Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Hà Nội lãng du mùa hoa sữa

Hà Nội lãng du mùa hoa sữa
Chẳng biết tự bao giờ, cứ như một sự mặc định, mùi hương đó trở thành “hương của Hà Nội” trong tâm trí của cả dân bản địa và khách du lịch ghé qua.
Khi những cơn gió cuối thu về xao xác, mang cái lạnh của buổi chớm đông len lỏi vào da thịt mỗi người, đó cũng là lúc hoa sữa Hà Nội bắt đầu tỏa hương, hứa hẹn cho một mùa yêu thương, hạnh phúc chớm nở, bắt đầu.
Với mỗi người, khi mùa hoa sữa về lại mang theo những cảm xúc riêng. Những kẻ yêu nhau thường ít nhiều rắc ríu, vương vít vào mối tình của mình chút hương hoa sữa. Họ dắt nhau đi trên những con phố có hoa, họ hít hà mùi hương và rồi nói với nhau những lời tình tứ. Cứ lãng du vô định, hương hoa sữa hồn nhiên đi vào cuộc tình và là một nhân chứng đặc biệt với không ít những kẻ đang yêu, đã yêu và sẽ yêu.
Hoa sữa là vậy, chẳng sặc sỡ sắc màu, chẳng rực lửa như phượng, hay tím tái như bằng lăng, nhưng cái hơn của loài hoa này lại ở chỗ thường gắn với những người yêu nhau. Hoa phượng đỏ, bằng lăng tím cũng vậy, có điều, chúng vô hương. Mà tình yêu thì xưa nay đâu cần lòe loẹt, quan trọng là những cảm xúc mà kẻ yêu phải trải qua. Điều này thì hoa sữa ăn đứt nhiều loài hoa khác.
Hoa sữa tỏa hương 24/24, nhưng để cảm và mến nó, chắc không gì thích hợp hơn buổi tối, khi mà những ồn ã phố phường lùi xa, khi cái chói chang mặt trời cũng phải nhường cho sự dịu dàng của trăng. Và hoa sữa độc tôn.
Cây và hoa thì bất động, nhưng hương lại theo gió vương trên tóc người qua, làm thức tỉnh nhiều giác quan cùng lúc. Đó là cái tài tình của loài hoa sữa, và nó cũng buộc con người ta phải có cách thưởng hoa thật riêng: vừa đi vừa cảm nhận.
Hà Nội nồng nàn hương hoa sữa vào thu
Ngày trước nhạc sĩ Hồng Đăng từng viết: “Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó, những bạn bè chung, những con đường nhỏ, hoa sữa vẫn nồng nàn đầu phố đêm đêm…”. Mỗi bận nghe lại Hoa sữa (trong bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”), tôi lại liên tưởng đến hoa như một người tình, lại nhớ đến những con ngõ nhỏ của Hà Nội với những chàng trai cô gái kín đáo đứng đợi nhau. Và như vậy, hoa sữa cũng như những ngọn đèn kia chính là bằng chứng tình yêu với bao người.
Bây giờ là đầu mùa hoa, trong từng cơn gió heo may, hương hoa sữa đã vấn vương mọi chốn. Chẳng biết tự bao giờ, cứ như một sự mặc định,  mùi hương đó trở thành “hương của Hà Nội” trong tâm trí của cả dân bản địa và khách du lịch ghé qua.
Hoa sữa trở thành một phần của Hà Nội, nó gần gũi, thân thuộc với tất cả mọi người. Hầu như phố nào cũng có một vài cây hoa sữa. Lặng lẽ nép mình bên những gốc xà cừ đã già nua vì tuổi tác, hay khiêm nhường ở một góc phố nhỏ, lặng lẽ buông hương dưới ánh sáng vàng vọt của chiếc đèn cao áp từng đêm…
Hoa sữa gắn với mảnh đất Thủ đô, với nét thanh lịch của người Tràng An. Có lẽ không ở đâu khác, người ta lại đối đãi với hoa sữa mặn nồng như thế. Sau này, có nhiều thành phố, cũng học tập Hà Nội mang hoa sữa về trồng, thậm chí là trồng nguyên cả một con phố toàn hoa sữa, nhưng xa Hà Nội, hương hoa sữa dường như cũng khác.
Lại thêm cách trồng theo kiểu vườn ươm (trồng dày đặc), hoa sữa lại đậm mùi, vì thế, từ cái cảm mến với hoa không ít người lại đâm sợ loài hoa này. Cái lỗi chẳng ở nơi loài hoa, mà ở cái cách người ta đối xử (trồng) với nó.
Tình yêu luôn đẹp, dù có kết cục ra sao, đặc biệt nếu có thêm chút ít hương hoa sữa. Những người yêu nhau nhiều khi thấy kỷ niệm đượm chất lãng mạn, phong lưu và nồng nàn hơn có lẽ cũng chính bởi loài hoa này. Và không ít người, cứ mỗi độ hoa sữa về, họ lại thong thả đếm bước mình trên hè phố, để mơ về những khoảnh khắc ngày xưa…
 Đức Thành
Theo http://vnexpress.net/

1 nhận xét:

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...