Sau mấy ngày điền giã tại
các tỉnh miền Trung, những cán bộ nghiên cứu của Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật quyết
định dừng chân tại Huế. Lịch trình đã định sẵn, ngày đầu đi khảo sát khu di
tích thành nội bên bờ Bắc, ngày thứ hai đến các lăng tẩm bên bờ Nam, và du thuyền
nghe ca Huế.
Hai phần ba công việc diễn
ra thông đồng bến giọt, duy chỉ có kế hoạch nghe ca Huế trên sông Hương là
không chiều theo lòng người. Thì ra, ca Huế trên sông Hương là một trong những
điểm nhấn của các tuor du lịch ở đây.Vậy nên, nếu không đăng ký trước hàng
tháng, thì khó có thể chen ngang để được nghe ca Huế xịn theo ý muốn. May thay,
do sự quen biết với mấy ca nương, anh em trong đoàn của Tạp chí được xếp vào sô
đầu.
5 giờ chiều, cái nắng tháng
6 vẫn rắc rực ngọn cây, nóng như đổ lửa quay quắt lòng người. Xuống thuyền, gần
nước cái cảm giác đầu tiên vừa bồng bềnh, vừa mát dịu ùa đến. Trong tôi, bắt đầu
xuất hiện chập chờn cái không gian của quá khứ, đồng thời có cả không gian mơ ảo
ước vọng về tương lai đan trộn cái thực tại truớc mắt. Dòng Hương giang nước lững
lờ trôi, bao năm rồi vẫn miệt mài như thế. Thừa Thiên Huế sông có nhiều, nhưng
Hương giang luôn là niềm tự hào, kiêu hãnh của người dân ở đất thần kinh này. Bởi
đây là con sông lớn nhất, đẹp nhất tạo ra những nét riêng của Huế. Theo sử
sách, thì khởi nguồn của con sông này bắt đầu từ dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, do
hai nguồn chính là Tả Trạch và Hữu Trạch hợp lưu tại ngã ba Bằng Lãng mà thành
sông Hương. Bắt đầu từ ngọn nguồn, sông len lách chảy qua các chân núi, xuyên
qua nhiều cánh rừng rậm và mang theo hệ động thực vật nhiệt đới, rồi lại chảy
chậm chậm qua làng mạc xanh tươi, râm mát như Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ,
Đông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, sau đó hòa lẫn với hương thơm của hoa cỏ
Huế... Con sông với sắc xanh lung linh, trong trẻo như một viên ngọc dưới ánh mặt
trời (1).
Từ cái tên sông Linh, Kim
Trà, Hương Trà, Lô Dung, sông Dinh, sông Yên Lục đến sông Hương là cả mộ quá
trình vận động chẳng một chút ngưng nghỉ của lịch sử. Không chỉ thuần túy mang
tính tự nhiên, và ẩn chứa dấu tích lịch sử, Hương giang còn là dòng sông văn
hóa, sông của thơ của nhạc, và của lòng người. Ngồi trên thuyền bồng bềnh, lại
chợt nhớ đến câu thơ của Bùi Giáng:
Sông Hương hóa rượu ta đến uống
Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng
say
Miên man say cùng quá khứ
thì tiếng máy nổ đẩy con thuyền ra giữa sông như đưa tôi về thực tại. Nhìn về
phía trước là cầu Phú Xuân với cảnh chộn rộn người qua lại, cây cầu đang mang
trong nó âm hưởng của cuộc sống công nghiệp. Ngoái lại phía sau là cầu Long Hổ,
xa nữa bên bờ Bắc là chùa Thiên Mụ, bên bờ Nam là núi Ngự Bình vẫn trầm mặc
cùng thời gian. Và, ở miền thực tại, trong khoảng không gian có giới hạn của
con thuyền, vẫn đủ cho các nghệ sĩ thực hiện một chương trình ca Huế có chọn lọc
trên sông. 10 tiết mục của chương trình được chia thành hai phần, thứ tự là:
Hòa tấu nhạc cụ Lưu thủy,
kim tiền, xuân phong, long hổ, theo giải thích của người dẫn chương trình thì
lưu thủy tượng trưng cho dòng nước, kim tiền tượng trưng cho đồng tiền vàng,
xuân phong là gió, long hổ là biểu hiện của sức mạnh. Cách giải thích đó là
đúng, nhưng rõ ràng chưa đầy đủ với những ý nghĩa mà bản thân âm nhạc bao chứa.
Thực ra tiết mục này thuộc loại nhạc đàn nằm trong hệ thống bài bản của ca Huế.
Lưu thủy, kim tiền, xuân phong, long hổ có trong 10 bản Tầu (gọi là thập thủ
liên hoàn hay 10 bản ngự) đều thuộc điệu bắc, tính chất âm nhạc vui tươi, trong
sáng, linh hoạt. Dùng tiết mục này để mở đầu chương trình là hoàn toàn hợp lý,
bởi nó có sức cuốn hút người nghe một cách kỳ lạ.
Tổ khúc Nón quê em, nội
dung ca ngợi vẻ đẹp chiếc nón bài thơ của xứ Huế.
Lý tình tang (còn gọi là lý
mười thương), lời ca nói về những nét ấn tượng, dễ thương của người con
gái xứ Huế: Một thương tóc xõa ngang vai/ Hai thương đi đứng vẻ ngoài có
duyên/ Ba thương ăn nói dịu hiền/ Bốn thương mơ mộng mắt huyền thêm xinh/ Năm
thương dáng điệu thanh thanh/ Sáu thương nón Huế những vành bay xa/ Bẩy thương
những phút mong chờ/ Tám thương bến đợi bến chờ Hương Giang/ Chín thương em bước
nhẹ nhàng/ Mười thương tà áo nhẹ nhàng bay bay.
Lý chiều chiều (cong gọi
là lý qua đèo), người ta nói rằng, do Huế nằm giữa đèo Ngang và đèo Hải Vân, điều
ấy đã ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình hình thành của điệu lý này. Nội dung thể
hiện một tình bạn cao cả được thể hiện qua lời ca: Chiều chiều dắt bạn qua
đèo/ Chim kêu bên nớ, vượn trèo bên ni/ Thương ai nên phải đi đêm/ Bổ (ngã) ba
keo thịt đất mềm không đau.
Nếu bốn tiết mục trên đã phần
nào thu hút sự chú ý của các "tao nhân mặc khách" trên thuyền, thì đến
hát Chầu văn - loại hát thờ gắn bó chặt chẽ với nghi lễ tín ngưỡng thờ
Mẫu ở điện Hòn Chén - lại tạo nên một sắc màu khác thường. Các nữ ca công với
tà ào dài duyên dáng bỗng chốc trở nên nhanh nhẹ, linh hoạt hơn trong tiết tấu
rộn ràng của âm nhạc, tạo ra sự hưng phấn xóa nhòa ranh giới giữa người diễn và
người nghe.
Sau hát chầu văn, nghỉ giải
lao 15 phút, thả hoa đăng để gửi những ước nguyện của từng người vào dòng sông,
rồi tiếp đến phần hai của chương trình gồm các tiết mục:
Lý giao duyên, lời ca là một
bài thơ giới thiệu về cảnh đẹp và những món ăn đặc sản của Huế như: bánh khoái
chợ Đông Ba, bún bò Gia Hội, cơm hến Bến Cồn, nem An Cựu, rượu Phú Cam...
Hành vân, không phải là lý
mà là một trong những bài bản của ca Huế. Hành vân thuộc điệu Nam, mang tính buồn
thương, vương vấn, thậm chí có màu sắc của bi ai. Trong nội dung của chương
trình ca Huế mà chúng tôi thưởng thức, tiết mục này một mặt như nhấn thêm nét đẹp
vốn của sông Hương, mặt khác càng cho thấy những nét đặc sắc về giọng điệu, ngữ
điệu trong việc kết hợp hòa quyện đến mức không thể tách rời với giai điệu âm
nhạc.
Hò mái nhì, điệu hò này nằm
trong hệ thống của hò Huế. Cũng như hò mái đẩy, hò mái nhì vừa mang tính phổ biến,
lại vừa mang tính tiêu biểu. Tính phổ biến, đó là sự quảng đại của nó trong quần
chúng nhân, còn tính tiêu biểu là khả năng biểu cảm nằm trong một hệ thống âm
nhạc có tính khái quát cao. Giai điệu của hò mái nhì thường gợi dẫn mạnh mẽ cho
người nghe về không gian, thời gian, địa danh, tình cảm chiều sâu của người dân
xứ Huế...
Lời ca của hò mái nhì thường
dựa trên thể thơ song thất lục bát hoặc có những biến thể của nó:
Chiều chiều trước bến Văn
Lâu
Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm ai nhớ ai
trông
Thuyền ai thấp thoáng bên
sông
Nghe nói lời câu hò trên là
do cụ Ưng Bình Thúc Giạ ghi lại, đó là sự cộng cảm của bao thế hệ với tâm trạng
của vị vua trước hoàn cảnh đất nước bị đô hộ. Rõ ràng dạng tình cảm này hoàn
toàn phù hợp với không gian diễn xướng ở đây, đúng như các cụ xưa từng dạy
"tức cảnh sinh tình", nghĩa là bất cứ tình nào cũng được nảy sinh từ
những cảnh cụ thể. Có lẽ hò mái nhì không chỉ có sức cuốn hút với du khách, mà
ngay cả với người dân xứ Huế cũng chẳng thể cưỡng lại được trước vẻ đẹp mê hồn
của nó. Dương Bích Hà - tác giả cuốn Lý Huế - không khỏi bâng khuâng
khi nhận xét về điệu hò mái nhì: "bằng một giai điệu trầm bổng mượt mà, với
một nhịp điệu dàn trải, chậm rãi khoan thai nhưng phóng khoáng. Câu hò vút lên
ngân nga, trải dài lan tỏa giữa mênh mang sông nước, rồi buông lơi bằng những
bước phản hồi êm ái, như chùng xuống, chìm dần vào tâm tư, tự sự. Có một chút
buồn man mác, bâng khuâng, một chút nhớ thương da diết và lưu luyến, xa xăm...
để rồi tan vào sương chiều, trăng thanh non nước Hương Bình" (2).
Cũng phải thừa nhận rằng,
trong 8 tiết mục ca - nhạc, thông qua sự biểu diễn của 5 ca công và 3 nhạc
công, người nghe đã thấy một diện mạo cơ bản xứ Huế, với những địa danh nổi tiếng,
con người thanh lịch, của ngon vật lạ mang nét riêng biệt. Cũng thông qua đây,
phần nào có thể hiểu thêm được sự phong phú, đa dạng của các điệu hò, câu lý
trong nền văn hóa âm nhạc của người dân cố đô. Nhưng, những tiết mục trên mới
chỉ phản ánh được phần nhỏ đời sống tình thần của người dân sống ở đô thị hoặc
gần đô thị mà thôi, còn một phần nữa có lẽ cũng không kém phần quan trọng, đó
là những sinh hoạt trong đời sống thường nhật của người nông dân nơi làng xã được
thể hiện qua nhiều câu hò, điệu lý. Đây là một trong những hình thức sinh hoạt
văn nghệ mang tính dân gian nhất, ở đó tình cảm của người dân lao động từ đơn
giản đến phức tạp đều được thể hiện một cách rõ nét nhất. ý thức được sắc diện
đó, người thiết kế chương trình Ca Huế trên sông Hương không thể bỏ qua một
"miền" âm nhạc đầy tính ngẫu hứng, sáng tạo trong các điệu hò gắn với
lao động.
Hò giã gạo, đây là tiết mục
cuối cùng của chương trình. Nội dung là cuộc đối đáp giữa nam và nữ, có lẽ cũng
do hình thức trình diễn nên nó còn có tên là hò đối đáp. ở cách hò đối đáp này,
nữ luôn là người đưa ra câu hỏi, nếu nam trả lời được những tình huống trong những
trạng huống cụ thể, thì họ có thể nên duyên chồng vợ.
Vào đầu của cuộc hò đối đáp
là hát mở (vỉa) để dẫn: Mời bạn ta lại hò khoan/ Tết đến xuân sang mai
vàng đua nở/ Đến đây ta mở lời chào/ Mở lời chào khách đường xa/ Ham vui đến Huế
hay là tìm ai/ Muốn thương nhau ta mượn câu hò tiếng hát/ Tâm sự đổi trao/ Xin
mời thanh niên nam nữ mạnh dạn bước vào hò chơi.
Nó là hò chơi, nhưng cuộc
chơi này hoàn toàn không đơn giản chút nào, nó vừa mang tính dân dã, lại vừa
mang tính trí tuệ, không chút ngưng nghỉ, từ đơn giản đến phức tạp, thậm chí
còn gấp gáp căng thẳng. Nữ hỏi, nam đáp.
Hỏi: Anh ơi em hỏi anh
này/ trong trăm loại dầu có dầu chi không thắp/ trong trăm loại bắp có bắp chi
không rang... Cái hay ở đây là ngay từ câu đầu tiên đã có yếu tố mở của bên nữ:
"Trai nam nhi mà đối đặng, giải lụa điều em trao". Tất nhiên sẽ có những
lời đáp lưu loát: Trong trăm loại dầu có nắng dãi mưa dầu là dầu không thắp/
Trong trăm loại bắp có thứ lắp bắp mồm, lắp bắp miệng là thứ bắp không rang...
Hình như người trả lời còn đang từ tốn đề chờ thời cơ "tấn công đối thủ".
Người con gái cũng thể hiện được sự thông minh nhanh nhẹn bằng cách vin vào cớ
"nghe anh hay chữ" để đưa ra câu hỏi về những con vật ở trên trời, dưới
bể, nơi ruộng đồng, rừng núi... Cũng như những lần trước, người nam trả chính
xác và tự tin hơn.
Nếu nữ cứ hỏi, nam cứ đáp
thì cuộc đối đáp này rõ ràng không mang tính hấp dẫn, nhưng bước ngoặt của nó
được thiết lập lần thứ hai bởi yếu tố mở mà người con gái đưa ra, bằng cách ví: Thân
em như cái sạp vàng/ Thân anh như manh chiếu trải đường để em đi. Người con
trai bắt đầu phản công: Lạy trời cho gió nổi lên/ Để cho manh chiếu úp lên
sạp vàng.
Lại tiếp: Thân em như
đóa hoa sen/ Thân anh bèo bọt chẳng chen được vào. Mặc dù vẫn còn phải nhờ vào
sự cầu viện của bên ngoài, nhưng câu trả lời không kém phần thông minh: Cầu
trời đổ trận mưa rào/ Cho sen chìm xuống để bèo trèo lên sen.
Hình như gần về cuối cuộc hò
đối đáp, thì nữ lại nhường ưu thế cho nam. Chẳng hạn: Thân em như quả mít
chín thời/ Bao chàng quân tử hưởng hơi đến gần, thì tính thực dụng của người
nam nhi lại được thể hiện ngay tức khắc: Thân anh như con quạ bơ vơ/ Trông
thấy mít chín anh xơi từ xơ đến cùi. Hay: Thân em như trái mãng cầu/ Đặt
trên hương án có chầu lọng che, ắt thời sẽ gặp được sự quả quyết của đấng nam
nhi: Thân anh như thể con dơi/ Chao qua liệng lại quyết xơi trái mãng cầu...
Và cuối cùng, nút thứ ba được
gợi mở: Lúa lên ba tấc lúa xanh/ Trai chi ba lăm tuổi chưa thành vợ con/
Em đây xác lớn tuổi son/ Đôi ba nơi dạm hỏi nhưng vẫn còn đợi ai. Thế là
"đối thủ" đã xiêu lòng, chàng trai không chút chần chừ gì mà rằng: Chờ
chờ đợi đợi làm chi/ Anh đây vừa nút vừa khuy em cài. Rồi kết cục thì nàng đã
xiêu thật sự và tự nguyện: Đi mô cho thiếp theo cùng/ Đói no thiếp chịu, lạnh
lùng thiếp can. Thắng cuộc chàng khẳng định như đóng đinh: Em về thưa với
mẹ cha/ Tháng giêng anh qua xin cưới, tháng mười mình sinh con.
Hò đối đáp trong dân dã là vậy,
câu đối câu, ý đối ý, lời đối lời, một luật lệ về lối chơi chẳng dễ chút nào, ấy
thế mà tính sáng tạo của người chơi hình như lại không có giới hạn. Như vậy, nếu
nhìn rộng ra một chút thì dân ca xứ Huế không chỉ thiên về diễn tả nét thanh lịch,
hào hoa của người dân cố đô, mà nó còn cho thấy tài ba ứng tác, ứng biến thông
minh của cư dân xứ Huế nói chung.
Cho dù hò giã gạo hay một số
điệu lý không nằm trong hệ thống bài bản của ca Huế, cho dù sông Hương không phải
là không gian diễn xướng lý tưởng của những tiết mục trên... nhưng cách thức, kết
cấu chương trình Ca Huế trên sông Hương để phục vụ du khách là một ý tưởng tốt
của những người có trách nhiệm tổ chức. Đó cũng là việc làm có ý nghĩa trong việc
bảo tồn, giới thiệu các giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống của người dân xứ
Huế đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Hãy quên đi những câu hỏi
mang tính hoài nghi, hãy hòa mình sóng nước Hương giang rồi đằm chìm vào câu
hát điệu đàn của các ca công, nhạc công, thì bỗng thấy tâm hồn thanh thảnh và
nhận ra rằng:
Đất Thừa Thiên trai hiền gái
lịch
Non xanh nước biếc điện ngọc
rồng
Tháp bẩy tầng, Thánh miếu,
chùa Ông
Chuông khua Diệu Đế, trống
rung Tam tòa
Cầu Trường Tiền sáu nhịp bắc
qua
Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ
còn đợi khúc âu ca thái bình.
1. Tư liệu từ nguồn: Sông
Hương - Wikipedia tiếng Việt.
2. Dương Bích Hà, Lý Huế, Viện Âm nhạc - Nxb Âm nhạc, Hà Nội,
1977, tr.48.
Nguyễn Dương Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét