Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Thơ tượng trưng Bùi Giáng

Thơ tượng trưng Bùi Giáng
Nếu như thơ lãng mạn là sự trình bày những xúc cảm cá nhân một cách đơn nhất, dễ dàng và rõ ràng, khi mà người ta có thể thấy hết trọn vẹn những nỗi niềm vui buồn bởi những lý do cụ thể trong các sáng tác bởi lẽ ở thơ lãng mạn có sự quay về với tự ngã, với cái tôi và thoát ly khỏi các yếu tính giáo hóa, thù tạc bị áp đặt lên văn chương; thì ở thơ Tượng Trưng, mọi việc lại đi theo chiều hướng khác, khi mà ngoại giới vạn vật và nội giới chủ thể không nằm trong sự kiểm soát của lý tính cũng như không đơn nhất, một chiều, tất cả cần được chiếm lĩnh, được vươn tới bằng trực giác, bằng suy niệm và sự trải nghiệm tương liên của các giác quan, các xúc cảm…
 Nhìn chung, thơ Tượng Trưng vẫn như là một thế giới mơ hồ với hằng hà sa số các biểu tượng, các yếu tính phi logic và nằm ngoài sự nghiệm suy thông thường của lý trí con người.
Thế cho nên, đến với thơ Tượng Trưng, theo chúng tôi, là phải rũ bỏ cái lý tính công thức, để thể nhập vào cuộc sống của khách thể bằng con mắt khác, con mắt của suy tưởng, và chính chủ thể từ đây cũng khám phá ra mình, như là một thế giới phức tạp, mênh mông. Có chăng, việc rũ bỏ cái lý tính logic, cái suy niệm bác học, là việc từ bỏ tất cả những kinh nghiệm, để trở về nhìn thế giới bằng sự đa chiều, đa thanh và tương quan mật thiết với con người một cách ban đầu và luôn là ban đầu. Rất hồn nhiên, rất mới mẻ.
Điều đó, cũng như việc, con người, tái khám phá thế giới bằng đôi mắt trẻ con ngây thơ, để từ đây, sự ngây thơ ấy, chạm vào đến tất cả những bờ những bến mênh mông, siêu ngôn ngữ và nằm ngoài lý trí.
Và chúng tôi, đã thấy một cách nhìn nhận thế giới hết sức đặc biệt như thế, thông qua thi sĩ Bùi Giáng.
Dẫu coi mình là trung niên thi sĩ, có nghĩa là xem mình như một nhà thơ thực thụ, song ông không và chưa bao giờ xác định tuyên ngôn làm thơ của mình một cách cụ thể, chứ đừng nói đến xem mình thuộc thi phái nào (lãng mạn chăng, siêu thực chăng, tượng trưng chăng?), nhưng trong thơ Bùi Giáng, người ta vẫn tìm ra và thấy được các yếu tố ám gợi, các hình ảnh biểu tượng và sự suy niệm bằng tương liên các cảm xúc, cảm giác, hệt như ông là một thi sĩ tượng trưng thực thụ.
Bùi Giáng, bằng một thần thái ung dung đến kỳ lạ, cả cuộc đời như một cuộc rong chơi miên man không dứt; có lúc, ông như triết gia với những suy niệm khá bất ngờ, có lúc ông như một học giả với vốn học thức uyên bác. Nhưng, nhìn chung, chúng tôi vẫn thấy ông như một đứa trẻ và giương ánh mắt trẻ thơ ấy để nhìn đời, nhìn vạn vật và nhìn lại chính ông.
Có chăng điều đó, làm thơ Bùi Giáng, không có những nghiệm suy, những trình bày triết thuyết, mà luôn mang trong mình cái hồn nhiên của đời sống và thẩm sâu từ đó chính là cái uyên nguyên khi tiếp xúc với ngoại giới mênh mông và tâm hồn con người đa thanh, phức tạp? Hồn nhiên như cách để tiếp cận và để quay về, và sự hồn nhiên ấy là cách để thấy chiều sâu của ngoại giới và chiều sâu của tâm hồn con người.
Tìm hiểu thơ Bùi Giáng, thông qua tập thơ đầu tiên, Mưa nguồn, với rất nhiều những hình ảnh tượng trưng, chúng tôi ngõ hầu muốn thấy hết các yếu tính tượng trưng trong thơ của một thi sĩ đặc biệt này, khi mà mọi xúc cảm bình thường và quy cũ đều bị ông đảo lộn và con mắt của ông như là con mắt ngây thơ để tái nhìn nhận thế giới theo cách khác, cái cách không phức tạp, tách đôi, không bằng khái niệm cụ thể; mà là cái cách thể nhập, suy tưởng và đặt thế giới cũng như con người trong sự vận động, sự tương hợp chằng chịt các liên hệ không dứt.
Mưa nguồn, là tập thơ đầu tay của Bùi Giáng, ra đời vào năm 1962. Và ngay từ những dòng thơ đầu tiên, người đọc đã nhìn thấy được các yếu tố hiện đại bậc nhất, tượng trưng và ám gợi hết sức dày đặc, thoát khỏi tất cả các yếu tính sáo mòn thơ cũ (như cái cách trình bày giản đơn xúc cảm, với sự nghiệm suy dễ phân biệt và phân tách chủ thể với ngoại giới trong thơ cũ).
Mưa nguồn, nói như nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, như là hình ảnh của con người cũng như nước, càng xa nguồn thì lại càng khát khao về nguồn, để một lần nữa, được hưởng sự thanh thỏa với một ý thức trọn vẹn [1].
Trong tập Mưa nguồn, người ta còn nhận ra khá nhiều hình ảnh mông lung, vô định và đầy những biểu tượng, mà muốn hiểu, muốn tiếp cận với thơ ông, nhất thiết phải “lịch nghiệm” qua những ảnh hình và biểu tượng đó. Để rồi, chúng ta cùng nhận ra, ở Mưa nguồn, có sự vươn đến những góc nhìn khác nhau của tạo vật, và suy rộng ra đó là những cảm xúc, cảm giác rất sâu kín của con người được suy tưởng và chiêm nghiệm.
Bàn về hình ảnh biểu tượng trong tập thơ Mưa nguồn của Bùi Giáng, theo chúng tôi, có khá nhiều những hình ảnh biểu tượng, gần như là rợn ngợp trong mỗi bài thơ, mỗi dòng thơ, song suy cho cùng, các biểu tượng ấy vẫn xoay quanh hệ thống những biểu tượng của cái nguyên sơ, cái ban đầu, của những nguồn, đến với biểu tượng của những giấc mơ, và những ám ảnh trong mơ; cuối cùng là hệ thống biểu tượng gợi buồn, gợi sự đìu hiu phố thị.
Và, chúng tôi tạm phân tách thành từng những hệ thống các biểu tượng nhỏ, nhưng kỳ thật, có những biểu tượng là giấc mơ, là sự quay về nguồn cội và bao hàm trong đó dự cảm điu hiu. Để rồi từ đây, bằng một thao tác đi cụ thể cái không thể cụ thể được, chúng tôi thử tìm hiểu và giải mã hệ thống các biểu tượng ấy một cách đơn nhất và “rong chơi” nhất như cái kiểu mà thi sĩ Bùi Giáng vẫn nhìn nhận về cuộc lữ mênh mông
1. Hệ thống biểu tượng về cái nguyên sơ (NGUỒN) đối thoại cùng hệ thống biểu tượng về cơn mưa (MƯA)
    Hệ thống biểu tượng về cái nguyên sơ (NGUỒN)
Nói đến các biểu tượng trong Mưa nguồn, mà không nói qua hệ thống của những biểu tượng về cái ban đầu- cái nguyên sơ, về những biểu tượng như là nguồn cội là một điều khá thiếu sót.
Ngay từ tiêu đề bài thơ, ta đã phải suy nghiệm về những ám ảnh của Nguồn, để rồi từ đây, những Nguồnấy, tới và đi, vận chuyển và hài hòa bằng một hệ thống các ảnh hình linh hoạt và mênh mông, nhưng cái xúc cảm đằng sau nó thì bao giờ cũng như gợi lên- hay ám gợi lên- những tươi mới, trinh nguyên mát rượi.
Những hình ảnh ám thị về một nguồn trong xanh vô tận, về một cõi nguyên sơ ban đầu mà ta có thể tìm thấy trong thơ tập thơ Bùi Giáng, xoay quanh những mùa xuân, những giai nhân, những bờ cỏ, những động đào, lối vào thiên thai, và đôi khi chỉ là một tà áo xanh miên viễn đất trời.
Cái hay của tất cả các biểu tượng uyên nguyên về một nguồn bất tận này, là tuy không thể cắt nghĩa được trọn vẹn và thấu rõ đến ngọn nguồn từng hình ảnh (lẽ dĩ nhiên khi Bùi Giáng khước từ sự cụ thể, lý tính, rõ ràng), thì người đọc vẫn thấy sự mênh mông và tươi trinh của cảm giác từ các ảnh hình ấy mang lại. Đi vào giải mã, người ta không thể hiểu được cụ thể cái gì là một màu nguyên xuân, người ta không nắm bắt thế nào là màu Phương Lan giậy bên tà dương buông, và cũng chẳng cần phải cắt nghĩa những bờ cõi dựng xuân xanh, bến đào nguyên anh khoác theo cái cách của văn học lãng mạn, mà là nắm bắt, xem chừng như nắm bắt lấy một thứ xúc cảm huyền vi và trinh nguyên, tươi sáng và ban đầu bằng một điệu hồn thật thanh tân.
Nghe trời đổ lộn nguyên khê
Tiếng vàng rụng rớt nẻo về động xanh (Cỏ hoa hồn du mục)
Nguyên khê, nếu chúng tôi, rất gượng gạo hình dung, thì đó là khe suối đầu nguồn. Tuy vậy, nếu cứ xâu chuỗi và logic lại mọi thứ, tất cả sẽ đi vào bế tắc ý niệm. Hình ảnh nguyên khê trong câu thơ, cứ như dẫn vào một con suối đầu tiên và sóng sánh, xa thẳm mọi sự tưởng tượng, hình dung; nhưng con suối ấy, hiện hữu như thể một thực thể và cả một ý niệm mát lành, miên man cũng như sơ nguyên đến từ thuở, từ lúc, từ trạng thái ban đầu. Những ảnh hình đi kèm theo nguyên khê là tiếng vàng và động xanh- cũng rất mực mênh mông và tha thiết. Để tiếng vàng, như một ám gợi bằng âm thanh, thứ âm thanh kì lạ mênh mông mang màu sắc đi vào động xanh- có chăng là ảnh hình động Thiên Thai- chúng tôi chưa cả quyết, nhưng chúng tôi nhận ra sự sáng tươi của những ám gợi này, nhận ra sự tươi mới ban đầu, tươi như màu “Cỏ hoa hồn du mục”
Có một thống kê nho nhỏ, khi chúng tôi khảo sát, dường như hình ảnh của mùa xuân, của bãi bờ nguyên xuân, là một trong những biểu tượng xuất hiện khá nhiều khi bàn đến biểu tượng của cái ban đầu, cái mênh mông, cái nguyên sơ.
Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó
Bến đào nguyên anh khoác áo khinh cừu
(Những nhành mai)
Ngàn xuân rộng vô ngần trong bóng nguyệt
Đầu xanh em tư lự suối thông đèo
(Màu xuân)
Mai sau hẹn với ban đầu
Chờ nhau ngõ khác ngó màu nguyên xuân
(Hẹn ước)
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau …
Thưa rằng : nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
(Chào nguyên xuân)
Và hình ảnh xuân trong hầu hết các câu thơ, dường như bao hàm và vượt thoát ý niệm xuân của nhân loại- nó không còn là một mùa trong bước chuyển của thời gian, mà nó, dường như là điểm khởi đầu và điểm kết thúc của cả một cuộc lữ bao la cái đầu tiên, cái bản thể, cái siêu ý niệm.
Mùa xuân, trong ý thức tượng trưng, là mùa xuân của huyền vi, mênh mông và vượt thoát, không đến không đi, không vơi không giảm, không thêm không bớt, mùa xuân ấy miên viễn và đối thoại từ giây phút Mãn Giác thiền sư từ xa cuộc lữ để đi đến bến bờ thể nhập với phút giây chẳng có chẳng không, siêu thoát ý niệm
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
như chưa từng thay đổi, trong màu nguyên xuân của Bùi thi sĩ
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Ảnh hình mùa xuân, nếu nói theo kiểu của thơ Thiền, có thể xem như gương mặt mẹ, hay bản lai diện mục uyên nguyên và mãi mãi tươi  trẻ.
Song, so sánh để cụ thể hình tượng chưa bao giờ là cách thức nhìn nhận và tiếp cận với tư duy thơ tượng trưng; khi mà những câu thơ cứ ám gợi về một thế giới xa xôi, thì người đọc, cũng nên mường tượng về nó mông lung để cảm nhận bằng hết cái hư ảo, xa xăm của những câu thơ hay vào hàng bậc nhất
Ra đi hẹn với xuân đầu
Buổi hồi nguyên lại pha màu bình minh
(Lời xuân)
Khuất tất và lấp mờ sau lớp áo ngôn ngữ mênh mông, người đọc vẫn có thể hình dung cái khát khao quay trở lại với buổi xuân đầu- nơi mà con chim về sẽ đậu cành, Tiếng ca ấy sẽ hòa thanh với lời. Buổi xuân đầu ấy, là xuân đầu tơ vương của vũ trụ, là thuộc tính thường hằng bất biến và là tự tính thiện lành, trinh nguyên, giác ngộ trong mỗi con người, mỗi sự vật trong mỗi mỗi sát na.
Mùa xuân uyên nguyên ấy, vẫn tồn tại, bên đời, và lắng lòng, gạn trong lớp vỏ ngữ nghĩa ngôn từ, duy lý, con người ta hình như mới đi vào cái huyền vi ấy
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Và trong cuộc lữ mênh mông, trong những hư hao ngày tháng, chỉ cần giây phút nhận ra, mùa xuân đầu tiên và nguồn xuân tỏa diệu ấy vẫn ở bên ta
Mai sau hẹn với ban đầu
Chào nhau ngõ khác ngó màu nguyên xuân
(Hẹn ước)
Mai sau và ban đầu, thiên thu và khoảng khắc, sát na và vạn kiếp. Lẽ nào còn phân biệt trong mùa nguyên xuân, trong màu nguyên xuân?.
Một hình ảnh biểu tượng khác khi hình dung về cái uyên nguyên ban đầu trong tập thơ Mưa nguồn mà chúng tôi thống kê được, đó là ảnh hình con suối, khe suối. Con suối ấy có nhiều sức ám gợi, như là cái nguồn đầu tiên, hồn nhiên, cô độc và đầy sự biến hóa. Con suối ấy, qua nhiều thác, lắm ghềnh, chen chúc những ầm ào phố thị và nhuốm không ít phù sa châu thổ, nhưng tự thân, con suối vẫn là con suối, và dòng nước từ nguồn qua các khúc quanh, chưa bao giờ đổi thay đặc tính. Hệt như, con suối ấy, mát rượi và hồn hậu ấy, vẫn tồn tại trong từng sự vật, trong từng con người, và khi nhận ra, suối cũng là ta, suối cũng là hoa. Con suối bụi mờ cũng chỉ là con suối đầu nguồn, ta lắm bụi mờ vẫn là ta uyên nguyên, và đóa hoa héo hay tàn, vẫn là hoa của bản thể vi diệu.
Những vần điệu của suối trong Mưa nguồn, không ầm ào, mà róc rách, mà nhẹ nhàng, vì cái nguồn ấy, hệt như nguồn nguyên xuân, tươi mát và sạch trong, có chức năng thanh lọc hóa tâm hồn con người, thanh lọc hóa những đìu hiu phố thị, những mịt mùng bụi hồng, trong cuộc lữ mênh mông
Chợt thấy mình còn đầy đủ dung nhan
Thưở xưa kia suối ngọc ngó mây vàng
(Biểu tương sơ nguyên)
Nước truông còn chảy bên triền mây trôi (Sầu ca si)
Rằng: nghìn xưa đó mơ mồng
Nguyên tuyền đổ rộng xuống giồng thiên thu
(Hẹn ước)
Nghe trời đổ lộn nguyên khê
Tiếng vàng rụng rớt nẻo về động xanh
(Cỏ hoa hồn du mục)
Xin về níu giữ dòng khe
Bóng xanh màu phượng lá che hai hàng
(Hôm qua mộng)
Hay là đây tiếng suối lao xao
Giữa dòng cỏ xuôi gềnh chảy xuống
(Anh lùa bò vào đồi sim trái chín)
Hai tay vốc nước suối ngàn
Rắc lên cành dại giọt ngần như sương
(Xuân thôn nữ)
Đầu khe lá cỏ phai rồi
Đá vang tiếng ngựa bên trời ước mong
(sầu si ca)
Suối, không còn là một đối tượng thiên nhiên đơn nhất và nằm ngoài con người như thể là khách thể để con người tiếp cận. Suối cũng chính là con người. Và phận suối, với những thanh trầm cũng là phận người, để rồi từ đây, trong cái nhọc nhằn của con nước chuyển lưu, hình ảnh suối, ám gợi về một ngày xửa ngày xưa mơ màng, nơi mà con suối từ nguồn uyên nguyên bắt đầu tuôn chảy. Và vì suối là sạch trong thể như bản chất con người là sạch trong, cho nên, sự hồi tỉnh, sự thanh lọc luôn là những ám thị kèm theo sự ám gợi từ nguồn uyên khê này trong thơ của Bùi Giáng
Chợt thấy mình còn đầy đủ dung nhan
Thưở xưa kia suối ngọc ngó mây vàng
(Biểu tương sơ nguyên)
Soi mình bên suối, và thấy vẫn còn đầy đủ dung nhan- cái dung nhan ban đầu, hồn nhiên ấy- đã biến con suối như một trung gian chức năng thanh lọc, và con suối là vần điệu khác của cổ mẫu nước từ ngàn xưa, trở nên huyền vi và siêu thoát, như công án thiền, để người tìm về gương mặt mẹ, bản thể giác hằng và hòa vào nguồn chung của vạn vật bao la.
Suối, tự thân cũng đã tạo nên một nguồn, cái nguồn mênh mông, uyên nguyên, nhất như và tươi trinh trong đời sống, Quay về với suối, là quay về với cái nguồn ấy, mênh mông và thẳm sâu ấy
Thưở xưa kia suối ngọc ngó mây vàng (biểu tượng sơ nguyên)
Hay như
 Nước truông còn chảy bên triền mây trôi (Sầu ca si)
Sự ánh xạ thiên nhiên vạn vật, từ lòng suối êm đềm xanh veo không gợn. Hình ảnh này gợi rất nhiều về bình yên, về nhạy cảm và cả về những mầu nhiệm khi lắng nghe tự thân và ngoại giới.
 Biểu tượng của con suối định tĩnh này, huyền nhiệm qua nhiều cung bậc. Có khi, con suối ấy như đổ ập cái tươi trinh, yên bình cho một sự quay về Nghe trời đổ lộn nguyên khê (Cỏ hoa hồn du mục); Nguyên tuyền đổ rộng xuống giồng thiên thu  (Hẹn ước), hoặc giả con suối ấy mặc nhiên và bình thản trôi như một công án mơ màng, phiêu diêu Hay là đây tiếng suối lao xao/ Giữa dòng cỏ xuôi gềnh chảy xuống (Anh lùa bò vào đồi sim trái chín); Xin về níu giữ dòng khe/ Bóng xanh màu phượng lá che hai hàng (Hôm qua mộng)
Một biểu tượng khác, trở thành biểu tượng của nẻo về uyên nguyên, của cái ban đầu, cái đơn sơ, chính là hình ảnh giai nhân. Giai nhân cũng là một nguồn.
Giai nhân, thiết nghĩ, là người đẹp, và vì lẽ đó cho nên, tương liên với cái đẹp của bản thể.Cái đẹp này, khác với cái đẹp bình thường, vì đó là cái đẹp siêu việt, vượt thoát và tồn tại miên viễn. Nhưng cái đẹp này, lại trong sát na của sự bình thường, trong giây phút ngỡ ngàng nhận ra sự hiện hữu của nguồn uyên nguyên vừa xa vừa gần, vừa thật dễ dàng nắm bắt, mà lại vừa như mênh mông khó định.
Bản thân cái đẹp, cũng ám gợi những cảm xúc thăng hoa, vượt thoát và thanh lọc. Vì cái đẹp, như đã trình bày là cái đẹp bản thể thanh tân, mới mẻ.
Tự thân em đã, em sẽ, em không cần phải dụng công, bởi, em cứ hồn nhiên như “tồn lưu” thì em cũng đã gợi ra quá nhiều những thăng hoa, những vượt thoát của ý niệm và vắng bặt ngôn từ
Tay năm ngón bốn mùa đi em đếm
Đầu móng nhỏ hé răng tròn em cắn
Nghe trong mình nước mắt chảy lên mi
Nghe bốn bên thiên hạ ngó em vì
Anh cũng định làm như người thiên hạ
Sực nhớ lại em là em em ạ
(Biểu tượng)
Cái đẹp, tồn tại trong từng khoảng khắc, trong từng giây, từng phút và cái đẹp ấy, đến rồi đi trong cuộc lữ, mơ hồ ảo diệu, và lộng lẫy sáng ngời. Ta choáng ngợp trước cái uyên nguyên mà cái đẹp mang đến. Ám gợi những xúc cảm bâng khuâng, miên man nhưng thật linh thiêng, vi diệu:
Chân trời mộng mị vàng pha
Mùa Phương Lan giậy bên tà dương buông…
Hào hoa tiếng lạnh trong đời
Về trong vân thạch em ngồi vén xiêm
(Sầu Lục tỉnh)
Thế nào là Mùa Phương Lan? Người ta mơ hồ trong nẻo về của ý niệm, nhưng chắc chắn thể nhập được sự uy nghi, gần gũi, và như in của khoảng khắc cái đẹp Về trong vân thạch em ngồi vén xiêm….
Cái đẹp và em, hư ảo, mênh mang. Trong giấc ngủ, em khó nắm bắt, tinh nguyên, trọn lành. Để rồi chợt nhận ra, Màu xuân- chính là một sự tương liên cảm giác và ám gợi về màu em, mùa em, về em. Nhưng, hóa ra, em lại trong suốt như thế nên sự suy nghiệm loại suy phải dừng lại và nghĩ đến em như nghĩ đến bến bờ cổ tích xa xôi, và em là đại diện của nguồn tươi mát ấy
Chợt ngoảnh lại thấy rằng em ngủ mất
Em ngủ quên phiền sương rộng trăng ngà
Hồn bỏ lại mộng thừa trong hơi đất
Anh nhìn em trong suốt giữa xương da
(Màu xuân)
Thế cho nên, sự trông đợi giai nhân, cũng thể hiện khát khao tới gần và sống trong cái thanh thoát của nguồn đầu uyên nguyên này, những câu thơ gợi lên nhiều suy tưởng về sự tìm lại tự tánh, tìm lại bản thể đẹp nguyên sơ ở mỗi con người trong từng sát na ý niệm
Còn hay mất? ngày sau ta sẽ lại
Em sẽ về giữa mùa nước phơi trăng
Oanh yến múa cho trời xuân xanh mãi
Và yêu thương lên tiếng bảo nhau rằng
(Bờ Mây)
Em sẽ về. Đó là một khẳng định, cho trời xuân xanh mãi, dẫu rằng cuộc lữ có còn hay có mất. Như vậy, ý niệm về em gắn với ý niệm về xuân và ý niệm về sự trường tồn, vượt thoát, và em trở thành bản thể nguồn uyên nguyên.
   Hệ thống biểu tượng về cơn mưa (Mưa)
Mưa, như là một vần điệu của cổ mẫu, và trong thơ Bùi Giáng, mưa, cũng như nguồn, hiện lên như một ám ảnh bất tận về ngoại giới và chiều sâu của con người trong nỗi niềm tha thiết đối thoại với cơn mưa rớt hột hay nói cách khác là đối thoại với chính mình.
Cơn mưa, khi rớt hột tồn sinh, khi hóa thân thành sông, khi tưới tẳm lá cành nguyên trinh và cơn mưa tồn tại nhiều thể thức, nhiều cung bậc, đa dạng, đa thanh, có khi là hạt sương, có khi là giọt lệ, và tương giao với đời sống cũng như với những xúc cảm của con người
Thời gian chắn bước bên chiều
Khóc sông bến lạ mưa nhiều sớm xuân
Cỏ hoa từ bỏ ruộng đồng
(Cỏ hoa hồn du mục)
Hồng vàng tụ bữa kia em có thấy
Nước xuôi dòng là cổ độ nhìn theo
(Những nhành mai)
Tiếng nói xa vang trên đầu ngọn lúa
Vì ngôn ngữ ngày kia em để úa. 
Bỗng lên lời mép cỏ như sương
Cũng xanh như giòng lệ khóc phai hường….
Em ngồi lại nhìn thu lên bóng nước…
Nghe trong mình nước mắt chảy lên mi (Biểu tượng nguyên sơ)
Buồn sông bóng mạ chìm sâu bên giòng
Đời xuân nức nở sầu trong
Giọt ngần sương bỏ xuống lòng thơ ngây
(Sầu ca si)
Mưa có tạnh nhưng chân trời còn mãi
Những giọt sương là lệ ở trong mây
Giòng sông đi cho nước nói ngàn ngày
Rằng bể rộng không bến bờ em ạ
(Không đủ gọi)
Xin về góp nhặt phôi pha
Dựng mùa bến nước giao hòa chân đi
(Buổi hội)
Nước lang thang chảy xa miền
Vòng quanh ngõ nọ mà triền miên chi (Mái hiên)
Người đi đâu sông nước lạnh vô cùng…
Giòng sông đục giòng xưa sông sóng dậy
Nghe triền miên nức nở lệ lên đường
(Người đi đâu)
Trước hết, gắn với ám thị Nguồn, mưa, mà rộng ra ở đây, chính là nước, cũng là một biểu hiện của sự tươi mát, thanh tân, lung linh trong sạch. Ở mưa, mọi thứ đều được gột rửa, cho nên biểu tượng về cơn mưa, là biểu tượng của sự sạch sẽ, mới nguyên.
Hồng vàng tụ bữa kia em có thấy
Nước xuôi dòng là cổ độ nhìn theo (Những nhành mai)
Thời gian chắn bước bên chiều
Khóc sông bến lạ mưa nhiều sớm xuân
(Cỏ hoa hồn du mục)
Theo về nhịp động chiêm bao
Ngày xanh rốt hột mưa mau bây giờ
(Thu mỏng)
Hay là tiếng suối lao xao
Giữa giòng cỏ xuôi ghềnh chảy xuống
(Anh lùa bò vào đồi sim trái chín)
Sau nữa, vì cơn mưa, quá khứ hay thực tại, trước hay sau, nhỏ hay lớn bản thể vẫn như thế. Nó còn khác xa cả nguồn nguyên khê, vì nguyên khê thì dùng dằng qua mấy nẻo quanh co, ồn ào qua mấy ghềnh mấy thác, và nhuốm màu u uẩn bụi đời qua những châu thổ phù sa, còn mưa, thanh sạch như một đặc tính, đồng nhất như một đặc tính, cho nên ám ảnh về cơn mưa, là ám ảnh của sự quay trở về trong sạch, thanh tân, là khát vọng trở về nguồn. Và Nguồn, sẽ thật thiếu, nếu thiếu cơn mưa vô thủy vô chung ấy, tắm mắt cả một vùng nguyên sơ
Người xuống theo giòng trôi nước lũ
Màu sim màu móc núi sương mây
(Người xuống)
Theo về nhịp động chiêm bao
Ngày xanh rốt hột mưa mau bây giờ
(Thu mỏng)
Hay là tiếng suối lao xao
Giữa giòng cỏ xuôi ghềnh chảy xuống
(Anh lùa bò vào đồi sim trái chín)
Vì mưa, có nhiều biến thể, có nhiều vầng điệu, cho nên, cơn mưa vô thủy vô chung ấy, từ ngày nhập cuộc với thế thời, trở thành dòng sông, trở thành biển cả, trở thành giọt sương và đọng thành giọt lệ. Như thể, cơn mưa sống nhiều đời sống cùng một lúc, và ở mỗi đời sống, mưa luôn có sự ngưng đọng, và dù cho biến thiên trở thành nhiều dạng thức khác nhau, thì cơn mưa vẫn mang trong mình sự uyên nhất ban đầu, và trải dài mênh mông. Mênh mông như thế, cho nên cơn mưa, ám thị về sự vô tận của vũ trụ và về sự thể nhập của con người vào vạn hữu, như cơn mưa, hồn nhiên thể nhập, hồn nhiên buông theo thế vật.
Mưa có tạnh nhưng chân trời còn mãi
Những giọt sương là lệ ở trong mây
Giòng sông đi cho nước nói ngàn ngày
Rằng bể rộng không bến bờ em ạ
(Không đủ gọi)
Nước lang thang chảy xa miền
Vòng quanh ngõ nọ mà triền miên chi (Mái hiên)
Xin về góp nhặt phôi pha
Dựng mùa bến nước giao hòa chân đi
(Buổi hội)
Người đi đâu sông nước lạnh vô cùng…
Giòng sông đục giòng xưa sông sóng dậy
Nghe triền miên nức nở lệ lên đường
(Người đi đâu)
Người xuống theo giòng trôi nước lũ
Màu sim màu móc núi sương mây (Người xuống)
Nhưng quay về với nghĩa gốc ban đầu, cơn mưa và dòng lệ, vẫn chỉ là đại diện đặc trưng cho nỗi buồn ngàn giọt. Buồn mênh mông, và cơn buồn ấy, có hay không sự thanh lọc, hay sự quay về bản thể, âu cũng chẳng còn quan trọng, vì hình ảnh giọt lệ, trước hết và sau cùng, vẫn gợi lên những nức nở cảm xúc. Còn thanh lọc hay không, ám gợi bản thể thanh tịnh và giải thoát hay không, tất đều nằm ở người đọc, trong thao tác vẽ thêm vào “những bản đẹp chưa thành”
Em đi chân bước với tay buông
Còn nữa không em mộng giữa nguồn
Sóng dạt buồm trôi con gió lại
Nát mòn hạnh ngộ dưới mưa tuôn (Em đi về giữa)
Máu ở vành môi
Về tim mấy bận
Suối bỏ rơi đồi
Ai làm sao giận….
Với vòng tay của
Mười ngón tay măng
Xin mở một lần
Mùa thanh thiên của
(Màu thiên thanh mở)
2. Hệ thống biểu tượng về những giấc mơ và ám ảnh, tương liên cùng Hệ thống biểu tượng về sự gợi buồn, về đìu hiu của phố thị
Giấc mơ và sự gợi mở của giấc mơ cũng là một trong những cách mà người thi sĩ hiện đại tìm về với chiều sâu của thế giới, thay vì chỉ là sự mô phỏng, mô tả giản dị ngoại cảnh mà thôi. Bằng giấc mơ, mà người thi sĩ như tiếp cận với thế giới theo một chiều kích khác và nhìn nhận thế giới không như nó đã tồn tại và đã được nhìn nhận một cách đơn nhất. Giấc mơ và các biểu tượng giấc mơ cũng phát huy tác dụng khi nhìn nhận về chính mình và thân phận con người nơi mình.
Trước hết, giấc mơ như là sự ám ảnh khi con người bị bứt gốc khỏi nguồn uyên nguyên, khỏi cơn mưa vô thủy vô chung, và giấc mơ là phương tiện để quay về, để lắng nghe, để hòa điệu. Ám ảnh giấc mơ là ám ảnh về nguồn
Em đi chân bước với tay buông
Còn nữa không em mộng giữa nguồn
Sóng dạt buồm trôi con gió lại
Nát mòn hạnh ngộ dưới mưa tuôn
(Em đi về giữa)
Mộng giữa nguồn- bậc ra trong sự khắc khoải, tha thiết, nhớ mong; và ảnh hình đìu hiu, em đi chân bước với tay buông, vừa gợi lên một nỗi niềm hư hao ngày tháng, mà lại vừa như sự từ bỏ tất cả để mà nằm mơ. Ai, Đâu? Tất cả các câu hỏi vắng bặt, chỉ còn câu hỏi đầy tiếng vang Còn nữa không em mộng giữa nguồn
Hồn tuổi trẻ bay trở về giữa dạ
Nhớ dung nhan em bất tuyệt xuân đầu…
Tìm xa vắng bên kia bờ đổ vỡ
Giòng sông đâu em có biết ngọn nguồn
(Giòng sông)
Nhớ dung nhan em bất tuyệt xuân đầu, mà em ở đây, là một biểu tượng của cái nguồn ban đầu, của những vần điệu giải thoát, hà huống trong đây, còn có xuân đầu tồn tại như một ý niệm bất tuyệt, và Giòng sông là đối tượng, là môi trường miên viễn chảy trong mơ. Giấc mơ bay về giữa đêm ấy, ám ảnh nhiều hơn là một cơn mộng thấy giai nhân
Em về giữa hội chiêm bao (Bữa nay)
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau (Chào nguyên xuân)
Mộng miên man mây phủ lưng đèo (Những nhành mai)
Nửa xin để lại bên cầu
Nửa xin trường mộng nhiệm mầu mang đi
(Hôm qua mộng)
Cơn mộng, như dải lụa mỏng toang, ngăn cách cái đìu hiu và cái bao la, cái thực tại hư hao và nguồn uyên nguyên đầu tiên tươi mới. Bởi thế, mới Nửa xin để lại bên cầu và Nửa xin trường mộng nhiệm mầu mang đi
Về phố thị lúc mặt trời đứng ngọ
Giấc miên man em liều liệu đi vào
(Về giữa ngọ)
Giấc miên man, kết nối, em và nguồn. Và mộng, ám gợi của sự liên kết, về cái gạch nối bản thể huyền vi và lòng người biến ảo. Giấc trưa, và em. Mộng và em. Hai câu thơ là hai thế giới, mở toang vừa đủ những hư hao và cũng vừa đủ sự dặt dìu vào mộng trong cái liều liệu đi vào
Ngày đi đổ bóng sau người
Mộng hờ biết có buồn vui em về
(Phương Tây)
Giấc mộng, tự thân nó, lại cũng là một vần điệu khác của cái nguồn uyên nguyên, thay vì chỉ là lối vào, là sự kết nối. Mộng- với nhân loại, chả phải đã nằm mộng và sống hồn nhiên như trong mộng suốt thuở hồng hoang, suốt những năm tháng đẹp như cổ tích trong chốn Hi La trác tuyệt? Thế cho nên, Mộng, đẹp như một biểu thị của nguồn uyên nguyên.
Chập chờn nữ chúa so vai
Mộng chiều Hy Lạp ngủ dài miên man
(Ngủ dài)
Biển dâu sự tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh
(Áo xanh)
Nguyên sơ mộng­- giấc mộng ban đầu ấy, há chẳng phải là sự thể hiện của bản thể vi diệu? Cái thú vị và đầy ám gợi chính là Tà áo xanh- là tà áo có mang màu xanh trong thực tại?, trong mộng mị hay giấc mộng cũng xanh veo như thế. Chỉ biết, mộng ở đây, cũng thanh tân và hồn hậu lắm. Như nguồn đầu. Như mưa tuôn.
Ta mở mắt mở hai hàng mi và mở
Một chân trời trùng điệp ở bên trong
Nguồn thao thức tự bao giờ gãy đổ
Đã chơi vơi hòa mộng múa trăm vòng
(Trở lại)
Nếu nói Mưa Nguồn của Bùi Giáng như là một cơn mưa trôi từ đầu nguồn, khúc khuỷu qua những đìu hiu, trôi nổi thác gành, lẫn lộn phù sa để rồi màu uyên nguyên đầu tiên pha nhuốm bụi đường, thì chúng ta nhìn ra rằng, những biểu tượng của cái đìu hiu ấy, của nỗi buồn mênh mông ấy như dàn trải ra rất nhiều trong những dòng thơ miên man và đầy ẩn ý của Bùi Giáng.
Cái buồn, trước hết, là vì mất đi, hay lạc đi cái nguồn nguyên xuân đầu tiên. Thế cho nên, nỗi buồn, theo đó cũng thể hiện khát vọng tìm về bản thể tịnh thanh, tươi đẹp và sáng trong
Đời phố thị lá bay từ thuở
Đẫm hồng – trang nguồn lạnh thu rời
Hồn du mục cỏ hoa mòn mỏi
Rừng đêm xanh trăng tạ không lời
(Về giữa ngọ)
Nguồn thác đổ bên bụi mờ lay lất
Xuống thiên thu sầu hận khóc hang rừng (Hang rừng)
Nỗi buồn, trực tả cái hư hao của kiếp người, và ám gợi về những hư hao của kiếp phù sinh. Theo đó, nỗi buồn gợi nhiều đến cái buồn thiên thu của phận người luân lạc, đánh mất trăng thanh, đánh mất suối nguồn, đánh mất nguyên xuân
Em về trăng nước mai sau
Gót dời phố thị lòng đau trong mình…
Sầu gieo ngang ngửa đi ghềnh đá se…
Chân mòn duỗi rạc rời nằm dưới thông (Em về)
Buồn phố thị cũng xa bay như gió
Cộ xe nhiều cũng nhảy bỗng như hươu (Những nhành mai)
Đạp Thanh hội cũ hào hoa
Giấc vàng buổi tảo mộ đà cáo chung
Phiền sương xuy ảnh phiêu bồng
Sầu song thúy dựng điệp trùng trắng mây (Không bờ)
Sầu một thưở đất mòn không tiếng nói
Một ngàn năm trăng giải tuyết băng buông (Không đủ gọi)
Người ta suy nghĩ về những Đạp thanh, tảo mộ- trong tâm thế liên văn bản và hình dung ra trọn vẹn những tươi nguyên, dập dìu trong ánh thiều quang chuyển dời; người ta suy nghiệm về trăng giải vàng theo ánh tuyết, về cái dập dềnh của ghềnh, của thác, thuở con suối mới đi vào và dấn thân cuộc lữ. Và từ đó người ta hiểu được ám thị Buồn ở đây. Cái buồn của việc mất mát sự tươi lành mà buộc đẩy vào phố thị hư hao.
Tuy vậy, cũng xin nhấn mạnh rằng, cái buồn và tự thân cái buồn, còn là một ảnh hình của sự thanh lọc, của sự hàn gắn và tương liên cùng các cõi bờ nghệ thuật, tương liên với thế giới sâu xa, màu nhiệm
Hỏi tên, rằng biển xanh dâu
Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa
Tên tuổi, quê hương, mù mịt trong xúc cảm buồn, nhưng từ đây, mà sự tiếp xúc, và trở về với cái nguồn uyên nguyên đầu tiên, dường như có cơ sở, có dấu vết, và có sự lần mò.
Hội cũ đạp thanh, biểu tượng uyên nhất về cái nguồn ấy, dường như trong sát na, xinh đẹp và mơ màng trác tuyệt
Đạp Thanh hội cũ hào hoa
Giấc vàng buổi tảo mộ đà cáo chung
Phiền sương xuy ảnh phiêu bồng
Sầu song thúy dựng điệp trùng trắng mây (Không bờ)
Buồn đó, nhưng đột nhiên, chúng tôi có cảm giác của sự gần gũi- Buồn trong hồi tưởng và cái buồn để quay về …
Từ điển văn học, bộ mới, từng nhận xét Thơ Bùi Giáng, ngay từ buổi đầu đã rong chơi, lãng mạn, tinh nghịch, nhẹ nhàng,…những lời vấn đáp lẩn thẩn về ý nghĩa cuộc đời, về lẽ sinh tồn, về những chuyện phù du dâu bể…
Và quả thật là như vậy, theo chúng tôi, bằng con mắt vô cùng sáng trong và tinh nghịch, Bùi thi sĩ đã hơn một lần nhìn thế giới như một món đồ chơi đặc biệt, như một cõi miền ứa đầy sự hấp dẫn và gọi mời những xúc cảm trẻ con đáng yêu. Từ đây, mà thế giới hình tượng Mưa Nguồn là một thế giới mênh mang, bao la, tươi đẹp, biểu thị về một nguồn vi diệu ban đầu với những xúc cảm tươi trinh, hồn hậu. Thay lời kết, là hai câu thơ rất đỗi quen thuộc và đầy ám gợi
Hỏi tên, rằng biển xanh dâu
Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Giáng (1993), Mưa Nguồn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội
2. Đoàn Tử Huyến chủ biên (2012), Bùi Giáng trong cõi người ta, Nxb Lao Động, Hà Nội.
3. Đỗ Đức Hiểu và chủ biên (2004), Từ điển văn học, Nxb Thế Giới, TP HCM.
[1] Đỗ Lai Thúy, Bùi Giáng, nhà thơ của các nhà thơ.
 Phan Nguyễn Kiến Nam
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...