Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Nghĩ thêm về từ “lẻn” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Nghĩ thêm về từ “lẻn” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác thành công rực rỡ trên nhiều phương diện, trong số đó nổi bật là thành công về mặt sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong Truyện Kiều là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bác học tinh tế điêu luyện với ngôn ngữ dân gian giản dị gần gũi. Dưới ngòi bút của thiên tài Nguyễn Du, tiếng Việt của chúng ta trở nên đặc sắc hơn và giàu có hơn rất nhiều.
Trong truyện Kiều, còn có một trường hợp khá thú vị mà chưa nhiều người bàn tới là từ “lẻn”. Với 3254 câu thơ Kiều, Nguyễn Du đã năm lần dùng từ “ lẻn”, trong đó có ba lần để miêu tả hành động của ba nhân vật có tính cách hoàn toàn khác nhau là Kim Trọng, Sở Khanh và Thúc Sinh. Xuyên suốt trong tác phẩm, Kim Trọng hiện lên như hình mẫu lí tưởng của một bậc văn nhân quân tử phong nhã, hào hoa, chung thủy. Còn Sở Khanh lại là bộ mặt tiêu biểu cho những kẻ đểu cáng, tráo trở, lừa gạt “ Bạc tình nổi tiếng lầu xanh/ Một tay chôn biết mấy cành phù dung ”. Trong khi đó Thúc Sinh lại là điển hình cho một kiểu đàn ông si tình nhưng yếu đuối, nhát gan, sợ vợ. Vậy cách Nguyễn Du dùng từ “ lẻn” để miêu tả hành động của các nhân vật này khi đến gặp Thúy Kiều có gì độc đáo? Để lí giải sự khác biệt của từ “lẻn” trong ba trường hợp này, đồng thời thấy được thiên tài trong nghệ thuật dùng từ của Nguyễn Du, chúng ta hãy tìm hiểu sâu hơn về ba trích đoạn.
Do tình cờ bắt được chiếc thoa Thúy Kiều bỏ quên trên cành đào, Kim Trọng có cơ hội gặp lại người mà chàng thầm yêu trộm nhớ bấy lâu. Không ngờ từ  sau lần hạnh ngộ trong tiết Thanh Minh, Thúy Kiều cũng đã ôm ấp hình bóng của chàng. Nhân dịp cả nhà Vương viên ngoại đi chúc thọ vắng, hai người đã gặp gỡ, tâm sự và cuối cùng thề nguyền suốt đời chung thủy bên nhau. Nhưng khi tình yêu vừa chớm nở, Kim Trọng bỗng nhận được tin thúc phụ qua đời, chàng phải về Liêu Dương để chịu tang.
Cửa sài vừa ngỏ then hoa
Gia đồng vào gửi thư nhà mới sang 
Đem tin thúc phụ từ đường 
Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề. 
Liêu Dương cách trở sơn khê 
Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang. 
Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng 
Băng mình lẻn trước đài trang tự tình 
Gót đầu mọi nỗi đinh ninh 
Nỗi nhà tang tóc nỗi mình xa xôi. 
Nếu như sáu câu thơ đầu hoàn toàn mang tính chất tự sự, kể lại biến cố vừa xảy ra với gia đình Kim Trọng thì bốn câu thơ sau là tâm trạng hoảng hốt của Kim Trọng trước tin dữ đó. Chỉ trong bốn câu, nhà thơ đã dùng đến bốn lần từ “nỗi” với bốn tính chất khác nhau: nỗi kinh hoàng, nỗi đinh ninh, nỗi nhà tang tóc, nỗi mình xa xôi. Chừng đó điệp ngữ dồn dập cho ta thấy được trăm ngàn ý nghĩ chất chồng rối bời trong lòng Kim Trọng. Chú chẳng may mất đi. Cảnh nhà tang tóc. Chàng phải gấp rút về Liêu Dương không thể chậm trễ. Làm sao để gặp Kiều và làm sao để chia tay với Kiều. Nhất là khi hai người mới chỉ kịp thề hẹn với nhau. Rồi đây trong cảnh xa xôi cách trở biết điều gì sẽ đến với hai người. Ta hãy xem trong hoàn cảnh đó chàng đã cư xử như thế nào:
Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng
Băng mình lẻn trước đài trang tự tình.
Câu thơ được ngắt nhịp rất độc đáo khác hẳn với cách ngắt nhịp truyền thống. Băng mình/ lẻn/ trước đài trang/ tự tình. Băng mình là một động từ miêu tả hành động đi hoặc chạy rất nhanh, có cảm giác như người đi rất vội, không có thời gian quan sát xung quanh. Ta vẫn thường nói: Băng mình qua đường, băng mình giữa bom đạn, chạy băng băng. Dường như khi biết tin, việc đầu tiên Kim Trọng làm là vội vàng chạy ngay đến để báo cho Kiều. Nhưng sau cái hành động vội vàng đó, sau cái bước chân gấp gáp đó, dường như chàng có chút chững lại: lẻn/ trước đài trang/ tự tình. Trong từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, từ lẻn được định nghĩa là: đi giấu không cho ai biết. Tại sao Kim Trọng lại phải kìm bước chân của mình lại, tại sao Kim Trọng lại phải nhìn trước nhìn sau để chắc chắn không có ai mới dám lẻn vào gặp Kiều trong cái lúc nước sôi lửa bỏng như thế. Ta đều biết rằng trong xã hội phong kiến ngày xưa, nam nữ thụ thụ bất thân, hành động gặp gỡ qua lại với nhau khi chưa được sự đồng ý của cha mẹ là hành vi bị cả xã hội lên án. Kim Trọng và Thúy Kiều dẫu đã hẹn ước, nhưng đây là đính ước tự nguyện giữa hai người, chưa được cha mẹ cho phép. Nay Kim Trọng đột ngột đến gặp Thúy Kiều, lỡ không may có ai trông thấy thì suốt đời Thúy Kiều sẽ bị mang tiếng là cô gái không gia giáo, không biết giữ mình, rồi còn điều tiếng cho cả nhà họ Vương không biết dạy con. Cho nên trong lúc tâm trạng hoảng hốt cao độ tưởng chừng không kịp suy nghĩ gì, Kim Trọng vẫn kịp kìm mình lại, nén lòng mình xuống. Dẫu biết rằng để giữ được bình tĩnh trước biến cố đột ngột như sét đánh là rất khó khăn, nhưng trên tất cả chàng phải nghĩ cho người yêu, tìm cách gìn giữ để tránh điều tiếng cho người yêu. Chừng đó đủ để cho người đọc thấy được phẩm chất của bậc văn nhân quân tử trong mọi trường hợp vẫn biết suy nghĩ cho người khác của Kim Trọng và tình yêu của chàng đối với Thúy Kiều sâu sắc đến chừng nào.
Bây giờ ta hãy thử thay từ lẻn trong câu thơ trên bằng một từ khác, từ đến chẳng hạn: Băng mình đến trước đài trang tự tình. Nghĩa của câu thơ không hề thay đổi nhưng hình tượng Kim Trọng thì đã thay đổi hoàn toàn. Ta chỉ còn thấy một Kim Trọng vội vàng hấp tấp, xảy ra chuyện thì chạy ào ào đến báo cho người yêu mà chẳng biết trước biết sau gì. Kim Trọng đâu đến nỗi thô vụng như thế và Nguyễn Du đâu đến nỗi sơ suất như thế. Chỉ một từ thôi nhưng khi đặt đúng chỗ, Nguyễn Du đã cho ta thấy được chiều sâu trong tâm hồn trong cách ứng xử của nhân vật. Thiên tài Nguyễn Du không ngừng làm cho hậu thế ngưỡng mộ ở chỗ đó.
Trở lại với từ lẻn trong trường hợp thứ hai là dùng cho nhân vật Sở Khanh. Khi biết mình bị Mã Giám Sinh lừa vào lầu xanh, Kiều rút dao tự vẫn. Tú Bà sợ mất vốn, dỗ ngon dỗ ngọt Thúy Kiều tạm ra ở lầu Ngưng Bích để đợi ngày gả chồng tử tế. Trong cảnh cô đơn, sợ hãi, mù mịt trước tương lai, Thúy Kiều tình cờ biết Sở Khanh và đánh liều gửi thư nhờ hắn đưa đi trốn. Sở Khanh gửi lại một bức thư với hai chữ Tích việt ngụ ý giờ tuất ngày hai mươi mốt sẽ cùng đi. Ta hãy xem Sở Khanh xuất hiện như thế nào.
Chim hôm thoi thót về rừng
Đóa trà mi đã ngậm gương nửa vành
Tường đông lay động bóng cành
Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào.
Về nhân vật Sở Khanh và hành vi lén lút ám muội của Sở Khanh được lột tả qua từ lẻn, xưa nay đã có nhiều lời bình rất sâu sắc. Thiết nghĩ ta không cần lạm bàn thêm. Ở đây, ta chỉ ta chỉ so sánh xem hành động lẻn vào của Sở Khanh có gì khác với hành động lẻn đến gặp Kiều của Kim Trọng ở trên, mặc dù cả hai đều diễn ra vào lúc đêm khuya thanh vắng. Từ đó ta sẽ thấy được nét độc đáo trong khả năng dùng từ giàu liên tưởng của Nguyễn Du.
Tất nhiên, Sở Khanh thừa biết rằng nếu hắn không lẻn vào mà cứ đàng hoàng ngay thẳng bước vào lầu Ngưng Bích thì cũng chẳng có ai làm ầm ĩ lên. Vì hành động của hắn chẳng qua là thực hiện một vở kịch được Tú Bà dàn dựng từ trước, với mục tiêu là làm sao lừa được Kiều đồng ý đi trốn. Cái khó là ở chỗ, ở trên hắn đã trót ba hoa “ thuyền quyên ví biết anh hùng/ Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi” mà cuối cùng lại đưa ra giải pháp “ thừa cơ lẻn bước ra đi/ Ba mươi sáu chước chước gì là hơn” thì liệu có thuyết phục được Kiều đồng ý không. Nếu Kiều e ngại mà không đồng ý đi trốn cùng hắn, hóa ra công lao bấy lâu nay lượn lờ giăng bẫy trở thành công cốc, tuột mất “ Ba mươi lạng trao tay” mụ Tú Bà đã hứa. Cho nên Sở Khanh buộc phải dụng công. Ta hãy để ý đến lá thư hắn viết cho Kiều. Trong khi Kiều hẳn phải viết một lá thư rất dài nói rõ hoàn cảnh bản thân“ Mảnh tiên kể hết xa gần/ Nỗi nhà báo đáp nỗi thân lạc loài” thì hắn chỉ đáp lại bằng hai chữ ngắn ngủn: tích việt
Trời tây lãng đãng bóng vàng
Phục thư đã thấy tin chàng đến nơi
Mở xem một bức tiên mai
Rành rành tích việt có hai chữ đề.
Bằng lối chiết tự, hắn ngụ ý hẹn Kiều vào ngày hai mươi mốt giờ tuất. Nếu chiết tự hai chữ tích việt thì sẽ rõ: tích gồm 3 chữ chấp/ trấp: hai mươi; nhất: một; nhật: ngày; việt gồm hai chữ tẩu: chạy; tuất :chó, ở đây phải hiểu là giờ tuất - tuất thì, tức ngày 21 vào giờ tuất chạy trốn. Một bức thư đầy ẩn ý, đầy vẻ bí mật, ám hiệu. Thông qua bức thư lấp lửng đó, hắn đã ngầm bắn tín hiệu cho Kiều biết rằng, việc này rất khó khăn, tai mắt Tú Bà giăng khắp nơi, nên hắn buộc phải dùng kiểu chiết tự như thế mới mong giữ được bí mật.
Tiếp sau đó, hắn tiếp tục đánh vào tâm lí Thúy Kiều bằng một hành động rất đột ngột “Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”. Lẻn vào, chứ không phải là bước vào, đi vào. Ta có cảm giác như nhìn thấy Sở Khanh đang mắt trước mắt sau, lén lén lút lút, lấm la lấm lét như sợ ai phát hiện. Tại sao phải lén lút như thế trong khi hắn biết tỏng rằng chẳng có ai thèm theo dõi hắn ? Chẳng qua hắn muốn cho Kiều biết rằng xung quanh nàng nguy hiểm rình rập khắp nơi, đến một bậc anh hùng như hắn mà vẫn phải cảnh giác cao độ như thế mới mong thoát khỏi tai mắt Tú Bà thì nàng đừng hi vọng có ai khác dám đến cứu nàng ngoài hắn. Đây là liệu pháp tạo ra hiệu ứng tâm lí, giống như người lớn dọa trẻ con “ngáo ộp kìa” rồi nhắm mắt lại ra vẻ sợ hãi để đứa bé sợ quá nhắm mắt theo trong khi bản thân thừa biết chẳng có con ngáo ộp nào. Sở Khanh cũng vậy. Bằng cách lẻn vào gặp Kiều, hắn đã tạo ra một hoàn cảnh đầy kịch tính đánh trúng vào tâm lí hoang mang sợ hãi của Kiều, để rồi cuối cùng dù có đôi chút nghi ngờ thì nàng cũng đành “Cùng nhau lẻn bước xuống lầu/ Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn” mà đi trốn với hắn. Hóa ra, Sở Khanh cũng không phải dạng vừa, một kẻ rất cao tay lão luyện trong cái nghề nghiệp của hắn, nghề đi lừa gái.
Trường hợp thứ ba được Nguyễn Du dùng từ “ lẻn” để miêu tả hành động là Thúc Sinh. Sau khi lập mưu bắt cóc Kiều về hành hạ cho bõ lòng ghen, Hoạn Thư thương tình tha cho Kiều ra Quan Âm các, ngôi chùa riêng của nhà họ Hoạn để chép kinh. Thúc Sinh ngày đêm thương nhớ Kiều nhưng không có cách nào gặp mặt, may nhân dịp Hoạn Thư đi vắng chàng mới lẻn ra gặp Kiều:
Gác kinh viện sách đôi nơi
Trong gang tấc lại gấp mười quan san.
Những là ngậm thở nuốt than
Tiểu thư phải buổi vấn an về nhà
Thừa cơ sinh mới lẻn ra
Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng.
Nếu như với Kim Trọng là chữ lẻn thể hiện sự cẩn trọng, với Sở Khanh là chữ lẻn đầy toan tính mờ ám thì với Thúc Sinh, Nguyễn Du dành cho một từ lẻn đầy sợ sệt.
Thúc Sinh sợ ai? Tất nhiên là sợ Hoạn Thư, cô vợ ghê gớm của chàng. Nhưng ở câu trên đã nói rõ Hoạn Thư đi vắng “Tiểu thư phải buổi vấn an về nhà” thì cớ sao chàng Thúc không thẳng lưng ưỡn ngực để đi mà còn phải “lẻn”? Xin thưa, Hoạn Thư dù có đi vắng thì cái oai quyền của Hoạn Thư vẫn còn thừa sức chế ngự chàng Thúc. Cho nên ta mới thấy một Thúc Sinh lấm la lấm lét, thậm thà thậm thụt ngay trong chính ngôi nhà của mình. “Thừa cơ” tức là “chớp lấy cơ hội” khi vợ đi vắng. Biết rõ vợ đi vắng rồi nhưng vẫn nhìn quanh nhìn quất rón ra rón rén rồi mới dám “lẻn ra”. Sau lưng vợ mà còn sợ sệt như thế thì trước mặt vợ thấy Kiều bị hành hạ chàng vẫn ngậm tăm không dám ho he là đúng rồi. Với chữ “lẻn” này, Nguyễn Du đã lột tả đến tận cùng cái tính nhát gan sợ vợ đến tội nghiệp của Thúc Sinh. Sợ vợ, sợ đến cả cái bóng của vợ.
Như vậy cùng một từ lẻn, cùng chỉ một hành động nhưng khi dùng cho các nhân vật khác nhau là Kim Trọng, Sở Khanh và Thúc Sinh, Nguyễn Du đã thể hiện được những tâm trạng, tích cách, bản chất của những kiểu người khác hẳn nhau. Với Kim Trọng là một hành động thể hiện sự chu đáo biết gìn giữ cho người mình yêu. Với Sở Khanh là một hành vi chứa đựng những toan tính ám muội đáng ngờ còn với Thúc Sinh lại khiến người đọc tội nghiệp cho tính nhát gan cố hữu của chàng. Chỉ với một từ thôi nhưng với cách biến hóa rất tài tình, Nguyễn Du đủ làm cho chúng ta khâm phục khả năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của Người.
Khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ khiêm nhường coi đó là những “Lời quê góp nhặt dông dài. Mua vui cũng được một vài trống canh”. Nhưng, thực tế đã cho thấy bất chấp quy luật tinh lọc của công chúng và sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian. Truyện Kiều đã khẳng định sức sống bất tử của một tác phẩm bất hủ. Cũng như những kiệt tác của văn học nhân loại, dường như càng ngày, tác phẩm càng được tiếp cận, cảm nhận ở những tầng vỉa nhân văn sâu xa hơn, những giá trị sáng tạo độc đáo và mới mẻ hơn. Nhân kỉ niệm 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du, xin góp thêm một cách nhìn mới về một chữ trong Truyện Kiều, cũng là một cách bày tỏ lòng ngưỡng mộ của hậu thế với bậc Đại thi hào của dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới sinh ra trên quê hương Hà Tĩnh.                                                                Trần Thị Tú Ngọc
Theo http://vanvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...