14 điều răn của nhà Phật
1. Kẻ
thù lớn nhất của đời người là chính mình
2. Thất
bại lớn nhất của đời người là tự đại
3. Ngu
dốt lớn nhất của đời người là dối trá
4. Bi
ai lớn nhất của đời người là ghen tị
5. Sai
lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình
6. Tội
lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu
7. Đáng
thương lớn nhất của đời người là tự ti
8. Đáng
khâm phục nhất của đời người là vươn lên sau khi vấp ngã
9. Phá
sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng
10. Tài
sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ
11. Món
nợ lớn nhất của đời người là tình cảm
12. Lễ
vật lớn nhất của đời người là khoan dung
13. Khuyết
điểm lớn nhất của đời người là kém hiểu biết
Trích lời Kinh Phật, Hoà thượng Kim
Cương Tử (1914 - 2001)
Xã hội phát triển đến mức nào đi nữa thì những giá trị truyền
thống phương Đông, tức là cội nguồn văn hóa của mỗi dân tộc Châu Á vẫn cần phải
được bảo tồn và trân trọng. Tuy là vốn cổ, nhưng nếu xét về nhân sinh quan đối
với con người hiện đại thì dường như không cổ chút nào hay nói đúng hơn là câu
chữ cũ, còn ý nghĩa thực tế vẫn hoàn toàn mới mẻ.
Đây chính là điều đáng bàn luận và suy ngẫm, vì như sách
"Minh tâm bảo giám" nhận xét: "Người xưa tuy hình dáng như thú,
nhưng lòng như có đại thánh ở trong. Người nay tuy hình dáng người nhưng lòng lại
thú, biết đâu mà lường. Có lòng không có tướng, tướng sẽ tự lòng mà sinh ra. Có
tướng mà không có lòng, tướng sẽ theo lòng mà mất đi”. Phải chăng, vì lẽ ấy mà
vô số điều khuyên răn của các bậc tiền bối vô cùng hữu ích cho cách đối nhân xử
thế của những người chịu ảnh hưởng giáo dục của Nho giáo, Phật giáo. Tựu trung
lại, đó chính là những tâm bệnh như sau:
1
Không có kẻ thù nào to lớn và nguy hiểm bằng chính bản thân
ta. Tà ý xấu xa vốn là kẻ thù tiềm ẩn lớn nhất của đời người mà tự ta khó
vượt qua nổi. Thật là nghịch lý khi bao khó khăn, thử thách, gian nan do khách
quan mà nhờ tinh thần, ý chí quyết tâm ta đều vượt qua. Nhưng, khi trong tâm có
bệnh thì lại chịu thua, như dao sắc không gọt được chuôi vậy. Đúng như nhận định
trong thế giới có bốn điều tự hủy hoại là: Cây nhiều hoa, quả nặng quá, sẽ gãy
cành, rắn độc mang nọc độc nhưng lại bị giết để lấy nọc, kẻ làm việc nước không
hiền tài, thì sẽ hại dân hại nước, kẻ làm điều bất thiện sẽ bị quả báo, cho nên
sách Kinh dạy rằng: "Sự độc ác do tâm sinh ra, sẽ quay lại tự hại bản thân
mình, cũng như sắt tạo ra chất gỉ rồi chất han gỉ ấy sẽ tiêu hủy dần thân hình
của sắt". Suy nghĩ xa hơn và kỹ hơn về giáo lý ấy thì càng rõ, nếu ta
không vượt qua được chính bản năng của mình thì lương tâm và trí tuệ, lương tâm
và trí tuệ của ta cũng sẽ bị xói mòn mục ruỗng, chẳng mấy chốc mà thành phế
nhân. Ngạn ngữ vẫn cho rằng: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nội dung bên trong hoặc
phần tinh thần không nhìn thấy được ấy mới quyết định bản chất của một chính
nhân thực thụ, bởi đơn giản là: "Con người biểu lộ tính ưu việt của mình ở
bên trong, chỉ có con vật mới lộ ra bên ngoài thôi".
Những thất bại lớn nhất của con người đều do tính tự cao tự đại
sinh ra. Sách Cảnh hành lục cho rằng: "Sự tự mãn (tự cho mình đầy đủ)
làm cho mình hư. Sự kiêu căng (tự cho mình giỏi) làm mình trở thành ngu. Chuyện
kể rằng: Có đứa con nhà giàu không coi ai ra gì, thích đứng trên cây tè xuống đầu
người đi đường, ai cũng ngại nhà ấy mạnh tiền của chẳng dám nói gì. Một hôm có
đoàn quan binh đi qua dưới gốc cây, tay kia tè ngay vào viên quan văn đi đầu,
viên quan này gật gù khen giỏi, rồi đi tiếp. Lúc sau viên quan võ đi qua, tay
kia vẫn tiếp tục tái diễn trò ấy, nhưng không ngờ viên quan võ nóng tính bèn
rút kiếm ra chém phăng đầu đứa xấu chơi. Người đời thường cười tên ngu dốt và
thán phục mưu sâu của viên quan văn, nhưng cái chết thì vẫn dành cho kẻ cao ngạo.
Chẳng thế những nước nông nghiệp vùng Đông Nam Á thường dùng biểu tượng cây lúa
để đề cao tính khiêm nhường: khi cây mọc càng cao, càng trổ bông trĩu hạt chín
vàng thì cây càng cúi thấp để tránh gió đồng ập đến. Lã Khôn thì rút ra bài học:
"Khí kiêng nhất là hung hăng, Tâm kiêng nhất là hẹp hòi, Tài kiêng nhất là
tự cao", nếu không hiểu được những điều này thì sống trên đời chẳng mấy chốc
sẽ thất bại.
Ngu dốt lớn nhất của con người là sự dối trá. Kinh Phật
cũng liệt kê điều này vào trong 7 tội lỗi lớn nhất mà người muốn đắc đạo không
được mắc phải. Tục ngữ cũng nhận định rằng: Đường đi hay tối, nói dối hay cùng.
Trên phương diện y học thì nói dối hại tim, suy yếu phổi vì luôn ở tâm trạng đối
phó bất ổn. Xét về khía cạnh tâm sinh lý, thì nói dối bao giờ cũng tạo ra những
phản ứng trái ngược trong cùng một chủ thể, khiến con người luôn bí bức vì
không thể sáng tạo mãi ra những điều không có thật. Đành rằng, cuộc đời là một
sân khấu lớn, nhưng không phải tất cả những nhân vật biểu diễn trong vở kịch đều
là nghệ sĩ vĩ đại, thế nên mới nói đổi vai diễn thì dễ còn nhập vai chính hoặc
phụ đạt yêu cầu là cả một khoảng cách. Sở dĩ phải phân tích điều này vì lắm kẻ
vẫn huênh hoang và tự hào về khả năng diễn vở trắng - đen mà không biết đang tự
mua dây trói mình. Châm ngôn Trung Quốc nói: Nếu có lương tâm trong sáng cả đời
bạn sẽ không phải sợ tiếng gõ cửa lúc nửa đêm. Còn Trình Di lại đúc kết rằng: Lấy
lòng chân thật cảm động người ta, thì người ta cũng lấy chân thật mà đãi lại, Lấy
cách trí thuật cài đạp người ta, thì người ta cũng lấy trí thuật mà xử lại. Nếu
cứ lẩn quẩn mãi như thế, cuộc đời liệu có yên ổn và an nhàn không?
Dối trá với cuộc đời thì chẳng hay ho gì, bởi gieo hạt nào
thì gặt quả nấy. Sách Minh tâm dạy rằng: Độ lượng to lớn bao nhiêu thì phúc trạch
càng to lớn bấy nhiêu, Mưu sâu độc bao nhiêu thì tai vạ cũng sâu độc bấy nhiêu.
Nhưng khi đã tự lừa dối cả bản thân mình, thì quá tội lỗi. Nhẹ nhất là tự huyễn
hoặc khả năng, bản chất của cá nhân để yên lòng tồn tại. Nặng hơn tự cho mình
là thiên tài, luôn cao giọng răn dạy cuộc đời. Nghiêm trọng nhất là tự cho mình
cái quyền quyết định, hay phán xử tất cả mọi sự việc, mức độ này thường dẫn đến
hành động oai hùng thái quá gây tổn hại đến tinh thần và tính mạng người khác.
Thường thì người ta hay tự an ủi bằng những lý do không đúng sự thật về những
điều xấu mình đã gây ra, cốt để yên tâm tạm thời còn phần lớn thời gian luôn cảm
thấy bất an, nơm nớp. Nên Kinh thư mới nhắc: Làm điều thành thật thì bụng yên ổn
và mỗi ngày một hay. Làm điều gian dối thì bụng băn khoăn và mỗi ngày một dở.
Không tự lừa dối mình và mọi người cũng có nghĩa là phải chứng minh sự thật bằng
mọi giá. Chuyện cổ kể rằng, có người thợ đào được hòn đá bên trong có ngọc đem
dâng vua, vua không tin, kết tội nói dối nên chặt chân trái. Vua sau lên ngôi,
người này cũng đem ngọc đến dâng và vua cũng bảo gian dối, chặt nết chân phải.
Đời vua sau nữa lên ngôi, người thợ đến chân núi khóc suốt 3 ngày đêm đến chảy
cả máu mắt. Vua đến hỏi thì người thợ nói, khóc vì ngọc mà nhầm là đá - thật mà
cho là dối! Vua bèn sai đập hòn đá ra, thì quả có hòn ngọc bên trong.
Nỗi bi ai lớn nhất của con người chính là lòng đố kị. Tính
ganh ghét và đố kị như mốt ngọn lứa nhỏ leo lét trong tâm mỗi người. Với những
ai điều chỉnh được bản thân hướng thiện thì sẽ chế ngự được ngọn lửa ấy và hóa
nó thành khát vọng tốt đẹp ham muốn vươn lên, với những kẻ bản năng tầm thường
thì ngọn lửa này sẽ thỏa sức cháy, thiêu rụi hết những gì gọi là nhân đức -
giáo dục - văn hóa biến người ta thành một con thú hoang lồng lộn cắn xé giành
giật miếng mồi và kết cục lại bị chính ngọn lửa tham này đốt cháy thành tro bụi.
Đúng là: Lòng tham thì hại mình, Sướng miệng thì tổn thân! Bệnh ghen tị luôn
khiến nội tâm con người bức xúc, hậm hực khó mà khuyên giải được nếu như không
được thỏa mãn một tý chút gọi là. Thế mới biết, sự đời đâu phải chỉ con gà tức
nhau tiếng gáy, mà con ngựa ghen nhau tiếng hí, con chó ganh nhau tiếng sủa,
con chim đua nhau tiếng hót, còn con người thường ghen tị mà hãm hại lẫn nhau.
Có lẽ nên tra lại Minh tâm bảo giám để ghi nhớ thêm một câu: Miếng ăn sướng miệng,
sẽ sinh ra bệnh tật, việc làm thỏa chí, sẽ đưa tới tai vạ. tranh hơn chạy tắt
hay thành ác, nói lỡ lời đâm ra tiếng đồn đại. Cho nên, để bệnh rồi uống thuốc
sao bằng tự ngừa trước bệnh tật?
Nho giáo là một đạo học về cuộc sống có nội dung giản đơn chủ
yếu thuận theo lẽ sống tự nhiên của khuôn khổ xã hội nhất định. Người có học
Nho bao giờ cũng có chất nền nếp, giữ phép tắc, có lòng nhân đạo bác ái. Tuy
nhiên, Nho giáo nhiều khi khó hiểu, rườm rà khiến cho người học khó theo kịp và
không thể lấy mức nào để làm chuẩn mực. Chỉ có những tính chất trí tuệ và triết
lý của Nho học là mang tính giáo dục lưu truyền phổ thông với tác dụng thực tiễn
cao nhất, đặc biệt là về bản chất và phong cách sống của con người - đây là
lĩnh vực mà cổ nhân đưa ra nhiều triết lý vô cùng sâu sắc:
Sai lầm lớn nhất của con người là tự đánh mất mình. Ta
chỉ là một cá thể nhỏ, một hạt cát trong vũ trụ bao la và trên hành tinh có 7 tỷ
cá nhân khác nhưng điểm khác biệt duy nhất khiến ta làm chủ được cuộc sống
riêng không phải là cái tên khai sinh mà chính là sự khẳng định khác biệt với
những người khác trong cá tính nhân cách, năng lực và tư duy phát triển vươn
lên đa dạng. Ai cũng muốn tự khẳng định mình và càng muốn những người khác công
nhận mình trong một hoặc nhiều lĩnh vực trong cuộc sống theo phương châm hiện đại:
giỏi một - biết nhiều. Nhưng cũng nhiều người đã không tự chứng minh được mình
mà còn đánh mất luôn cả bản thân vì những tác động khách quan bất ngờ và chủ
quan không may mắn! Thường thì khách quan bị cột vào việc mất phẩm chất hoặc
danh dự như vì nghèo quá hóa liều. Nhưng Lã Khôn cho rằng: Nghèo không xấu,
nghèo mà không có chí mới là xấu, hèn không đáng ghét, hèn mà không có tài mới
đáng ghét, già không nên than thở, già mà sống thừa mới đáng than thở, chết
không nên bi ai, chết mà vô bổ mới đáng bi ai. Nhưng tội lỗi quả là sinh ra chỗ
giàu sang vì sức mạnh của đồng tiền rất đáng kinh ngạc. Cho dù chưa phải là
Tiên, Phật hay chân lý, nhưng đồng tiền cũng, làm hắc nhân tâm, xét từ cổ chí
kim thì: Người ngồi trên đống cát ai cũng có thể là quân tử hiền nhân, nhưng ngồi
trên đống vàng thật khó thay, đã có ai là hiền nhân quân tử đâu?.
Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu. Nếu như
không có cha mẹ thì làm sao mình có thể hiện diện trên cõi đời này? Tại sao lại
có thể quên đi người đã sinh ra mình?
Những người con bất hiếu này chỉ nhìn thấy cái trước mắt và họ
không hiểu được nguồn gốc và tình cảm của cha mẹ họ. Sau này, nếu con cháu họ đối
xử cũng như vậy thì họ sẽ cảm nhận được thế nào là tội lỗi. Gieo nhân nào gặt
quả nấy!
"Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn
chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha.Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Trong
mỗi người Việt chúng ta, người được đi học tử tế đến những người vì hoàn cảnh
khó khăn mà thất học, từ bé đều được nghe 4 câu ca dao đầy ý nghĩa này. Nó là
bài học căn bản đầu tiên của mỗi con người.
Có một câu châm ngôn sống dạy rằng: Mất xiềng xích thì được tự
do, mất tiền sẽ được kinh nghiệm, mất sức thì được sung sướng nhưng đừng bao giờ
mất hy vọng, mất hy vọng là mất tất cả! Đây đúng là chân lý thực dụng kiểu
phương Tây nhưng có một ý chính trùng với người phương Đông. Sự mất mát lớn
nhất của con người là tuyệt vọng.
Không được tuyệt vọng tức là phải luôn luôn có hy vọng để sống
và sống vì hy vọng. Khi ta có hy vọng vào mốt con người, sự việc, hoàn cảnh nào
đó cũng đồng nghĩa với việc ta đặt trọn mềm tin vào đấy để có động lực sống, do
đó sự phấn đấu vươn lên sẽ mạnh mẽ và đạt hiệu quả thiết thực. Tình cảm bị tuyệt
vọng sẽ tạo nên trạng thái tâm lý dở khùng, hoang mang, không biết sắp xếp mọi
mặt của cuộc sống ra sao. Nếu sự nghiệp bị tuyệt vọng sẽ gây ra sự phẫn uất,
chây ì với bản thân, còn nếu tuyệt vọng với cả hai điều này thì dẫn đến kết cục
bi thảm: một kẻ trắng tay thường tự kết thúc cuộc sống của mình rất nhanh. Vậy
muốn giữ được hy vọng, không sa vào tuyệt vọng thì mỗi con người phải có ý chí,
nghị lực như Vương Dương Minh nhận định: Người không có ý chí như thuyền không
lái, như ngựa không cương, trối giạt lông bông, không ra thế nào cả.
Các cụ xưa cũng nhấn mạnh rằng: Tài sản lớn nhất của con
người là sức khỏe. Người bình thường không ai nghĩ đến sức khỏe của mình,
chỉ khi nào bị tác động của bệnh tật hoặc tuổi già mới giật mình nghĩ lại, chủ
yếu là cảm giác nuối tiếc. Bão Phác Tử nói: Ai cũng muốn sống lâu mà không biết
cách dưỡng sinh. Ai cũng biết ăn uống quá độ thì ốm đau mà không biết giữ miệng.
Ai cũng biết tình dục quá độ thì khô héo mà không biết phòng thân? Mạnh Tử thì
cho rằng: Dường sinh không gì hay bằng ít lòng ham muốn, say mê. Tư Mã Thiên
cũng nhận xét: Tinh thần dùng quá thời kiệt, hình thể làm quá thời mệt. Đúng là
khi đã ốm đau bệnh tật rồi thì có tặng, biếu ham muốn cũng không còn cảm hứng
đón nhận nữa. Tuân Sinh Tiên lại có ý sâu xa: Muốn cho thân không có bệnh, trước
hết phải để tâm không có bệnh. Nên ít sắc dục để nuôi tinh, ít ngôn ngữ để nuôi
khí, ít tư lự đế nuôi thần. Còn danh y Tuệ Tĩnh luôn nhắn nhủ: Bế tinh, dưỡng
khí, tồn thần, Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình (ý là: giữ tinh, dưỡng
khí, bảo tồn thần, giữ cho lòng thanh thản, hạn chế dục vọng, giữ chân khí, luyện
tập thân thể).
Trong cuộc sống còn nhiều mối liên quan, tác động đến nhau về
cả vật chất và tinh thần, những món nợ tiền còn có thể trả được nhưng nợ tình
thì khó khăn hơn nhiều, cho nên món nợ lớn nhất cuộc đời con người là tình
cảm.Kinh Lễ đặt câu hỏi: Thế nào là tình cảm con người? Mừng, giận, thương, sợ,
yêu, ghét muốn. Bảy loại tình cảm đó chẳng cần học ai cũng biết. Thế nhưng, bảy
sắc tình đó chẳng phải mang đến đã cho con người ta mọi điều tốt đẹp, như sách
Khuyết giới toàn thư nhận định: Bể tình dục lấp mãi không đầy thành sầu khổ phá
mãi không tan, vì vậy món nợ tình cảm ở đây cần hiểu là món nợ của thương yêu,
quý mến, gia ân. Nếu có điều kiện, thời gian, hoàn cảnh cũng có thể trang trải
tượng trưng để lưu lại chữ tình, nhưng cũng có nhiều tình thế khó xử không thể
cân, đong, đo đếm được, đành để kiếp sau. Một tích cổ kể câu chuyện vua muốn thử
tài trí tân Trạng Nguyên nên đưa ra tình huống khó xử: Trên một con thuyền bị đắm
có ba người là đức vua, thày dạy và cha đẻ đều gặp nguy hiểm đến tính mạng, vậy
sẽ cứu ai trước? Nếu chủ định cứu một trong ba người thì Trạng Nguyên sẽ mắc một
trong ba tội lớn: bất trung, bất hiếu hoặc bất nghĩa. Nhưng Trạng trả lời nhanh
và dứt khoát là, cứ nhảy xuống sông, quờ được ai trước thì cứu trước. Tuy cách ứng
phó ngẫu nhiên rất thông minh nhưng giả thiết có chuyện này thật thì món nợ dưới
sông với hai người còn lại biết bao giờ trả xong? Chắc cũng khó khăn, trắc ẩn
như chuyện của Trương Chi và Mỹ Châu: Nợ tình chưa trả cho ai? Khối tình mang
xuống tuyền đài chưa tan!
Thế giới có thể đại đồng về mặt lý thuyết, nhưng thực tế trên
đời người không tránh khỏi va chạm, xích mích gây ân oán to nhỏ trên dưới, xa gần
nhằng nhịt như dây leo không thể giũ bỏ triệt để được, vì thế tha thứ là báu vật
của mọi quan hệ và lòng khoan dung là quà tặng đáng giá nhất trên đời. Đức
Thích Ca dạy: Oán trả oán, oán ấy chồng chất, lấy ân trả oán, oán ấy tiêu tan
Sách Luận ngữ cũng viết: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. Phương pháp luận của Lão
Tử cụ thể hơn: Với kẻ lành, lấy lành mà ở, với kẻ chẳng lành, vẫn lấy lành mà ở.
Với kẻ thành tín, lấy thành tín mà đãi, với kẻ không thành tín vẫn lấy thành
tín mà đãi. Nghĩ kỹ thêm mới thấy, hai chữ khoan dung thốt ra nhẹ nhàng biết
bao nhiêu mà thực hành lại nặng nề bấy nhiêu, bởi nếu lòng dạ hẹp hòi không chứa
nổi hai chữ ấy. Cách tốt nhất là chủ động: không nên lấy cái hay của mình mà
trách cái không hay của người. Không nên lấy cái sở trường của mình mà trách
cái sở đoản của người. Khi trách người, thì đừng nên khoe mình. Tuy vậy, sách
Minh Tâm Bảo Giám viết: ở đời chẳng việc gì khó Không xong việc là do lòng mình
không chú trọng. Thà kết ơn làm nghĩa với nhiều người, chớ nên gây oán với một
người. Nên nhịn những việc khó nhịn, tha thứ những người không sáng suốt. Lòng
khoan dung không những cởi mọi ân oán tạo nên cách sống cao thượng, mà còn
chính là nguồn phúc để lại cho đời sau vì: Chứa vàng để lại cho con cháu chưa
chắc đã giữ được, chứa sách để lại cho con cháu chưa chắc đã học được, cách để
lại lâu dài cho con cháu không gì bằng chứa âm đức ở trong chỗ minh minh!.
Khổng Tử là một bậc thầy của giáo dục. Ngài cho rằng: có được
học vấn không phải là việc một sớm một chiểu, cần phải có nhiều năm thu lượm,
tích lũy. Giành được học vấn như đắp hòn núi cao, từng sọt đất mà đắp ngày lại
ngày bền bỉ mới thành núi, cho nên thành bại của học vấn trước hết là tự mình
chế ngự được bản thân, phải biết cách tránh mọi diều cám đỗ trên đời vì nếu người
đọc sách còn mơ tưởng an nhàn thì không thể coi là người học chân chính. Và nếu
không hoặc có học không đúng đắn thì dẫn đến kém hiểu biết, đó chính là
khiếm khuyết lớn nhất của con người, không gì bổ sung, thay thế được. Đại dương
kiến thức thật mênh mông, vốn hiểu biết như giọt nước dưới ánh nắng mặt trời,
long lanh đấy nhưng rồi sẽ bay hơi nhanh chóng, vì thế phải tranh thủ và tiếp
nhận tích cực vốn tri thức, hiểu biết của cuộc sống, không nên phân biệt, cân
nhắc cao thấp.
Khổng Tử dạy: Ba người cùng đi tất có một người làm thầy ta
được. Khổng phu tử cũng viết: kẻ ngốc than phiền là mọi người không hiểu hắn. Kẻ
thông thái than phiền là mình không hiểu mọi người. Như vậy có nghĩa chỉ cần lắng
nghe cũng có thể thu nạp được kiến thức rồi và nguồn kiến thức như vậy vô cùng
quan trọng như Vương Dương Minh nói: Kiến thức là sự bắt nguồn của hành động.
hành động là thành tựu của kiến thức. Sự học của thánh nhân chỉ có công phu là
kiến thức và hành động không tách rời nhau. Vậy nên Trần My Công cho rằng: Người
ta sống trong một ngày, có được nghe một câu phải, trông thấy một điều phải,
làm một việc phải, ngày ấy mới không uổng. Danh ngôn phương Đông cho rằng:
Hoàng kim cũng có giá của nó, nhưng kiến thức học được thì vô giá và nếu như ruộng
của bạn không được cày bừa thì kho vựa của bạn sẽ trống rỗng, nếu sách của bạn
không được đọc thì con cháu bạn sẽ dốt nát. Như thế đủ thấy kiến thức còn hữu dụng
đến bao đời.
Cuộc đời cũng còn có nhiều niềm vui và nỗi buồn, nhưng niềm
vui lớn nhất của con người chính là làm phúc. Chúng ta nên chia sẻ cảnh ngộ,
lòng thương cảm để giúp đỡ tinh thần hoặc vật chất cho mọi người. Làm được điều
thiện cũng là một cách tích đức để lại cho con cháu, như Tử Thần ông nói: Bình
sinh làm điều lành thì trời ban thêm phúc cho mình, ví bằng ngây dại mà làm điều
dữ thì phải mắc tai họa. Còn ý tưởng của Thái Thượng Công là: Điều họa phúc vốn
không có cửa ngõ, chỉ có ta mời nó đến thôi. Sự đền đáp việc lành dữ cũng như
bóng với hình. chỉ tùy theo lòng người. Chuyện làm phúc cũng còn lấy kết quả,
có thể người làm phúc không vui vẻ gì mà phải làm, cũng có khi người được làm
phúc không thỏa mãn mà vẫn phải nhận, ấy là do phụ thuộc vào thái độ và cách thức
thể hiện nữa. Làm phúc vì chân tâm thì cả hai bên cùng thoải mái, nhẹ lòng, hạnh
phúc còn nhón tay vì điều kiện hay mưu tính thì không hề có thiện ý, tất cả những
điều này phần lớn do tâm tính, hoàn cảnh sống và địa vị xã hội tạo ra. Vì thế
Đông Nhạc Thánh Đế viết rằng: Phàm người có quyền thế, không nên cậy vào quyền
thế của mình, người có phúc đức may mắn không nên tận hưởng hết cái phúc ấy,
cũng như thấy kẻ nghèo hèn chớ có khinh miệt người ta quá mức. Một ngày mình
làm điều thiện, phúc tuy chưa đến nhưng cái họa đã tự bỏ đi xa, một ngày làm điều
ác, cái họa dẫu chưa đến nhưng cái phúc đã tự bỏ đi xa mình rồi. Người ở dời
sau mà làm điều lành thì giống như cỏ trong vườn xuân, tuy không thấy lớn nhưng
ngày một dày thêm, người làm điều ác giống như viên đá mài dao, không thấy hao
mòn nhưng ngày càng khuyết dần.
Nỗi đau đớn và dằn vặt trên đường đời cũng rất nhiều và đa dạng
do những nguyên nhân khác nhau, nhưng có lẽ đau khổ lớn nhất là sự trống rỗng.
Đó là một trạng thái vô cảm, không còn cảm nhận về buồn vui sướng khổ yêu ghét
hay dở. Đời sống tinh thần lúc ấy không còn gì là ham muốn nữa, thật sự giống một
hòn đá lăn. đám mây trôi chứ chưa so sánh bằng thực vật động vật vì cây cỏ
muông thú còn có cảm xúc riêng của mình. Người rơi vào trạng thái này thường bị
hụt hẫng, thất vọng hoặc tan vỡ một dự tính quan trọng hay chịu một mất mát
không gì bù đắp được. Cần phải hiểu rằng mưu tính sự việc là do con người,
nhưng việc thành bại là do may rủi. Người muốn như vậy, mà trời lại không cho
là như thế, do đó, đành phải chấp nhận cái đã có hay vốn có, thế mới là người
hiểu cái đạo sống giữa cuộc đời: lý trí phải mạnh mẽ - hành động phải linh hoạt,
như Gia Cát Khổng Minh nói cách trừ bỏ sự trống rỗng này: Nên giữ chí thật cao
xa, mến chuộng bậc hiền tài, dứt hẳn tình dục, phá tan sự ngưng trệ, khiến cho
lòng mong muốn có chỗ tồn tại rõ ràng, có chỗ cảm động mà sinh ra thương mến.
Giận lắm thì cũng nên duỗi, bỏ qua sự nhỏ nhặt. Rộng thăm dò học hỏi, trừ bỏ
tính nghi ngờ bủn xỉn. Sao lại để tổn hại về sắc đẹp? Sao lại lo buồn về việc
không thành? Nếu chí không mạnh mẽ, ý không ngoan cường khảng khái sẽ bị chìm đắm
vào chỗ phàm tục, suốt đời bị trói buộc vào cõi vô hình.
Dù sao đi nữa, tội lỗi đến đâu cũng cần phải giữ một chút
nhân tính và lương tâm, chỉ có kẻ vô liêm sỉ nhất mới bán cả lương tâm và tâm hồn
mình. Nên nhớ rằng: Trước nghĩa rồi sau lợi là vinh, trước lợi rồi sau nghĩa là
nhục. Vinh ấy thường thông, nhục ấy thường cùng. Kẻ thông ấy thường trị được
người.
Kẻ cùng ấy thường bị người trị. Biết
được những điều khuyên răn của cổ nhân để ứng xử trên đời và sống tốt về lý
thuyết thì dễ, nhưng sử dụng những lời khuyên này thế nào cho hữu ích chỉ phụ
thuộc vào bản thân mỗi người như sách Minh Tâm Bảo Giám dạy: Ngàn vàng tốt chưa
phải là quý. Được lời nói hay của một người còn quý hơn ngàn vàng, vì ngàn vàng
dễ được lời hay khó tìm. Tìm ở người không bằng tìm ở mình, hay chịu nghe người
không bằng hay suy xét. Biết việc ít thì phiền não cũng ít. Biết người nhiều
thì chuyện phải trái cũng nhiều. Và như thế mới cần bàn đến những lời răn của cổ
nhân...
Đ.H.L
Nguồn:Tạp chí Hà Nội Ngàn năm số 33, 34, 35, 36
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét