thì khỏi. Kèm theo là tấm thiếp ghi rành rẽ tên người mừng, càng tôn kính ông bố bao nhiêu thì tiền mừng cô dâu càng bộn bấy nhiêu.
Ông trùm Vito Corleone típ Mạnh thường quân, ai có chuyện nhờ vả cũng không để cho thất vọng. Không hứa hão, không có lối chối từ "Tôi không đủ sức". Không cứ bạn bè quen biết mà cũng chẳng cần sau này có thể đền đáp được hay không. Chỉ cần mỗi một thứ, đó là tình bạn, do đích thân đương sự nói lên. Chừng đó thì bất luận giàu nghèo sang hèn, Ông Trùm cũng lưu ý giải quyết giùm kỳ được, san bằng mọi trở ngại cho lúc thành toàn mới thôi.
Vì đức tính đó, Vito Corleone có nhiều bạn và được tôn xưng Ông Trùm, thình thoảng còn có người thân mật gọi Bố Già. Và để tỏ lòng tôn kính thì một món quà nhỏ mọn đủ rồi, đừng nói đến lợi. Một bình rượu chát nhà cất lấy, một giỏ bánh caytaralles ngày lễ Giáng Sinh. Cùng lúc đó nếu biết điều thì nên kín đáo tự coi như mình có nợ để ân nhân có quyền cho gọi tới, mỗi khi có chút việc muốn nhờ lại. Ngày gả con gái là ngày trọng đại, đích thân Ông Trùm ra đón khách tận bậc cửa lớn. Toàn bạn bè quen thân, tin cậy cả, trong số đó thiếu gì kẻ nhờ giúp đỡ mà làm nên sự nghiệp, nhân dịp vui mừng này mới dám gọi tiếng Bố Già thân mật? Giúp đỡ đám cưới toàn là bạn bè tự động chạy tới. Chẳng hạn như khoản rượu, tất cả mọi thứ rượu đã có một ông bạn già bao hết, lại còn xung phong lãnh chân barman. Dọn bàn ghế, bưng thức ăn là đám bạn của mấy đứa con trai. Nấu cỗ là Bà Trùm và mấy bà bạn trong khi bồ bịch cô dâu lãnh vụ treo đèn kết hoa tưng bừng đầy một khu vươn nửa mẫu.
Đã là khách thì Ông Trùm tiếp đón như nhau hết, tuyệt không có kẻ khinh người trọng. Xưa này vẫn vậy. Đặc biệt hôm nay Ông Trùm lên bộ đồ lớn cắt thật khéo, chạy tới chạy lui lăng xăng nên anh nào không biết dám tưởng bậy là chú rể lắm! Đứng sau Ông Trùm là hai trong số ba đứa con trai. Đứa lớn tên Santino nhưng trừ ông bố ra ai cũng gọi tắt Sonny. Cậu cả này bị các bậc cha chú kỵ lắm nhưng bọn trẻ lại khoái. Gốc Ý, mới nhập tịch dân Mỹ có một đời mà vóc dáng được như hắn có thể gọi là lớn con: Sonny cỡ thước tám nhưng nhờ mớ tóc quăn dày cộm trông cao hơn nhiều.
Khuôn mặt hắn đều đặn và rõ nét đa tình, miệng rộng môi dày và cằm lại lẹm vô một chút nên trông càng dâm. Người hắn hùng hục như trâu đến nỗi mụ vợ khốn khổ cứ nhác thấy cái giường là hết hồn! Người ta còn đồn rằng hồi còn nhỏ cậu Sonny đi chơi bời đã vô động nào thì chỉ những em lỳ lợm, gân guốc nhất mới dám tiếp và chị em nào cũng nằng nặc tăng giá gấp đôi hết.
Mấy bà sồn sồn hông to miệng rộng thấy cậu cả là tha hồ ngắm nhưng đặc biệt trong đám cưới này có ngắm cũng vô ích. Vì dù có mặt cả vợ hắn và ba đứa con nhỏ, Sonny vẫn ngấp nghé cô bé phù dâu Lucy Mancini đang ngồi đây kia, rực rỡ trong bộ phù dâu màu hồng, mớ tóc đen nhánh cài một vòng hoa. Làm gì cô nàng không biết? Suốt một tuần nay hai đứa nhấm nháy nhau chán chê và sáng hôm diễn tập trước bàn thờ Chúa nàng còn bấm tay chàng một phát. Phù dâu bạo đến thế là cùng.
Đối với em Lucy thì chẳng cần anh Sonny phải hách như ông già. Mạnh khỏe, gan dạ đủ rồi. Tính hắn rộng rãi, bụng dạ cũng hào sảng chớ đâu phải chỉ giỏi cái khoản kia? So với Ông Trùm thì Sonny thiếu đứt nết khiêm nhượng, dễ giận, dễ cáu, quyết định nông nổi. Vì vậy trong công việc làm ăn hắn giúp bố rất đắc lực mà ít ai tin một ngày kia hắn sẽ là người kế vị.
Cậu hai Frederico, gọi tắt là Fred có thể nói là đứa con trai trong mộng của mọi gia đình Ý. Chăm chỉ, có hiếu, bố gọi đến là dạ ngay. Ba mươi tuổi đầu vẫn chưa vợ, vẫn ở chung với bố mẹ. Không hề cãi lại, không dám dây dưa với cô nào để gây phiền phức cho gia đình. Người tầm thước, mặt mũi không được bảnh trai nhưng cũng phảng phất nét đa tình nghĩa là mái tóc xoăn rậm, cặp môi chì dầy thưỡi ra. Típ người Fred chẳng phải trời sinh ra để chỉ huy. Hắn mềm quá, thiếu hẳn cái dũng lực buộc người khác phải tuân lệnh nên chắc chắn việc kế nghiệp chẳng bao giờ đến hắn.
Đứa con trai út trong nhà, cậu ba Michael không đứng cùng hai anh phía sau lưng Ông Già mà ngồi riêng một nơi, ở tuốt góc vườn. Nhưng có ngồi tách ra vẫn cứ bị thiên hạ chú ý như thường vì cả nhà chỉ có một mình hắn là dám cưỡng lệnh Ông Trùm. Trông hắn không đa tình như hai anh, mái tóc đen láng chớ không xoăn. Da mịn như con gái nên hắn đẹp trai một cách thanh tú. Hồi còn nhỏ Ông Trùm cứ e ngại thằng út quá nhiều nữ tính, mãi đến năm nó 17 tuổi ông mới yên chí.
Chủ ý của Michael là tuyệt đối không muốn dính dáng đến việc nhà, không dây dưa vào công việc làm ăn của bố nên ngồi cũng ngồi tách ra một nơi. Bên cạnh hắn là cô bồ cả nhà chỉ nghe nói, mãi hôm nay hắn mới dẫn về. Michael giới thiệu rất chững chạc nhưng xem ra chẳng ai khoái vì nhà này quả không hạp với típ đàn bà con gái Mỹ. Họ chê cô này gầy quá, mặt mũi "trí thức" quá mà cứ chỉ quá luông tuồng. Ngay cái tên nghe cũng lạ tai rồi, đàn bà con gái gì mà tên Kay Adams? Nó Mỹ quá, ngắn ngủn quá... nghe không vô.
Ông Trùm làm như không chịu Michael, điều đó thấy rõ. Chẳng là hồi trước hắn là con cưng trong nhà, sẵn sàng kế nghiệp sau này vì hắn giống bố in hệt ở chỗ ngoài sự khôn ngoan còn có một quyền lực tiềm ẩn, làm như trời sinh ra để làm lãnh tụ, hễ cất tiếng nói là thiên hạ không nghe không xong vậy.
Có điều chiến tranh vừa bùng nổ là cậu ba Michael hăng hái nhảy ngay vô Thủy quân lục chiến, coi lệnh cấm của bố như không có. Ai chớ Ông Trùm đời nào chấp nhận để cho thằng con trai út nhào đầu vô chỗ chết, phục vụ cho những thằng ở đâu đâu và hy sinh lãng nhách như vậy? Lập tức có màn tung tiền ra vận động ngầm, lo lót bác sĩ nhà binh. Vận động đủ mọi mặt, tốn kém kể gì nhưng làm sao cản nổi một gã con trai 21 tuổi khi nó nhất định xung phong?
Sau đó Michael đi tác chiến, đánh trận tùm lum miền Thái bình dương, lên lon Đại úy và bắt nhiều huy chương. Năm 1944, tạp chí Life đi nguyên một phóng sự bằng hình ca ngợi chiến công hiển hách của Đại úy Michael Corleone. Tờ báo được một ông bạn đưa cho Ông Trùm coi chứ người nhà đâu dám? Ông bố chỉ nhún vai lẩm bẩm: "Cái thằng... chỉ hùng cho người ngoài!"
Đầu năm 1945, sau thời gian nghỉ dưỡng thương, Michael được giải ngũ mà không ngờ chính ông bố đã vận động vụ này. Nhưng về nhà mới có vài tuần thì chẳng cần bàn bạc hỏi ý kiến ai, cậu Út đã mau mau ghi tên học Dartmouth. Để có cớ không phải ở nhà. Phải vụ đám cưới con em gái, Michael mới bò về nhà để luôn thể trình diện vị hôn thê.
Ngồi sóng vai ở tuốt một góc vườn, Kay lấy làm khoái chí nghe chàng kể những mẩu "chuyện vui" về mấy ông khách kỳ dị hiện có mặt trong đám cưới ngày hôm nay. Với cô nàng thì bất cứ chuyện gì vui lạ, ngồ ngộ đều khoái nghe lắm. Michael càng ham kể...
Sau cùng Kay nhận ra một đám bốn ông khách đang quanh quẩn quanh hũ rượu chát tổ bố. Nàng đoán mấy ông này phải có chuyện bối rối, bứt rứt chớ chẳng đi ăn cưới khơi khơi. Michael khen ngay: "Em nhận xét tinh lắm. Mấy cha đó chắc có chuyện nan giải, muốn gặp riêng ông già để nhờ vả đấy. Thấy không, ông già đi đến đâu là mắt họ dõi theo theo đến đấy". Ông Trùm Corleone đang đứng đón khách thì một chiếc Chevy đen ở đâu chạy tới tốp ở vỉa hè bên kia phía ngoài cư xá. Có hai thằng ngồi băng trước. Chúng lấy sổ tay ghi từng số xe một, không cần dấu diếm. Sonny vội phi báo: "Cớm, bố ạ!"
Ông Trùm nhún vai: "Kệ chúng nó... Ngoài lộ thì chúng làm gì tha hồ. Mình đâu có mua hết đất nhà nước?"
Sonny giận đỏ mặt. "Mấy thằng khốn... không nể nang gì hết!" Nó hăm hở nhảy mấy bậc cửa, chạy băng ngang cư xá tới kế bên chiếc Chevy đen, thò cổ vào toan hùng hổ với mấy thằng lái xe. Thằng cớm phớt tỉnh móc ví chìa tấm thẻ hình sự. Sonny làm thinh lùi lại, nhằm cửa sau xe nhổ một phát nước bọt rồi quay lưng tà tà đi. Hắn cố ý mong cho thằng lái xe bực mình chạy theo để lọt vào cư xá là có chầu ăn đòn hội chợ, nhưng đời nào nó mắc mưu.
Vừa bước lên Sonny vừa cằn nhằn: "Bọn FBI bố ạ! Nó lấy hết số xe."
Vụ FBI cho a-giăng tới "đi đám cưới" đã được tiên liệu rồi nên theo lời khuyến cáo của Ông Trùm, bọn đàn em và mấy ông bạn thân nhất bữa nay đều xài xe đi mượn hết. Thằng Sonny nóng giận vô lý thật nhưng xét ra cũng có lợi là chứng minh cho bà con anh em biết chẳng ai mời cớm đến mà e ngại.
Giận thì Ông Trùm không giận vì từ bao lâu rồi ông vẫn chủ trương là trên cõi đời này có nhiều khi bị người ta chửi vào tận mặt cũng vẫn phải nhịn nhục lờ đi với niềm an ủi miễn còn sống được, còn mở mắt ra được thì còn có ngày một thằng hèn yếu nhất có quyền rửa hận một tay thế lực nhất. Nhiều anh phải phục lăn Vito Corleone ở điểm nhịn nhục này.
Ở sân sau ban nhạc bắt đầu chơi. Khách khứa đủ mặt rồi. Ông Trùm Corleone bèn quên béng vụ FBI để hớn hở dẫn hai thằng con trở vô.
Khu vườn rộng đen nghẹt cả trăm người. Ai khoái khiêu vũ thì nhảy lên chiếc sàn gỗ kê cao khỏi mặt đất chung quanh treo đèn kết hoa. Bằng không thì ngồi dài dài khắp vườn vì chỗ nào cũng có bàn, thức ăn thơm ngon chất như núi và rượu chát, thứ nhà làm đặc biệt thì từng hũ lớn 5 lít một.
Bàn danh dự của cô dâu chú rể dĩ nhiên phải cao hơn một chút. Bọn phù dâu phù rể đứng ngồi quây quần quanh cô dâu Connie. Đám cưới tổ chức đặc biệt theo phong tục cổ của người Ý, dĩ nhiên cô dâu chẳng hài lòng chút nào. Nhưng có "nhà quê" cũng phải chịu, phải chìu vì nội cái vụ chọn thằng Carlo Ri làm chồng cũng đã nghịch ý ông bố quá xá rồi! Vì đối với gia đình này thì Carlo Ri "lai" 50%. Cha nó gốc Sicily thật nhưng mẹ người miền Bắc nên mới có mớ tóc vàng và cặp mắt xanh thế kia. Cha mẹ nó lập nghiệp ở Nevada nhưng cu cậu phải bỏ xứ đi vì có chuyện lộn xộn với pháp luật. Lên Nữu Ước sống nó gặp Sonny và chớp luôn con em. Trước khi gả con, dĩ nhiên Ông Trùm phải cử một số đàn em tin cẩn đi Nevada để điều tra về gia thế cậu rể tương lai. Thì ra Carlo bị dính vô một vụ súng ống sao đó nên phải trốn chứ thực ra vụ này giải quyết dễ cái một. Nhưng cái hay trong vụ này là Ông Trùm đã đánh hơi ra vụ thầu sòng bạc ở Nevada kiếm ăn rất ngon nên tiện thể sai bọn đàn em đi làm một công hai việc.
Connie Corleone thực ra không đẹp vì thuộc típ con gái thì gầy nhưng lấy chồng ít năm sẽ mập thù lù. Tuy nhiên nhờ còn con gái và nhờ bộ đồ cô dâu trắng muốt, cô bé trông lộng lẫy, xinh đáo để. Ngồi bàn danh dự mà tay nó cứ luồn xuống phía dưới bấm đùi chú rể, môi còn chúm lại hôn gió lia lịa.
Vì Connie chịu thằng Carlo ở khoản nó vừa đẹp trai, vừa lực sĩ. Tay nó, vai nó bắp thịt vun lên, cái lưng làm như căng rách bộ đồ đến nơi. Cứ như điệu nó biểu diễn thì Carlo cưng vợ lắm, chìu vợ lắm, rót rượu nó cũng rót hầu. Tuy nhiên tất cả cũng chỉ là kịch, cặp mắt nó chỉ nhấm nháy ngó chiếc túi lụa trắng con nhỏ đeo một bên vai. Cái túi bây lớn và căng ra như thế kia thì phải biết là bộn tiền phong bao! Dám 10.000 hay 20.000 đô không chừng... Carlo mỉm cười. Bấy nhiêu đó đủ rồi. Giai đoạn đầu mà. Chớp được con nhỏ này thì cả đời cứ nằm dài ra cũng không lo đói.
Trong đám quan khách cũng có một vị trẻ tuổi, "lên cây" rất hách đang bận tâm "nghiên cứu" túi bạc kè kè của Connie. Đó là thằng Paulie Gatto mặt lưỡi cày. Thì ra vì quen nghề "ngánh" nên thấy túi bạc ngon ăn là nó động lòng ngó chơi tưởng tượng đớp cách nào ăn chắc cho đỡ buồn, chớ ở đây thì ông nội nó cũng không dám biểu diễn nghề nghiệp.
Vì xếp Peter Clemenza của nó đây kia! Xếp đang hăng máu khiêu vũ loạn. Già rồi, có bụng rồi mà Clemenza cứ thấy em nào ngon mắt là ôm bừa, nhảy loạn. Ban nhạc chơi một bản Tarantella siêu bình dân nên cô bác hoan nghênh ầm ĩ. Xếp Clemenza lại có dịp biểu diễn những bước lả lướt vô cùng điệu nghệ, nên dù có sừng sững như một ông hộ pháp cũng không "thất nghiệp" một giây một phút. Các cô khoái đã đành, mấy bà sồn sồn cũng bám lấy Xếp, không cho nghỉ! Rốt cuộc mấy cặp trẻ đành rút lui, nhường sàn nhảy cho một mình Xếp quay cuồng. Gặp một bà nhỏ con thì ngực vừa đụng đến cái bụng phệ của Clemenza và hai bên cứ cạ qua cạ lại giữa tiếng rên rỉ của một cây mandoline: hoạt cảnh vừa tục tĩu, dâm đãng lại vừa tức cười nên cử tọa hò reo như sấm.
Rốt cuộc Clemenza mệt bở hơi tai, mồ hôi vã ra, mặt nhợt nhạt đành rút lui và té ngồi trong lòng ghế, đàn em Paulie Gatto vừa kịp thời đưa ra đỡ! Rất mau mắn thằng Gatto bưng ly rượu chát lên tận miệng Xếp, một tay rút chiếc mùi xoa lụa lau hầu lia lịa. Cứ uống một hớp rượu là Xếp lại nghỉ mệt một hơi và thở rống như trâu. Vừa lấy lại tý hơi sức là Xếp quay ra sửa lưng thằng đàn em: "Đây đâu phải chỗ mày đứng làm giám khảo khiêu vũ? Đi cha mày ra ngoài kia, coi xem có gì lộn xộn không nào?". Đàn em Paulie bèn lỉnh gấp.
Ban nhạc cũng nghỉ xả hơi. Lúc bấy giờ thằng Nino Valenti mới nhẩy lên khán đài, vớ lấy một chiếc mandoline rồi chân trái ghếch lên một chiếc ghế, nó vừa vê đàn vừa gân cổ biểu diễn một bản tình ca độc đáo của dân Sicily. Thằng Nino khá đẹp trai nhưng mặt nó say rượu đỏ nhừ. Nó vừa nháy mắt vừa dùng lưỡi điểm lóc chóc những chỗ lời ca tục tĩu nên mấy bà mấy cô ôm bụng cười rũ, còn bọn đàn ông thì khoái chí rống lên phụ họa theo từng chập.
Bà Trùm khoái chí bắt nhịp theo như điên nhưng ông Trùm xưa nay đâu có chịu những vụ trai gái lẳng lơ nên lỉnh vào nhà để khỏi phải nghe tiếp. Thấy vậy cậu cả Sonny bèn mắt trước mắt sau xề lại em phù dâu Lucy Mancini. Hắn chỉ ngán có Ông Già và biết dư mụ vợ giờ này còn phải ở dưới bếp sửa lại chiếc bánh cưới. Do đó không biết hắn rỉ tai cái gì mà con nhỏ đứng ngay lên, biến vô trong nhà. Sonny làm bộ đợi vài phút, nói dăm ba câu chuyện bâng quơ rồi theo hút em bé gấp. Vậy mà không dấu được ai vì xét ra em phù dâu Lucy đâu có phải tay vừa? Em Mỹ hóa đến độ vô đại học ba năm là cóc cần tai tiếng nữa. Lucy mấy bữa nay cứ đeo cứng cậu cả Sonny và lả lơi ra mặt vì phù dâu với lại phù rể mà! Mặc dầu thiên hạ thừa biết nhưng em cứ ngây thơ vén váy cười ngỏn ngoẻn khi leo thang lầu lên phòng tắm. Chỉ một loáng sau đã thấy đàn anh Sonny đưa tay ngoắc rồi.
Cái vụ móc ngoéo tưởng là bí mật này có một người biết hết: Đứng trên lầu hé rèm cửa nhìn xuống thì còn cái gì qua mắt nổi Thomas Hagen? Nãy giờ hắn đứng trong phòng Ông Trùm "theo dõi nội vụ" từ đầu đến cuối.
Trên nguyên tắc Hagen là luật sư riêng của nhà này nhưng trên thực tế lại là xử lý thường vụ consigliori tức cố vấn kiêm phụ tá, nghĩa là nhân vật tối quan trọng, chỉ đứng dưới một mình Ông Trùm. Cho nên vừa thấy ổng đi vô là Hagen đã mau mắn có mặt sẵn trong văn phòng. Đâu phải chỉ vì bận đám cưới mà Ông Trùm Corleone buông xuôi hết công việc?
Việc đầu tiên mà Hagen muốn báo cáo gấp là vụ "làm ăn" của cậu cả Sonny nhưng sau khi cân nhắc lợi hại hắn nhăn mặt gác qua một bên. Lờ đi thì hại thật xong cho ông bố biết cái vụ này thì Sonny chỉ có chết. Hắn còn lạ gì tính nết của Bố Già? Ngay trong căn phòng bốn bề toàn sách luật này hắn đã từng phụ tá và cố vấn cho Ông Trùm biết bao nhiêu là vụ điên đầu nên hợp "giơ" quá rồi!
Hagenđi tới bàn bureau, cầm miếng giấy ghi tên những người Ông Trùm bằng lòng tiếp hôm nay. Bố Già vừa bước vô là hắn đưa liền để nghe một lệnh ngắn ngủn: "Để Bonasera sau cùng nghe". Hagenvội chạy đi kiếm ông chủ lò bánh mì Nazorine và hướng dẫn vô văn phòng. Thấy dạng Nazorine, Ông Trùm vui mừng đứng lên ôm hôn. Hai thằng chơi với nhau từ thuở còn bé tí ở quê nhà mà? Sang đất Mỹ hai gia đình còn qua lại thân thiết. Bất cứ lúc nào nhà Corleone cần đến bánh là có ngay cả xe do ông bạn Nazorine vui vẻ cung cấp. Năm nào cũng vậy, nhiều ít Nazorine cũng đóng niên liễm thật hăng cho nghiệp đoàn làm bánh của Ông Trùm sáng lập từ lâu lắm rồi. Vậy mà trừ mấy cái "bông" đường hồi còn chợ đen Nazorine đâu có xin xỏ đòi hỏi gì? Chỗ thân tình như vậy, trung thành như vậy thì Ông Trùm chỉ chờ hỏi đến là giúp đỡ liền.
Đưa mời điếu xì gà Di Nobili và tự tay đưa một ly Strega, Ông Trùm thân mật khoác vai để hai người tâm tình thân mật, khiến Nazorine mạnh miệng hỏi han. Ông chủ lò bánh mang vụ thằng rể tương lai Enzo ra kể lể. Nó người gốc Sicily, bị quân Mỹ bắt làm tù binh nhưng tạm thời được ở lại làm thợ chuyên môn. Nó tới giúp việc lò bánh và quyến luyến con bé Katherine. Tụi nó thương nhau quá, nếu thằng này mà bị tống về thì con bé đến chết mất. Và bây giờ chỉ có mình Bố Già Corleone là có thể cứu được chúng.
Hai người đi lại quanh phòng, Nazorine kể đến đâu Bố Già Corleone gật gù đến đấy và sau cùng vỗ vai cười mỉm: "Có vậy thôi ư? Cái vụ này dễ quá mà. Tiếp xúc một ông dân biểu rồi ông dân biểu sẽ đưa nội vụ này ra Hạ viện, nhờ các bồ bịch thông qua một đạo luật nhập tịch là đâu vào đấy hết. Có điều phải xì tiền ra, theo thời giá cỡ 2 ngàn đô la chớ mấy? Bảo đảm là xong và chỗ anh em với nhau thì 2 ngàn đô đâu ăn nhằm gì mà đặt cọc hay đưa trước?
Ông chủ lò bánh mì gật đầu gấp, và không ngờ mọi việc lại dễ dàng và Bố Già lại nhân đức đến thế. Lão cám ơn tíu tít, nước mắt rưng rưng khi được đưa ra tận cửa và nghe Ông Trùm xác nhận lại: "Bạn đừng lo nghĩ vớ vẩn nữa. Sẽ có người đến tận nhà bạn lo giùm mọi thủ tục".
Hagen mỉm cười: "Khi không được một thằng rể, một chuyên viên giúp việc đắc lực mà lại có người chỉ giùm cho hai ngàn đô xong việc mới trả sau thì cha Nazorine sướng quá còn gì? Vụ này mình giao cho ai thưa bác?"
Ông Trùm cau mày suy nghĩ. "Chớ có giao cho thằng nhà quê Luteco nghe. Để thằng Fisher làm hay hơn. Nếu cần thì bảo Enzo đổi địa chỉ đi. À, chiến tranh chấm dứt tất nhiên sẽ có rất nhiều vụ tương tự. Mi nhớ gài sẵn người của mình ở Hoa Thịnh Đốn để có áp phe nhập tịch là bắt liền. Mỗi vụ tối thiểu 2 ngàn đô đâu phải đồ bỏ".
Người thứ hai bước vô là Anthony Coppola. Vụ nhờ vả của nó giản dị hơn nhiều vì nó là chỗ con cháu nhà, xưa kia cha nó cùng làm phu hỏa xa với Ông Trùm hồi còn đói khổ. Bây giờ cu cậu cần có 5 trăm đô để mở cửa tiệm bánh chiên, mua lò, sắm đồ vặt vãnh mà đào không ra tiền. Nhưng đối với Ông Trùm thì vụ này quá dễ.
Người móc túi rút ra mớ bạc nhỏ đếm vừa vặn 4 trăm bèn quay sang phía Hagen: "Mi cho mượn đỡ 100 đô, sáng thứ hai ra băng lấy tiền nhớ nhắc". Coppola thấy vì mình mà Bố Già phải ngửa tay đi mượn đã ấp úng "Dạ 4 trăm cũng đủ rồi" nhưng Ông Trùm vỗ vai âu yếm: "Cháu thông cảm. Đám cưới tốn quá xá nên bác hết tiền mặt".
Hagenlấy tiền túi đưa ra 1 trăm cho đủ số, đưa thằng Coppola ra mà phục lăn lối xử thế khôn khéo của Bố Già. Ra điều vì mình mà một nhân vật cỡ Bố Già phải đi vay trăm bạc để cho mượn vốn làm ăn thì cu cậu cảm động để đâu cho hết! Có mấy ông triệu phú chịu làm cái việc phiền phức này bao giờ?
Ông Trùm vừa ngước mắt lên là Hagen báo cáo tiếp:
- Cháu không ghi sẵn... nhưng thằng Luca Brasi nói muốn vô gặp bác. Chắc có chuyện cần.
- Có gì cần đâu?
- Vụ này chắc bác hiểu nó hơn cháu nhưng cháu đoán nó nhận được thiếp mời nên lấy làm cảm động, muốn gặp bác để cám ơn chắc. Ông Trùm gật đầu ra hiệu đồng ý.
Đúng lúc đó ở ngoài vườn Kay Adams cũng đang hỏi thăm Michael về ông khách lạ có bản mặt thật cô hồn mang tên Luca Brasi. Trước sau cũng phải giải thích cho cô bé vị hôn thê hiểu sơ qua về gia thế mình nhưng Michael áp dụng chiến thuật tiết lộ từ từ để Kay khỏi sửng sốt hết hồn vì cho tới ngày giờ này cô bé vẫn cứ tưởng Ông Già là người làm ăn, tuy hơi khác thường một chút. Rất thản nhiên, Michael giới thiệu Luca Brasi như một hung thần của giới giang hồ miền Đông. Nét độc đáo trong việc làm ăn của nó là giết người khỏi cần ai phụ giúp và một khi nó đã làm thì pháp luật có biết cũng bó tay vì kiếm được bằng chứng sát nhân của Luca Brasi là một việc xưa nay chưa ai làm được. "Không hiểu có đúng như vậy không nhưng nó đối với Ông Già thì trung thành lắm".
Kay trợn mắt ngạc nhiên "Bộ Ông Già xài cả những người như vậy sao anh?" Cái vụ này chẳng thể trả lời trực tiếp nên Michael đành vòng vo:
- Cỡ 15 năm về trước hình như vụ nhập cảng dầu ăn của ông già bị một bọn toan cưỡng đoạt. Chúng mưu sát ổng tới mấy lần và chút xíu nữa là rồi. May nhờ có Luca Brasi. Người ta kể rằng hồi đó hắn hạ một hơi 6 mạng, vỏn vẹn trong 2 tuần. Phe bên kia ngán quá bỏ cuộc luôn.
- Nói vậy ông già bị bọn găng tơ mưu sát sao?
- Ấy là chuyện 15 năm về trước kìa chứ bây giờ đâu có chuyện gì?
Rất hóm hỉnh, Kay hích cho Michael một cú: "Thôi bồ đừng bịa chuyện để tôi rét, tôi né là bồ khỏi phải làm đám cưới chứ gì? Bồ láu quá!" - Không, anh nói thật đó.
- Nghĩa là Luca Brasi thủ tiêu 6 mạng thật sao?
- Thì người ta đồn đại, báo chí đăng tùm lum vậy... chớ có bằng chứng gì đâu. Nhưng hình như nó còn làm một vụ gì ghê gớm hơn thế, hãi hùng đến nỗi chính ông già cũng không dám nhắc đến. Vụ này thằng Hagen cũng biết, anh có hỏi mấy lần mà lần nào nó cũng gạt đi. Do đó anh chắc nó phải ghê gớm lắm.
Luca Brasi quả thực là người ma quỉ cũng phải chê. Cứ thấy dạng nó là thiên hạ đã hết hồn vì cả khổ người chắc nịch của nó toát ra sự kinh khủng, cái sọ tổ bố, bản mặt lầm lì rất ư là cô hồn. Cặp mắt nâu lờ đờ không sinh khí mà miệng nó tàn ác ở đôi môi mỏng quẹt như hai miếng thịt bò sống gắn vô.
Trong giới giang hồ, Luca Brasi nổi danh hung thần cực kỳ tàn bạo nhưng cả nước biết nó một lòng thần phục Ông Trùm Corleone. Một trung thần hiếm có, một trong những cột trụ chống đỡ đắc lực. Luca Brasi không sợ trời sợ đất, địa ngục thiên đường nó đều coi như zê rô. Không có cảm tình với bất cứ một ai, không ngán một người nào, kể cả Cảnh sát. Nhưng riêng với Ông Trùm thì nó tự quyết định phải yêu, phải sợ và do đó, phải phục vụ hết mình!
Được đưa vào văn phòng, tự nhiên hung thần đâm khép nép, kính cẩn trước mặt Ông Trùm. Nó ấp úng mãi mới ngỏ được lời chúc mừng, đại để mong sao Người sớm có cháu bế, cháu trai. Rồi mới vụng về đưa ra một bao thư lớn mừng cô dâu chú rể, song đích thân Ông Trùm phải nhận cho mới quý! Nó chỉ muốn có bấy nhiêu mà! Đứng bên cạnh, Hagenlưu ý cung cách Bố Già tiếp Luca Brasi. Hay thật! Rõ ra là quý mến, từng lời nói cử chỉ đều bộc lộ rõ. Có đều không hề thân mật, làm như đấng quân vương sẵn lòng chấp nhận sự cung kính của một bầy tôi và nó có đích thân đòi đưa đồ mừng tận tay cũng là lẽ tự nhiên vậy.
Một phong dày cộm thế kia thì hiển nhiên phải bộn tiền hơn bất cứ một phong bao nào khác. Luca Brasi đã suy tính cả giờ về vụ phải "đi" cỡ bao nhiêu để hơn hết mọi người và phải đưa tận tay để Bố Già biết cho là nó cung kính hơn ai hết. Biết vậy nên nó có ăn nói vụng về, ngớ ngẩn Ông Trùm cũng vẫn lờ đi Hagen nhận thấy rõ bong là được hậu đãi quý hóa như vậy, vẻ mặt cô hồn của Luca Brasi bỗng dưng hiền hậu, ngờ nghệch hẳn đi. Làm như nó khoan khoái lắm, vinh hạnh lắm. Trước khi xin từ biệt nó còn kính cẩn hôn tay Ông Trùm rồi mới theo Hagen đi ra. Mở cửa cho thằng cô hồn này Hagen cũng cẩn thận áp dụng chiến thuật tay mở cửa, miệng nở sẵn nụ cười cảm tình. Vậy mà cái đầu bự của Luca Brasi chỉ sẽ gục gặc và cặp môi thịt thì chỉ khẽ vén lên, đủ để biểu diễn một nụ cười nhạt.
Không riêng gì Hagen, ngay Ông Trùm Corleone đối với Luca Brasi xem ra vẫn cứ "kính nhi viễn chi". Thấy mặt nó là phải lưu ý, chừng nó đi khuất mới nhẹ nhõm thở ra. Chẳng là Luca Brasi tính nết ngang tàng, như ngựa hoang vậy. Không dễ gì "nắm" được nên dùng nó dễ sợ như phải sử dụng cốt mìn. Sơ sẩy là không xong nhưng vẫn cứ phải dùng... và dùng rất hiệu quả.
Khi cửa đóng lại, Ông Trùm hất hàm hỏi: "Còn một mình Bonasera hả? Nếu vậy đi kiếm thằng Santino (Sonny), biểu nó vô đây trước. Có thể nó sẽ có một bài học hữu ích".
Hagen tất tả trở ra ngoài vườn. Bảo thằng cha Bonasera gắng chờ thêm ít phút rồi hỏi Michael và Kay coi có thấy nó đâu không. Michael lắc đầu là hắn bắt đầu ngại. Thằng Sonny dám lôi con nhỏ vào một xó nào "quất" bừa lắm. Nó đi theo con nhỏ đến nửa giờ còn gì? Sơ sẩy mà đổ bể là mất mặt với gia đình Mancini và con vợ Sonny cũng chẳng hiền gì!
Hắn vừa đi khuất là Kay hỏi ngay: "Ai đấy anh? Anh giới thiệu là anh em... nhưng tên hắn đâu có giống, mà coi chẳng có vẻ người Ý nữa!"
- Vì thằng Tom ở nhà này từ năm nó 12 tuổi mà. Nó mồ côi cha mẹ, và đau mắt tưởng đâu mù luôn. Nó đang sống lang thang thì Sonny bắt gặp và đưa về nhà ở luôn từ hồi đó. Lấy vợ rồi nó cũng không đi đâu hết.
- Nếu vậy thì ông già nhân đức đấy chứ? Có tới 4 mặt con mà còn nuôi thêm thằng con nuôi nữa.
Chẳng buồn giải thích là đối với một gia đình Ý có 4 con chưa phải là nhiều, Michael chỉ cải chính:
- Đâu phải con nuôi? Tom chỉ ở lại, coi nhà này như nhà hắn vậy thôi.
- Ủa, sao không nhận nuôi cho rồi?
- À, tại ông già không muốn. Theo ổng thì bắt con nhà người ta đổi họ đổi tên đi là hỗn xược. Nhất là đối với những người đã khuất.
Lúc bấy giờ họ nhìn lên thấy Hagen đang đẩy Sonny bước vô căn phòng và đưa tay ngoắc Bonasera. Cô bé Kay ngạc nhiên lắm. "Ô hay, sao mấy người này lại kỳ cục vậy? Nhè đúng bữa nhà người ta có đám cưới mà bàn chuyện làm ăn!" Michael lại phải tươi cười giải thích:
- Phong tục xứ Sicilyđấy! Đúng truyền thống thì chẳng ai nỡ từ chối ai điều gì trong ngày gả con. Biết vậy nên họ cứ nhè ngày này mà nhờ vả cho chắc ăn.
Lucy Mancini vén cao chiếc váy hồng, tất tả bước lên thang. Cứ tưởng tượng ra khuôn mặt bì bì và đa tình của Sonny giờ này đỏ nhừ vì hơi rượu thì quả thực dễ sợ quá... Nhưng cả tuần nay cô phù dâu chỉ nhắm có bấy nhiêu đó mà? Hồi ở Đại học, Lucy có hai kép thật song anh trước anh sau đều "chạy", chỉ một tuần lễ du dương là tối đa. Thằng bồ thứ hai còn phê phán: "Đàn bà con gái gì mà... vĩ đại kinh khủng thế" làm nàng hiểu ngay thân phận khác người của mình, không bắt bồ thêm thằng nào nữa trong suốt cả một niên học.
Dịp nghỉ hè được mời làm phù dâu cho bồ Connie, nàng nghe thiếu gì chuyện về kỳ tích của đàn anh Sonny. Hôm chiều Chúa nhật, lúc bọn đàn bà con gái quây quần dưới bếp, chính miệng mụ vợ hắn nói ra mà? Mụ Sandra coi mập mạp, tốt tướng, gốc Ý song sang Mỹ từ hồi còn để chỏm. Cao lớn, vú bự như mụ thì lấy chồng 5 năm 3 mặt con là phải.
Sandra dọa dẫm cô em chồng Connie về vụ động phòng kinh khủng.
Mọi người cười ầm lên, riêng Lucy chỉ cảm thấy nhột nhạt cả một khoảng người. Chính sự nhột nhạt đó làm người nàng bốc lửa lúc bước lên thang lầu. Chừng Sonny ló mặt ra, kéo tuốt nàng qua hành lang, vô một căn phòng trống trơn và đóng sập cửa lại thì Lucy rùng mình, hai chân đứng không nổi. Coi, miệng hắn toàn mùi thuốc lá khét lẹt! Nàng hé môi nín thở vì dưới lớp lụa mát dịu, bàn tay hắn bỗng nóng như lửa, tới chỗ nào là nhột nhạt, khó chịu chỗ ấy.
Tụi nó còn ôm nhau đứng nữa, đứng mãi nếu không có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, thận trọng. Rất lẹ làng, Sonny đẩy Lucy về phía sau, rồi sửa sơ qua quần áo hắn đi vội ra phía cửa nhưng cố ý chắn lối... để cửa có mở ra thì thằng ở ngoài vẫn không vô lọt! Trong lúc Lucy cuống quít vuốt lại xiêm y, mắt nhấp nháy mở ra chờ đợi thì có tiếng Hagen hỏi khẽ: "Sonny, phải mày trong đó không?"
Mừng ra mặt, Sonny vừa nháy nhó vừa hỏi: "Có chuyện gì đó Tom?"
"Ông Già sai tao kêu mày gấp. Lên buya rô ngay đi". Chỉ mới nghe loáng thoáng như vậy đã thấy tiếng chân bước đi xa dần. Sonny chỉ kịp hôn từ biệt em bé một phát là mở cửa hối hả chạy theo.
Còn một mình. Lucy bình tĩnh chải lại mớ tóc, móc lại dây nịt coóc-xê, vuốt thẳng nếp váy. Người thì mệt rã rời nhưng nghe ngây ngây ở môi, ở má. Tuy thấy rõ cảm giác vướng víu, nhớp nhúa ở mỗi bước chân đi nhưng không ghé qua phòng tắm mà mở cửa ra tất tả đi một mạch xuống vườn. Thản nhiên như không có chuyện gì, Lucy vừa ghé mông ngồi xuống chỗ cũ đã nghe tiếng bồ Connie trách yêu: "Mày đi đâu về... mà coi lừ đừ như say rượu vậy? Ngồi bên tao này, cấm đi nghe!"
Chú rể Carlo bèn xốc tới, hóm hỉnh bưng ly rượu chát tới mời cô phù dâu nhưng cười cái điệu biết hết... Lucy phớt tỉnh nâng ly uống ngon lành. Cảm giác nhớp nhúa vẫn còn, nàng bèn cặp rõ chặt, xiết cứng đùi lại. Cả người chợt run run, nàng kín đáo phóng tầm mắt qua vành ly để kiếm thử hình bóng Sonny nhưng chẳng thấy hắn đâu. Ngoài Sonny ra còn kiếm ai làm chi mất công?
Rất hóm hỉnh, Lucy ghé tai bồ Connie tâm sự: "Mày đừng nôn nóng! Ráng đợi vài giờ đồng hồ nữa là biết hết. Thú vị lắm nghe!" Cô dâu phát cười sằng sặc trong khi Lucy ra vẻ rất đàn chị, rất nghiêm trang ngồi hai tay đặt trên bàn đàng hoàng. Như không hề có chuyện gì xảy ra.
Lúc Bonasera được Hagen đưa vô thì Ông Trùm đang ngồi sau chiếc buya rô rộng thênh thang và Sonny đứng ở cửa sổ nhìn xuống vườn. Trọn ngày hôm nay mới thấy nét mặt bố già thản nhiên, lạnh nhạt là một. Không có vụ ôm hôn, một cái bắt tay cũng không vì nếu Bà Trùm và vợ lão nhà đòn đám ma chẳng phải bạn từ hồi con gái thì sức mấy Bonasera được mời đi ăn đám cưới? Mà chính lão Bonasera cũng chẳng thèm chơi, chẳng dám dây dưa với ông bạn Vito Corleone!
Lão chủ xe đòn nhập đề xéo, rất có chiến thuật sau khi đưa mắt nhìn Hagen và Sonny, rõ ràng không muốn có mặt hai thằng này trong phòng nhưng Ông Trùm vẫn cứ lờ đi.
- Xin ông bạn tha lỗi cho con bé cháu không đến dự lễ cưới để chia vui cùng mẹ đỡ đầu của nó được vì cháu còn nằm bệnh viện.
- Chúng tôi biết. Tội nghiệp con nhỏ... Nếu chúng tôi có thể giúp đỡ cháu phần nào thì ông bạn cứ việc cho biết. Bề nào nó cũng là con đỡ đầu của bà nhà tôi mà? Cái vụ này là ăn miếng trả miếng! Ra điều "Vợ tôi là mẹ đỡ đầu của nó nhưng ông bạn đâu thèm cho nó nhận thằng này là cha đỡ đầu!" Khuôn mặt bí xị của Bonasera xám như tro. Lão đành nói huỵch toẹt: "Tôi có chút chuyện muốn nói riêng với ông bạn được không". Ông Trùm lắc đầu: "Không được. Hai thằng này không những là phụ tá mà còn là con cháu trong nhà... tôi không tin chúng thì con biết tin ai? Đuổi chúng ra đâu được?"
Bonasera đành nhắm mắt lại bắt đầu kể lể. Giọng lão đều đều như mọi lần vẫn "Xin thành thật có lời chia buồn cùng tang quyến" vậy.
- Tôi chỉ có một mụn con gái là nó. Tôi tin tưởng ở Mỹ-quốc nên làm ăn có tiền là nuôi con thật đàng hoàng, như bất cứ người Mỹ nào. Tôi không giữ rịt nó ở trong nhà vì tin là đã giáo huấn nó về danh dự gia đình. Nó có thằng bạn thân, không phải người Ý. Đi xi-nê với nhau, đi chơi tối với nhau, mà thằng kia chẳng thèm biết đến vợ chồng tôi là ai. Tôi công nhận tôi sơ xuất chỗ đó. Cách đây 2 tháng một hôm nó lái xe rủ con nhỏ đi chơi cùng một thằng bạn nữa. Chúng cho con nhỏ uống huýt ky rồi toan làm hỗn. Dĩ nhiên con nhỏ chống cự. Không chịu là tụi nó đập, như đập một con vật vậy. Khốn nạn, lúc tôi vô nhà thương thì con nhỏ mặt mũi tím bầm, mũi dập hàm bể phải kẹp không biết bao nhiêu chỗ! Thấy tôi con nhỏ cứ nức nở: "Bố ơi, con có làm gì đâu mà chúng nỡ... làm con thế này? Sao chúng nó hành hạ con vậy này?". Chao ơi, tôi trả lời nó thế nào được? Tôi đành nhìn con mà ôm mặt khóc!
Bonasera ôm mặt khóc thật. Khóc nức nở, nghẹn ngào không nói nên lời thật, dù tiếng khóc quả tình chẳng có vẻ khóc bao nhiêu! Tuy nhiên, Ông Trùm vẫn phải có một cử chỉ an ủi để lão kể lể thêm chút nữa. Khuôn mặt Bonasera chảy dài ra, mắt lão đỏ ngầu...
- Tôi khóc vì con nhỏ là cuộc đời tôi. Nó đẹp, hiền hậu, dễ thương biết chừng nào... lại tin người có một. Bây giờ thì nó hết tin ai... và còn đẹp với ai được nữa! Thế rồi tôi mang nội vụ đi thưa Cảnh sát. Cả hai thằng bị bắt ngay và bị truy tố ra tòa, đúng theo luật pháp Mỹ quốc. Tang chứng rành rành, cả hai thằng cùng nhận tội hết. Vậy mà tòa xử chúng 3 năm tù, cho hưởng án treo.
Chúng ung dung ra về ngay sau phiên xử. Tôi đứng ngơ ngẩn trước tòa còn bị hai thằng súc sinh cười vào mặt nữa. Tôi bèn nói với nhà tôi: "Việc này phải nhờ đến Ông Trùm mới xong..."
Ông Trùm khẽ cúi đầu thông cảm nỗi đau khổ của lão. Nhưng khi lên tiếng thì tiếng nào cũng gằn giọng, bực bội: "Biết thế thì ông bạn sao lại đi thưa với Cảnh sát? Tại sao không đến tôi ngay chứ?"
Bonasera không trả lời mà chỉ sụt sịt: "Bây giờ tôi nhờ ông bạn. Ông bạn muốn thế nào xin cứ cho biết. Bao nhiêu cũng được, miễn xong công việc..."Muốn thế nào, bao nhiêu cũng được. Cái thằng chỉ có tiền, chẳng biết đến tình, chẳng còn biết cái gì nữa. Ông Trùm bèn gằn giọng: "Ông bạn nhờ cái gì mới được chứ?"
Bonasera liếc nhìn Hagen, Sonny và lắc đầu quầy quậy. Không nỡ lòng, Ông Trùm bèn xích người gần lại chút nữa và chìa tai ra để cho hắn thầm thì. Lão chồm tới, rỉ tai khe khẽ. Người thì thào, người chìa tai lơ đãng ngó mông lung như linh mục nghe xưng tội vậy. Một lát sau, Bonasera mới ngồi ngay người lại, chờ đợi. Ông Trùm ngó ngay mặt làm lão đỏ mặt nhưng mắt vẫn cứ giương lên... "Cái vụ đó làm thế nào được. Ông bạn điên đầu rồi!" Vậy mà lão còn đề nghị với một phát "Ông bạn muốn bao nhiêu tôi cũng chịu hết".
Giọng rành rẽ, tỉnh bơ của Bonasera làm Hagenkhẽ nhăn mặt, lắc đầu. Thằng Sonny nãy giờ đứng quay lưng nhìn ra cửa sổ cũng phải quay quắt lại ngó sững. Đang ngồi ở sau buya rô. Ông Trùm đứng dậy lên tiếng. Giọng không hề giận dữ mà tiếng nào tiếng đó như búa bổ:
- Ông bạn và tôi, tụi mình biết nhau quá lâu rồi. Nhưng có bao giờ ông bạn thèm hạ cố tới chơi, hay nhờ vả chuyện gì? Mà ông bạn cũng chẳng thèm mời lại nhà chơi, dù chỉ để uống một chén trà. Mà vợ tôi lại là mẹ đỡ đầu của con bé cháu đấy! Xin lỗi, tôi nói đâu có sai? Ông bạn không thèm chơi, không thèm dây dưa... làm gì tôi chẳng biết.
- Tại tính tôi không muốn rắc rối...
- Không, ông bạn nghe tôi nói. Ông bạn sang Mỹ lập nghiệp làm ăn chín chắn như vậy thì giàu có là phải, xứ sở này thiên đường là phải. Ông bạn lương thiện, có sợ gì ai đụng chạm mà cần phải kết bạn? Thằng nào, đụng đến thì đi thưa lính, lôi cổ nó ra tòa. Đâu phải nhờ vả đến một thằng Vito Corleone? Đúng lắm! Sự thực tôi cũng có va chạm tự ái đấy nhưng xét lại, tôi cũng chẳng phải hạng nhắm mắt kết giao bừa, nhất là với những kẻ coi mình rẻ rúng. Tôi không thèm có những ông bạn không đáng bạn như vậy.
Bữa nay ông bạn có chuyện muốn nhờ vả đến tôi song không nhân danh tình bạn mà đến. Ông bạn nhè lựa đúng ngày tôi gả con để tới chơi và đề nghị tôi giết người giùm. Và còn ra giá "Tốn bao nhiêu thì tốn". Chao ơi đau quá! Tôi không đau vì bị ông bạn xúc phạm... nhưng tôi muốn biết tôi đã làm những gì mà ông bạn nỡ lòng đánh giá tôi quá rẻ nhường ấy?
Sợ tái người, Bonasera ôm mặt khóc, rên rỉ: "Khổ thân tôi quá. Đất Mỹ này đãi tôi quá hậu đi. Tôi chỉ muốn yên thân làm ăn đàng hoàng, nuôi con nên người". Ông Trùm vỗ tay một phát, gật gù đồng ý:
- Đúng quá! Ông bạn nói nghe hay thiệt. Vậy thì than thở mà chi? Đất Mỹ có pháp luật, ông bạn đã nhờ pháp luật phân xử và pháp luật đã phán xét vậy đó. Còn muốn gì nữa? Thôi thì ông bạn có vô bệnh viện thăm con cháu nhớ mang cho con nhỏ bó hoa, hộp kẹo cho nó khỏi tủi lòng và chính mình cũng hài lòng luôn thể. Xét cho cùng chẳng qua cũng chỉ là chuyện nhỏ nhặt đâu có đáng gì? Bọn con nít làm bậy mà! Chúng còn say rượu và một thằng còn có ông bố làm lớn nữa. Ông bạn Bonasera thân mến, tôi công nhận ông bạn là người lương thiện và dù ông bạn không thèm chơi với... thì một lời ông bạn nói ra tôi vẫn cứ trọn tin, tôi tin hơn ai hết. Vậy chỉ xin ông bạn một lời là... hãy bỏ qua vụ này đi. Đừng bận tâm vì nó, người Mỹ có lối sống vậy đó! Hãy cố quên đi. Quên để tha thứ hết. Cuộc đời này còn thiếu gì chuyện đau khổ?
Bonasera ngồi ngơ ngẩn mất hồn vì những lời quyết liệt, nặng như búa bổ nhưng vẫn cứ gắng gượng năn nỉ: "Nhờ ông bạn giải quyết giùm".
- Coi, pháp luật giải quyết rồi mà?
- Giải quyết quái gì! Họ giải quyết cho chúng... chứ chẳng phải cho tôi.
- Đồng ý. Ông bạn muốn giải quyết cách nào?
- Nợ máu trả bằng máu.
- Đâu được? Con nhỏ còn sống thì đòi nợ máu sao ổn? Bonasera cố vớt vát:
- Thôi thì... ăn miếng trả miếng vậy? Con nhỏ đau đớn thế nào thì bắt chúng đau đớn in hệt vậy! Vậy thì... vậy thì... ông bạn tính bao nhiêu xin cho biết? Xin ông bạn cứ cho biết...
Ông Trùm quay lưng đi. Vậy là hỏng việc rồi, Bonasera ngồi chết dí. Lát sau làm như một người nhân từ thì không nỡ lòng nào đối xử tuyệt tình với một người từng quen biết, nhất là gặp khi hoạn nạn, Ông Trùm thản nhiên quay mặt lại. Mặt Bonasera nhợt nhạt như những cái xác mà lão khâm liệm hàng ngày. Không nỡ làm lão đau khổ nữa, Ông Trùm đành gạn hỏi:
- Sao, ông bạn vẫn còn sợ không muốn kết giao bằng hữu với tôi nên không thèm nhờ vả suông, nhân danh tình bạn chớ gì. Nói thực để ông bạn biết, ông bạn đã ngửa cổ đợi cả tháng để chờ công lý phán xét. Ông bạn chi tiền cho những thằng thầy cãi nó biết trước, biết dư là ông bạn sẽ bị lỡm. Ông bạn trông cậy ở sự phán xét công minh của thằng cha chánh án sẵn sàng bán đứng lương tâm như đĩ bán trôn vậy. Những năm về trước, mỗi khi cần tiền làm ăn ông bạn vác xác chạy lại mấy thằng nhà băng năn nỉ, xin xỏ chúng cho vay với giá cắt cổ mà còn phải chờ lên chờ xuống để chúng "đánh hơi" coi liệu có trả nổi hay không đã.
Phải chi hồi đó ông bạn nhớ đến thằng này thì dễ quá! Tiền của tôi sẽ là tiền của ông bạn, chẳng điều kiện quái gì hết. Vụ vừa rồi nếu ông bạn nhờ đến thì ngày giờ hai thằng súc sinh kia chắc chắn sẽ khốn nạn hơn con nhỏ nhiều. Bạn cứ tin đi. Ông bạn làm ăn lương thiện đến như thế mà thằng nào dám đụng tới thì nó sẽ biết tay tôi. Nhưng nếu ông bạn là bạn tôi thì nói thực... cha nó cũng chẳng dám!
Ông Trùm vừa xuống giọng thì Bonasera gật đầu gấp, nói lí nhí trong miệng:
- Dạ, xin bác hãy coi tôi như bạn. Chỗ anh em bạn với nhau...
Lúc bấy giờ, Ông Trùm mới thân mật đặt tay lên vai ông bạn mới. "Vậy có phải hay không? Bạn sẽ được thỏa nguyện. Rất có thể một ngày kia tôi sẽ có việc nhờ lại bạn, mà ngày đó có thể chẳng bao giờ có. Cứ tạm coi như một món quà nho nhỏ của nhà tôi tặng cho đứa con gái đỡ đầu đi. Được không?"
Bonasera cảm ơn gấp. Tiễn lão ra cửa xong, Hagenquay vô nghe Ông Trùm chỉ thị: "Giao vụ này cho thằng Clemenza. Bảo nó lựa mấy thằng đàng hoàng chớ đừng xài những quân cứ thấy máu là nổi hung nghe. Thây kệ thằng cha chôn người chết đó nó muốn nghĩ sao thì nghĩ... chớ mình đâu phải bọn giết mướn?"
Quay sang phía cậu cả nãy giờ quay lưng ngó ra ngoài, Ông Trùm không khỏi buồn. Thằng Santino này... hết trông cậy. Không chịu nghe thì làm sao nối nghiệp nhà, làm sao chỉ huy nổi? Đành phải lo kiếm sẵn một thằng... chứ sống đời mãi sao?
Phía dưới vườn đột nhiên có tiếng cười nói ầm ầm làm cả 3 người cùng giật mình. Sonny vươn cổ ra ngoài cửa sổ ngó và hí hửng quay phắt vô. Miệng cười toe toét, nó chạy ra mở cửa: "Thằng Johnny, bố à! Con đã nói... thế nào nó cũng về ăn cưới mà?" Hagen cũng chạy ra cửa sổ nhìn xuống: "Đúng nó rồi! Cháu xuống dẫn nó lên đây nghe bác?"
Ông Trùm lắc đầu: "Khỏi... Nó về ăn cưới thì để bà con mình mừng nó xong xả đã. Mi thấy không... thằng con đỡ đầu của tao coi vậy cũng ngoan đấy chớ?"
Hagen có ý ghen nên buông một câu: "Hai năm nay mới thấy mặt nó. Chắc cu cậu lại có chuyện gì đó chạy về nhờ vả". Ông Trùm quắc mắt: "Ô hay, nó là con đỡ đầu thì không nhờ Bố Già nó thì còn nhờ ai, mi?"
Người thứ nhất thấy Johnny bước vô là cô dâu Connie. Mừng quá xá, quên phắt cả chú rể, quên cả thể thống của một cô dâu, nó chạy ào lại ôm cứng lấy "anh Johnny" để cho đàn anh hôn môi âu yếm trong khi bà con reo mừng bu quanh. Đối với họ thì Johnny là bà con nhà, thân thiết đã lâu chớ đâu phải người ngoài?
Connie hối hả cầm tay Johnny kéo lại giới thiệu với Carlo. Rất tinh tế Johnny vừa nhìn chú rể đã biết ngay tẩy cu cậu bèn làm bộ tươi tỉnh tự tay nâng ly lên đòi cụng, còn bắt tay thật chặt cho nó đỡ tủi.
"Ê, Johnny... sủa chơi một bản mừng bà con chớ mày?" Mới nghe vậy nhà kép hát lớn nhất nước vội quay phắt lại, nhảy phắt lên khán đài ôm cứng Nino Valenti. Ôi, cặp bài trùng ngày nào! Hai đứa đi đâu chẳng có nhau, một cặp song ca đã đành mà đi cua gái cũng còn đi chung dài dài mà?
Cho đến ngày Johnny lên ca đài, nổi tiếng ngang, rồi nhảy một cú một sang Hollywood làm đại danh ca, đại minh tinh. Từ hồi đó lâu lâu cũng có phôn một cú về bồ Nino, hứa hẹn thế nào cũng kiếm cách giới thiệu, dắt díu nhau nhưng có quái gì đâu? Thét rồi quên luôn. Tình cờ gặp lại Nino, nghe giọng lè nhè rượu, thấy miệng nó cười hề hề như ngày nào, Johnny không khỏi cảm động.
Nino Valenti hứng chí dạo một đường mandoline để Johnny bá cổ nó, chân giậm nhịp, miệng la "Bài này đặc biệt tặng cô dâu". Dĩ nhiên phải là một bản tình ca Sicily, lời ướt át đến tục tĩu nhưng hát đám cưới thì tuyệt.
Giọng Johnny đã lẳng lơ mà Nino còn uốn éo người ra điệu bộ hấp dẫn nên cô dâu Connie đỏ bừng mặt và quý vị cử tọa vỗ tay hoan hô như sấm. Đến điệp khúc là chẳng cần phải mời, bà con cũng dậm chân vỗ tay rầm rập, gân cổ hò rống lên phụ họa. Cứ thế mà bis đi bis lại... đến nỗi Johnny phải hét lên, yêu cầu tốp để sửa giọng bắt qua bài khác.
Bà con chịu Johnny hết mình. Vì nó người cùng xứ sở. Vì nó là tài tử vĩ đại, đệ nhất danh ca, cả thế giới biết, bao nhiêu mỹ nhân mê lên mê xuống. Nhưng nó vẫn nhớ đến Bố Già. Ngày cưới con em, nó vẫn đi 5 ngàn cây số về dự. Nó vẫn không quên bà con mình, như Nino Valenti kia kìa. Hồi hai đứa còn nhỏ đi đâu cũng hát cặp với nhau thật tuyệt... có ai ngờ mai sau thằng Johnny Fontane thành thần tượng của 50 triệu đàn bà con gái?
Johnny cúi xuống xốc nách cô dâu Connie lên rồi nó một bên, Nino một bên, hai thằng gân cổ biểu diễn một màn "ruột".
Thằng Nino vừa búng vài nốt mandoline là bà con biết ngay chúng sắp biểu diễn... màn đánh võ mồm. Nghĩa là hai thằng bên hò đối đáp thế nào để thằng nào thắng có quyền bế người đẹp. Hai bên đả nhau hăng lắm, thằng sủa qua thằng sủa lại thật găng nhưng dĩ nhiên bữa nay Nino toàn thắng. Johnny cố tình để nó át giọng, nhường cho nó giật mỹ nhân và ca bài chiến thắng oai hùng còn mình thì chỉ phụ họa theo cho có. Bài ca dứt là 3 đứa ôm nhau hôn, bà con phía dưới lại gào lên "Bis... bis". Đứng nghe từ hồi nào không biết Ông Trùm bèn sang sảng lên tiếng trách yêu: "Bà con mình tệ lắm nghe! Thằng con đỡ đầu của tôi nó nhớ ngày cưới con bé em, nó dám vượt cả 5 ngàn cây số để về chung vui với bà con mình... mà rượu mời đâu không thấy, chỉ bắt nó hát không! Tôi nói có phải không ạ!"
Bà con hoan hô ầm ầm. Cả chục ly rượu tới tấp chìa ra làm Johnny luống cuống, cứ mỗi ly làm một hớp cũng phát mệt. Nó chạy lại ôm lấy Bố Già rồi khẽ rỉ tai điều gì mà Ông Trùm dẫn ngay nó đi trở vô.
Thấy mặt Johnny ló vô là Hagen đưa tay bắt. Nó cũng đưa tay ra và mau mắn thăm hỏi nhưng coi bộ mặt vẫn lợt lạt thế nào khiến Hagen không khỏi bực. Có điều hắn hiểu ngay: "Có thằng phụ tá nào được Ông Trùm tin cậy... mà chẳng bị chúng kỵ đâu?"
Miệng thằng Johnny lém nhém: "Bố à, bữa con nhận được thiệp cưới... bố biết con nghĩ sao không? Con đoán bố hết giận con rồi, phải không? Chứ từ ngày tụi con thôi nhau con "phôn" tới năm lần chứ có ít đâu? Lần nào Tom cũng nói bố đi khỏi, bố bận, nên con biết ngay là bố giận".
Tự tay rót cho mỗi đứa một ly Strega, Ông Trùm gạt đi: "Chuyện đó bỏ! Bây giờ mày còn cần đến bố giúp thiệt à? Mày giàu đến thế, hách đến thế mà vẫn còn cần bố giúp thiệt sao?"
Vừa cạn ly Johnny đã chìa ra đòi rót nữa rồi liến thoắng: "Đâu có bố? Con đâu có tiền mà hồi này còn xuống dốc ấy chứ? Bố nói đúng. Con bỏ vợ bỏ con chạy theo con điếm đó, lấy nó làm vợ thiệt bậy hết sức. Bố giận con là đáng lắm".
Ông Trùm nhún vai: "Giận gì... Bởi mày là con đỡ đầu nên tao lưu tâm vậy thôi". Johnny bèn đi tới đi lui kể lể:
- Đúng là con điên đầu vì con điếm đó. Đệ nhất nữ minh tinh Hollywood, nhan sắc thiên thần nhé! Nhưng con không ngờ nó hạ cấp đến thế. Nó ngủ bậy tùm lum, sợ còn trên điếm một bậc! Thằng chuyên viên vẽ mặt cho nó được được một chút là nó cho ngủ. Thằng ca mê ra lấy hình coi bộ kha khá nó cũng dắt vô phòng. Đúng như vậy. Thì ra nó cho ngủ cũng như mình sẵn sàng cho bồi puộc poa! Gật một cái là xong!
- Chuyện đó bỏ đi. Còn gia đình, vợ con mày sao?
-... Thì con vẫn nuôi. Con vẫn chu cấp đầy đủ cho Ginny và các cháu, chu cấp nhiều hơn tòa dạy nữa kia. Mỗi tuần con thăm một lần. Con nhớ mấy đứa nhỏ quá, nhớ thiệt tình! Con đến phát điên lên mất vậy mà con điếm khốn nạn đó còn cười vào mặt, nó còn chê con ghen là "nhà quê"... Một thằng cả đẫn, chuyên viên sủa những bài ca máy nước! Mới tối qua con vừa dộng cho một trận nên thân. Không lẽ nó đang đi đóng phim mà đập cho nó bể mặt? Con cứ người nó mà loi thẳng cánh, tẩm quất cho một trận ra gì. Vậy mà nó vẫn không tởn, nó vẫn còn chọc quê nữa chứ? Con chán quá bố! Chán hết muốn sống nữa...
Nghe Johnny than thở ông Trùm vẫn thản nhiên. "Mấy cái vụ đó là của mày, việc riêng của mày. Chẳng ai lo giùm mày được. Còn nghề nghiệp, còn giọng ca của mày hồi này sao?"
Mới nhắc có thế Johnny đã đổi hẳn sắc mặt. Đang kể lể cái điệu diễu cợt, phường tuồng nó xị hẳn mặt làm như bị đụng đúng chỗ thương tâm nhất vậy. Nó nói như người đứt hơi: "Bố ạ, con phải bỏ nghề. Giọng con mất đứt vì cổ họng khi không nó làm sao đó... mà mấy ông bác sĩ kiếm mãi không ra!"
Sự thú nhận của Johnny làm ông Trùm và Hagen giật mình. Thằng này có bao giờ bi đến thế đâu? Chết đến đít nó vẫn còn hùng, vẫn nhất nó mà? Vậy ắt phải có chuyện gì...
Johnny bèn than thở tới: "Cả hai cuốn phim con đóng đều có hạng, tiền lời vô số kể. Con kể như tài tử lớn của hãng kia mà! Vậy mà bị hãng cho nghỉ cái một mới đau. Chẳng là thằng cha chủ hãng kỵ con ra mặt. Hắn không chịu con là hắn đuổi, khỏi nói năng gì hết!"
Ông Trùm gặng hỏi:
- Nhưng tại sao người ta lại kỵ mi? Phải có một nguyên nhân gì mới đến nỗi thế chứ?
- Thì tính con ưa hát thí cho nghiệp đoàn, bố cũng biết đó. Chính bố cũng không ưa vụ này nhưng... Thế rồi hắn có con bồ nhỏ "giấm" mãi để xài một mình nào ngờ bị con cướp mất. Sự thực con nhỏ chạy theo con và giữa con với nó chỉ có một đêm một! Bố bảo con làm gì khác được? Rồi đến con điếm vợ con nó cũng lên mặt. Trong khi đó thì nhà con và các cháu cũng lờ hẳn con đi, muốn trở về, nó bắt con phải lết chắc? Và đau nhất là tự nhiên con mất giọng. Tình hình như vậy đó thì bố bảo con làm sao bây giờ?
Mặt ông Trùm bỗng dưng lạnh tanh, tuyệt không cảm tình rồi gằn giọng: "Làm sao hả? Mày phải làm lại, làm cho ra người lớn ".
Vừa nói đến "làm cho ra người lớn" Ông Trùm ngồi nhỏm dậy vươn tay qua bàn buya rô nắm đầu Johnny và ghì xuống. "Trời đất ơi, từ hồi nào mày vẫn ở gần tao mà ngày giờ này mày vẫn yếu thế này sao? Mày là thằng bù nhìn khóc lóc, năn nỉ người ta thương hại sao? Mày có thể than van như đàn bà con gái rằng: "Bố ơi bố bảo con làm sao bây giờ" sao?"
Sự hung hãn đột ngột nhưng bên trong chứa đầy vẻ trách móc thân yêu làm Hagen và Johnny cùng phát cười sằng sặc. Còn la lối như vậy là Bố Già còn thương đấy! Sự thực ông Trùm tuy la lối nhưng cũng hài lòng ở chỗ thằng Johnny chẳng phải con mà nó chịu nghe, chịu la mắng hơn 3 thằng con đẻ. Nếu bị nắm đầu, 3 thằng khốn đâu có cười? Chúng nó sẽ có phản ứng khác. Thằng Santino chắc chắn sẽ lầm lì, cả tuần lễ sau cạy răng không nói. Thằng Fred sẽ năn nỉ lạy van một cách hèn hạ. Còn thằng Michael? Thằng này thì chắc chắn sẽ nhếch miệng cười nhạt rồi lừ lừ ra khỏi nhà. Muốn thấy mặt nó là cả mấy tháng sau kìa! Nhưng Johnny, thằng con đỡ đầu thân yêu này thì có đánh nó, đánh nó vì muốn sửa chữa cho nó thì nó cũng chỉ cười ha hả.
Sau khi hành hạ nó một hồi, ông Trùm bèn cao giọng chất vấn:
- Nó là chủ mày, nó muốn đuổi mày giờ nào cũng được... mà mày nhè cướp con bồ cưng nhất của nó, rồi mày la là tại nó kỵ mày. Mày bỏ vợ cái con cột đi rước một con điếm về làm vợ rồi mày than tụi nó lờ mày đi! Mày đập cho con vợ tồi bại một trận mà còn chừa cái mặt vì nó đẹp quá, nó đang đóng phim nên nó cười vào mặt mày còn ấm ức vì bị nó "chọc quê". Coi, mày khùng như vậy đó thì còn... đến phát điên cái quái gì kia?
Nồ một hơi cho nó nín khe, Bố Già mới mở cho nó một lối thoát:
- Bây giờ mày có chịu nghe lời tao chỉ bảo không?
- Không được đâu, bố ơi! Con không thể trở về với Ginny theo điều kiện nó muốn đâu. Con phải nhậu, phải đánh bài, phải chơi với bạn bè chớ! Gái đẹp chạy theo thì từ chối sao nổi? Con thú thực vậy. Bây giờ mà chui trở lại cái tròng gia đình thì con chỉ có nước chết!
Có mấy khi Ông Trùm nóng nẩy đâu? Cái thằng ngu quá nên phải chặn ngang, phải gắt lên:
- Ô hay, tao có bảo mày phải lấy lại nó đâu. Cái đó là quyền của mày. Mày còn nhớ mấy đứa nhỏ là tốt lắm. Có con mà không làm cha thì làm người đâu được? Mày phải buộc con đàn bà chấp nhận mày chớ?
Tao hỏi ai cấm mày về thăm con mỗi ngày? Ai cấm mày ở chung một nhà? Ai cấm mày không được quyền sống theo sở thích, như mày vừa nói?
Johnny cười phá lên: "Bố ơi đàn bà con gái đời nay khác! Họ đâu có chấp nhận, nhường nhịn vẫn như mấy bà già xưa! Ngay con Ginny cũng còn..." Không để cho nó nói hết ông Trùm đã móc họng:
- Đúng, họ không chấp nhận vì mày bù nhìn! Mày không phải một thằng chồng chớ có gì lạ? Vì mày chu cấp nhiều hơn tòa dạy. Vì mày đập một con đàn bà còn chừa cái mặt cho nó đi đóng phim mà? Mày để cho đàn bà xỏ mũi dẫn đi trong khi cả thiên hạ cùng đồng ý là có dở cách mấy cũng là đàn ông và có bảnh bao nhiêu cũng chỉ là đàn bà. Biết chưa?
Mấy năm nay tao có lưu ý cung cách sống của mày. Với Bố Già thì mày xử sự đúng cách, hiếu thảo đấy. Nhưng với bạn bè cố cựu thì mày đâu thèm gần gũi thằng nào phải không? Mày lên rồi, mày đâu cần chơi với bọn khố rách áo ôm ngày nào cho nhẹ thể? Như thằng hề gì đó... vào nghề nó cũng ngon lành song lúc nó chẳng may xuống dốc, mày có thèm nhìn đến nó bao giờ? Còn thằng Nino đấy, học chung, chơi chung, ca chung với từ mày hồi bé tí nhé. Mày lên như thế mà nó cứ lẹt đẹt mãi, hùng hục tối ngày với chiếc xe đổ cát thật tội nghiệp. Nhưng nó có kêu ca gì đâu nào? Nó chẳng hề phiền trách mày! Buồn đời thì nhậu cho quên, thứ Bảy, Chủ nhật ai kêu đi hát kiếm tí tiền còm thì đi. Tại sao mày không kiếm cách nâng đỡ cho nó, một chút xíu thôi? Mày dư sức quá và giọng ca nó cũng đỡ đấy chứ?
Ông Trùm lim dim mắt nghe Johnny lúng túng tìm cách chống chế. Chừng nó cho là tại thằng Nino hơi ca còn yếu, chưa đủ tư cách trở thành nhà nghề, chẳng thế lên sân khấu bắt bạc được thì ông mới quạt lại:
- Có quái gì "yếu"... "chưa đủ tư cách" với lại "chẳng thể"? Nói vậy mày mạnh hả? Như lái xe đổ cát thì mày đủ tư cách không? Láo hết! Ăn thua ở chỗ tình cảm, ở tình bạn đối xử với nhau. Tình bạn trên hết và là tất cả vì... Đã bồ bịch với nhau thì còn cái gì không xong? Nó mạnh hơn công lực và xem xém tình máu mủ, ruột thịt. Thấy không, mày đâu cần đến tao giúp, nếu mày có bạn, chỗ nào cũng có bạn?
Nhưng thôi... hãy cho tao biết tại sao mày hư giọng, không hát được? Vừa rồi mày ca với thằng Nino tao nghe tuyệt đấy chớ?
Hagen nhìn thằng Johnny và phục lăn nghệ thuật vừa tung vừa hứng của Bố Già! Cu cậu vừa bị một mách mất mặt lại có dịp than thở ngay.
- Giọng không hư hẳn nhưng sa sút ghê lắm. Ca một hai bài xong là chịu. Mấy giờ, mấy ngày liền lên không nổi. Nó yếu đến nỗi con không tập được, không vô đĩa được kia mà!
- Vậy là mày vợ con lục đục là một, mất giọng ca là hai. Còn vụ thứ ba là bị chủ đuổi ngang chớ gì? Bây giờ nói tao nghe cái vụ rắc rối giữa mày và thằng cha chủ hãng coi...
- Thằng cha này không phải chủ hãng phim lớn nhất nước mà thôi. Nó thực sự có cỡ lớn... to đầu lắm lắm. Cố vấn điện ảnh tâm lý chiến của Tổng Thống. Tháng trước nó vớ được độc quyền quay phim bộ tiểu thuyết lớn, ăn khách nhất hiện giờ. Vai chính trong truyện thật tuyệt vời, bắt được là ăn chắc Oscar năm nay và còn lên nhiều nữa. Cả nước đồng ý là vai chính gần như tác giả cấu tạo nên để dành riêng cho con đóng, như "com măng" sẵn để lăng xê vậy. Nó hạp đến nỗi con chẳng phải diễn xuất mà cứ sống thế nào lập lại in hệt là ô kê rồi. Lại không phải ca hát nữa mới là độc đáo! Tóm lại ai cũng yên chí vai trò ấy là của con, như đo sẵn cho con để con có dịp trổ tài cho xứng danh kịch sĩ lớn vậy.
Nhưng thằng chủ Jack Woltz gạch tên con cái một. Nó giao cho thằng khác, thằng nào cũng được mới đau! Xin đóng với thù lao tượng trưng, xin đóng thí nó cũng không chịu. Nó bắn tin có tới phim trường quỳ lạy... liếm gót nó chưa chắc nó đã bằng lòng!
Nghe ông con đỡ đầu tả oán kỹ đến thế, Ông Trùm bèn ngoắc tay ra hiệu tốp. Cái thằng con nít, nói được là nói thả dàn chớ công chuyện làm ăn đâu thể có vụ kỵ phi lý, ngớ ngẩn như nó tưởng? Ông Trùm vỗ vai ra lệnh cho Johnny:
- Nghe tao nói đây. Mày sợ xuống dốc quá đâm bi quan láo! Thảo nào người mày mới gầy rạc thế kia. Rượu cho lắm vào, thuốc ngủ thuốc thức dộng vào! Bây giờ mày hãy nghe tao về đây ở một tháng, ăn ngủ điều độ, nghỉ ngơi đi. Không ca hát, uống rượu, không gái gì hết. Mày ở chơi với tao, ở chơi cho tao vui vậy thôi. Đúng một tháng thì mày về Hollywood, khỏi nghĩ ngợi gì hết. Mày muốn đóng cái phim đó chớ gì? Thằng cha chủ có cỡ lớn và to đầu của mày sẽ giao vai trò đó cho mày, chịu không.
Johnny nghe ông Bố Già nói chắc, nói gọn ơ đâm nghi ngờ. Coi, đâu có dễ ăn vậy và... làm như ổng có phép lạ không bằng! Nhưng Bố Già nói có sai bao giờ với nó bất cứ điều gì! Nói để đấy và hứa suông càng không nữa! Có vụ gì ổng biểu được mà thành không đâu nào?
Nó ấp úng:
- Thằng cha đó bạn thân của ông Tổng Giám Đốc FBI. Con sợ bố khó thuyết phục nổi. Mà dùng áp lực sợ không xong...
- Ô hay, làm vậy làm chi? Nó là người làm ăn sinh lợi thì tao sẽ đưa lợi ra chứ có gì lạ?
- Cũng không được! Trễ rồi bố à. Giao kèo ký xong hết cả rồi chỉ còn một tuần nữa là khởi sự quay. Chắc chắn không được đâu!
- Thôi được. Mày đi xuống vui chơi với bà con, chúng bạn đi. Mọi việc đã có tao lo hết, khỏi nói nhiều!
Để nó "khỏi nói nhiều", đích thân Ông Trùm phải kéo tay Johnny, tống xuất nó ra khỏi phòng để quay sang hỏi Hagen:
- Còn việc gì cần không?
- Còn vụ thằng Sollozzo. Có lẽ bác phải cho nó gặp nội tuần này, chứ bắt nó đợi hoài e không tiện.
- À, đám cưới xong thì mi muốn hẹn nó lúc nào chẳng được.
Ông Trùm nói giản dị có vậy nhưng Hagen đoán ngay thấy chỗ tâm cơ tính toán. Trước hết, chắc chắn ổng sẽ từ chối đề nghị của nó. Sau nữa ổng biết rằng từ chối là thế nào cũng sanh chuyện nên mới lần lửa hẹn cho qua ngày gả con Connie đã, Hagenbèn thử mở đường: "Có cần bảo Clemenza cử vài thằng tới nhà mình không ạ?" Ông Trùm gạt phắt:
- Ủa, chi vậy? Tao muốn hẹn nó sang ngày gả con Connie là vì không muốn có chuyện phải suy nghĩ lôi thôi trong những ngày có con sắp về nhà chồng đó thôi. Vả lại cũng phải có thời giờ điều tra đích xác coi nó đề nghị cái gì chớ? Bây giờ thì biết rồi. Chuyện đó bẩn, không thể dính vô!
- Nghĩa là mình từ chối? Nhưng theo cháu nghĩ... sao bác không mang ra bàn với bộ tham mưu mình coi đã?
- Mi thấy nên bàn? Ừ thì bàn... nhưng phải làm xong vụ Hollywood cho thằng Johnny cái đã. Mai mi đi Los Angeles gặp thằng cha chủ hãng phim. Trở về hãy hẹn thằng Sollozzo và mình họp hội nghị "gia đình" trước! Nào, còn việc gì nữa?
- Dạ, còn vụ bệnh viện vừa gọi dây nói cho hay bệnh tình Abbandando nguy kịch. Sợ khó thoát đêm nay.
Genco Abbandando mới chính thức là consigliori của nhà Corleone. Hắn bị ung thư nặng, nằm bệnh viện gần một năm nay nênHagen mới được cử tạm thời thay thế. Từ xử lý thường vụ lên chính thức đâu phải dễ dàng, Hagen muốn lắm, nhưng vai trò consigliori đâu được giao cho một kẻ không 100% máu Sicily? Ở với gia đình Corleone từ năm 12 tuổi, hoàn toàn là con cháu mà Hagen mới được cử tạm thời vào chức cố vấn kiêm phụ tá đã gặp bao nhiêu chống đối ngầm rồi. Vả lại mới 35 tuổi mà consigliori thì non quá, non choẹt!
- Này, chừng nào rước dâu?
- Dạ, còn vài phút là cắt bánh cưới. Cỡ nửa giờ nữa là rước dâu. Hagen chợt nhớ ra chú rể Carlo nên rụt rè đề nghị:
- Thằng chồng con Connie có nên giao cho nó một công việc gì kha khá một chút trong những vụ làm ăn của mình không?
Tự nhiên Ông Trùm giận dữ đập tay đánh "chát" một phát trên mặt bàn làm Hagen giật nẩy mình... Mấy tiếng "Không... không bao giờ cả!" nghe quyết liệt dữ dội quá. Ông nhấn mạnh từng chữ:
- Nhớ là không bao giờ! Cho nó một chân gì đơ đỡ một chút cho chúng có đủ tiền sống vậy thôi. Còn mọi việc nhà này tuyệt đối không thể cho nó hay biết gì hết. Mi nhớ chưa? Phải dặn mấy thằng con tao... dặn cả Clemenza nữa.
Bây giờ mi biểu cả 3 đứa phải sửa soạn cùng tao vô nhà thương để nhìn mặt Genco lần chót. Thằng Fred lái xe và bảo Johnny là tao muốn cả nó đi nữa. Còn mi thì sửa soạn đi Los Angeles ngay, khuya nay đi. Vô nhà thương thăm không kịp thời giờ sửa soạn đâu. Ở nhà sửa soạn, đợi tao về là đi mới vừa. Xong cả chưa?
- Dạ, chừng khách về hết thì Fred đánh xe ra là vừa. Có ông Thượng nghị sĩ vừa mới phôn tới xin lỗi không đến dự lễ cưới được. Chắc e ngại tai mắt... nhưng ổng có cho người thân tín mang đồ mừng đến.
- Vậy càng hay. Đồ mừng khá không, mi?
- Dạ, đồ bạc quý lắm... Thứ đồ cổ như vậy thì tụi nó có bán vứt đi cũng phải được trên một ngàn đô! Ổng còn nói phải đích thân đi chọn mãi mới có món ưng ý như vậy. Cái đó mới là quý nhất!
Chưa thấy tận mắt món cổ vật nhưng nghe giọng hí hửng của Hagen, Ông Trùm vô cùng hể hả. Một ông Thượng nghị sĩ mà phải cất công đi chọn đồ mừng đám cưới lại phải cho người thân tín đem lại tận nhà đâu phải là chuyện chơi? Huống hồ giá trị của món đồ thì "tụi nó có bán vứt đi cũng phải trên một ngàn đô!".
Tình bạn quý hóa của ông bạn Thượng nghị sĩ cũng như cung cách kính mến của thằng người nhà Luca Brasi là thứ mà Ông Trùm chịu nhất xưa nay. Họ còn nhớ đến, con gởi đồ mừng tất nhiên là còn trông cậy, còn nhờ nhau được nhiều thứ. Đó là thế mạnh của Vito Corleone.
Lúc Johnny Fontane xuất hiện là Kay nhận ra ngay bèn trách yêu Michael: "Ô hay, gia đình anh có quen với Johnny hả? Em biết vậy thì lấy anh từ khuya rồi.
- Có muốn giới thiệu không?
- Để khi khác! Anh biết không, em mê Johnny từ 3 năm nay lận! Có Johnny trình diễn ở Capitol thì thế nào cũng phải đi nghe.
Thấy Johnny từ khán đài nhảy xuống ôm hôn Ông Trùm rồi cũng đi theo vô trong, Kay bèn hỏi móc họng:
- Không lẽ một tài tử lớn, một đại danh ca cỡ Johnny mà cũng phải chọn bữa nay để tới nhờ vả ông Già?
- Còn hỏi! Nó là con đỡ đầu của ông mà! Không có ổng... sức mấy mà nó là đại danh ca!
- Vậy nữa? Lại một chuyện lạ nữa chắc? Kể nghe coi?
Dù lắc đầu quầy quậy "Vụ này chẳng thể kể được" nhưng thấy con bé nài nỉ quá không thể từ chối rồi, Michael bèn đủng đỉnh kể lại câu chuyện của 8 năm về trước, sau khi rào đón trước rằng hồi đó Ông Già hăng hơn bây giờ nhiều, vả lại thằng Johnny là con đỡ đầu nên ổng mới phải bênh vực nó hết mình
Hồi đó Johnny mới bước vào địa hạt ca nhạc, tên tuổi bắt đầu nổi, nhất là trên làn sóng điện. Hát cho ban Les Halley hắn được hoan nghênh quá xá, tiền cát-xê tăng vùn vụt. Bao nhiêu nơi cầu cạnh nhưng hắn kẹt giao kèo 5 năm với bầu Halley nên không những đã không tự do bay nhảy được mà đi hát ngoài bao nhiêu thì cát-xê cũng chạy gần trọn vào túi ông bầu.
Vì thằng con đỡ đầu, Bố Già phải đứng ra đích thân "thu xếp" vụ hủy giao kèo và đồng ý chung 20 ngàn đô la tiền chuộc. Bầu Halley không chịu. Không thể xé giao kèo nhưng từ nay hắn chỉ ăn 50% hoa hồng thôi. Thấy hay hay, Bố Già bèn "tăng giá" 20 ngàn đô la, không chịu thì 10 ngàn vậy? Bầu Halley chỉ quen đớp cát-xê nghệ sĩ chứ đâu hiểu nổi ý nghĩa vụ "tăng giá" độc đáo của giới giang hồ? Bèn từ chối...
Hôm sau, Bố Già trở lại để "bàn" tiếp chuyện xé công tra với ông bầu, nhưng cùng đi theo có cố vấn Genco và có cả "chú em" Luca Brasi. Chỉ có 4 người trong phòng với nhau. Bố Già chìa ra tấm séc 10 ngàn đô có đóng dấu bảo chứng của nhà băng đàng hoàng và tờ thỏa thuận hủy bỏ công tra cho danh ca Johnny Fontane. Ở chỗ thái dương ông bầu bỗng có một họng súng lạnh ngắt kê vô, cùng lúc đó có tiếng Bố Già rỉ rả:
"Một là cho xin ông bầu một chữ ký vào chỗ để trắng trong tờ thỏa thuận này. Hai là một tí óc của ông bầu sẽ văng ra đúng vào chỗ trống đó. Một hay hai thì ngã ngũ trong một phút thôi".
Chữ ký của ông bầu Halley bèn thòi ra ngay. Đổi lấy tấm séc 10 ngàn và để khẩu súng đi chỗ khác chơi!
Nhờ vậy Johnny Fontane mới có cơ hội làm nên sự nghiệp. Một sự nghiệp lẫy lừng cả nước biết, phim hốt bạc, đĩa bán số triệu! Lên đến tột đỉnh vinh quang thì Johnny bỏ 1 vợ 2 con để bắt một nữ minh tinh tóc vàng lớn nhất thế giới.
Nào ngờ cô đào lớn còn... hơn điếm một bậc! Johnny ghen tức giải khuây bằng rượu, cờ bạc và đàn bà. Đến nỗi giọng ca mất, dĩa ế ẩm và hãng phim cho nghỉ ngang. Đó là lý do hắn chạy về cầu cứu Bố Già!
Nghĩa là Bố Già lại phải sắp ra tay nữa, sắp cứu người hoạn nạn nữa. Nghĩ vậy, Kay bèn khen một phát:
- Này anh, như anh kể thì ông già chỉ chuyên giúp người không? Vậy thì ổng tốt quá trời quá đất còn gì? Có điều là phải nhìn nhận những biện pháp "cứu nhân độ thế" của ổng không hợp hiến lắm đâu nghe!
- Em phải hiểu là ổng thi ân cái điệu mấy bố thám hiểm Bắc cực lo đói đấy! Rải rác dọc đường có thừa tí thực phẩm nào thì họ cứ vùi đại vào mấy cái hang hốc giữa khoảng băng tuyết mênh mông, rồi đánh dấu thật kỹ. Biết đâu chừng có ngày bắt gặp lại chúng trong lúc đói rã ruột? Nhưng đừng tưởng bở vội! Mấy người được ổng cứu giúp biết đâu chừng một ngày kia bị ổng ghé vô đòi nợ ơn nghĩa lại không khóc thét lên: "Biết thế bố bảo cũng cóc dám nhờ vả!"
Mãi đến sập tối chiếc bánh cưới mới được mang ra cho bà con chiêm ngưỡng. Tự tay ông chủ lò Nazorine o bế, nó lộng lẫy quá, kem phết nhiều quá và ngon quá nên cô dâu trước khi lên xe hoa còn thưởng thức cố năm bảy miếng. Ông Trùm thân mật tiễn khách, kín đáo xác nhận chiếc xe FBI đã đi từ nãy giờ rồi, bà con về khỏi lo! Chỉ còn một chiếcCadillac đen tổ bố do thằng Fred lái đậu đằng trước. Ông Trùm nhanh nhẹn lên chiếm băng trước, nhường cho Sonny, Michael và Johnny ngồi đằng sau.
Quay xuống hỏi Michael "Con nhỏ về một mình hay có người đưa". Nó trả lời Hagenlo xong rồi. Ít ra cũng phải vậy chớ!
Xa lộ đi vô trung tâm Manhattan lúc bấy giờ vắng hoe. Xăng nhớt hồi đó còn phải mua bông mà! Cỡ hơn nửa giờ sau chiếc Cadillac ngừng trước y viện Pháp. Dọc đường Bố Già có hỏi Michael học hành ra sao nó cũng chỉ gật gù là được.
Sonny hỏi vọng lên:
- Johnny nói bố hứa giúp nó thu xếp vụ cha chủ hãng phim. Để con đi sang Hollywood lo giùm nó nghe bố?
- Khỏi... Khuya nay Hagen đi đủ rồi. Việc đó có gì khó khăn đâu?
- Johnny sợ không xong quá! Nên con mới đề nghị để con đi chớ!
Nó vừa nói vừa cười, khiến Ông Trùm phải quay lại, hỏi tận mặt Johnny:
- Coi, mày không tin là Bố làm được cho mày? Xưa nay Bố có nói cái gì mà không làm đâu? Bộ tao nói giỡn chơi hả?
- Đâu có! Con đâu dám không tin Bố? Có điều thằng cha chủ con nó có cỡ thiệt tình. Tiền bạc nó coi không ra gì hết mà thế lực thì nó có thừa. Nó lại hận con lắm lắm nên con không hiểu Bố sẽ thu xếp cách nào mà được việc cho con vậy thôi!
- Nhưng tao nói mày sẽ có là mày sẽ có. Bố Già mà hứa bậy với mày sao, Johnny? Hỏi Michael coi phải không?
Dĩ nhiên Michael gật đầu. Đúng vậy, xưa nay bố nói có là có thiệt. Lúc mấy cha con đi vào cổng nhà thương, Ông Trùm để cho mấy đứa kia đi lên trước, một mình nắm tay nói riêng với nó: "Chừng học hành xong... bố sẽ có việc nhờ mày. Một việc mà mày sẽ khoái..." Michael gật đầu ừ hử. Biết tính nết nó. Bố Già phải gài thêm:
- Dĩ nhiên không bao giờ bố ép mày làm bất cứ việc gì! Mày lớn rồi, mày có quyền tự lập chớ? Nhưng đặc biệt lần này bố muốn vậy. Vả lại con cái học hành xong thì ít ra cũng phải tới nơi cho bố mẹ hay một tiếng chứ?
Bên trong bệnh viện hành lang gạch men trắng muốt. Vợ con Genco đủ mặt. Bà mẹ và 3 cô gái lớn cùng mặc đồ đen trông in hệt đàn quạ, thấy Ông Trùm vừa ló ra khỏi thang máy là chạy ùa cả lại. Mẹ mập mạp, con mũm mĩm trông ngộ đáo để. Bà mẹ reo lên: "Trời đất... Ngày hôm nay nhà có đám mà Ông Trùm cũng đến thăm bố cháu... thật quý hóa quá!" Mụ vừa nói vừa bệu bạo, mếu máo làm Ông Trùm phải gạt đi: "Bậy nào... Genco và tôi tình nghĩa anh em hai mươi năm chớ ít gì!"
Vậy là mụ chưa biết ông chồng trở bệnh, khó qua khỏi đêm nay. Genco Abbandando bị ung thư nằm đây ngót năm, vợ con đi lại nuôi nấng đã thành nếp, quen quá rồi nên chắc mụ tưởng đâu đêm nay cũng như mọi lần đây! Mụ chùi nước mắt ấp úng:
- Để mời Ông Trùm vô thăm bố cháu. Khốn nạn, bố cháu cứ nhắc đến hoài, cứ một hai đòi đi ăn cưới đằng Ông Trùm làm bác sĩ phải cấm đấy ạ! Bố cháu biểu vậy thì thế nào Ông Trùm cũng đến, nội ngày hôm nay. Tôi đâu dám tin... vậy mà có thật. Ra bọn đàn bà tụi tôi đâu hiểu nổi chỗ thân tình của các ông với nhau. Thấy Ông Trùm, bố cháu phải mừng lắm!
Bác sĩ và y tá bước ra. Bác sĩ trông còn trẻ nhưng chững chạc oai nghiêm ra mặt, rõ ra cấp chỉ huy, rõ ra týp suốt đời giàu sang phú quý. Nghe một cô con bệnh nhân rụt rè hỏi có vô thăm được không, ông bác sĩ trố mắt ngó cả bọn
Bấy nhiêu người vô thăm? Họ không biết con bệnh trong phòng sắp chết đến nơi và sẽ chết đau khổ, chết thương tâm thế nào chắc? Chứng kiến đâu được... tốt hơn là để con bệnh "đi" một mình! Nhưng không nỡ từ chối nên đành phải trả lời: "Vài ba người thân... thì được".
Bác sĩ không hiểu sao vợ con bệnh nhân bữa nay lại quay sang giành quyền quyết định cho một lão già thấp lùn, bệ vệ mặc bộ đồ lớn cắt rất chững chạc. Lão thong thả cất tiếng, nghe kỹ mới biết pha chút giọng Ý:
- Xin bác sĩ cho biết... có phải bữa nay hoàn toàn tuyệt vọng, bệnh nhân sắp "đi" trong một chốc lát phải không ạ? Dạ, nếu thế thì khỏi phải phiền đến bác sĩ nữa, giờ đến phần chúng tôi lo. Chúng tôi sẽ có mặt bên cạnh an ủi, sẽ vuốt mắt hắn. Sẽ lo liệu tang ma chôn cất người chết và trong nom cho người sống...
Nghe Ông Trùm nói sát sạt như vậy, mụ vợ Genco choáng người, thút thít khóc. Bác sĩ nhún vai. Khó lòng giải thích cho mấy người này hiểu... nhưng lão già nói vậy mà hợp lý đấy chớ? Bây giờ đâu cần thầy cần thuốc gì nữa? Tốt hơn là để cho họ thu xếp với nhau. Bác sĩ gật đầu: "Nếu vậy cũng được. Để chờ cô y tá vào dọn sơ qua cái đã. Nhiệm vụ của tôi đến đây là hết".
Lát sau cô y tá trở ra, mở rộng cửa cho cả bọn bước vô phòng bệnh sau khi khe khẽ dặn: "Người bệnh đang mê sảng, tránh xúc động đấy. Trừ bà vợ thì mấy ông mấy cô thăm vài phút rồi ra ngay giùm!"
Lúc đi trở ra đụng đầu "thần tượng" Johnny Fontane, cô y tá mở tròn mắt ngạc nhiên rồi ngó sững, ngó "mết" rõ. Johnny đáp lễ bằng nụ cười rất tình, ra cái điều "khi khác nghe em". Hắn còn phải theo Bố Già vô thăm bệnh chớ?
Bệnh nhân Genco vật vã với cái chết lâu quá nên phút lâm chung nằm miết trên giường, thân hình chỉ còn xương bọc da. Đến mớ tóc mới đây còn đen mượt mà cũng xuống màu coi rối nùi, bẩn mắt lạ! Ông Trùm cúi xuống thăm hỏi:
- Genco bạn... Tôi đến thăm bạn đây. Có cả ba thằng cháu và cả Johnny nữa. Nó từ Hollywood sang đấy!
Người bệnh cảm động đưa mắt ngó Ông Trùm... để mấy thằng con trai ông bạn nắm bàn tay gầy guộc. Vợ con hắn tíu tít bu quanh kẻ cúi hôn má, người vuốt ve tay. Ông Trùm thương cảm nắm tay, luôn miệng an ủi: "Genco... ráng lên chút nữa thôi cho qua khỏi. Mình còn về thăm quê hương với nhau mà? Hai đứa mình sẽ về làng, ra cái quán rượu đó chơi với nhau vài ván banh chớ?
Genco lắc đầu, đưa tay ra hiệu cho mọi người né ra hết, để bàn tay xương xẩu nắm cứng lấy Ông Trùm. Hắn muốn nói điều gì đây. Vito Corleone bèn cúi xuống, ghé tai nghe rồi vớ tay lấy chiếc ghế ngồi cho gần gụi. Giọng Genco tiếng được tiếng mất, ấm ớ toàn nói chuyện ngày xưa. Mặt thẫn thờ, con mắt dại hẳn, hắn thở dài não nuột.
Ông Trùm cúi đầu xuống, ghé tai sát nữa cho Genco nói đỡ mệt. Mọi người kinh ngạc thấy ổng lắc đầu quầy quậy rồi nước mắt dàn dụa, chảy dài trên gò má. Genco cất cao giọng rồi tận lực cất cao đầu lên, ú ớ: "Bố Già"..."Bố Già"...Cứu tôi với, đừng để tôi chết...nghe bạn? Tôi chết đến nơi rồi, chết từ xương chết ra, chết từ khúc ruột đây! Ráng cứu tôi nghe bạn, tội nghiệp con vợ tôi. Tụi mình chơi với nhau từ nhỏ ở quê nhà mà bạn nỡ để tôi chết bỏ vợ bỏ con sao? Tụi mình với nhau mà?" Không nghe tiếng Ông Trùm trả lời, Genco vụt nói lớn:
- Bạn... hôm nay là ngày bạn gả con mà?... Bạn từ chối... bạn không cứu tôi thật sao? Tôi chết... tôi sợ chết quá. Sợ tội lỗi quá!
Ông Trùm đột nhiên nghiêm giọng, không để nó nói sảng nữa: "Coi, tôi làm thế nào được... mà bảo từ chối? Đó là quyền của Thượng đế tối cao. Nhưng có tôi đây bạn đừng sợ chết. Chết thì có quái gì mà sợ? Tội lỗi cũng khỏi sợ. Sẽ có người cầu nguyện cho linh hồn bạn hàng ngày thì bao nhiêu tội cũng chẳng sợ!" Khuôn mặt hốc hác của Genco bỗng sáng lên một cách láu lỉnh: "Nói vậy bạn đã lo xong giùm tôi cái vụ đó thiệt sao?"
Giọng Ông Trùm lạnh tanh, không còn gì là âu yếm nữa:
- Thôi bạn nghỉ đi. Đừng nói sảng nữa, Genco!
Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ làm Genco thất vọng, chán nản buông người xuống nệm, lặng đi một lúc.
Cô y tá quay trở lại, thẳng thắn mời tất cả trở ra cho người bệnh nghỉ ngơi. Ông Trùm vừa dợm đứng dậy Genco đã đưa tay ra giữ lại: "Bạn ở lại, ở lại với tôi đi. Biết đâu chừng có bạn bên cạnh... Thần chết chừa tôi ra, tôi qua khỏi chăng? Bạn dư sức nói giùm tôi một tiếng, can thiệp thẳng cho tôi mà! Tôi biết bạn thừa thế lực!" Như sợ mất lòng ông bạn cứu tinh, Genco cố nhếch một nụ cười làm bộ nửa đùa nửa thực. Nhưng tay nó vẫn bám cứng Ông Trùm không chịu rời. "Bạn đừng đi, đừng bỏ tôi một mình. Bạn để tôi nắm tay, rồi có gì mình sát cánh chơi lại Thần chết mình cũng chơi, như mình từng chơi và từng hạ biết bao nhiêu thằng, phải không? Miễn bạn đừng bỏ tôi, tội nghiệp!"
Biết sao bây giờ, Ông Trùm bèn ra hiệu cho mọi người đi ra hết. Hai tay nâng bàn tay khô đét của Genco, ấp lấy rõ chặt rồi ngồi một mình lựa lời an ủi, cho hắn yên lòng trước giờ lâm chung. Làm như ngồi sẵn đấy để Thần Chết xông tới là can thiệp tức khắc, không cho đoạt mạng thằng anh em thân thiết.
Với cô dâu Connie thì ngày cưới diễn ra như vậy là đẹp rồi. Chú rể Carlo chơi vai trò tròn trịa, chững chạc đấy chứ! Lại có phần hăng hái, nhờ túi "phong bao" cô dâu kè kè cặp nách. Mở ra đếm có trên 20 ngàn đô la tiền mặt chớ đâu ít? Có điều kỳ cục là con nhỏ chịu hiến dâng đời con gái quá dễ đi mà giật được túi bạc của nó thật gay go. Phải đập cho thâm tím mặt mũi nó mới chịu nạp nguyên con.
Em bé phù dâu Lucy Mancini thì cứ ở nhà gác máy chờ anh Sonny phôn tới hẹn hò. Mãi không thấy đành thử kêu lại nhà nhưng vừa nghe tiếng đàn bà trả lời là cúp máy gấp. Tôi vạ gì "Lạy ông tôi ở bụi này", khi bà con hầu hết không lạ gì hai đứa cùng vắng mặt một lúc, cặp nhau cả nửa giờ đồng hồ? Mấy cái miệng ưa tọc mạch không xì xào cam đoan là cậu cả nhà Corleone đã "quất" con bé phù dâu rồi.
Phần ông chủ xe đòn Bonasera thì đêm hôm đi ăn cưới về nằm mơ một trận kinh khủng quá. Rõ ràng Ông Trùm Corleone mặc đồ baseball, đeo găng đội kết đàng hoàng đứng trên xe hùng hục thảy mấy cái xác đạn ghim lỗ chỗ như tổ ong xuống trước nhà cho hắn nhận. Lại còn tỉnh bơ dặn: "Thủ tiêu gấp đi. Đừng hé môi nghe". Ôi chao, hắn la om sòm, xuất hạn đầy mình, sợ điếng cả người làm mụ vợ lay gọi mãi mới hoàn hồn!
Về phần Kay Adams thì tối hôm đó, do sự cắt cử của Hagen, đích thân xếp Clemenza phải đưa về. Chiếc xedeluxe, đồ sộ Kay ngồi lọt thỏm trên băng trước, một mình Clemenza ngồi sau và Paulie lái vùn vụt. Ba người chuyện trò vui đáo để, dù hai thầy trò Clemenza đối xử quá cung kính. Tụi nó xài ngôn ngữ thật giang hồ nhưng có một điều Kay nhận ra ngay là cả hai cùng rất kính nể, quý mến Michael, dù theo lời Clemenza thì cậu út hoàn toàn không muốn dính dáng đến công việc làm ăn của Bố Già. Ngay Bố Già cũng nhìn nhận hắn xuất sắc hơn hẳn hai anh, mai sau chắc chắn sẽ nối nghiệp nhà kia mà!
Làm như rất ngây thơ, Kay hỏi lại:
- Việc nhà? Nhưng việc gì mới được chứ?
Đang chăm chú lái xe, Paulie liếc sang cô bé một phát. Từ băng sau xếp Clemenza bèn ồ ồ sủa vọng lên, làm như vô cùng ngạc nhiên: "Ô hay, thế Michael chưa nói cho cô biết sao?"
Ông già độc quyền nhập cảng dầu ăn từ Ý qua, phân phát toàn thị trường Mỹ quốc mà? Hết chiến tranh là phát đạt lắm, chỉ việc ngồi mà quơ bạc. Một thằng con khôn ngoan như Michael thì giúp bố được nhiều việc lắm chớ?"
Về tới khách sạn Kay tưởng đâu từ giã là vừa. Nào ngờ nói thế nào thì nói, Clemenza vẫn nhất định đòi phải đưa tận nơi.
"Ông già biểu đưa về tận nhà... là tụi này phải thấy tận mắt cô vô nhà đàng hoàng rồi có về mới dám về. Xin cảm phiền!"
Chừng Kay lấy chìa khóa ở quầy Quản lý, bước vô thang máy và đóng cửa lại thì Clemenza mới vẫy tay chào từ giã. Quái lạ, mặt hắn hớn hở như vừa làm xong một việc tốt đẹp thiệt tình, chẳng kịch chút nào.
Nhưng thang máy vừa lên khuất, xếp Clemenza đã tới đứng sừng sững trước quầy quản lý "Cô nhỏ vừa rồi ghi tên gì ở sổ đó bồ?" Thằng cha thư ký giữ sổ sách còn giương mắt ngó thì Clemenza đã mau mắn búng ra một tờ giấy bạc xanh xanh cuộn tròn lại thật khéo. Cu cậu chớp vội bỏ túi và mở sổ lẹ lẹ: "Đâu phải cô? Ông bà Michael Corleone mà?"
Trở lại xe, Paulie khen: "Cô bé ngoan đấy chứ?" Xếp Clemenza ậm ừ: "Đồng ý là ngoan... nhưng bị cậu út "quất" rồi, tin tao đi! À, sáng mai phải đến tao sớm nghe.Hagen dặn có công chuyện cần lại gấp đó!"
Mãi khuya lắm cố vấn Thomas Hagen mới sửa soạn xong để lên xe ra phi trường. Nhưng lên máy bay đi Los Angeles thì mau lắm, chuyến sớm nhất, chỗ tốt nhất, nhờ tấm thẻ ưu tiên một mà một ông bạn cấp tướng ở Ngũ Giác Đào biếu để xài chơi. Quả là mệt nhọc điên đầu suốt ngày nhưng đối với Hagenthì ngày cưới Connie quả là đại cát. Mãi 3 giờ khuya ông Genco Abbandando mới chịu nhắm mắt và vừa ở bệnh viện về, Ông Trùm đã nghiêm nghị cho biết kể từ nay vai trò consigliori của nhà Corleone chính thức về tay Thomas Hagen. Nghĩa là giàu sang quyền thế cầm chắc trong tay!
Cử Tom Hagen làm cố vấn kiêm phụ tá là Ông Trùm Vito Corleone quả đã dám đặc biệt phá lệ, gạt sang một bên cả một truyền thống ngàn năm. Vì dù có được nuôi như con cháu nhà ngay từ hồi còn nhỏ, Tom vẫn bị kể là người ngoài. Nó đâu có máu Sicily 100% mà chức vụ consigliori đòi hỏi điều kiện huyết thống! Phải là dân chính cống gốc Sicily, phải lớn lên trong khuôn khổ của luật omerta nghĩa là im lặng khi cần đến, không nghe, không thấy, không biết gì hết.
Theo nguyên tắc tổ chức Mafia thì Ông Trùm là bộ phận đầu não, là người chủ trương đại cuộc. Từ Ông Trùm hiệu lệnh được truyền xuống các bộ phận hành sự ít ra cũng qua Ba cấp, Ba lớp lót. Chẳng có cách nào bới lông tìm vết để "gài" được Ông Trùm, chỉ trừ khi thằng consigliori phản bội, một điều chưa từng có!
Chẳng hạn tầm thường như vụ của lão Bonasera. Đích thân Ông Trùm ra lệnh phải cho hai thằng súc sinh nếm mùi đau khổ tới cỡ nào. Nhưng lệnh chỉ là lệnh miệng cho một mình Hagen. Rồi Hagen ủy nhiệm lại cho xếp Clemenza, cũng chẳng ai nghe được. Xếp Clemenza sẽ trao cho đàn em Pauline Gatto nghiên cứu, thi hành. Đích thân Paulie sẽ sắp đặt chi tiết, tính kế hoạch và chịu trách nhiệm chọn người đi sai đi đấm đá. Những "chuyên viên" này thì thiên lôi Pauline chỉ đâu đánh đấy, không hề thắc mắc đánh ai, đánh ở đâu, tại sao đánh. Nhưng đánh tới cỡ nào thì phải triệt để đúng chỉ thị!
Như vậy thì nội vụ có đổ bể cũng khó lòng phăng tới ông Trùm. Khó lắm lắm. Nhưng vẫn có thể bị. Có điều chưa ông Trùm nào bị vì lẽ giản dị là trong sợi dây xích thì chỉ cần thiếu một mắt xích là vô phương buộc tội. Mà thủ tiêu một mắt xích quá dễ!
Vai trò của consigliori vô cùng phức tạp. Cố vấn kiêm phụ tá là nguyên tắc. Còn là bạn đồng hành tin cẩn, còn suy nghĩ thay cho ông Trùm. Đi xe thì đích thân làm tài xế, dự "hội nghị" thì vừa làm bí thư gom hồ sơ, vừa là bồi mang đồ ăn thức uống và đốt thuốc. Biết hết những gì ông Trùm biết, nên chỉ một mình hắn là "phá" được ông Trùm và cả tổ chức. Chỉ ngán có một mình hắn phản bội, nhưng chuyện đó chưa hề xảy ra! Cứ một mực trung thành thì consigliori sẽ có hết. Giàu sang quyền thế và...hạnh phúc nữa. Có chết hay "kẹt", vợ con chắc chắn có người lo chu đáo.
Có những vụ consigliori phải đại diện cho thủ lãnh để đứng ra thu xếp một vụ...nhưng lại chẳng thể công khai để gây phiền phức sau này. Hagen đã lãnh nhiệm vụ thay mặt ngầm cho ông Trùm trong chuyến đi Hollywood thương thuyết và biết dư rằng chứ cconsigliori của hắn còn mất, nghĩa là đời hắn lên hương hay xuống dốc cũng do vụ này định đoạt.
Nếu tính chuyện làm ăn thuần túy thì vụ thu xếp cho Johnny Fontane đâu có ăn chung gì, đâu có nghĩa gì so với vụ sắp đặt đối phó với thằng Sollo
o thứ Sáu này? Nhưng Bố Già khác. Một thằng consigliori thì phải biết đủ mọi cung cách làm ăn, dù lớn, dù nhỏ.
Ngồi trên máy bay Hagennghe rối ruột, phải kiếm một ly Martini uống chơi. Nếu cần phải "biết mình biết người" thì hắn không lạ gì con người "đối phương": tính nết lão Jack Woltz thì bố ai thuyết phục nổi? Nhưng Ông Trùm cũng chẳng nói chơi bao giờ và đã hứa là thế nào cũng có cách thu xếp cho thằng con đỡ đầu. Giữa hai thế đối đầu như vậy thì vai trò của Hagen chỉ hoàn toàn có tính cách trung gian, tiếp xúc.
Hắn bình tĩnh mổ xẻ sự kiện. Jack Woltz là một trong 3 chủ nhân lớn nhất Hollywood, phim trường lớn nhất và nhiều đào kép cừ nhất. Hắn có chân trong Ủy ban Tư vấn Bạch cung về điện ảnh Tâm lý chiến thực... nhưng đúng nghĩa thì chỉ là một tay sản xuất phim tuyên truyền cho chính phủ chớ có gì? Hắn có vô Bạch cung dự tiệc hay mời ông Tổng FBI về nhà ăn nhậu? Nghe thì ghê gớm lắm nhưng chẳng qua chỉ là vấn đề giao tế. Thế lực thực sự, chẳng hạn hậu thuẫn chánh trị, đảng phái thì Jack Woltz lấy đâu ra? Người lập dị như hắn kết nạp được ai? Nhiều quyền hành, thích sai phái cái điệu làm cha người ta thì chỉ tổ nhiều kẻ thù!
Nói vậy nhưng chơi Jack Woltz thì khó quá. Hãy cứ biết vậy, Hagen lấy mớ giấy tờ ra coi cho khỏi mất công suy nghĩ nhức đầu nhưng mệt mỏi quá, đọc không vô bèn gọi thêm ly Martini nữa để nhâm nhi xả hơi, gợi nhớ chuyện đời...
Cho đến bây giờ Hagen vẫn hài lòng là đi đúng đường và ngay từ ngày vào đời chỉ có "lên" không. Được như thế này là phúc đức quá rồi, không mong muốn gì hơn. Ba mươi lăm tuổi, cao ráo, dong dỏng. Rất nhanh nhảu và trông bề ngoài chẳng có gì đặc biệt. Hành nghề luật sư nhưng trên nguyên tắc thôi, dù sau khi ra trường hắn cũng có 3 năm thực tập rất cừ. Ở gia đình Corleone hắn lo nhiều việc khác, quan trọng hơn luật nhiều!
Tom Hagen nhớ lại hồi 11 tuổi cùng học cùng chơi với một thằng bạn tên Sonny, chơi thân lắm. Hai đứa bằng tuổi nhau mà! Năm đó bà mẹ hắn khi không đau mắt nặng đến lòa luôn rồi tạ thế. Ông bố bợm nhậu càng say sưa tối ngày. Ông có nghề thợ mộc, chịu làm ăn lắm, lương thiện không ai bằng nhưng chỉ vì ma men mà tan nát gia đình và sau cùng cũng tàn đời trong đói khổ, bỏ lại hai đứa con một trai một gái.
Con bé em được một gia đình nhận nuôi nhưng thằng Tom thì đành lang thang đầu đường xó chợ. Hội Dục Anh thời đó đâu thèm nuôi những thằng ranh mới nứt mắt ra đã dám "bỏ hội" đi hoang mà cho người kiếm nó về? Lối xóm thấy nó là chạy, chỉ sợ lây chứng đau mắt ghê gớm mà Tom "thừa hưởng" của bà mẹ lòa.
Giữa lúc đang cầu bơ cầu bất thì trời run rủi nó gặp bồ Sonny. Thương bạn quá, Sonny lôi nó về nhà, dõng dọc yêu cầu cha mẹ cho nó cơm ăn nhà ở. Có ngay! Ôi, có bao giờ Tom quên nổi hương vị ngọt béo của dĩa spaghetti đánh sốt cà chua nóng sốt và sự êm ấm của chiếc giường sắt ngả ra cho nằm đỡ tối hôm ấy?
Thế rồi chẳng nói chẳng rằng, Bố Già Corleone cho thằng nhỏ ở lại luôn. Nó đau mắt nặng thì đích thân đưa đi bác sĩ nhãn khoa chữa bằng hết. Nuôi ăn học đàng hoàng, hết Trung học lên Đại học, coi như con cái trong nhà nhưng tuyệt đối không "bố nuôi mẹ nuôi" gì hết! Không yêu thương như con đẻ thật nhưng quý mến hơn tụi nó nhiều... có bao giờ buộc nó phải làm một cái gì theo ý mình đâu? Ngay hồi học hết Trung học cũng để cho nó muốn theo ngành nào tùy thích. Cu cậu chọn luật chỉ vì nhớ mang máng Bố già có nói một câu "Một trăm thằng cướp có súng "làm ăn" đâu có lại một thằng luật sư xách chiếc cặp-táp ranh con!"
Hagen nhớ lại hồi học xong trung học cả hai anh em thằng Sonny cùng năn nỉ xin bố cho thôi học để làm việc nhà, Ông Trùm đành chấp thuận dù rất buồn. Chỉ có thằng Michael tiếp tục lên Đại học. Vụ Trân Châu Cảng bùng nổ là nó đăng ngay Thủy Quân Lục Chiến.
Năm thi ra trường Luật, Hagen lấy vợ, một con nhỏ nữ sinh viên gốc Ý, người bên New Jersey. Hồi đó con gái học Đại học hiếm lắm... Dĩ nhiên là Ông Bà Trùm cưới cho, làm đám cưới ở nhà chớ còn ở đâu nữa? Nó muốn mở văn phòng thì sẽ có văn phòng. Bố Già còn hứa "lãnh mối" giùm, hứa cho nhiều áp phe địa ốc là đằng khác!
Ôi, còn gì hứa hẹn hơn nữa nào? Vậy mà thằng Hagen trầm ngâm suy nghĩ rồi lắc đầu: "Không... Bác cho cháu... làm với Bác cơ!" Ngạc nhiên lắm nhưng rất hài lòng. Ông Trùm gặng hỏi: "Mi biết làm với Bác là... làm những gì chớ?"
Hagen gật đầu. Sự thực hắn cũng biết, nhưng chỉ biết đại khái, biết phần nào. Hắn đâu ngờ thế lực Bố Già mạnh đến thế? Cho đến 10 năm nay, lúc được cử tạm làm consigliori thay thế Genco.
Hồi đó, Hagen đã nói thẳng: "Cháu muốn làm với Bác... như thằng Sonny, thằng Fred". Nghĩa là hoàn toàn như một đứa con, Bố bảo sao làm vậy. Ôi, lớn lên trong nhà này... làm con cháu đã bao năm mãi đến lúc bây giờ Hagen mới thấy Bố Già tỏ vẻ xúc động, biểu lộ tình cảm với nó là lần thứ nhứt. Bố Già ôm lấy hắn và từ đó trở đi coi Hagen còn hơn con đẻ, dù không xưng Bố và lâu lâu còn nhắc chừng: "Mi không được quên ông già bà già mi đó!"
Ôi, công đức sinh thành thì phận làm con làm sao quên được? Quên sao được, dù mẹ là một bà mẹ đầu óc khù khờ như trẻ lên mười, tứ thời bệnh hoạn rề rề, đau khổ đến độ hết biết thương yêu con cái là gì! Còn cha? Một ông bố chỉ biết có rượu nên nghĩ tới chỉ thấy hận.
Ôi, cả một tuổi thơ kinh hoàng! Thấy gương mẹ mù lòa đến chết còn nhục thằng Tom hết hồn, đinh ninh mắt nó đau thế này thì mù chắc: đời nó rồi đây cũng đến chống gậy đi ăn mày! Bố chết thì nó bắt đầu đi lang thang ngủ đường ngủ chợ và sắp đi ăn mày thực nếu tình cờ không run rủi thằng Sonny bắt gặp nó.
Thế rồi đời nó như lật qua một trang mới toanh, tưởng đâu phép lạ! Sống trong tình thương mến của gia đình Corleone, no ấm yên vui là thế mà bao nhiêu năm sau Hagenvẫn còn bị ám ảnh bởi những giấc mơ hãi hùng, khủng khiếp. Nó là một thằng mù, chống cây gậy trắng lọc cọc khắp các ngả đường xin ăn. Con cái nó cũng mù lòa, cũng lọc cọc chống gậy theo cha đi hành khất. Nó hoảng sợ hét ầm và y như rằng lúc đó khuôn mặt Bố Già bao giờ cũng hiện ra, xua bằng hết những cơn ác mộng. Biết bao nhiêu lần rồi!
Hồi đó, Bố Già tiếng là chấp nhận nhưng đâu cho phép nó làm "công việc nhà" liền? Phải ra hành nghề Luật sư 3 năm lấy kinh nghiệm đã, trút bỏ bằng hết mặc cảm "chỉ có thể làm cho người nhà" cái đã. Rồi phải gài nó vô một văn phòng toàn những luật sư thượng thặng, chuyên giải quyết những vụ án Đại hình, học tập thêm 2 năm cho thật lão luyện. Nghề nhà cần bấy nhiêu đó mà?
Sau đó, Tom mới bắt đầu làm việc nhà, chỉ giải quyết công việc nhà. Coi, thấm thoát 6 năm trời... nó có sơ xuất một điều gì để Ông Trùm phải cảnh cáo, dạy bảo đâu? Nặng lời cũng chưa hề có nữa!
Vậy mà lúc Hagen được cử xử lý thường vụ consigliori, mấy gia đình Mafia khác đâu có chịu? Họ chê bọn nhà Corleone "lai căng" chất Ái Nhĩ Lan. Họ gọi cánh Ái Nhĩ Lan! Sự chụp mũ đó làm Tom bật cười nhưng cùng lúc đó cũng cho thấy rõ ràng chớ có chàng màng, mơ mộng làm Trùm mà hố nặng. Thân phận nó thì consigliori là hết cỡ, là quá đáng lắm rồi! Sự thật thì Hagenđược địa vị này cũng... ngàn đời không quên, có đâu dám có ý nghĩ trèo đèo, phạm thượng với chính những người đã cứu vớt, cưu mang nó còn hơn ruột thịt!
Lúc đáp xuống phi trường Los Angeles trời còn tối mò. Hagen kiếm phòng lữ quán, tắm rửa, cạo râu cho tỉnh táo, chờ sáng. Kêu điểm tâm lên tận phòng, hắn vừa ăn vừa đọc báo lai rai đợi đúng 10 giờ sáng mới y hẹn tới gặp Jack Woltz. Không ngờ lão ô kê chịu gặp mau mắn vậy!
Chẳng là tuân lệnh Ông Trùm, trước khi lên máy bay Hagenđã phôn tới Billy Goff nhờ đánh tiếng trước với ông chủ hãng phim. Ở Hollywood thì Billy đâu phải tay vừa? Thủ lãnh nghiệp đoàn công nhân điện ảnh, thợ thuyền các phim trường có đình công hay không cũng ở một tay nó! Ông chủ Jack Woltz có lớn thật nhưng còn làm ăn thì đâu có muốn sinh chuyện lôi thôi? Ông Billy đã có lời giới thiệu rằng nếu không chìu ý ông bạn từ Nữu Ước sang thì công nhân phim trường dám đình công lắm đấy!
Theo lời thủ lãnh nghiệp đoàn Billy thì thằng cha chủ có vẻ cóc ngán lắm nên đề nghị nếu có phải đình công thì hãy để đàn anh đích thân tiếp xúc với Ông Trùm cái đã, nhưng Hagen gạt đi ngay: "Khỏi cần, nếu cần thì Ông Trùm sẽ cho biết ý kiến ngay!"
Đã mang danh cố vấn thì Hagen còn lạ quái gì mối tương quan tốt đẹp giữa Bố Già với đủ mặt lãnh tụ lao động toàn quốc. Thằng Billy Goff cỡ gì mà đòi tiếp xúc? Chỉ bảo sao nghe vậy... vì phạm vi ảnh hưởng của gia đình Corleone chưa lan sang đến Hollywood thực nhưng thiếu gì thằng thủ lãnh công nhân ở đây cũng như trên toàn quốc còn thiếu Bố Già một chút nợ tình?
Gặp gỡ có chuyện làm ăn mà nó cho cái hẹn giấc 10 giờ sáng là yếu rồi. Rõ ràng thằng cha Jack Woltz cóc muốn chơi, cóc muốn nghe, cóc muốn bàn bạc gì hết. Mười giờ sáng thì có cần gì cứ nói ra rồi cút. Nếu muốn bàn bạc thì nó đã lùi lại vài giờ để nếu chưa trò chuyện xong thì "Mời bạn ở lại dùng bữa trưa để ta vừa ăn nhậu vừa thảo luận với nhau cho tiện".
Rõ ràng là Jack Woltz cóc coi "Sứ giả" Hagenra gì vì một là thằng Billy chưa đủ tư cách làm áp lực nó, hai là nó đã cho cu cậu ăn đớp ngập mặt nên khó nói. Nhưng không lẽ nó không biết Hagen là người của ai và người đó thế lực cỡ nào? Kể ra Ông Trùm giữ kín tiếng trong việc làm ăn cũng có lợi thật. Nhưng kín quá, kín đến độ thiên hạ không biết đến tên tuổi, uy danh... như trường hợp này thì coi bộ bất lợi trông thấy!
Hagen suy luận quả không sai. Quả nhiên nó cho đợi cỡ nửa giờ đồng hồ mới thèm tiếp kiến. Biết vậy nhưng Hagen từ cứ phớt tỉnh, vả lại "ngồi chơi" ở phòng đợi của ông chủ lớn cũng khỏe lắm chớ? Mát mẻ, êm ái, lịch sự và ôi chao, trước mặt Hagensao lại có một bé gái xinh đẹp, dễ thương đến thế? Nó ngồi trên tấm nệm màu mận, con nhà ai kháu khỉnh lạ. Xiêm y lộng lẫy, chững chạc cứ như người lớn vậy!
Thật tuyệt vời, Hagen ngó sững mái tóc vàng óng ả. Đôi mắt xanh lơ tinh anh, cặp môi mòng mọng tươi như trái dâu chín đỏ. Nhưng con mụ đi theo nó, đúng là hai mẹ con, mới khoằm khoặm, dễ ghét làm sao. Chỉ muốn đấm vào mặt. Rõ ra mẹ cú, con tiên!
Đợi mãi, đợi mãi mới có một mụ thư ký mập tròn hướng dẫn đi quanh co tới văn phòng ông chủ. Hagen mỉm cười đi theo. Chà, hãng phim có khác: người làm chững chạc, trang trí tiện nghi ngoại hạng. Đông đảo mỹ nhân quá, chắc mấy em đến Hollywood thử thời vận nhưng đóng phim không ra gì nên mới bị nhét vào làm văn phòng cho thơm tho cuộc đời đây. Không bị đá đít văng ra vỉa hè là đẹp rồi! Jack Woltz dễ nhận ra quá, báo điện ảnh đăng hình hoài mà? Người lão đồ sộ vạm vỡ. Có bụng nhưng bộ đồ cắt tuyệt vời che đi hay quá!
Còn cuộc đời hắn? Mười tuổi đi vác két la-de, đẩy xe cút kít kiếm ăn ở vỉa hè Nữu Ước. Hai mươi tuổi giúp bố ăn chận, rút rỉa nghiệp đoàn thợ may. Ba mươi bỏ Nữu Ước sang miền Tây tìm mỏ kền và thử nhào vô điện ảnh. Năm 48 tuổi thì hắn nghiễm nhiên làm vua Hollywood nhưng ăn nói vẫn cứ hàng tôm hàng cá và làm tình vẫn khỏe như hùm giữa bầy nai tơ là các em đào non, đào thịt vô cùng đông đảo.
Từ năm 50 trở đi, Jack Woltz "làm lại con người". Học ăn học nói cho ra dáng trí thức, mướn bồi Ăng lê và quản gia Ăng lê chính cống để học làm sang, từ bộ y phục cho đến tác phong sao cho đúng mốt trưởng giả. Lão ly dị vợ, lấy một em đệ nhất đào văm. Qua năm 60 trở đi thì cả nước biết Jack Woltz sưu tầm tranh quý, làm cố vấn điện ảnh cho Tổng Thống và sáng lập viên cơ sở Jack Woltz, tốn kém cả chục triệu đô la chỉ cốt để nghệ thuật hóa điện ảnh. Và có rể quý tộc Anh, có dâu công chúa Ý...
Gần đây nhất thì báo nào chẳng có tin ông Chủ hãng phim Jack Woltz đâm mê ngựa đua, nội năm ngoái dám bỏ ra một lúc 10 triệu đô la để lập tàu ngựa đua J.W.? Hùng nhất là người dám chi 600 ngàn đô la để chớp bằng được chú ngựa đua siêu vô địch rặt giống Ăng lê tênKhartoum. Và ngông ở chỗ bắt Khartoum nghỉ đua hẳn để chỉ phục vụ đặc biệt cho những chị ngựa cái lò J.W.!
Kể ra ông chủ tiếp Hagen cũng nhã nhặn. Khuôn mặt rám nắng vô cùng tốt lái và được săn sóc từ lỗ chân lông đã dúm dó lại để o bế một nụ cười xã giao. Coi, có đốt cả kho bạc cũng chẳng cướp được tuổi trời nên da mặt người có tô vẽ cách nào cũng cứ có lớp... như đèn xếp vậy! Nhưng phải nhìn nhận rằng lão cử động nhanh lẹ, sung sức và giống hệt Bố Già Vito Corleone ở dáng dấp chỉ huy nghĩa là thoạt trông cũng biết là xếp sòng rồi.
Hagen vô đề tức khắc, tự giới thiệu là người mà bạn ông Johnny Fontane cử tới để xin ông chủ cho một đặc ân là để cho Johnny sắm vai chính trong cuốn phim chiến tranh hãng khởi quay đầu tuần sau. Nhân vật đó dĩ nhiên là có thế lực lắm nhưng nếu ông chủ ra ơn cho lần này thì sẽ muôn đời không quên, thế nào cũng có phen đền đáp.
Khuôn mặt nhăn nheo tỉnh bơ hỏi lại:
- Ông bạn thế lực đó sẽ đền đáp tôi? Đền đáp cách nào xin cho biết...
Làm gì không biết lão hỏi xỏ... nhưng Hagen cũng phớt lờ đi giải thích:
- Chẳng hạn như quý hãng sắp có đình công thì ông bạn của Johnny cam kết sẽ vô hiệu hóa giùm tức khắc. Quý hãng có ông kép "cây tiền cây bạc" vừa từ "cua" cần sa nhảy lên bắt bằng bạch phiến... thì nếu ông chủ muốn, sẽ có người chặn đứng hắn lại được không? Những vụ phiền phức như vậy ông chủ chỉ phôn một cú cho tôi là xong hết.
Coi, lão chăm chú nghe giải thích cái điệu nghe con nít la làng rồi thình lình dộng một câu thật đúng ngôn ngữ giang hồ:
- Ra ông bạn tính áp lực kẻ hèn này đấy?
- Chẳng dám! Tôi chỉ có ý xin ông chủ ra ơn một lần, cho một người bạn. Làm ơn dĩ nhiên chỉ có lợi chớ có hại sao được ạ?
Giọng Hagen ngọt ngào như vậy đó. Nhưng vẫn làm Jack Woltz nổi sùng, nhăn mặt nhíu mày, rồi quắc mắt lên làm như lão sắp nhảy chồm qua buya rô vậy! Lão gằn từng tiếng:
- Nói vắn tắt thế này này... tôi đéo cần biết anh là ai và thằng củ c... nào sai anh lại... nhưng thằng Johnny Fontane thì cho nó de đi, khỏi đóng gì hết! Mấy thằng Bàn Tay Đen kia là cái thá gì kìa? Cho anh hay điều này. Nếu tôi cho ông bạn tôi hay là anh tới đây toan làm áp lực thôi thì anh cũng đã khó sống rồi! Chắc anh có nghe tên Edgar Hoover chớ?
Ôi chao, không ngờ một đấng chủ nhân ông cỡ Jack Woltz mà có thể tầm thường đến thế! Thế mà cũng cầm đầu cả một cơ sở cả trăm triệu, thế mà cũng Vua Điện ảnh! Nếu Hollywood chỉ rặt những cỡ chủ hạng bét này thì bấy lâu nay Bố Già nhà mình cứ nuôi dưỡng ý định tung tiền, nhảy xổ vào địa hạt này để bắt bạc là phải! Mới đụng có thế mà một tay to đầu như lão đã nổi giận sao? Thì ra lâu nay không ngờ đã luyện được bí quyết chịu đựng của Bố Già! Lão cáu giận, lão văng tục bừa bãi mà Hagen có cảm thấy gì đâu nào?
Chủ trương ruột của Bố Già cừ thật: "Chớ doạ dẫm, chớ nổi giận". Đối phương có chửi bới, hăm he cứ ráng chịu để từ từnói chuyện phải quấy. Một lần nữaHagenlại hình dung lại tấm gương nhịn nhục của Bố Già ngày nào: giữa bàn hội bị một thằngthứ dữ ông ổng mạt sát, chửi bới tận mặt. Vậy mà ông cứ tươi tỉnh cố gắng thuyết phục cho đến cùng.Tám giờ đồng hồ nhẫn nhục có phải ít đâu?
Chừng coi bộ hết đường thuyết phục. Bố Già mới chán nản đưa hai tay lên than van với đông đủ cử toạ: "Vậy là hết thuốc. Ông bạn của chúng ta hếtnói chuyện phải quấy được rồi! Nói xong là lạnh lùng rời bàn hội đi ra làm ôngthứ dữ xanh mặt. Lập tức mấy ông sứ giả được cử ra mời ông vô trở lại đểnói chuyện phải quấy. Dĩ nhiên công việc bữa đó giàn xếp xong. Có điều hai tháng sau ôngthứ dữ ăn no đạn chì, gục trên ghế hớt tóc.
Nhớ lại vụ "phải quấy" đó,Hagenbình tĩnh hỏi lại:
- Xin đừng quên nghề tôi là luật sư! Một con nhà luật mà... áp lực? Mà lại buông lời hăm doạ ai sao? Tôi chỉ đưa ra một đề nghị xin ông vui lòng chấp thuận và chúng tôi sẽ có cách đền ơn xứng đáng. Một việc quá dễ dàng đối với ông và sau đó chỉ có lợi... phải không nào?
Johnny nói chính ông xác nhận hắn đóng vai đó thì tuyệt. Bằng không tôi đã chẳng dám dựa đề nghị vô lý, ông thấy chớ? Vả lại nếu ông e ngại hắn đóng dở, phim có thể thất bại khiến hãng lỗ lã thì ông bạn hắn nghĩa là thân chủ tôi, sẵn sàng đầu tư trọn phim. Chúng tôi cũng đồng ý ông đã nói không là không, chẳng ai ép buộc được. Chẳng ai dám! Chúng tôi cũng biết chỗ quen biết giữa ông và ngài Tổng giám đốc FBI chớ? Đó là một sự kiện dễ nể thiệt...
Nãy giờ Jack Woltz loay hoay nghịch cây viết lông trên buya-rô. Lão có nghe gì? Nhưng vừa đá động đến đầu tư nghĩa là có hơi tiền là lập tức lão buông cây bút ra để hù một câu: "Chi phí cuốn phim tạm ấn định 5 triệu đô la đấy, ông bạn"! Hagenlàm bộ huýt gió se sẽ một lát ra điều thán phục nhưng thong thả tiếp: "Bằng ấy thì thân chủ tôi có thể đầu tư lắm"!
Lúc này lão mới ngả người ra sau ghế ngóHagenvà có vẻ lưu tâm đến chớ không hờ hững như nãy giờ. Lão thong thả đặt câu hỏi:
- Ông bạn là luật sư? Xin lỗi tôi không nghe nói nhưng mấy luật sư có danh ở Nữu-Ước tôi đều biết hết. Vậy xin hỏi ông bạn là ai?
- Tôi là luật sư, từng có nhiều hoạt động trong ngành tổ hợp công ty. Tôi được làm mướn vụ này... nhưng xét ra chẳng muốn làm mất thời giờ thêm của ông nữa. Vậy xin tạm biệt.
Dứt lời làHagenđứng dậy chìa tay ra. Đi vài ba bước ra phía cửa mới quay lại nói rất nhỏ nhẹ: "Theo tôi nhận xét thì ông có lẽ đã gặp nhiều ca nói lớn lối mà thực lực chẳng có gì. Lần này thì ngược lại đấy! Xin ông vui lòng hỏi qua ông bạn chung của chúng ta. Có gì hay xin phôn lại tôi ở khách sạn".
Thấy lão ta tần ngần,Hagentiếp luôn:
- Xin thưa thực để ông biết là có những vụ thân chủ tôi làm mà quý hữuHoovercó muốn can thiệp cũng không đi đến đâu. Xin ông cảm phiền vì sự thật là vậy. Có điều nãy giờ tôi chưa kịp nói là tôi thành thực hâm mộ mấy cuốn phim mà quý hãng thực hiện. Mong quý hãng cứ tiếp tục đường lối ấy thì xứ sở này có phận nhờ nhiều! Mới hé sơ sơ vậy đã có ép phê ngay. Vào xế chiều Hagen đã nhận được một cú phôn từ hãng phim cho hay cỡ một giờ nữa sẽ có xe lại đón tới chơi biệt xá của ông chủ. Xe đi cũng phải mất 3 giờ nhưng trên xe có bar rượu, có đồ nguội dọn sẵn.
Như vậy là Jack Woltz đã đáp máy bay về nhà trước. Không hiểu sao hắn không mời đi cùng chuyến cho tiện việc? Cô thư ký hãng phim cho hay: "Xin ông mang hành lý theo để sáng mai ông chủ tôi cho xe đưa ông ra thẳng phi trường về Nữu Ước cho đỡ mất công".
Hagen gật đầu ngay. Vậy là lão đã điều tra kỹ lắm và biết cả thời khóa biểu đi về của "sứ giả" rồi. Mau thật! Bây giờ hẳn lão biết rõ gốc tích "ông thân chủ", nghĩa là không lạ gì thế lực của Ông Trùm nữa. Có vậy mới có vụ mời mọc đặc biệt thế này sau lần hội kiến ban sáng. Hắn mời về nhà chơi để làm gì nếu chẳng phải để thương thuyết đàng hoàng, đứng đắn? Vậy thì thế nào cũng phải đi đến một kết quả, hay dở còn tùy...
Biệt xá của ông chủ hãng phim có khác. Trông cứ như xem quay phim vậy. Kiểu nhà là kiểu "đồn điền", đứng chơ vơ giữa một khoảng rộng mênh mông có hàng rào, tàu ngựa, đồng cỏ...
Trước nhà thì hàng rào hay luống hoa, bồn cỏ cũng cắt xén chi li, kỹ càng như được sửa sắc đẹp vậy! Ông chủ Jack Woltz đứng đón khách trước vòm cửa, bên trong nhà điều hòa không khí. Lão đi xăng đan nhẹ, quần màu cứt ngựa và áo sơ mi lụa xanh để hở cổ thật trẻ trung, nhàn hạ... nhưng đâm tức cười vì quá mâu thuẫn với làn da mặt "đèn xếp".
Lão đưa mời Hagen một ly Martini tổ bố và nâng một ly cụng thân mật, trái ngược hẳn hồi sáng. Lại còn quàng vai đưa đi chơi "Chưa cơm tối đâu"... Mình ra tàu ngựa chơi. Vừa đi lão vừa cho biết:
- Xin lỗi về cái vụ hồi sáng nghe Tom! Lẽ ra bạn phải cho biết ngay thân chủ của bạn là Vito Corleone chớ? Làm tôi cứ tưởng đâu Johnny mướn một thằng thầy cãi hạng bét nào lại nồ tôi chớ? Tôi không chịu cái lối nồ như vậy mà cũng chẳng thích mua thù chuốc oán. Mà thôi, để vụ đó bàn sau bữa cơm. Bây giờ mình dạo chơi mà? Xét phương diện chủ nhân thừa tiếp khách quý thì Jack Woltz thật khỏi chê. Lão thủng thỉnh nói chuyện ngựa đua, tổ chức sản xuất thế nào cho ngon nhất nước nghe thật hay. Chuồng ngựa nào cũng kỵ hoả, vệ sinh tối đa lại mướn thám tử tư canh gác ngày đêm. Đến một chuồng đặc biệt, vách có gắn bảng đồng sáng loáng chữ Khartoum.
Hagen có biết gì về ngựa đua đâu nhưng phải công nhận ngay nó là một con vật tuyệt đẹp. Sắc lông một màu đen láng bóng, láng nhẫy trừ một ô quả trám trắng toát là cái đầu bự và cặp mắt như hai trái táo lớn, tròn xoe. Da nó căng lên như lụa khiến Jack Woltz cứ mân mê như con nít:
- Nói về ngựa đua thì nó vô địch: nó nhất thế giới nghe bạn. Sáu trăm ngàn đô la mua tận bên Ăng lê nghe! Vua chúa Nga có lẽ cũng không dám chơi một con ngựa ngần ấy tiền. Nhưng về tay tôi, tôi thì không cho đua nữa. Chỉ để đúc giống đặc biệt cho chuồng ngựa nhà. Cam đoan ngựa lò J.W sẽ nhất nước... Lão vừa nói vừa vuốt ve bờm ngựa, vỗ về nó hết mực thương yêu rồi se sẽ gọi tên "Khartoum, Khartoum". Con vật biết ý chủ, khe khẽ rùng mình trả lời làm cho lão càng hí hửng, phát cười ha hả:
- Xin nói là năm mươi tuổi tôi mới học cưỡi ngựa lần thứ nhất nhưng mê ngựa, cưỡi ngựa ngon lành đến như tôi là nhất. Tôi dám có máu kỵ sĩ Cốt-xắc trong người lắm. Biết đâu chừng bà cụ tổ mấy đời của tôi ở bên Nga chẳng bị một đấng Cốt-xắc nào hãm hiếp nên dòng máu mới lưu truyền đến thằng cháu chắt mấy đời này? Bạn thử coi cái gậy của nó có ngon không kìa? Phải chi mình có một cái... cỡ đó thì đỡ khổ lắm nghe!
Bữa cơm tối diễn ra thật trưởng giả. Hai người ăn mà ba thằng bồi đứng hầu, thêm ông quản gia Ăng-lê chầu chực sai phái. Khăn bàn cũng thêu chỉ vàng, còn nói gì muỗng nĩa, dĩa chén?
Nhưng thức ăn thì tồi quá! Dân độc thân mấy thằng cần ăn ngon đâu? Đợi mãi mà không thấy lão nói gì, đến lúc ăn xong mỗi đứa một điếu xì gà Havana tổ bố thì Hagen đành phải hỏi: "Thế nào? Johnny liệu có được... hay không?" Jack Woltz nghiêm giọng trả lời:
- Câu trả lời là không. Tôi không thể làm được. Dù có muốn gài cho Johnny vô cũng không kịp nữa rồi. Giao kèo đã ký xong hết và chỉ tuần sau là khởi sự quay mà?
- Ông Woltz... cái vụ "trễ" đó đâu có nghĩa lý gì? Mình là xếp sòng thì muốn cái quái gì chẳng được, huống hồ cái việc nhỏ mọn đó? Ông chỉ việc ra lệnh là rồi! Hay ông không tin là thân chủ tôi thủ tín, nghĩa là nói sao làm vậy.
- Đâu có, tin lắm chớ? Tôi biết là hãng tôi sắp có đình công đến nơi! Cứ như giọng lưỡi thằng Goff, thằng chó đẻ đó... bạn có thể ngờ mỗi năm tôi phải cúng cho nó đúng một trăm nghìn đô không? Tôi cũng biết bạn có thể cúp bạch phiến dùm thằng kép "cây tiền" của hãng tôi hoặc đầu tư cả cuốn phim dễ như chơi... Có điều không được là không được. Vì tôi hận thằng Fontane. Bạn nói dùm ông xếp bạn trừ dùm cái vụ thằng chó đẻ này thì cái gì tôi cũng chịu hết, bất cứ cái gì!
Coi, nếu vậy lão mời mình tới đây làm gì cho mất công thêm? Chắc phải có một cái gì đề nghị chớ?Hagenbèn giải thích lý do phải cầu cạnh năn nỉ. Chỉ vì Johnny là con đỡ đầu. Đứa con hờ từ thuở lọt lòng thật nhưng cha nó qua đời rồi thì Bố Già càng phải nâng đỡ nó. Cha đỡ đầu mà?
Jack Woltz gật gù, thông cảm lắm nhưng vẫn nhún vai:
- Tôi không muốn mất lòng xếp bạn nhưng vụ này thật không thể được. Tiện có bạn đây xin hỏi thẳng về vụ can thiệp đình công. Tốn cỡ bao nhiêu nào? Tiền mặt. Chi ngay bây giờ?
Có vậy chớ! Có vậy lão mới chịu khó tốn thì giờ, sau khi đã nhất quyết từ chối vụ Johnny chớ?
Rõ ràng lão không muốn có chuyện rắc rối nhưng lão cóc ngán Vito Corleone. Lão ỷ quen biết lớn, thế lực mạnh, tiền bạc đông nên...chẳng có gì để ngán một thằng ở đâu đâu như vậy. Xét ra lão có lý. Nếu có đình công thì đình công, lão gồng mình chịu... thì Ông Trùm còn làm gì được? Tuy nhiên có một sự kiện lão chưa biết là tính nết Bố Già: đã hứa có là phải có. Không thể nào là không được. Rắc rối ở chỗ đó... Hagennhẫn nhục giải thích:
- Về cái vụ đình công thì xếp tôi có hứa sẽ thu xếp dùm nhân danh tình bạn, nếu ông bạn ra ơn cho Johnny. Chớ đâu có đe doạ gì mà ông bạn xoay ra sang chuyện tiền... mà hỏi tốn kém bao nhiêu? Vậy là ông bạn hiểu lầm, ông bạn đánh giá tôi quá thấp. Ông bạn lầm thực rồi!
Hình như Jack Woltz chỉ đợi có vậy để la lớn:
- Phải, tôi lầm! Chớ không phải lề lối xưa nay của mấy thằng Mafia nói ngon nói ngọt mà bóp cổ chết người? Xin nói rõ lần chót này: thằng Johnny Fontane cừ lắm, nó chơi vai đó thật tuyệt, nó sẽ lên ghê lắm. Nhưng tôi đá đít nó, tôi không thí cho nó và tôi sẽ tống cổ nó ra khỏiHollywoodnữa kìa. Vì tôi hận nó, tôi phải chơi cho nó mạt luôn.
Vì nó chơi ngang. Nó chơi qua mặt tôi. Tôi có một con đào non 5 năm nay ra sức nuôi nấng, đào tạo tốn hết bao nhiêu công phu, tiền bạc để lăng-xê một phát là đại tài tử. Cả trăm ngàn đô la đầu tư vô nó, với bao nhiêu hy vọng. Dĩ nhiên chẳng phải vì nhân đức, vì nghệ thuật khơi khơi... phải nói ngay như vậy! Con nhỏ đẹp lắm mà lại không thể tưởng tượng, ngon chưa từng thấy trên cõi đời này mà nghệ thuật chìu đàn ông của nó thì khỏi nói.
Vậy mà thằng chó đẻ òn ỉ, tán tỉnh thế nào mà con nhỏ chạy theo nó, cho tôi de luôn. Nó còn liệng bỏ tất cả chỉ cốt để thằng già xấu mặt! Anh bạn nghĩ coi... một thằng địa vị tôi mà xấu mặt thì có chịu đời nổi không?
Ôi, một chủ nhân như ông Jack Woltz lại cay cú để cho tình cảm xen vô chuyện làm ăn quan trọng như vậy. Chỉ vỉ chuyện đàn bà con gái? Xưa nay với những típ người như Vito Corleone, Thomas Hagen thì có đẹp như tiên cũng chẳng có kí lô nào trong công chuyện làm ăn. Hoàn toàn là việc tư, việc cá nhân...
Dù sao cũng phải thử thách lần chót.Hagenbèn xác nhận ông chủ Jack Woltz căm hận vậy là đúng lắm, đá đít thằng Johnny cũng vừa nhưng ác một nỗi nó lại là con đỡ đầu của Ông Trùm nên đã hứa là không thể không giúp nó, dù phải cầu cạnh, dù phải năn nỉ. Nhưng Woltz đứng phắt lên, gạt ngang:
- Thôi, nói vậy quá đủ. Có đời nào thằng này chịu thua quân điếm đàng, trộm cắp! Cho anh bạn hay tôi chỉ nhấc cái tê-lê-phôn này lên là đêm nay anh bạn có chầu nằm khám. Và tôi chẳng còn là thằng bầu ban nhạc hồi đó mà hòng Corleone chơi dữ, đúng thế. Tôi biết chớ? Nếu cần thì tôi cũng dám chơi Ông Trùm, chơi không biết đằng nào mà đỡ kìa. Nếu cần thì có cả thế lực Bạch Cung cũng chưa biết chừng...
Lão càng hùng hổHagencàng lì. Coi, vậy mà cũng chủ nhân ông, cố vấn tổng thống, vua điện ảnh!Một nhân vật có cỡ mà chỉ có bấy nhiêu đó thì Bố Già nhảy sangHollywoodlàm ăn gấp là phải. Lão già đầu rồi mà chẳng biết lợi hại quái gì, chỉ nhắm mắt để tình cảm chi phối.
Vậy từ biệt là vừa. Rất tươi tỉnh,Hagenđứng lên: "Xin cảm ơn ông chủ đã vui lòng thừa tiếp tối nay. Ông chủ chịu phiền cho mượn xe đi phi trường liền bây giờ thì hay quá. Tôi ở lại đêm không được vì tính nết ông xếp tôi kỳ cục lắm. Làm việc gì không xong là phải cho hay liền."
Lúc đứng đợi xe ở cửa lớn đèn chiếu sáng choang.Hagennhác thấy 2 bóng người đang bước lên chiếc xe du lịch mui kín chờ sẵn. Hai mẹ con con nhỏ mới lớn hồi sáng còn tuyệt vời, ngây thơ là thế mà bây giờ sao ủ rũ, đau khổ vậy? Mặt nó nhợt nhạt, đôi mắt thẫn thờ, chân bước có mấy bước ra xe mà run lập cập, run lẩy bẩy... lết không muốn nổi? Mẹ nó phải cặp kè đi sát một bên, xốc nách đỡ nó lên xe và ghé tai thì thầm. Trước khi lên xe mụ còn ngoái cổ lại liếc nhanh về phíaHagen, đôi mắt mụ sáng lên độc ác lạ!
Hagennhớ ngay ra tại sao hồi chiều Woltz không mời đi chung máy bay cho tiện mà phải cho xe hơi đi đón sau. Phải dành chỗ cho mẹ con mụ này vàHagenphải đến trễ vài giờ đồng hồ để ông chủ hãng phim còn có đủ thời gian "làm thịt" con nhỏ chớ? Ôi, cả một sự bẩn thỉu nhơ nhớp là cái xã hội điện ảnhHollywood, thế giới đặc biệt của những con người như Johnny Fontane, như Jack Woltz!
Nếu cần phải đánh đấm thì xưa nay Paulie Gatto kỵ lối đánh ào ào, đánh bừa đánh ẩu. Phải đánh có kế hoạch đàng hoàng, đánh cho chắc ăn. Dù đánh dằn mặt cũng vậy. Sơ sẩy "sai một ly đi một dặm" thì sao?
Khuya nay nó ngồi nhấm nhí ly la-de, kín đáo liếc chừng coi hai thằng súc sinh gạ gẫm mấy con chiêu đãi tới cỡ nào rồi. Hồ sơ lý lịch của hai đứa nó đã nắm trong tay. Thằng Jerry Wagner, thằng Kevin Moonan cùng 20 tuổi, đẹp trai, to con, mặt mũi sáng sủa ra dáng con nhà.
Tụi nó nghỉ hè về nhà chơi, cỡ 2 tuần nữa là vô làng Đại học hết. Nhờ quen biết thần thế, nhờ con ghi danh ở Phân khoa nào đó nên còn được hoãn dịch. Thứ học để trốn lính chớ sinh viên quái gì! Bản án treo còn sờ sờ đó mà đã vôbar ăn nhậu, tán gái là láo, láo quá rồi!
Paulie Gatto hầm những thứ con ông cháu cha... trốn lính này lắm. Dù chính nó... nó cũng né quân dịch! Hai mươi sáu tuổi, khoẻ như voi, không vợ con, không học hành gì hết màhoãn dịch vì lý do sức khoẻ mới ngon. Có y chứng mắc bệnh thần kinh, từng phải chạy điện nhiều lần, bác sĩ nhà nước ký và đóng dấu thì còn lính tráng khố nào?
Dĩ nhiên bệnh láo nhưng giấy là giấy thiệt. Do xếp Clemenza vận động... nhưng phải cỡ thế nào các đàn anh mới thu xếp cho chớ? Phải có chiến công, phải lấy mạng một thằng lậpđầu danh trạng chớ bộ giỡn?
Xếp Clemenza đã giao vụ này và cho chỉ thị rõ: "Làm gấp, làm ngay ở Nữu-Ước... chớ tụi nó sắp vô trường là bỏ luôn". Phải có lý do gì xếp mới kỹ như vậy. Khuya nay tụi nó cặp hai con điếm ra về cùng một lượt thì lại hỏng ăn nữa!
May quá, tự tay Paulie nghe một con cười sằng sặc, õng ẹo: "Thôi cho em xin đi... anh Jerry! Lên xe về với anh để anh mần như con nhỏ bữa đó hả? Bọn này biết quá mà?"
Chúng cười ầm lên. Vậy là các con sắp có chầu lãnh đủ, ngay khuya nay, ngay trước cửabar này! Paulie ung dung bước ra khỏi quán, nhìn trước nhìn sau. Tuyệt quá... Mười hai giờ hơn rồi, chỉ còn mộtbar nữa sáng đèn. Phố xá tối thui thế này chơi mới chắc! Xe tuần tiễu thì xếp đã cho đi tuần ở khu khác rồi. Có ra-đi-ô cấp cứu nó cũng bò lại rất chậm. Tha hồ thừa thì giờ... cứ tà tà "làm" rồi vù cũng còn kịp chán. Paulie thủng thỉnh bước tới, dựa lưng vô chiếcChevy đen đậu sẵn lề đường, bên trong ngồi chồm chỗm 2 thằng hộ pháp. "Tụi nó ra là làm liền. Đúng y tao dặn". Chỉ vắn tắt vậy thôi.
Có hình ảnh "nghiên cứu" đàng hoàng, giờ giấc chúng ưa chơi, địa điểm chúng bắt gái... mọi chi tiết đều thuộc lòng mà cặp hộ pháp cũng là thứ tuyển lựa đặc biệt. Chúng chỉ cần biết mặt "hàng họ" là đủ. Phần còn lại là nghề mà?
Nãy giờ hai thằng cao lớn dềnh dàng vậy mà có ai thấy đâu? Chúng ngồi kín lắm và sắp đặt đúng như đàn anh Paulie căn dặn: Đỉnh đầu, sau ót để ra ngoài. Tuyệt đối cấm đụng, ngoài ra tha hồ.Camđoan không chết. Chỉ nát người, mặt mũi hết nhìn ra và nằm nhà thương 30 ngày sắp lên. Ba mươi mốt cũng được nhưng kém một ngày thì cặp hộ pháp lại xin mời về nhiệm sở cũ, tối ngày lái xe vận tải mệt thấy mẹ! Nhiệm sở hiện tại của chúng là chuyên viên đấm đá. Cựu võ sĩ hạng nặng, chúng được cậu cả Sonny cất nhắc để thằng nào vay nợ lười trả góp, trễ hẹn là dượt như hồi còn mang găng dượt bao cát vậy. Nhờ cậu cất nhắc mà ngày giờ này vợ con no đủ, khỏi phải vác xác lên đài cho chúng đập dài dài nên công ơn để đâu cho hết? Có việc sai đi là vô cùng hể hả, đấm đúng, đấm đàng hoàng lắm!
Hai cậu con ông cháu cha đụng cặp hung thần quả thực là xui. Coi, đang bực bội vì em không chịu đi còn giễu... nhè vừa bước ra khỏi quán lại có thằng ranh con chọc quê! "Ô hay, đẹp trai vậy mà bị mấy em đá hả" thì cậu Jerry, cậu Kevin cùng lồng lộn lên. Phải xông lại đập cho hả giận, nhất là thằng ranh con mặt lưỡi cày vừa sủa bậy trông ngon ăn quá.
Nó có một mình thì nó nát xương. Hai cậu bèn chia hai bên, cười hề hề xích tới. Thằng câu cổ, thằng dang thẳng cánh... nhưng chưa đập được một cú đã hết hồn vi bị hai thằng to con quá đứng phía sau, nắm ót, hết cục cựa. Đàn anh Paulie xỏ đồ nghề vô tay mặt, biểu diễn quả đấm đồng trang bị mấy hàng gai 2 ly cho cậu Jerry coi chơi. Mỗi tuần nó đến võ đường dượt 3 lần, đập có thằng giữ thì còn gì là mặt mũi? Chát... chát... chát... là xong phần mặt. Thằng hộ pháp bèn xốc bổng lên, chìa bụng cậu Jerry ra cho đàn anh vung tay quạt. Bịch... bịch... Nó buông ra là cậu nằm một đống, trước sau vừa vặn 6 giây.
Hai đứa quay sang cậu Kevin. Khốn nạn, vuột chạy không nổi mà hả họng la thì cánh tay hộ pháp đằng sau xiết cứng quá.
Paulie tà tà leo lên chiếcChevy mở máy ngồi ngó, để mặc chú nhỏ cho hai ông hộ pháp quần đích đáng, quần "pát xê" nhau kiểu đánh banh. Phải công nhận hai thằng này chơi tỉnh, chơi đẹp. Không túi bụi, ào ào mà buông từng cú đích đáng, có nơi có chỗ đàng hoàng... không đi đâu mà vội! Tụi nó đâu có đấm bằng tay? Quạng là quạng bằng cả sức người lao theo nên bung ra một đòn là có thịt rách và xương gãy, đứng ngoàiNghe cũng thấy.
Cỡ năm bảy giây sau thì Kevin được buông tha. Nằm nhũn ra, mặt mũi bầy hầy. Cậu Jerry ngất ngư, cố lóp ngóp bò bốn chân bèn được một thằng câu cổ lên. Nó vặn tréo tay và giộng một đá đúng gốc xương sống thế nào mà cu cậu hộc một phát như đánh thức hàng phố vậy. Có ánh đèn thật!
Hai thằng bảo nhau lẹ tay. Một thằng cưỡi lưng, mỗi tay xoắn một bên tóc để nâng bản mặt cậu lên, chìa ra cho đồng nghiệp dượt hai tay, chơi chày máy. Một hai... ba bốn... Nếu đàn anh Paulie không sủa "Đủ rồi... Biến tụi mày..." có lẽ nó "đếm" đến sáng chắc? Cửa xe mở sẵn, hai ông hộ pháp chỉ việc nhào lên và Paulie nhận lút ga xăng là chiếcChevy lồng lên, biến mất hút.
Lúc bấy giờ mới có bóng người dám ló ra trước cửa quán. Tụi nó chơi thấy ghê, chớ có dây dưa vào! Có thằng nào sắc mắc ghi số xe cũng chỉ mất công! Bảng số xe láo, xe ăn cắp và đất Nữu-Ước này cứ kểChevy đen thì có khoảng một trăm ngàn chiếc chớ đâu ít?
CHƯƠNG 3
Sáng thứ Năm,Hagenphải tới văn phòng thanh toán bằng hết công việc để dành trọn thì giờ chuẩn bị tiếp đón Sollozzo. Đây là một công việc sinh tử, bằng không hắn đã chẳng đề nghị triệu tập "Hội nghị gia đình" để tính toán kỹ đề nghị mà đối phương sắp sửa đưa ra. Với týp Sollozzo chẳng thể khinh xuất.
Vụ điều đình cho thằng Johnny thất bại không làm Ông Trùm ngạc nhiên chút nào. Chiều thứ Ba vừa ởHollywoodvề tới nhà, ổng bắtHagenkể lại đầu đuôi câu chuyện tiếp xúc với lão Woltz, không bỏ sót chi tiết nào. Nghe chuyện con bé 12 tuổi, ổng cau mặt chê: "Bẩn thỉu quá" rồi đột ngột hỏiHagen: "...nhưng theo ý mi nhận xét... lão ta có tư cách không, có dám chơi không?"
Sống với Bố Già bao nhiêu năm,Hagenđâu lạ gì ngôn ngữ đặc biệt của Ông Trùm Corleone, cũng như tiêu chuẩn đánh giá người rất đặc biệt của Ông Già này. Những danh từtư cách... dám chơi chẳng hiểu theo nghĩa thông thường. Mà phải hiểu theo nghĩa "giang hồ" là: liệu hắn có phải là người dám gồng mình chịu, dám liều hy sinh bất cứ cái gì một khi danh dự bị đụng chạm, thể diện bị tổn thương? Nghĩa là liệu hắn có dám ăn thua đủ, tới đâu thì tới chỉ vì bị thằng con nít Johnny hạ nhục, do đó phải rửa nhục với bất cứ giá nào?
Hagenmỉm cười: "Chắc bác muốn hỏi... lão có dám chơinhư mình, chơi như dânSicilychính cống... phải không?"
Ông Trùm hể hả gật đầu. Cái thằng thông minh, biết đoán ý, biết chuyện đấy chớ? "Nếu vậy thì.. thưa bácKhông ".
Bố Già chỉ cần biết có vậy. Kể như xong rồi. Một giải pháp sẽ nảy ra, sau một ngày suy tính, cân nhắc. Quả nhiên chiều thứ Tư ổng đã gọi tới, cho chỉ thị rành rẽ để cứ thế mà thi hành. Chỉ thị đó Hagen tiếp nhận và phải mất nửa ngày mới phân phối xong nhưng phục lăn Bố Già, phục sát đất!
Chẳng phải suy tính gì hết, Hagen biết chắc rằng chơi như vậy chơi kiểu đó... thì ông nội lão Jack Woltz cũng phải đầu hàng. Lão không còn cách nào hơn là ô kê lẹ lẹ và kết quả sẽ cho thấy ngay nội buổi sáng hôm sau. Nghĩa là lão sẽ phải phôn tới... mời ông Johnny Fontane tới ký giao kèo đóng phim!
Có phôn thật. Nhưng người kêu tới là Bonasera. Lão chủ nhà giàu cảm ơn rối rít và nhờ thưa lại Ông Trùm là hắn ghi ơn đến muôn đời và chừng nào có việc cần tới chỉ việc một cú phôn là lão sẵn sàng đáp ứng.
Lật tờ Daily News ra quả nhiên thấy hình hai cậu Jerry Wagner và Kevin Moonan nằm nguyên hai trang giữa. Ghê tởm quá, hai đống thịt nằm lù lù chẳng còn hình thù người ngợm. Người nát ngướu ra như vậy mà còn thoi thóp sống được thì nạn nhân phải mạnh sức lắm và có phúc lắm. Điệu này thì không đến nỗi chết đâu nhưng nằm nhà thương cả mấy tháng chắc chắn và còn phải nhờ giải phẩu chỉnh hình vá víu nhiều chỗ.
Hagen bèn ghi sổ tay. Nhớ phải biểu Clemenza cất nhắc chút đỉnh cho đàn em Paulie Gatto. Nó làm ăn coi được. Ba giờ liền sau đó hắn cắm cúi thanh toán cho xong cả đống hồ sơ, báo cáo chi thu của các cơ sở làm ăn trong nhà: Công ty địa ốc, hãng nhập cảng dầu ăn, hãng thầu kiến trúc... Cơ sở nào hiện cũng chỉ kiếm chác chút đỉnh nhưng hết chiến tranh là phải hết!
Mãi loay hoay với những con số, Hagen quên béng vụ Johnny. Mãi đến lúc con nhỏ thư ký cho hay điện thoại Hollywood kêu, hắn mới hồi hộp nhắc phôn lên: "Hagennghe đây"
Giọng trong tê lê phôn hối hả, giận dữ làm sao! Chẳng nhận ra tiếng ai... nhưng còn ai ngoài lão? Jack Woltz gầm lên: "Bọn chó đẻ khốn nạn! Ông tống cha chúng mày vào tù hết, cho chúng mày rũ tù cả đám. Ông chơi chúng mày xả láng, chơi hết nghiệp ông cũng chơi! Thằng Johnny Fontane ông sẽ thiến nó, nhớ vậy quân chó đẻ...."
Hagen tỉnh bơ: "Coi, tôi có cha có mẹ đàng hoàng". Tiếng cúp máy giận dữ. Lão Woltz này hay thực... Vẫn còn biết né, vẫn không dám nhắc đến cái tên Vito Corleone!
Jack Woltz quen lệ ngủ một mình từ 10 năm nay, từ ngày bà vợ từ trần. Cái giường 10 người nằm cũng vừa và phòng ngủ thì đặt máy quay phim còn rộng nhưng chỉ có độc một mình lão. Đâu phải chê đàn bà? Xài nhiều là khác... nhưng ở chỗ khác, giờ khác. Không chơi cái lối ấp hơi suốt đêm cho phí sức. Một vài giờ buổi chập tối là quá đủ... mà phải là thứ gái non, gái rất non mới gợi hứng.
Sáng thứ Năm, không hiểu sao lão thức giấc sớm hơn thường lệ. Cả một căn phòng mênh mông như còn phảng phất hơi sương. In hình ở cuối giường một dáng dấp quen thuộc quá? Vội chống cùi chỏ ngồi lên chú mục nhìn. Thì ra một cái đầu ngựa! Còn ngái ngủ, tay lão quờ quạng bật đèn.
Ôi chao ánh đèn nháng lên cho thấy rõ mồn một và Woltz chết lặng người, như vừa lãnh một cú búa bổ vào đúng giữa ngực, tim nhảy loạn xạ và cứ thế mà nôn oẹ. Coi, con Khartoum! Nhưng chỉ có một cái đầu của nó, một cái đầu đồ sộ lông đen láng. Cái đầu ngựa đứng sững trên vũng máu đặc, mấy sợi gân trắng lòi lòng thòng. Hai lỗ mũi bự còn đóng hơi sương và cặp mắt tròn xoe như hai trái táo lồ lộ tinh anh bây giờ rõ ra nguyên cặp mắt chết, lờ lờ sọng máu.
Sợ choáng người, sợ điếng hồn... lão réo gọi đầy tớ om sòm đoạn vớ tê-lê-phôn chửiHagenầm ĩ. Lão quản gia cuống quít cho gọi bác sĩ, gọi cả ông phó nhưng may quá họ chưa tới ông chủ đã gượng dậy được.
Ôi, cú cắt đầu ngựa này nặng quá, độc quá! Một con ngựa thì có tội tình gì... mà 600 ngàn đô la đâu phải ít... chúng nỡ lòng xuống tay cái rụp. Khỏi cảnh cáo, khỏi nói qua nói lại! Thế này thì còn pháp luật gì, còn trời đất gì... và còn cái gì ngăn cản được chúng nữa, trời! Vậy là chúng dư sức chơi, chúng sẵn sàng chơi và chúng chẳng coi an ninh chung, thám tử riêng ra quái gì?
Muốn cúp cổ conKhartoumđâu phải dễ! Phải có tay trong, phải có người gài sẵn mới có thể ngấm ngầm đầu độc con vật rồi thản nhiên chặt phập cho đầu rời khỏi cổ. Và tà tà xách lên, đặt nhẹ ở cuối giường ông chủ! Mấy thằng canh gác đêm dám khai không nghe thấy gì hết! Còn lâu! Chúng mày không câm thì chúng mày sẽ phải nói, phải khai bằng hết những thằng nào mua đứt chúng mày chơi tao một cú như thế này.
Một người như Woltz mà dại sao? Lão biết Vito Corleone mạnh lắm, mạnh ghê gớm... Nhưng thế lực như lão mà đành chịu thua sao? Giang sơn của lão mà chúng dám giở trò sao, dám ngồi lên đầu lão chắc? Quả thực óc tự tôn, tính tự cao tự đại đã hại Jack Woltz phen này! Chỉ cần xáng một búa cái rụp là có thế lực váng trời cũng phải mở mắt.
Vito Corleone chơi cú này quá rõ rồi. Ra điều bảo thẳng vào mặt lão rằng... mày cỡ lớn thật, mày thế lực thật, mày có Cố vấn Tổng Thống và bồ bịch ông Tổng FBI thì thằng lái buôn dầu ăn gốc Ý hạng bét này muốn lấy mạng lúc nào là mày phải chết lúc ấy. Nếu tao muốn thì mày phải chết!
Điệu này thì chết thực chớ còn mơ hồ gì? Mạng mình kể như nó nắm. Nhưng nó dám lấy mạng mình chỉ vì mình không cho thằng Johnny đóng phim thì trời đất ơi, láo quá! Ai cho phép nó chơi ngang vậy? Có thứ thế giới nào chấp nhận thứ quyền sinh sát láo đến vậy? Thôi đến thế là hết! Mình có tiền, mình có công ty, mình có toàn quyền ra lệnh. Vậy mà mình không được làm theo ý mình! Phải tuân lệnh của nó? Mười lần độc hơn Cộng Sản! Vậy phải chơi lại, đập nát chúng nó. Không thể chấp nhận được!
Bác sĩ ép Woltz uống ít thuốc an thần. Để lão dằn bớt cơn xúc động và suy nghĩ hợp lý hơn. Cái làm lão ngán hơn cả là thằng khốn kiếp Corleone đã khơi khơi ra lệnh cúp cổ một con ngựa đua cả thế giới biết tiếng và trị giá đến 600 ngàn đô la. Ấy là mới sơ sơ dằn mặt đấy. Lão rùng mình... Lão nghĩ giàu sang thế lực như mình thì đàn bà đẹp muốn bao nhiêu chẳng có? Ngoắc tay một phát, chìa tấm thẻ giao kèo ra là xong. Chơi với vua chúa không! Có tiền và biết hưởng thụ đến như lão quả là sung sướng nhất trần gian! Bây giờ mà lăn cổ ra chết thì hết chơi, hết hưởng thụ. Mà rút cuộc mất mạng chỉ vì một đứa con gái thì uổng quá, lão nghĩ thế. Hay là "chơi" thằng Corleone? Có chơi nó cũng chẳng được, chẳng bõ! Ôi, cái tội giết ngựa, dù ngựa đua vô địch 600 ngàn đô la thì trước pháp luật quả thật nhẹ hều! Cũng chỉ là một mạng... ngựa!
Nghĩ đến đó Woltz cười sằng sặc, cười như điên. Cái vụ này mà lọt ra ngoài thì thiên hạ cười lão đến thối đầu, dân California chắc chắn kháo nhau bằng thích. Chịu sao nổi? Vả lại xét cho cùng thì chúng có thể chơi mình thực, chúng thừa sức mà? Thôi, tốt hơn là lo giải quyết êm đẹp cho xong!
Jack Woltz bèn tỉnh táo ra lệnh cho bộ tham mưu thi hành, thi hành cấp tốc. Mấy thằng đầy tớ và cả ông bác sĩ nữa đều phải thề độc là không tiết lộ bí mật. Một thông cáo được gởi đi các báo cho hay ngựa Khartoum đắt nhất thế giới vừa từ giã cõi đời vì một chứng bệnh lạ chắc nhiễm phải trong khi chuyên chở từ Anh sang. Xác nó sẽ được chôn trong trang trại J.W.
Sáu giờ đồng hồ sau, kép Johnny Fontane bỗng nhận được cú phôn của ông giám đốc sản xuất mời sáng thứ hai tuần tới phải có mặt ở phim trường để nhận "rôn".
Ngay chiều tối Hagensang nhà Ông Trùm họp "hội nghị gia đình". Có mặt cả Sonny. Thấy nó coi bộ mệt mỏi nâng ly đá lạnh lên uống,Hagen chán quá. Chắc nó vẫn đi líp với con nhỏ phù dâu. Lại rắc rối nữa.
Ông Trùm ngả người ra ghế phô tơi hút xì gà Di Nobili. Thứ này hút ra gì, Hagen đề nghị ổng đổi gu Havana nhưng Bố Già hút thử chê gắt cổ, chê ho. Đành để nguyên hộp Di Nobili trong phòng.
- Mình đã có hết các chi tiết cần biết chưa?
Hagen "Dạ, có" rồi kéo hộc tủ, lấy ra hồ sơ Sollozzo. Gọi là hồ sơ nhưng thực sự chẳng có biên chép, dấu vết gì đáng ngại. Chỉ giản dị mấy chữ tắt vô hại để ghi nhớ mấy điều quan trọng cho khỏi quên, Hagen coi qua rồi lên tiếng:
- Sollozzo có chuyện nhờ vả gia đình mình. Nó đề nghị mình chung vốn cỡ một triệu đô trở lên và đảm bảo an ninh. Do đó mình sẽ có phần chia, chưa biết bao nhiêu. Đằng sau Sollozzo có gia đình Tattaglia, cũng ăn chia một phần.
Vấn đề nó đề nghị là ma túy. Nó đã nắm gốc sản xuất là mấy nhà vườn trồng thẩu bên Thổ-Nhĩ-Kỳ. Chuyên chở từ gốc sangSicilykhông thành vấn đề. ỞSicily, Sollozzo có lò biến chế nhựa thẩu thành "mọt-phin" và nếu cần, cất luôn thành bạch phiến.Camđoan đến đây vẫn chẳng có gì trở ngại. Cái khó là mang "hàng" vào nội địa Mỹ quốc và phân phối. Và tiền bạc bỏ ra cũng là vấn đề vì xét ra một triệu đô la thời buổi này chẳng phải quơ đâu cũng có!
Hagen khẽ liếc thấy Bố Già nhăn mặt. Ổng ghét cái lối văn chương chủ nghĩa vớ vẩn trong việc làm ăn lắm.
- ... Sollozzo có ngoại hiệu "dân Thổ" vì hai lý do. Một là nó ở bển lâu năm, nghe nói có vợ Thổ Nhĩ Kỳ và mấy mặt con. Hai là nó chơi dao rất chì, ít nhất cũng có một thời tung hoành bằng dao... nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi nghề nghiệp, khi không thể xài biện pháp gì khác. Rất có khả năng, không làm cho ai, dưới quyền ai. Có hai tiền án: một ở Ý, một ở Mỹ. Ai cũng biết về ma túy nó là gốc bự. Mình có lợi ở điểm này, xét vì nó chẳng thể "bán đứng" nổi, nó có tố cáo cũng chẳng ai nghe. Có vợ Mỹ, ba con nuôi nấng tử tế. Nó chưa đứng ra làm. Nó chỉ làm khi sơ sẩy vợ con nó đảm bảo ấm nó.
Ông Trùm vừa kéo khói xì gà vừa hỏi:
- Santino, mi nghĩ sao về vụ này?
Thằng Sonny nghĩ sao... thì Hagen biết từ khuya. Xưa nay cứ phải núp bóng Bố Già hoài. Nó vẫn muốn có một cái gì để làm xếp... thì vụ này nó chịu quá còn gì! Trước khi trả lời, nó làm một hơi Whisky.
- Cái chất bột trắng này ra tiền. Song cũng nguy hiểm không vừa. Dính là dám hai mươi năm như chơi! Theo con nghĩ nếu mình không phải bắt tay vô mà chỉ xuất vốn và đứng bên lề vận động, chạy chọt là một ý kiến hay.
Thằng này khôn!... Những điều nó nói toàn sự thực ai cũng biết. Hagen thấy Sonny khoái vụ này rõ. Mà nó nói đúng.
- Còn mi... mi nghĩ sao Tom?
Khó nói quá! Biết Bố Già thế nào cũng từ chối... không lẽ bây giờ nói "nên làm"? Xét ra Nên mới đúng. Đồng ý Bố Già xưa nay chưa hề có một quyết định sai lầm. Nhưng phải công nhận là lâu lâu ổng có vẻ... hơi lạc hậu, không viễn kiến chút nào!
- Mi nghĩ sao cứ thành thật nói ra, Consigliori mà? Một thằng Consigliori chính gốc Sicily cũng bất đồng ý kiến với Ông Trùm là thường mà? Tom? Ba người cùng cười hề hề.
- Theo ý cháu... bác nên ô-kê! Tại sao nên thì Bác biết rõ rồi. Cháu chỉ nhấn mạnh vụ lợi tức. Vì chẳng có ngành nào ngon ăn bằng ma túy. Mà mình không làm thì thằng khác làm, có thể bọn Tattaglia. Chúng sẽ nhảy vô liền. Lợi tức nhiều thì thế lực lớn, chúng sẽ tung tiền ra mua cớm, mua chính khứa. Chúng sẽ mạnh hơn mình, qua mặt mình. Chừng đó chúng sẽ ăn bớt... và dám nuốt sống mình luôn. Căn bản của luật mạnh, yếu là thế mà! Cho nên bây giờ mình còn thế mạnh mình còn nắm vững hai mục ngon nhất làsòng bạc vànghiệp đoàn. Nhưng so với lợi tức của ma túy thì chỉ là hạt bụi. Vậy ý cháu là mình phải nhào vô ăn có với chúng... Bằng không chúng đớp trọn và sau đó sẽ nuốt luôn mình. Cái nguy hiểm nằm ở chỗ đó. Chẳng phải bây giờ mà... 10 năm nữa kìa!
Ông Trùm ngồi yên lặng kéo khói nhưng quả thực quan tâm lâu lắm. "Đúng, đó là vấn đề quan trọng, tối quan trọng!... Mai mấy giờ thằng khốn tới đây?" - Cháu đã hẹn nó 10 giờ sáng.
Hagenthấy có tia hy vọng. May ra Bố Già đổi ý không chừng. Ông đứng dậy và kéo tay Sonny. "Vậy sáng mai hai đứa mi cũng có mặt ở đây. Thằng Santino coi phờ phạc quá. Đêm nay mày ráng ngủ cái coi? Mày phải liệu đấy, có ai trẻ trung, mạnh khoẻ mãi mãi bao giờ"?
Thấy bữa nay được bố cưng, Sonny đánh bạo hỏi một câu mà chínhHagencũng muốn hỏi lắm mà không dám: "Bố à, bố quyết định sao về vụ này?". Ông Trùm mỉm cười:
- Coi, quyết định gì được... khi chưa biết tỷ lệ lợi tức, chưa rõ hết mọi chi tiết? Vả lại tao còn phải suy nghĩ về những ý kiến thằng Tom vừa đưa ra. Vội vàng, lớp chớp sao được mi?
Rồi thủng thỉnh đi ra cửa, Bố Già nhắc khéoHagen... "Hồ sơ, mi có ghi khoản này không Tom? Là hồi trước thế chiến thằng Sollozzo từng khai thác mãi dâm... cũng như gia đình Tattaglia hiện giờ. Nếu sơ sót nhớ bổ túc vô cho khỏi quên nghe?" Ông chỉ nhẹ nhàng "nhắc cho khỏi quên" màHagenđỏ bừng mặt! Hắn đâu có quên? Hắn cố tình sơ sót. Cứ kể như "chẳng có gì quan trọng". Chẳng có gì quan trọng thực, nhưng với Bố Già thì khác. Xưa nay ổng tối kỵ những mụcbẩn thỉu. Để vô có khi chỉ vì chút xíu đó mà ổng gạch bỏ chương trình làm ăn thì sao?
Virgil Sollozzo tự Sollozzo đường Thổ trông cứ như dân Thổ-Nhĩ-Kỳ thứ thiệt. Nước da nâu bánh mật, người tầm thước, to ngang, mũi khoằm khoặm đôi mắt thật đen và thật dữ. Trông nó có nét oai vệ thiệt tình.
Sonny ra cửa đón khách và hướng dẫn vô văn phòng, Ông Trùm vàHagenchờ sẵn. Chủ khách bắt tay nhau thân thiết. Cảm giác đầu tiên củaHagenlà thằng này rõ ràng có chất cô hồn, chỉ thua Luca Brasi chút đỉnh. Nếu Bố Già có hỏi thì phải công nhận ngay là Sollozzo thuộc týp "dám ăn dám chịu" và để lộ hẳn ra... coi còn ngon hơn, hùng hơn ổng là khác! Nhưng so sánh vậy đâu được vì ổng thuộc thế hệ già, bình dị hơn, nông dân hơn, ngay cái vụ tiếp khách cũng rõ ra một bố-già nhà quê. Chưa thấy ai vô đề thẳng thừng như thằng Sollozzo. Nó xác nhận ngay là làm ăn ma túy. Cái gì cũng thu xếp xong, chu đáo cả rồi. Vườn thẩu Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo số lượng cung cấp hàng năm. Mang sang Pháp có lò chuyển thành mọt-phin an toàn và bênSicilycó cơ sở phụ trách chế biến tiếp thành bạch phiến tinh chất. Vấn đề kho "hàng", chuyển vận "hàng" khỏi phải đặt ra, trong khu vực này kể như líp. Nhưng "hàng" làm sao chuyển sang đất Mỹ mới là khó. Cứ cho là trung bình hư hao 5% đi vì chẳng có cách nào "lo lót" FBI hết. Nhưng vẫn lời nhiều, lời vĩ đại... khỏi lỗ.
- ... Nếu vậy thì mấy ông cần đến bọn tôi làm gì? Bọn tôi có làm gì đáng để chia phần?
Sollozzo nghiêm trang giải thích:
- Dạ có chớ? Trước hết tôi cần vốn, cỡ hai triệu đô tiền mặt. Sau cần có một nhân vật thần thế, quen biết lớn. Mấy thằng em "đi hàng" tránh sao khỏi sơ sẩy? Tôi chọn toàn những thằng chưa hề có "phích", đảm bảo chưa hề cóphích – để lỡ có bị vồ thì ra toà, ông toàcủa mình còn có thẩm quyền và lý do để xử nhè nhẹ tay một chút. Mình sẽ vận động để thằng nào dính là 1 hay 2 năm thôi. Có đảm bảo vậy thì chúng mới câm. Chớ 10 năm, 20 năm thì chúng rét... chắc chắn sẽ khai tùm lum, đổ bể hết. Hư việc mà có thể dây dưa tới tận gốc. Do đó không bảo đảm từ ngọn là không xong. Về mặt pháp lý thì tôi nghe anh em giang hồ ca tụng Ông Trùm Corleone trong túi có nhiều ông toà.
Còn một sự "bốc" nào cao điệu hơn? Ông Trùm chẳng màng mà đặt vấn đề ngay bong: "Phần chia của bọn tôi... bao nhiêu phần trăm?"
Sollozzo đáp gấp "Năm mươi". Mắt nó sáng lên, tính toán rất ngọt rằng: "Năm mươi phần trăm thì nội năm đầu cũng 3 triệu, 4 triệu rồi. Còn vô nhiều, nhiều nữa!" - ... Còn phần chia của cánh nhà Tattaglia?
- Cái đó tính phần tôi. Tôi cần phải có... yểm trợ về mặt làm ăn...
Nãy giờ mới thấy Sollozzo hơi lúng túng một chút. Biết vậy, Ông Trùm gạn hỏi lại:
- Nghĩa là bên tôi được chia 50%, nhờ chút vốn bỏ ra và lo bảo đảm pháp lý. Có vậy thôi, còn bao nhiêu việc khác khỏi lo tới, phải vậy không?
- Nếu 2 triệu đô la đối với Ông Trùm chỉ là "chút vốn bỏ ra" thì tôi xin ngỏ lời ngưỡng mộ!
- Bây giờ đến lượt tôi cho biết ý kiến... Sáng nay ông Sollozzo có mặt ở đây một phần vì chỗ giao hảo giữa bọn tôi và gia đình Tattaglia và một phần vì tôi cũng nghe nói ông là người làm ăn đứng đắn, đàng hoàng. Đề nghị của ông tôi phải từ chối nên phải giải thích cho đôi bên thông cảm chớ? Đồng ý là vụ đó lời vô số kể... nhưng nguy hiểm cũng khó lường. Nếu tôi đi chung với ông được mặt này thì hỏng nhiều mặt khác. Tôi có nhiều anh em quen biết trong giới thẩm quyền thực... nhưng nếu tôi đụng đến ma túy thì hết anh em. Mở sòng bạc được, bất quá tệ hơn nấu rượu một chút, họ sẵn sàng che chở. Ma túy thì không. Nếu họ không che chở thì dính vô địa hạt ma túyđối với bọn tôi thật lợi bất cập hại, do đó không thể làm ăn chung với ông được, chắc ông thông cảm? Mười năm nay người nhà tôi lớn nhỏ làm ăn suông sẻ, trót lọt... Không thể vì một mối lợi mà bắt anh em mạo hiểm.
Nếu cặp mắt nó không loáng nhoáng nhìn hết Sonny rồi Hagen để có ý chờ "đồng minh" lên tiếng nói đỡ giùm thì chẳng có ai có thể hiểu là Sollozzo thất vọng! Nó thủng thỉnh hỏi:
- Ông Trùm không sợ mất hai triệu vốn bỏ ra chớ?
- Không, hoàn toàn không!
- Bề nào cũng còn gia đình Tattaglia bảo đảm nữa!
Đúng lúc ấy Sonny bỗng chen vô một câu. Một lỗi quá trầm trọng. Nói leo đã bậy mà mù tịt không biết gì cũng đòi nói thì chẳng tha thứ nổi. Nó xớn xác hỏi:
- Bộ bọn Tattaglia bảo đảm số vốn bên tôi bỏ ra mà không đòi chia chác gì sao? Nó buông có mỗi một câu đó mà Hagen hoảng hồn. Ông Trùm chỉ lạnh lùng đưa mắt nhìn thằng con cả, không nói không rằng làm cu cậu chỉ choáng cả người, sợ co vòi nhưng chẳng hiểu ất giáp gì nên cứ ngồi ngay mặt. Rõ ràng cặp mắt Sollozzo bỗng nháng lên, hoan hỉ. Nó đã chớp ra được một kẽ hở tối yếu của gia đình Corleone. Nó không nói nhưng Ông Trùm biết. Bèn mắng át đi:
- Mấy thằng nhỏ bây giờ... cứ thấy lợi mà ham. Nói bừa nói leo, hết tôn ti trật tự! Cũng tại cưng chiều quá đâm hư hết! Xin ông Sollozzo hiểu cho... tôi buộc lòng phải từ chối làm ông buồn. Nhưng riêng tôi, xin có lời chúc ông được làm ăn phát đạt. Mình vẫn cứ thân thiện vì mỗi người mỗi ngành đâu có dẫm chân nhau?
Sollozzo đứng lên, cúi đầu bắt tay từ giã và theo Hagen đi ra. Mặt nó tỉnh bơ Hagen vừa trở lại. Ông Trùm hỏi ngay: "Mi thấy nó thế nào?" - Nó Sicily chính cống!
Ông Trùm gật đầu ngồi suy nghĩ một hơi trước khi quay sang cho thằng con cả một bài học:
- Mày nhớ nghe Santino! Chớ có để cho người khác thấy được đầu óc mày. Tay chân mày có cái gì cũng không nữa! Có lẽ ít lâu nay mày mải đóng trò mùi mẫn với con nhỏ đó nên đầu óc mày yếu xèo chắc? Bỏ đi. Lo làm ăn đi! Bây giờ cút đi đâu thì cút cho khuất mắt tao.
Bị bố la, Sonny ngớ mặt ra một lúc rồi ấm ức. Bộ nó tưởng nó cặp con nhỏ cách vậy mà qua mặt nổi Bố Già? Nó ngu đến nỗi không biết là vừa hỏi ngớ ngẩn một câu mà tai hại vô vàn cho cả gia đình? Ôi, một thằng ngu như vậy thì có nó một bên chỉ có hại, hại vô phương cứu gỡ!
Đợi cho nó cút khỏi Bố Già mới chán nản gieo mình xuống ghế phô tơi, đưa tay ngoắc Hagen. Biết điệu, hắn pha gấp một lyanisette bưng lại, Ông Trùm ngước lên dặn:
- Mi kiếm Luca Brasi cho tao gấp.
Ba tháng sau, lễ Giáng sinh gần kề nên ngồi ở văn phòng Hagen mở hết tốc lực, làm mau mau cho hết việc để chiều nay ra về sớm một chút mua tí quà cho vợ con. Đang bận bù đầu thì thằng Johnny Fontane còn phôn sang, khoe nhắng lên là cuốn phim đang quay cừ lắm, nhiều trò xôm lắm. Nó khoe luôn đã mua biếu Bố Già một món quà Giáng sinh kinh khủng lắm, cam đoan ngó thấy dám lé liền. Nó sẽ đích thân đưa tận tay Bố Già nhưng phải đợi làm xong hết mấy vụ lặt vặt đã.
Nghe Johnny đía tùm lum hắn mấy lần toan cúp máy nhưng lại thôi. Thằng này có khoa tán tỉnh hay sao mà đang nóng lòng cũng cứ "chuyện dứt không ra?" Nó lại còn làm Hagen nôn nóng muốn biết món quà gì, hỏi nó để nó ấm a ấm ớ là "Bí mật... vô cùng bí mật" nữa! Chán quá, Hagen bèn kiếm cách cúp.
Cỡ 10 phút sau, Connie gọi tới. Con nhỏ này hồi còn ở nhà dễ thương bao nhiêu thì đi lấy chồng nhiều chuyện bấy nhiêu. Cứ than phiền chuyện chồng con hoài. Hai ba ngày lại bò về nhà một lần.
Mà chồng nó, thằng Carlo Rii xem ra cũng vô tài, bất đức và vô duyên. Có một cơ sở mần ăn ranh con, con nít làm cũng được, giao cho nó để kiếm cơm ăn hàng ngày nó cũng điều khiển không xong. Lỗ mới tức cười chớ?
Đã thế nó còn nhậu nhẹt, đánh bạc và chơi điếm tùm lum. Lâu lâu về đập vợ một mách ra gì! Con nhỏ cũng đâu dám mách ai, bất cứ ai về vụ chồng hành hạ? Chỉ có một mình anh Tom là nó dám thở than. Cũng may là hôm nay nó không phôn lại để khóc lóc hay mách anh Tom điều gì... mà chỉ hỏi ý kiến nên mua thứ quà gì để mừng bố, mừng 3 ông anh. Quà của mẹ thì nó có ý kiến rồi! Tom đề nghị món nào nó cũng gạt đi nên sau cùng bực quá Tom phải la lên nó mới chịu cúp máy.
Hagen nhất định mặc áo ra về, chuông điện thoại cũng không nghe nữa nhưng khi con thư ký cho hay cậu Michael phôn tới thì hắn lại vui vẻ, hoan hỉ nhấc máy lên.
- Tom hả? Ngày mai, Kay và tao tính về Nữu-Ước. Có chuyện muốn nói ông già... trước ngày Giáng sinh. Liệu tối mai ổng có nhà hay đi đâu?
- Coi, suya là có ổng! Có đi đâu cũng phải về sau ngày lễ chớ? Có chuyện gì đó? Nhờ vả gì tao không?
- Không! Tụi mình ngày lễ sẽ gặp nhau. Cả nhà về Long Beach chớ? Nghe hắn "Ừ" là thằng Michael cúp máy liền. Hagen xưa nay chịu nó ở khoản ít lời, đàn ông khỏi có nói vớ vẩn. Nó kín tiếng in hệt Bố Già.
Trước khi ra về Hagen dặn cô thư ký phôn về nhà cho vợ hắn hay sẽ về trễ nhưng vẫn ăn cơm nhà. Ra khỏi bin-đinh là chăm chú đi tới nhà hàng bách hoáMacy. Bỗng nhiên có kẻ chận đường và kẻ đó lại là Sollozzo!
Nó nắm cứng tay Hagen khẽ nói: "Tôi có chút chuyện với ông bạn. Khỏi sợ hoảng". Hất tay nó ra, hắn chẳng thấy sợ mà chỉ bực mình "Tôi mắc bận". Có hai thằng cô hồn lù lù đằng sau làm Hagen hơi hoảng, đầu gối đã thấy yếu. Nhưng Sollozzo vẫn nhỏ nhẹ: "Lên xe đi! Nếu tôi muốn chơi thì ông bạn đâu còn sống được nữa? Phải không?"
Hagen đành lên xe vậy.
Cú phôn vừa rồi Michael cố tình bịp Hagen. Sự thực hắn đã về Nữu-Ước rồi, đang ở phòng đằng lữ quán Pennsylvania, cách có 10 dãy nhà. Buông phôn xuống là được em Kay khen ngay: "Nói dóc hay quá"
Michael xề xuống giường cạnh nàng: "Tại em hết! Nói về rồi thì phải về nhà, bỏ em ở đây cho ai? Ở đây mình tự do đi ăn cơm, đi coi hát và về ngủ với nhau. Chớ ở nhà là kỵ! Chưa cưới là khỏi ngủ chung nghe!"
Michael ôm hôn em bé, nghe môi Kay ngọt lịm là dằn ra giữa giường. Mắt Kay nhắm lại, sẵn sàng chấp nhận ái ân và Michael cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Bao nhiêu năm đánh nhau tơi bời, đánh rùng rợn trên mấy hòn đảo Thái bình dương chỉ mơ ước một hình bóng mỹ nhân, một người đàn bà như thế này đây. Mình dây, da mềm mại và đụng yêu là bốc lửa.
Kay mở mắt ra, chớp chớp và ôm đầu chàng kéo xuống hôn mùi mẫn. Họ ôm cứng lấy nhau và yêu nhau cho đến lúc phải đi ăn cơm, coi hát. Ở nhà hàng ra, hai đứa đi ngang qua khu cửa tiệm sáng trưng, đầy quà Giáng sinh. Michael âu yếm hỏi:
- Nào, em khoái cái gì để anh mua tặng nào?
- Mình anh đủ rồi! Anh... anh liệu ông già có chịu em không?
- Cái đó thực không ngại... Ngại phía ông già bà già em kìa!
- Em khỏi cần.
Michael nói nửa đùa, nửa thực:
- Ngay cái tên họ anh lắm lúc anh cũng muốn đổi phức. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại nếu có chuyện gì xảy ra thì có đổi cũng chẳng có nghĩa lý gì. Nên mới thôi đấy. Còn em nhất định muốn nhập họ Corleone thật sao?
Kay nói "nhất định" rất đứng đắn. Hai đứa đi sát vào nhau, bàn vụ đám cưới ngay trong tuần Giáng sinh. Ra Toà Đốc lý làm thủ tục có hai đứa bạn làm chứng đủ rồi... nhưng dù sao cũng phải cho ông già hay. Michael cam đoan cái gì ổng cũng ô-kê hết, miễn đừng có lén lút. Kay không tin. Nàng đề nghị cưới đã rồi cho ông già bà già biết sau. "Thế nào ông cụ bà cụ chẳng cho là có bầu?"
Có một điều cả hai cùng không đá động tới là lấy vợ kiểu này Michael đành phải cắt đứt mọi liên lạc gia đình. Như thế này cũng đã cúp phần nào còn gì? Hai đứa cùng không muốn. Họ bàn nhau hai đứa chỉ làm vợ chồng thứ Bảy, Chúa nhật và mấy tháng nghỉ hè thôi để học cho xong Đại Học. Thế cũng sướng chán!
Vô coi hát, tuồng ca nhạc kịchCarousel có gã ăn trộm mồm mép tía lia làm hai đứa nhìn nhau cười ngất. Chừng ở rạp hát ra trời khuya lạnh quá, Kay nũng nịu bá vai bá cổ chàng "Coi, bọn mình cưới nhau rồi... anh dám đập em và chạy theo một con đào hát lắm! Dám không?"
Michael cười: "Lấy nhau xong anh sẽ đi dạy học, dạy Toán! Nhưng bây giờ em đói chưa? Đi ăn một cái gì đi?"
Kay ngó chàng lắc đầu. Điệu này con nhỏ chẳng thiết cái gì... ngoài cái vụ đó! Biết ý, Michael cười, thưởng một cái hôn. Thôi cứ về phòng, có đói kêu săng-uých lên cũng được.
Về tới lữ quán, Michael đẩy Kay đi tới sạp báo mua ít tờ lên coi, chàng đi lấy chìa khoá phòng. Đợi lấy được cái chìa khoá xong chưa thấy Kay trở lại. Coi, con nhỏ làm gì lạ không kìa? Trước sạp báo cứ đứng sừng sững người ra như trời trồng để đọc cái quái gì không biết? Michael chạy lại thì nó chìa tờ báo ra, mặt đầm đìa nước mắt: "Coi, anh coi này?"
Michael vội cầm tờ báo. Hắn tối mắt tối mũi vì tấm hình Bố Già nằm gục lề đường, phía dưới đầu là vũng máu lênh láng. Có thằng nào ngồi kế bên bụm mặt khóc như con nít. Thằng Fred, anh hắn chớ còn ai? Michael có cảm giác vụt biến thành cây nước đá lạnh. Không cuống quít sợ hãi, không thương xót... mà chỉ căm thù. Chỉ hận đến tái tê người.
Hắn phải đỡ Kay vô thang máy, lên phòng. Không nói không rằng Michael ngồi xuống giường mở rộng tờ báo ra coi. Mấy hàng tít bự như đập vào mặt hắn: "Xếp sòng Vito Corleone bị ám sát, thương tích cực kỳ trầm trọng. Đang phải chịu giải phẫu gắp đạn. Cảnh sát canh chừng cẩn mật. Dám đổ máu lớn trong giới giang hồ".
Lúc bấy giờ Michael mới thấy mệt! Hắn bảo Kay: "Chưa, bọn chúng chưa hạ nổi ổng". Theo tin các báo thì Bố Già bị chúng rình chơi vào đúng 5 giờ chiều, đúng vào lúc Michael đang ôm ấp nàng, hai đứa cặp kè nhau bát phố, coi hát, ăn cơm. Coi, giữa lúc bố bị bắn gần chết thì thằng con... vậy đó! Michael hối hận, cảm thấy tội lỗi đầy người!
Kay đề nghị: "Bây giờ tụi mình đến nhà thương nghe?"
Michael lắc đầu: "Không, để anh phôn về nhà cái đã! Mấy thằng làm vụ này điên đầu. Nghe tin ổng thoát chết là tụi nó rét lắm lắm. Biết đâu tụi nó không liều mạng làm tới nữa?"
Ở Long Beach nhà có hai số phôn mà gọi hoài không được. Phải 20 phút sau, mới có tiếng Sonny ở đầu dây. Nhận ra Michael, hắn mừng quá:
- Coi, mày đấy hả? Trời đất ơi, cả nhà đang lo! Mày ở đâu đấy? Tao có sai mấy đứa cấp tốc đi kiếm mày tùm lum.
- Ông già bịnh tình sao? Nặng lắm không?
- Nặng lắm chớ? 5 cú liền mà... nhưng ổng không chịu thua chúng. Ổng không chết, bác sĩ bảo vậy! Tao còn bận lắm, cúp nghe? Mày đang ở đâu?
- Ở Nữu-Ước. Bộ thằng Tom không nói lại sao?
Giọng Sonny hạ thấp hẳn:
- Tom bị tụi nó vồ chưa có tin gì cả nên cả nhà mới lo cho mày chớ? Vợ nó ở đây này nhưng chẳng biết gì hết, Cảnh sát cũng vậy. Càng hay! Bọn chúng làm cú này điên đầu hết cả! Vậy mày mau bò về nhà gấp, chớ có hó hé gì hết, nhớ chưa?
- Ô-kê! Mà bọn nào làm biết chưa?
- Dĩ nhiên biết. Đợi tin Luca Brasi coi sao... rồi chúng nó có chạy lên trời! Người của mình nhiều quá mà?
- Rồi, cỡ 1 giờ nữa tôi sẽ về nhà. Đi tắc-xi...
Michael gác máy lên suy nghĩ. Vụ này báo đăng ít ra cũng 3 giờ rồi, ra-đi-ô, ti-vi thế nào chẳng loan tin? Thằng Luca Brasi không thể không biết... vậy sao chưa có tin gì về nó? Nó ở đâu? Tại sao chưa thấy nó?
Những câu hỏi làm cho Michael thắc mắc. Đúng lúc ấy Hagen cũng thắc mắc in hệt. Và ở tuốt bên Long Island, cậu cả Sonny Corleone cũng đang điên đầu chỉ vì tại sao không nghe tung tích, không thấy tăm hơi Luca Brasi kìa?
Chiều hôm ấy, cỡ 5 giờ thiếu 15 là Ông Trùm coi xong mớ sổ sách lão quản lý công ty nhập cảnh dầu ăn đệ trình. Mặc áo vô, ổng khõ đầu thằng Fred đang chúi mũi đọc báo: "Mi bảo thằng Paulie đánh xe ra sẵn. Cỡ vài phút nữa bố con mình về". Thằng Fred càu nhàu: "Con xuống... chớ thằng Paulie từ sáng có đi làm đâu? Nó phôn tới kêu đau, xin nghỉ mà? Lại đau nữa!"
Ông Trùm lắc đầu suy nghĩ: "Coi, tháng này nó xin nghỉ, nó bịnh tới ba lần rồi. Mi lo kiếm thằng khác thế đi. Đừng có mai ốm, mai đau phiền lắm. Bảo thằng Tom nghe?"
Fred không chịu. Nó nói ngay: "Khỏi, bố à! Thằng Paulie nó đàng hoàng. Nó nói ốm là ốm thiệt. Để con lái xe đưa bố cũng được mà?"
Nó nói là đi liền. Đứng cửa số, Ông Trùm thấy bóng Fred tất tả băng ngang đại lộ số 9, sang chỗ để xe. Quay vô gọi điện thoại cho văn phòng Hagen không được, gọi về nhà cũng không được. Bực bội ngó ra cửa sổ đã thấy chiếcBuick đậu sẵn đằng trước, thằng Fred đứng dựa lưng vô cửa xe ngó thiên hạ tíu tít đi mua bán. Thằng quản lý mau mắn đỡ chiếc áo khoác ngoài cho Ông Trùm mặc vô. Ông cảm ơn đoạn lật đật xuống thang, bước ra cửa.
Trời vào đông có khác, giờ này đã xâm xẩm tối. Thấy bóng ổng đi ra, Fred vòng một tua mở cửa xe chui vô chờ. Ông Trùm sắp lên xe thì chần chừ quay lại. Mua mấy trái cây cái đã. Ít lâu nay ổng khoái trái cây trái mùa; mấy trái cam trái đào tươi tuyệt diệu! Thằng bán hàng chạy ngay ra và ổng đưa tay trỏ trái nào lấy trái ấy, trừ một trái phía dưới bị ủng thì để sang một bên. Ông Trùm đỡ túi trái cây, đưa tờ 5 đô và lấy tiền thối bỏ túi.
Vừa quay lưng định ra xe thì có hai thằng chợt ló mặt ra. Thấy chúng từ sau sạp trái cây bước ra là Ông Trùm có linh tính liền. Hai thằng mặc áo ngoài đen, mũ nỉ đen đội sụp xuống cố ý che phân nửa mặt. Chúng đâu dè ổng phản ứng lẹ quá vậy? Ổng liệng túi trái cây chạy như bay ra chiếcBuick, lẹ như sức trai vậy, miệng la lớn: "Fred... Fred con!" Lúc bấy giờ 2 thằng kia mới kịp rút súng nổ.
Chúng nổ liên tiếp. Phát đầu Ông Trùm bị ngang lưng, bị như búa bổ, bị đẩy nhào tới. Hai phát sau trúng bụng hết nên ổng té nằm vật ra đường. Hai thằng lật đật rượt theo, gặp đống trái cây văng la liệt chỉ sợ trượt té. Chúng nhào tới toan kết thúc đúng lúc thằng Fred nghe tiếng bố kêu từ trong xe nhào ra. Thế là chúng nhắm đại vào người ổng đang nằm còng queo kề miệng cống thảy 2 phát nữa: một ghim vô bắp tay, một trúng bắp chuối chân mặt. Hai chỗ này ăn thua gì nhưng máu ra lênh láng dễ sợ. Ông Trùm ngất luôn, đâu còn biết gì nữa?
Thằng Fred nghe tiếng bố kêu tên và nghe hai tiếng súng rõ nhưng lúc ở xe chui ra, nó cuống quá, sợ quá không rút nổi khẩu súng. Nếu hai thằng kia tính chơi thì nó bị rồi nhưng chúng hoảng hồn. Cũng ngán vậy chớ? Chúng biết thằng Fred có súng vả lại chơi bấy nhiêucó lẽ đủ rồi, chậm chân dám bị bắn lắm nên bảo nhau chuồn êm. Ông Trùm nằm sóng soài trên vũng máu và thằng Fred cuống quít đứng bên, không biết phải làm gì? Người đi đường dừng lại, người trong nhà túa ra. Họ bu tới coi, đứng tụm năm tụm ba bàn tán. Trong khi đó thấy bố nằm cong queo máu ra ghê quá, thằng Fred hết hồn. Nó đứng ngẩn ngơ, chết lặng người và nếu không có người trông thấy đỡ kịp nó dám té xỉu luôn.
Fred được đặt ngồi đại trên vỉa hè và nó sợ thất thần, ngồi ngay như phỗng đá. Lúc thiên hạ bu quanh coi thì một xe Cảnh sát cứu cấp rú còi chạy tới làm họ dạt ra hết. Chiếc "ra-đi-ô-car" của báoDaily News bám theo sau, một thằng phóng viên nhiếp ảnh nhào xuống bấm máy lia lịa, nhằm Ông Già đang nằm bất tỉnh. Rồi nó quay sang một gã đàn ông bận đồ lớn, mặt to tai lớn trong thật dềnh dàng dễ nể nhưng khóc bù lu bù loa như con nít, nước mắt nước mũi chàm ngoàm trông vừa tức cười vừa chẳng ra thể thống gì.
Xe cứu thương chạy tới, nạn nhân được khiêng đi. Xe Cảnh sát chạy tới ào ào, nhân viên bủa ra lăng xăng. Một gã cớm chìm chạy tới hỏi Fred, nhưng nó thẫn thờ cóc biết gì đành phải móc ví nó ra coi giấy tờ. Chừng biết nó là ai thì lập tức một toán cớm chìm lo "lập hàng rào" gấp! Một thằng mò lấy khẩu súng nó vẫn đeo trong bao da dưới nách. Rồi mấy thằng hè nhau xốc nó lên chiếc xe bót mang số ẩn tế, chạy vù đi. Chiếc ra-đi-ô-car của nhà báo đeo dính, bỏ thằng nhiếp ảnh viên ở lại làm nhiệm vụ, nghĩa là bấm máy lia lịa, chụp loạn xà ngầu.
Nửa giờ sau vụ ám sát Ông Trùm là Sonny ngồi nhà nhận liên tiếp năm cú phôn. Cú thứ nhất của thầy chú John Philips, người nhà nước nhưng lãnh lương tháng của Ông Trùm. Hắn ở toán cớm chìm số một có mặt sớm nhất mà?
Đang ngủ trưa quá trễ bị vợ dựng dậy, Sonny sợ choáng người. Ông Già bị chúng chơi nặng lắm, chở vô y viện Pháp rồi, không biết sống chết thế nào. Thằng Fred còn bị cớm chìm hốt về quận Chelsea, nó sợ lạc tinh thần, phải nhớ lo gấp nó ra ngay đi.
Sandra thấy chồng nghe phôn không biết có tin gì mà thình lình mặt đỏ tía tai, mắt long lên dễ sợ quá. Hất hàm hỏi, hắn gạt phắt mà còn quay đi, hỏi gặng trong máy: "Chắc chắn... còn sống chớ?"
- Chắc chắn. Tôi đứng kế bên. Mất máu nhiều coi dễ sợ lắm nhưng tính mạng thực sự coi không đến nỗi nào!
- Rồi, 8 giờ sáng mai lại đây. Sẽ có thưởng...
Đặt máy xuống, Sonny cố dằn không cho cơn giận bốc lên. Tính hắn xưa nay nóng quá dễ hư việc. Mà hư việc lần này thì chết. Bèn quay máy gọiHagencái đã. Chưa nhấc ống lên chuông đã reo lần thứ 2.
Thằng em bao đề khu đó hối hả báo cáo. Chúng vừa chơi Ông Trùm nằm ngay đơ giữa đường. Chết rồi. Sonny vặn hỏi vài câu là biết ngay cu cậu chỉ đứng xa xa ngó... Làm sao đúng bằng thầy chú Philips.
Chuông reo lần thứ ba, hắn nhấc phôn lên nghe báo danh "Đây nhà báoDaily News " là hắn cúp máy cái rụp.
Gọi lại nhàHagenthì vợ hắn cho biết hắn vẫn chưa về. Đành phải dặn "Nó về bảo tới ngay. Cần lắm nghe!" Sonny ngồi một mình suy tính. Chẳng hạn Ông Già gặp trường hợp này phản ứng thế nào. Hắn biết vụ này không ai ngoài thằng Sollozzo. Chính nó chơi. Nhưng cỡ nó chẳng dại gì chống đối với một Ông Trùm. Còn ám sát thì cha nó cũng không dám nghĩ tới! Phải có một thế lực, một nhóm khá mạnh đứng sau lưng yểm trợ ngầm thì thằng Sollozzo mới dám chơi liều mạng.
Sonny giật mình vì cú phôn thứ 4. Giọng thằng nào ở đầu dây nghe lịch sự êm ái quá! "Phải ông Santino Corleone không ạ? Cho ông hay là ông Tom Hagen hiện ở trong tay bọn tôi và 3 giờ nữa sẽ ra về, mang theo một đề nghị. Trước khi biết cái đề nghị đó xin chớ vọng động, bằng không sẽ có đổ máu lớn, vô ích. Đằng nào thì sự việc cũng đã rồi và chuyện làm ăn thì đâu còn đó. Biết tính ông nóng lắm bọn tôi phải dặn hờ đó vậy đó". Nó cố ý sửa tiếng giễu cợt thật đểu... Nghe giọng điệu có vẻ Sollozzo lắm! Hắn cố dằn "Được, tôi sẽ chờ" rồi cúp máy. Nhìn đồng hồ Sonny ghi giờ ngay cho khỏi quên.
Lúc hắn mò xuống bếp mụ vợ hỏi ngay: "Cái gì đó mình?" Hắn bình tĩnh: "Ông Già bị chúng bắn". Thấy nó hốt hoảng, sợ xanh mặt, Sonny phải trấn an: "Ổng không chết! Đừng bấn lên chớ. Không có gì nữa đâu mà sợ hoảng!"
Chẳng nên cho nó biết vụHagenlàm gì, Sonny nghĩ vậy đúng vào lúc chuông reo lần thứ năm: Clemenza gọi lại. Coi, giọng lão sao như nghẹt thở vậy kìa? Lão hỏi biết vụ ông Già chưa? Sonny bèn nói: "Nhưng ổng không chết, vậy mới hay!"
Đầu dây đằng kia lặng đi một chút rồi có hơi thở hổn hển: "Có thật không? Thật vậy hả? Tạ ơn trời đất. Tao nghe ổng bị gục ở giữa đường, "đi" luôn rồi mới sợ chớ!"
Sonny xác nhận: "Ổng còn sống" sau khi chú ý nghe để phân tích giọng điệu của lão này. Nghe chân thành, xúc động lắm... nhưng cả nước này còn ai không biết Clemenza kịch sĩ nhà nghề?
- Vậy mi phải cáng đáng công việc đi. Mi cần gì tao, Sonny?
- Tôi muốn chú tới ngay. Biểu cả thằng Paulie nữa.
- Có vậy thôi? Mi không muốn tao cử vài thằng xuống nhà thương hay lại đằng nhà cho chắc ăn?
- Khỏi, chú và thằng Paulie đến gấp đủ rồi.
Sonny ngừng lại để Clemenza "đánh hơi" ra có chuyện lạ đã. Rồi cũng đóng kịch, cũng làm ra vẻ in như mọi lần... hỏi tới tấp, hỏi một hơi: "Cái thằng Paulie sao kỳ quá? Nó biệt mặt luôn. Nó ở nhà làm cái thá gì kìa?"
Clemenza giải thích ngay. Rất tinh ý, Sonny lắng nghe không thấy những tiếng phụ thuộc bên ngoài lẫn vô máy nữa nên biết ngay cha nội này đã đề cao cảnh giác. Lão đang bít kín ống đây!
- Paulie hả? Nó cúm... nó xin nghỉ bữa nay, từ hồi sáng mà? Cái thằng cứ chớm lạnh là cúm mới kỳ!
- Kỳ thiệt! Nó cúm mấy lần cả thảy... ít lâu nay?
- Đâu 3 lần, 4 lần thì phải. Tao hỏi thằng Fred cần kiếm thằng nào thay không thì nó bảo khỏi mà? Ấy, trò đời cứ nhàn nhã là sinh bệnh sinh tật hết: 10 năm nay đâu có chuyện gì?
- Đúng thế. Chú lại ngay đằng nhà Ông Già. Tôi cũng đến ngay. Nhớ kêu thằng Paulie đi cùng, tiện xe chú cho nó quá giang luôn. Ốm với đau gì! Chú nhớ nghe... Không đợi trả lời, Sonny gác máy. Ngó mụ vợ nãy giờ cứ ngồi thút thít khóc, nó dặn kỹ càng:
- Có người nào của mình phôn tới thì biểu nó gọi qua bên Ông Già cho tôi gấp. Số riêng nghe? Còn bất cứ ai khác thì cứ không biết gì hết. Vợ thằng Tom có hỏi thì biểu nó bận đi công việc. Biết mụ vợ hắn xưa nay chỉ ngán "có chuyện" Sonny nghĩ ngợi một lát rồi nói rất tự nhiên:
- Tôi sẽ cho mấy đứa lại đây ở... Có gì đâu mà sợ? Mình phòng bị mà? Tụi nó biểu gì mình cứ làm in vậy. Có việc thật cần, bắt buộc phải cho hay... hãy gọi tôi ở đằng Ông Già, số đặc biệt. Đừng có cuống quít lên.
Đêm xuống từ lúc nào, gió lồng lộng trong cư xá tối om. Trong cư xá thì có tối nữa Sonny cũng chẳng ngại. Cả khu phố 8 ngôi nhà của Ông Trùm hết mà? Hai căn ngay cổng vô do hai tay em mướn, chúng "làm" cho nhà này từ lâu và mấy thằng em út dưới quyền cũng ở lại luôn, tin được cả. Qua một cái sân tới 6 căn xếp thành hình bán nguyệt thì gia đìnhHagenmột, gia đình Sonny một và Ông Bà Trùm ở căn phố nhỏ nhất. Ba căn bên kia hiện cho mấy ông bạn già ở đậu, chừng cần đến mới lấy lại. Coi bề ngoài hiền lành vậy mà cư xá kín bưng như pháo đài.
Tám căn nhà quây lại thì cả 8 đều có đèn pha. Bật lên hết thì sáng rực như ban ngày! Sonny lẹ làng băng ngang qua sân, kín đáo lỏn vô nhà bố mẹ bằng chìa khoá riêng. Chừng nó cất tiếng gọi, bà mẹ đang nấu ăn trong bếp mới chạy ra. Hắn tỉnh táo kéo Bà Trùm vô trong nhà, mời ngồi đàng hoàng, mới thong thả nói:
- Có người vừa phôn con biết chuyện này. Hồi chiều bố bị thương nên phải đưa vô bệnh viện. Mẹ thay đồ đi thăm bố nghe? Con sai một thằng lái xe đưa mẹ đi liền... Bà Trùm ngó sững nó giây lát rồi mới hỏi bằng tiếng Ý:
- Bị chúng nó bắn phải không?
Sonny gật đầu. Bà mẹ cúi đầu ngẫm nghĩ một lúc rồi đứng dậy đi vô. Đi đâu thì cũng phải vô bếp tắt ga cái đã. Trong khi bà lên lầu thay đồ thì Sonny chớp vội miếng bánh, cặp thịt làm miếng săng-uých ăn đỡ. Thịt béo quá mỡ dây ra đầy tay. Nó đi thẳng vô "văn phòng" mở một ngăn tủ khoá kín, lôi ra một máy điện thoại thứ đặc biệt. Máy này gắn riêng, số là số của người khác đứng tên và địa chỉ cũng... nằm ở một chỗ nào khác. Hắn gọi Luca Brasi trước. Không nghe trả lời.
Rồi mới tới vịcaporegime tin cẩn Tessio. Cho lão hay tự sự và ra lệnh cho mang ngay lập tức 50 thủ hạ đến hai nơi: nhà thương, cư xá. Chia đều ra, tới cấp tốc. Lão hỏi Clemenza tới chưa và Sonny cho hay "Hiện chưa phải dùng đến toán Clemenza vội" thì lão trưởng toán này hiểu ngay. Lão suy nghĩ một chút rồi mới có lời:
- Xin lỗi cho tao nói câu này... và chắc ông già mi có nói cũng nói như vậy... Có làm mi cứ từ từ, coi trước sau cho cẩn thận, chắc chắn đã. Một thằng như Clemenza không dễ gì phản mình đâu!
- Cảm ơn chú! Tôi cũng nghĩ vậy... nhưng ở địa vị tôi thì phải lo trước chớ? Chú nghĩ sao?
- Mi nói đúng! Còn gì nữa?
- À, nhờ chú cho người của mình nhắnDartmouthcho thằng Michael em tôi hay, rồi đưa nó về đây dùm. Tôi sẽ phôn cho nó hay trước chú cứ yên chí, tôi sẽ cân nhắc kỹ càng.
- Ô-kê. Để tao ra lệnh cho tụi nó xong là tới nhà Ông Già mi liền. Mi nhớ mặt mấy thằng đàn em tao chớ?
Sonny "ô-kê" là cúp phôn. Nó đi tới một chiếc két sắt đặt ngầm trong vách, hí hoáy mở khoá lôi ra một cuốn sổ đóng bìa da xanh, chia từng trang thứ tự a b c... Nó kiếm phần chữ T và đọc lướt một hồi, cho tới chỗ muốn tìm. Có ghi sẵn "Ray Farrel, 5 ngàn đô, trước Giáng Sinh" và một số điện thoại mật. Sonny quay số đó gấp và lên tiếng:
- Farrel hả? Sonny Corleone đây... Tôi nhờ anh việc này, làm gấp, làm liền nghe? Có hai số phôn này... anh làm ơncheck lại dùm tôi coi trong 3 tháng vừa qua có nhữngai gọi tới và chúnggọi đi những đâu. Tất cả mọi liên lạc điện thoại của chúng, không bỏ sót một cú nào nghe? Xin cho biết kết quả trước 12 giờ khuya nay, gọi số đặc biệt của tôi. Yên chí sẽ hậu tạ nữa!
Nó đọc rõ ràng, rành mạch hai số phôn của Clemenza và Paulie Gatto. Gác phôn xuống Sonny thử gọi Luca Brasi lần nữa. Vẫn không trả lời. Vậy là dám có chuyện bất thường nhưng tạm thời hãy cứ biết như vậy. Còn biết bao nhiêu chuyện gấp rút nữa mà chỉ có một mình nó phải giải quyết. Cỡ 1 giờ nữa là nhà này sẽ đầy người, sẽ phải bố trí, phải phân phối từng việc cho từng người... Đâu phải chuyện chơi?
Ngồi thừ người trên chiếc ghế xoay, Sonny bây giờ mới "thấm" tính cách quan trọng sinh tử của hiện trạng. Coi, mười mấy năm nay gia đình Corleone mới lại gặp tình cảnh "dầu sôi lửa bỏng" này. Người gây ra sóng gió rõ ràng là thằng Sollozzo và chắc chắn nó phải núp sau lưng một trongngũ đại gia đình Nữu-Ước. Cánh nhà Tattaglia. Vậy là phải đổ máu lớn. Hoặc phải bọc xuôi theo đề nghị của nó.
Sonny nhếch mép cười. Mày tính hay tuyệt vời, nhưng mày xui tận mạng vì ổng đâu có chết? Ông còn sống thì tụi mày chết hết. Với hung thần Luca Brasi, với lực lượng đánh đấm của họ nhà Corleone... thì kết quả ra sao ai cũng biết!
Nhưng Luca Brasi đi biệt đâu kìa?
CHƯƠNG 4
Để vồ Tom Hagen, tụi nó đi nguyên một xe 4 đứa. Hắn bị đẩy lên xe ngồi băng dưới, ngồi kẹt giữa hai thằng cô hồn. Sollozzo ngồi cạnh thằng lái xe. Thằng ngồi bên mặt nhanh nhẹn đi một đường cũ soát khắp ngườiHagenrồi kéo sụp chiếc nón nỉ, không cho hắn nhìn và cấm cục cựa.
Xe chạy cỡ 20 phút là ngừng. Bị đẩy xuống Hagen không nhìn ra địa điểm vì tối quá. Bọn nó dẫn hắn vô gian nhà lầu, ngồi trên chiếc ghế gỗ. Sollozzo ngồi đối diện, cách một cái bàn, mặt nó khoằm khoặm dễ sợ. Nó đánh đèn ngoại giao trước:
- Bọn này không muốn làm anh bạn sợ. Anh bạn thuộc ngànhvăn chớ đâu phải ngànhvõ nhà Corleone? Tôi muốn anh bạn giúp tôi và giúp luôn Ông Trùm. Hagenrút điếu thuốc đưa lên môi, tay run run. Một thằng xách ra chai rượu hạng bét, một cái ly sành.Hagenlàm một hơi cho tay chân đỡ run rẩy, luống cuống. Sollozzo điềm đạm mở lời: "Ông Trùm của bạn chết rồi". Nó ngừng lại, ngạc nhiên thấyHagenđầm đìa nước mắt. "Người của tôi hạ ổng ngay khi ổng ở văn phòng ra. Xong cú ấy tôi mới đến mời anh bạn để anh bạn làm "cây cầu hoà bình" giữa Sonny và tôi".
Hagennín thinh. Tự nhiên hắn cảm thấy rầu rĩ, chán nản như trời vừa sập. Và sợ chết hơn bao giờ hết.
"Tôi biết Sonny "mặn" đề nghị của tôi lắm. Và anh bạn cũng thấy rõ sự lợi hại của vấn đề. Ma túy mới là ngành ngon ăn nhất. Biết làm ăn, biết chụp lấy cơ hội này thì chỉ mấy năm là thằng nào cũng giàu lớn. Nhưng Ông Trùm của anh bạn không chịu hiểu, ổng lạc hậu quá và gàn bướng thiệt tình. Bây giờ ổng không còn nữa thì công việc làm ăn mình thu xếp lại với nhau dễ quá mà? Tôi muốn có Sonny và anh bạn. Mình làm ăn chung..."
- Không xong đâu! Thằng Sonny đời nào chịu. Nó sẽ chơi xả láng...
- Vì vậy mới cần phải có anh bạn ở đây, anh bạn sẽ cho nó biết chuyệnphải quấy. Cánh nhà Tattaglia đâu có yếu? Và dân giang hồ Nữu-Ước thực sự chỉ cần "hai chữ bình yên" chớ có đổ máu lớn thì học chỉ có thua thiệt, mất người mất của! Miễn Sonny chịu ô-kê thì mọi phe nhóm toàn quốc sẽ đồng ý bỏ qua vụ này, ngay cả những thằng xưa nay bồ bịch nhất với nhà Corleone.
Hagenngồi ngơ ngẩn vặn tay. Sollozzo biết thóp nhấn mạnh thêm:
- Anh bạn dư biết là Ông Trùm xuống dốc. Bằng không thì bố tôi cũng chẳng dám đụng. Các phe nhóm anh em đâu có chịu vụ chọn anh bạn làmconsigliori ngang xương vậy? Anh bạn đâu phải dânSicilymà một tí máu Ý cũng không! Bây giờ có đổ máu lớn thì cánh Corleone mất hết đã đành mà chẳng thằng nào thắng hết. Ngất ngư cả đám với nhau. Anh bạn biết tôi cần thế lực, đến uy tín nhà Corleone chớ đâu cần họ bỏ vốn? Vậy nhờ anh bạn đánh tiếng với cáccaporegime để tránh đổ máu lãng.
Hagenchìa ly ra đòi rượu nữa, trả lời xuôi:
- Tôi sẽ thử coi... những thằng Sonny ngang bướng lắm. Và còn thằng Luca Brasi nữa. Sức mấy Sonny kềm nổi nó? Chính nó mới đáng ngại. Chính tôi cũng phải ngán nó huống hồ các ông?
- Thằng Luca để tôi tính. Anh bạn đừng thắc mắc. Chỉ nhờ anh kềm giùm Sonny và hai thằng em nó. Anh bạn có thể bảo thằng Fred rằng nếu bọn tôi định chơi thì nó sống nổi không? Bọn tôi thực tình không muốn gây chuyện lôi thôi đổ máu vô ích mà chỉ muốn làm ăn. Cùng lắm mới phải làm vậy.
Hagensuy nghĩ nhanh như chớp. Đúng, điệu này thằng Sollozzo muốn nhờ nó làm "trung gian" thiệt. Đâu nó có nghĩ tới thủ tiêu hay bắt giữ làm con tin làm chi? Vậy mà đã sợ run rẩy cả chân tay, hèn hạ quá độ!
Cảm nghĩ của hắn không lọt nổi tầm mắt Sollozzo. Nó biết hết! Bây giờ mà cưỡng lại, không chịu đứng làm trung gian nó dám "cho đi" lắm chớ? Vả lại nó chỉ muốn mìnhnói chuyện phải quấy cho bọn Sonny nghe... tức là làm bổn phận của một thằngconsigliori chớ có gì khác đâu? Mà nó nói có lý. Phải tránh với bất cứ giá nào vụ đổ máu, một vụ đánh xả láng giữa hai nhà Corleone – Tattaglia! Vậy phen bên Sonny chỉ còn cách chôn người chết, tạm thời quên hết để bắt tay làm ăn. Chừng thời gian chín muồi thì "hỏi tội" thằng Sollozzo vẫn không muộn.
Một thằng cáo già như Sollozzo có dễ gì qua mặt?Hagennghĩ gì là nó biết hết, bằng không nó đã chẳng mỉm cười thế kia!
Bỗng hắn hoảng hồn: Nó nói "Luca Brasi để tôi tính" mà nó chẳng dám ung dung, tự tại đến thế kia thì hẳn là nó đã "thu xếp" xong thằng hung thần này rồi. Nó đã "nắm" được Luca?... Thằng Luca phản phé thiệt sao? Ngay sau khi từ chối thằng Sollozzo, Ông Trùm đã chẳng biểu hắn đi kiếm thằng Luca Brasi gấp sao?
Vụ này khó hiểu nhưng đành hậu xét. Vấn đề là phải làm cách nào ra thoát, về lọt "pháo đài"Long Beach, càng sớm càng tốt. An toàn cái đã! Nghĩ vậy,Hagenhứa với nó:
- Tôi sẽ cố thu xếp vấn đề như ý mấy ông muốn. Ông nói đúng và Ông Trùm già còn sống cũng phải đồng ý. Phải tránh đổ máu bất lợi.
- Đúng thế! Tôi là người làm ăn... tôi tối kỵ đổ máu. Thấy máu là thấy tốn tiền, tốn quá nhiều tiền!
Có tiếng chuông reo. Một đàn em Sollozzo chạy tới nhấc ống nghe. Nghe xong nó chạy lại rỉ tai xếp. Coi, khi không mặt thằngĐường-Thổ sao nhợt nhạt hẳn, mắt nó quắc lên thấy ghê? Tự nhiên Hagenrét. Nó nhìn chòng chọc, nhìn cái điệu cân nhắc thế kia thì hết hy vọng được chúng thả về rồi. Tình hình này chết dễ như chơi! Quả nhiên Sollozzo lên tiếng, giọng nó hằn học, chán nản:
- Ổng hãy còn sống! Ghê thật... lãnh một lúc 5 viên gần như vậy mà vẫn không chết... thì bảnh thật. Vậy là xui cùng mình. Tôi cũng xui mà anh bạn cũng xui!
CHƯƠNG 5
Về đến cư xá Long Beach vật đầu tiên làm Michael ngạc nhiên là sợi xích sắt chăng ngang cổng. Cả 8 căn đều bật pha chiếu sáng trưng, chiếu rõ mồn một cả 10 chiếc xe đậu dài dài bên lề.
Có hai thằng lạ mặt chặn nó lại, một thằng xài giọngBrooklyncật vấn. Một thằng từ "điếm canh" chạy ra, nhận diện ra cậu út bèn chịu trách nhiệm đưa vô. Trước nhà ông bà Trùm còn có hai thằng đứng canh và bên trong nhà đầy những người lạ. Vô đến phòng khách mới thấy mụ vợHagenđang ngồi ngay người hút thuốc, trên bàn trước mặt còn để ly húyt-ky. Ngồi đối diện là lão Clemenza mập mạp, mặt thản nhiên nhưng mồ hôi ra cùng mình, điếu xì gà cầm tay một đầu ướt đẫm nước bọt. Clemenza đứng dậy đón, niềm nở cho hay: "May quá, Ông Trùm nhiều hy vọng qua khỏi! Bà Trùm ở nhà thương lo săn sóc..." Liền sau đó Paulie Gatto đứng dậy bắt tay, điệu bộ nó lạ khác hẳn! Biết nó là cận vệ của ổng nhưng Michael đâu đã hay nó bị cảm, xin nghỉ từ sáng? Vẻ khác lạ trên khuôn mặt nó không dấu nổi Michael: thằng này xưa nay chơi kỹ nổi tiếng khôn ngoan, ai cũng biết sao nó lại nhè đúng lúc tai hoạ đổ ập xuống nhà này để vắng mặt nhỉ?
Trong phòng khách còn mấy thằng nữa đứng dựa vách đứng góc nhà nhưng toàn mặt mới không. Điệu này chẳng cần ai nói Michael cũng đoán ra là hai thầy trò Clemenza đang bị nghi ngờ! Làm như chưa hay biết gì, Michael hỏi thăm Paulie: "Fred đâu? Bệnh tình sao?"
Clemenza trả lời thay: "Chích thuốc ngủ cho nó làm một giấc rồi!" Michael tới bên cúi xuống hôn bên má Theresa. Nó hạp với vợ chồngHagenlắm. "Yên chí đi. Tom không sao đâu. Đã nói với Sonny chưa?"
Theresa lắc đầu, vẻ hốt hoảng ra mặt. Ngày thường nàng đẹp lắm, người nhỏ nhắn tính nết tế nhị và Mỹ hoá rất nặng. Michael kéo nàng đứng dậy, đưa vô văn phòng Ông Trùm.
Sonny ngồi chồm hổm sau buya-rô, tay cầm viết chì tay thủ tập giấy. Ngồi với nó chỉ có một mình trưởng toán Tessio. Thì ra mấy thằng lạ mặt vừa rồi đều là đàn em của lão, hiện giờ phụ trách an ninh, bảo vệ cư xá. Tessio cũng giấy viết cầm sẵn nơi tay.
Thấy vợHagenbước vô, Sonny chạy tới ôm hôn và an ủi: "Tom khoẻ rồi! Tụi nó muốn nhờ chuyển một đề nghị nên nó sắp về rồi. Ai chẳng biết trong nhà này Tom thuộcphe văn chứ đâu phảiphe võ nên ai nỡ hại đến nó làm gì!"
Buông Theresa ra, Sonny quay sang mừng thằng em Michael thật khác thường, nghĩa là cũng ôm và cũng hôn lên má. Nó gạt đi cười hề hề: "Thôi đi, đập nhau chán bây giờ lại bày đặt trò hôn hít à?" Hồi còn nhỏ hai anh em đánh nhau bằng thích!
- Đang ngóng tin mày thì mày phôn về làm cho tao mừng quá! Đỡ phải lo ngay ngáy! Không phải tao lo cho mày bị chúng thịt đâu... Tao chỉ ngán phải loan tin buồn cho Bố Già thôi. Tao đã phải thông báo vụ Bố rồi!
- Bà Già có xúc động lắm không?
- Vừa phải thôi! Tại bả quen rồi... cũng như tao vậy. Chỉ có mày mới lớn lên đây nên đâu có biết những cơn phong ba bão táp trong nhà mình hồi đó? Giờ này bả đang lo cho Ông Già ở nhà thương.
- Ủa, sao tụi mình không đi thăm bố?
- Tao đi đâu được? Giải quyết êm thấm mọi việc tao mới có thể thò mặt ra khỏi cư xá này!
Chuông điện thoại reo. Sonny vớ ống nghe chăm chú. Michael thong thả tới buya-rô, liếc nhìn tập giấy vàng xem nó viết những gì. Có 7 cái tên đi một dọc. Có Sollozzo, Philips Tattaglia, John Tattaglia... Bản án tử hình đấy! Ra lúc nó bước vô, thằng anh nó đang ấn định với lão Tessio phải thủ tiêu những mạng nào.
Nghe xong Sonny gác máy, yêu cầu hai người ra ngoài một chút để nó và Tessio còn thanh toán gấp công việc đang làm dở. Theresa mếu máo hỏi có phải vừa có tin Tom không nhưng Sonny lắc đầu "Không phải đâu. Có gì lạ tôi cho biết ngay mà?" Nó vừa nói vừa đưa Theresa ra cửa. Thay vì đi ra theo lệnh thằng anh thì Michael ngang nhiên ngả người xuống một chiếc phô-tơi. Sonny ngó nó một phát rồi mới quay lại buya rô.
- Coi, mày ở trong này làm gì? Tui tao có những chuyện cần phải bàn mà mày đâu có thích nghe?
- Tôi giúp một tay được.
- Đâu được! Tao mà để mày dính vô những công việc này là bị Ông Già chửi chết! Đang hút dở điếu thuốc, Michael quăng đi, quắc mắc lên:
- Ô hay, bố bị bắn gần chết mà con không giúp một tay được hả? Tôi cũng con ổng vậy, tôi cũng có bổn phận chớ? Tôi không bắn người giết người được nhưng còn thiếu gì việc khác? Bộ tôi con nít hả? Cũng đánh giặc cũng bắn chết vô số người, cũng ăn đạn vài lần chớ bộ? Bộ anh tưởng thấy anh giết người, tôi té ra chết ngất đi chắc? Còn lâu!
- À, thằng này bữa nay ngon nhỉ? Hay mày nhảy đại vô chỗ tao này này? Trong khi chờ đợi... chịu khó gác tê-lê-phôn nghe?
Đùa Michael chơi thôi, Sonny nghiêm sắc mặt hết ngó Tessio lại quay sang Michael và chững chạc giải thích:
- Tôi chờ đợi cú phôn vừa rồi để có thể hội đủ sự kiện chính xác, tìm đích danh thằng đã phản bội "bán đứng" Ông Già. Phải có một trong 2 thằng: có thể là Clemenza mà cũng có thể Paulie Gatto, ông cận vệ cúm đúng vào hôm xếp bị chúng thịt! Cú phôn vừa rồi đã cho tôi thấy ngay boong... nhưng Michael mày thử sử dụng vốn liếng học thức của mày để đoán coi thằng nào "bán" Ông Già cho Sollozzo. Thằng Paulie Gatto hay xếp Clemenza?
Michael ngồi xuống ngẫm nghĩ. Bao nhiêu năm làmcaporegime cho nhà này Clemenza có cơ nghiệp bạc triệu. Bạn nối khố với Ông Già trên 20 năm. Một trong vài người có thực quyền, thực lực, dễ nể nhất. Phản bội để làm gì? Vì tiền? Lão có bạc triệu rồi... nhưng thiếu gì thằng triệu phú thấy tiền là ham? Hay lão tham quyền? Hay lão bị một cú gì mất mặt, chạm tự ái? Có thể lão bực vì vụ cửHagenlàmconsigliori lắm chớ? Không lẽ lão phản vì trở cờ chạy theo phe mạnh và tưởng là phe Sollozzo chắc chắn thắng?
Không, một người như Clemenza chẳng thể phản Ông Già, với bất cứ giá nào! Michael nghĩ không lẽ mình lại lầm chỉ vì Clemenza đối với nhà này thân thiết quá và cá nhân mình có cảm tình với lão quá? Từ hồi mình còn bé tí, lão vẫn hay cho quà và những khi Ông Già mắc bận,chú Clemenza thường dắt đi chơi mà? Bảo Clemenza phản bội thì Michael không tin nổi! Ngược lại thì cũng chính vì vậy mà Sollozzo phải cần đến và phải trả giá mắc cho một tay cỡ Clemenza chớ sao? Còn thằng Paulie Gatto? Chưa gọi là giàu được, chỉ dư dả. Có chân đứng và còn lên nữa chỉ cần kiên nhẫn một chút. Thế yếu của nó đấy: Trẻ người nhưng thích làm lớn! Có thể thằng Paulie bị nhử lắm nhưng nếu vậy cũng đáng tiếc. Hồi nhỏ, còn học lớp 6 Michael và nó chẳng học cùng lớp đó sao?
Nếu bỏ phiếu kín, chắc chắn Michael sẽ gạch tên Paulie. Nó chớ không thể Clemenza được! Nhưng nếu Sonny nóibiết rồi thì Michael lại không thể chỉ định ai hết.
"Cả hai đứa chẳng thằng nào phản cả!"
Sonny cười cười:
- Đâu được! Clemenza không. Thằng phản bội là Paulie Gatto. Suya là nó! Michael lặng ngắm Tessio và thấy lão thở ra nhẹ nhõm. Không phải Clemenza thì đỡ quá, hai thằng cùngcaporegime. Từ bao lâu nay với nhau mà? Vả lại, nếu tụi nó mua được một tay cao cấp cỡ Clemenza thì dám có biến lắm. Paulie chỉ là cấp thừa hành! Tessio đề nghị:
- Vậy mấy thằng đàn em tao ở đây có thể cho về chớ?
- Để mai mốt đã! Tôi không muốn để lộ tin Paulie sớm quá. Bây giờ tôi có chút việc nhà bàn với thằng Michael. Chú chịu phiền đợi ngoài phòng khách để mình lập xong danh sách những thằng phải hạ. Chú và Clemenza chia công việc.
Tessio ra khuất thì Michael hỏi ngay:
- Sao anh biết chắc thằng Paulie phản?
- Thì cú phôn vừa rồi đó? Mình có người ở hãng điện thoại, tao đã nhờcheck gấp tất cả mọi liên lạc điện thoại của Paulie và Clemenza. Tháng này thằng Paulie xin nghỉ bệnh 3 ngày thì trong ba ngày đó ngày nào cũng có điện thoạikhông phải của nhà gọi đến cho nó. Như muốn kiểm soát xem nó có...ốm đúng kế hoạch và nằm nhà nghỉ không vậy! Ngay ngày hôm nay, trước lúc Ông Già bị chơi, thằng Paulie cũng nhận được một cú phôn từ phòng điện thoại công cộng ở trước buya-rô của Ông Già. Để coi Paulie có nghỉ thật... để dò hỏi xem có thằng nào tới thế nó chưa chớ gì? Cũng may không phải Clemenza vì hiện giờ mình cần lão quá.
- Nghĩa là... thế nào cũng có đánh lớn... đổ máu tùm lum?
- Tao chỉ đợi thằng Tom về là đánh ngay, đánh lớn. Chỉ trừ ổng bảo tốp.
- Vậy sao anh không đợi bố, coi ổng quyết định thế nào?
Sonny nghinh nó một phát rồi lên giọng kể cả:
- Vậy mà cũng mang tiếng đánh giặc... lại có mề đay nữa! Hoàn cảnh này, không chơi lại thì chết mà còn đợi nữa thì nạp mạng hả? Tao còn sợ nó chơi luôn thằng Tom ấy chớ?
- Ô hay, sao vậy?
- ... Tụi nó cốt ý vồ thằng Tom vì tưởng Ông Già chết chắc, có nó là dễ bắt đầu điều đình với tao về chuyện làm ăn. Bây giờ ông không chết thì tao đâu có thẩm quyền gì mà điều đình? Nên ở giữa thằng Tom "kẹt"! Sống chết bây giờ hoàn toàn tùy hứng thằng Sollozzo. Mà theo tao mạng thằng Tom hỏng chỉ vì tụi nó sẽ ra tay mạnh, thật mạnh để nồ mình! Michael lẹ làng đặt dấu hỏi:
- Nhưng tại sao thằng Sollozzo lại nghĩ rằng có thể điều đình với anh?
Câu hỏi ngay tình nhưng đánh trúng vào hiểm huyệt làm Sonny ngồi ngay mặt, lúng túng và không biết giải quyết cách nào cho xuôi. Nó ngẫm nghĩ mãi rồi sau cùng đành nói thiệt:
- Cách đây ít tháng thằng Sollozzo tới nhà mình đề nghị làm ăn ngành ma túy. Ông Già từ chối thẳng. Hôm đó tao buộc miệng sủa ẩu một câu khiến nó biết tao ham. Nghĩa là tao ngu ngốc chìa lưng ra cho nó thấy gia đình mình không trước sau như một. Cái vụ này Bố kỵ nhất xưa nay!
Có thể vì vậy mà thằng Sollozzo cho rằng nếu quất được ổng thì ép taophải làm ăn với nó. Một là không có ổng lực lượng nhà mình mất một nửa, tao có xuất toàn lực thì may ra mới vá víu được phần nào.Hai là ma túy đang lên, lợi tức khổng lồ thì trước sau mình cũng phải nhảy vô.
Đối với một thằng như Sollozzo và trong vụ hạ sát Ông Già thì vấn đề tình cảm không hề được đặt ra. Thuần túy chỉ là vấn đề làm ăn. Nên nó nghĩ thế nào tao cũng hợp tác. Dĩ nhiên sẽ hợp tác, nhưng nó sẽ dự phòng trường hợp tao lợi dụng tiếp xúc gần gũi để sau này chơi nó trả thù. Nó yên chí ở sự ủng hộ của cánh Tattaglia đã đành. Tất cả mọi cánh khác vì quyền lợi chung lúc bấy giờ cũng không cho phép tao làm hoảng nữa.
- Giả thử Ông Già chết thì sao?
- Thì thằng Sollozzo không thể sống được, bất cứ với giá nào! Có phải một mình chống lại tất cả mọi cánh Nữu-Ước tao cũng chơi. Cánh nhà Tattaglia phải chết trước và dù biết chết hết tao cũng chơi. Michael nhắc khéo nó: "Ở trường hợp Bố... tôi tin bố không làm vậy đâu" thì Sonny la lớn:
- Dĩ nhiên ổng khác, tao khác... Cho mày hay tao là thằng dám chơi, biết chơi thì có việc phải làm. Cái đó ổng biết và những thằng như Clemenza, Tessio, Sollozzo cũng biết như vậy. Mày nhớ rằng năm 19 tuổi tao đã giết người rồi, hồi đó gia đình mình đánh lớn trận cuối cùng và tao giúp ổng rất được việc. Nên bây giờ cần phải làm thì tao sợ quái gì? Nhà mình nhiều người quá mà? Tao chỉ đợi tin Luca Brasi.
- Nói vậy Luca chơi ngon, chơi bảnh lắm sao?
- Dĩ nhiên. Nó đứng trên thiên hạ. Không thằng nào so với nó được kìa. Tao sẽ cử nó chơi cả 3 anh em nhà Tattaglia còn thằng Sollozzo để tao giải quyết lấy.
Nghe lời lẽ nó, ngó bộ dạng nó, Michael ngồi nhấp nhổm không yên. Anh em sống với nhau từ nhỏ, nó thấy Sonny lâu lâu cũng dữ và hung hãn lắm nhưng bản chất vẫn là người tốt. Dễ thương là đằng khác. Không thể ngờ từ miệng nó nói chuyện giết người khơi khơi, tự tay viết ra một danh sách những đối thủ cần thủ tiêu làm như nó có cái độc quyền ghê gớm đó vậy.
Cũng may mà xưa nay Michael không dính vô thứ việc đó và bây giờ cũng chẳng đến lượt nó làm, xét vì Ông Già còn sống. Nếu cần Michael cũng chỉ giúp được mấy công việc lặt vặt, mấy việc hiền lành không dính máu. Đã có Sonny đứng bên Ông Già và phía sau là hung thần Luca Brasi.
Từ ngoài phòng khách có tiếng đàn bà la lớn. Rõ ràng tiếng mụ vợHagen. Nó chạy bay ra cửa và giữa đám người đứng lố nhố thấy Tom đang đứng ôm vợ. Mụ khóc nức nở, khóc mùi mẫn làm anh chồng coi bộ lúng túng, ngượng ngùng!
Thấy dáng Michael,Hagenlúng túng gỡ tay vợ ra, đặt ngồi xuống đi-văn để mỉm cười với nó rồi bước luôn vô phòng, không buồn ngoái cổ lại. Mười mấy năm trời sống trong nhà này thì phải vậy chớ? Đối với Ông Già thằng này quả là tình sâu nghĩa nặng, Michael cảm thấy một niềm kiêu hãnh và cùng lúc đó nhận ra rằng không riêng gì Tom và Sonny mà hình như bên trong con người của nó cũng có phảng phất một nét gì của Ông Già lưu lại.
CHƯƠNG 6
Sau khi đẩy được mụ vợ về nhà gần đó,Hagenvô phòng họp tới gần 4 giờ sáng với bọn Sonny, Michael, Clemenza, Tessio. Một mình Paulie Gatto ngồi cu ky ngoài phòng khách, không ngờ đang bị đàn em của Tessio giám sát ngầm, đi một bước cũng không xong.
Tom Hagen nhắc lại đề nghị của Sollozzo và kể lại nghe tin Bố Già còn sống nó đã tính thịt luôn nếu không trổ tài hùng biện, thuyết phục còn hăng hơn trước Tối cao Pháp viện! Phải bịp nó là dù ổng còn sống vẫn có thể điều đình nổi, là "nắm" được Sonny dễ như lấy đồ chơi trong túi vì hai thằng chơi với nhau thân thiết từ hồi nhỏ. Còn bốc đại là Sonny muốn nhảy vào ngồi cái ghế Ông Già nữa chớ!
Hagen mỉm cười có ý xin lỗi về vụ bắt buộc phải bịa chuyện láo nhưng Sonny gạt phắt đi ngay, chỗ anh em thông cảm quá! Ngồi canh điện thoại, Michael ngó hai đứa và thấy Sonny và Tom thân nhau thiệt tình, thân yêu còn hơn nó là thằng em ruột. Thấy Tom trở về, Sonny không mừng cuống quít nhảy lên ôm chặt lấy nó đó sao?
- Bây giờ phải bắt tay vô việc, sắp đặt kế hoạch là vừa... Mày thử coi cái danh sách Tessio và tao làm. Đưa Clemenza một bản luôn.
- Nếu sắp đặt kế hoạch... phải có Fred nữa chứ?
Michael vừa lên tiếng đã bị Sonny gạt phắt:
- Thằng Fred không làm ăn gì được đâu! Bác sĩ biểu nó bị kích ngất, phải nghỉ hoàn toàn. Không hiểu tại sao nó tệ vậy, chớ thằng Fred xưa nay đâu có bết? Hay nó bị mất tinh thần vì chứng kiến cảnh tụi nó thịt Ông Già? Đối với nó Ông Già là trời... nó không như mày với tao đâu Michael!
Hagen cũng đồng ý:
- Đúng, thằng Fred phải để ra ngoài, không thể cho nó dính vô bất cứ việc gì. Theo tao thì tình hình này Sonny phải ở nhà, khó đi đâu một bước. Ra một bước cũng nguy, chớ coi thường Sollozzo! Ở bệnh viện mình có người không?
- Có chớ, canh thường trực. Bọn cớm cũng không rời Ông Già một bước! Mày thấy cái danh sách tao làm thế nào, Tom?
- Ôi chao, mày làm như báo cừu rửa hận không bằng! Phải coi như một rắc rối trong công việc làm ăn thôi chớ? Một mình thằng Sollozzo gây ra thì chơi một mình nó là xong, mọi sự sẽ đâu vào đấy hết. Việc gì phải làm cả bọn nhà Tattaglia?
Sonny đưa mắt nhìn hai lãocaporegime. Tessio nhún vai "Gay go đấy!" Còn Clemenza nín thinh. Sonny nói thẳng với lão:
- Có một vụ phải làm liền, khỏi bàn cãi. Đó là vụ Paulie Gatto. Tôi không muốn thấy mặt nó ở đây nữa. Phải cho nó "đi" trước hết!
Clemenza gật đầu. Hagen sực nhớ ra:
- Còn Luca Brasi thế nào? Có tin gì không? Thằng Sollozzo sao coi bộ không ngán gì Luca hết, vậy tao mới ngán chớ? Nếu thực sự nó phản thì bọn mình mệt hết, mệt lắm. Phải hỏi ngay cho ra lẽ đi. Có ai tiếp xúc với Luca không?
- Tao phôn lại nhà nó không biết bao nhiêu lần rồi! Hay nó đi ngủ bậy ở đâu?
- Vụ đó khỏi có! Luca không ở lại qua đêm bao giờ cả, vô chơi là ra liền. Michael thử phôn vài lần nữa coi?
Michael quay số và nghe rõ tiếng chuông reo đầu dây đằng kia. Không ai trả lời đành cúp máy. "Cứ 15 phút kêu nó một lần... chừng nào được mới thôi" Sonny hấp tấp nói:
- Tom, mày làconsigliori thì có ý kiến gì cho ra đi. Tụi mình phải làm gì bây giờ? Trước khi trả lời, Hagen rót một ly huýt-ky uống rồi thong thả lên tiếng:
- Mình sẽ tiếp tục điều đình với Sollozzo cho đến lúc Ông Già bình phục. Có thể đi với nó tạm thời. Chừng Ông Già khỏi hẳn thì ổng sẽ có biện pháp cái rụp, đâu sẽ vô đó hết và tất cả các cánh kia sẽ ô-kê gấp theo ổng.
- Nói vậy mày cho tao không chơi nổi thằng Sollozzo?
- Mày đánh được chớ, sức mấy nó chơi lại? Lực lượng mình có mà! Có Tessio, Clemenza là có cả ngàn tay súng, nếu cần phải đánh lớn. Nhưng sau đó thì tan hoang hết, giới giang hồ miền Đông sẽ lãnh đủ và chúng sẽ đổ hết trách nhiệm vào mình. Khi không chuốc thêm bao nhiêu là kẻ thù. Ông Già không bao giờ làm vậy, mày nhớ thế!
Michael ngó Sonny, tưởng đâu nó thế nào cũng ô-kê. Nào ngờ ngó vặn hỏi Hagen:
- Bây giờ ví dụ như Ông Già không qua khỏi thì mày tính sao?
- Tao biết mày không nghe... nhưng tao vẫn đề nghị thực tình đi với Sollozzo về vụ ma túy. Thiếu sự điều khiển, sự quen biết lớn của Ông Già thì nhà này mất đứt nửa lực lượng. Không có Ông Già thì các cánh Nữu-Ước trước sau sẽ về phe Tattaglia và Sollozzo hết, chỉ để khỏi đổ máu dài dài bất lợi. Nghĩa là nếu chẳng may Ông Già mất thì phải hợp tác với chúng và chờ coi...
Sonny nổi giận trắng bệch cả mặt:
- Mày nói nghe dễ quá! Tụi nó đâu có bắn bỏ Ông Già mày?
Hagen nói thẳng, nói lớn lên:
- Thật ra đối với Ông Già thì tao còn hơn tụi mày nữa kìa! Tao muốn bắn bỏ hết tụi nó kìa. Nhưng chuyện làm ăn thì tao phải cân nhắc lợi hại chớ!
Sonny hơi sượng vì phản ứng của Hagen. Miệng nó nói "Bỏ đi...tao không định nói vậy đâu, Tom" nhưng sự thật là vậy, chẳng gì đau xót bằng tình máu mủ. Nó suy nghĩ một lát trong khi mấy đứa kia ngồi yên. Sau cùng nó đành gật đầu chấp nhận và phân phối công tác:
- Ô-kê, chờ Ông Già thì chờ. Vậy thì mày cũng đừng đi đâu hết, Tom. Còn Michael thì phải cảnh giác dù biết thằng Sollozzo không tính chơi sát ván... Nếu nó chơi cả mày thì nó mạt luôn! Chú Tessio vẫn giữ hờ mấy thằng đàn em, bảo chúng nó thử đi ra ngoài nghe ngóng... Còn Clemenza sau khi "làm" xong vụ Paulie, chú cho tụi nó về đây để đưa ê-kíp Tessio lên nhà thương. Sáng mai Tom lo khởi sự tiếp xúc bằng phôn hay cho liên lạc viên tới thằng Sollozzo. Còn Michael mai nhớ đưa hai thằng em của Clemenza tới tận nhà Luca Brasi, kiếm ra bằng được coi nó ở đâu. Tao chỉ sợ nghe tin Ông Già, nó nóng lòng một mình xách súng đi kiếm Sollozzo là hư hết việc! Chứ phản bội thì khỏi lo vì Luca chẳng phải týp phản, nhất là với Ông Già! Thằng Sollozzo "mua" nó sao nổi?
Hagen không muốn để Michael dính vô nên thấy Sonny cắt cử nó là yêu cầu xét lại. Sonny ô-kê ngay. Phần vụ nó chỉ là gác tê-lê-phôn trong nhà vậy thôi.
Muốn thế nào cũng được. Michael chỉ gật đầu. Rõ ràng nó có cảm giác ngượng ngùng. Nó đọc được ý nghĩ của 2 lãocaporegime: coi cả hai thằng cùng lì lì thế kia là Clemenza và Tessio đều bất mãn rõ có điều họ không nói ra. Gác phôn cũng được. Michael bèn thi hành nhiệm vụ "liên lạc viên điện thoại": thử gọi số của Luca Brasi thì nó vẫn biệt tăm.
CHƯƠNG 7
Đêm hôm đó Peter Clemenza khó ngủ quá.Sáng sớm lão đã mò dậy, tự làm điểm tâm: một ly nước cốt nho, một lát xúc xíchsalami, một khúc bánh mì, thứ bánh có người mang đến tận nhà mỗi sáng. Cà phê thì lão pha cả bình lớn, đổ rượuanisette vô...
Mặc chiếc áo khoác rộng thùng thình, chân đi đôi dép nhung đỏ, lão đi quanh quẩn trong nhà sắp đặt công việc ngày hôm nay. Hồi khuya thằng Sonny đã nói thẳng thừng như vậy thì phải "giải quyết" thằng Paulie ngay ngày hôm nay.
Vụ Paulie làm Clemenza mất tinh thần. Không phải vì nó là người của lão và nó phản. Mà chỉ vì sự phản bội ở ngoài suy đoán của lão. Xưa nay Paulie vẫn là thằng có gốc, nó người Sicily, nó lớn lên in hệt con cái nhà Corleone và từng học cùng lớp với thằng Michael mà!
Paulie đã từ cấp bậc nhỏ nhất đi lên, đi đúng cách, chịu thử thách nhiều phen. Sau khi lậpđầu danh trạng thì ngoài số lương khá cao nó còn được gia đình Corleone cho bao một sòng đề nguyên một khu Nữu-Ước và một nghiệp đoàn để làm đầu nậu kiếm tiền thêm. Vậy mà thỉnh thoảng nó còn dám nhảy dù kiếm ăn lẻ, trái hẳn nội quy của nhà này. Xếp Clemenza biết và cố tình lờ đi. "Thằng nàobiết làm ăn chẳng vậy? Ngựa hay là ngựa bất kham mà!"
Được cái Paulie đã làm ăn lẻ là lo dàn xếp đâu đó đàng hoàng chu đáo, không để tai tiếng, không ai thắc mắc khiếu nại gì hết. Chẳng hạn như một nhà thầu may đồ ở Manhattan nó nhận đảm bảo "an ninh lao động" để lãnh một năm 3 ngàn đô-la. Còn một lò sản xuất đồ sứ ở Brooklyn nữa.
Làm ăn lẻ thì Paulie dám lắm. Nhưng ai mà ngờ nó dám "bán đứng" gia đình Corleone?
Bây giờ thủ tiêu Paulie thì dễ rồi. Bắt buộc phải thủ tiêu và thế nào cũng phải xong. Vấn đề là phải kiếm người thay thế, kiếm thằng nào trám ngay chỗ trống của nó. Một thằng "chủ chốt" để nắm bọn chuyên viên đánh đấm, chém giết đâu phải dễ, lúc nào muốn thay là thay".
Thằng "chủ chốt" phải dữ đã đành mà còn phải "ngon" nữa. Nó phải đủ lỳ lợm để cớm có vồ được và điều tra thế nào cũng cứ lắc đầu không nghe, không biết, đúng luậtomerta. Một thằng như vậy thì đời sống của nó phải bảo đảm, lương nó phải lớn. Đã nhiều lần Clemenza từng đề nghị Ông Trùm tăng lương cho những tay "chủ chốt" để nếu có đụng chạm, tụi nó sẽ nhảy hăng hái chịu trận. Ông Trùm không chấp nhận. Giả thử Paulie có nhiều quyền lợi hơn thì chưa chắc ngày giờ này nó đã ngả theo đề nghị của Sollozzo.
Thay thế được Paulie Gatto xem ra chỉ có ba thằng. Một là thằng đàn em xưa nay vẫn thi hành kỷ luật trong đám bao đề, bao xổ số người da đen khu Harlem. Nó lực lưỡng và ra đòn nặng hơn đô vật chuyên nghiệp hạng nặng nhưng tính tình hào phóng, đàng hoàng. Chơi rất có cảm tình mà thiên hạ thấy nó vẫn nể. Kể về phương diện làm ăn thì ô-kê lắm nhưng sau 30 phút suy nghĩ Clemenza đành phải gạt bỏ.
Đương sự coi bộ thân thiết, nặng tình cảm với bọn da đen: Vậy là yếu rồi! Vả lại nếu cân nhắc nó lên thì lại phải kiếm cho ra một thằng thay thế nó mất công lắm. Nhân vật thứ hai còn được xếp Clemenza chịu nữa. Chịu khó làm ăn, trung kiên và giữ kỷ luật hơn ai hết. Xưa nay nó chuyên lãnh giải quyết những con nợ chạy làng cho mấy thằng cho vay nợ góp lấy vốn làm ăn của nhà Corleone trong khu Manhattan. Hồi mới đầu nó chỉ là thằng đi biên số đề chớ gì? Nhưng đó cũng là điểm kẹt của nó: Làm sao cất nhấc một thằng đòi nợ mướn lên làm "chủ chốt" ngay cái một được? Còn vấn đề tôn ti trật tự và thời gian...
Sau cùng Clemenza đành chọn Rocco Lampone. Thằng này tương đối là lính mới trong tổ chức nhưng là tay chơi ngon. Từng phục vụ trong quân đội, năm 1943 bị thương ở mặt trận Bắc Phi nên được giải ngũ. Hồi đó thời buổi chiến tranh thiếu người Clemenza phải xài tạm thằng Rocco, dù nó mang thương tích, chân đi hơi khập khiễng. Nó được cử công tác tiếp xúc với mấy nhà thầu may đồ để tiêu thụ vải chợ đen và mấy ông công chức phát "bông" mua thực phẩm. Sau đó nó được ủy nhiệm "lãnh" cả 2 địa hạt này.
Ưu điểm của Rocco được xếp Clemenza chịu nhất là tính nhanh và tính đúng. Có áp-phe là bắt ngay, vốn bỏ ra một mà lời bạc ngàn là thường. Không hùng hổ ẩu, thí mạng không đáng, không đúng chỗ. Một khi xàivăn được thì không bao giờ dùngvõ. Nó cứ nhẹ nhàng làm ăn mà được việc lớn lúc nào chẳng ai hay. Vậy mới là thực sự ngon.
Chọn được một thằng như Rocco Lampone, xếp Clemenza lấy làm thoải mái, yên chí lắm. Phải cho nó cơ hội Paulie Gatto này để lậpđầu danh trạng, có lão đứng bên chứng kiến. Bề nào Paulie cũng là người của lão. Nó phản bội thì Clemenza phải đứng ra thanh toán. Nó được cất nhắc quá hậu, vọt qua mặt bao nhiêu thằng ngon hơn và hồi đó đích thân lão kiếm cho nóđầu danh trạng mà! Chơi cú phản phé này, thằng Paulie không những đã bán đứng Ông Trùm mà còn đá đít ông thầy Clemenza thật đau! Đó là món nợ mà học trò phải trả.
Chương trình thì có ngay. Xếp Clemenza chẳng hẹn nó 3 giờ chiều phải đánh xecủa nó lên đón rồi hai thầy trò đi có việc cần sao? Còn nghi ngờ vào đâu? Hãy cứ phôn xuống cho Rocco đã, khỏi cần xưng danh. Chỉ nhắn: "Xuống nhà tao, có chuyện hay cho mày". Clemenza chịu nhất là mới sáng bảnh mắt ra giọng Rocco đã tỉnh bơ không có vẻ buồn ngủ hay ngạc nhiên chút nào. Nó chỉ vắn tắt ô-kê... làm xếp phải dặn thêm: "Không có gì gấp, ăn trưa xong đến cũng vừa, miễn đừng quá 2 giờ". Rocco vẫn chỉ ô-kê.
Clemenza gác phôn. Bây giờ bọn đàn em lão chắc đã khởi sự thay thế nhóm Tessio rồi. Chỉ cần ra lệnh chớ theo dõi thì khỏi. Còn sớm quá lão mò xuống ga-ra lau xe. Clemenza cưng chiếcCadillac màu xanh chì của lão lắm. Lái đã ngon tuyệt mà nệm xe còn dày dặn, êm ái ngồi khoái hơn cả sa-lông trong nhà. Có lần đang ngồi trong nhà lão chạy ra ngoài xe ngồi cả giờ chỉ cốt để có cái khoái cảm đệm êm quá! Lão săn sóc, o bế xe hệt như hồi còn ở quê nhà vẫn thấy ông già chăm mấy con lừa cưng vậy.
Vừa tưng tiu xe, Clemenza vừa mổ xẻ chi tiết cho thằng Paulie vào bẫy. Nó khôn như chuột, khác ý một chút là đánh hơi ra liền. Huống hồ bây giờ nó đang lo đái ra quần vì Ông Trùm không chịu chết. Có hùng đến mấy giờ cũng bấn lên như ngồi trên lửa. Có điều ông thầy đã giương bẫy thì trò còn chạy đi đâu?
Kể ra mạng thằng Paulie nắm chắc trong tay, giết lúc nào chẳng được, có chạy đằng trời! Tuy nhiên quen nếp làm ăn kín, làm ăn kỹ, Clemenza không muốn để sơ sẩy một ly. Đồng ý sức mấy nó dám ngang nhiên chơi lại... nhưng trước hoàn cảnh một sống, hai chết nó giở trò liều mạng thì sao đây?
Tốt hơn là cứ tìm sẵn lý do để giải thích sự hiện diện của Rocco Lampone. Phải bịa ra là một công tác 3 người làm một lúc mới xong. Nghĩa là phải chơi kịch, từ giọng nói đến nét mặt. Phải làm mặt lạnh, ra vẻ hơi bực mình với nó thôi. Không giận dữ cáu kỉnh... để đa nghi như nó cũng chẳng biết đường nào mà mò. Mà thân thiện như mọi lần cũng không được: nó sẽ đoán biết ngaycó cái gì đây. Một thằng khôn như Paulie thì phải để cho nó băn khoăn tự hỏi: "Không biết có gì không?" thì mới chắc ăn.
Tự nhiên thấy thằng Rocco ngồi lù lù, lại ngồi băng sau nữa thì nó phải hoảng chắc!
Tội gì nó ngồi đánh vật với "vô lăng" đợi thằng kia rảnh tay thịt? Dám hỏng hết kế hoạch chỉ vì chi tiết nhỏ nhặt này... nhưng không lẽ giờ chót lại thay đổi hết, tìm một thằng nào khác? Thời buổi này đâu cho phép tìm thêm một thằng phụ tá cộng tác vào những vụ "chết người" này? Càng nhiều đàn em thì càng dễ bị: lỡ có chuyện ra toà, nó khai tùm lum thì sao? Một thằng tố cáo còn mệt... huống hồ hai thằng, ba thằng? Tốt hơn bớttrước thằng nào... đỡ lo thằng ấy... Điểm gay go nhất trong vụ Paulie là giết thật kín nhưng xác nó phải hở. Phải chìa xác nó ra mới có tác dụng cảnh cáo những thằng có mầm mống phản bội trong đầu để chúng hết hồn: "Cứ coi gương thằng Paulie"... Phải vậy đối phương mới ngán: cánh nhà Corleone đâu có hiền như chúng tưởng? Và chính thằng Sollozzo cũng phải chùn, không ngờ bọn này phăng ra nhanh thế và có biện pháp quyết liệt, tức tốc đến thế. Ít ra cũng phải dùng xác thằng Paulie để gỡ lại phần nào uy lực. Không lẽ chúng vừa mần Ông Trùm chết hụt mà đã bấn loạn, đã rét hết cả đám?
Nếu cho Paulie "đi tàu suốt" như thường lệ, không để lại một tí tang tích thì dễ quá! Chỉ cần thảy xuống biển cho cá ăn... hay vùi đại dưới mấy đám đồng lầy bên New Jersey thì trời kiếm. Thiếu gì địa điểm thủ tiêu, thiếu gì phương pháp tân kỳ?
Một lát sau Clemenza hân hoan ngừng tay lau, đứng xa xa nhìn chiếc xe choáng lộn đến soi gương được. Lão gật gù khoái chí vì nước sơn bóng loáng mà cũng vì một ý kiến chợt nảy ra. Rồi! Công tác này thì phải biết là mật và cấp tốc, cả ba cùng phải làm...
Bây giờ mà bịa chuyện 3 thằng phải chia nhau kiếm gấp một căn nhà thật kín đáo làm căn cứ, lập tổng hành dinh để khai chiến đánh lớn là có sẵn ngay thì trăm phần trăm Pauliephảitin! Chuẩn bị sẵn sàng đểtrải nệm mà?
Trải nệmlà một truyền thống Mafia. Cótrải nệm là có đổ máu. Thế nào cũng phải lo kiếm một chỗ kín, một căn nhà trống để các chiến sĩ tập hợp lại...trải nệm ở đỡ. Một phần vì chết chóc là công việc của người lớn với nhau, đàn bà con nít phải để ra ngoài, đâu có thể bắt chết lây? Giết cả đàn bà con nít thì giết đến bao giờ?
Nhưng lý do chính là vì trước và trong khi đại chiến bên nào cũng bắt buộc phải có căn cứ mật để che mắt địch quân... lỡ cớm can thiệp bậy vô thì sao?
Xưa nay công việc kiếm chỗtrải nệm không do một taycaporegime tin cẩn – hoặc vài đàn em thân cận – chịu trách nhiệm thì còn ai? Bữa nay Clemenza xách hai đàn em đi sắp đặttrải nệm thì hợp lý và đúng điệu quá trời. Đàn em Paulie sẽ mau mắn phục vụ hết mình. Còn được xếp cho làm vụ "tối mật" này tất còn đầy đủ tín nhiệm. Vậy là lại có quyền bắt thêm mớ bạc – một mớ bạc rất lớn – của Sollozzo vì cung cấp ngay boong địa điểm đối phương đang chuẩn bịtrải nệm đâu phải chuyện tầm thường?
Rocco đến sớm một chút. Lập tức có mục giải thích và phân phối công tác. Rõ ràng Clemenza thấy khuôn mặt nó sáng lên khi có lời cảm tạ công ơn cất nhắc của xếp. Công việc vậy là phải hoàn thành tốt đẹp... Nhưng Clemenza vẫn thân mật vỗ vai:
- Từ hôm nay trở đi thì lương mày sẽ lên nhiều, rất nhiều. Cái đó mình tính sau vì mày biết hiện có nhiều công việc gấp quá, quan trọng quá!
Rocco vội khoát tay ra điều cái vụ đó thì quá chắc rồi, xếp khỏi nói. Clemenza bèn đưa nó vô phòng riêng, mở két sắt kín lấy ra một khẩu súng đưa cho Rocco và căn dặn:
- Mày phải xài thứ này cho chắc ăn. Súng không số, không kiểm kê... có điều tra cũng cóc ra! Chơi xong là để lại trong xe nó. Xong việc thì mày tự tiện đưa vợ con xuống Florida du hí một thời gian, ăn chơi cho ngon đi. Tạm thời cứ xài tiền túi, rồi tao sẽ hoàn lại đủ. Nhớ ở lữ quán nhà ở Miami Beach để có gì tao còn biết chỗ liên lạc gấp.
Có tiếng gõ cửa. Mụ vợ Clemenza thò đầu vô báo có Paulie Gatto tới. Nó cho xe đậu sẵn ngoài cửa chờ. Rocco theo chân xếp bước ra.
Lúc mở cửa xe lên ngồi bên cạnh nó, Clemenza làm mặt lạnh. Thay vì chào hỏi lão chỉ ậm à ậm ừ đưa tay ngó đồng hồ làm như hơi bực mình vì có việc gấp quá mà nó đến trễ.
Khuôn mặt lưỡi cày của Paulie ngước lên, mắt nó ngó xếp đăm đăm và chột dạ rõ khi thấy Rocco Lampone khơi khơi mở cửa xe, bước lên ngồi băng sau. Nó thắc mắc hỏi: "Bữa nay sao lại có cả mày? Ngồi băng dưới mày phải xích qua bên một chút chớ? Mày chắn cha nó kính chiếu hậu".
Nó nói đúng quá nên Rocco ngoan ngoãn né qua một bên, ngồi sau lưng xếp vừa lúc Clemenza cằn nhằn giải thích:
- Thằng Sonny điên đầu rồi. Nó hoảng quá chắc. Chưa gì hết đã bắt tao lotrải nệm! Bây giờ tụi mình phải kiếm một căn ngon lành ở mé Tây, Paulie và Rocco, tụi bây lo người sẵn, lo sắp đặt đủ thứ trước... để có lệnh là anh em chỉ việc kéo đến. Có đứa nào biết một căn lầu thật ngon không?
Không cần phải nhìn, Clemenza cũng biết Paulie mừng như mở cờ trong bụng. Cá đã cắn câu chỉ vì mải nghĩ đến món mồi Sollozzo sắp cung ứng nên quên phắt mất hiểm hoạ Rocco ngồi sát bên. Mà quên cũng phải. Nãy giờ thằng Rocco chơi vai trò rất trội, nó bơ bơ ngó qua cửa sổ, nó có để ý đến cái quái gì đâu?
Paulie nhún vai trả lời: Cái đó còn phải nghĩ một chút.
Clemenza nói vắn tắt: "Mày vừa lái xe vừa nghĩ. Bữa nay mình lên Nữu-Ước..." Paulie cho xe băng vùn vụt, và vào giờ ấy đường cũng ít xe nên chập choạng tối đã tới. Dọc đường chẳng buồn nói chuyện. Clemenza biểu lái đến khu cao ốc Hoa-Thịnh-Đốn thử kiếm và ba căn trên bin-đin rồi bảo ngừng xe đợi ở đại lộ Arthur. Thằng Rocco cũng ở lại trong xe đợi luôn.
Một mình Clemenza xuống xe, thả bộ lại nhà hàngVera Mario kêu một đĩa xà lách bí-tết bò con. Một giờ sau mới thủng thỉnh trở lại xe.
Mở cửa bước vô là cằn nhằn:
- Đ.M... lại có thay đổi giờ chót. Tạm đình cái vụ trải nệm. Paulie và tao về Long Beach lãnh công tác khác. Còn Rocco... mày ở Nữu-Ước thì tụi tao thảy mày xuống đây cho tiện.
- Ấy, đâu được? Xe tôi còn để nhà xếp lúc nãy mà? Tưởng xong vụ này về lấy... chớ mụ vợ tôi sáng mai phải cần gấp.
- Vậy chịu khó về Long Beach với tụi tao rồi tạt về nhà tao lấy xe sau. Trên đường về Long Beach cũng chẳng thằng nào buồn trò chuyện. Gần đến đoạn đường rẽ vô thị xã, Clemenza đột nhiên nói: "Paulie, ngừng xe lại cho tao làmcái vụ kia cái đã".
Thầy trò đi với nhau bao nhiêu lâu, thân cận quá rồi nên Paulie còn lạ gìcái vụ kia? Clemenza hồi này có tuổi, có bụng nên uống vô chút rượu ưa đi đái hoảng. Đang lái xe phom phom cũng phải kiếm chỗ tốp gấp cho xếp "trút bầu tâm sự" là thường! Nó bèn lách xe vô khoảng đất trống dẫn vô đám sình lầy rồi tốp lại. Clemenza lật đật bước xuống, đi thẳng lại bụi cây xả một bãi thật sự. Xong đâu đấy lão lẹ làng đi trở lại, đưa tay mở cửa xe. Cặp mắt đảo rất nhanh nhìn hai đầu đường. Không thấy một ánh đèn pha.
Lão vắn tắt "Làm đi" thì tiếng súng đã nổ chát chúa, nổ nghe nhức đầu. Thân hình thằng Paulie như bốc lên, đổ vật trên vô lăng xe, rồi lăn xuống nệm. Clemenza hấp tấp nhảy lui lại, làm như không muốn để cho máu, óc và xương sọ nó văng phải.
Rocco Lampone từ băng sau nhảy ra, liệng khẩu súng ra thật xa, cho mất hút giữa đám sình lầy. Có chiếc xe chờ sẵn sau bụi cây kế bên. Rocco lẹ làng bước tới mở cửa, luồn tay dưới ghế lấy ra một chiếc chìa khoá công tắc. Nó nhanh nhẹn ngồi sau vô lăng, mở máy cho xe vọt gấp. Thay vì quay trở lại đường cũ, nó cũng về Nữu-Ước nhưng lái vòng qua một ngả khác xa hơn nhiều, xa hơn rất nhiều...
CHƯƠNG 8
Không đầy hai mươi bốn giờ đồng hồ trước khi Ông Trùm bị ám sát, thằng người nhà thân tín nhất, dễ nể nhất chuẩn bị tiếp xúc đối phương. Dĩ nhiên phải là đêm tối và dĩ nhiên phải do Ông Trùm sắp đặt chớ? Luca Brasi đã được lệnh ngầm tiếp xúc và bắt tay vô việc nầy cả tháng trước. Nó la cà đi nhậu ở mấy quán rượu của nhà Tattaglia, lại bắt bồ với một con điếm có cỡ nữa. Nó chán đời, nó bất mãn... Bao nhiêu năm phục vụ gia đình Corleone mà cứ lẹt đẹt mãi.
Cỡ một tuần sau khi xì tin ra thì ông chủ quán tức cậu út Bruno bèn tới gặp liền. Trong gia đình Tattaglia thì Bruno bề ngoài không hềlàm việc nhà, tức nuôi đĩ. Có điều quán của cậu út rất đông "nghệ sĩ trình diễn" và chiêu đãi cẳng dài. Nhiều em bédeluxe Nữu-Ước xuất thân từ quán này.
Cuộc tiếp xúc rất mau lẹ, thẳng thắn. Bất mãn với cánh Corleone thì sẽ có việc làm ngay, một chân "giám sát" thì làm gì chẳng có? Vì mê em bé quá, muốn gần gụi nên Luca Brasi cũng muốn làm lắm chớ? Những mục dò dẫm cứ thế mà tiến hành. Tuy nhiên Luca chỉ nhận làm với một điều kiện rõ ràng: không đả động tới, không chống lại Bố Già Corleone cổ kính.
Cậu út Bruno thuộc đám mới lớn lên, tối kỵ "mấy anh già vớ vấn, nhà quê" kiểu Luca Brasi nhưng cũng ráng tiếp xúc thử. Đến Vito Corleone hay ông thân sinh cậu cũng chẳng là cái thá gì kia mà? "Ô hay sao Ông Già tôi lại muốn ông chống lại Ông Trùm Corleone nhỉ? Thời buổi này đường ai nấy đi chớ chống đối nhau như ngày xưa thì ăn giải gì. Nếu ông cần một chỗ làm ngon lành thì tôi sẵn lòng giới thiệu với Ông Già. Công việc của ổng bao giờ chẳng cần những người biết làm vàdám làm như ông? Nếu muốn thì ông cứ việc đến.
Luca Brasi nhún vai: "Tôi hiện giờ cũng chưa đến nỗi phải đi tìm việc".
Theo đúng kế hoạch, Luca làm ra vẻ muốn làm và từng có ít nhiều kinh nghiệm ma túy nên nếu có làm thì phải cũng có tí gì làm ăn riêng. Chỉ cốt để "đánh hơi" xem đứng sau lưng nhà Tattaglia, thằng Sollozzo có tính toán gì không, có định chơi cánh Corleone không. Việc cứ dây dưa tới 2 tháng mà vẫn chưa thâu thập được tin tức gì nên Luca báo cáo lại là không nghe nói Sollozzo có mưu toan. Tuy nhiên Ông Trùm ra lệnh tiếp tục giữ đường dây, không đi đâu mà vội.
Ngay buổi chiều hôm trước Ông Trùm bị sát hại, Luca Brasi cũng mò lại quán và được Bruno tới ghé tai cho biết:
- Tôi có người bạn muốn tiếp xúc với ông.
- Rất sẵn sàng... Biểu hắn tới đây...
- Đâu được. Hắn muốn gặp riêng kia.
- Ai vậy?
- Một người bạn. Hắn có một đề nghị muốn nói với ông khuya nay được không?
- Được. Lúc nào, ở đâu?...
Bruno Tattaglia ngẫm nghĩ rồi nói:
- Quán sẽ đóng cửa 4 giờ sáng. Tại sao không hẹn gặp ở đây ngay sau giờ ấy... lúc tụi nó sắp công tác dọn dẹp?
Nó hẹn gặp lúc 4 giờ sáng là nó đã điều tra kỹ về lối sống của mình rồi. Luca Brasi nghĩ vậy.
Vì Luca Brasi khác người ở chỗ quen lệ 4 giờ chiều mới ngủ dậy, rồi giải trí bằng cách đánh bạc cò con với mấy anh em nhà hay "bắt" một em nào đó. Thỉnh thoảng đi coi hát, vôbar nhậu một mách và không bao giờ chịu ngủ trước lúc trời tờ mờ sáng. Như vậy cái hẹn 4 giờ khuya đâu có gì ngược đời?
Chiều hôm đó, sau khi y hẹn Luca trở về nhà, một căn phòng ở trọ trong gia đình một bà con có họ xa ở trong khu nhà ga Đại lộ số 10. Nó ở riêng một mình hai phòng nhưng muốn vô phòng nó thì bắt buộc phải đi qua nhà ngoài nên Luca Brasi khoái địa điểm này. Vừa có không khí gia đình lại vừa an ninh bảo đảm. Muốn thịt Luca Brasi ở nhà đâu phải dễ?
Nó biết "người bạn" của Bruno lắm chớ? Khuya nay thế nào thằngđường Thổ chẳng ló đuôi chồn? Nếu nó hé cho biết điều gì thì tốt quá. Còn món quà mừng Giáng sinh nào Ông Trùm khoái bằng?
Luca Brasi sửa soạn kỹ. Giường nó phía dưới có một ngăn kín, nó kéo ra lấy chiếc "áo lót". Thứ áo đỡ đạn dày cộm, nặng kinh khủng. Mặc vô rồi mới đến sơ mi, vét tông. Mấy lần đã định phôn về Ông Trùm thông báo gấp cái hẹn khuya nay nhưng không dám. Bố Già tuyệt đối ít chịu xài điện thoại. Ổng lại giao công tác này chomột mình nó, ngay đến Tom Hagen và cậu cả Sonny cũng không được quyền biết đến thì thông báo với ai?
Luca Brasi lúc nào chẳng kè kè khẩu súng trong người? Đâu phải súng lậu mà súng có giấy tờ đàng hoàng. Cái giấy phép mang súng của nó có lẽ mắc nhất thế giới vì khó cấp nhất. Mười ngàn đô la, thần thế lắm mới có. Nhưng vẫn phải có vì không lẽ tay súng số 1 của gia đình Corleone lại không có súng hay xài súng lậu để rớ tới là ở tù?
Khuya nay nếu mọi việc xong hết và cần đến súng thì Luca Brasi phải xài một khẩu khác, thứ súng "an toàn" nghĩa là không có gốc nào để phăng ra kìa! Nhưng mới lần sơ ngộ thì có lẽ chưa cần nổ. Cứ lắng nghe và về kể lại cho Ông Trùm là tốt rồi.
Luca Brasi trở lại quán nhưng không nhậu nữa. Một mình nó thả bộ đến đường số 48, chén một bữa ở Pasy, nhà hàng chuyên bán toàn món Ý. Nơi đây bán suốt đêm, ông khách quen có quyền kề cà đến sáng! Gần đến giờ hẹn Luca Brasi mới mò tới, lúc quán vừa đóng cửa người làm bắt đầu về.
Chủ quán Bruno đích thân ra đón, đưa nó vô cáibar vắng ngắt bên cạnh phòng ăn. Luca Brasi đưa mắt nhìn ra cả một khoảng mông mênh bàn ghế để lổng chổng và ở giữa là sàn nhảy đánh si bóng láng. Giàn nhạc trống trơn, mấy cái mi-crô đứng trơ trụi.
Luca tới ngồi quầy rượu, ông chủ Bruno ngồi phía trong bồi tiếp. Nó nhất định từ chối, không chịu uống mà chỉ đốt thuốc hút. Biết đâu lỡ người hẹn gặp không phải Sollozzo thì sao?
Đúng lúc đó nó đề cao cảnh giác thì từ bóng tối đầu phòng đằng kia Sollozzo thủng thỉnh bước tới. Nó ngồi cạnh Luca. Thằng Bruno bưng rượu lại. Sollozzo gật đầu rồi lên tiếng: "Chắc ông biết tôi là ai rồi?"
Luca gật đầu cười lạnh. Tao biết mày là con chồn ở hang và bây giờ con chồn ló ra. Tao biết mày là thằng dễ nễ và chơi với mày là phải coi chừng kịch liệt... nhưng có vậy mới thú!
- Ông biết tôi sắp thưa chuyện gì không?
Luca Brasi lắc đầu.
- Tôi đề nghị một chuyện làm ăn, làm ăn lớn... làm ăn bạc triệu. Ngay chuyến đầu phần ông đảm bảo là 50 ngàn đô-la. Tôi muốn nói ma túy chỉ có ma túy mới ngon ăn như vậy!
- Ủa, sao lại đề nghị với tôi? Chắc ông muốn nhờ chuyển lời lên Ông Trùm?
- Không, Ông Trùm tôi đã nói rồi nhưng ổng không chịu nghe. Ổng từ chối thẳng. Dĩ nhiên không có ông tôi cũng vẫn làm và làm được chớ? Nhưng tôi cần một tay chì, rất chì để đứng đằng sau yểm trợ cho công cuộc làm ăn. Tôi biết ông có chỗ không hài lòng với gia đình Corleone và có thể bỏ đi làm ăn nơi khác.
- Nếu quyền lợi đúng mức.
Cặp mắt Sollozzo nãy giờ nhìn nó chòng chọc. Hình như nó đã có quyết định rồi.
- Quyền lợi thì cứ như con số tôi vừa nói. Ông suy nghĩ vài ba bữa cho chín chắn rồi ta sẽ gặp nhau sau.
Nói dứt là Sollozzo chìa tay ra bắt nhưng Luca lờ đi, làm như không thấy mà cứ chăm chú vào điếu thuốc vừa gắn lên môi. Bên kia quầy rượu, Bruno bèn mau mắn chìa bật lửa ra. Coi, bật lửa chưa tới đã rớt cái độp. Ra nó cố tình buông để nắm cứng lấy tay mặt Luca Brasi. Hai tay giữ một, kềm cho chặt.
Luca có phản ứng ngay. Người nó tuột ra khỏi ghế và vặn mình một cái là vượt. Nhưng hai tay Sollozzo lập tức kẹp cứng tay trái, đúng chỗ cổ tay. Hai thằng 4 tay giữ nó cũng khó quá! Nó vùng vẫy và chắc sẽ sút cái một nếu đúng lúc đó nhân vật thứ 3 không xuất hiện.
Từ khoảng tối phía sau lưng Luca một thằng vọt ra, cấp tốc "đi một đường dây lụa" quanh cổ hung thần. Sợi dây lẹ làng xiết lại, xiết gọn. Còn thở sao nổi?
Mặt Luca tím, tím bầm. Sức vùng vẫy ở hai bên tay đi đâu mất. Sollozzo và Bruno Tattaglia hai thằng nắm hai bên bỗng nhàn nhã quá. Gần như khỏi cần xuất lực mà chỉ đứng yên, đứng ngay người ngó thằng cô hồn phía sau nghiến răng xiết cứng sợi dây, xiết cứng nữa.
Đột nhiên mặt sàn ướt sũng nước và cả phòng bỗng thối hoăng. Cứt đái văng tứ tung. Người Luca Brasi nhũn ra, gối lỏng và sụm xuống. Bruno và Sollozzo vội buông nó ra gấp để một mình thằng em ghì chặt lấy và hạ người thấp dần theo cái thân xác nặng nề. Nó xiết chặt đến nỗi sợi dây lụa văng tuốt luốt vô cần cổ, không trông thấy đâu nữa kia mà? Đôi mắt Luca lồi ra, như muốn nhảy khỏi tròng. Làm như nó ngạc nhiên, ngạc nhiên lắm và vừa kịp ngạc nhiên là chết.
- Phải thủ tiêu nó gấp. Bây giờ tuyệt đối chưa thể lộ một tí gì về nó.
Buông xong khẩu lệnh vắn tắt, Sollozzo quay phắt đi, biến vào bóng tối.
11/2/2014
Mario Puzo
Ngọc Thứ Lang dịch
Nguồn: NXB văn học
Theo https://www.truyenngan.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...