Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Đà Lạt "Phố núi bình yên''

Đà Lạt "Phố núi bình yên''
Khoảng cách thời gian chừng hơn một thế kỷ qua, nếu người ta muốn nói đến về hình ảnh của một thành phố nào có ý nghĩa đúng như là có dáng vẻ kiêu sa. Và lãng mạn, trữ tình ở trên vùng cao nguyên, thì trong cả nước Việt-Nam ta chỉ có độc nhất cảnh quan Đà-Lạt, là địa danh của một thành phố núi nổi tiếng có nhiều huyền thoại về không gian cùng cảnh sắc.
Vả lại, từ lâu địa phương nầy nó cũng còn được mệnh danh là quê hương của sương mù bao phủ lên trên muôn ngàn loài hoa thơm, cỏ lạ, dinh thự bề thế, đường sá, đồi, dốc, nhà cửa khang trang. Nơi, tiêu biếu thích hợp cho sự thơ mộng trong tình yêu tuổi trẻ, và hấp dẫn gieo được nhiều cảm khái vào trong lòng người. Nói cách khác, từ ngày trước hay cho dù ngay cả bây giờ thì Đà-Lạt lúc nào cũng vẫn hãy còn giữ được nhiều hình ảnh đẹp về màu sắc cá biệt ở địa phương. Và đó cũng chính là do nhờ vào yếu tố đặc biệt của thiên nhiên ưu đãi, để vô tình tạo ra thành sức hút lạ kỳ, gợi cảm tâm hồn cho rất nhiều thành phần du khách bốn phương từ miền xa xôi lạc bước đến nơi nầy.
Đà-Lạt xưa và nay vốn còn có thêm gì lạ nữa, mà phải để cho nhiều người thay nhau lên tiếng ca tụng không tiếc lời bằng với những mỹ từ cao sang, thanh lịch qua những bài thơ diễn tả gợi tình đầy thú vị. Và từ lâu, cùng với nhiều bản nhạc được phổ biến rộng rãi ở khắp mọi miền đã làm cho gợi cảm tâm hồn của người nào chưa từng đặt gót chân lên thành phố núi nầy? Có thể không phải chỉ riêng do nhờ yếu tố ngoại cảnh, mà thực tế, từ lâu nó đã được lồng vào bên trong bởi do có sự kết hợp, hài hòa giữa trời đất thiên nhiên vào với mọi sự sinh hoạt năng nổ vốn là sức sống linh động của con người nơi sở tại!
Thực vậy, đối với thế hệ của một đời người đi trước, thì Đà-Lạt là cả một chứng tích kỷ niệm quá khứ nên thơ mãi mãi còn trong trí nhớ. Còn đối với thế hệ ngày nay, thì mọi sự bứt phá thay hình đổi dạng của phố núi Đà-Lạt cũng từng để lại cho họ bằng nhiều ấn tượng lý thú khó phai mờ. Do vậy, tùy theo tâm trạng riêng mà người ta yêu thích Đà-Lạt bằng với những cảm nhận ít nhiều khác nhau. Tuy nhiên, theo sự nhận xét chung của nhiều thành phần du khách, thì hình ảnh gợi tình Đà-Lạt vốn là một bản trường ca về tuổi mộng mơ lúc nào cũng được coi như là mộtphố núi bình yên, vì lợi thế môi trường không gian khí hậu thích hợp trong lành. Cùng với một địa thế đất đai trù mật, có cảnh quan thung lũng, núi rừng đượm màu xanh biếc ngút ngàn ẩn hiện qua lớp sương giăng chạy dài xa tít dưới chân trời man mác.
Cảnh quan Đà-Lạt khi đắm chìm trong

buổi sáng sương mờ

và hoàng hôn nắng nhạt
Tuy nhiên, ngoài nét đẹp tự nhiên đó thì từ lâu bàn tay của người dân địa phương cũng đã góp phần không nhỏ vào trong việc tạo dáng thành hình nên một bức tranh thẩm mỹ tuyệt vời cho toàn vùng địa lý cao nguyên ở nơi nầy. Và, hơn thế nữa, trong tương lai với dự án quy hoạch tổng thể thành phố Đà-Lạt của tỉnh Lâm-Đồng, thì Đà-Lạt cũng đã chính thức được công ty Interscène của Pháp đảm nhận làm vai trò tư vấn trong cuộc quy hoạch đô thị trong những thập niên sắp tới đây. Do vậy, bộ mặt phố núi Đà-Lạt sẽ còn có dịp hứa hẹn tạo thêm nhiều thú vị, để hấp dẫn và nồng nhiệt đón chào du khách bằng với những sự đổi thay ngoạn mục bất ngờ.
Đà-Lạt ngày trước vốn là vùng đất của người Thượng ở trên cao nguyên Lang-Biang (Lâm-Viên), nơi có cả một khu rừng nguyên sinh tồn trữ phong phú rất nhiều hệ động thực vật từ cỏ cây, hoa lá, thú dữ, loài chim muông quý hiếm cùng chung sức sống trong một môi trường không gian hùng vĩ với núi, đồi, sông, suối, lạch, hồ. Đã vậy, phần hậu cảnh của thành phố Đà-Lạt xưa nay lại còn có điểm tô thêm bằng với hình ảnh đẹp của hai ngọn núi Lang-Biang có độ cao 2.167m được lồng vào trong một truyền thuyết ái tình dân gian thật là thú vị, và có hậu về phần chung cuộc. Đó là một sự hòa giải tốt đẹp xảy ra giữa hai bên gia đình, bộ tộc sau khi định mệnh bi thảm đã mang lại điều bất hạnh cho đôi lứa tuổi thanh xuân tình nồng thắm thiết. Và hình ảnh của chàng Lang và nàng Biang lồng trong truyền thuyết ý nghĩa, éo le, cảm động nầy nó gần giống y như là câu chuyện tình oan nghiệt của hai nhân vật Romeo và Juliet trong đoạn kết vở kịch lừng danh của đại văn hào William Shakespeare. (Vỡ kịch nầy từ mấy trăm năm qua, cho đến thời điểm bây giờ, cũng vẫn hãy còn có sức thu hút được sự chú ý theo dõi của rất nhiều thành phần khán giả mộ điệu ở phương Tây say mê sân khấu kịch nghệ tuồng cổ).
Lang và Biang trên đỉnh núi Lang-Biang
Không biết, là có phải vì sự nhận xét không sai mà cũng đã có rất nhiều người khi mới có dịp dạo qua thành phố Đà-Lạt lần đầu tiên, thì họ cứ nghĩ rằng mình đang lạc bước vào một thành phố có nét lai Âu bằng với những cảnh quan màu sắc, biệt thự có lối kiến trúc cổ phương Tây sang trọng. Và bên cạnh đó, là những ngôi nhà nguy nga dáng vẻ tân kỳ, cùng với hình ảnh của những công trình xây cất cơ sở hành chính, quảng trường hiện đại. Do vậy, nhờ vào ảnh hưởng đa dạng của nhiều phong cách thiết kế, kiến trúc đô thị khác nhau. Cho nên các công trình kiến thiết, tu tạo phố núi Đà-Lạt đã tạo ra được một nét chấm phá ngoại lệ đặc thù, hòa quyện vào với bức tranh tĩnh vật của núi rừng địa lý thiên nhiên ở quanh vùng.
Tuy nhiên, về mặt khác thì dường như hầu hết tất cả mọi người đều có được một sự cảm nhận chung, là phố núi Đà-Lạt lúc nào cũng có mang một dáng vẻ mộng mơ, đắm chìm dưới bầu không gian sâu lắng, hài hòa cùng với dòng chảy của thời gian thư thả, êm đềm...Với làn gió núi mây ngàn trong lành, mát mẻ, bay thênh thang trên đại ngàn rừng thông, cánh đồng hoa đẹp, đặc biệt là khí hậu nơi đây thực là lý tưởng có ảnh hưởng rất tốt về sức khỏe cho đời sống của người dân ở tại địa phương. Do vậy, mà người ta thường được nghe có những câu nói quen tai của du khách bốn phương như là rủ nhau đi nghỉ mát ở Đà-Lạt, hay đi đổi gió ở Đà Lạt để còn có dịp được ngắm nhìn thêm tận mắt hình ảnh của xứ ngàn hoa thơ mộng.
Đặc biệt, là đối với những cặp tân hôn đi hưởng tuần trăng mật thì Đà-Lạt cần không thể thiếu trong cuộc hành trình. Hay như những cặp tình yêu muốn tìm hạnh phúc ở giữa chốn bình yên, thì tưởng rằng phố núi Đà-Lạt nầy sẽ là nơi lý tưởng thích hợp nhất để họ cần tìm đến, để có dịp được trải nghiệm những ngày kỷ niệm đầy cảm hứng, thú vị tuyệt vời. Là thành phố từ xưa nổi tiếng kiêu kỳ lãng mạn, thật Đà-Lạt rất xứng đáng tự hào được mệnh danh là xứ sở của ngàn hoa cả bốn mùa như nào là mai, cúc, lan, đào, dạ lý hương, cẩm chướng, mimosa, pensée, glaïeul v.v. Và mang nhiều cái tên khác nhau rất đẹp, đại khái như Tuyết-Nhung, Hoàng-Phi-Lạc, Thủy-Tiên, Kim-Điệp, Phù-Dung v.v.
Muôn ngàn hoa thơm cỏ lạ
tràn ngập cả cánh đồng
Cải tiến phương thức sản xuất

nông nghiệp công nghệ cao
Và nếu hình ảnh ở cao nguyên Sapa ngày nay cho dù có được nhiều du khách yêu thích, thường xuyên nhắc nhở tới coi như là một nơi hãy còn giữ được sự sâu lắng nguyên trinh của nét đẹp núi rừng, thì cảnh quan phố núi Đà-Lạt bây giờ hoàn toàn khác lại. Nhiều người thuộc thành phần thế hệ cao niên, quá thương tiếc cho một phố núi Đà-Lạt thuở còn trong trắng khi xưa đã từng không tiếc lời than thở! Và nay, họ thường ví Đà Lạt bây giờ như là hình ảnh của một cô gái có nhan sắc đã đến độ tuổi xế chiều, cho dù có muốn tô son trét phấn đến đâu, thì cũng không làm sao có thể che giấu đuợc sự mệt mỏi, lụm cụm già nua mà họ cho là nhếch nhác. Họ lại còn tưởng tượng ra quang cảnh trăng sao trời nước ở nơi nầy, như là vô tình đã bị một cuộc cách mạng tàn phá bởi bàn tay phạm tội của con người âm thầm đi tìm đất sống.
Tuy nhiên, theo sự nhận xét khách quan thì nếu có sự nhếch nhác nào được cho là làm tổn thương đến giá trị tâm hồn của Đà-Lạt đã xảy ra, thì phải nói rằng đó là vấn đề không thể tránh khỏi cho một thành phố thịnh vượng trên đường tăng tốc. Với đà mở mang xây dựng hạ tầng cơ sở xã hội theo chiều hướng chung, trong xu thế phát triển đáp ứng nhu cầu thời đại của một quốc gia vốn ọp ẹp về mặt kinh tế còn thấp kém, thiếu hẳn đội ngũ chuyên gia kinh nghiệm trách nhiệm về phần hành thiết kế chương trình mở mang đô thị. Và dẫu sao, thì bên cạnh đó Đà-Lạt cũng đã được lắp bù vào bằng những sắc màu của ánh sáng văn minh hiện đại qua các công trình chỉnh trang, tân tạo đồ sộ để góp phần làm thay đổi lại diện mạo phố phường.
Ngược dòng thời gian cách đây khoảng gần ba phần tư thế kỷ, khi thành phố Sài-Gòn được các báo chí phương Tây thường đánh giá coi như là hòn ngọc ở Viễn-Đông. Và vào lúc bấy giờ, thì họ cũng không quên ví phố núi Đà-Lạt như là một tiểu Genève của Thụy-Sĩ, do nhờ yếu tố cảnh quan của hai thành phố có nhiều màu sắc cảnh vật non nước tương đối giống in nhau. Dạo ấy, thành phố Đà-Lạt đã là một nơi nghỉ mát lý tưởng mang hình ảnh kiêu sa, lộng lẫy chỉ dành cho những thành phần viên chức bảo hộ Pháp ở tại Đông-Dương, cũng như của các giai cấp quí tộc, các gia đình thuộc hạng người giàu sang có phương tiện đi tìm đến để tham quan, thụ hưởng.

Xe thổ mộ
Hình ảnh phố núi Đà-Lạt ngày xưa qua báo chí nước ngoài
Rồi sau cái mốc thời gian 120 năm thành lập và phát triển thành phố Đà-Lạt vừa mới trôi qua, thì người ta được dịp nhìn thấy bản lĩnh của nhiều thế hệ người dân cộng cư ở trên địa bàn sở tại nầy đã phải bỏ ra rất nhiều công sức mồ hôi, cùng với bàn tay cật lực siêng năng lao động hằng ngày. Đà-Lạt ngày nay tuy không hẳn còn được nhìn nhận coi như là có ý nghĩa của một thành phố sương mù nằm giữa chốn bạt ngàn rừng thông reo, nhưng sự bạc màu của nó đã được xây lắp trở lại bằng những công trình kiến tạo, chỉnh trang mỹ quan rực rỡ, tân kỳ, hiện đại. Do vậy, hình ảnh của một Đà-Lạt mới bây giờ là đã không những có thừa khả năng cầm chân mà còn làm cho quyến luyến, thu hút thêm nữa rất nhiều thành phần du khách tìm đến tham quan ở nơi nầy.
Đà-Lạt sớm mai
Đà-Lạt về đêm
Đi thực tế, thì người ta phải hiểu rằng sau khi đất nước chấm dứt chiến tranh, thì hầu hết các thế hệ đã sinh ra và lớn lên trong lúc hòa bình đều được biết đến Đà-Lạt như là một thành phố núi mang nét đẹp khác hẳn với các thành phố ở vùng duyên hải hay miền đồng bằng. Do vậy, cho dù bây giờ sự phát triển bê tông hóa đã làm mất đi nhiều nét thẩm mỹ của thành phố, hay có nhiều thắng cảnh thiên nhiên địa phương bị ô nhiễm môi trường. Nhưng Đà-Lạt bao giờ cũng vẫn còn là điểm đến hấp dẫn của những con người phiêu lưu, lãng tử, và là điểm hẹn dừng chân lý tưởng cho những tâm hồn chứa đầy nhựa sống trong tình yêu tuổi trẻ. Nói cách khác, tuy mỗi người đều có một kỷ niệm khác nhau về hình ảnh Đà-Lạt nhưng tựu trung không ai có thể quên được rằng, trước sau, thì Đà-Lạt cũng vẫn lại là một phố núi văn minh bậc nhất ở trên cao nguyên. Vậy nếu người ta cứ mãi còn luyến lưu quá khứ, với một hình ảnh Đà-Lạt có những cô gái Thượng ở trần mang gùi hồn nhiên đi trên giữa ngàn hoa. Hay như bức tranh cụ già tóc bạc quấn khố ngồi trầm tư bên bờ suối chảy, thì làm sao Đà-Lạt hôm nay đã có được những nét văn minh cá biệt lôi cuốn, thích hợp để đón chào hầu hết tất cả mọi thành phần du khách?
Chợ mới Đà-Lạt
Hơn thế nữa, đường lên phố núi Đà-Lạt bây giờ cũng rất là thuận tiện chớ không còn hiểm nguy, trắc trở như xưa. Và hãy cứ thử nhìn vào hoạt cảnh trong thời gian xảy ra những ngày lễ hội, thì người ta mới có dịp thấy rõ khung cảnh nhộn nhịp khác thường của thành phố Đà-Lạt ngập tràn du khách đến với quán xá, khách sạn đầy ắp người, xe cộ qua lại trên đường không dứt từ sáng sớm cho tới đêm khuya. Tại Đà-Lạt có rất nhiều thắng cảnh, và mỗi thắng cảnh đều có một nét đẹp quyến rũ riêng tùy theo mọi sự cảm nhận ưa thích trong tâm hồn của khách nhàn du. Tuy nhiên, người ta có thể nói Thung lũng Tình yêu là nơi được rất nhiều người yêu thích, bình chọn cho là một thắng cảnh trữ tình đầy thơ mộng vào bậc nhất.
Thung lũng Tình yêu
Dưới tán thông già rung cành xào xạc, reo vi vút không ngừng như bản nhạc trường ca dường như vô tận. Thung Lũng Tình yêu hiện ra như là hình ảnh của một cảnh giới đẹp trong tấm tranh sinh động với nước dòng suối chảy phản chiếu lấp lánh ánh mặt trời. Những cánh buồm lững lờ trôi trên mặt nước hồ êm ả, những cổng hoa rực rỡ khoe sắc, khoe màu men theo lối mòn đưa lên tới đồi Vọng Cảnh gió lộng, có những cánh bướm tung bay lượn đuổi nhau trong bầu không khí se lạnh trong lành...Và 60 năm cuộc đời! Những ai đã từng hờn dỗi với con tim thì hãy đến nơi đây để có thể dễ dàng tìm lại được sự bình an, để nắm bắt lấy cơ hội tay trong tay hàn gắn lại nỗi lòng, và cũng để đắm say hạnh phúc cùng nhau hâm nóng lại những mảnh duyên tình rực nồng còn...dang dở.
(tên cũ thời Pháp là Valley d'Amour)
Kề bên Thung Lũng Tình Yêu là đồi Mộng Mơ, một khu du lịch được quy hoạch xây dựng phục vụ vui chơi giải trí đã đưa vào hoạt động từ lâu. Và cũng đã thu hút được rất nhiều con số du khách bốn phương, mỗi khi đến tham quan phố núi nầy.
Đồi Mộng Mơ hoa rực rỡ sắc màu
Tại đây, khung cảnh êm đềm, nhẹ nhàng trong một không gian thư thái với hình ảnh như của những tấm thảm ngàn hoa quanh co, ngoằn ngoèo dẫn dắt theo lối đi tới các địa điểm tham quan đang đón chờ du khách. Những công trình thực hiện trong khu du lịch khép kín nầy đều được thiết kế theo như một bản sao nhỏ của thành phố Đà-Lạt, hay nói cách khác hơn là thu gọn về bản sắc, hình ảnh không gian sinh động của cộng đồng đồng bào sắc tộc ở Tây-Nguyên. Do vậy, ngoài những ngôi biệt thự vườn, vạn lý trường thành, hồ nước, các bồn trồng đủ loại kỳ hoa dị thảo, thiết kế nghệ thuật đá chen hoa, cây Tình Yêu v.v, thì nét đặc trưng không thể không có ở đây, đó chính là sân khấu cồng chiêng và làng Văn-Hóa Dân-Tộc. Và người ta phải nhìn nhận nói rằng, dịch vụ tổ chức trình diễn sân khấu hoành tráng giới thiệu bộ môn văn hóa âm nhạc cồng chiêng. Cũng như, mô hình triển lãm nhà sàn, cùng với nhiều cổ vật chum ché quý hiếm tại khu du lịch đồi Mộng Mơ thì rất là hấp dẫn hơn bất cứ ở nơi nào trong toàn quốc, và thường gây được thành nhiều ấn tượng mạnh vào lòng du khách. Nhất là, khi họ vừa thả hồn thưởng thức từ những giọt rượu cần, vừa ngắm nhìn các cô gái dân tộc yêu kiều đang ngồi dệt thổ cẩm, giã gạo với nụ cười và nét mặt hồn nhiên.
         Cây Tình Yêu
                                                              Thảm hoa
Rời đồi Mộng Mơ, nếu du khách muốn thay đổi cảnh quan màu lục hoa cỏ bốn mùa thì có thể bước sang ghé thăm trung tâm tranh thêu tay "XQ'' tọa lạc ở tại đường Mai-Anh-Đào thành phố Đà-Lạt. Đây là một địa điểm du lịch khá quen thuộc, từ hơn hai mươi năm qua được rất nhiều người biết đến. Và từng được tạp chí "The Guide Award'' trao cho giải thưởng vinh danh về những đóng góp thành tựu nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc, và phục vụ quảng bá du lịch tại Việt-Nam.
Trung tâm trưng bày tranh thêu tay "XQ''
Trong không gian trưng bày tranh thêu tay "XQ'', du khách sẽ được dịp trải nghiệm qua các khu vực như nào là truyền thống, bản sắc, phát tích, nghệ thuật và bảo tàng tranh thêu của thương hiệu "XQ''. Ngoài ra, còn có những không gian khác trưng bày thời trang Đà-Lạt, tranh hương vị thời gian, khu phố tóc bạc, ẩm thực và mỗi nơi đều có phong cách đặc trưng riêng. Trở lại về với nghệ thuật tranh thêu tay ở đây thì phải nói rằng là tuyệt kỹ, và có một không hai ở tại nước nhà. Và rõ ràng là nếu nghệ nhân không phải là những con người có tâm hồn truyền thống nuôi dưỡng ngọn lửa yêu nghề, thì khó mà có thể chăm chú tập trung tinh thần sáng tạo nghệ thuật bằng với những đường chỉ mũi kim li ti, chi chít. Để làm thành được những tấm tranh công phu, với ước mong giá trị nghệ thuật mang thương hiệu "XQ'' sẽ còn được đọng lại mãi theo thời gian.
Đặc biệt, là trong không gian của nhà trưng bày, du khách lại còn được hướng dẫn giải thích về hình ảnh của ông tổ ngành thêu Việt-Nam là Lê-Công-Hành nguyên quán ngày xưa ở tại làng Quất-Động, huyện Thường-Tín (Hà-Tây). Và nếu du khách đến tham quan trung tâm trưng bày tranh thêu đúng vào ngày 12 tháng 6 âm-lịch hằng năm, thì sẽ thấy công ty "XQ'' có tổ chức kỷ niệm ngày giổ Tổ nghề thêu Viêt-Nam thật là long trọng. Tóm lại, người ta có thể nói rằng bức tranh toàn cảnh của "XQ'' là một công trình thiết kế được xây dựng vượt qua khuôn khổ của một cơ sở sản xuất tranh thêu thủ công nghệ thông thường như ở những nơi khác. Vì đây là nơi tập họp của nhiều giá trị tinh hoa về văn hóa nghệ thuật truyền thống nước nhà, và có thể được nghiêm túc đánh giá xem như là sứ giả quảng bá về nghệ thuật đẳng cấp của tranh thêu tay Việt-Nam ra toàn thế giới bên ngoài.
Tranh thêu tay tuyệt kỹ của thương hiệu "XQ''
Từ lâu, sách báo viết về thành phố Đà-Lạt tràn ngập những đề tài đa dạng gợi cảm, thú vị của biết bao nhiêu là thành phần tác giả không cùng thế hệ, nghề nghiệp và trình độ hiểu biết khác nhau. Tuy nhiên, về nguồn gốc lịch sử của sự thành hình thành phố Đà-Lạt thì không thể nào có thể viết khác hơn được. Và lẽ đương nhiên là suốt trong quá trình kiến tạo kể từ thời Pháp thuộc cho tới thời điểm bây giờ, thì Đà-Lạt bắt buộc phải chịu ảnh hưởng trải qua của nhiều giai đoạn trong thời kỳ thành lập, trùng tu, xây dựng ngày càng phát triển không ngừng.
Huy hiệu Đà-Lạt xưa
Khởi đầu, là do có sự khám phá ra ra được cao nguyên Lang-Biang của nhà thám hiểm Alexandre Yersin, mà sau đó thành phố Đà-Lạt mới được thành hình. Và người ta cũng được biết là vào ngày 21-6-1893 khi khám phá ra cao nguyên nầy, thì ông có viết một đoạn trong quyển hồi ký như sau:
...Khi vượt khỏi rừng thông, tôi đối diện với một cao nguyên mênh mông, không cây cối và hoang vu, có dáng như một vùng biển xao động mãnh liệt bởi một loạt sóng cồn ba động màu xanh biếc. Dãy núi Lang-Biang sừng sững phía chân trời Tây Bắc cao nguyên làm cho phong cảnh tăng thêm vẻ đẹp và nổi bật trên một hậu cảnh mỹ lệ...
Để tìm hiểu thêm về hình ảnh Đà-Lạt lúc còn hoang sơ, tác giả trích đoạn phần tài liệu phong phú đã từng được các dịch giả chuyển ngữ từ nguyên gốc trong một quyển sách viết về lịch sử Đà-Lạt được xuất bản vào năm 1949. Trang bìa sách đề tựa "'La Naissance de Dalat (Annam),1899-1900, capitale de l'Indochine 1946'' của tác giả là Etienne Tardif:
...Vị thế Đà-Lạt nằm trên cao nguyên Lang-Biang trên độ cao ít nhất là 1.500m. Đồn lính nằm trên lưng chừng đồi của một thung lũng rộng, nhìn xuống một vùng đất dốc thoai thoải ven bìa rừng thông. Một dòng suối có lưu lượng rất cao chảy dưới thung lũng. Nước suối trong mát, dễ uống và không có mùi vị. Đồn lính Đà-Lạt còn rất thô sơ. Trong đồn chỉ có vài người lính và thợ mộc...
...Khi nhìn thấy cao nguyên Lang-Biang, điều đập mạnh vào mắt tôi trước tiên là địa hình. Cả một vùng rộng lớn gồm nhiều ngọn đồi nằm kề bên nhau, nối tiếp nhau, chế ngự lẫn nhau, sườn đồi nầy dốc thẳng đứng, sườn đồi kia nằm thoai thoải trên mặt đất. Những thung lũng rộng và sâu nhiều hay ít chia cắt núi đồi dợn sóng, len vào giữa là con đường nối liền Dankia với Đà-Lạt. Cả vùng đồi núi nầy đều phủ một lớp cỏ ngắn vào mùa khô, cao và dày vào mùa mưa. Trong thung lũng mọc nhiều loài thực vật khác nhau, lau sậy và trên vài sườn đồi có những đám thông và tùng.
Dòng nước chảy theo nhiều lối, có khi là những dòng suối nước chảy xiết,
có khi là những ao hồ sâu ẩn mình dưới một lớp thảo mộc rậm rạp. Hình dáng mấp mô của cao nguyên thật là lạ lùng! Tôi leo lên một trong năm đỉnh núi. Một quang cảnh kỳ diệu hiện ra trước mắt tôi. 150 đồi núi xanh rờn giống như một thúng cam khổng lồ. Trong vùng núi đồi trùng điệp có vài làng mạc ở phía Nam Đà-Lạt, hơi chếch về hướng Tây là Dankia và Ankroet ở dưới chân núi Beneur. Xa xa, về hướng Đông là dãy núi Nha-Trang, về phía Nam, hoành sơn của thung lũng sông Đồng-Nai; về phía Tây và Tây-Nam, những đỉnh núi cao của Cam-pu-Chia và Lào...
Đồi núi cao nguyên
Từ trên "nóc nhà'' Đà-Lạt nhìn xuống
  Về phương diện mỹ quan kiến trúc thành phố cũng vậy, tác giả trích đoạn trong phần tài liệu khác thì Đà-Lạt ngày nay cũng từng đã được nhà văn, kiến-trúc-sư Daniel Claris, chuyên gia tư vấn thiết kế đô thị của công ty AREP tại Paris đánh giá bằng với những ý kiến nhận xét như sau:
...Đến thăm Đà-Lạt và vùng núi lân cận ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, con người muốn tìm kiếm vẻ lộng lẫy có sức xoa dịu lòng người. Đi dọc theo những hồ nước, tiếng thác chảy và những cơn gió thoảng qua khiến người ta phấn khích. Du khách đi dạo để tận hưởng cảm giác mênh mông trong một không gian rộng lớn, nhưng cũng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ nơi đây. Không chỉ có Thung lũng Tình yêu và Đồi Mộng Mơ, du khách bắt gặp những công trình kiến trúc nên thơ, đẹp và bí ẩn của cung điện, khách sạn, nhà ga, chợ và những tòa biệt thự phong cách Pháp ẩn dưới những hàng thông..
Pháp đã mang đến Đà-Lạt phong cách của mình, sáng tạo ra những công trình có mặt ở hầu khắp thành phố nên thơ này: nơi nghỉ hè của Vua Bảo-Đại, biệt thự đẹp màu đất son vàng mang phong cách những năm 1930. Ga màu vàng, một bản sao nguyên bản của thành phố Deauville, nhà thờ hoa hồng...cũng như nhiều công trình chứa đựng kỹ thuật và tập quán Pháp. Ở đất nước có lối kiến trúc dựa trên vật liệu tre, gỗ, gạch và ngói như Việt Nam, người ta phát hiện xi măng cốt thép, kim loại và thủy tinh mang hơi hướng phương Tây. Những kiểu nhà dân Pháp với ống khói xinh xắn, các vòm cửa sổ xây kiểu biệt thự, mái nhà kiểu địa phương, ban công đối xứng có những ô cửa kính rộng. Những chi tiết đó là kiểu kiến trúc phỏng theo kiến trúc châu Âu, xu hướng cổ điển mới thế kỷ XIX, và nghệ thuật trang trí thế kỷ XX.
Đó là kiểu kiến trúc mang nỗi nhớ quê hương, được tái tạo ở một thành phố nhỏ mang dáng vẻ thanh bình của nước Pháp. Một kiểu kiến trúc đã rất hài hòa với phong cảnh và khí hậu nơi đây, điển hình của một vùng đất, một nền văn hóa và một lịch sử. Nghệ thuật xây dựng của Pháp đã thực sự hài hòa, với vẻ yên bình của nhịp sống Đà-Lạt. Người Việt-Nam đã kết hợp phong cách kiến trúc Pháp, phát triển phong cách đó để nó trở thành một chuẩn mực sống lý tưởng và dễ chịu nhất.
Kiến trúc Pháp đã được người VN thẩm thấu, hòa nhập và biến đổi để thành tài sản riêng của mình, chứ không còn là sự "chịu đựng”. Nước Pháp đã để lại một hình ảnh kiến trúc đẹp đẽ trong hàng loạt các khu nhà, một hình ảnh văn hóa, một cách sống chứ không còn là sự ‘thống trị". Ngày nay, sự pha trộn giữa hai kiểu kiến trúc Á-Âu và cả hai lối sống đã tạo nên một di sản kiến trúc giàu có ở đây. Đà-Lạt giàu có bởi một hình ảnh kiến trúc đặc trưng ở Việt Nam, và thế giới. Thành phố không chỉ để ngắm, mà còn để sống. Thành phố cần phát triển, và làm giàu hơn nữa...
Hơn thế nữa, vài năm trở lại đây (2011) thì người ta cũng đã thấy có sự xuất hiện thêm của một cuốn sách sưu tầm viết nhiều tài liệu công phu về hình ảnh lịch sử vùng cao nguyên Đà-Lạt của tác giả là nhà văn Eric Thomas Jennings ở tại Hoa-Kỳ. Tên sách là "Imperial Heights'' (Đỉnh Cao Đế Quốc).
Những chứng từ trên đây đã cho người ta thấy rằng nét đẹp trinh nguyên của không gian núi rừng Đà-Lạt khi xưa thật là vô cùng nên thơ huyền ảo, phong phú, đa dạng. Và cho dù ngày nayngười ta có diễn tả ra thêm bằng đủ mọi cách văn chương bóng bẩy nào đi nữa thì cũng chỉ đạt đến mức sâu sắc, tinh tế như thế là cùng!.
Dinh Bảo-Đại

Ga xe lửa
Nhà thờ
Tuy nhiên, dù sao thì người ta cũng nên thông cảm cho với những nỗi lòng của biết bao nhiêu tâm hồn hoài cổ trải qua nhiều thời đại trước đây, họ luôn luôn tiếc nhớ một hình ảnh Đà-Lạt mộng mơ tuyệt vời của thời quá khứ. Và ngay cả gần đây cách nay hơn khoảng chừng nửa thế kỷ, thì miền phong thủy của Đà-Lạt cũng còn được coi như là một nơi lý tưởng từng đã có nhiều yếu nhân trí thức. Cũng như, các thành phần văn nghệ sĩ chọn làm nơi ẩn dật với cuộc sống yên bình giữa chốn rừng thông, cỏ nội hoa ngàn, để tìm nguồn cảm hứng sáng tạo thơ ca, khúc nhạc. Nhưng bên cạnh đó, thì quang cảnh thiên nhiên Đà-Lạt ngày xưa cũng đã có một thời kỷ niệm gắn liền với hình ảnh của những ông tây, bà đầm ngồi chễnh chệ trên chiếc xe kéo ngồi ở phía sau, để cho ông phu già gầy còm đổ mồ hôi gắng sức chạy từng bước một.
Còn Đà-Lạt bây giờ là của thế hệ trẻ, và người ta tìm đến với Đà- Lạt ngày nay cũng không phải còn là một sự ngẫu nhiên. Vì đem thực tế ra mà nói, thì cảnh quan phố núi Đà-Lạt ở cao nguyên nếu đem so bì với các phố núi cao nguyên của các quốc gia văn minh khác ở thế giới bên ngoài, thì cái gì của ta, vì là xứ nghèo, cho nên cũng vẫn hãy còn thua kém họ về mọi mặt. Nói như thế không có nghĩa là đã bị mặc cảm, mà ngược lại, là để chứng minh cho tình tự quê hương một cách nhiệt thành của hầu hết mọi thành phần lữ khách lãng du. Và sự kiện vào mỗi năm khi có dịp nghỉ lễ, dù thời gian ngắn hay dài, thì người dân ở khắp bốn phương trên nẻo đường đất nước cũng đều nô nức kéo về đây tham quan du lịch hay nghỉ dưỡng thật là đông đảo.
Đặc biệt, trong chương trình ngày lễ hội Festival Hoa Đà-Lạt lần thứ 5. Ban Tổ-Chức địa phương đã kết hợp cùng một lúc với kỷ niệm 120 năm Đà-Lạt thành hình (1893-2013), công bố năm du lịch quốc gia 2014 Tây-Nguyên - Đà-Lạt. Và đồng thời, sắp đặt di sản văn hóa và thiên nhiên Unesco- Asean tại vườn Di-Sản và Nghệ-Thuật. Trong những ngày xảy ra lễ hội nầy thì thành phố Đà-Lạt lại có dịp trang hoàng rực rỡ như đã được khoác vào bộ áo lộng lẫy, sang trọng với hàng trăm cây cảnh, giỏ hoa tươi đẹp đủ mọi sắc màu trưng bày rải rác khắp cả phố phường, bờ hồ, thác nước. Và đã thu hút được con số cả chục ngàn du khách thập phương từ khắp mọi nơi đổ về tham quan, ngắm nhìn mãn nhãn.
Festival Hoa Đà-Lạt lần thứ 5
Diễn hành Festival Hoa
Thành phố Đà-Lạt là tỉnh lị của tỉnh Lâm-Đồng có con số 214.443 đầu người theo thống kê vào đầu năm 2013, (Lâm-Đồng là một tỉnh ở cao nguyên Trung phần nhưng không có đường ranh giới quốc tế) nằm cách Hồ-Chí-Minh 308km. Và cách Nha-Trang 130km theo tỉnh lộ 723, có đoạn ngang qua đèo Hòn-Giao độ cao 1.700m, dài 33km, cũng là đèo dài nhất ở VN. Ngày xưa, cao nguyên Lâm-Viên nầy nguyên là quê hương lâu đời của nhiều sắc tộc như là Lạch, Chil, Srê thuộc dân tộc Cơ-Ho, và người Lạch thì chiếm đa số. Trong quá trình thành lập thành phố Đà-Lạt ở giai đoạn đầu tiên, thì do người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1893. Và sau đó đã được vua Duy-Tân ra đạo dụ ngày 20-04-1916 thành lập thị tứ, tiếp theo cho đến ngày 10-11-1950 thì vua Bảo-Đại lại ký thêm đạo dụ ấn định địa giới thị xã Đà-Lạt. Từ cái mốc ấn định địa giới hành chánh sau cùng đó đến bây giờ, thì Đà-Lạt liên tục nhanh chóng đã phải bị nhiều sự thay hình đổi dạng không ngừng. Hay nói cách khác, là kể từ khi được chọn làm thủ phủ của hoàng triều cương thổ cho đến lúc trở thành trung tâm đô thị văn minh hàng đầu ở Tây-Nguyên như hiện nay, thì Đà Lạt đã bị lột xác thay da rất nhiều. Và cảnh quan núi rừng xinh đẹp trinh nguyên lãng mạn, trữ tình không còn tính cách huyền ảo, thơ mộng đúng theo như ý nghĩa của mọi sự cảm nhận sâu lắng giống như xưa. Và đó cũng chính là cái giá phải trả cho mọi sự biến đổi theo dòng thời gian, với hoàn cảnh cuộc sống xã hội văn minh hiện đại, mà môi trường không gian địa lý Đà-Lạt lần lần phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.
Tiện đây, nếu lại nói ngược dòng thời gian thì cách nay đúng 70 năm, thành phố Đà Lạt nầy cũng từng là một địa điểm lịch sử chính thức được chọn dùng làm diễn đàn cho cuộc họp Hội-Nghị Dự-Bị gặp gỡ giữa hai bên phái đoàn Việt-Pháp vào năm 1946. Để bàn thảo về chương trình chuẩn bị, cho hội nghị Fontainebleau xảy ra tại Pháp tiếp theo sau đó chẳng bao lâu. Cần nói rõ thêm, là kết quả của hội nghị Fontainebleau nầy cũng đã không đưa đến một giải pháp thỏa hiệp sáng sủa nào cho tương lai đất nước Việt-Nam, vì tham vọng của Thực-Dân Pháp lúc bấy giờ còn muốn cai trị thuộc địa lâu dài. Chính trong bối cảnh đó mà lúc bấy giờ, là thời kỳ còn có nhiều người Pháp tìm đến sinh sống ở tại phố núi Đà-Lạt mơ mộng yên bình, thụ hưởng cuộc đời êm đềm, thong thả. Đồng thời, họ cũng có dịp để lại những dấu ấn kiến trúc văn hóa Pháp trong quá trình kiến tạo thành phố nầy ở giai đoạn khởi đầu, và nay vẫn còn được thể hiện lại bằng các sự kiện gắn bó hòa quyện vào với phong tục văn hóa truyền thống ở tại địa phương.
Ảnh biệt thự kiến trúc Pháp ở Đà-Lạt
Hiện nay, trên toàn cõi các thành phố ở trong nước từ Bắc chí Nam, cho dù là ở miền đồng bằng, cao nguyên, duyên hải hay thượng du, thì dáng đứng của mỗi địa phương đều có một nét đẹp, và có ý nghĩa riêng không thể nào đánh giá so bì lẫn lộn với nhau. Tuy nhiên, người ta phải thực tế nhìn nhận rằng chỉ có cảnh quan dưới chân trời man mác trong phần hậu cảnh của núi rừng Đà-Lạt là có sức hút diệu kỳ hơn ở bất cứ nơi nào. Chính vì vậy mà từ lâu thành phố cao nguyên Đà-Lạt đã từng được mệnh danh như nào là thành phố mộng mơ, thành phố tình yêu, thành phố ngàn hoa, thành phố ngàn thông, thành phố sương mù, hay mỹ miều hơn là xứ mai hoa đào. Và từ lâu, nét đan thanh của nó đã từng làm cho biết bao nhiêu trái tim con người phải bị rung động qua những tác phẩm nghệ thuật tranh ảnh, hồn thơ, nốt nhạc, áng văn chương thay nhau không tiếc lời ca tụng về một địa danh có nhiều thắng cảnh danh bất hư truyền. Và nếu phải liệt kê ra hết tất cả các địa điểm du lịch ở nơi nầy, thì sợ rằng với một cuộc hành trình ngắn ngủi thì du khách sẽ phân vân không biết nên chọn những chỗ nào thích hợp nhất để tham quan.
Công viên hoa Đà-Lạt
Do vậy, nếu du khách là người đi phượt thì có thể tự lập chương trình và chọn điểm đến, hoặc thuê xe ôm có đội ngũ chuyên nghiệp thì sẽ được hướng dẫn rành rẽ hơn. Nhất là, với những đề nghị đi tham quan vào tận vùng sâu, vùng xa, ngủ lại trong nhà sàn bản Thượng, để có dịp thưởng thức cái thú vị yên lành đầy cảm khái tâm hồn bên cạnh những con người đơn sơ giản dị, hiền lành, chất phác. Hoặc có dịp viếng thăm các nông trại rau cải đại trà từ bao năm qua cung cấp nhu cầu tiêu thụ cho thành phố Hồ-Chí-Minh và các tỉnh miền Tây, các đồi trà, hay các vườn cây ăn trái. Còn đi theo các tổ chức du lịch, thì phần đông họ (các tổ chức) đều thường ghép các thắng cảnh lại rồi chỉ cho đi thăm viếng mỗi nơi một chỗ tượng trưng mà thôi. Tựu trung thì cũng chỉ là các địa điểm thắng cảnh có tính cách thiên nhiên, các công trình kiên trúc nhà cửa, dinh thự, cơ sở tôn giáo, và các địa điểm du lịch văn hóa, lễ hội hoặc ẩm thực đặc sản địa phương.
Tuy nhiên, những điểm nóng du lịch mà người dân Đà-Lạt thường hay tự hào là được du khách bốn phương ưa thích, thì cũng nằm cách không xa trung tâm thành phố Đà-Lạt. Nhất là, kề bên thì có hồ Xuân-Hương vốn là một cái hồ nhân tạo được thực hiện vào năm 1919, có vị trí nằm ngay tại trung tâm phố núi và cũng được ví như là một tấm gương phản chiếu trọn vẹn về hình ảnh thành phố tình yêu lãng mạn. Hồ Than-Thở cũng vậy, tên cũ của người Pháp đặt là "Lac des Soupirs''. Lúc bấy giờ, vào năm 1917 thì hồ nầy đã được họ đắp đập trên một cái ao, để xây dựng lên thành cái hồ chứa nước cung cấp nhu cầu cho thành phố Đà-Lạt. Cảnh trí hoa ngàn, rừng thông lung linh soi bóng nước nơi đây đã từng được thi sĩ Hàn-Mạc-Tử chấp bút đề thơ:
...Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều 
Để nghe dưới nước đáy hồ reo 
Để nghe tơ liễu rung trong gió 
Và để nghe trời giải nghĩa yêu...
Bốn câu thơ được trích đoạn trên đây của Hàn thi nhân đã gợi ra một khung cảnh tưởng tượng thênh thang, đi vào huyền thoại của bản tình ca siêu thoát bên cạnh bờ hồ, có nhiều nét quyến rũ hồn thơ của người thi sĩ vào lúc bấy giờ. Còn cảm nhận của người đời nay đối với mặt nước hồ Xuân-Hương hay là hồ Than-Thở bằng trực giác thì có khác hơn là do thực tế, là nhịp đập của trái tim con người không còn rung động một cách đam mê bằng ảo giác như xưa. Tuy nhiên, đặc biệt là vào những thời gian đêm Đông giá lạnh về, thì du khách cũng sẽ dễ dàng tìm thấy được trên mặt nước hồ bị che chắn bởi một lớp màn sương huyền ảo như bóng hình trong miền cổ tích đầy ấn tượng.
Hồ Xuân-Hương

Hồ Than Thở
Và nếu bạn là người yêu thích thiên nhiên nhiều hơn, thì khi mới đến Đà-Lạt thì hãy tức khắc lên ngay tận đỉnh Lang-Biang, để có cảm giác như thấy mình thực sự đã bị cảnh sắc non cao chinh phục khi có dịp nhìn xuống sườn đồi, chân núi, thung lũng, rừng thông. Rồi nào là từng chòm mây trắng bạt ngàn bay thênh thang trên rừng núi cao nguyên, nào là dòng suối Vàng uốn mình chạy dài như tấm lụa dưới thung lũng bị bao quanh bởi một màu xanh tươi thơ mộng, xen kẽ giữa cỏ hoa rực rỡ sắc màu. Đặc biệt phía xa tầm mắt, thì người ta có thể dễ dàng nhìn thấy toàn cảnh phố núi Đà-Lạt hiện ra thật là hữu tình, thú vị. Tuy nhiên, riêng đối với một kẻ lãng tử đa tình, mới thuở nào có thương trộm nhớ thầm một người yêu nhỏ dưới mái học đường. Cho nên, khi đứng từ đỉnh Lang-Biang nhìn về phía xa, thì chỉ thấy thấp thoáng có mái trường kỷ niệm đã bao lâu từng nằm trong trí nhớ của mình.
Khu du lịch Lang-Biang là một loại hình du lịch dã ngoại, khám phá dáng vẻ cao nguyên sở tại hiện rất được nhiều người ưa thích nhất, nói chung. Tại đây quang cảnh bao la tuyệt vời, sương mù lang thang theo gió ập vào thân thể khách lãng du đem lại cho họ một cảm giác lâng lâng như lạc vào cõi thiên thai. Vào thời điểm đông người thì nhà hàng, quán xá, quầy bán đồ lưu niệm, vườn hoa muôn sắc chật ních người. Và các dịch vụ giải trí thể thao như hồ bơi, sân quần vợt, leo núi, dù lượn hoặc xe ngựa, xe 4x4 v.v thì cũng đều có du khách cùng tham dự vui chơi cho đến lúc đêm về thưởng thức thêm những màn trình diễn văn nghệ cồng chiêng ở Tây-Nguyên.
Cận cảnh dưới đỉnh Lang-Biang

                             Đội ngũ xe 4x4 phục vụ
Dù lượn

Tại phố núi Đà-Lạt, và nói chung là của tỉnh Lâm-Đồng hiện nay có tất cả hơn 60 địa điểm du lịch đã được các nhà nghiên cứu phân chia theo từng nhóm như thắng cảnh thiên nhiên, công trình kiến trúc, công trình tôn giáo, địa điểm du lịch văn hóa lễ hội cũng như ẩm thực đặc sản địa phương. Chẳng hạn như Đồi Cù, Đèo Ngoạn-Mục, Thác Prenn, Khách-sạn Đà-Lạt Palace, Biệt-thự Hằng-Nga, Ga Đà-Lạt, Nhà thờ Con Gà, Thiền-viện Trúc-Lâm, Bảo-tàng Lâm-Đồng, Cáp treo Đà-Lạt, Công-viên hoa Đà-Lạt, khu du lịch Rừng Madagui, và các lễ hội Hoa, lễ hội Trà, Atisô v.v. Và đối với thành phần du khách, thì cứ mỗi điểm dừng chân là một bức tranh mang nét đẹp ở phần hậu cảnh khác nhau qua những tấm ảnh chụp từ xa hoặc ở gần.
Thác Pongour hùng vĩ
Giờ đây, có một điều giả tưởng thú vị nhái theo như trí tưởng tượng trong tuồng tích cải lương nhưng người ta sẽ không bao giờ còn có thể tìm thấy được hình bóng của người sơn nữ Phà-Camặc xiêm y sắc tộc...lại buồn bên dòng thác Pongour nữa. Vì rằng hiện nay ảnh hưởng của ánh sáng văn minh điện, đường, trường, trạm đã đem về tới cả buôn làng, và cuộc sống thương yêu hòa đồng của cộng đồng các sắc dân cộng cư tại địa phương cũng đều cùng quay chung theo tốc độ của thời gian. Chính vì vậy mà ngoài cảnh quan tuyệt đẹp của thiên nhiên nên thơ huyền ảo, thì đi thực tế mỗi con người sở tại đã biết tận dụng khả năng lao động của đôi bàn tay để tự mình xây dựng cuộc đời, và tự mình quyết định cho cả tương lai. Do vậy, một hình ảnh Đà-Lạt đi tiên phuông trên con đường văn minh, hiện đại hóa ở cao-nguyên, thì chắc hẳn phải là một thành phố có nhiều nét chấm phá ngoại lệ của đô thị. Và người ta cũng không ngạc nhiên, khi nhìn thấy đã có những tổ chức hoạt động văn hóa thuần tính nhân văn xã hội nhằm mục đích giới thiệu, tôn vinh giá trị cổ truyền, vẻ đẹp của nghệ thuật sâu lắng qua hình ảnh thủ công tranh thêu. Các ngày Festival Hoa, lễ hội trà, lễ hội cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, lễ cúng thần suối, lễ cúng cơm mới v.v xảy ra thường xuyên ở tại địa phương.
Song song đó là những cảm tình đối với cảnh quan phố núi Đà-Lạt từ lâu, thì mới đây, nhiều tờ báo săn tin showbiz ở trong nước cũng đã từng không tiếc lời ca ngợi về vẻ đẹp mơ màng, tinh khôi của một mỹ nhân, hiện đang nép mình trong thành phố trữ tình, lãng mạn, ngàn hoa qua nghệ thuật nhiếp ảnh thẩm mỹ tinh xảo. Và có trình bày, giới thiệu về những mẫu hình nghệ thuật từng đã được cộng đồng cư dân mạng đặc cách gọi là gây xôn xao về hiện tượng mới củahot girl thuộc thế hệ 9x hiện tại...Và cũng cách với thời gian trước đó không bao lâu, thì trên mạng của đài phát thanh hải ngoại cũng có đề cập đến trường hợp một nữ sinh ưu tú của trường Couvent des Oiseaux Đà-Lạt, đến Hoa-Kỳ trơ trọi chỉ có một mình khi còn nhỏ không bà con thân thuộc. Nhưng nhờ có tinh thần chân cứng đá mềm, chí bền tâm sáng, kiên nhẫn tự lập, và hiếu học, cho nên đã vượt qua bao trở ngại thành đạt công danh với cấp bằng Tiến-sĩ, hanh thông trên con đường sự nghiêp ở nước ngoài. Hiện cô đang sinh hoạt phục vụ xã hội cộng đồng ở tại thành phố Chicago, Illinois.
Còn thực tế, đi ngược dòng thời gian thì đặc biệt đối với một người nghệ sĩ tài hoa khác từng nổi tiếng vang dội một thời, thì Đà-Lạt chính là thành phố của định mệnh về sự nghiệp cầm ca của nghệ sĩ Khánh-Ly. Chính tại phố núi cao nầy là nơi tao ngộ lịch sử cá nhân giữa Khánh-Ly và nhạc sĩ Trịnh-Công-Sơn. Và như hầu hết mọi người đều biết, là nếu không có những tác phẩm để đời của nhạc sĩ Trịnh-Công-Sơn, thì chắc chắn con đường tột đỉnh vinh quang về nghệ thuật cầm ca của nghệ sĩ Khánh-Ly sẽ không bao giờ có.
Khánh-Ly và Trịnh-Công-Sơn một thời vang bóng

Khánh-Ly viếng mộ Trịnh-Công-Sơn
Theo số liệu thống kê của tỉnh Lâm-Đồng trong 9 tháng đầu của năm 2015 vừa qua, thì tổng số lượng du khách đến Đà-Lạt đạt hơn 3,6 triệu lượt. Trong số đó có 3,5 triệu là khách nội địa. Nói riêng về thành phố cao nguyên Đà-Lạt nếu đem so chung với hai thành phố miền duyên hải khác là Nha-Trang và Phan-Thiết, thì con số du khách nước ngoài đến đây có phần nào khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Đà-Lạt không có thế mạnh riêng để quyến rũ, và sẵn sàng đón chào du khách bằng những hình ảnh thân thiện, hòa bình, truyền cảm khác. Từ lâu, đó cũng chính là dấu hỏi dành cho phương cách tổ chức cũng như phần hành trách nhiệm của mảnh đất chủ nhà tại địa phương tự nhìn thấy rõ ràng những khó khăn. Và khuyết điểm tệ đoan nào cần khắc phục, hầu phục vụ sao cho du khách thấy vui lòng khi đến, và khi đi còn bịn rịn bao niềm thương tiếc nhớ nhung...
Còn riêng vào tháng 8 cũng trong năm rồi, thì địa phương Lâm-Đồng cũng đã có tổ chức lần đầu tiên lễ hội "Mùa hè Đà-Lạt'' với chủ đề " Đà-Lạt, những cung đường xanh''. Để cho mọi người (đặc biệt là các dân yêu thích du lịch phượt), có dịp khám phá thêm về nét đẹp ở phía Nam Tây-Nguyên.
Và vào dịp cuối năm 2015 và đầu năm Dương-Lịch 2016, thì Đà-Lạt cũng đã có tổ chức Festival lần thứ 6 với chủ đề "Đà-Lạt - muôn màu sắc hoa" trong thời gian từ 29/12/15 đến 2/1/16. Khai mạc đúng vào đêm 29/12 tại công viên Lâm-Viên với sự hiện diện khách mời của hơn 20 Đại sứ quán, Lãnh sự quán, và hàng chục ngàn người dân sở tại cùng nhiều thành phần du khách bốn phương. Festival hoa năm nay cũng chính là sự tiếp nối theo tiền lệ tổ chức hai năm một lần, để nhằm mục đích quảng bá, và khẳng định lại mọi sự tôn vinh về giá trị của sắc hoa Đà-Lạt.
Trong thời gian xảy ra lễ hội, thì đã có tới hơn 500.000 ngàn người đến tham quan cung điện trong sương, carnaval sắc hoa Đà-Lạt có sự tham gia của 16 cỗ xe hoa tươi trang trí lộng lẫy. Không gian hồ Xuân-Hương tưng bừng xuất hiện sắc màu của các gian hàng cà phê, khu phố trà, hội họa, thư pháp, nhiếp ảnh, phiên chợ rau, đặc sản địa phương v.v. Ngoài ra, đặc biệt còn có các chương trình biễu diễn văn nghệ của khoảng 1.000 diễn viên tái hiện quá trình hình thành, và phát triển thành phố Đà-Lạt bằng với các tiết mục nghệ thuật thật là đặc sắc của những nét văn hóa dân tộc Tây-Nguyên. Các tiểu cảnh triển lãm cây cảnh phong phú, các làng hoa đón chào du khách tham quan mãn nhãn. Năm nay, thời tiết Đà-Lạt không lạnh nhiều cho nên rất thuận tiện cho hầu hết mọi người dân tràn ngập phố phường xem xe hoa, hội chợ. Và tất cả các khách sạn trước những ngày xảy ra lễ hội, thì đều không còn một chỗ trống. Và đặc biệt hơn bao giờ hết, là ngày lễ bế mạc Festival lần thứ 6 nầy, sắc màu của vẻ đẹp ngàn hoa Đà-Lạt, và phương cách tổ chức thành công tốt đẹp đã mang lại nhiều ấn tượng truyền cảm luyến lưu vào lòng du khách bốn phương.
Lễ khai mạc Festival hoa Đà-Lạt lần thứ 6
Tràn ngập người dân xem bắn pháo hoa
Giỏ hoa tươi trong ngày lễ hội
Ngoài ra, còn có thêm một tin vui mừng khác đã đến với thành phố nầy nhân dịp bước sang vào năm mới 2016. Là thành phố sương mù Đà-Lạt cũng đã được trên chuyên trang du lịch của tờ báo New York Times (Hoa-Kỳ) chính thức bình chọn xếp hạng 30/52 địa điểm được coi như là có nhiều ưu thế thắng cảnh hấp dẫn, tuyệt vời. Và thích hợp, để cho du khách trên toàn thế giới tìm đến tham quan, khám phá.
Tại Việt-Nam, hiện nay có tất cả là 19 địa điểm du lịch được thế giới bên ngoài thường xuyên nghe biết đến. Đó là Hà-Nội, Hồ-Chí-Minh, Huế, Đà-Nẳng&Hội-An, Nha-Trang, Phan-Thiết, Sapa, Đà-Lạt, Qui-Nhơn, Củ-Chi&Tây-Ninh, Cần-Thơ, Hạ-Long, Mỹ-Sơn, Phong-Nha&Kẻ-Bàng, Hoa-Lư&Tam-Cốc, Mai-Châu, Mekong, Phú-Quốc và Trường-Sa. Riêng phố núi Đà Lạt, kể từ khi không còn có sức hấp dẫn, thu hút được du khách nước ngoài tìm đến tham quan bằng những nơi khác, thì đó là bởi lý do có sự xuống cấp mỹ quan trong thành phố cũng như ở bên ngoài phong cảnh địa lý ở quanh vùng. Điều mà từ lâu, chính người dân quê hương sở tại ngày nay cũng không thể có đóng góp ý kiến nào làm khác lại hơn, để nhằm mục đích bảo vệ hữu hiệu môi trường thiên nhiên vốn đã bị tàn phá không còn nguyên vẹn được như xưa.
Tuy nhiên, dấu ấn còn sót lại mà Đà-Lạt đã từng gieo bao kỷ niệm nhớ thương vào trong lòng người thì mới chính lại là điều muốn nói.
Đó là tình yêu và nghệ thuật.
Tình yêu xuất phát từ ở tâm hồn, và nghệ thuật được thể hiện ra qua tinh thần sáng tạo. Tình yêu là động lực, còn nghệ thuật là hình thái biểu hiện tư tưởng qua phương tiện gợi cảm cho con người. Tình yêu thủy chung tự nó dung hòa cái đẹp, cái xấu, trộn pha cái hay, cái dở, nắm bắt lấy cái phần hồn duyên dáng, sâu lắng đã làm rung cảm được trái tim của người nghệ sĩ sáng tác ra thành thơ, thành nhạc bằng với tất cả khả năng tinh thần nghệ thuật sẵn có của mình.
Con đường cái quan của đất nước Nam ta có thiên hình vạn trạng nét gấm hoa từ miền xuôi, miền ngược, từ miền lục địa vươn tận ra ngoài hải đảo. Buổi sáng, người ta dễ dàng nhìn ra thấy được cảnh đẹp của mặt trời hùng dũng khi ló dạng ra khỏi biển Đông. Buổi chiều, người ta có dịp mục kích hoạt cảnh thiên nhiên kỳ ảo, lãng mạn, trữ tình ẩn hiện từ phía dãy núi, chân mây với hình bóng của từngđàn chim việt cành nam tung cánh bay về núi...
Mặt trời mọc ở biển Đông

Đàn chim tung cánh theo đội hình chữ "V''
Và đặc biệt trở lại dấu ấn một thời vang bóng của phố núi bình yênĐà-Lạt, thì người ta có thể nói rằng trước khi nước nhà thống nhất thì nơi nầy là biểu tượng cho hình ảnh của một thành phố cao nguyên có dáng vẻ nên thơ, kiêu sa, quý phái nổi tiếng nhất trên toàn quốc. Còn ngày nay, cho dù địa danh Đà-Lạt tuy không còn giữ được cái thế thượng phong để hấp dẫn được nhiều thành phần du khách nước ngoài như ở tại các địa phương khác nhờ có di tích lịch sử, kỳ quan thiên nhiên tầm cỡ quốc tế. Nhưng nếu nói riêng về sự cảm xúc của người nghệ sĩ dành cho Đà-Lạt, thì quả thật từ lâu người ta không thể tìm thấy được nét đẹp ở trong bất cứ thành phố nào. Hay thắng cảnh kỳ quan thiên nhiên nào trong nước, mà lại có thể có tới được mấy mươi tác phẩm của nhiều tác giả sáng tác âm nhạc đã từng diễn tả thoát ra khỏi tâm hồn bằng lời thơ, nốt nhạc, gợi tình màu sắc cảnh quan sở tại. Điển hình, như là bài hát nổi tiếng"Ai Lên Xứ Hoa Đào''*.
Hoa đào Đà-Lạt
Sau cùng, để kết thúc bài ký sự về phố núi bình yên Đà-Lạt có nhiều lợi thế tiềm năng đầy triển vọng ở tương lai, tác giả xin gợi lại hình ảnh trong buổi khai mạc Tuần lễ Pháp vào năm 2013 nhằm mục đích kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương Việt-Pháp. Đồng thời, cũng là kỷ niệm 120 năm thành lập thành phố Đà-Lạt, thì thêm một lần nữa Đà-Lạt cũng đã từng được ông Jean-Noel-Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt-Nam khẳng định cho rằng là những người Pháp yêu mến, gắn bó với đất nước VN đều biết đến Đà-Lạt, họ rất quan tâm đến sự mở mang của thành phố nầy.
Và ông đã có phát biểu những ý kiến thú vị như sau:
 ...''Đà-Lạt đang có được mức tăng trưởng đáng tự hào, một đời sống văn hóa hiện đại. Đây là một địa chỉ du lịch hàng đầu tại Việt-Nam. Chúng tôi mong rằng Pháp sẽ được tham gia tích cực vào quá trình phát triển của tỉnh Lâm-Đồng, và thành phố Đà-Lạt''...
Đây chính là một sự kiện lịch sử đáng chú ý theo ngược dòng thời gian, mà phố núi mai anh đào đã được đánh giá về tiềm năng trong tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế du lịch ở tại địa phương. Và cột mốc của thời gian nầy, đương nhiên cũng đã được coi như là khởi điểm làm bàn đạp để vận động cho Đà-Lạt tăng thêm phần duyên dáng, tự tin. Để cất cánh vươn mình, văn minh tiến bộ, xứng đáng với hình ảnh của một thành phố từ lâu nổi tiếng là thanh lịch nhất ở cao nguyên.
Bài hát
Ai Lên Xứ Hoa Đào
(Sáng tác: Hoàng-Nguyên)
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa
Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai
Ðường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên
Ôi! Màu hoa đào, màu hoa đào chiều xuân nào
Ôi! Màu hoa đào như môi hồng người mình yêu
Ôi! Màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa
Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai...

Hình ảnh về Festival hoa ở Đà-Lạt 
Mai Lý Cang
Theo http://chimvie3.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ Nguyễn Trần Hoàng Viện ở Cần Thơ

Chùm thơ Nguyễn Trần Hoàng Viện ở Cần Thơ Nhà thơ trẻ Nguyễn Trần Hoàng Viện còn có bút danh khác là HSong Phương, sinh năm 1988, trong mộ...