Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Vui buồn nghe khúc nhạc hè

Vui buồn nghe khúc nhạc hè
Nói tới những khúc nhạc mùa Hè chắc ai cũng không quên bài “Hè về” của nhạc sĩ HÙNG LÂN. Ông sinh năm 1922, mất năm 1986. Ông là một nhạc sĩ danh tiếng, tác giả những ca khúc “Hè về”, “Khỏe vì nước”, “Việt Nam minh châu trời đông”. Ông cũng là một giáo sư giảng dạy âm nhạc uy tín và là người khởi xướng dùng tiếng Việt để hát thánh ca. Ông cũng là tác giả đặt lời Việt cho bài “Silent Night” nổi tiếng với tựa đề “Đêm thánh vô cùng”.
Bài “Hè về” có nội dung thật vui tươi với cảnh thiên nhiên được tả thật đẹp, nghe thấy yêu đời. Nguyên văn như sau:
“Trời hồng hồng, sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song.
Cành mềm mềm, gió ru êm, lọc mầu mây bích ngọc qua mầu duyên.
Đàn nhịp nhàng, hát vang vang, nhạc hòa thơ đón hè sang.
Hè về trong khóm trúc mềm đầu bờ.
Hè về trong tiếng sáo diều dật dờ. Hè về gieo ánh tơ.
Bâng khuâng nghe nắng đùa mây trắng đàn chim cánh đo trời.
Phân vân đôi mái chèo lữ thứ thuyền ai biếng trôi.
Xa xa lớp lúa dồn cao sóng, vàng leo dốc chân đồi.
Thanh thanh hương sen nồng ướp gió trăng khi chiều rơi.
Hè về, hè về, nắng tung nguồn sống khắp nơi.
Hè về, hè về, tiếng ca nhịp phách lên khơi.
Đầu ghềnh suối mát reo vui dạt dào. Ngập trời gió mát ven mây phiêu bạt.
Hồn say ý chơi vơi, ngày xanh thắm nét cười, lòng tha thiết yêu đời.
Đây suối trăng rừng thơ, đây gió nhung huyền mơ.
Đây phím ngọc đường tơ, đây tứ nhạc ngàn xưa.
Hè về, non nước yêu yêu, Hè về nắng thông reo.”

Bài nhạc thứ hai là bài “Khúc ca mùa hè” của nhạc sĩ CANH THÂN. Ông là một trong những nhạc sĩ tiên phong của tân nhạc Việt Nam nhưng có rất ít tài liệu nói về ông. Ông sinh khoảng năm 1920, không rõ năm mất. Xuất thân từ nghệ sĩ cải lương, thời kỳ đầu ông là một ca sĩ của tân nhạc, ông có tham gia hội ái Tino và lấy biệt danh là Tino Thân, ngoài ra ông cũng là một nhạc công đa tài. Về lĩnh vực tình ca, ông nổi tiếng với bài “Cô hàng cà phê”, “Khúc ca mùa hè” và “Anh còn cây đàn” v.v…Bài “Khúc ca mùa hè” cũng đầy yêu thương và vui tươi như nơi… thiên đàng. Nguyên văn như sau:
“Về đây ta lắng nghe muôn cung đàn. Đường tơ tha thiết vương hương nồng nàn.
Về đây nghe bao câu hát du dương mơ màng. Và về đây tắm ánh sáng trăng huy hoàng.
Khúc ca mùa hè. Lắng trong chiều về. Vang trong đêm êm đềm thánh thót.
Ngân nga tiếng ai ca. Khúc ca mùa hè.
Gió xa dồn về. Lướt qua bên hè. Nghe như ru như gợi tình thơ.
Nghe như thấy lâng lâng. Bừng một trời mơ.
Những cánh bướm khoe màu thắm. Bay lao xao trong ngàn hoa.
Lữ khách đứng thẫn thờ ngắm. Cuộc đời vui tươi như nơi thiên đàng.
Nhịp đàn hòa theo khúc ca mùa hè. Ta lắng lắng nghe.
Nhạc đón yêu thương về. Một mùa đầy hoa ngát hương.”

Nhưng tiếc thay mùa Hè đôi khi cũng mang lại những cảm giác buồn bã, sầu bi như trong bài “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sĩ THANH SƠN. Ông sinh năm 1938 và qua đời vào năm 2012. Ông được biết đến từ thập niên 1960 với những ca khúc trữ tình nói về tình cảm của tuổi học trò trong đó nổi tiếng hơn hết là những bài về mùa hè. Bài “Nỗi buồn hoa phượng” được ông tâm đắc nhất. Khoảng thời gian sau, ông nổi tiếng với các ca khúc về miền Tây Nam Bộ mang âm hưởng dân ca Nam bộ và với dòng nhạc boléro. Bài “Nỗi buồn hoa phượng” có những đoạn buồn bã vì chia ly:
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương.
Ngày mai xa cách, hai đứa hai nơi. Phút gần gũi nhau mất rồi. Tạ từ là hết người ơi!…
… Nếu ai đã từng nhặt hoa thấy buồn. Cảm thông được nỗi vắng xa người thương.
Mầu hoa phượng thắm như máu con tim. Mỗi lần hè thêm kỷ niệm. Người xưa biết đâu mà tìm?”

Rồi đến bài “Tóc em chưa úa nắng hè” của nhạc sĩ PHẠM MẠNH CƯƠNG cũng gợi buồn man mác. Ông sinh năm 1933. Ông còn được biết tới với vai trò sản xuất những băng nhạc mang tên Phạm Mạnh Cương rất phổ biến ở Sài Gòn trước 1975. Phải đến bản tango “Thu ca” viết năm 1953 ở Hà Nội thì tên tuổi ông mới thực sự được công chúng biết tới. Năm 1956, ông viết Thương hoài ngàn năm, ca khúc đầu tiên ông viết ở miền Nam. Phía sau mỗi nhạc phẩm đều ghi dấu một kỷ niệm đã tạo nên nguồn cảm hứng, từ đó ông liên tiếp tung ra những ca khúc: “Thung lũng hồng”, “Mắt lệ cho người tình”, “Tóc em chưa úa nắng hè.” Bài “Tóc em chưa úa nắng hè” cũng buồn bã, ngậm ngùi đầy nhung nhớ và nước mắt:
“Rồi nắng hạ tàn phai. Cơn mê tình ái. Rã rời lạc lối.
Theo dấu chân em về. Chập chùng lớp sóng. Trắng xóa mênh mông. Bờ cát mịn từ đây. Không em hờn dỗi. Tháng ngày mù tối…
… Rồi cánh phượng hồng rơi. Chơi vơi ngàn lối. Mỏi đường tình ái. Con sóng khuya xô về. Ngậm ngùi sỏi đá. Nuối tiếc trôi qua.
Còn dấu buồn hồn hoang. Nghiêng nghiêng vực nhớ. Mưa chiều lạnh giá. Em tóc em hong vàng. Hạ buồn chiều úa. Em khóc chiều xưa.”

Trong bài “Hạ trắng”, TRỊNH CÔNG SƠN cũng vẽ ra cái nắng mùa hè buồn bã không kém:
“Gọi nắng! Trên vai em gầy, đường xa áo bay. Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say.
Lối em đi về, trời không có mây. Đường đi suốt mùa, nắng lên thắp đầy.
Gọi nắng! Cho cơn mê chiều nhiều hoa trắng bay. Cho tay em dài, gầy thêm nắng mai.
Bước chân em về nào anh có hay. Gọi tên cho nắng chết trên sông dài...”

Trong nhạc phẩm “Ngày tạm biệt” của nhạc sĩ LAM PHƯƠNG cũng gợi buồn vì cảnh chia ly đôi ngả. Bài “Ngày tạm biệt” đã làm xao xuyến bao con tim học trò mộng mộng, mơ mơ, vào những dịp liên hoan bãi trường. Có ai nghĩ rằng mấy chục năm sau Lam Phương sẽ hát bài nhạc đó cho chính bản thân mình trong buổi phu thê chia tay? Tương lai đã thấy trước, hay định mệnh được an bài? Bài “Ngày tạm biệt” vẽ ra cảnh hoa phượng âu sầu tơi tả:
“…Nhớ hàng phượng thắm ven đường, mỗi lúc chiều buông. Tan tác rơi cài lên mái tóc xanh. Với bóng dáng ai chiều ấy nâng niu tà áo. Biết nói gì khi chia ly. Anh nghe chăng ngoài kia hoa vẫn rơi. Bên xác hoa âu sầu vì tả tơi. Ngàn ve buông tiếng nỉ non như thương cho người đi. Thôi chia tay cạn ly vui chúc đi: Ta chúc nhau những gì đẹp lòng nhau. Dù thời gian có phôi pha, ta không bao giờ quên.”
Rồi đến các bài nhạc của TRẦM TỬ THIÊNG. Ông sinh năm 1937, mất năm 2000. Ông là một nhạc sĩ của dòng nhạc vàng và tình ca giai đoạn 1954 – 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông sáng tác nhiều bài về mùa Hè như “Đưa em vào hạ”, “Người tình mùa hạ”, “Mây hạ” và cùng với TRÚC HỒ trong bản “Cơn mưa hạ”. Bài nào cũng thoáng hiện nỗi buồn! Bài “Đưa em vào hạ” cũng gợi cảnh chia ly nhưng lại phảng phất mùi giặc giã, chiến tranh:
“Mùa hè năm nay anh sẽ đưa em rời phố chợ đôi ngày. Qua miền xa mà nghe rừng thiêng gọi lá. Tiếng nỉ tiếng non khi chiến trường nằm im thở khói. Đứa bé nhìn cha đang chờ giặc dưới giao thông hào…
… Quê hương đau, nắng hạ cũng buồn. Nước sông ngăn đôi sơn hà. Còn gì em, còn gì đâu? Mùa hạ qua mau, đi nữa đi anh. Chỉ con đường quê hương mịt mùng. Thương những chiều nắng rọi bờ sông…”

Bài “Người tình mùa hạ”:
“...Rồi hạ lại về. Mà em sao không thấy đâu. Cho biển vắng!
Lặng nhìn tôi về. Nằm nghe tương tư qua từng đêm. Hỡi em ơi! Em giờ đâu…?!”

Bài “Mây hạ” (sáng tác năm 1967):

“Em đi chiều nay, đường nắng duỗi thân dài. Chân chưa vội lay, lại đau từng bước mọn.
Em ca bài ca, chiều nay buồn hơn khóc. Nghe từng ngày mai, thẫn thờ một mình đây!…
…Em mãi còn đi, sầu giăng dài đêm tối. Thương từ ngoài hiên, dấu hài chìm vào mưa.”

Bản “Cơn mưa hạ”:
“Nhạc gọi mưa hay mưa trút xuống đời. Thành dòng lệ, thành đêm bão tố về.
Rồi từ đó cũng nghe trong anh. Lòng đổ mưa, cơn mưa hạ về giữa đêm.
Tình yêu đó rét mướt như muôn tiếng tơ. Tình yêu hỡi, mãi mãi mong gì đón chờ.
Dù những đêm buồn đơn vắng. Nhớ khôn nguôi chuyện đêm nay.
Cơn mưa hạ về bấp bênh”…

Thi sĩ NHẤT TUẤN, tên thật là Phạm Hậu, sinh năm 1935. Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào miền Nam, định cư tại Đà Lạt. Ông nổi tiếng với những bài thơ trong tập “Truyện chúng mình”. Một trong những bài thơ này được nhạc sĩ ANH BẰNG phổ nhạc. Nhạc sĩ ANH BẰNG, sinh năm 1926, nổi tiếng với số lượng sáng tác khoảng 650 tình khúc để lại cho đời. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng. Ngoài những tác phẩm của chính mình, ông còn là một trong nhóm ba người hợp tác soạn nhạc với bút hiệu Lê Minh Bằng.
ANH BẰNG phổ thơ NHẤT TUẤN, bài “Hoa học trò”. Hình ảnh tuổi thơ thật dễ thương:
“Bây giờ còn nhớ hay không? Ngày xưa hè đến, phượng hồng nở hoa. Ngây thơ anh rủ em ra. Bảo nhặt hoa phượng về nhà chơi chung…Bây giờ còn nhớ hay không? Anh đem cánh phượng tô hồng má em. Để cho em đẹp như tiên. Nhưng em không chịu, sợ phải lên trên trời… Lên trời hai đứa hai nơi. Thôi em chỉ muốn làm người trần gian. Hôm nay phượng nở huy hoàng. Nhưng từ hai đứa lỡ làng duyên nhau. Rưng rưng phượng đỏ trên đầu. Tìm em, anh biết tìm đâu bây giờ?. Bây giờ tìm kiếm em đâu. Bây giờ chỉ thấy thương đau.”
Tuy còn nhiều nhạc sĩ khác sáng tác với đề tài liên quan tới mùa Hè nhưng tạm xin ngưng nơi đây với nhạc sĩ LÊ HỰU HÀ. Ông sinh năm 1946, mất năm 2003 vì tai biến mạch máu não tại Sài gòn. Ông nổi tiếng với các ca khúc “Vào hạ”, “Hãy yêu như chưa yêu lần nào”, “Yêu em”, “Hãy vui lên bạn ơi”, v.v… Ông được đánh giá là một trong những người Việt hóa nhạc trẻ Âu Mỹ đầu tiên ở Việt Nam.

Cũng trong một chủ đề, nhạc sĩ LÊ HỰU HÀ lại có cái nhìn khác về mùa Hè. Ông thả hồn trong khung cảnh trời nhẹ lên cao, với bóng chim lờ lững, bên dòng sông im lìm. Lòng thanh thản yêu thương cuộc đời trước mặt vì cảm nhận được cái phù du vô thường của kiếp sống. Bản nhạc “Vào hạ” nhịp điệu nhẹ nhàng, dễ thương:
…“Ta rong chơi phiêu lãng cuối trời. Đời bọt bèo phù du kiếp người. Dù qua bao nhiêu đắng cay vẫn cười. Và đời còn mùa hạ tươi vui. Và lòng còn nhiều điều muốn nói.
Hãy thắp sáng tâm hồn. Cháy lên trong tim mỗi người. Những yêu thương cho cuộc đời. Mùa hạ ơi! Tình phơi phới! Bạn ơi! Xin hãy vứt hết nỗi buồn. Xóa tan đi bao đêm trường. Bước ung dung trong cuộc đời… hạ ơi…!”

Trongmột năm, có bốn mùa luân chuyển. Hết Xuân, Hạ lại đến Thu, Đông. Mùa Hạ lúc nào cũng là mùa Hạ, nhưng vì lòng người sôi động nên mới cảm thấy có lúc vui lúc buồn, mới cảm thấy nắng hè chuyển gam sắc độ theo nhịp tim của mình. Thi sĩ Nguyễn Du từng viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” và thi sĩ Lamartine rất chí lý khi nói: “Le spectacle est dans les yeux” (Cảnh ngoài cũng chỉ do đôi mắt người).
Thôi thì hãy cứ sống an lạc thân tâm trong giây phút hiện tiền! “Hè về, hè về, nắng tung nguồn sống khắp nơi…tiếng ca nhịp phách lên khơi…Hồn say ý chơi vơi, ngày xanh thắm nét cười, lòng tha thiết yêu đời.”.
Mùa Hè 2015
Ngô Tằng Giao
Theo http://thoibao.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...