Lâm Thị Mỹ Dạ và sự ám ảnh
về cái đẹp của tâm thức hiện
sinh
Bên cạnh cái đẹp của sự nổi
loạn, sự ám ảnh về cái đẹp của tâm thức hiện sinh trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ còn
là cái đẹp của nỗi cô đơn phận người đã hóa thân vào nỗi cô đơn của tự nhiên.
Đó là sự cô đơn của một đóa quỳnh, một ánh trăng, một bầu trời... Đây là nỗi cô
đơn bản thể bao phủ cõi nhân gian, bao phủ tâm hồn thi sĩ như lời tự vấn về sự
hiện hữu của phận người không dễ lý giải.
1. Trong lời mở đầu Tuyển
tập Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà thơ đã chia sẻ: “Tôi nhớ hồi còn bé, lúc ấy tôi chưa đi
học. Có một buổi sáng mải chạy đuổi theo con chuồn chuồn đỏ, tôi đã bị trượt
ngã. Khi ngồi dậy vô tình bàn tay tôi chạm vào ngực mình. Tôi hốt hoảng nhận ra
trong người mình có những tiếng đập lạ. Tôi chạy nhanh về nhà, đưa tay sờ lên
ngực mọi người, rồi lắng nghe. Khi biết chắc trong ngực ai cũng có những tiếng
đập như vậy, tôi mới hết lo lắng và thở phào nhẹ nhõm... Đó là lần đầu tiên
trong đời tôi biết mình có một trái tim.
Tôi đã sống bằng trái tim
đó, trái tim lần đầu được biết đến bằng sự đi tìm cái đẹp – màu đỏ của con chuồn
chuồn ngày thơ dại. Và tôi không ngờ rằng chính con chuồn chuồn ớt ngày ấy là
thứ ánh sáng của tín sứ đã dẫn dắt tôi vào cõi thơ huyền diệu, lạ
lùng...
Với tôi – thơ là cái đẹp -
mãi mãi như vậy.”(1)
Có thể xem đây là tuyên ngôn
về thơ của chị chăng? Đời thơ của người đàn bà mang cái tên đẹp đến huyền bí: Mỹ
Dạ đã cho thấy khát vọng hướng tới cái đẹp như một nỗi ám ảnh trong vô thức và
tâm linh của Chị. Và có thể nói không ngại ngần, hành trình thơ của Lâm Thị Mỹ
Dạ là hành trình đi tìm cái đẹp của thơ, cái đẹp của cuộc đời, của sự hiện hữu
và đó cũng là cái đẹp của tâm thức hiện sinh ám ảnh trong thơ, gắn liền với
hành trình sống và viết của chị.
2. Quả thật, nói đến
cái đẹp trong thơ là nói đến một hằng số văn hóa làm nên yếu tính của thơ. Và
thơ chính là cái đẹp của cuộc sống, là một tâm thức hiện sinh chi phối hành
trình sáng tạo của nhà thơ. Vì vậy, những gì xa lạ với cái đẹp thì không phải
là thơ. Lâm Thị Mỹ Dạ là một trong không nhiều thi sĩ có ý thức rất rõ về cái đẹp
trong thơ. Đó là sự ám ảnh về cái đẹp của một tâm thức hiện sinh. Thơ Lâm Thị Mỹ
Dạ vì thế, là thơ luôn hướng đến những giá trị mỹ cảm có tính nhân bản sâu sắc.
Và từ điểm nhìn triết học hiện sinh, cái đẹp trong tâm thức hiện sinh là những
mỹ cảm gắn với nỗi buồn, niềm đau, sự hư ảo, nỗi cô đơn phận người trong kiếp
lưu đày, những phạm trù mà chủ nghĩa hiện sinh quan tâm lý giải.
Với Lâm Thị Mỹ Dạ sự ám ảnh
về cái đẹp của tâm thức hiện sinh trong thơ chị bao giờ cũng gắn với tình yêu
mà ở đó luôn chất chứa những nỗi buồn, niềm đau và sự cô độc mà thi nhân trải
nghiệm trong đời.
Em chết trong nỗi buồn/ Chết
như từng giọt sương/ Rơi không thành tiếng
Không chỉ “chết trong nỗi buồn”
mà còn chết trong cả niềm cô độc của “những ngày không anh”. Nhưng đó là những
nỗi buồn đẹp, thánh thiện và lãng mạn.
Những ngày không anh/ Trăng về
xây tổ/ Ngắm cũng không đành
Bao giọt nước mắt/ Những
ngày không anh
Kết thành chuỗi hạt/ Chuỗi
buồn long lanh
(Những ngày không
anh)
Tình yêu trong thơ Lâm Thị Mỹ
Dạ là thế giới của những khát vọng, ước mơ, mộng mị nhuốm đầy đau thương
gắn liền với hành trình sống, với sự hiện hữu của thân phận mà chị là một hữu
thể. Đây là sự ám ảnh về cái đẹp của tâm thức hiện sinh mà bài thơ “Đề tặng một
giấc mơ” là một biểu hiện sinh động cho những mỹ cảm mang tính triết luận của
tâm thức hiện sinh được biểu hiện qua cái tôi bản thể tan chảy trong thơ tạo
thành những giấc mơ đầy ám gợi và đẹp đến huyền ảo.
Đêm qua/ Tôi mơ thành tôi
Tôi mơ thành chim/ Tôi mơ
thành giấc mơ
(Đề tặng một giấc
mơ)
Hay sự tự vấn về hiện hữu, về
sự hư hao mỏng manh của kiếp người luôn ám ảnh cảm thức thi nhân trong bài thơ
“Một mình”.
Bây giờ chỉ một mình ta/ Một
mình ta với bao la một mình...
Khóc ta hạt bụi vô thường/
Mai kia tìm chốn cội nguồn nghỉ ngơi
(Một mình)
Điều này đã xác tín vẻ đẹp của
tâm thức hiện sinh trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là một giá trị mang tính sáng tạo của
một nhà thơ luôn biết vượt lên chính mình.
Một bài thơ viết cho anh/ Viết
cho một thoáng mong manh tuổi người
Nhẹ rồi kìa hạt sương rơi/
Thời gian đếm tuổi gửi vào hư vô
Đời qua nhanh có ai ngờ/ Giật
mình ngoảnh lại ngẩn ngơ tuổi mình
(Tuổi anh)
Nhưng sự mong manh
của thân phận chỉ có thể được cứu rỗi bởi sự vô cùng của
tình yêu, nên trong tâm thức của Lâm Thị Mỹ Dạ, thân phận vẫn hiện hữu cùng với
sự hiện hữu của tình yêu tạo thành cái đẹp miên viễn. Vì thế, cho dầu: “Mịt mù
trong khoảng bể dâu/ Tuổi người một chấm biết đâu kiếm tìm”. Nhưng chẳng có hề
gì. Bởi: “Mai kia tóc trắng mây trời/ Tuổi anh sâu nặng một đời trong em” (Tuổi
anh)
Vâng! Thân phận con người
thì hư ảo và mong manh như sương khói mù khơi. Nhưng Tình yêu của con người nếu
biết nuôi dưỡng, tôn thờ, sẽ là một giá trị hằng có của cái đẹp hiện sinh, góp
phần nối dài ý nghĩa về sự hiện hữu vốn rất hữu hạn của kiếp người. Sự tận hiến
trong tình yêu bao giờ cũng là một hằng số của cái đẹp trong cuộc sống và trong
thơ. Và đây cũng là một sự ám ảnh về cái đẹp của tâm thức hiện sinh trong thơ
Lâm Thị Mỹ Dạ.
Ước gì/ Anh là dòng sông/
Cho em soi thấy mình như trời cao rộng
Ước gì/ Anh là dòng sông/ Để
tận cùng anh em gặp chính mình
Tình yêu luôn có sức sống
mãnh liệt, không một trở lực nào ngăn cản được. Trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, tình
yêu không chỉ có sự hồn nhiên, lãng mạn, đằm thắm, dịu dàng, nữ tính vốn là vẻ
đẹp của thơ chị như nhiều nhà nghiên cứu đã viết mà ta còn bắt gặp trong đó cái
đẹp của một khát vọng luôn bùng cháy với những đam mê cuồng si, mạnh mẽ, nổi loạn
của trái tim đang yêu. Đây cũng là nét đẹp của tâm thức hiện sinh ám ảnh trong
thơ chị mà những bài thơ “không đề” như tuyên ngôn cho sự nổi loạn đáng
yêu này và nếu không có một tình yêu mãnh liệt/ tận hiến, Lâm Thị Mỹ Dạ
không thể viết được những câu thơ thấm đẫm cảm thức hiện sinh dữ dội và đau đớn
như thế này:
Cuộc đời em vo tròn lại/ Và/
Ném vào cuộc đời anh
Nó sẽ lặn sâu tận đáy/ Cuộc
đời anh/ Sâu cho đến tận... cái chết
Trời ơi,/ Làm sao mà có một
cuộc đời/ Để cho tôi ném đời mình vào đó
Mà không hề cân nhắc đắn đo/
Rằng: cuộc đời ấy còn chưa đủ...
(Không đề)
Hay:
Khi em sống ngang tàng cao
thượng/ Em thấy mình như trời xanh
Cánh chim anh không bao giờ
bay hết/ Nhưng nếu khi em yếu mềm hèn nhát
Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân
anh.
(Không đề 2)
Vâng! “ngang tàng mà cao thượng”,
phải chăng là biểu hiện của sự nổi loạn trong tâm thức hiện sinh, một ý tưởng
khá xa lạ với tư duy của các nhà thơ nữ và của chính Lâm Thị Mỹ Dạ. Nhưng chính
điều này đã làm nên vẻ đẹp trong hồn thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Trong cõi nhân gian đầy
bất an này, có những cái ngang tàn cao cả, đáng yêu nhưng lại có những sự nhẫn
nhục hèn hạ, đáng ghét, vì nó giết chết khát vọng sống cao đẹp của con người,
biến con người thành một thứ nô lệ, kể cả nô lệ của tình yêu. Bởi, như nhà thơ
Phùng Quán đã xác quyết: “Yêu em anh không thể/ Hôn em bằng đôi môi/ Của một
người nô lệ”. (2) Thế nên, Sự nổi loạn của tâm thức hiện sinh trong
thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là một giá trị riêng có không thể phủ nhận.
Em yêu anh/ Và có lúc/
Tưởng chẳng còn yêu anh nữa
Không nỗi nhớ/ Không nỗi
đau/ Không sự khát thèm
Không cả niềm mộng mơ kỳ lạ/
Nhưng có lúc/ Mọi nỗi bỗng trào lên tất cả
Như bất ngờ núi lửa/ Đột ngột
sao băng/ Rực rỡ chói lên mạnh mẽ
(Không đề 1)
Và tận cùng sự nổi loạn của
tâm thức hiện sinh trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là cảm quan đầy “thách thức” và
“ngông cuồng” của thi nhân khi đối diện với biển. Trước biển mênh mông con người
bao giờ cũng thấy mình nhỏ bé và hữu hạn. Nhưng với Lâm Thị Mỹ Dạ, biển cũng chỉ
là một chứng nhân của hiện hữu để tâm tình, để đối thoại, để sẻ chia:
Ta một mình chạm ly với biển/ Biển
cười vang
- Sao người quá ngông cuồng/
Thôi cần chi, ta ném vào đáy thẳm
Chén đời ta/ Xoáy lòng biển
một vết thương
(Với biển)
Bên cạnh cái đẹp của sự nổi
loạn, sự ám ảnh về cái đẹp của tâm thức hiện sinh trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ còn
là cái đẹp của nỗi cô đơn phận người đã hóa thân vào nỗi cô đơn của tự nhiên.
Đó là sự cô đơn của một đóa quỳnh, một ánh trăng, một bầu trời... Đây là nỗi cô
đơn bản thể bao phủ cõi nhân gian, bao phủ tâm hồn thi sĩ như lời tự vấn về sự
hiện hữu của phận người không dễ lý giải.
Sao không là hai/ Mà quỳnh
chỉ một
Trăng cô đơn trời/ Quỳnh
ơi, ta ngồi/ Một quỳnh, một ta/ Lặng thầm, thiết
tha
(Một quỳnh một
ta)
Hay:
Một mình lắng, một mình
nghe/ Ơ kìa cái cõi – đi – về gang tay!
Một mình cho hết đêm nay/ Ta
ngồi với bóng ôm đầy nhân gian
(Một mình)
Và sự tự vấn này càng cho thấy
sự ám ảnh về cái đẹp của tâm thức hiện sinh trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng là một
hiện hữu như chính sự hiện hữu của bản thể luôn dày vò tâm cảm chị đến đớn đau
làm tứa máu trái tim vốn yếu mềm của một phụ nữ hiền lành và nhân hậu như chị.
Sao không là đất/ Thấm đẫm
bao mồ hôi nước mắt
Sao không là trời/ Giông
bão cuồng say rồi tắt
Sao ta là Con Người!?
(Nhiều
khi)
Câu hỏi tưởng chừng như “ngô
nghê” nhưng tư tưởng thì không “ngây ngô” chút nào. Đây là câu hỏi đầy
tính triết luận - hiện sinh về chính sự hiện hữu của mình. Có khi nào ta tự chất
vấn, mình có còn là Con Người hay không!? Câu hỏi của Lâm Thị Mỹ Dạ đặt
ra trong thơ không khỏi làm ta giật mình, thổn thức. Thời gian qua rất nhanh, sự
hiện hữu của con người trong cõi đời cũng chỉ là một thoáng chớp mỏng manh, hư ảo
nhưng sao nhân loại cứ mãi sống trong thù hận, tị hiềm, chia cách mà không đối
xử với nhau như những con người tử tế !? Bởi theo Lâm Thị Mỹ Dạ, chúng ta
đang “tự sát bằng thời gian”. Đó là bi kịch của phận người mà thi sĩ đã quán
chiếu qua cái nhìn của tâm thức hiện sinh. Nói như Heraclitus: “Không ai có thể
tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Và đây cũng là một cảm thức hiện sinh ta
luôn bắt gặp trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ:
Số phận cay nghiệt ơi/ cuộc
sống dịu dàng ơi
thời gian một đời người
không lặp lại
một ngày qua đi/ một ngày ta
dần mất ta/ từng chút, từng chút một…
(Ngày hôm qua, ngày hôm nay)
3. Dostoevsky, một
trong hai nhà văn Nga vĩ đại thế kỷ 19, được xem là người tiên tri cho chủ
nghĩa hiện sinh thế kỷ 20 đã có câu nói nổi tiếng: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới!”
Vâng! cái đẹp trong cuộc sống luôn là một giá trị vĩnh hằng song hành cùng hiện
hữu để cứu rỗi con người cũng như làm thăng hoa sự sáng tạo của người nghệ sĩ.
Đây cũng là một tín niệm của Lâm Thị Mỹ Dạ trong thơ mà chị chia sẻ như một vẻ
đẹp của tâm thức hiện sinh đã ám ảnh hành trình sáng tạo của chị.
Vì cái đẹp/ Vì thơ/ Ta sống
Tâm hồn ơi/ Đừng hóa thạch/
Xin đừng…
(Nguyện cầu)
Và cái tâm thức hiện sinh ấy
đã trở thành điểm tựa để chị tìm về với chính mình sau những tháng ngày rong ruổi
trong nỗi buồn, niềm cô đơn của thân phận mà bài thơ Tôi về với tôi như
một chiếc chìa khóa
Chú thích:
(1) Lâm Thị Mỹ Dạ Tuyển
tập, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2011, tr.5
(2) Nhiều tác giả, Nhớ
Phùng Quán, Nxb. Trẻ, 2003, tr.323
* Những câu thơ trích dẫn
trong bài viết đều lấy từ tác phẩm Lâm Thị Mỹ Dạ - Tuyển tập, Nxb. Hội Nhà
văn, H, 2011.
Xóm Đình An Nhơn - Gò Vấp, Những ngày Xuân ly hương
Sài Gòn, Mùng 2 tết Ất Mùi, 20/2/2015
TRẦN
HOÀI ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét