Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Những gánh hàng xuyên thế kỷ

 Những gánh hàng xuyên thế kỷ

Có những người Bình Định xa quê hơn nửa cuộc đời, khi về thăm quê nhà bỗng rưng rưng chỉ vì một điều đơn giản, họ vẫn thấy người bán món ăn quen thuộc năm xưa nay vẫn còn bán, hương vị năm xưa nay vẫn còn nguyên… Nửa thế kỷ trôi qua chớp mắt theo chiều ngược lại để họ vụt quay về tuổi thơ theo hương vị ngọt ngào, nồng ấm.
55 NĂM BÁN BÁNH HỎI 

Xung quanh khu vực gần hoa viên Quang Trung (TP Quy Nhơn) có khoảng chục người bán bánh hỏi vào các buổi chiều tối hằng ngày, nhưng đắt khách nhất là bà Năm (69 tuổi, quê ở phường Đập Đá, TX An Nhơn), người đã gắn bó với nghề này đến… 55 năm. Những khách hàng đã quen ăn bánh hỏi bà Năm, bỗng trở nên “khó tính” với nơi khác bán món này, bởi cái miệng đã quen với hương vị bánh thơm ngon của bà Năm. Khách ngồi chờ, chăm chú theo dõi bà Năm xếp những miếng bánh hỏi trắng nền nã lên tấm lá chuối xanh mướt, lấy con dao nhỏ tỉ mỉ cắt lá hẹ tươi tốt bỏ vô chén dầu, rồi đều tay trang trí hẹ lên bánh, sau đó rắc thêm hành phi thơm lừng phủ kín mặt trên cùng của lớp bánh, khiến mới nhìn thôi đã nuốt nước bọt. Bà Năm cho biết: “Nghề làm bánh hỏi của nhà tôi do ông bà cố tôi truyền lại. Năm chưa đến 15 tuổi, tôi đã phụ mẹ xuống Quy Nhơn ngồi bán bánh hỏi. Rồi cha mẹ tôi lần lượt mất đi, đến phiên tôi theo nghề ông bà để lại. Ở nhà tôi vẫn còn giữ lại mấy đồng tiền làm bằng kim loại thời trước giải phóng để kỷ niệm giá bán một ký bánh hỏi khi ấy; hiện giá một ký bánh đã là mười mấy nghìn đồng, nhưng bằng tiền giấy nên mình bọc nhẹ hơn xưa nhiều”. 69 tuổi nhưng hằng ngày bà Năm vẫn đi xe khách mấy chục cây số từ Đập Đá vào Quy Nhơn, mở bán từ tầm 2 giờ chiều đến tận 10 giờ đêm, tối ngủ lại rồi sáng hôm sau bắt xe về quê. Mỗi ngày bán khoảng 70 kg bánh. Nghỉ ngơi một chút rồi bắt tay vào làm bánh để kịp chiều lại vào Quy Nhơn. Đi bán lâu năm riết rồi quen, khó thể thiếu mỗi ngày. 

ĐỜI QUÁN - ĐỜI NGƯỜI 

Ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, có quán bánh xèo Cây Phượng nổi tiếng. Chủ quán là cụ Trần Thị Ngâu (76 tuổi), cách đây hơn 50 năm đã kế thừa kiểu bánh xèo truyền thống Bình Định, nhưng tìm tòi riêng về cách pha bột, tạo màu, kết hợp với việc luôn lựa chọn nguyên liệu tốt, nên chiếc bánh làm ra có màu vàng đặc trưng bắt mắt, ăn thơm ngon, giữ được độ giòn dù nóng hay nguội. Cụ Ngâu cho biết: “Nhiều khách du lịch người Nhật, Mỹ, Đức... ghé quán ăn đều thích thú giơ ngón tay lên khen ngon, rồi chụp chung với tôi mấy tấm hình kỷ niệm”. Quán Cây Phượng nằm cạnh QL 1A, nên trở thành địa chỉ quen thuộc của cánh lái xe khách, xe tải đường dài. Nhiều tài xế gọi điện đặt trước cho hành khách khi họ nghe quảng cáo về bánh xèo nổi tiếng xứ Dừa. “Quán đắt khách nhưng tôi không tăng giá. Khách ta hay khách Tây, người địa phương hay phương xa tôi đều bán đúng một giá, phục vụ như nhau”, cụ Ngâu chia sẻ. Cũng vậy, quán bánh tráng cuốn thịt bò nướng Năm Cưu (số 7 Trần Phú, phường Bình Định, TX An Nhơn) đã tồn tại 60 năm có lẻ. Cô chủ Nguyễn Thị Lửa mở quán từ thời trẻ, chinh phục thực khách gần xa ở bí quyết làm món thịt nướng. Theo chủ quán chia sẻ, phải dùng thịt bò loại một, thái đều tay từng miếng nhỏ không mỏng cũng không dày, vừa miệng người ăn. Sau đó, tẩm ướp nhiều loại gia vị, ít nhất là một tiếng đồng hồ cho thấm, rồi nướng trên lửa than, làm sao giữ được độ ngọt, mềm của thịt. Cái ngon còn nằm ở chén nước chấm thực hiện kỳ công. Thịt bò được xào với gia vị cho ra nước, rồi cho nước mắm ớt tỏi, thêm ít xoài bằm, tạo nên thứ nước chấm ngon lạ, thú vị cho món ăn... 
1. Cụ Trần Thị Ngâu đang chế biến bánh xèo ở quán Cây Phượng. 
2. Bánh hỏi của bà Năm đã hấp dẫn thực khách qua nhiều thế hệ. 3. Thịt bò nướng quán Năm Cưu chinh phục thực khách từ cách chế biến theo bí quyết riêng.
Hoài Thu
Theo http://www.baobinhdinh.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...