Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Về một tài hoa đa đoan

Về một tài hoa đa đoan 
Phạm Duy là một hiện thân của khổ đế lịch sử. Có thể nói Việt Nam thời chiến tranh có ba nhạc sĩ tài hoa. Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh công Sơn.
Văn Cao và Trịnh công Sơn phải trả giá khá đắt để sống với những lựa chọn của mình. Văn Cao chua xót trước một thành công không trọn vẹn của dân tộc. Trịnh công Sơn thấy được những thất bại huy hoàng của lịch sử nên cố đứng lên trên những vinh quang chiến thắng không trọn vẹn đó, ngay từ đầu.
Theo ngôn ngữ chính trị thời thượng mà nói, nếu Văn Cao là một thành phần thứ nhất phiền muộn, Trịnh công Sơn là một thành phần thứ ba thủy chung thì Phạm Duy lại là một thành phần thứ hai lập nghiệp bằng thành phần thứ nhất và thành công bằng thành phần thứ hai.
Phạm Duy xác lập được chỗ đứng vững vàng của ông trong tâm hồn người Việt đó cũng là nhờ khuynh hướng lãng mạn rất trần lụy, và lòng ham muốn sống còn qua một cuộc chiến bị lũng đoạn nặng nề bằng những ý thức hệ ngoại lai.
Phạm Duy đã vấp phải một 'sai lầm' mà ông không bao giờ muốn thống hối. Sai lầm tham gia cách mạng mùa Thu. Phạm Duy trở thành tù nhân, trở thành con tin của chính mình.
Hiện hữu với Phạm Duy là đưa võng.
Hai bài viết ngắn sau đây chỉ cố gắng nói lên điều đó...
Đêm Nghe Nhạc Phạm Duy
Hoàng Nguyên Nhuận
Cho Trăng, Sương, Minh, Linh, Tin, Cường, Dân, Long.
‘Chỉ có tôn giáo và nghệ thuật mới cứu vãn dân tộc ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay’…
Nhạc sĩ lão thành và tài hoa Phạm Duy đã quả quyết như thế trong buổi trình bày trường ca Con Đường Cái Quan của ông do Hội Đồng Văn Hóa của Phật Giáo Sydney tổ chức tối 11.4.1992 tại chùa Phước Huệ, Sydney.
Phạm Duy cũng tâm sự rằng với tư cách một chứng nhân của 50 năm lịch sử đau thương và trong cương vị của một người Việt Nam yêu nước, ông nghĩ người Việt - và riêng ông, phải trở về để góp phần xây dựng lại quê hương. Bao giờ về, và về như thế nào, tôi không biết, nhưng chúng ta phải về! Phạm Duy đã nói rõ như thế. Và những gì ông đang làm bằng âm nhạc là để chuẩn bị cho sự trở về ấy. Tôi giờ đã 72 tuổi, ngày nào đây tôi sẽ ra đi, tôi ước mong làm được một cái gì, để lại một cái gì cho lới người đến sau.
Điều mà Phạm Duy muốn để lại đó là ba bản trường ca Con Đường Cái Quan, Bầy Chim Bỏ Xứ và Mẹ Việt Nam vậy.
Nghe Phạm Duy nói, tôi không khỏi có cảm tưởng đang đọc đoạn mở đầu Ngục Trung Thư của Phan bội Châu. Con chim sắp chết, tiếng kêu đau thương; người ta sắp chết, lời nói ngay thẳng. Những lời tôi nói ra đây có ngay thẳng hay chăng, tôi đâu có biết. Nhưng chỉ biết là lời nói của một người sắp chết thì có (Phan bội Châu - Ngục Trung Thư, Đào Trinh Nhất dịch, Vì Nước tái bản 1983, tr.9).
Tôi không tin Phạm Duy sắp chết, bởi sau gần 25 năm nhìn thấy mặt ông lại, tôi thấy ông quắc thước, linh hoạt, sắc bén và sinh động. Không, Phạm Duy vẫn còn trẻ, quá trẻ nữa là khác để có thể thành thật nghĩ rằng 'thất thập cổ lai hy'. Nhưng tôi tin và tôi hi vọng, tối hôm nay Phạm Duy đã nói những lời ngay thẳng.
Là chứng nhân của nửa thế kỷ lịch sử khổ đau, tôi nghĩ Phạm Duy không cần phải nói khác sự thật nữa. Bởi nói khác đi là phủ nhận cái vốn đẹp nhất và quý nhất mà một người nghệ sĩ có thể thu góp được bằng chính mồ hôi nước mắt của mình: kinh nghiệm khổ đau.
Khổ đau đã đánh gục, đã loại bỏ nhiều người khỏi vòng chiến. Đã làm cho nhiều người ngã quỵ, bỏ cuộc, thoái hóa. Phạm Duy thì không, và hình như Phạm Duy đang cố đánh gục đau khổ nữa, bằngCon Đường Cái Quan mà tôi được nghe, được thấy ông minh diễn hôm nay.
Tôi quả không biết Con Đường Cái Quan được sáng tác năm nào, nhưng lần đầu tiên tôi được thưởng thức kiệt tác này là năm 1964 ở Huế, và lần chót nghe lại là hai ngày trước khi dự buổi nói chuyện của Phạm Duy tại chùa Phước Huệ.
Buổi nói chuyện được dự định dành cho nhạc Thiền và nhạc Đạo, nhưng vì khung cảnh không cho phép, và mức hưởng ứng của người ái mộ quá cao nên Phạm Duy không đặc biệt nói về nhạc Thiền, nhạc Đạo nữa, mà nói đến nhạc đạo vào đời, đạo đến với đời.
Cũng dễ hiểu thôi. Bởi đạo không lìa xa đời, đạo không phải phục vụ đời thì đạo không còn chân đứng. Đời là điểm từ đó đạo bỏ đi, đời cũng là điểm nơi đó đạo quay về.
Cho nên, với kẻ đã đạt đến 'bất hoặc', 'thuận nhĩ', thì nhạc nào cũng là nhạc thiền, ngay cả những bản nhạc hô hào chém giết khơi sâu hận thù, khích động chia rẽ... tương tự như những công án vốn bị xem là báng bổ, phạm thượng nhất. Có lẽ vì vậy mà Phạm Duy đã chuyển một cách tự nhiên từ đề tài nhạc thiền, nhạc đạo qua nhạc yêu nước Con Đường Cái Quan.
Miền Nam ít ra cũng có hai nhạc sĩ xuất chúng. Phạm Duy và Trịnh công Sơn.
Trong các sáng tác của Trịnh công Sơn, lời thường phải chở nhạc, cõng nhạc chạy theo, bồng bế nhạc đuổi kịp ý nghĩa của ngôn từ. Cho nên, lời nhạc của Trịnh công Sơn rất dễ nhớ, dễ thuộc lòng.
Phạm Duy thì hình như trái lại, nhạc thường phải đèo lời, mở đường cho lời đi vào lòng người.
Nơi nhạc Trịnh công Sơn, lời làm cho bản nhạc trở thành bất tử, nơi nhạc Phạm Duy, nhạc giúp cho lời vang danh. Tài dùng nhạc chở lời đó ai cũng có thể thấy được qua Ngày Xưa Hoàng Thị, Kỷ Vật Cho Em, Thà Như Giọt Mưa, Trả Lại Em Yêu, Màu Tím Hoa Sim... Phạm Duy đã thú nhận - với nhạc không lời, nhiều khi ông đã nói được nhiều hơn là nhạc có lời.
Khi không thể viết nhạc không lời, khi không nói được thì Phạm Duy đã mượn lời của kẻ khác và làm cho những lời đó trở thành bất hủ. Con Đường Cái Quan là một cố gắng nói bằng nhạc trước tiên đó.
Trường ca Con Đường Cái Quan trở thành một bản nhạc giao hưởng cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Và Phạm Duy quả không lộng ngôn khi cho rằng nhạc không lời nhiều khi đã giúp ông nói được nhiều hơn.
Nhạc giao hưởng thì cũng như bức tranh lập thể hoặc tân ấn tượng. Ý nghĩa của bức tranh tùy thuộc mức cảm nhận của người thưởng ngoạn hơn là ý nghĩa tiên khởi mà tác giả cố gởi vào bức tranh.
Hiểu theo nghĩa đó thì cái hay của bản nhạc giao hưởng Con Đường Cái Quan phong phú gấp nhiều lần hơn cái hay của trường ca cùng tên vậy.
Ít nữa đó là kinh nghiệm của riêng tôi khi nghe cuộn băng một mình và khi nghe Phạm Duy phơi bày những ý nghĩa khả hữu ông đã mượn âm thanh để diễn đạt.
Phạm Duy cho tôi 'thấy' gió, thấy trăng, thấy cánh diều bay, thấy núi cao và thác đổ, thấy tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Xương, thấy nỗi niềm thất vọng đắng cay của Huyền Trân, thấy đàn nai thấp thoáng trên đồng bằng Nam Bộ, thấy tình nghĩa chân chất giữa người với người, giữa người với vật nơi miền đất màu mỡ cực Nam, thấy những con rồng uống khúc nghịch nước phù sa...
Nghe Phạm Duy minh giải và rồi nghe thấy những điều Phạm Duy muốn diễn đạt bằng âm thanh, tôi không khỏi có cảm tưởng rất bất công là lời ca của Thái Thanh, Duy Khánh và các ca sĩ tài hoa khác trong trường ca Con Đường Cái Quan thật chẳng khác gì những phụ đề bất lực cho một cuốn phim tuyệt tác.
Cuộc nói chuyện để giới thiệu trường ca Con Đường Cái Quan của Phạm Duy quả đã nâng cao mức thưởng ngoạn nghệ thuật của riêng tôi.
Bởi không được giáo dục để thưởng thức - và rồi cũng không có điều kiện để thưởng thức, nhạc giao hưởng, nên mức độ thưởng ngoạn của tôi thường chỉ giới hạn vào kỹ thuật trình tấu hơn là cái tài dùng nhạc để diễn đạt của chính tác giả.
Nhờ Phạm Duy qua buổi nói chuyện này mà tôi thưởng thức được cái tài dùng nhạc của chính ông. Và nhờ đó mà tôi nghĩ rằng tôi 'thấy' Phạm Duy rõ hơn...
Viễn khách trên Con Đường Cái Quan đó đã thấy hết những điều đáng thấy chưa? Sông rộng, đèo cao, núi thẳm đã giúp người dân Việt ngăn chặn giặc và rồi cũng làm cho người Việt ngăn cách nhau.
Bởi những núi thẳm kinh tế, những đèo cao chính trị, những sông rộng hận thù oan khiên nghiệp chướng nhiều khi mạnh hơn chính người Việt Nam. Khổ đau chồng chất từ đó...
Và cũng từ đó, Phạm Duy trở thành một nhân chứng cay đắng để rồi đến bây giờ khi những người cùng trạc tuổi đã rửa tay gác kiếm nghĩ chuyện trở về với chu luân vĩnh cửu thì Phạm Duy vẫn phải lận đận 'ôm đàn tới giữa đời' chuẩn bị cho ngày về cố quận trả xong cái nợ yêu nước, cái tình yêu nhà của những kẻ sinh lầm thế kỷ của thế hệ trước như ông và thế hệ sau như tôi.
Tôi không quen biết Phạm Duy, và chỉ thấy mặt ông một lần vào tháng Sáu năm 1967, khi ông được mời đến Trung Tâm Thanh Niên tham dự lễ tưởng niệm Hòa Thượng Quảng Đức do sinh viên Phật tử Sài Gòn tổ chức.
Nhưng Phạm Duy là người tôi nghĩ đến nhiều những lần cảm thấy đắng cay chua xót vì thế sự...
Quả vậy, văn thơ, lịch sử, tưởng tượng... đã tạo nên tình yêu Hà Nội trong tôi.
Tôi muốn nhìn Hà Nội một lần cho biết tận mắt. Nhà đồng ý cho tôi đi Hà Nội vào dịp nghỉ hè. Nhưng niên học tàn, hè đến và giấc mộng Hà Nội của tôi cũng tàn theo. Chiến tranh chấm dứt, đất nước chia đôi. Hà Nội trở thành xa vời như sao Kim, sao Hỏa.
Đất nước trở thành hai miền cách xa, lặng yên xung khắc. Tôi chưa đủ trí khôn để nhìn thấy rõ những ngõ ngách hận thù nên ngây thơ hy vọng những xung khắc đó bất quá cũng như hoàn cảnh của hai nhạc sĩ tôi mến chuộng. Văn Cao và Phạm Duy...
Cả hai cùng tham gia kháng chiến. Cùng nhau làm bản Đàn Chim Việt . Phạm Duy rời bỏ kháng chiến, cùng Nguyễn đức Quỳnh, Mai Lân vào Huế tìm đất sống trước khi xuôi Nam. Biên giới chính trị giữa Văn Cao và Phạm Duy hình thành từ đó.
Văn Cao có hận chuyện Dinh Tề của Phạm Duy không, và hận đến mức nào, tôi không biết. Nhưng Văn Cao vẫn nâng niu bản Đàn Chim Việt đã làm chung (?) với Phạm Duy. Văn Cao không hề phủ nhận đó là bản nhạc của mình.
Phạm Duy có hận chuyện Văn Cao 'bám' vào kháng chiến không, và hận đến mức nào, tôi không rõ. Nhưng Phạm Duy vẫn nâng niu bản Đàn Chim Việt đã làm chung (?) với Văn Cao. Cái hận của Phạm Duy thật dễ thương. Phạm Duy không nguyền rủa mạt sát Văn Cao mà chỉ phóng tay gạt phăng hoài niệm kháng chiến với Văn Cao bằng cách khai tử Đàn Chim Việt, khai sinh Bến Xuân và cho bản nhạc một linh hồn mới.
Văn Cao cố cứ giữ lấy những vàng son ảo vọng của tình yêu nước lãng mạn của một cánh én muốn làm mùa xuân trong Đàn Chim Việt. Những con chim đã chấp nhận ở lại để rồi có thể phải chết ngộp trong những chiếc lồng son đầy hoa như lời Đại Tá hồi chánh Huỳnh Cự nói sau này cũng chỉ vì những cánh chim đó không dứt được hoài niệm vàng son của những /hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành/ của /Bắc Sơn thời tung cánh/, của đồi Yên Thế, của dòng sông Cấm...
Phạm Duy nhanh chân chạy thoát những chiếc lồng son đó để sống cho chính mình, cho những rung động lãng mạn thầm kín. Phạm Duy giã từ ảo tưởng đại đồng để có thể nghĩ đến tình yêu riêng tư khiêm tốn của một người yêu chờ đón một người yêu nơi căn nhà nhỏ /bên chiếc cầu soi nước/ có /lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân/.
Cả Phạm Duy và Văn Cao đều thương nhớ Bến Xuân, trong những vị thế cá nhân cũng như tư thế lịch sử khác nhau. Nhưng cả hai đều không có một lời nào phủ nhận hay lên án những vị thế và tư thế ấy cả. Ít ra là trong buổi đầu chia tay của dân tộc nơi dòng sông Bến Hải.
Cũng năm 1954, khi bỏ Bắc xuôi Nam ấy, Phạm Duy làm bản Tình Ca khiến cho nhiều người rơi lệ. Tôi nhớ rõ một câu trong bài hát: /Người yêu thế giới đại đồng / còn tôi ôm ấp ruộng đồng Việt Nam./
Khi bài hát được in ra dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, câu đó hình như đã bị kiểm duyệt thành /người yêu thế giới mịt mùng/. Thế giới mịt mùng thì có gì đáng yêu! Nhưng ý thức hệ là ý thức hệ. Và ý thức hệ của chính quyền Miền Nam lúc đó thì chỉ muốn loại bỏ những người muốn yêu thế giới đại đồng. Dù ý thức được hố sâu ý thức ý thức hệ đó, Phạm Duy vẫn mong 'làm sao chấp cánh bay ngàn, nhìn Trung Nam Bắc một đoàn bên nhau...'
Xung khắc giữa Đàn Chim Việt và Bến Xuân, hay giữa Văn Cao và Phạm Duy qua bản nhạc bất hủ đó là một xung khắc đẹp. Một cuộc tranh đấu trong tình yêu và bằng tình yêu.
Khốn khổ cho dân tộc là những người lãnh đạo hai miền đất nước quằn quại vì ly tan lại không chống nhau như Phạm Duy với Văn Cao...
Ai đúng ai sai? Ai lỗi ai phải đây?
Tất cả những người Việt sinh ra trong tiếng đạn bom, lớn lên trong tiếng bom đạn, đã làm mồi cho đạn bom ăn một phần hay toàn thân cốt nhục, đã thoát nạn sống còn cho đến hôm nay vì được bom đạn 'tha' mạng, tất cả đều có câu trả lời cho những câu hỏi ấy.
Nhưng trả lời cách nào cho Con Đường Cái Quan không còn là 'phố buồn hiu' của những bà mẹ Gio Linh tương lai, trả lời cách nào cho Con Đường Cái Quan không còn là 'đại lộ kinh hoàng' cho những cô những cậu bé con ra đời khi đất nước đã im tiếng đạn bom nhưng hòa bình an lạc vẫn mờ xa như đường chân trời...?
Không hiểu Phạm Duy có ưu tư về điều đó không khi ông bảo chỉ có tôn giáo và nghệ thuật là đủ khả năng hàn gắn lại lòng người và đất nước?
Không hiểu Phạm Duy ưu tư đến mức nào về điều đó khi ông phăng tay gạt hết 997 (?) bài ca ông đã làm trong hơn 50 năm làm kiếp nhân chứng khổ đau của lịch sử, gạt hết chỉ giữ lại ba bài trường ca - giao hưởng Con Đường Cái Quan, Bầy Chim Bỏ Xứ và Mẹ Việt Nam?
Phản ứng thái quá của những nạn nhân của lịch sử là hăm hở biến lịch sử thành nạn nhân.
Một số không ít những bản nhạc của Phạm Duy đã có một chỗ đứng vững vàng trong lịch sử văn học nghệ thuật của dân tộc. Tình Ca, Về Miền Trung, Chiều Về Trên Sông, Nghìn Trùng Xa Cách... là những ví dụ.
Phạm Duy đã bị lịch sử lợi dụng. Phạm Duy cũng có thể đang bị lịch sử lợi dụng. Một sự bất công nghiệp chướng.
Lịch sử mù lòa như những lỗ mắt của cái sàn gạo, nhưng lịch sử cũng sàn sảy những sạn cát, những tấm vụn, những mạt trấu để giữ lại những hạt gạo tròn làm bữa cơm ngon lành đủ nuôi con người, đủ nuôi dân tộc qua những cơn ngặt nghèo, tao loạn, đói kém, khủng hoảng, bế tắc...
Cái sàn gạo đã lọt vào tay những phù thủy ý thức hệ và các đồ đệ của họ nên đất nước mới ra cớ sự hôm nay.
Marx đã hăm he đóng cửa lịch sử khi triệt hạ xong tư bản, Nakayama cũng lơn tơn hạ màn lịch sử khi bức tường Bá Linh sụp đổ (Francis Fukuyama - The End of History and the Last Man, Hamish Hamilton, London 1992).
Cả hai đã quên rằng lịch sử không chỉ là lịch sử, ý thức hệ và cuồng vọng của cả hai cũng chính là lịch sử nữa.
Tôn giáo và nghệ thuật không cướp chính quyền lịcht sử. Tôn giáo và nghệ thuật chỉ hóa giải những cuồng vọng lịch sử, tạo những nhịp cầu chuyển hoá cho hận thù thành yêu thương, ngộ nhận thành thông cảm, tác hại thành xây dựng, xa cách thành cận kề.
Tôn giáo có thể là khởi điểm nguy hại của lịch sử, cũng như nghệ thuật có thể là đồng lõa tồi tệ của ý thức hệ.
Nhưng tôn giáo cũng có thể là cái thắng của lịch sử, cũng như nghệ thuật vẫn có thể là yếu tố thức tỉnh những mê mờ cuồng vọng của ý thức hệ bất cứ màu sắc nào.
Phải chăng với ý nghĩa đó mà Phạm Duy đã nghĩ rằng tôn giáo và nghệ thuật phải giữ vai trò tích cực trong việc tái dựng quê hương đổ nát cùng quẩn?
Âm Vực của Công Án
đó
Nghĩ về Thiền Ca của Phạm Duy
Hoàng Nguyên Nhuận
Cuộc đời là một nỗi bất hạnh đột nhiên ngộ chứng. Kierkegaard gọi đó là một tâm thức ớn da gà -crainte et tremblement. Triết lý, tôn giáo thường là những cố gắng thuyết phục con người thích ứng với nỗi bất hạnh đó để thoát ra, để vươn tới.
Đạo Phật với nghiệp, đạo Nho với thân dân, đạo Lão với vô vi, đạo Chúa với thiên ý... Nghiệp giúp người chấp nhận đời, thân dân chỉ cách ở lại với đời, vô vi dẫn đường thoát đời, thiên ý chỉ đường về đất hứa ngoài cuộc đời này.
Mặt khác Marx bảo triết lý là một trò chơi phù phiếm vô bổ chỉ để kiến giải đời mà không thúc đẩy cải tạo đời, và tôn giáo chỉ là ma túy không chủ trị đau nhức mà chỉ làm nguôi quên nhức nhối chốc lát.
Thực tế thì không phải tôn giáo mà chính cuộc đời này mới là ma túy; sống khổ, yêu khổ, ghét khổ, tham khổ, hận khổ nhưng cứ bám riết. Bởi nhất thời chẳng còn đường nào khác hơn là tự tử và 'đấu tranh'.
Mà tự tử và đấu tranh không phải là điều mà ai cũng có thể làm vì tự tử đòi hỏi một quỷ biện toàn triệt, trong khi đấu tranh - xuất gia, làm cách mạng, đòi hỏi một thoát xác toàn diện, một dấn thân tuyệt đối.
Ngao ngán vì những chém giết điên cuồng của đại chiến thứ hai, Sartre và các nhà văn hóa hiện sinh đã nghĩ rằng đời là một ngớ ngẩn lố bịch - absurde.
Mười năm trước đó, Huizinga đã nhẹ nhàng hơn bảo rằng bản chất của hiện hữu không phải là lao tác - homo faber , là suy tư - homo sapiens ; bản chất của hiện hữu là hí lộng - homo ludens. Chẳng có gì thường hằng nghiêm túc theo nghĩa thông thường.
Nhưng không phải ngày một ngày hai mà người ta thấy được 'làm lắm cũng tắm ở truồng'. Hí lộng chỉ xuất hiện ở cuối đường trần thân bầm dập, nhức nhối.
Hí lộng cũng chính là một quan niệm về cuộc đời của Phật giáo. Quan niệm vô thường sắc không.
Bởi đầu đường trần thân bầm dập là ý thức khổ và cuối đường bầm dập trần thân là ý thức vô thường nên 'anh hùng mạt vận bán qui tăng' nếu có xảy ra cũng là chuyện đương nhiên.
Phạm Duy là một hiện thân của sự trở về đương nhiên đó với album mới mang tên Thiền Ca .
Anh hùng mạt vận?
Tôi không nghĩ Phạm Duy đã mạt vận theo nghĩa thông thường của nhân thế.
Bởi đã cái tuổi 'cổ lai hi' mà Phạm Duy vẫn 'ăn cho vừa, chơi cho thật, sống cho thẳng, chết cho ngay, yêu cho lâu, ghét cho mau, khóc cho đầy, cười cho rõ', mà Phạm Duy còn viết nhạc, còn hát nghêu ngao được, còn thất tình được như một kẻ mới 'hai mươi tuổi đời' thì quả thật Phạm Duy chẳng mạt vận chút nào.
Phạm Duy đang tồn tại như một lõi trầm hương, tuổi đời càng chồng chất thì càng cứng, càng thơm.
Phạm Duy chỉ quay về với đạo vì Phạm Duy thấy rằng /khổ lụy tận cùng là thoát đau thương/ (Thiền Ca 9) .
Tôi không nhớ một nhà văn nào của Pháp đã nói đời chỉ hơn thua nhau về cái chịu chơi - /la seule chose qui compte c'est le risque./ Tựa đề Thiền Ca của Phạm Duy là một thách thức loại đó. Bởi cạn lời để kiến giải nên Thiền có thể dùng nhạc để tỏ bày tâm thức.
Thiền là một thứ liều của kẻ muốn kiến giải công án Thiền để mở cửa giải thoát. Tiếng hát Thiền tiêu biểu hình như là tiếng cười làm vũ trụ giá băng của Thiền Sư Không Lộ - /Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư./ Hình ảnh Thiền tiêu biểu là nụ cười mím chi của Ca-Diếp đáp lời Phật vấn.
Thiền hình như là tâm trạng của người ý thức được mình đang ở điểm hết-chỗ-nói.
Phạm Duy đã muốn truyền cho đời cái kinh nghiệm vong ngôn lự tuyệt đó bằng album Thiền Ca.
Hết chỗ nói mà vẫn muốn nói, vẫn muốn hát. Để chia xẻ với đời những kinh nghiệm về hết-chỗ-hát, hết-chỗ-nói của mình. Đó là thái độ thách thức đời của một nghiệp dĩ tài hoa, của một 'đứa con hoang'. Và vì chân giá trị của đứa con hoang là lúc nó trở về nên phải chăng Thiền Ca là tiếng hát của đứa con hoang trên đường hồi xứ?
Nói cái-không-thể-nói, nói để khỏi phải đối thoại, để xóa lời nói, để ngưng suy nghĩ là bản sắc của công án Thiền. Mười bài Thiền Ca có phải là mười công án? Câu hỏi đó người nghe nhạc Phạm Duy phải trả lời lấy. Riêng tôi, bài Thiền Ca với tựa đề Võng là bài đánh chú ý nhất về phương diện này.
Trong bài phỏng vấn của báo Người Việt ngày 6.10.1992, Phạm Duy gián tiếp nhắc đến nguyên ủy của bài Võng khi Phạm Duy tâm sự /có những buổi trưa, nằm trên một cái chõng tre hay trên một cái võng gai, nhìn trên trời, thấy áng mây bay và bỗng thấy mình là mây, đang bay thoát ra khỏi tục lụy/.
Tôi nghĩ rằng còn có những điều Phạm Duy chưa muốn nói hết ra, và đó chính là giá trị thực của 'công án' Võng.
Võng là một hình ảnh của cuộc đời, của sự sống và biên cương di động, chông chênh vi tế giữa hai hoàn cảnh, giữa hai lựa chọn, giữa tốt và xấu, thiện và ác, đúng và sai, hận và thương, yêu và ghét, chấp và xả... theo nghĩa thông thường của nhân thế.
Sống là động, sống là nằm võng. Không thích đưa võng, không chịu võng đưa thì nằm giường nằm đất cho 'yên', chẳng cần phải lên võng làm gì. Cũng như sống là phải lựa chọn. Võng đưa bên này thì xa bên kia, như Phạm Duy nói, gần sinh thì xa tử, gần tình bạn thì xa hận, gần vui thì xa khổ.
Cuộc đời của Phạm Duy cũng là biểu hiện của những nhịp võng lịch sử.
Năm 1945, nhịp võng đưa Phạm Duy vào đường 'tay súng tay đàn', vì độc lập tự do của quê hương, mấy năm sau nhịp võng lại đưa Phạm Duy rời xa cái lồng son ngột ngạt mùi hoa độc tôn độc thiện, rồi nhịp võng đưa Phạm Duy xuôi Nam cho đến năm 1975 nhịp võng đã biến Phạm Duy thành cánh chim bỏ xứ...
Trong hành trình bầm dập trần thân nổi trôi 'theo mệnh nước' đó, phần nào là lựa chọn của đời Phạm Duy, phần nào là đời lựa chọn cho Phạm Duy?
Điều đó chỉ có mình Phạm Duy biết, chỉ mình Phạm Duy trả lời được. Phạm Duy kết thúc bài Võng với câu /Tôi nằm đó, nằm im một chỗ/, có phải Phạm Duy muốn đời nghĩ rằng đã đến lúc Phạm Duy hết muốn đưa võng mà cũng hết muốn để võng đưa?
Trên đường bôn ba đào tị, một hôm Lục Tổ Huệ Năng thấy hai chú tiểu cãi nhau về chuyện 'gió động, phướn động'. Lục Tổ hòa giải bằng cách bảo rằng gió không động, phướn không động, chỉ có tâm động. Tâm không động nữa thì gió không lay mà phướn cũng không bay. Tâm không động nữa là không đưa võng và cũng không để võng đưa, là 'nằm êm mọi chỗ' vậy.
Phạm Duy viết Thiền Ca vì muốn võng nằm yên, hay vì võng đã nằm yên? Câu hỏi đó không khéo lại trở thành công án cho Phạm Duy...Chỉ khi tâm không còn động nữa, võng không còn đưa nữa, không tự lựa chọn và cũng không để đời lựa chọn cho mình nữa thì hình như người ta mới đạt được cái tràn đầy tròn trịa, hay như Phạm Duy, thấy được cái /thật thà gian dối/ nơi chính /người tình tuyệt vời/ (Thiền Ca 7).
Hình ảnh thật thà gian dối tròn trịa tuyệt vời này nhắc tôi nhớ đến một ý tưởng tương tự của Hồng Lâu Mộng: /Giả diệc chân thì, chân diệc giả /Vô vi hữu xứ, hữu diệc vô/ tạm hiểu là lúc giả biến thành thật thì thật cũng là giả, lúc cái vô vi có nơi an trú thì có cũng là không.
Có lẽ Phạm Duy đã thể nghiệm được điều đó nên Phạm Duy mới thấy được người yêu trần truồng đứng bên Ngọc Hoàng Thượng Đế (Thiền Ca 9). Có lẽ Phạm Duy đã thể nghiệm được điều đó nên Phạm Duy mới nói được /Tưởng địa ngục đen / ngục sáng hơn đèn/ và /Mới hay thiên đường kia cũng tối om/ (Thiền Ca 9) .
Phật ngày xưa, đang đêm phải ba chân bốn cẳng bỏ vợ bỏ con tìm đường thoát. Không phải Phật đành dứt tình thê nhi để cứu lấy thân như những người được may mắn di tản trước ngày 30.4.1975. Phật lìa tình nhỏ để được trọn vẹn với tình lớn. Tình chúng sinh. Từ chối tình riêng thường là bước khởi đầu của quyết tâm 'vượt biên' sang bờ Giác.
Kinh nghiệm siêu nhiên của Phạm Duy hình như có hơi khác về điểm này. Chính vì Phạm Duy đã nói Thiền Ca được sáng tác /trước hết (để) tạ ơn một người tình/ (Tựa Thiền Ca ). Cũng dễ hiểu thôi với một người hình như vừa đa tình, vừa nặng tình như Phạm Duy...
Bích Khê từng tả người tình tuyệt vời của mình một cách thật hết chỗ nói /Nửa trên em là thiên đàng /Nửa dưới em là hỏa ngục./ Bởi không thể tách được người tình làm đôi để khi cần phần nào thì dùng phần đó, cho nên yêu phải là nhận cả thiên đàng lẫn địa ngục.
Tình yêu tuyệt vời là tình yêu bất nhị, địa ngục cũng là thiên đàng. Điều này nhắc tôi nhớ đến một công án không biết ai đã bày ra...
Mùa Vu Lan, Phật chạnh lòng nhớ đến người bà con ham làm đảo chánh của Phật là Đề-Bà Đạt-Đa đang thọ hình dưới âm ti. Phật bèn dùng thần thông xuống... thăm nuôi Đề-Bà Đạt-Đa. Biết Phật còn thương mình, Đề-Bà Đạt-Đa đã nài nỉ xin thêm Phật vô lượng từ tâm bảo lãnh cho Đề-Bà Đạt-Đa về Niết Bàn với Phật.
Điều đáng nói là không ai cứu được Đề-Bà Đạt-Đa ngoài Đề-Bà Đạt-Đa vì lý do đơn giản là không ai khác đã tạo ra ác nghiệp cho Đề-Bà Đạt-Đa ngoài chính Đề-Bà Đạt-Đa. Phật không nỡ giải thích điều đáng buồn ấy cho người bà con được nên Phật chỉ tìm cách an ủi bằng cách ghé tai Đề-Bà Đạt-Đa nói nhỏ: 'Bộ Ngài tưởng trên Niết Bàn bao giờ cũng vui lắm sao?!'
Bởi Phạm Duy đã thấy địa ngục có khi sáng hơn thiên đàng nên Phạm Duy có làm Thiền Ca vì người tình tuyệt vời thì cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên vậy.
Hiểu theo nghĩa đó thì Thiền Ca cũng là Tình Ca. Lời ca của một người tình đã từng đi qua /tận cùng khổ lụy/ để thấy được những hư huyễn của cuộc đời, của yêu thương, của đam mê. Thấy để mà có thể /an nhiên hát nhỏ/ khi /Ta chưa ôm em thì mất em/ (Thiền Ca 6).
Mười bài Thiền Ca chỉ có bài 1 và một phần bài 4 là không trực tiếp nói đến tình, dù tình nhỏ, dù tình lớn. Phạm Duy là người nặng tình, nặng nợ mà.
Điều này đã làm cho Phạm Duy không đi vào Thiền như một Thiền giả, không đến với Thiền bằng những hình thức, những ngôn từ, những nội dung... cổ điển, kinh viện. Vả lại, hành thiền mà chỉ lo bám vào hình thức thì có ngày bước hụt, có lúc tẩu hỏa nhập ma.
Những đồ đệ vụ hình thức của Khổng Tử ngày xưa đã làm cho Khổng Tử có lúc phải vò đầu bứt tai kêu trời như bộng: Ô hô! Ai tai! Nói đến Lễ ta đâu có nói đến lụa là, nói đến Nhạc, ta đâu có đòi chiên trống!
Mấy trăm năm sau, Đức Jesus cũng lặp lại ý tưởng tâm đạo đó trong sách Mathiơ rằng chớ nên đánh trống thổi kèn khi làm việc thiện. Phật thì cảnh cáo rõ hơn về bệnh hình thức - ngay cả Thiền hình thức, khi Phật nói trong Kinh Kim Cang rằng 'nếu dựa vào sắc mà thấy ta, lấy âm thanh mà cầu ta thì tức là đã hành tà đạo, khó mà thấy được Như Lai'.
Có phải Phạm Duy đã đi theo dòng tu không vụ hình thức đó mà vào Thiền khi dùng Tình để đến gần với Đạo như người ta dùng ghe để vượt biên không? Điều đó chỉ có Phạm Duy trả lời được.
Đạt được lẽ sắc không của đời, của tình nhưng Phạm Duy hình như chưa dứt được tình, chưa lắng được tâm. Cho nên lời tình trong Thiền Ca quá buồn, một nỗi buồn phảng phất nhưng sâu đậm, man mác nhưng đau nhức.
Phạm Duy đã đạt đến mức thượng thừa khi hát những cuộc tình đổ nát đau thương không trọn vẹn. Nghìn Trùng Xa Cách, Nước Mắt Mùa Thu, Anh Yêu Em Vào Cõi Chết v.v. Những nỗi đau đó rất sắc, rất nhọn, như mũi kim xuyên thẳng vào tim óc người nghe chứ không tản mạn rã rời như lời tình của Thiền Ca .
Lời tình của Thiền Ca làm cho người nghe thấu xương tủy nhưng không để lại một vết bầm nào trên da thịt. Đau nhừ, đau ê ẩm, đau khắp nơi nhưng không vết bầm, vết máu. Phải chăng vì Phạm Duy chưa muốn thực sự nhìn Tình qua con mắt Đạo như David của Do Thái trong Thi Thiên, như Tô Man Sự của Trung Hoa thời Cách Mạng Tân Hợi?
Nhạc Thiền Ca sáng trong và thanh thoát nhưng lời Thiền Ca lại vụn vỡ não nuột. Không hiểu tại sao tôi lại cảm thấy như vậy; một cảm nghĩ mà tôi đã không có khi nghe Moonstone của James McCarty và Luis Cennamo hay Zen của Terry Oldgiels.
Có phải vì Phạm Duy chịu quay về với Đạo như 'hồn bướm mơ tiên' nhưng chưa chịu quay lưng với cuộc đời phù thế bầm dập?
Có phải Phạm Duy quay về để nghỉ mệt chứ chưa nghỉ chơi, chưa bỏ cuộc chơi?
Phạm Duy hình như cũng gián tiếp xác nhận điều đó. 'Bây giờ đã trên 70 tuổi, tôi vẫn còn được đứng chung với anh em trẻ hay già, làm cuộc chiến đấu cho nhân quyền, cho dân chủ, nghĩa là cho sự tự do của con người.' (Người Việt , sđd).
Nếu quả vậy thì âu cũng là nghiệp dĩ, và với tôi, đó có thể là điều đáng 'mừng' cho làng nhạc Việt hải ngoại đang lông bông nhàn nhạt mất bản sắc.
Thật vậy, mười bảy năm rồi, niềm đau về quê hương vẫn còn sường sượng, chưa chín; niềm hi vọng về dân tộc vẫn chưa đơm hoa kết nụ. Họa hoằn mới có được vài hạt minh châu trong đụn cát bồi, ít nữa là trong làng nhạc.
Ngoài ra thường chỉ là những niềm đau suông, những hi vọng hờ, những phẫn hận vờ vịt, những hoài bão giú ép diễn đạt bằng ngôn ngữ ba rọi lừng khừng, chuyên chở bằng những âm ba giả cầy lai căng của những kẻ chủ bại từ trong xương tủy, những kẻ đã quên dòng giống còn nhanh hơn người bản xứ quên được lý do tại sao họ có mặt ở đây.
Phạm Duy đã cố vươn lên khỏi tình huống đó bằng Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, bằng Con Đường Cái Quan, như một ánh đèn trong đêm đen như một vì sao lúc trời hừng sáng. Thiền Ca là một cố gắng khác của Phạm Duy trong loại này.
Thành công của Thiền Ca, phần lớn cũng nhờ tiếng hát Thái Hiền. Có những tiếng hát tôi chỉ muốn nghe một lần, bởi sợ nghe lần nữa thì 'bớt say mê, không còn ý vị ban đầu' như nỗi lo xa của Hàn Mặc Tử.
Lần đầu tiên tôi nghe Thái Hiền là từ hơn hai mươi năm trước qua Tuổi Thần Tiên. Hôm nay tôi lại nghe Thái Hiền hát Thiền Ca. May mắn, khuôn thiêng vẫn còn chìu tôi, cái ý vị ban đầu trong tiếng hát vẫn còn.
Thái Hiền không hát, Thái Hiền chỉ nhập thân với lời ca ý nhạc, vẹn toàn như một nhạc sĩ thiên tài nhập thân với cây đàn, một vũ nữ xuất chúng nhập thân với điệu múa. Nét thanh thoát của Thiền Ca không có Thái Hiền thì người nghe khó mà thưởng thức trọn vẹn.
Cảm nghĩ của tôi về tiếng hát Thái Hiền ở đây, khác hẳn cảm nghĩ của tôi khi nghe Về Miền Trung, Bến Xuân, Nghìn Trùng Xa Cách, Con Đường Cái Quan...
Ai hát cũng được, miễn sao còn nhạc, còn lời. Như một người rưng rưng nghe bản quốc ca khi xa quê đã dài ngày.
Bởi những bản nhạc đó đã hòa vào máu huyết xương thịt tôi tự bao giờ không rõ nữa. Hoàng tôi chỉ mong, ngày nào đây, Thiền Ca hôm nay - hay những bài nhạc mới khác của Phạm Duy, cũng sẽ cho tôi và những thế hệ sau tôi cái cảm nghĩ đó, cái ước ao cấp thiết đó.
TẠM THAY KẾT LUẬN
Kính anh,
Xin cám ơn anh đã chia sẻ lá thư anh gởi cho một người bạn ở Hòa Lan.
Lệ Hằng và tôi rất hân hoan những chuyển biến tâm tư của anh trong lá thư nầy so với nội dung lá thư cảm tạ chung của anh lần trước sau khi tiễn biệt chị. Đau khổ không quất sụm anh, đau khổ chỉ làm tâm thức anh vươn cao lớn mạnh ngút ngàn. Chúng tôi có cảm tưởng đang chứng kiến sự sinh thành của một Phạm Duy mới.
Phong Trang ít ra thì cũng đã ba lần viết về anh. Một bài của Lệ Hằng và hai bài của tôi. Lệ Hằng nhẹ nhàng dung dị trong những cảm nghĩ về anh, nhưng tôi thì đã cố nói nhiều điều tôi ao ước được thấy nơi một tài hoa nhạc Việt mà tôi say mê cảm mến. Hôm nay, chúng tôi sung sướng đã thấy được những điều chúng tôi ao ước thấy.
Tôi còn cảm thấy rằng việc nhà tôi ra đi đã giúp cho tôi nhìn ra nhiều điều mà trước đây tôi không thấy. Nhất là đã làm cho tôi quyết định làm lại cuộc đời, dù cũng chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa. Thư anh viết thế đó. Và lần nầy thì tôi tin anh trăm phần trăm đó, thưa anh. Như tôi tin Thái Tử Tất-Đạt-Đa bỏ đời vương giả nhung lụa lên rừng tìm đường vượt biên khỏi biển khổ sau khi đi qua bốn cửa thành sinh lão bệnh tử. Như tôi tin con trai bác thợ mộc Joseph là Jesus Christ bỏ nhà xuống đường biểu tình liên miên để chống lại bọn giả hình và vinh danh tình thương yêu đích thực.
Anh đã thấy rõ ràng cái bóng của tôi làm tôi mệt mỏi là anh đã quay về với bản lai diện mục rồi đó, thưa anh. Xin cúi đầu ghi nhận quyết tâm của anh không chạy theo bất cứ hư danh nào nữa. Nhưng xin được không đồng ý với anh về chuyện không đàn hát, xướng ca, viết lách gì hết. Bởi điều đó chỉ xảy ra khi Phạm Duy đã chết. Và anh thì sẽ không bao giờ chết trong lòng người Việt. Như Nguyễn Du, như Hồ xuân Hương, như Chu mạnh Trinh, như Cao bá Quát, như Nguyễn công Trứ, như Văn Cao... Người Việt mấy thế hệ liên tiếp đã thương mến tài anh. Thế hệ nầy và những thế hệ sau thương mến anh và phải học bài học ngàn vàng của anh rằng tất cả chỉ là phù du mà thôi! Suốt đời tôi đi tìm cõi vô thường, thì nay tôi đã ý thức rõ ràng: tất cả chỉ là còn đó, mất đó... Thời nhà Lý, Sư Không Lộ cũng thấy như anh, nhưng ông không giữ khám phá đó cho riêng mình. Ông đã đem khám phá đó chia cho nhân thế bằng tiếng cười dài qua câu thơ:
Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
Tám thế kỷ rồi, giọng cười lạnh cả vũ trụ đó vẫn còn như là tiếng thét giúp những kẻ mê mờ điên đảo trần gian phải tỉnh lại. Tám thế kỷ rồi, những vần thơ đó vẫn còn như là cây gậy giúp những kẻ đã bị tiền tài danh vọng làm sụm xương sống chống mà đi tới với đời trong cái nhìn vô cầu, vô tranh.
Anh đã có đủ bản lĩnh, giờ anh lại có sẵn chân tâm để cất tiếng cười như thế bằng chính tài năng không ai phủ nhận được và chưa ai thay thế được của anh.
Anh không thể bỏ cuộc chơi sáng tạo và anh cũng không cần bỏ cuộc chơi Sáng Tạo, bởi như anh nói, anh đã phủi bỏ được những cầu lụy sáng tạo rồi.
Cầu mong anh viên thành mơ ước dùng thời gian còn lại của đời mình để đi chơi của anh. Cách cả vạn cây số của Thái Bình Dương mênh mông, anh vẫn không quên được Việt Nam thì đi đến đâu nữa, chạy trời anh cũng không thoát khỏi quê hương mà.
Bởi quê hương ở trong tim óc anh chứ không phải trên bản đồ, giới định bằng kinh độ và vĩ độ. Anh chỉ là cái bóng của quê hương Việt Nam. Việt Nam là gì nếu không phải là quê hương của những con người khổ đau vì những quặn thắt oan khiên của sử mệnh, những con người bằng xương bằng thịt hào hùng, sáng tạo, lãng mạn, bình thường cũng biết ham sống sợ chết nhưng ngặt nghèo cũng biết tình người và nghĩa đồng bào, phất phơ tà tà hưởng thụ nhưng cũng kiên gan bền chí giấy rách phải giữ lấy lề khi bái xái quẩn bách, biết tự hào về cái đúng của mình để giữ và biết nhận cái sai của mình để sửa...? Không có Việt Nam đó thì làm gì có Phạm Duy, phải không thưa anh?
Cho nên, tôi xin được chia sẻ tâm nguyện của anh khi anh đoan chắc rằng chỉ còn hai nơi chưa đi là mặt trăng và Hà Nội. Sẽ đi thôi.
Anh nhắc đến trường hợp anh Phạm duy Nhượng làm tôi nhói lòng. Vì tôi là kẻ mê bản Tà Áo Văn Quân của anh Nhượng từ lúc còn ở Trung Học. Anh Nhượng hình như còn một vài bản khác nhưChiều Đô Thị chẳng hạn, phải không thưa anh? Hy vọng anh gia tâm nhắc nhở mấy cháu đừng để những bản đó thành chủng loại bị tận diệt, uổng lắm. Cũng có thể họ đã hát rồi nhưng bên nầy xa xôi quá chúng tôi chưa được nghe?
Ngao du năm châu bốn bể, nếu có đến Sydney xin anh cho tụi nầy biết đón về Phong Trang và rồi lại đưa anh lên Hydro Majestic ăn bánh ngọt uống Irish coffee nhìn hoàng hôn xuống xa xa như lần trước.
Lần nầy tôi sẽ không để anh phê Blue Mountains bằng câu: Núi rừng nầy đâu có đẹp bằng Lạng Sơn của mình! như lần trước nữa đâu. Chính tôi cũng muốn tranh với anh để nói câu ấy.
Khổ nỗi, tôi chưa về thăm lại quê hương, chưa hề biết Bắc Sơn Thái Nguyên thời tung cánh của anh và Văn Cao là gì cả. Cho nên, tôi thông cảm ước nguyện âm thần sẽ đi thôi của anh đó, thưa anh.
Lá thư anh chia sẻ cho chúng tôi có một ý nghĩa và giá trị lớn. Một chuyển hóa đầy ý nghĩa, một thứ hoát nhiên đại ngộ của người viết. Xin phép anh cho tôi được chia lại kinh nghiệm nầy với thế nhân được không? Dĩ nhiên, chúng tôi phải được anh hoan hỷ đồng ý cho trước đã trước khi phổ biến chung với hồi âm nầy. Xin cám ơn anh trước.
Kính thăm anh và quý quyến thường an lạc.
Bái thư,
1999/11/30.
[Phồn Hoa Kinh, tr.239-259, Văn Mới, Ca, 2003]
Bạt - Sau khi gởi lá thư cho Phạm Duy, Hoàng tôi thầm khấn vái đó sẽ là kết luận thật về Phạm Duy. Đó là một ước vọng bộp chộp. Phạm Duy còn sống và còn sống thì còn có chuyện. Chỗ mà Hoàng tôi nghĩ là hết chuyện có thể lại chỉ là một khởi đầu nữa của tài hoa đa đoan nầy...
Đó là quyền của Phạm Duy và đó cũng là một cái tài của Phạm Duy.
‘Đó là một ước vọng bộp chộp’…’Phạm Duy cũng có thể đang bị lịch sử lợi dụng’…Hoàng tôi viết những lời đó sau khi gặp Phạm Duy và được tin anh gặp đại tang. Biết vậy nhưng tôi vẫn hà tiện lời, và còn gọi Phạm Duy là một ‘tài hoa đa đoan’ trong khi dành mấy chữ Nguyễn Du thế kỷ 20 cho Trịnh công Sơn.
Quả tình tôi hơi bất công với Phạm Duy khi nghe tin anh đang viết Ngục Ca, phổ nhạc tập thơ được coi là của Nguyễn chí Thiện và nghĩ rằng Phạm Duy làm Thiền Ca là để đáp ứng nhu cầu phong trào đang thổi Thầy Huyền Quang lên để biến Thầy thành thánh tử đạo cầm cờ phục quốc nhân danh dân chủ nhân quyền tự do tôn giáo.
Ngày được tiếp Phạm Duy ở Phong Trang, tôi đã phải nén lòng hết sức để khỏi nhắc đến chuyện đó và nhất là không đặt vấn đề Đàn Chim Việt- Bến Xuân.
Tình thật, tôi vẫn âm thầm nghĩ Bến Xuân ‘của’ Phạm Duy và Đàn Chim Việt ‘của’ Văn Cao, hay cứ cho là ‘của’ Phạm Duy nữa, chỉ là một và tôi mong ước Phạm Duy nói lên điều ấy.
Điều đó tôi chỉ cố gắng nhẹ nhàng ‘nghi dĩ truyền nghi’ trong những bài trích dẫn trên mà thôi. Tôi đã ôm cái ấm ức ấy mấy chục năm và bây giờ mới đực giải tỏa bới cái tin web mà tôi vừa được đọc và trích dẫn ở trên. Phạm Duy đã gián tiếp xác nhận điều mà Hoàng tôi đã bao năm âm thầm chờ đợi: Bến Xuân hay Đàm Chim Việt là của Văn cao!!!
Trong lúc tiếp Phạm Duy, qua những lần thù tạc trò chuyện với anh tôi có cảm tưởng anh đã chán đời lưu vong lắm rồi. Tôi nghĩ thầm trong bụng ‘ổng mà không về VN thì chết ổng dám không nhắm mắt được lắm!’ Và đó là điều tôi thường tâm sự với Bác Mậu như để khích lệ Bác về chơi một chuyến cho biết!
Tôi còn âm tung ra ý niệm Trịnh công Sơn-Phạm Duy-Văn Cao là ba nhánh của một diapason của nhạc Việt để âm thầm vận động cho một cuộc lưu diễn toàn quốc của ban ‘tam ca’Trịnh công Sơn-Phạm Duy-Văn Cao. Ngoài nước do Bác Mậu trong nước do Phạm thế Mỹ tiếp tay. Hát được bao nhiêu tiền thì bỏ ra làm việc thiện. Đó là cố gắng đầu tiên để vận động hai chiều cho Bác Mậu và Phạm Duy về nước.
Cũng bởi vì vậy mà tôi hơi phân vân khi biết Phạm Duy bắt đầu phổ Ngục Ca của Nguyễn chí Thiện và Thiền Ca để vô tình tiếp tay cho đám Võ văn Ái-CCCD đang lăng xăng dúi con bài Thầy Huyền Quang-Quảng Đô vào tay đám qủy ám 4 Không-CCCB mà đứng đầu là Nguyễn Bá Long và đám con cưng của Đức Ông Trần văn Hoài.
Cũng vì nỗi phân vân này mà những khi lên tiếng bênh Phạm Duy tôi không xông xáo mà chỉ nhẹ nhàng như khi bênh Trịnh công Sơn, Đỗ Mậu, Tố Hữu…mà chỉ nhẹ nhàng chứng minh Phạm Duy là người tài, người tốt và anh có quyền làm gì thì làm!
Tôi thương Phạm Duy kể từ khi tôi để ý đến lời ca của bản Người Về… Một vừng hương trắng xóa…
Thời đệ nhất cộng hòa, lần đầu tiên khi nghe câu đó tôi đã tít lên: Ô hay cái anh này, sao lại vầng hương trắng xóa vào đây hả?! Giữa một thời đại mà mở miệng ra là xin Thượng Đế ban phước lành cho Người hay lạy mẹ là ngôi sao sáng mà Phạm Duy lại khơi khơi nhắc đến một vừng hương trắng xóa hay tiếng chuông chùa rung…thì đúng là gàn hết chỗ nói rồi. Và tôi thương mến cảm phục Phạm Duy từ độ đó!
Cái đám 4 Không-CCCB—CCCĐ này từng nổi điên lên vì Nguyễn cao Kỳ thì lại càng điên tợn khi Phạm Duy chuẩn bị đem tro tàn của Bà Thái Hằng về quê an táng theo lời trăn trối của Bà. Họ mè nheo đâm thọc tố cáo Phạm Duy là ‘trở cờ’ khiến Phạm Duy nổi cáu bằng bài viết mò tôi đã ghi lãi với tựa đề Phạm Duy Nổi Giận như sau:
Từ: Anh La <lathihoanganh @ ...>
Ngày: SunApr17,2005 21:36
Subject: Phạm Duy Phúc Trình
Thưa anh chị em,
Nhân đọc một bài báo trên tờ Công An TP. HCM ra ngày April 7, 2005, nhan đề:
’MONG MUỐN QUAY VỀ NGUỒN CỘI CỦA NHẠC SĨ PHẠM DUY BỊ NHÓM ‘NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA’ Ở HẢI NGOẠI XÚC PHẠM’
Tôi xin phúc trình với anh chị em.
Bài báo này có nói tới danh từ Gió Tanh Mưa Máu mà người viết cho rằng nhà báo Ðặng Văn Nhâm là người đẻ ra danh từ đó.
Tôi xin xác nhận rằng chính tôi mới là người đã dùng danh từ Gió Tanh Mưa Máu để mở ra một tập hồ sơ tố cáo lũ người làm chính trị giả mạo, viết báo nham nhở, lúc nào cũng ra vẻ chống Cộng nhưng trong thực tế chỉ là một lũ chó đói, kiếm ăn bằng cách nói xấu, vu cáo những người nhìn ra sự thực, biết xóa bỏ thành kiến vì đã ý thức được sự đổi thay, biết tránh xa sự tha hóa để tìm về sự thăng hoa.
Tôi đã vạch mặt chỉ tên những kẻ giả mạo kể trên bằng một đọan viết trong HỒI KÝ BỐN(chưa xuất bản) như sau:
… Ðồng thời, cũng trong năm 1988 này, bỗng nhiên có một lá thư vô danh — dù đề tên người gửi ở Saint Paul, Minnesota, nhưng tôi điều tra ra là tên và địa chỉ giả - gửi cho các báo tiếng Việt với đầu đề Áo Gấm Về Làng trong đó một người đội tên giả đã viết lời vu khống tôi là đã đi du lịch Việt Nam, đã về hát trên quê hương tả tơi nghèo đói... với những lời mạ lị rất thậm tệ. Lập tức, có báo Dân Tộc của một Mặt Trận ‘chính trị’ ở Houston, Texas đăng lá thư này.
Những chuyện vu cáo như vậy còn tiếp tục với những tờ báo Ép Phê ở Paris, Thế Giới Ngày Nay ở Wichita, Kansas, Xây Dựng ở Houston, Texas, Làng Văn ở Toronto, Canada... với những lời vu khống tôi, bịa ra chuyện tôi gặp ông Ðại Sứ Việt Nam, nói xấu người quốc gia, khinh rẻ người nghe nhạc v.v...
Trong tờ Saigon Nhỏ, Hoàng Dược Thảo còn dùng nhà thơ (!) Bông Giấy để hạ bệ tôi vì tôi… ‘không chống Cộng’ nữa. Một nhà thơ khác sống bằng nghề ‘tạo ra những tai nạn xe hơi giả’ để lấy tiền bảo hiểm và nghề ‘làm thơ chống Cộng rỏm’, tên là Ðịnh Nguyên, còn làm thơ dè bỉu tôi vì chỉ nghe những lời đồn đại khốn nạn kể trên…
Cái lối chống Cộng dối trá, bất lương của một số người mà tôi cho là mắc bệnh tâm thần, cuối cùng chỉ là trò mị dân, ảo tưởng bởi vì nó không làm hại hay đánh đổ được ai cả, nó chỉ làm cho không khí chính trị ở ngoài nước càng ngày càng thêm ô nhiễm.
Tôi không cần trả lời những người này, nhưng nhiều bạn quen hay không quen đã bất bình và lên tiếng hộ tôi, như các nhà báo Văn Thanh, Hải Triều, Trần An Bài v.v... Nhất là ông luật sư Nguyễn Lê Hà ở Canada đã có lòng tốt muốn thay mặt tôi để, qua một lá thư công khai, cho mọi người biết rằng: đây là một sự phỉ báng cá nhân có thể bị đưa ra chốn pháp đình. Còn tôi thì không muốn mất thì giờ để đi kiện ai cả, tôi chỉ muốn đưa tất cả những chuyện này ra trước một toà án dư luận bằng một hồ sơ mà tôi đặt cho cái tên là: TRONG CƠN GIÓ TANH MƯA MÁU, gửi tặng một số bạn thân.
Trên đầu chương 21 này, tôi đã viết: vào năm 1988 này, có những việc khiến cho tôi phải suy nghĩ! Những việc này, xét cho cùng, cũng chỉ là do thiện cảm hay do ác cảm mà người đời dành cho một nghệ sĩ, suốt một kiếp ca nhân đã luôn luôn phải đứng hát ở những nơi đầu sóng ngọn gió.
Là người nghệ sĩ là phải đương đầu với cơn bão tố mang tên Việt Nam. Tôi đã nhìn ra sự đời như thế từ lâu. Hãy nghe lại những câu hát xa xưa :
Một ngày đi làm lính
Một ngày đi đảo chính
Một ngày đi cầu kinh
Một ngày về quyên sinh.
Hỡi, hỡi ôi !
Thân phận làm người !
Vậy thì, 1988 là năm chuyển động của tôi. Sự thay đổi trong cảm súc và sáng tác của tôi chẳng có gì là lạ cả. Nó chuyển theo sự thay đổi của cuộc đời trước mặt. Nhưng tôi cần nói lên vài điều. Một mặt, đối với những người đã nhìn ra vị trí độc lập của nghệ sĩ và thấy không nên bắt chim phải học hót trong lồng... mỉa mai, tôi thấy cần phải cám ơn. Mặt khác, đối với những người giận dữ, bây giờ thì tôi mới nhìn ra sự bất ơn của họ, vì họ cũng đã từng nhiều phen — như họ đã nói — được hưởng những bài hát hay của tôi. Bởi vậy, tôi chỉ nên sẵn sàng quên họ như họ đã quên tôi. Người Ả Rập ở miền sa mạc nóng bức, thường nói : sói cứ sủa, đoàn người và lạc đà cứ đi. Tôi là người Việt Nam, nên chỉ nói giản dị: đường ta, ta cứ đi...
Tóm tắt:
Trong Tập Hồ Sơ Gió Tanh Mưa Máu, ngay từ năm 1988 trở đi, sau khi đã nhìn thấy nước Việt Nam khởi sự đổi mới, tôi không còn một mặc cảm nào nữa ở trong lòng, tôi liên lạc với bè bạn ở VN trong tinh thần hòa hợp hòa giải… và lập tức tôi bị những lũ hoang tưởng và điên khùng công kích. Nhưng những tên như Lê Hữu Mục, Nguyễn Hữu Nghĩa và vợ Hoàng Dược Thảo, Trần Thị Bông Giấy, Bùi Bảo Trúc… không cần tới sự chống đỡ của tôi mà đã thất bại ngay lập tức trong âm mưu tiêu diệt Phạm Duy.
Tuy nhiên những cơn gió tanh mưa máu vẫn còn có thể xuất hiện ở hải ngọai nhưng may thay, tôi sắp được trở về sống với quê hương cho nên tôi sẽ không cần đội ô, mặc áo nylon mỗi khi ra đường nữa. Chắc chắn tôi sẽ được sống rất bình an cho tới ngày tôi chết. Hoan hô cuộc đời. Hoan hô cuộc tình.
Tái bút. - Vào lúc tôi chuẩn bị cho chuyến ‘áo vải về làng’, tôi ghi thêm vào đây một ‘cơn gió tanh mưa máu’ mới, gieo nên bởi một cơ quan truyền thông ở ‘nước Bolsa’ (à quên Bon Chen) này, tưởng rằng mình đã nắm được dư luận, hằng ngày ra rả ‘ca giảng những câu chuyện chính trị, xã hội, văn hóa’ nhưng thực ra chúng nó đã ‘giả dối’ như thế nào?
Bài viết của Phạm Duy đã đấm mõm đám định dùng Phạm Duy như cái bị bông để thao dượt lối chống Cộng dối trá, bất lương của họ bằng lời nhắn nhe: Tiên sư cha các anh các chị, muốn nghe tôi nói cho mà nghe!
Phạm Duy nhìn họ như người luyện thú nhín đám cọp đói trong gánh xiếc. Cái roi điện trong tay mà Phạm Duy rung rung thị uy đó là quyển hồi ký tập 4 Gió Tanh Mưa Máu mà Phạm Duy bảo là viết xong nhưng chưa phổ biến! Thế là cả đám im re ngay cả những kẻ nổi tiếng mồm loa mép dãi nhất mà Phạm Duy không ngại nhắc tên!
Tôi ủng hộ mọi cố gắng vận dụng và tạo điều kiện cho sự tham gia quyết định của đám đông trong mọi lề lối sinh hoạt quốc gia. Nhưng tôi không thể chịu đựng tình cảnh qúy Thầy và Phật Giáo Ấn Quang, như những người được xưng tụng là những ‘nhà đối kháng dân chủ’ kiểu BD hay TDBC, trở thành bù nhìn cho Võ văn Ái để trở thành công cụ của đám qủy ám lăng xăng trong phong trào kinh tế thị trường - nhân quyền - tự do tín ngưỡng 4 KHÔNG - CCCB hay CCCĐ mà anh chị em chúng tôi đã có người vui miệng đọc là cầm-cu-chó-đái!
Mấy năm trước đây, mỗi lần có người quen về thăm nhà tôi chỉ xin họ tìm cho tôi bản Một Khúc Tâm Tình Người Hà Tĩnh. Có người đi về nhăn mặt thở dài… Bên đó người ta bảo bản nhạc đó tuyệt tích rồi, không ai hát cả! Không có Phạm Duy thì miền Nam chẳng ai nhớ đến Hữu Loan, Hoàng Cầm cũng như không có Phạm đình Chương với Đôi Mắt Người Sơn Tây thì chẳng ai nhớ đến Đôi Bờ với Quang Dũng!
Miền Nam mà không có Quảng Đức, Trí Quang, Thiện Minh, Đôn Hậu, Nhất Hạnh, không có PG Ấn Quang… không có Trịnh công Sơn, Phùng Khánh, Phạm Duy, Nguyên Sa, không có Bùi Giáng, Phạm công Thiện, Phạm thiên Thư thì còn ai đây?!
Bảy, tám mươi phần trăm thanh niên thiếu nữ sinh sau năm 1975 biết rõ hơn ai hết câu trả lời cho câu hỏi ấy! Chỉ trừ đám 4 Không-CCCB—CCCĐ, dĩ nhiên!
Cái phân vân, lợn cợn trong tôi vì chuyện Bến Xuân- Đàn Chim Việt tôi ấp ủ mấy chục năm nay giờ không còn nữa, cũng nhờ những lời của Phạm Duy trong cái tin dẫn thượng.
Cám ơn người không quen, cám ơn Phạm Duy, cám ơn đời.
Hoàng Nguyên Nhuận
Theo  Actiteepi: // schimnat /



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...