Trăm năm đất võ trời văn ấy
Có một câu ca dao của người Bình Định mà tôi nhớ mãi: Mẹ già như chuối chín cây/ Gió rung mẹ rụng, con rày mồ côi”. Thân phận đứa con nằm trong tình mẹ con thương nhau, mẹ rụng thì con mồ côi, còn mẹ là còn tất cả, dù biết “chuối chín cây” là quy luật. Quê hương chính là mẹ chúng ta. Nhưng quê hương thì “không rụng”. Quê hương còn mãi, kể cả còn trong ký ức những người con xa quê. Cứ tạm phóng tay ra mà tính một trăm năm thôi, thì tính từ năm 1920 tới nay - 2020, quê hương Bình Định đã hiển nhiên rỡ ràng “đất võ trời văn”. Dù chỉ giả định và xét trong lát cắt tròn một thế kỷ.
ĐẤT LÀNH NHÂN NGHĨA
Nếu tính
từ 1920, thì Đào Tấn đã vĩnh biệt đất Bình Định 13 năm. Nhưng Đào Tấn (1845 -
1907) với di sản nghệ thuật Tuồng đồ sộ ông phát triển, cách tân, bắt nguồn từ
Đào Duy Từ (1572 - 1634), thì còn mãi. Không chỉ còn trong thế kỷ 20, mà còn
vĩnh viễn. Chẳng ai hoài nghi điều này đâu nhỉ! Nhắc đến Đào Tấn và Tuồng (tôi
nhấn mạnh) ắt phải nhắc đến Đào Duy Từ. Nói cho mau, một người là người Bình Định,
người còn lại không phải người Bình Định, nhưng người ta nhớ tới ông, sự nghiệp
của ông nhờ ông “bắt rễ” ở Bình Định. Cái xứ Bình Định là nó hay ghê lắm. Tương
truyền con người vĩ đại quê gốc Thanh Hóa nhưng đã chọn Bình Định làm quê hương
có một thổ lộ. Lời ấy như thế này: “Một hôm ông (Đào Duy Từ) nói với bạn rằng:
“Tôi nghe chúa Nguyễn hùng cứ đất Thuận Quảng, làm nhiều việc nhân đức, lại có
lòng yêu kẻ sĩ, trọng người hiền... Nếu ta theo vào giúp thì chẳng khác gì
Trương Lương về Hán, Ngũ Viên sang Ngô, có thể làm tỏ rạng thanh danh, ta không
đến nỗi phải nát cùng cây cỏ, uổng phí một đời.”(dẫn theo Wikipedia). Và Đào
Duy Từ đã vào Bình Định, “xin chọn nơi này làm quê hương”. Lịch sử chứng minh
Đào Duy Từ đã chọn đúng. “Mùa đông năm Ất Dậu (1625), Đào Duy Từ trốn được vào
xứ Đàng Trong. Sau khi nghe ngóng, thăm dò, biết khám lý Hoài Nhơn là Trần Đức
Hòa là người có mưu trí được chúa Nguyễn Phúc Nguyên tin dùng, ông vào Hoài
Nhơn, đi ở chăn trâu cho một phú ông ở xã Tùng Châu. Phú ông thấy Đào Duy Từ học
rộng tài cao, biết ông không phải là người thường, liền đem nói với Trần Đức
Hòa, Trần Đức Hòa cho vời Đào Duy Từ đến hỏi chuyện. Thấy mọi chuyện ông đều thông hiểu, liền giữ ông lại và gả
con gái cho ông. Khi Trần Đức Hòa xem bài Ngọa Long cương của Đào Duy Từ liền
nói rằng: “Đào Duy Từ là Ngọa Long đời này chăng” (dẫn theo Wikipedia). Người
tài thì ắt sẽ nhận biết đâu là người tài. Nhưng chỉ những bậc hiền tài có nhân
có nghĩa mới đủ năng lực thông tuệ, nhận ra người hiền tài. Khi người tài có thể
không sinh ra ở đó nhưng đã chọn nơi đó làm quê hương, thì ấy chính là nơi “đất
lành chim đậu” vậy. Chuyện Trần Đức Hòa phát hiện được, dung nạp được Đào Duy Từ
còn lại tới ngày nay là bởi Đào Duy Từ thậm còn là một thiên tài đa lĩnh vực.
Còn những người kém tài hơn một chút có thể ẩn khuất đâu đó trong nhân gian.
Tôi tin, số này rất nhiều, có thể kém sáng hơn Đào Duy Từ chút thôi. Bình Định,
trước tiên, là đất của những người có nhân có nghĩa. Nhân nghĩa là đức tính tốt
đẹp nhất mà Trời ban cho con người. Phải như thế nào thì Đào Duy Từ và nghệ thuật
Tuồng mới được khai sáng vĩ đại từ nơi này chứ. Có nhân nghĩa mới dung nạp ba
anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ để sau đó có triều đại Tây Sơn oai
hùng chứ. Cho nên nói Bình Định là “đất võ trời văn” không phải là nói vuốt ve
người Bình Định. Và nếu đất Bình Định không xứng được như thế thì rồi cũng chẳng
thể đi cùng thời gian.
ĐIỀM ĐẠM ĐẤT VÕ
Ở trên là nói chuyện nhân nghĩa, nhưng
Người Bình Định còn giàu nghĩa khí và chuộng nghĩa sĩ. Họ chuyên cần luyện võ
thuật, tạo nên một khí phách, gây dựng một nền tảng võ học, lan tỏa những đường
quyền, thế võ trong nhân gian, khiến ngày xưa gần như người dân nào cũng
biết “múa roi đi quyền”. Những lò võ mọc lên khắp nơi khắp chốn, từ thành thị tới
tận những nơi thâm sơn cùng cốc. Luyện võ để giữ mình, bảo vệ mình, nhưng cũng
để giúp người, để bảo vệ chính nghĩa, xiển dương đạo nghĩa. Tôi không ngạc
nhiên khi biết, trong số những “hiệp sĩ đường phố” tình nguyện đứng lên bắt cướp
trừ bạo, che chở bảo vệ dân lành ở TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố miền Nam
khác hiện nay, có nhiều người quê gốc Bình Định. Họ, nói như cụ Nguyễn Đình Chiểu:
“Thấy việc nghĩa không làm là đồ bỏ”. Mà muốn làm việc nghĩa chứa đựng nhiều hiểm
nguy, thì phải biết võ, phải tự trang bị cho mình sự can trường và kỹ năng tự vệ.
Nói võ thuật dấy lên từ đất, là nói nó bắt nguồn từ nhân dân, từ những người
lao động cần lao, những người mà cha ông họ thuở xưa đã đứng dưới cờ nghĩa của
Quang Trung - Nguyễn Huệ, thời thực dân Pháp vào xâm lược nước ta thì họ lại đứng
dưới cờ nghĩa của Mai Xuân Thưởng, trở thành những bộ hạ của Tăng Bạt Hổ, và nhất
loạt đứng lên dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc của cuộc cách mạng Tháng Tám.
Trong ba anh em nhà Tây Sơn thì Nguyễn Huệ được tôn vinh ca ngợi nhiều nhất, vì
đó là nhân vật vĩ đại nhất, một người anh hùng “nghìn năm có một”. Nhưng ở đây,
tôi muốn nói nhiều hơn tới người em út - Nguyễn Lữ, trong dân gian vẫn thường
kính trọng gọi là “Thầy Tư Lữ”. Thầy Tư Lữ là người “Phú quý bất năng dâm, bần
tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Đó là một đại trượng phu luôn thầm lặng
làm việc nghĩa. Dân gian gọi là “Thầy” vì Nguyễn Lữ đã từ bỏ công danh, lợi lộc
để trở thành kẻ tu hành trong giang hồ nơi xóm ấp, chốn núi non. Ông ẩn mình giữa
nhân dân, làm thuốc cứu người nghèo khổ ốm đau, che chở cho người
hoạn nạn sau khi triều Tây Sơn sụp đổ. Tương truyền, Thầy Tư Lữ chính là người
đã cứu giá người chị dâu của mình là Công chúa Ngọc Hân cùng hai con nhỏ, khi
Ngọc Hân mang con trốn vào vùng Bảy Núi Nam bộ. Chuyện này do dân gian lưu truyền,
coi như một huyền thoại. Nhưng nó cũng chứng tỏ một điều Nguyễn Lữ là người
nghĩa khí và chung thủy. Dân gian biết cách ghi nhớ và công bằng trong ghi nhớ.
Một triều đại rồi sẽ qua, nhưng những anh hùng những hiệp nghĩa thì còn lại.
Cũng còn lại những ai biết sống vì dân, sống giữa lòng dân, đồng cam cộng khổ với
dân, được nhân dân tin yêu đùm bọc. Nguyễn Lữ - Thầy Tư Lữ là người như vậy.
Chưa kể, ông là bậc thầy võ thuật, người đã sáng tạo và truyền lại được trong
dân gian bài “Hùng kê quyền” bất tử, mà một truyền nhân của bài quyền này, người
quê gốc Quảng Ngãi là võ sư Ngô Bông đã gìn giữ và xiển dương.
NHỮNG TRỜI VĂN LỒNG
LỘNG
“Văn” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ cụ thể trong văn học nghệ
thuật, mà rộng hơn, chỉ về lối sống, cách sống, hành xử trong cuộc sống của con
người. Hiểu như thế thì mới đúng tầm khí chất người Bình Định và hiểu đúng người
Bình Định, một cộng đồng sống rất có “Văn”. Người Bình Định hiền hòa, giỏi võ
không phải để đánh ai, bắt nạt ai, hay dùng võ làm những việc trái đạo nghĩa.
Ngược lại, càng giỏi võ, người Bình Định càng sống chan hòa, nhân ái, nhiều khi
thầm lặng, giản dị, không chuộng màu mè hình thức, mà “gu” thẩm mỹ nghiêng về
những màu đạm, nét thanh, yêu sự hài hòa. Đó là sống có văn. Từ nền móng ấy,
văn học nghệ thuật Bình Định có đất để vươn mình lên, trở thành món ăn tinh thần
không thể thiếu của người Bình Định. Nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Bài chòi đều
phát nguồn từ dân gian, dù Tuồng có gốc gác cung đình, nhưng ở Bình Định nó là
tài sản của nhân dân. Đó là điều đáng ngạc nhiên. Người Bình Định mê Tuồng, yêu
Bài chòi, thích hội họa, thường tự giải phóng mình khỏi những hệ lụy thường
ngày để ngâm ngợi những bài thơ cùng bè bạn, bên chén rượu Bàu Đá “dày” và “nặng”
như nhận xét của cố nhà thơ - nhạc sĩ Văn Cao. Có lúc cũng có người nói người
Bình Định sống tự tại nhưng “ít chịu phấn đấu”, thích nhàn tản không
chuộng tranh đua. Thực ra, đó là ứng xử của những con người biết tự làm chủ bản
thân mình và biết hưởng thụ cuộc sống - hiểu theo nghĩa đẹp đẽ của khái niệm
này. Có rất nhiều người Bình Định giỏi giang trong học thuật, trong thơ ca,
nhưng họ chọn lối sống điềm đạm, không khoe khoang, và chuyên cần nghiên cứu,
sáng tạo. Chẳng phải cuối cùng đó chính là cách phấn đấu tốt nhất của Con Người
đấy sao! Từ trăm năm nay, Bình Định không chỉ là cái nôi của nghệ thuật Tuồng
hay Bài chòi, Bình Định còn là một trong những cái nôi của Thơ Mới, là nơi quy
tụ rất nhiều tài thơ xuất chúng như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến
Lan, Quách Tấn… Có một nhà thơ thuộc thời kỳ thơ Mới, quê Quảng Ngãi là Bích
Khê cũng đã từng “tụ nghĩa” cùng anh em nhà thơ Bình Định, và đã được Hàn Mặc Tử,
Chế Lan Viên rất khen ngợi. Không có “cái nôi Thơ” Bình Định, chưa chắc Bích
Khê đã trở thành một ngôi sao Thơ rỡ ràng như bây giờ chúng ta hâm mộ. Tôi lại
nhớ, nhà thơ Phạm Hổ - tên hổ, lại giỏi võ, nhưng hiền không ai bằng, sống nhẹ
nhàng tới mức ta chỉ còn biết cảm phục. Tôi còn nhớ, nhà văn Nguyễn Thành Long,
người Bình Định này (không thật “gốc” lắm vì quê gốc của anh ở Quảng Nam) thật
khiêm nhường, thật nhu hòa, luôn chọn cách “sống trong veo tự giấu mình”, và
yêu quý thật lòng các đàn em văn nghệ. Nói “văn” là nói tác phẩm, nhưng rốt cuộc,
“văn là người”, nói văn thì phải nói người, không thể khác. Nếu gọi nơi này là
“trời văn” thì văn là những cơn mưa xuân nhuần thắm, nhẹ nhàng nhưng hiệu quả,
làm mát mẻ cỏ cây hoa lá. Và khiến con người cảm thấy niềm hạnh phúc bình dị
trong cuộc đời. Một “tấm thân bé nhỏ” là tôi cũng đã được sống 10 năm ở Quy
Nhơn, và nhờ hưởng được tinh hoa của vùng đất giàu nghĩa khí này, tôi đã sáng
tác được nhiều tác phẩm, trong hoàn cảnh sống rất khó khăn hồi ấy. Vì tôi luôn
có bạn, bạn hiền. Trong đó, tôi có nhiều bạn chỉ là người lao động bình thường,
nhưng họ yêu thơ ca, và có làm thơ. Chúng tôi đã chơi với nhau thật vui, thật cảm
động, chơi hết mình và rất trong sáng. Còn “môi trường thơ” nào lành sạch hơn
thế, đối với một người làm thơ như tôi, ơi Bình Định yêu thương.
Tường Minh
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét