Khái niệm Phục hưng – Renaissance là cách định danh
một thời đại lịch sử được xác định cụ thể trong lịch sử châu Âu từ thế kỷ XIV đến
thế kỷ XVI. Khái niệm này được sử dụng lần đầu tiên vào thế kỷ XVI, nhằm thể hiện
ý nghĩa đây là thời đại làm hồi sinh, phục hồi lại những giá trị quý giá của nền
văn hóa Hy-La cổ đại sau thời Trung cổ bị lãng quên và
phát triển nền văn hóa mới chống lại thần học Trung cổ.
Cũng có thể hiểu rộng hơn rằng đó là một thời đại mà đô thị trở nên hưng thịnh,
trong xã hội hình thành nên những tầng lớp trung gian đặc biệt là giai tầng trí
thức – những người đại diện cho những tư tưởng mới mẻ và tiến bộ, con người đặc
biệt có ý thức về cá nhân và tự do, các phương diện khoa học, nghệ thuật đều
phát triển hưng vượng gắn liền với nguyện vọng phục vụ và thể hiện đời sống con
người như nó vốn có. Đó là thời đại con người vừa nhận thức, khôi phục lại những
giá trị tốt đẹp của văn hóa cổ xưa vừa sẵn sàng đến với
những tư tưởng tiến bộ mới. Xã hội từ đó sản sinh ra những con người khổng lồ,
sản sinh ra những thành tựu vật chất và tinh thần cao cả. Đó thực sự là một cuộc
cách mạng và có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với sự phát triển của lịch sử và văn
hóa nhân loại.
Thời Phục hưng bắt đầu vào thế kỷ XIV với những bước đi đầu tiên ở lĩnh vực hội
họa từ cái nôi Florence và Flanders. Trong không khí của thời đại, hội họa thời
Phục hưng cũng hướng đến phát triển những nhận thức về bản thân và thế giới
xung quanh đồng thời hướng đến sự nghiên cứu thiên nhiên, lấy tự nhiên làm hình
mẫu (chứ không phải lấy thần thánh làm hình mẫu) cho những tạo hình con người
và sự vật. Hội họa phát triển cùng với sự thức tỉnh con người, khơi dậy nhu cầu
tự khám phá thế giới và tri thức, khám phá những quy luật tự nhiên và bản thân
con người. Hội họa cũng tái hiện lại không gian thành thị nơi mà giai cấp tư sản
đang xác lập vị thế của mình. Xã hội đang thực hiện những bước chuyển mình từ
Trung cổ sang thời đại Phục hưng với cảm hứng ngợi ca ánh sáng và chân lý, khao
khát nhận thức giá trị con người ngay trong đời sống thế tục. Chủ thể của những
tác phẩm hội họa không chỉ là những vị thần hay thế lực cầm quyền mà còn là những
con người thị dân, nhỏ bé và rất đời thường trong một không gian chân thực và
sáng rõ.
Nếu trước đây, nghệ thuật gần như thuộc về nhà thờ, thì đến thời Phục hưng, nghệ
thuật đi đến gần với đời sống thị dân hơn. Các nghệ sĩ chú ý đến nghệ thuật tạo
hình trong sáng tạo hơn là mục đích trang trí như nghệ thuật thời Trung cổ (thể
hiện không gian hai chiều). Có thể nói, hai thành tựu quan trọng nhất của hội họa
thời Phục hưng chính là kỹ thuật vẽ phối cảnh và chất liệu sơn dầu. Cả hai
thành tựu này đều tạo hiệu quả đặc biệt về hình khối, bố cục, màu sắc, ánh sáng
trong các họa phẩm thời Phục hưng. Trong phạm vi bài viết ngắn này, chúng tôi tập
trung giới thiệu về nghệ thuật xây dựng phối cảnh của hội họa thời Phục hưng
qua một vài di sản tiêu biểu và quan trọng của giai đoạn này.
Từ thời Phục hưng, nghệ thuật phối cảnh trong hội họa dùng để thể hiện hình ảnh
ba chiều trên bề mặt hai chiều nhằm tạo hiệu ứng chiều sâu trong tranh vẽ. Phát
triển từ những hiểu biết của thời đại về các định lý toán học, đặc biệt là hình
học, các nghệ sĩ ứng dụng kỹ thuật vẽ tranh không gian ba chiều, đặc biệt chú ý
đến việc thể hiện chiều sâu, ánh sáng, hình khối, bố cục, màu sắc, tỉ lệ trong
các họa phẩm của mình. Kỹ thuật phối cảnh này tạo nên một cách nhìn mới mẻ đầy
lý tính về không gian trong các tác phẩm hội họa, cái người ta gọi là kiểu
“không gian thấu thị”. Cách nhìn này cũng thể hiện sự hiện đại và tiến bộ của
con người thời đại Phục hưng đối với các vấn đề vũ trụ, thế giới cũng như đời sống
con người.
Khi ứng dụng kỹ thuật xây dựng không gian ba chiều trong hội họa, cùng với sự hỗ
trợ của chất liệu sơn dầu mới, các họa sĩ có điều kiện để thể hiện ánh sáng hiệu
quả hơn. Ánh sáng trong các họa phẩm được thể hiện một cách tập trung, sắc nét
và cụ thể hơn. Nếu như trước kia yếu tố ánh sáng trong tác phẩm hội họa không
được chú ý đến, không được thể hiện một cách tập trung thì lúc này, thì ánh
sáng luôn được chiếu đến từ một hướng nhất định trong bức tranh. Nhờ vậy, bố cục
của bức tranh, sự liên kết giữa các nhân vật trong phối cảnh tác phẩm được thể
hiện đồng bộ, hợp lý và chặt chẽ hơn.
Những thành tựu mới mẻ về nghệ thuật xây dựng phối cảnh và sử dụng ánh sáng đã
giúp cho các tác phẩm hội họa thời Phục hưng đến gần với thế giới thực hơn,
ngay cả ở trong các tác phẩm có đề tài tôn giáo hay thần thoại. Điều này có
liên quan đến một trong những đặc trưng tiêu biểu của tinh thần nhân văn thời
Phục hưng. Tư tưởng then chốt của thời đại này đề cao những phẩm chất và ưu điểm
của con người, phát triển nó để đạt được quy mô đầy đủ nhất. Nếu như triết học
kinh viện thời Trung cổ có cái nhìn hạn hẹp, thiên lệch, khắc nghiệt về con người
thì trào lưu tư tưởng nhân văn hướng đến các vấn đề về con người và đời sống
nhân loại. Trong tinh thần đó, con người trở thành tâm điểm của nghệ thuật và
cho dù tác phẩm có liên quan đến đề tài tôn giáo, thần thoại thì vẻ đẹp của con
người và hiện thực vẫn là nền tảng của một tác phẩm hội họa.
Hội họa Phục hưng phát triển mạnh ở Italy, rồi sau đó đến Hà Lan, Đức, Pháp,
Anh,…Các tài năng hội họa ra đời ở khắp châu Âu và để lại cả một kho tài khổng
lồ của các họa phẩm giá trị. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi giới thiệu
ba ví dụ tiêu biểu về cách ứng dụng kỹ thuật vẽ phối cảnh qua tác phẩm của các
tác giả Jan Van Eyck, Sandro Botticelli và Leonardo da Vinci.
1. Phối cảnh nhìn qua gương cầu trong bức tranh Hôn lễ của Arnolfini của Jan
Van Eyck (1395-1441)
Jan Van
Eyck là họa sĩ xuất sắc đại diện cho trường phái hội họa phương Bắc của thời Phục
hưng. Cùng với trường phái phương Nam phát triển từ cái nôi là Florence, trường
phái phương Bắc đặc biệt phát triển ở xứ Flanders (trước kia thuộc Hà Lan, nay
thuộc Bỉ). Một trong những đặc trưng của trường phái phương Bắc là sự chú trọng
đến yếu tố hiện thực. Jan
Van Eyck là tác giả của nhiều tác phẩm sơn dầu nổi tiếng như “Hôn lễ của
Arnolfini” (1434), “Đức mẹ ở Chancellor Rolin” (1435), “Đức Mẹ ở
Canon
Van der Paele” (1436), “Sự loan báo” (1434-1436),...
Jan Van Eyck được cho là người đầu tiên đã phát triển và hoàn thiện kỹ thuật vẽ
tranh sơn dầu và điều chế màu vẽ để thử nghiệm trên các tác phẩm của chính
mình. Ông đã đạt được nhiều thành công trong chất liệu mới mẻ này của hội họa
thời Phục hưng. Có quan điểm chú trọng yếu tố hiện thực trong biểu hiện nghệ
thuật, ông hướng đến việc tạo hiệu ứng đều đặn và tự nhiên cho những nét vẽ và
thể hiện sự vật với mức độ chi tiết hết sức tỉ mỉ.
Ảnh 1: Tranh “Hôn lễ của Arnolfini” – tác giả Jan Van Eyck
Bức tranh “Hôn lễ của Arnolfini” hay còn có tên gọi khác là “Giovanni Arnolfini
và phu nhân” do Jan Van Eyck sáng tác vào năm 1434 được xem là một trong những
bức tranh sơn dầu thành công sớm nhất. Đây là một tác phẩm có đề tài đời sống
thế tục và hoàn toàn không có tính chất tôn giáo. Nội dung bức tranh miêu tả
nghi thức kết hôn giữa Giovanni Arnolfini – một thương nhân người Italy và người
vợ là bà Giovanna Cenami. Có thể nhận ra hôn lễ này được tổ chức trong gia đình
chứ không phải ở nhà thờ. Chủ thể của bức tranh là người vợ và người chồng
trong nghi thức hôn nhân trang trọng và thiêng liêng trong bối cảnh là gian
phòng hoa lệ, tinh tế với nhiều chi tiết được sắp xếp cẩn thận, hài hòa như chiếc
đèn chùm, chuỗi hạt, khung cửa khảm pha lê, giường, thảm, sàn gỗ, đôi dép, trái
cây,... Những chi tiết vô cùng tỉ mỉ về nội thất của gian phòng thể hiện cho
quan điểm kéo nghệ thuật về phía trần gian, về thế giới hiện thực mà con người
đang sống. Qua đó, bức họa cũng biểu hiện ý nghĩa ngợi ca cuộc sống hôn nhân
trong đời sống thế tục.
Jan Van Eyck đặt vào vị trí trung tâm của tác phẩm “Hôn lễ của Arnolfini” một
điều đặc biệt đáng ngạc nhiên. Đó là hình ảnh chiếc gương cầu treo trên tường
được thể hiện rất cầu kỳ và tinh xảo. Nhìn vào tấm gương ấy, người xem có thể
quan sát được khung cảnh còn lại của gian phòng đang tổ chức nghi thức hôn lễ,
đã được bẻ cong khéo léo theo bề mặt của tấm gương cầu. Tấm gương cầu treo tường
này cung cấp cho người xem một điểm nhìn từ phía sau lưng của hai nhân vật
chính của bức tranh. Như vậy, ngoài điểm nhìn trực diện về phía nhân vật chính
từ bức tường thứ tư của gian phòng, người xem còn có được điểm nhìn thứ hai
cùng chiều với nhân vật. Từ đó, người ta nhìn thấy được những gì vốn không nằm
trong khung cảnh của bức tranh. Ngoài hình ảnh ngược của gian phòng và phần
lưng của hai nhân vật chính, người xem còn nhìn thấy hai người làm chứng cho
hôn lễ, mặc y phục màu lam và màu cam.
Ở mảng tường phía trên tấm gương tròn, người xem có thể nhìn thấy dòng chữ khắc
công phu kiểu Gotich với nội dung “Jan Van Eyck ở đây năm 1434”. Có những phỏng
đoán khác nhau về dòng chữ này, và có thể cho rằng đây là nội dung không thuộc
về phần hình ảnh biểu hiện của bức tranh mà nó góp một phần vào nghi thức của
hôn lễ như một sự làm chứng. Như vậy, họa sĩ không chỉ là người phản ánh sự kiện
qua tranh vẽ mà còn đóng vai người làm chứng. Bức tranh này không đơn thuần là
một tác phẩm miêu tả đời sống sinh hoạt thế tục mà được cho là mang sứ mệnh
quan trọng, chứng kiến và lưu lại hình ảnh của hôn lễ. Hay bức tranh còn được
xem như một loại giấy tờ xác định hôn nhân. Còn tấm gương cầu trong bức tranh
là sự thể hiện cho một cái nhìn thấu thị và sáng suốt.
Kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu của Jan Van Eyck giúp tạo nên sự cảm nhận chân thực về
vật thể trong tranh. Ánh sáng trong tranh là nguồn sáng tự nhiên chiếu rọi vào
từ phía cửa sổ ở bên trái, thể hiện tính hài hòa, đồng nhất. Các sự vật trong
tranh đều đón nhận ánh sáng tự nhiên từ phía cửa sổ còn mảng tường phía bên
trong cửa sổ được thể hiện bằng gam màu tối hơn hẳn để làm nổi bật hơn nguồn
ánh sáng đó. Người xem không chỉ nhận ra hình ảnh phản chiếu của người tham gia
buổi lễ qua tấm gương cầu mà còn nhận ra sự phản chiếu ánh sáng qua độ lấp lánh
của các vật dụng như đèn chùm, chuỗi hạt,... Và ngọn nến duy nhất được thắp lên
trong khung cảnh ban ngày này cũng mang ý nghĩa là sự minh chứng thấu suốt như
tấm gương cầu.
Giữa bố cục độc đáo với hai điểm nhìn từ hai hướng ngược nhau như thế, nổi bật
lên những chủ thể của bức tranh là những con người được miêu tả hết sức trang
trọng, đẹp đẽ trong nguồn cảm hứng đề cao con người và giá trị đích thực của đời
sống nhân loại trên mảnh đất trần gian của thời đại Phục hưng.
2. Phối cảnh thần thoại trong tác phẩm “Sự ra đời của Vệ nữ” của Sandro
Botticelli (1445-1510)
Câu chuyện sự ra đời của thần Vệ nữ (tên Hy Lạp là Aphrorodite) có nguồn gốc từ
thần thoại Hy Lạp đã trở nên một đề tài quen thuộc của văn học, hội họa, điêu
khắc, kiến trúc từ thời Trung cổ đến những thời đại sau này. Một trong những
miêu tả sớm nhất về sự ra đời thần thánh này là trong tác phẩm Thần phả
(Theogony) của Hesiod. Ông đã miêu tả sự ra đời của thần Aphrodite như sau:
“Khi thần (Cronos) cắt lìa bộ phận sinh dục (của thần Uranos) bằng lưỡi hái sắc
bén rồi vứt chúng xuống biển cả sóng cồn, suốt thời gian dài chúng nằm dưới thẳm
sâu. Rồi bọt trắng cuộn lên quanh thịt da bất tử mà trong đó một thiếu nữ thành
hình. Trước tiên, nàng trôi đến Cythera thần thánh, rồi từ đó nàng phiêu dạt đến
vùng biển quanh đảo Cyprus. Và ở đây, nàng trỗi dậy là một nữ thần uy nghiêm đầy
nhan sắc, cỏ mềm mọc lên dưới đôi bàn chân thon của nàng.
Thần linh và con người gọi nàng là Aphrodite, nữ thần sinh ra từ bọt biển bởi
vì nàng tượng hình từ trong bọt sóng (aphros) [...] Nàng cũng được gọi là
Philommedes (tình yêu nhục thể) bởi vì nàng ra đời từ bộ phận sinh dục. Eros hộ
tống nàng và sắc dục theo nàng khi nàng sinh ra và khi nàng lần đầu tiên gia nhập
thế giới thần linh. Ngay từ khởi đầu, nàng có được vinh dự này, trước loài người
và các vị thần bất tử nàng chiến thắng bằng lời thì thầm của thiếu nữ, nụ cười,
gian dối, khoái lạc ngọt ngào và sự tinh tế dịu dàng của tình yêu”. [2,10-11].
Từ những mô tả này, các nghệ sĩ ở các thời đại sau đó thường mô tả nữ thần tình
yêu và sắc đẹp, người được hoài thai trong lòng đại dương sâu thẳm từ bọt biển
và máu, hiện lên trên mặt biển trong khung cảnh rạng ngời của mùa xuân, được thần
linh và thiên nhiên chào đón. Trong đó, nữ thần Aphrodite trong bức họa của
Sandro Botticelli được mệnh danh là nàng Aphrodite đẹp nhất.
Ảnh 2: Tranh “Sự ra đời của thần Venus” - tác giả Sandro
Botticelli
Trong bức tranh nổi tiếng sáng tác vào năm 1486 của mình, Sandro Botticelli
miêu tả hình ảnh thần Vệ nữ tóc vàng với vẻ đẹp hoàn hảo từ sơ khai, nàng đứng
trên một vỏ sò khổng lồ, được thần gió và thần không khí tinh khiết thổi vào bờ
biển, nữ thần mùa màng với tấm áo hoa ra đón nàng. Vệ nữ trong bức tranh này
mang đầy đủ vẻ đẹp chuẩn mực thời Phục hưng, vẻ đẹp của người nữ hài hòa, cân đối,
đầy đặn và quyến rũ. Vẻ đẹp của nữ thần tình yêu và sắc đẹp không chỉ là vẻ đẹp
trần trụi của đường nét và màu sắc mà còn nằm ở độ sâu tinh thần mà họa sĩ thể
hiện. Vệ nữ từ sóng biển bước lên và bao bọc quanh nàng là bầu không khí tinh
khiết, ngát thơm và trong sáng. Khơi gợi lại truyền thống Hy Lạp cổ xưa, hình
dung thần thánh bằng vóc thân hoàn hảo của con người, nữ thần uy nghi và quyền
năng trong huyền thoại được nghệ sĩ hình dung như một hiện thân nữ tính của một
người phụ nữ đẹp đang hiện hữu.
Bố cục của bức tranh “Sự ra đời của Vệ nữ” có thể chia thành ba cụm. Cặp thần
gió và thần không khí ở phía bên trái thuộc về không trung. Nữ thần mùa màng ở
bên phải bức tranh với rừng cây làm nền thuộc về đảo Cyprus. Toàn bộ ánh sáng
trong bức tranh đều tập trung vào nữ thần Vệ nữ, đứng ở vị trí trung tâm của bức
tranh, trên một chiếc vỏ sò khổng lồ, được sóng cuộn đưa vào bờ. Và biển xanh
như lùi ra xa ở phía sau lưng nàng. Vệ nữ, nổi bật giữa bức tranh như một biểu
hiện đầy nữ tính, với mái tóc vàng bồng bềnh, dáng đứng mềm mại nhưng chông
chênh trên chiếc vỏ sò. Có thể nói, từ sau bức vẽ này của Sandro Botticelli,
mái tóc vàng, vỏ sò và dáng đứng uyển chuyển đó trở thành đặc trưng tiêu biểu của
thần Vệ nữ, hơn nữa, vỏ sò được nhìn nhận như là một biểu tượng của nữ tính và
âm vật. Nếu như Vệ nữ ra đời một cách thần kỳ từ sinh thực khí nam giới thì việc
đặt vào trung tâm của bức tranh một biểu tượng âm vật chính là thể hiện tinh thần
đề cao cái đẹp và tính nữ trong cách nhìn nhận về vẻ đẹp của tác giả cũng như của
con người thời đại Phục hưng.
3. Phối cảnh đối nghịch trong “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci
Leonardo da Vinci (1452-1519) được mệnh danh là một thiên tài với nhiều điều kỳ
lạ, một bộ óc bác học và toàn năng. Ông để lại những cống hiến lớn ở nhiều lĩnh
vực từ y học, khoa học tự nhiên, kiến trúc, điêu khắc và không thể không kể đến
hội họa, với những kiệt tác như bức bích họa “Bữa tiệc ly” tại Tu viện Saint
Maria delle Grazie (Milan - Ý), bức tranh “Mona Lisa”, “Người Vitruvius” (tác
phẩm tiêu biểu giữa sự pha trộn giữa nghệ thuật và khoa học),…
Leonardo da Vinci đã phát biểu: “đôi mắt, được mệnh danh là cửa
sổ của tâm hồn, là phương tiện chủ yếu mà từ đó sự thưởng thức sâu xa có thể
đánh giá trọn vẹn và đầy đủ nguồn tác phẩm vô tận của tự nhiên” và “Nhà họa
sĩ! Anh không thể là người tài giỏi nếu anh không phải là bậc thầy tài nghệ để
tái hiện bằng nghệ thuật của anh mọi hình vẻ của thiên nhiên” [1,39]. Phát biểu
này thể hiện quan điểm đề cao và tìm về với vẻ đẹp của tự nhiên ở Leonardo da
Vinci. Bức họa “Mona Lisa” được ông hoàn thiện trong một quãng thời gian rất
dài, từ năm 1503 đến năm 1519 cho thấy sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và
tinh thần truy cầu cái đẹp đích thức của nhà họa sĩ.
Ảnh 3: Tranh “Mona Lisa” - tác giả Leonardo da Vinci
“Mona Lisa” được xem là bức tranh bí ẩn nhất thế giới cũng như là họa phẩm về
phụ nữ nổi tiếng nhất mọi thời đại. Tuyệt tác ra đời từ thế kỷ XVI này của
Leonardo da Vinci cho đến ngày nay vẫn còn là một điều bí ẩn sâu thẳm, không ngừng
thu hút các nhà phê bình nghệ thuật và cả các nhà khoa học, và từ đó đã dẫn ra
vô số tranh luận nghệ thuật và khoa học quanh tác phẩm, cũng như làm cho nàng
Mona Lisa trở thành huyền thoại. “Mona Lisa” là một bức tranh chân dung, được vẽ
bằng chất liệu sơn dầu trên gỗ, với kích thước khá khiêm tốn 78 x 53 cm. Tác phẩm
hiện đang được trưng bày ở bảo tàng Louvre, Paris, Pháp. Nhân vật chính trong bức
tranh, nàng Mona Lisa được biết đến với tên gọi là Lisa Gherardini, vợ của
Francesco del Giocondo.
“Mona Lisa” là bức tranh chân dung nửa người với sắc thái biểu cảm trên gương mặt
nhân vật, từ nụ cười, ánh mắt ẩn chứa bao nhiêu bí ẩn và dẫn đến những luận giải
và tranh cãi không dứt. Bằng kỹ thuật tạo nên các lớp khói mờ huyền ảo bằng các
lớp màu, Leonardo da Vinci mang đến những nét biểu hiện mơ hồ và bầu không khí
hư ảo xung quanh người phụ nữ bí ẩn này. Sự hư ảo mà bức tranh thể hiện khiến
cho những tranh luận về nó đều dường như trở nên vô nghĩa.
Điều có thể lưu ý về nghệ thuật tạo phối cảnh trong bức tranh “Mona Lisa” là
cách tạo phối cảnh đối nghịch trong bức tranh. Cảnh nền phía sau Mona Lisa là một
khung cảnh rộng lớn được thể hiện theo luật phối cảnh với cảnh càng ở xa càng mờ
đi. Cảnh nền hai bên phải và trái của Mona Lisa có sự đối nghịch với nhau và được
tạo ra với hai mức độ tỷ lệ khác nhau. Đường chân trời phía bên trái được hạ thấp
hơn so với phía bên phải khiến không gian ở đây được đẩy xa và mở rộng hơn. Người
ta cho rằng, Leonardo da Vinci không chú trọng thực sự đến kích thước và tính
liền mạch của khung cảnh mà muốn thể hiện tâm trạng qua cảnh nền phía sau Mona
Lisa.
Ánh sáng cũng rất được chăm chút khi bên phải Mona Lisa là cây cầu Buriano với gam màu sáng hơn so với khung cảnh phía bên phải là những rặng núi liên nhau. Có thể thấy phần phong cảnh phía sau nàng Mona Lisa được thể hiện rất cô đọng, tinh tế nên tuy chỉ là phần cảnh nền vẫn tạo liên tưởng đến cả không gian vũ trụ rộng lớn. Điều đó tạo nên một khung cảnh sống động và độc đáo. Nó không chỉ tạo sự dịch chuyển và biến đổi của không gian mà còn tạo ra cảm thức về sự thay đổi của thời gian. Và điều đó, cũng đưa đến những suy ngẫm về sự tương quan giữa bản thể con người với sự tồn tại của vũ trụ rộng lớn.
Ánh sáng cũng rất được chăm chút khi bên phải Mona Lisa là cây cầu Buriano với gam màu sáng hơn so với khung cảnh phía bên phải là những rặng núi liên nhau. Có thể thấy phần phong cảnh phía sau nàng Mona Lisa được thể hiện rất cô đọng, tinh tế nên tuy chỉ là phần cảnh nền vẫn tạo liên tưởng đến cả không gian vũ trụ rộng lớn. Điều đó tạo nên một khung cảnh sống động và độc đáo. Nó không chỉ tạo sự dịch chuyển và biến đổi của không gian mà còn tạo ra cảm thức về sự thay đổi của thời gian. Và điều đó, cũng đưa đến những suy ngẫm về sự tương quan giữa bản thể con người với sự tồn tại của vũ trụ rộng lớn.
Ba ví dụ mà chúng tôi đưa ra trong bài viết ngắn này không phải là toàn bộ những
đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật phối cảnh hội họa trong thời đại Phục hưng ở
châu Âu mà chỉ là những đại diện để từ đó có thể nhìn lại một thời đại phát triển
đặc biệt về nghệ thuật trong lịch sử nhân loại. Đó là những cách nhìn rất mới mẻ,
tuy khác biệt nhau nhưng đều nhìn về đời sống đang hiện hữu của con người. Những
chi tiết hiện thực của đời sống được đưa vào hội họa, dù là tranh tôn giáo,
tranh thần thoại hay cảnh sinh hoạt đời thường đều hướng đến ngợi ca những vẻ đẹp
cụ thể trong đời sống trần gian cũng như đề cao những giá trị sâu sắc và quan
trọng của sự tồn tại của nhân loại trong thời đại mới. Từ đó, có thể thấy mục
đích của nghệ thuật không chỉ giới hạn ở việc minh họa cho các đề tài, motif,
tích truyện đã cũ, hay cách nhìn hạn hẹp trong vòng cương tỏa của nhà thờ và
giáo hội mà người họa sĩ còn có nhiệm vụ phản ánh thế giới xung quanh được nhìn
thấy bằng con mắt bình thường của con người đời thường. Mà đó mới là cách để
nghệ thuật hướng đến giá trị của cái đẹp tuyệt đối.
Thư mục tham khảo
1. Jerry Brotton, The Renaissance, A Very Short
Introduction, Oxford University Press, NY, US, 2006
2. Hesiod, Theogony and Works and Days, Filiquarian
Publishing, 2007
3. Geraldine A. Johnson, Renaissance Art, A Very Short
Introduction, Oxford University Press, NY, US, 2005
4. Bosiljka Raditsa, Rebecca Arkenberg,…, The Art of
Renaissance Europe – A Resource for Educators, The Metropolitan Museum of Art,
NY, US, 2000.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét