Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

Mười năm sương khói lãng mạn trong thi ca Bích Xuân

Mười năm sương khói lãng mạn 
trong thi ca Bích Xuân 
Dix années de passion et de romantisme à travers la poésie et la musique de Bích Xuân”. Theo tôi, nên dịch sương khói bằng “aventures” (au pluriel) và nên bỏ chữ “passion” (được dùng một cách chính thức trong chủ đề buổi Văn hóa - Văn nghệ chiều 08-02-2004 taị Nhà hàng New Planet, Quận 13, Paris (1), vì passion có nghĩa là luyến tình hay tình dục... “Aventures” nhẹ nhàng hơn... Như trong bài hát Mes aventures... en aventure... Hôm nay, tôi có đôi lời cảm nghĩ về khía cạnh này qua10 năm hoạt động văn nghệ thuật của Bích Xuân.
Nguyệt san “Tin Tức” (Báo hàng tháng tin tức và trào phúng ở Paris) số tháng 9-2003 nhân dịp “Mùa Xuân Châu Ngọc” (Tập truyện, do Nghệ Thuật - Canada xb 2003, 292 trang) của Bích Xuân ra đời có Phỏng Vấn tác giả : Trong những độc giả của cô, tầng lớp nào thích đọc truyện và thơ của cô? Trả lời: “Từ 30 tuổi đến 80”. Nói như thế, phải chăng BX muốn loại trừ một số đông sinh viên của Tổng Hội VN Paris, một số đông thi văn nhạc sĩ trẻ tuổi của Thư Viện Diên Hồng - Paris vân vân, ra ngoài những độc giả yêu chuộng và hâm mộ BX, và (trên một tầng cao vót) ngay cả “Bác Duy” mà nàng đã ca tụng trong tác phẩm xb năm 2003 của nàng? Ta hãy lắng nghe: Năm nay Phạm Duy đã 81 tuổi, tôi nhìn vào mắt ông cả bầu trời hun hút, trong đó nổi lên bao sóng gió, một tâm hồn sâu thẳm và khác lạ. Với tuổi 81 ông chưa chịu dừng lại, mà vẫn còn khát khao giấc mơ, mê say cuồng nhiệt ngân lên khúc nhạc đời, cũng như khúc nhạc lòng ân ái, trong thế giới riêng tư của ông (Mùa Xuân Châu Ngọc, tr. 204) .
Nhạc sĩ Phạm Duy là người đầu tiên đã khao khát ước mong: “Chao ôi, sẽ biết bao vui sướng nếu được là “Chàng” (1996) trong thơ BX để:
Chạm vai em đìu hiu trên da men sữa.
Ðôi mắt xanh tươm hương mọng mật
(Tuần báo Việt Nam: Weekly News Dallas).
Cũng vì vậy mà nhà thơ nữ ”... đi bên cạnh ôm chặt lấy cánh tay ông (Ns Phạm Duy), như đôi tình nhân nghệ sĩ lãng mạn nhất thế kỷ...” (tr. 209). Trịnh Hưng (chỉ mới ngoài 70), không được cái may mắn của Phạm Duy. Theo BX (Trước Khi Mùa Xuân Ðến, tr. 249): “Nhạc sĩ Trịnh Hưng cách đây 50 năm về trước, chuyên sáng tác những nhạc phẩm canh kê lúa gạo, là quê hương của những người giàu tính thiên nhiên dân tộc (Tôi Yêu, Lối Về Xóm Nhỏ v.v...): Ngồi trước mặt tôi bây giờ là một ông già, theo định luật của thời gian. Một ông già nghệ sĩ ăn mặc xuềnh xoàng “bụi đời”. Trong chuyến đi chung qua Montréal để dự lễ Kỷ Niệm Ðệ Thất Chu Niên của Nguyệt san Nghệ Thuật năm 2001 (7 & 8 th. 04), hai người được giới văn nghệ sĩ ở đây đón tiếp nồng hậu, và nhất là được mời ăn và tham dự Quán Cóc (2) tại Nhà hàng của cô Tư Hồng Ngự... (Trước Khi Mùa Xuân Ðến, tr. 255): ... Trước khi đến Quán Cóc tôi dặn lão già Trịnh Hưng, chuẩn bị tinh thần để nói... phét! Deux poids, deux mesures (Bán thì cân thiếu, mua thì cân thừa)! Chu Vương Miện có đưa ra một giảng nghĩa: “Người bình thường có hoàn cảnh bình thường. Người phi thường có hoàn cảnh phi thường. Người không bình thường có hoàn cảnh không bình thường. Phạm Duy là một ngoại lệ (ngoại hạng, ngoại khổ) không nên mang cái phạm trù xoàng xĩnh mà phê phán, đánh giá thiên tài này, ông xuất hiện cùng nhạc sĩ Văn Cao, nhưng nhạc Phạm Duy phong phú hơn Văn Cao rất nhiều diện. Bích Xuân cũng ngoại hạng nếu chỉ đọc thoáng qua thơ và văn thì thấy lâng lâng tình yêu, tình dục, tình đời đôi khi thấy trơ trẽn thô tục...”.

Tin Tức hỏi: Trong các văn nghệ sĩ cô đã gặp như Phạm Duy, Phạm Mạnh Cương, Lê Mộng Nguyên, Nguyễn Chí Thiện, Trần Tiến, Ngô Thụy Miên, Trường Sa, Nguyễn Thùy v. v... Người nào không thích truyện và thơ cô, và nếu thích, tại sao thích? BX trả lời: “Các nhạc sĩ vừa kể, họ khoái đọc thơ và truyện “gợi tình” của tôi trừ nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên. Lê Mộng Nguyên phê bình tôi trên báo Nghệ Thuật ở Canada gọi truyện thơ của tôi là loại truyện thơ dâm đãng. Cái “dâm” đó chính là của tôi, và ngay cả chúng ta đấy! Nhưng, quí vị đọc kỹ đi! loại văn, thơ “dâm đãng” tôi là loại: Chính dâm chứ không phải là “tà dâm!”. TinTức: Chính dâm và tà dâm khác nhau thế nào? Trả lời: “Chính dâm: thiêng liêng trong tình ái vợ chồng. Tà dâm: bắt chước những người bất thường, đi ra ngoài tình trạng bình thường về sinh lý đồi trụy”... Tôi không ngờ BX lại thấm nhuần triết lý Khổng-Tử như thế: phải chăng nàng đã áp dụng những lời của Ngài trong cuộc đời văn nghệ từ 1994 đến 2004? Tình nghĩa vợ chồng, đàn bà phải trung thành với chồng, cũng như con với cha mẹ, dân một nước đối với vua... Những nhan đề của tác phẩm BX xb từ 1994 tới 2004 (theo thứ tự thời gian) phải chăng đã diễn tả một mối tình trong sạch? “Bao giờ em quên” (1994) được “Chàng” (1996) là người tình đầu... Nhưng sống chung với nhau lâu ngày cũng chán, cho nên em thường tự hỏi không biết “Bao Giờ Anh Ði” (1997) để em được thảnh thơi tự nói thật với lòng: “Bây giờ em vui” (1998). Từ nay “Có những chiều...” (CD, thơ BX được phổ nhạc 1998) hạnh phúc vì vắng bóng anh, “Em Ra Về Chiều Nay” (Thơ BX, Nhạc Jules Tambicannou) xin anh “Trả Áo Lại Em” (Thơ BX, Nhạc Trịnh Hưng) cho em an bình chờ đợi “Trước Khi Mùa Xuân Ðến” (Tập truyện 2001) để đón chào “Mùa Xuân Châu Ngọc” (Tập truyện 2003)...
Ðọc qua Mùa Xuân Châu Ngọc, ai cũng phải nhận thấy BX là một nhà thơ tự ngã (EGO) luôn viết mùa Xuân bằng chữ Hoa, vì đó là nhũ danh của nàng, đi sau hòn ngọc Bích! Trang 7: “Tên thật: Bích Xuân. Cư ngụ tại Pháp năm 1978, sáng tác thơ văn năm 1988. Chiều cao:1,70m. Cân nặng: 60 ký. Bản tính: Ðơn giản. Thành thật... Thích: Yêu thương. Nhiếp ảnh. Hội họa. Ðọc sách. Thơ Hồ Xuân Hương... đàn hát, viết văn làm thơ và lưu diễn khắp nơi. Hiện đang cộng tác các báo tại hải ngoại”. Cái tôi của tác giả phơi bày nổi bật, dường như chịu ảnh hưởng một thời thành công trong nghề làm đẹp: Nói như vậy, Vĩnh Quyền (báo Lao Ðộng Hà Nội - Việt Nam) có ý đề cập tới công ăn việc làm (trước khi trở thành thi sĩ) mà BX đã bày tỏ cho Ðặng Phú Phong (BX trong Phút Nói Thật): “Tôi quê quán ở Ðà Nẳng, định cư tại Pháp năm 1978; có một thời gian tôi điều hành một cửa tiệm tóc ở Paris với nhiều năm nghề, tôi chuyên về trang điểm, để làm đẹp cho người, cho đời. Việc trang điểm nó phản ảnh một nghệ thuật thẩm mỹ, nên tôi rất yêu thích nó, phải nói là đam mê mới đúng. Trong những năm qua tôi cũng đã “tạo” nên những giai nhân cho nhà vẽ kiểu thời trang Thành Lễ tại Paris bằng chính đôi tay của mình, và cũng để trang điểm làm đẹp cho tâm hồn mình bằng những vần thơ, trong những lúc cần giải bày cảm xúc, tôi bắt đầu làm thơ năm 1988”. Câu hỏi chúng ta đưa ra (và tôi đã đưa ra năm 2001 lúc tôi giới thiệu “Trước Khi Mùa Xuân Ðến” đêm mồng 9 th. 9-2001 tại Asia-Palace, CC Olympiades, Quận 13, Paris) như sau: BX là một người viết thơ và sách luyến ái (érotique: chính dâm) hay là một nhà thơ văn viết về chuyện mãi dâm (tà dâm theo BX): une femme poète-écrivain pornographe?
Từ một người con hiếu thảo trong bài đầu tiên “Thơ Cho Mẹ” (Bao Giờ Em Quên, tr. 30-31) viết ngày 20 tháng 9 năm 1988: Bốn giờ sáng mười chín/ Nhận tin mẹ đi xa/ Giã biệt đời đau khổ/ Xa ngút tận quê nhà/ Mẹ ơi! Ơi, mẹ ơi! Sao mẹ nở bỏ đi/ Một mình nằm có lạnh/ Giữa núi đồi mênh mông? Trong phút giây mặc niệm/ Hình dáng như héo hon/ Tâm hồn mẹ cao cả/ Trọn đời cho chồng con/ Tình thương cha như núi/ Lòng yêu con như trời/ Dạy các con khôn lớn/ Sống hiên ngang giữa đời/ Ngũ Hành Sơn Non Nước/ Mẹ nhắm mắt êm đềm/ Ðời chúng con mất mẹ/ Như trời thiếu sao đêm... cho đến người đàn bà hiện nay đã nhiều năm “sương khói” và lãng mạn trong “Mùa Xuân Châu Ngọc” (2003), và “Trước Khi Mùa Xuân Ðến” (2001), nhìn lại những chặng đường đã qua, BX làm sao không tiếc nuối được những ngày xưa êm ấm, với những lời thơ trinh tuyết, thật thà?

... Phút chia tay như thuyền say lớp sóng
Dội vào niềm thương mến đến thanh êm
Anh có biết! lòng em như cháy nắng
Ðưa tường vi trước gió nở nhụy thêm.
Thôi anh nhé ta hôn nhau lần nua
Duyên lần này em hẹn lại kiếp sau
Lần hôn cuối thay chút ân tình ấy
Nụ hôn đầu thành kỷ niệm dài lâu...
Cho Lần Hôn Cuối, BGEQ, tr. 47) .
Thơ BX bây giờ phần đông đã mất nhiều trong trắng, nhưng giàu tình cảm hơn về đắm say, tình dục:
Ðôi môi yêu khát khao không ngưng vỡ
Ngực căng đầy xé nát trái tim yêu
Luôn động vào xiêm áo níu hơi kêu
Yêu thương gọi biến em thành khổ ải.
Hãy ôm em chẳng cần chi e ngại
Lời hẹn hò dù gian dối thốn đau
Cõi đam mê cóng xiết lại với nhau
Ðêm mơn trớn lên thân em vụng dại.
Hãy cho em những lần môi tê cháy
Ðể bốn mùa giao động sức hồi sinh
Chốn hoan mê em hứng lịm bên mình
Yêu cho trọn để thơm hồn nhuộm sắc
Ða Tình, MXCN tr. 32).
Bài thơ này đăng sau truyện ngắn “Mê Anh” trong Tập truyện, hồi ký, tùy bút, v.v... Mùa Xuân Châu Ngọc . Tôi còn nhớ mãi trong bài “Ma Trơi” (Bây Giờ Em Vui, tr. 24) có tám câu sau rất thực tế, rất “Emmanuelle”...:
... Lạ lùng vạn vật triền miên.
Hồn u ám chướng tới miền thịt da
Ngu ngơ tiếng réo gọi qua
Ban đêm trở chứng như ma cà rồng.
Nghiến từng lỗ hổng chân lông
Núm sen tròn múi dấu hồng ma trơi
Hậu cung vang những tiếng cười
Ðêm ma rắc lại trên người phấn tinh.
lãng tử (mà tôi đã viết trên Nghệ Thuật số 74 tháng 5-2000: là một nhà ký sự hóm hỉnh, đã nhận xét một cách hào hứng và hài hước, đầy tinh thần và tài năng về những nét đáng chú ý của con người và cuộc đời), Lãng Tử (hay Bồ Giang Công Tử, tên thật Nguyễn Thái Dũng, phu quân nữ ca sĩ Huyền Châu) là tác giả “Ngồi Quán Cóc Tán Dóc Chuyện Ðời” (Nhà xuất bản Nghệ Thuật 2002) cảm tưởng về BX như sau: ”... Ðọc Ma Trơi xong... chẳng thấy kinh sợ gì hết, mà thấy môi, thấy cái gì lủng là lủng lẳng, thấy khe, thấy suối, thấy đồi cỏ non, thấy núm hồng, thấy hôn hít, thấy da thịt bừng bừng, bài này phải sửa lại tựa là Ma... Chơi mới thích hợp. Thơ thẩn như thế này thì quả thật mặn mà quá sức, chẳng thế mà các nghệ sĩ nam các nơi Bích Xuân đi qua đều có những lời giới thiệu rất nồng nhiệt” (NQCTDCÐ, tr. 147-148). Thật ra, BX không thiếu tài năng làm rung động độc giả qua những vần thơ đẹp, trong sáng: như trong “Bao Giờ Em Vui” (Mái Nhà Bên Sông Seine, tr. 43):
Nhà em ngang mé sông Seine
Ðường cầu bắt nhịp rung bên hoa đào
Từ lâu cát bụi hẹn nhau
Vàng reo rắc xuống theo màu đất mưa
Hồn em lịm giữa chiều xưa
Trôi qua sông Marne rẽ thưa đôi lòng...
Hoặc trong “Bao Giờ Anh Ði” (Cho Em Vui, tr. 58):
Ðêm qua nằm mơ thấy anh
Hoa trong vừng sáng bừng xanh tươi hồng
Bâng khuâng gió mát chăn bông
Bay ngang giấc ngủ phương Ðông dịu dàng.
Quê hương cách trở muôn ngàn
Gặp anh em ngỡ hương làng lúa non
Ngoại ô dưới chân đèn mòn
Rì rào tiếng gió lạc hồn gái yêu.
Ðó là những lệ ngoại để chứng minh cái qui tắc của nhà thơ nhà văn nữ BX, dựa trên áp dụng một lối viết rất tự do trong làng văn nghệ hải ngoại mà ngay báo Lao Ðộng (Hà Nội - Việt Nam, đã nói trên) dưới ngòi bút của Vĩnh Quyền cũng phải nhấn mạnh: Thơ cũng như truyện, bút ký của Bích Xuân thường ẩn chứa ám ảnh dục tình. Trong TKMXÐ, có hai truyện: Nửa Ðêm Chọc Tức và Một Hai Ba Bốn có thể xếp vào hạng truyện diễn tả tình yêu xác thể một cách thực tế. Ðối với xã hội VN, sự lột trần xác thể của người đàn bà do một nhà văn phái nữ là một điều cấm kỵ tuyệt đối. Thế mà BX đã táo bạo đi qua một cách dễ dàng, hình như một thử thách: Nhớ đêm Noel, tôi nằm vật ra tóc tai rối bời, để chàng đổ rượu nửa ngực, trên thân xác trần truồng, nuột nà mịn tăm... Rồi như con ngựa tinh khôn, chàng đưa răng cắn vào... Tai, cổ tôi nóng hổi như đêm hừng hực, âm vang như những que tăm, châm chích nghe rợn cả người... (Nửa Ðêm Chọc Tức, TKMXÐ).

Bích Xuân phải chăng là một nhà văn nữ đã can đảm thiết lập một học phái riêng trong làng văn nghệ hải ngoại? Nàng thường hay nói lên sự hâm mộ và ưa thích của nàng đối với Hồ Xuân Hương (tên thật là Hồ Phi Mai, thế kỷ thứ 18-19) mà “Nguyễn Du sánh với hoa sen đẹp xinh xinh, hoa sen ai cũng yêu...” (Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh, Hồ Xuân Hương nàng là ai? Bông Sen 2000, tr. 9). Tác giả sách biên khảo trình bày: “Bài Ðèo Ba Dội, còn gọi là Tam Ðiệp hay Ðường Trèo, Xuân Hương làm khi đi ngang qua núi Tam Ðiệp ở địa phận Thanh Hóa, Xuân Hương mang hàng về bán tại quê xứ Nghệ chăng?”:
Một đèo, một đèo, lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ khé tùm hum nóc
Thềm đá xanh rì lún phún rêu
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc
Ðầm đìa lá liễu giọt sương gieo
Hiền nhân quân tử ai là chẳng?
Mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo.

Người ta không ngần ngại chỉ trích thứ văn dâm đãng của tác giả TKMXÐ và MXCN (như năm 1857 ở Pháp nhân vụ kiện Gustave Flaubert, tác giả tiểu thuyết nhan đề “Madame Bovary”), và lên án cấm cố tinh thần nhà thơ nữ Bích Xuân mà theo họ là một người đàn bà trái đạo đức và thuần phong mỹ thuật Á Ðông. Tiểu thuyết Madame Bovary của văn hào Gustave Flaubert đăng báo nối tiếp từ ngày 1 tháng 10 đến ngày 15 tháng 12 năm 1856 rất được độc giả nước Pháp hoan nghênh. Nhưng cốt truyện dính dáng đến một người đàn bà thông dâm đi trái với luân lý đạo đức dưới thời Napoléon III (Second Empire) cho nên chính quyền không ngần ngại khiếu tố ông giám đốc báo “Revue de Paris” và nhà văn Gustave Flaubert trước Tòa án tiểu hình (Tribunal correctionnel). Bởi vì Phó Chưởng-lý (thay mặt xã hội) đã làm nhiệm vụ này một cách vụng về trước Tòa cho nên luật sư Sénard biện hộ cho báo “Revue de Paris”, đã thắng lợi dễ dàng và được Tòa tuyên cáo một án văn tha bổng cho cả chủ nhiệm báo và tác giả. Lý do là với nhiều tài năng, Gustave Flaubert đã có lý trong phương pháp diễn tả một cách thực tế những nhân vật trong truyện Madame Bovary. Kết quả tốt đẹp là tác phẩm Madame Bovary được vang dội tiếng tăm khắp trong nước và dù muốn dù không đã làm cho tác giả trở thành một người đứng đầu cho tả thực chủ nghĩa (École Réaliste). Ðể chấm dứt, tôi xin đưa ra câu hỏi: Bao giờ nhà thi văn nữ Bích Xuân được dịp bào chữa trước một Tòa án lương tâm lập trường của phái mình, và được trắng án như Gustave Flaubert trong thế kỷ 19? BX lúc bấy giờ sẽ có thể tự hào cho mình đã thành công trong sứ mệnh tranh đấu cho tự do tư tưởng và phát biểu. Ðó là một điều đáng tốt cho tương lai của nhà thơ văn nữ Bích Xuân sau 10 năm hoạt động nhiệt liệt cho văn nghệ nước nhà.
Chú giải:
(1) CHƯƠNG TRÌNH BX loan báo trên mạng lưới, gồm 3 phần. Trong PHẦN 1: Giới thiệu những văn thi sĩ-phát biểu cảm tưởng... Kế đó là một Chương trình hoàn toàn Bích Xuân: Những bài tình ca do chính BX sáng tác, do BX ca và tự đàn đệm guitare espagnole; Chiếu phim về những sinh hoạt thi ca của BX; Dân ca 3 giọng Bắc Trung Nam (Bích Xuân). PHẦN 2: 1). Nhạc Jazz; 2). Biểu diễn đàn tranh (Quỳnh Hạnh, Phương Oanh); Nhạc thính phòng do các ca sĩ Paris trình bày: Xuân Phước, Nguyên Lộc, Linh Chi, Thi Mai, Hà Mỹ Liên, Nguyệt Ánh, Tố Lan, Kim Thu vân vân. PHẦN 3: Biểu diễn thời trang (Thành Lễ Hoàng Ðình Tuyên). Ðể kết cục: Ca nhạc khiêu vũ. Buổi văn nghệ tại PARIS ngày 08/02/2004 được đặt dưới sự bảo trợ của Bà Trần Văn Hòa.
(2) Lãng Tử, Ngồi Quán Cóc Tán Dóc Chuyện Ðời, Nguyệt San Nghệ Thuật - Montréal - Canada xb, CANADA 2002, 292 trang, với Phụ Lục Lê Mộng Nguyên, Bồ Giang Công Tử, Bích Xuân, Việt Dương Nhân, Hoàng Minh Tâm: “Ngồi Quán Cóc Tán Dóc Chuyện Ðời, với lối kể chuyện độc đáo, táo bạo, ghi lại thời gian Lãng Tử dừng chân tại thành phố Mộng Lệ An sinh hoạt với Nhóm Anh Em Nghệ Sĩ của Nguyệt San Nghệ Thuật. Tác phẩm chấm dứt khi Lãng Tử lại cất bước lên đường”.

Lê Mộng Nguyên
Theo http://www.vietbang.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chùm thơ Nguyễn Trần Hoàng Viện ở Cần Thơ

Chùm thơ Nguyễn Trần Hoàng Viện ở Cần Thơ Nhà thơ trẻ Nguyễn Trần Hoàng Viện còn có bút danh khác là HSong Phương, sinh năm 1988, trong mộ...