Thế nào là lý luận âm nhạc
và phê bình âm nhạc?
1. Đây là
vấn đề mà những người học nhạc và thậm chí có người không học nhạc từng làm và
vẫn làm, cứ tưởng là đơn giản dễ hiểu, nhưng hóa ra lại vô cùng phức tạp khi nhận
diện nó. Theo tôi, thế nào là phê bình âm nhạc? thế nào là lý luận âm nhạc?
(xin đảo lại trật tự câu của hội thảo), câu hỏi này thuộc loại bản thể luận. Hỏi
có một, nhưng có nhiều cách trả lời. Do vậy, nếu coi đó là một khái niệm thì nội
hàm của nó sẽ mênh mông như biển lớn. Còn cho nó là cụm từ ghép thì rõ ràng, cụm
từ này rộng nghĩa và rỗng nghĩa. Quả thật, ranh giới giữa phê bình và lý luận rất
mờ nhạt và mong manh. Tuy nhiên, dẫu có mong manh đến mấy thì những người quan
tâm vẫn cứ muốn phân định rạch ròi, như cách đặt vấn đề của cuộc Hội thảo này.
2.
Nói có sách, mách có chứng, tôi lục tìm 3 cuốn: cuốn 1 Từ điển học sinh (1971) [1], cuốn 2Từ điển
tiếng Việt (1997) [2], cuốn 3 Từ
điển tiếng Việt (1998) [3] xem các
nhà ngôn ngữ học giải thích thế nào là phê bình? thế nào là lý luận? để từ đó
có cơ sở mà nhìn sang lĩnh vực âm nhạc.
Ở
cuốn 1, phê bình: chỉ ra cái hay, cái dở, tìm nguyên nhân, để từ đó phát
triển cái hay và bỏ đi cái dở (tr.434). Còn lý luận được giải thích:
I.1. Sự tổng hợp các trí thức về tự nhiên và xã hội, dùng để hướng dẫn cho hoạt
động đấu tranh sau này của con người: lý luận do hoạt động thực tiễn của con
người sinh ra. 2. Kinh nghiệm của loài người về một mặt hoạt động nào đó đã được
đúc kết khái quát một hệ thống lý lẽ có giá trị áp dụng rộng lớn...II. Vận dụng
lý lẽ để để luận bàn hay chứng minh (tr.328).
Cuốn
2, phê bình: xem xét, phân tích, đánh giá ưu điểm và khuyết điểm... (tr.750).
Còn lý luận: 1. Hệ thống những tư tưởng được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn,
có tác dụng chỉ đạo thực tiễn. 2. Những kiến thức được khái quát và hệ thống
hóa trong một lĩnh vực nào đó (tr.544-545).
Cuốn
3, thì phê bình được giải thích giống cuốn 2 (tr.1034). Lý luận không thấy giải
thích.
Cho
dù cách giải thích của các nhà ngôn ngữ học mang tính khái quát, phổ quát,
nhưng đều có điểm chung: phê = phê phán, bình = bình luận một vấn đề nào đó; lý
luận = đúc hết một lệ thống lý lẽ có giá trị áp dụng rộng lớn. Từ đây suy ra,
phê bình âm nhạc là tìm ra những cái hay cái dở của một tác phẩm hay trào lưu
âm nhạc, hoặc nhà soạn nhạc... để bình luận. Còn lý luận là tìm ra một hệ thống
lý thuyết âm nhạc để hướng dẫn cho hoạt động âm nhạc.
3.
Trong đời sống âm nhạc Việt Nam, thực ra phê bình âm nhạc đã loáng thoáng
thoáng xuất hiện những năm 30 của thế kỷ trước qua một só bài của các tác giả Đồ
Nam, Nguyễn Văn Điều ...viết về âm nhạc nước nhà trong quá trình giao thoa văn
hóa với âm nhạc phương Tây. Những bài viết này mang nặng chủ kiến cá nhân, chưa
dựa trên một nền tảng lý thuyết nào để đánh giá, hướng dẫn dư luận về vấn đề mà
các ông đề cập. Nhìn chung, thời gian đã trôi 3/4 thế kỷ, đến nay những người
làm công việc này vẫn chưa làm cho "mảnh đất phần trăm" của trở nên tốt
tươi hơn so với trước. Chính sự trì trong cách thức tư duy, đã tạo ra đường mòn
trong đầu của nhiều người, khi nhìn nhìn nhận và định danh nó. Và, phê bình âm
nhạc, theo cách hiểu thông thường, chỉ là sự khen chê một tác phẩm, một tác giả,
một sự kiện âm nhạc... Phê bình ấy, nó có thể là lời nói phát ra từ miệng của
người dân bình thường, cao hơn chút là những danh cầm, danh ca, cao hơn nữa cộng
thêm chút quyền lực là danh gia, danh sĩ.
Phê
bình theo cách này, người phê bình đứng ngoài hệ thống âm nhạc, nghĩa là chỉ biết
đến tác phẩm, còn tác giả, công chúng và những yếu tố ngoại biên hoàn toàn
không được chú ý. Vì thế khi phê bình, người làm công việc này thường lấy tác
phẩm làm cớ để thể hiện những ý kiến chủ quan của họ.
Cuốn Sinh
lý học phê bình của Thibaude A (1874 - 1936) - nhà phê bình văn học Pháp -
xb 1930, ông đã chia phê bình thành: phê bình nói, phê bình chuyên nghiêp (phê
bình của các giáo sư) và phê bình của các nghệ sĩ. Đây là cách chia đã trở
thành kinh điển, cho dù ngày này nó đã bộc lộ những điều không hợp lý đối với
các loại hình nghệ thuật ở thế giới nói chung và nước ta nói riêng, nhưng đối với
đời sống âm nhạc nước nhà, nó vẫn còn giữ nguyên giá trị. Bởi nó chú ý đến bản
thân người phê bình nhiều hơn là bản thân sự phê bình. Chức sắc, học hàm, học vị,
vị trí làm việc.. là điều kiện có thể tạo ra một quyền lực đủ mạnh để đè bẹp,
hay thổi phồng những giá trị đạo đức ngoài nội dung của tác phẩm. Và ý kiến chủ
quan của họ nghiễm nhiên sẽ tạo ra khuôn vàng thước ngọc để hướng dẫn dư luận,
ngược lại mảnh đất phần trăm mà họ canh tác lại trở nên khô cằn cỗi hơn.
Cũng
trong đời sống âm nhạc Việt Nam, lý luận xuất hiện muộn hơn phê bình. Người
làm lý luận âm nhạc, tất yếu phải biết lý thuyết, hoặc những nguyên lý về âm nhạc
để vận dụng nó làm công tác chuyên môn. Như vậy chỉ sau khi có hệ thống trường
sở đào tạo về âm nhạc (kể cả người có ý thức tự đào tạo theo mô hình nay) thì
những cây bút về lý luận mới xuất hiện. Và thế nào là lý luận? thế nào là nhà
lý luận? Vấn đề này ngoài tầm hiểu biết của tôi, vậy xin "đá quả
bóng" về phía những người được đào tạo chuyên ngành lý luận tại các học viện,
nhạc viện, câu trả lời sẽ được ngọn ngành, chính xác và có tính thuyết phục
hơn.
4.
Riêng về lĩnh vực phê bình, giới chuyên môn, chuyên nghiệp thường coi phê bình
là kẻ đồng hành của sáng tác. Có tác phẩm là có phê bình, và đương nhiên sáng
tác thì khó mà phê bình thì dễ. Do quan niệm như vậy, dễ dẫn đến một thái độ miệt
thị đối với người làm công tác này. Họ chỉ được đánh giá như kẻ cầm ô che lọng,
hay thái giám phục vụ cho những "ông lớn" sáng tác mà thôi. Bên văn học,
Chế Lan Viên là nhà thơ nổi tiếng, đồng thời ông cũng là một nhà phê bình có hạng,
từng nói: đào tạo một nhà văn thì cần dăm năm, cong đào tạo nhà phê bình thì cần
dăm tháng. Cánh nghĩ này cũng là hiện trạng phổ biến trong giới âm nhạc Việt Nam.
Và như vậy, nếu xếp tầng bậc từ cao xống thấp, từ oai nhiều đến ít oai sẽ là:
Sáng tác - lý luận - phê bình.
Thực
ra lý luận hay phê bình âm nhạc đều đi chung một con đường, tiến về hai hướng
khác nhau, phê bình dựa trên những hệ lý thuyết đã có hoặc đang thiết lập để hướng
về thực tại; và lý luận có chiều hướng hồi cố quá khứ. Theo đó, phê bình âm nhạc
thể hiện rõ nhất bản ngã cá nhân; lý luận thì bản ngã cá nhân biểu lộ phải
thông qua tập thể. Tất nhiên, suy cho cùng, dù là phê bình hay lý luận cái đích
đến vẫn phải tìm ra hoặc thiết lập một hệ thống giá trị thẩm mỹ của cái đẹp
trong âm nhạc.
5.
Như trình bày ở trên, dẫu biên giới giữa phê bình - lý luận là mong manh hay lờ
mờ thì vẫn cố gắng, bằng mọi cách để nhận diện nó. Cho khách quan hơn, tôi xin
mượn cái nhìn từ loại hình nghệ thuật văn học rồi "áp đặt" vào nghệ
thuật âm nhạc, may ra có thể nhìn thấy "ánh sáng le lói cuối đường hầm".
Trong
cuốn Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy [4], Đỗ Lai Thúy
chia phê bình thành: phê bình báo chí và phê bình học thuật. Cách chia này là
ông muốn chuyển trọng tâm khảo sát sang bản thân sự phê bình, và không hề có ý
phân chia cao thấp trong cách phân loại (lý do chưa tìm được thuật ngữ thích hợp).
Ông cho rằng, phê bình báo chí thuộc về phê bình giá trị chứ không phê bình sự
thật. Đội ngũ phê bình thường do những người phụ trách chuyên mục văn nghệ trên
các báo, hoặc các nhà sáng tác thuận tay trái, hay các nhà phê bình tài tử,
váng lai... Phương pháp phê bình của họ chủ yếu dựa vào cảm nhận trực giác, hoặc
nhận xét theo giá trị thẩm mỹ hiện hành. Nhiệm vụ của họ là cung cấp món ăn sốt
dẻo, tức thì cho công chúng. Vì vậy mà phê bình báo chí không đi sâu vào tác phẩm;
không có nhiệm vụ tìm kiếm và lý giải nguồn gốc của cái đẹp và lý giải tại sao
lại đẹp. Phê bình báo chí thường bị chi phối bởi nhiều tôn chỉ mục đích khác
nhau, nên đôi khi là thế này nhưng buộc phải nói thế kia. Do đó, loại phê bình
này dễ biến thành quảng cáo kể cả "vô tư" cho ban bè lẫn "chí
công" cho bộ máy quyền lực.
Loại
thứ 2 là phê bình học thuật. Loại này có hai dạng: phê bình lý thuyết và phê
bình thực hành. Người phê bình báo chí có thể biết hoặc không biết các lý thuyết
chuyên ngành cũng không sao, nhưng người phê bình học thuật nhất thiết phải biết
điều đó. Để hành nghề phê bình học thuật, không chỉ dựa vào năng khiếu trời
cho, mà phải học tập, đào tạo, tự đào tạo thành nhà chuyên môn giỏi. Có như thế,
khi đứng trước một hiên tượng mới, nhà phê bình luôn cảm thấy giới hạn của hệ
thống lý thuyết cũ, nên buộc anh ta vừa phải sự dụng hệ lý thuyết cũ, vừa phải
tìm ra những nguyên lý mới để xây dụng hệ lý thuyết mới.
Nhìn
sang lĩnh vực âm nhạc nước nhà, có lẽ phê bình học thuật như cách chia trên,
theo thiển ý của tôi, đó chính là lý luận. Để đạt được mẫu hình ấy, trong khi đời
sống âm nhạc nước nhà đang bề bộn như hiện nay, quả là một điều khó. Và, khi tiếp
cận với tác phẩm, tác giả, hoặc những hiện tượng khác trong âm nhạc, dù anh là
nhà nghiên cứu, nhà lý luận, hay nhà phê bình, thì hãy tìm ra một hướng đi cho
phù hợp. Đừng bao giờ lấy nguyên lý cũ để trang trí hoặc bóp chết tác phẩm mới,
và cũng đừng biến hệ thống lý thuyết đúng cho một trường hợp thành hệ thống lý
thuyết cho nhiều trường hợp. Chỉ khi làm được điều đó, anh sẽ xứng là
"nhà" do những người trong giới và công chúng phong tặng, chứ không
phải là hình thức tự phong, tự nhận, tự sướng như nhiều người hiện nay.
[4] Đỗ
Lai Thúy, Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy tư tửng phê bình văn
học Việt Nam một cái nhìn lịch sử, Công ty Văn hóa & tryền thông Nhã Nam -
Hội nhà Văn xb, Hà Nội, 2011, tr.39-50.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét