Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Dốc thẳng

Dốc thẳng

1. “Đi chứ?”.
“Ừ. Đi!”.
“Bao giờ?”.
“Còn xem…”.
Xuyên ngắt nửa chừng câu nói, ngửa cổ hớp một ngụm nước từ chiếc chai gã bên cạnh vừa đưa, súc sùng sục rồi nhổ ra một bãi chất lỏng đục nhầy than và bụi. Lũ ong vò vè xung quanh hai gã đàn ông trong bộ dạng kiệt sức dưới gốc cây trứng cá không cảm thấy mối đe dọa đành bay đi.
Từ phía bìa rừng, cắt qua lối nhỏ trải đầy đá sỏi đâm qua những tán cao su sậm sịt có một đám người đang đi tới. Trông họ cũng mệt mỏi và kiệt quệ, chân liêu xiêu cõng theo cưa xăng, rựa rộc bước đi nghiêng ngả trong nắng chiều. Ngang qua chỗ Xuyên, một người mang quân phục biên phòng gọi khẽ:
“Vào thôi, vào nông trường mà ngồi”.
“Bên đó thế nào?”. Xuyên hỏi lại.
“Tạm ổn, không biết nó có quay lại trong đêm nay hay không”. Người lính khoát tay. Hựu, gã ngồi với Xuyên đứng dậy, tra rựa vào bao rồi thất thểu bước đi. Xuyên nghe tiếng bước chân lê ràn rạt trên nền sỏi xa dần, cho đến lúc bóng họ khuất hẳn sau lối rẽ về phía nông trường. Anh khẽ thở dài. Phía xa, một cuộn khói trắng lửng lơ bay trên chóp núi rồi tan vào bầu trời xanh biếc không một gợn mây. Khói trắng bên kia có nghĩa là đám cháy chỉ còn rất nhỏ, hoặc đã lụi. Sợ nhất là khi cuộn khói màu đen đùn lên, những trận cháy như thế thường phó mặc cho trời. Suốt mấy hôm nay quần thảo với giặc lửa, giờ Xuyên thấy mình cũng như một cành cây đã cháy khô, người héo hắt, chân tay giòn rụm. Anh lùi mình tựa vào gốc cây trứng cá, mặc kệ sau lưng là mấy chang ong ai đặt vẫn đang vò vè. Xung quanh anh, rừng cao su nuốt dần nắng nhạt vào từng tán lá, rì rào rì rào trong gió lay rất nhẹ, như tiếng mưa, như tiếng hát từ đâu vẳng về. Giữa bạt ngàn những xanh rất xanh của rừng, hiện lên một con dốc thẳng, đâm dọc mỏm đồi trước mặt chạy ngược lên phía trên, tẽ đôi dãy núi bao quanh thung lũng, dựng đứng và lừng lững.
2. Hôm đầu tiên lên ở nông trường, Xuyên ngạc nhiên không hiểu vì sao có con dốc thẳng đến thế. Bấy giờ nông trường mới thành lập được vài năm, những cánh rừng cao su còn thưa thớt, cây ngang hông người. Từ sân nhìn lên, con dốc trắng nhợ như một sợi dây tạo hóa để quên thòng từ đỉnh của ngọn núi cao nhất rủ xuống, đầu dây cột vào chóp núi, chót thả chơi vơi nhúng vào thăm thẳm rừng xanh, không uốn quanh, không vòng vèo hay gãy khúc. Mấy dãy nhà xây màu vàng gạch cũ của nông trường nằm úp mặt lại với nhau lọt thỏm giữa bốn bề núi dựng. Nhiều khi Xuyên có cảm giác như mình đang đứng trong đáy của một chiếc bát, núi đồi vần quanh và cây thì cứ cao lên mãi, không làm sao mà thoát ra được. Ở xứ cao su này cây và người lặng lẽ, mủ cao su chảy ra ngoài, nước mắt người chảy vào trong, thế mà lại thành thân thuộc. Cuộc sống nơi đây dường như bóc tách Xuyên ra khỏi thế giới bên ngoài, không có internet, không có sóng điện thoại, không có điện lưới. Buổi sáng nhìn mặt trời chiếu lên khoảng sân vuông bàn cờ, đếm số ô chia thành hai màu tối sáng cho đến khi bóng râm phủ đến chân bể nước lọc, chợt nhận ra mặt trời đã lặn, một ngày nữa lại trôi qua.
Cũng từng có thời kì chốn này nhộn nhịp, đó là hồi cao su được giá. Niềm háo hức về một tương lai kinh tế xán lạn lẫn vào tiếng cười đám thanh niên ca hát hằng đêm, tiếng chó sủa, lợn kêu trong chuồng tăng gia. Và tiếng nước chảy ráo riết tưới trên da thịt Thơm trong phòng tắm nằm cuối góc sân nông trường.
“Đợi Thơm tắm xong mình đi dạo nghe”. Thơm cười chập chờn như ánh đèn theo guồng quay tuabin nước. Nụ cười bay vào làn gió thổi qua sân, rung rinh trên những tán rừng phủ màu đen huyền bí rồi mất hút sau cánh cửa phòng tắm.
Giờ thì căn phòng đó đã bám đầy bụi bặm, vòi nước phủ mạng nhện và những đụn đất mối đùn lên ngày này qua tháng khác thành một dãy hình thù kì dị. Người ta bỏ đi, Thơm cũng đi. Thơm nói: “Cực quá em đi, ở đây chẳng có tương lai gì”. Xuyên cười nhạt: “Có núi có rừng em sợ chi”.
“Có gì nữa không?”. Thơm nhìn thẳng vào mắt Xuyên. Đêm tối quá và trời không có trăng, Thơm không thấy gì trong đôi mắt ấy. Xuyên lặng lẽ bên Thơm, hai người ngồi trên nóc cái bể nước xây chìm một nửa vào lòng đất, nghe tiếng ồ ồ chảy của dòng nước đổ về theo chiếc ống từ trên khe núi, thõng chân xuống khoảng sân lạnh. Xuyên ngửa mặt lên trời, muôn vàn vì sao lấp lánh như mọc lên trên cái nền đen nhức của trời đêm. Anh muốn nói một điều gì đó, nhưng biết hứa gì đây, phận người như những rừng cây, khi không cần thì người ta chặt bỏ, có gì chắc chắn để mà hứa hẹn. Xuyên lặng im. Anh lắng nghe gió thổi qua vai, có sợi tóc Thơm bay ngang cọ vào mũi, chợt nghe tiếng thở dài rất khẽ lẫn trong tiếng côn trùng rỉ rả. Xuyên vội ngoảnh mặt đi, sợi tóc rơi xuống vai. Xa xa giữa bóng tối đặc quánh cắt một lát ngang bầu trời lấp lánh sao, Xuyên bỗng thấy một vệt sáng thẳng đứng rực lên ngay chỗ anh vẫn nghĩ là con dốc.
3. “Ngủ đi”.
Hựu gắt nhẹ khi thức giấc giữa đêm vẫn thấy Xuyên trở mình trằn trọc.
“Mai còn chiến tiếp. Đêm nay có gió thể nào lửa cũng bắt lại cho mà xem”. Hựu lật người sang một bên, xoay vai bẻ cổ răng rắc, miệng không ngừng rền rĩ.
“Kể ra cháy thì cũng mệt, nhưng đôi khi tao thấy những đám cháy thật lạ lùng, cứ như thể chính nó mang tới một không khí khác thổi vào chốn đìu hiu này vậy”.
“Lạ lùng gì chứ, mệt bã người, nhỡ lan sang rừng cao su thì toi”. Xuyên nổi cáu. Mặc dù vậy trong lòng anh vẫn phải chua chát thừa nhận Hựu nói đúng. Cả cái nông trường này giờ còn lại năm mống đàn ông: Vỵ - giám đốc, Hựu, hai tay bảo vệ kiêm tạp vụ lẫn thủ quỹ, và Xuyên, kĩ thuật nông trường kiêm luôn kế toán, chỗ mà Thơm bỏ đi để lại chưa có người thay. Cánh công nhân nông trường hầu hết là hộ gia đình sống dưới làng, kể cả mấy tay bảo vệ, còn giám đốc Vỵ là người thị xã, hắn đi về như con thoi giữa nông trường và công ti mẹ. Rốt cục chỉ có Hựu và Xuyên là hai gã trai chưa vợ trụ lại nông trường, nếu không có đám cháy thì giờ Xuyên và Hựu đã nằm cheo ngheo ở hai gian phòng khác nhau, chỗ mà bây giờ mấy người tăng cường chữa cháy đang chèn lên nhau ngáy ngủ.
Như những cây cao su bật gốc qua mỗi mùa mưa bão, những kẻ không chịu đựng nổi cuộc sống ngày một khó khăn khi giá cao su chạm đáy, không đủ kiên nhẫn bám trụ lại nơi thiếu thốn và hiu quạnh này đã rời đi như một điều tất yếu. Những tán rừng cao su càng lên cao thì sự buồn tẻ càng đậm đặc tựa hồ mủ cao su ngày nắng, bốc lên một mùi thối khẳm mà người ta vẫn phải bám riết lấy nó như một lựa chọn cuối cùng.
“Ờ, cháy sang rừng cao su cũng chả sao”. Hựu thở dài sườn sượt. “Có công ti lo rồi. Cơ mà tao sợ lan sang mấy hecta keo của tao, mày ạ. Cháy chỗ đó thì chết. Gia tài cưới vợ…”.
Hựu bỏ lửng giữa chừng rồi quay mình vào vách. Gã đã gần ba lăm, tuổi đủ nhiều để không còn rạo rực trước những trò cưa cẩm mà không chắc được hồi kết thúc. Mà đám con gái dưới làng cũng chẳng còn lại bao nhiêu, thanh niên học xong đều vào miền Nam kiếm sống, giờ người trẻ chẳng mấy ai thích nai lưng ra với ruộng đồng. Có quá nhiều lựa chọn và một cuộc sống nơi đô thị phồn hoa hiển nhiên sẽ vẽ ra nhiều viễn cảnh hơn là ở lại gồng mình với đất. Bởi vậy Hựu dồn công sức cho mấy hécta keo gã trồng.
Mà nói cho đúng là gã trồng trộm, Xuyên biết rõ và tay Vỵ cũng biết, nhưng giữa họ đã có một thỏa thuận ngầm nào đấy nên sự việc vẫn êm ru. Bởi thời bây giờ đất công chuyển bìa đỏ tư nhân đã khó, đất rừng lại càng khó hơn, nên Hựu cứ lặng lẽ trồng keo ở rìa cao su, giáp ranh với rừng tự nhiên, tuy nhiên trên thực tế gã vỡ đất rừng hoang là chủ yếu, cơ quan chức năng hỏi thì cứ bảo đất nông trường. Cũng chả ai đi lấy thước đo thử gã đã lấn mất bao nhiêu chục bao nhiêu trăm mét, chỉ biết rằng cây rừng ngã xuống cho những ụ keo mọc lên dọc một thoải triền đồi.
“Có tiền sẽ lấy được vợ. Giờ chỉ cần tiền thôi”. Hựu nói điều đó, rất nhiều lần. “Ông bà tao già bệnh lại chả lương bổng gì”. Gã thở dài nhìn về con dốc xa trong một buổi chiều hoa mua bắt đầu trổ trên đồi hoang tím rịm, dải keo trồng trên dải sườn phía bên kia con dốc là khu duy nhất tách biệt với rừng cao su mà gã liều mình khai hoang trên đó. Ngọn núi đẫm mình trong nắng chiều nhuộm đỏ, khẽ chạm vào đám mây lững thững ngang qua trước khi bị gió thổi tan như bông gòn vụn vỡ.

Minh họa: Bùi Trọng Dư

4. Dù sao Hựu cũng còn có điều để chờ mong. Còn Xuyên, anh trông đợi điều gì? Xuyên không biết nữa. Nhiều lúc Xuyên tự hỏi hay là bỏ đi, nhưng đi đâu, làm gì? Xuyên thấy sợ. Một nỗi sợ hãi mơ hồ len lỏi dọc con tim. Bước chân Xuyên đã quen với những lối đi giữa những hàng cây cao su bạt ngàn lá, đến mức nhắm mắt giữa rừng cũng mường tượng ra hướng quay về nông trường, quen với tiếng quạt quay vè vè giữa ngày hè nóng nực như phẩy ruồi, bởi dòng điện từ đập nước ngăn giữa lưng chừng đồi chỉ đủ quay được tuabin đến đó, quen bữa ăn mồ hôi rơi mặn vào bát canh, quen với tiếng nước chảy từ khe núi, ồ ồ mà êm tai, không làm ruột gan cồn cào như tiếng lũ lên quê anh dạo trước.
Xuyên nhớ những đêm mưa tháng tám. Cha nằm thức nghe tiếng mưa rơi trên mái nhà tranh lộp bộp, mẹ trở mình rất khẽ kẻo đánh thức đàn con, ngẩng đầu thổi tắt ngọn đèn dầu leo heo trong gió, thở than: “Mấy sào đậu trái còn chưa kịp hái, sao trời mưa không ngớt…”. Cha nói qua tấm liếp vọng vào nhà: “Chống sao được ý trời”. Giọng trầm buồn bị gió cuốn đi, tan vào khoảng không tối om mà hai anh em Xuyên đang cuộn tròn say giấc, không biết ruột gan mẹ cha cồn cào chờ mưa tạnh. Sau mỗi nhịp lắng đi, mưa lại ào về, đổ rào rào như tiếng muôn ngàn lưỡi hái cạo vào nhau, ráo riết.
Có những hôm gần sáng, Xuyên bỗng giật mình khi nghe tiếng chó sủa ong óc lẫn trong tiếng nước đổ về ngoài bãi. Nhà ở gần sông nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ ngập. Từ bờ sông đi qua bãi chăn thả đến nhà Xuyên cách một con dốc lên, lũ thượng du về nhanh nhưng rút nhanh, cũng chỉ tràn bãi độ chừng nửa buổi. Trận lũ lớn nhất lên tới hai phần ba con dốc trước vườn nhà.
Và bởi vậy, cho dù mưa to đến bao nhiêu, chưa khi nào trong những năm tháng tuổi thơ Xuyên thấy sợ mùa con nước, chỉ đến lúc người ta khiêng cha Xuyên về từ bãi, xác bầm dập vì bị gỗ rừng trôi sông đè phải. Xuyên bỗng thấy lạnh từ gót chân tới đỉnh đầu. Mẹ xổ tóc lao xuống chân dốc, cào cấu lấy thân cha, thằng Phiên sợ tím mặt, nép sau gộc mít còng, nước từ tán lá sau trận mưa nhỏ lên người nó long tong mà chẳng hề hay biết. Xuyên bàng hoàng nhớ nụ cười cha sao mà buồn thảm. “Chao trời sao mà mưa dữ, nước chưa chi đã lấp xấp ngoài bãi. Không khéo lũ về bắt mất con bò”. Cha đội tơi lá cọ lên đầu, xắn quần, miệng chậc chà tiếc bãi đậu ven sông vừa hái quả, bò chưa kịp ăn hết cây mà lụt sắp về nhúng bùn hết cả. Xuyên chạy theo cha xuống tận cuối con dốc, thấy trong mưa con sông ngoài xa bê bết đục gằn, nước bắt đầu tràn qua bãi, nhuộm màu vàng nhợ lên cỏ trên bãi chăn. Xuyên quàng cho cha miếng ni lông màu trắng. “Cái này đỡ ướt hơn cha”. Nào ai ngờ tấm áo mưa Xuyên quàng lên cổ lại là tấm lưới tử thần quăng mắc cha vào đống gỗ rừng ào ạt tuôn về theo cơn lũ.
Sau này Xuyên không bao giờ đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống, kể cả khi mọi thứ trôi qua đã lâu, thằng Phiên lấy vợ và Xuyên tốt nghiệp đại học lâm nghiệp rồi lên làm cán bộ kĩ thuật cho nông trường cao su này, anh luôn cố gắng đi trên một địa hình bằng phẳng nhất có thể. Cho nên khi Hựu rú lên: “Tao đã trèo tới đỉnh con dốc cao nhất vùng này rồi. Con dốc thẳng ấy, lên đó sẽ bao quát được cả nông trường, cả cánh rừng. Tao thấy cả làng phía dưới đỏ đèn, thấy xe tải chạy trên con đường tỉnh lộ. Nói chung thú lắm. Đi cùng tao!”, Xuyên chỉ cười trừ không nói.
5. Hựu đã ngủ say trở lại. Xuyên nằm nghe tiếng Hựu thở đều đều phả vào tai lẫn trong tiếng rên rỉ của đôi trai gái phát ra từ điện thoại mà gã đang úp lên gối. Ôi chao, cái cuộc sống này nó vắt khô con người đến mức một gã trai như Hựu nhiều khi phải thỏa mãn cái đàn ông trong gã bằng mấy clip đen tải về máy mấy độ xuống làng. Nếu ở một nơi khác Xuyên sẽ nghĩ khác, nhưng ở đây anh chỉ thấy xót xa.
Bỗng nhiên Xuyên nghe thấy tiếng rào rào như cơn mưa ập tới. Anh lặng người đi, một trận mưa suốt cả tháng trời nắng cháy còn quý hơn vàng. Tiếng rào rào như mưa xây, vẳng từ xa rồi chộn rộn đến gần, bỗng xào xạc và Xuyên chợt nhận ra đó là tiếng gió thổi qua rừng lá. Ở đây đã bao lâu nhưng Xuyên vẫn nhầm lẫn nó với mưa, cái xào xạc ấy ban đầu chỉ là sự rung động của lá vỗ vào nhau, lay chuyển như lớp sóng âm rồi dồn từ bốn phía tới người nằm chênh vênh giữa mênh mông rừng thẳm.
Trận gió đi qua và rừng trở nên yên tĩnh. Xuyên trở người, lần này anh nghe thấy một âm thanh ghê rợn. Đó là tiếng rít não nề trong đêm khuya, mỏng và chua nhưng đầy ai oán.
Tiếng kêu rầu rĩ như than khóc, như hận thù.
Xuyên nằm im không cựa quậy. Âm thanh vừa đột ngột vang lên trong bóng tối bỗng nhiên ngừng bặt. Anh lờ mờ nhớ ra trong tiềm thức hình dáng con vật đầy lông lá sõng soài trên mảnh sân bê tông ngổn ngang gạch vỡ của một ngày cách đây không xa.
Hôm đó Xuyên vừa lên thăm đập về. Đập thủy điện thực ra là cái kè ngăn suối, dẫn nước vào một mương bê tông nhỏ, đặt một cái tuabin. Vì dòng chảy chỉ vừa phải nên điện khá chập chờn. Thế mà cái nguồn sáng quý giá ấy đêm trước bỗng nhiên đứt phụt. Buổi sáng khi lò mò lội ra mương kiểm tra, Xuyên phát hiện có con trăn nhỏ mắc kẹt trong tuabin.
“Cái thứ quỷ quái phá hoại này!”. Xuyên chửi thầm rồi nhẹ nhàng túm vào đuôi giật giật. Thấy phần đuôi khá cứng, anh chắc mẩm nó đã chết. Khẽ khàng gỡ con vật xấu số kia ra để xem lại máy móc, xong xuôi Xuyên quàng con trăn vào cổ, trèo lên kè rồi thủng thẳng bước đi.
“Tặng anh cái khăn quàng!”. Xuyên cười ha hả khi rẽ mấy bụi dọc mùng trồng gần lối ra bể nước, nói với tay giám đốc Vỵ.
“Ôi trời ơi!”. Hắn sửng sốt. “Sao thế kia?”.
“Đây là lí do không nên rời khỏi nơi ẩn nấp để tìm miền đất mới”. Xuyên ném con trăn lên nắp bể nước rồi đi ra sân, chợt bật cười với câu sến sẩm của mình. Nhưng thực ra, Xuyên nghĩ, ai chắc được nếu rời bỏ nơi này cuộc sống sẽ tốt hơn, hay lại mắc kẹt trong một thế giới khác, cũng vùng vẫy và tẻ nhạt như thế? Anh đã ở đây qua bao mùa cao su rụng lá, đi dưới tàng rừng đêm khuya ngước lên thấy mình lọt thỏm giữa những thân cây trơ trọi đâm tua tủa lên trời đang rực ánh sao, những lúc như thế, Xuyên thường tự nhủ, ta sẽ đi, đến ngày lá rừng xanh um trở lại, vào mùa cạo tới ta sẽ đi.
Nhưng rốt cục thì anh vẫn ở đây.
Tay giám đốc là một người mẫn cán và đặc biệt nhanh nhạy, duy chỉ có điều hắn không thích ứng lắm với khí hậu miền này.
“Thịt được không?”. Giám đốc Vỵ hỏi.
“Nhỏ quá, tanh, nấu cao thì được”.
“Cỡ này muốn nấu cao bán phải trộn không ít thứ đâu”. Hắn nháy mắt với Xuyên, vừa lúc đó có tiếng xe máy chạy rù rù từ ngoài cổng vào.
“Chào, có quà đây”. Hựu mặt lấm lem bụi, ném con dao cạo mủ dính máu xuống đất. Phía sau xe có một vật đầy lông đang oặt mình giữa hai thanh kè sắt kẹp hàng, máu rỏ xuống sân từng vệt đỏ au.
Nhanh như một con sóc Hựu nhảy về phía ấy, túm hai tay đẩy thật mạnh thứ lông lá đó xuống nền làm Xuyên và giám đốc Vỵ giật mình lùi một bước.
Đó là một con khỉ!
Con khỉ bị trúng dao vào cổ và ngực, máu vẫn đang rỉ ra khỏi lớp lông vàng xám trộn lẫn với những vệt đã khô trước đó, một tay vẫn ôm chặt trước bụng.
“Chết chửa?”. Giám đốc Vỵ đi một vòng quanh con vật, áng thử cân nặng.
Hựu gật đầu, gã mang vẻ mặt hỉ hả của một tay thợ săn nghiệp dư bỗng nhiên vớ bẫm sau một cuộc săn mồi.
“Vừa bắt được nó ngay trên đỉnh con dốc cao nhất kia. Đợt cháy rừng liên tiếp khiến chúng rời đi. Mất công theo dấu chúng đã lâu, giờ thì tóm được con này, chắc cỡ nửa tháng lương”.
Hựu cười hớn hác, khuôn mặt bị nắng táp cháy sạm đen nhe ra bộ răng trắng ởn. Trên sân, con khỉ nằm nghiêng, hai mắt nhắm lại như đứa bé đang say ngủ, thốt nghĩ tới điều đó, Xuyên rùng mình.
Anh đi vòng quanh, chợt nhận ra tay kia của con khỉ kẹt trong một trái dừa. Xuyên bỗng nhớ tới món đặt bẫy đơn giản nhất của người miền núi, họ lấy vỏ dừa nguyên quả, khoét một lỗ nhỏ vừa bàn tay khỉ rồi đặt thức ăn ưa thích của chúng vào đó. Con khỉ thò tay lấy, khi đã túm được mồi, chúng nắm bàn tay lại và không bao giờ rút ra được nữa. Người hay loài vật cũng thế thôi, khi gặp được món hời thì chẳng đủ tỉnh táo để cưỡng lại cám dỗ, cho dù cám dỗ đó có khi đổi bằng sinh mạng.
Hựu tới gần đá vào chiến lợi phẩm. Bỗng nhiên có một tiếng tru yếu ớt. Ba người ngần ngại lùi về phía sau.
“Chưa chết hả?”, Xuyên hỏi.
Hựu có vẻ hồ nghi, hắn chầm chậm tiến lại bên xác khỉ, hai mắt con vật nhắm nghiền, đầu ngoẹo sang một bên, “nó gào rú dữ quá, chồm lên như bị điên, tôi phải lấy dao cạo đâm nó gần chục nhát, sống sao nổi”. Hựu thúc thêm một phát vào bụng con khỉ, máu ở vệt đâm từ mấy chỗ xung quanh trào ra, mùi hôi tanh lẫn trong mùi khét của bộ lông ngào lên nồng nặc. Ngay lúc đó tiếng tru rất nhỏ lại phát ra ở đám lông chỗ bụng con thú.
Hựu khẽ dùng chân hẩy tay con khỉ chết, lúc này đã hơi cứng lại nhưng tay vẫn khư khư trước bụng. Tức thì từ chỗ lông thẫm máu thò ra một đám lông khác, tròn và nhọn đang ngọ nguậy.
Một con khỉ con!
Con khỉ con chưa mở mắt, lòng bàn tay màu đỏ úp những ngón co quắp bé xíu đang quờ quạng tìm vú mẹ. Khốn nạn thay đó lại là một con khỉ cái, con khỉ cái mới sinh, có lẽ bản năng làm mẹ khiến nó phát điên chứ không phải là vì cái bẫy. Con khỉ non rúc rúc đầu vào cái vú lạnh teo, cố nhay lấy nhay để một giọt sữa, nhưng máu con khỉ cái đã gần cạn, nói gì đến sữa. Con khỉ nhỏ tru lên, rên rỉ, hết ngậm vú rồi lại nhả ra mà không biết rằng mẹ nó đã chết.
Tất cả sự việc diễn ra trước mắt ba người trong một buổi chiều hoang lạnh.
Những tiếng rên nhỏ dần như thì thầm, như quặn thắt.
Lặng im.
Gió vẫn thổi qua rừng lá.
Xuyên ngẩng đầu nhìn xoáy vào mặt Hựu, hắn gãi gãi vành tai úp trong lớp tóc đâm ra tua tủa.
“Thì... một phát bẫy.... được cả mẹ lẫn con...”.
“Khốn nạn!”, Xuyên bỏ đi.
Tay giám đốc nhổ một bãi nước bọt xuống nền: “Coi chừng kiểm lâm biết”. Rồi hắn cũng rời khỏi.
Ngay sau đó một tiếng oéc vang lên.
Xuyên không dám quay lại nhìn, anh biết Hựu đã làm gì với vật non đang tìm sữa mẹ đó. Sự sống của nó, cái sự sống hiếm hoi xuất hiện trong cảnh khốn cùng chỉ như một bằng chứng rõ ràng của sự xấu xa, mà con người chẳng ai muốn nhìn thấy mình là kẻ xấu. Xuyên nhắm mắt. Anh đi về phía bể nước xốc con trăn bế vào rừng. Chiều lặng im như nuốt từng hơi thở. Gió dập vào vách núi những thanh âm trầm bổng như hát điệu thê lương.
Xuyên nhìn đâm qua những tán rừng hướng về con dốc, không hiểu sao trong ráng chiều, con dốc hiện lên một vệt đỏ au như vệt máu, ánh lên giữa hai dải núi đồi xanh thẫm hai bên.
6. “Đi chứ?”.
“Ừ. Đi!”.
“Bao giờ?”.
Không biết Hựu đã hỏi Xuyên bao nhiêu lần câu ấy. Đó là câu hỏi buột lên trong những ngày mưa chạy khắp nông trường cũng không tìm ra được một vạch sóng, hôm Xuyên thẫn thờ trở về từ làng, tay cầm điện thoại chứa tin nhắn của Thơm, cái tin hẹn gặp anh trước khi bỏ đi cách đó mấy ngày mà phải đợi có mạng mới đến nơi người nhận; những ngày đến thị trấn giữa ồn ào tấp nập rồi lại quay về với heo hút của núi rừng, và bây giờ là ngay khi vừa mở mắt, sau chuỗi thời gian chống chọi với những trận cháy rừng chưa biết bao giờ kết thúc.
“Tao không biết. Đi đâu giờ, bắt đầu một cuộc sống mới chẳng phải dễ dàng gì”. Xuyên thở dài. Anh chợt nhớ bài báo ca ngợi những người bám rừng giữ núi viết về nông trường anh dạo trước. Chao ơi, cuộc sống đâu phải màu hồng, giá mà anh đủ can đảm, giá mà anh đủ tài năng, anh chẳng muốn dẫm mình chết xó ở đây làm gì. Anh cũng muốn cưới vợ sinh con, mà anh thậm chí chẳng có nổi một hecta rừng.
“Bán xong lứa keo này tao sẽ đi. Tao đã bán được một ít gửi về cho bà già chữa bệnh. Cái chốn khỉ ho cò gáy này…”. Hựu bật mình ngồi dậy. Chưa tới năm giờ nhưng trời đã sáng rực, gió thổi nhẹ qua các vòm lá lao xao. Lẫn trong tiếng gió có mùi thơm nồng ngai ngái của cỏ và gỗ cháy.
7. Có tiếng gáy te te đầu hồi nhà bếp. Con gà trống lỏi thoát bao cuộc vây bắt từ khi chuồng tăng gia tan hoang theo những người bỏ nông trường mà đi. Tiếng gáy thảng vào miên man vắng lặng như giọt từng giọt vào lòng Xuyên trong buổi sáng anh ở lại trực còn mọi người đến chỗ đám cháy. Anh nghĩ tới giấc mơ đêm qua, trong cơn mộng mị, anh thấy cha anh bước ra từ làn sương mỏng nhẹ, dẫn anh về phía con dốc thẳng. Con dốc cứ cao vời vợi, một con khỉ nhảy chồm từ đỉnh xuống, chụp vào người anh, máu ở cổ nó rỉ ra, nghẹt lại trong bộ lông tạo thành những thanh âm ken két. Anh hốt hoảng chạy tìm cha nhưng không thấy, anh chạy mãi, chạy mãi cho đến khi chạm vào chân dốc. Rồi mưa. Mưa mịt mù trắng xóa. Mưa trùm lên con dốc. Mưa phủ trắng núi rừng, xối lên người anh dầm dề ướt rượt.
Dường như giấc mơ báo hiệu một điều bất an. Suốt từ sáng đến giờ Xuyên cứ thấy ruột gan nóng hừng hực. Nhắc nồi nước đã sôi xuống và dụi mẩu củi vào tàn bếp, Xuyên bước ra ngoài nhìn về phía xa. Trên dãy núi trước mặt khói đen đang trùm lên, và lửa liếm những sợi đỏ rực lên rừng xanh đang gồng mình chịu đựng. Đêm qua có gió lớn và trận cháy đã trở lại, dữ dội hơn.
Cơn bồn chồn khiến Xuyên không thể yên vị. Anh nhảy lên con xe máy cà tàng chuyên dụng đi rừng chạy về chỗ đám cháy.
Những hàng cây thẳng vút lên cao lấp lánh dưới ánh nắng, lá rung rinh trong tiếng vo ve của đàn ong mật đang xoay vần trên cao. Hai bên lối đi, cỏ dạt thành từng mảng xanh xanh, cũng bình thản và óng ánh như dát bạc, không để tâm tới những gì đang xảy ra ở bên kia cánh núi.
Xuyên đánh xe qua lối ngắn nhất tắt qua khu rừng trồng, đường đi mỗi lúc càng trở nên khúc khuỷu gồ ghề. Qua một vách đèo, bánh xe va phải hòn sỏi và chệch xuống suýt nữa làm cả người và xe lăn xuống vực. Xuyên dừng lại định thần. Trước mặt anh là con đường ngắn nhất để băng sang chỗ đám cháy, và muốn tới được đó phải leo qua con dốc thẳng.
Đi hay không đi?
Xuyên ngần ngừ.
Đứng ở đây anh có thể nghe thấy tiếng lép bép của rừng đang cháy phía bên kia. Anh ngước nhìn lên, con dốc dựng đứng lô nhô đá sỏi, hai bên là những bụi cây xòe tán gai nhọn đâm ra tua tủa. Từ trên cao, những đám muội than lẫn trong tàn gió bay tứ tung rồi rơi rớt lên rừng và trảng cây bụi giăng giăng dưới thấp. Bất chợt Xuyên nghe thấy một tiếng rú, giống như âm thanh của loài khỉ, nhưng tiếng rú ngày một lớn hơn, dồn dập, hoảng hốt, va vào mỏm đá trên cao tõm xuống chỗ Xuyên đang đứng.
Tự nhiên Xuyên có một linh cảm lạ, trong lờ mờ tiềm thức hình ảnh hai mẹ con khỉ sõng soài trong vũng máu chờn chợn hiện về. Xuyên thở hắt ra. Anh bám tay vào thành dốc.
8. Lửa! Lửa đâu mà dữ dội thế này!
Rừng ngả nghiêng, rừng xao xác.
Nắng cạn khô mà nước mắt rừng vẫn đổ.
Xuyên cúi mình thở hổn hển, đỉnh dốc đã nằm dưới chân và cách anh không xa là rừng đang cháy. Và rồi lẫn trong tiếng cành cây gãy, tiếng ống tre nứa nổ tanh tách, tiếng lá rừng cháy ràn rạt là tiếng người la hét, tiếng chạy rần rật rất gần.
Xuyên lao về chỗ đó.
Anh sững người.
9.
Người ta đưa Hựu về nông trường trong buổi chiều sau khi cơ quan chức năng xác nhận đó là một tai nạn, nạn nhân bị lửa bắt vào người đến cháy khô.
“Anh ta tách khỏi chúng tôi để chạy về cứu bãi keo của riêng mình. Chúng tôi đang mải làm nhiệm vụ nên sự việc xảy ra thì đã muộn. Chúng tôi vô can. Chúng tôi rất tiếc”. Giám đốc Vỵ phân trần.
Đám đông hiếu kì vây quanh cái xác cháy. Kẻ hãi hùng, người cầu nguyện.
Cho đến tối đó thì cha Hựu lên đến nơi. Ông già lao vào ôm lấy cái xác gào lên mặc cho mọi người cố níu lại.
“Ối con ơi! Ối con ơi! Mẹ mày sống lại nhờ mấy đồng tiền mày gửi về. Giờ mày lại đi trước thế con ơi!”.
Người cha già run lẩy bẩy, hai mắt ướt nhoèn phủ phục bên cái xác khô ôm gối co quắp như một xác khỉ bằng than.
Xuyên quay người đi, anh không biết nói gì.
Phía xa, trên bầu trời xuất hiện những đám mây vần vũ và chớp rạch ngang đỉnh núi, sáng lòe ngay trên đỉnh dốc
16/12/2019
Trần Ngọc Diệp
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...