Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Một thoáng Lạng Sơn

Một thoáng Lạng Sơn
Hà Nội đang trong những ngày hè, nhưng do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nhiệt đới nên khoảng 4 giờ sáng trời bắt đầu rỉ rả mưa rồi mỗi lúc cơn mưa một nặng hạt hơn. Nằm trong khách sạn nghe mưa rơi, tôi nghĩ thầm:
– Vậy là chương trình đi Lạng Sơn phải hủy rồi!
Công việc ở Hà Nội chỉ trong buổi sáng nữa là xong, trưa có thể lên đường đi đến Lạng Sơn như dự định từ trước, nhưng mưa lớn và dai dẳng trên toàn miền Bắc thế này, lại thêm lần đầu tiên đến một nơi xa lạ, chỉ có mỗi một người quen duy nhất nên cũng hơi ngại ngần.
Hơn 7h 30 sáng, cơn mưa không có dấu hiệu gì sẽ dứt, tôi gọi điện thoại cho anh bạn trên đó nói lời xin lỗi vì không thể lên như dự định ban đầu và đề nghị anh cho địa chỉ chính xác để gửi qua Bưu điện hộp các loại sản phẩm mẫu của một doanh nghiệp Thái Lan gửi cho anh mà tôi mang theo.
Nhưng anh rất nhiệt tình và thân thiết nói qua điện thoại:
– Không! Có thể với Hà Nội anh đã đến và đi nhiều rồi, nhưng Lạng Sơn thì chưa. Anh nên
đến một lần cho biết đất và người Lạng Sơn thế nào, sẵn dịp tôi có ở nhà, chứ lần khác chưa chắc gì đã có vì tôi cũng hay đi xa. Chiều mai xe sẽ đưa anh đến sân bay Nội Bài trước giờ lên máy bay, anh yên tâm đi! Tôi đã thu xếp xe đến đón anh, chốc nữa họ sẽ gọi cho anh hỏi địa chỉ để đón. Anh không được từ chối.
Trước tấm lòng, sự nhiệt tình của anh cộng thêm tí tò mò muốn biết thêm một vùng nữa trong những địa danh có từ “xứ”: xứ Thanh (Thanh Hóa), xứ Nghệ (Nghệ An), xứ Huế (vùng Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế), xứ nẫu (vùng Bình Định, Phú Yên), xứ Quảng (vùng Quảng Nam, Đà Nẵng), xứ Lạng (Lạng Sơn) và bài ca dao được học thuở nhỏ chợt đến trong đầu:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mãi vui quên hết lời em dặn dò”
như thế nào nên tôi nhận lời.
Từ Hà Nội muốn đi Lạng Sơn phải qua 2 tỉnh: Bắc Ninh (vùng Kinh Bắc xưa), quê hương của dân ca quan họ, tranh Đông Hồ, với những làng nghề cổ như rèn (làng Vát), đúc đồng (làng Bưởi), tre hun (tre đen) huyện Gia Bình v.v… và Bắc Giang với rượu làng Vân, hát then – đàn tính (huyện Lạng Giang), cam Bố Hạ (huyện Yên Thế) nổi tiếng ngọt, ngon tự ngàn xưa … cũng là nơi có tên những thị trấn rất ngộ nghĩnh như Chũ (huyện Lục Ngạn), Neo (huyện Yên Dũng), Vôi, Kép (huyện Lạng Giang), Nếnh (huyện Việt Yên) …
Quá trưa một chút, chiếc Innova 7 chỗ đón tôi ở khách sạn, chạy vòng qua Cầu Giấy về hướng trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội rồi nhanh chóng hòa vào dòng xe trên quốc lộ 1A đi vào tỉnh Bắc Ninh hướng về Lạng Sơn. Hai bên đường là cánh đồng lúa đang mùa chín tới nên đượm một màu vàng tươm, xa xa là những đồi núi trập trùng chạy dài theo đường chân trời, dăm ba con trâu, bò bình thản gặm cỏ mặc cho vài chú cò trắng ngạo nghễ chao qua lượn lại trước mũi hay đậu trên lưng.
Xe vào đến địa phận tỉnh Bắc Giang, những ngọn núi thấp, thân phủ màu xanh lá nối lên nhau làm cho ánh nắng chiều cũng trở nên dịu nhẹ, người chủ – lái xe đưa tay chỉ về phía trái giới thiệu với tôi như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp rất rành về địa lý:
– Đó là dãy núi Bắc Sơn, dân gian gọi là cánh cung Bắc Sơn, nó là dãy núi đá vôi chạy theo hướng đông bắc – tây nam, dọc hữu ngạn sông Thương từ huyện Bắc Sơn, Văn Quan ở phía bắc, qua Hữu Lũng, Chi Lăng, rồi lại chạy qua Yên Thế, xuống phía bắc thị trấn Kép; nó nối từ Bắc Ninh đến Lạng Sơn, dài gần 60 cây số, cao khoảng 400 – 500 mét, rộng độ chừng bốn mấy, năm mươi km.
Những năm học phổ thông, chúng tôi được thầy giáo dạy môn giờ Sử – Địa cho thuyết trình về các triều đại, địa dư các tỉnh, lại thêm thói quen hay tìm hiểu các địa danh trong nước; lục lọi trong trí nhớ, tôi góp vào câu chuyện mà không biết cái trí nhớ của người gần 60 có “phản bội” mình không:
– Đây là cung Bắc Sơn, còn một cánh cung khác nằm trên địa phận Quảng Ninh, Lạng Sơn,
Bắc Giang, Hải Phòng theo hướng đông bắc – tây nam ranh giới của Quảng Ninh – Lạng Sơn, sau đó vòng sang hướng nam Quảng Ninh thì chếch qua Hải Dương và Bắc Giang, lưng quay đông nam, mặt nhìn ra biển Đông nên gọi là cung Đông Triều!
Từ trên xuống dưới ở mỗi ngọn núi, người dân chỉ trồng một loại cây duy nhất: mãng cầu (na), lái xe cho biết na (mãng cầu) ở đây đã thành thương hiệu nổi tiếng, nó giống như mãng cầu gai trong Nam nhưng ngọt hơn, to hơn, hạt nhỏ, dày cùi và thơm ngát, có lẽ do được trồng trên đá vôi, và mỗi năm chỉ cho trái một mùa. Vào mùa thu hoạch người dân lên đỉnh núi hái quả bỏ vào sọt rồi cột sọt trái vào dây cáp cho chạy xuống đất.
Dãy núi đá vôi trong cung Bắc Sơn, 
ảnh VX Đào chụp ngày 10/6/2013
Rừng mãng cầu và dây cáp thu hoạch
Ải Chi Lăng đây rồi! Chiếc xe dừng trước tường đá có khắc ba từ “Ải Chi Lăng”, trong tôi chợt nhớ đến bài thơ chữ Hán của vị tể tướng nhà Trần vào thế kỷ 14 là Phạm Sư Mạnh đã cảm tác khi dừng chân trước ải trên bước đường tuần thú xứ Lạng có tên là “Chi Lăng động” được người xưa diễn nôm và dịch thơ như sau:
Thiên lý tuần biên ẩn cổ bề
Phiên thành man trái nhất ê kê
Giản nam giản bắc hồng kỳ chuyển
Quân hậu quân tiền thanh hủy đề
Lâu lại cốc thâm ư tỉnh để
Chi Lăng quan hiểm dữ thiên tề
Lâu phong bạt mã cao hồi thủ
Cấn khuyết thiều nghiêu vân khí tê.
Dịch thơ: Nổi trống tuần biên bước dặm ngàn,
               Xem tày trùng nhỏ khóm Phiên, Man.
               Quạt cờ đồng đội chê đầu núi,
               Gầm thét ba quân kéo một đoàn.
              Lâu Lại hang sâu đò khó tới,
              Chi Lăng cửa hiểm vượt khôn toan.
              Ngựa dong trước gió nghiêng đầu ngắm,
             Cung khuyết mây đài lúc rợp tan.
Trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, Chi Lăng cũng được ông đề cập đến một cách kiêu hùng: “…Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế. Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu …” (Ngô Tất Tố dịch), rồi đến đại thi hào đất Việt – Nguyễn Du – trên đường đi sứ sang nhà Thanh, khi qua Chi Lăng đã có bài “Quỷ Môn đạo trung”, bài thơ vịnh về Quỷ Môn Quan, tuy chỉ là vịnh cảnh trên đường nhưng cũng nhắc lại “hiểm địa” Chi Lăng đối với quân Tàu “… Chính khách nam quy dục đoạn hồn…” (Lữ khách về Nam sợ mất hồn – Thảo Nguyên dịch) và từ những năm 1940, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã sáng tác những bài sử ca hào hùng như: Non song gấm vóc, Bạch Đằng giang, Hội nghị Diên Hồng, Ải Chi Lăng … mà trong những lần “hội diễn văn nghệ” của học sinh quê tôi thường biểu diễn, tôi chỉ còn nhớ lõm bõm vài đoạn:
“Chi Lăng, Chi Lăng
Tiếng ai hò reo vang trời
Chi Lăng, Chi Lăng
Bóng ai tranh hùng muôn đời.
… Vì nước tuốt gươm đột xông
Làm cho rõ giống Tiên Rồng
Hồi nhớ tới vó câu khập khễnh lướt qua làn khói giáp chiến.
Hồi nhớ tới bóng cờ xí phất tung hùng vĩ quyết tiến!
Vì nước tuốt gươm xông pha.
Lòng trung, cứu dân lầm than
Đồng hát khúc anh hùng ca
Bền gan kết tâm cường tráng
Khuất Nam, bình Bắc, oai hùng luôn tiến
Trống chiêng vang rền …”
Ải Chi Lăng là một ải hình bầu dục, được hình thành từ một thung lũng hẹp ép giữa hai dãy núi có địa thế hiểm trở, phía đông là núi đất Bảo Đài, Thái Hòa cùng những vạt đầm lầy, những ngọn núi nhỏ tựa vào nhau thành hào, thành lũy và phía tây là núi Cai Kinh dựng đứng, dài độ chừng 20 cây số chạy từ Quán Thanh huyện Chi Lăng đến huyện Hữu Lũng; con sông Thương chạy ngoằn ngoèo dọc theo thung lũng này tạo nên một con suối có tên rất thơ mộng “suối Hoa Đào”.
Nơi hai vòng cung núi phía đông và phía tây kép lại xem như đóng khóa hai đầu của thung lũng là Ngõ Thề phía nam và Ải Quỷ phía bắc. Gọi là Ngõ Thề vì theo truyền thuyết nơi đây diễn ra lễ tuyên thệ thề giết giặc bảo vệ non song, cuối Ngõ Thề là núi giống cái yên ngựa, gọi là núi Mã Yên; còn Ải Qủy là do nơi đây ngày xưa bọn giặc phương Bắc tràn sang nước ta thường qua cửa này, và cửa này cũng đã gây nên bao nỗi kinh hoàng cho bọn giặc xâm lược, trong sách của Lê Quí Đôn có ghi: thời nhà Tấn (265 – 420) quân xâm lăng qua ải này bị giết nhiều đến nỗi đã để lại câu thơ đầy hãi hùng “Quỷ Môn quan, Quỷ Môn quan, thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (Quỷ Môn quan, Quỷ Môn quan, mười người đi, chỉ một người trở về)
Tại Ải Chi Lăng có thành Chi Lăng do quân Minh đắp trong thời gian xâm lược Việt Nam, hiện tại chỉ là phế tích với cái nền và ở phía nam thành còn phiến đá khắc mấy từ Hoàng tráng nhị thập đội (nơi đồn trú của đội quân Hoàng tráng thứ 20) mà thôi!
Trong suốt quá trình xâm lược của kẻ thù phương Bắc từ Tống, Nguyên đến Minh, Lạng Sơn nói chung, Ải Chi Lăng nói riêng luôn là vị trí chiến lược và là hướng tấn công chính, bởi nếu chiếm được có nghĩa là chiếm được cửa ngõ vào châu thổ sông Hồng khi theo đường cái quan (quốc lộ 1) chỉ cách kinh đô Đại Việt (Thăng Long – Hà Nội) 150 km. Nhưng Ải Chi Lăng với chiến lũy hình thang cùng các đầm lầy, sông suối, núi non hiểm trở luôn là tường thành kiên cố của kinh đô xưa ngăn chặn bước viễn chinh xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Như năm 981 Lê Hoàn đã giết chết bọn tướng cầm đầu quân Tống sang xâm lược nước ta, năm 1077 Lý Thường Kiệt cùng phò mã Thân Cảnh Phúc với chiến tuyến Quyết Lý và Giáp Khẩu dựng tại Chi Lăng đánh tan quân Tống xâm lược lần thứ hai. Năm 1285 quân Nguyên Mông bị quân nhà Trần dưới sự chỉ huy tài ba của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đánh cho tan tác, tướng giặc là Nghệ Nhuận bị giết tại chỗ. Năm 1427, Liễu Thăng chỉ huy gần 10 vạn quân kéo sang dẹp khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, bị phục kích tại núi Mã Yên, Liễu Thăng bị chém chết, đoàn quân bị vây đánh, tiêu diệt và bắt sống gần như toàn bộ ở Xương Giang.
Người lái xe say sưa giới thiệu Ải Chi Lăng với tôi cùng những chiến tích chống xâm lược lẫy lừng của Chi Lăng, Lạng Sơn chẳng khác một sử gia. Anh nói thêm, nếu muốn đi dọc theo Ải Chi Lăng phải theo quốc lộ 1 cũ đến đèo Sài Hồ ranh giới giữa hai huyện Chi Lăng và Cao Lộc, khá hiểm trở.
Quá tường đá “Ải Chi Lăng” hướng về thành phố Lạng Sơn một chút (cũng thuộc xã Quán Thanh) là “Núi mặt quỷ” (hình chụp bên dưới), trên vách núi có các hốc đá nhìn từ xa giống một đầu lâu, có tóc (những dây leo màu xanh phủ trên), hai hốc mắt, mũi, miệng. Khu vực núi hình mặt quỷ không một cây, cỏ nào mọc tạo nên nét màu đỏ. Người dân ở đây cho biết núi này đã có từ lâu đời và không hiểu sao vùng mặt không cây, cỏ nào mọc chứ chẳng phải do con người cắt tỉa vì không ai dám leo lên chỗ “mặt quỷ”, làm như thế là không tôn trọng “đấng tạo hóa”, sẽ bị trừng phạt; chếch núi “mặt quỷ” là ngọn “núi quỷ” (hình dưới) độc lập có hình dáng 3 người, người sau tựa tay vào vai người trước. Mỗi khi gió thổi qua hai ngọn núi này tạo nên âm thanh như tiếng ma kêu quỷ khóc, dân sống quanh đây đã quen nên không sợ hãi gì mà họ bảo “mặt quỷ” tuy tượng trưng cho cái ác, nhưng “mặt quỷ” và “núi quỷ” thật hiền hòa với dân làng.
Những sự kiện oai hùng của thời xưa thật xưa qua lời kể của người lái xe cùng những hình ảnh núi đồi thực tại như từng trang sử sống động, hào hùng của đất nước, của tiền nhân hiện ra trước mắt tôi. Trải dài trên quê hương Việt Nam không chỉ có biển, núi, sông xinh đẹp, hùng vĩ mà mỗi một địa danh cũng gắn liền với những trận thư hùng oanh liệt, từng tất đất đã thấm đẫm biết bao máu, thịt của nhiều thế hệ con dân Việt Nam từ ngày lập quốc đến nay! Hệ thống lại lịch sử Việt Nam từ buổi ban sơ, Việt Nam và Trung Quốc chưa hề có mối bang giao hữu nghị thực sự mà chỉ có những cuộc xâm lược mở rộng cương thổ của một nước lớn và sự chống trả, chiến đấu bảo vệ quê hương của người bị xâm lăng.
– Chúng ta đến thành phố Lạng Sơn rồi! Giọng của người lái xe vang lên, đưa tôi trở về thực tại, thoát ra niềm ưu tư bất chợt của mình. Cổng chào vào thành phố Lạng Sơn hiện ra trước mắt tôi.
Vạt nắng chiều đang tắt dần sau dãy núi đá vôi của cung Bắc Sơn. Chỉ mới hơn 5 giờ chiều, sau khi nhận phòng ở khách sạn người bạn đặt sẵn, tắm rửa xong, trong lúc chờ anh bạn đến, tôi thả bộ ra chợ Kỳ Lừa chỉ cách khách sạn mình ở độ vài chục bước chân.
Và đây, chợ Kỳ Lừa ngày trước, nay là “Chợ đêm Kỳ Lừa”, chợ thuộc phường Hoàng Văn Thụ, mặt trước là đường Trần Đăng Ninh, ngó qua hồ Phai Loạn.
Theo lời người bạn, chợ đã có từ hơn trăm năm trước, là nơi mua bán các loại sản vật, hàng hóa phong phú, đa dạng như các loại thổ cẩm, trang phục, các món ăm của dân trong vùng và các địa phương khác đưa đến. Chợ được xếp vào một trong “trấn doanh bát cảnh” của Lạng Sơn. Ngày trước chợ họp sáu phiên mỗi tháng vào các ngày mùng 2, 12, 22, mùng 7, 17 và 27 âm lịch; mỗi năm Hội chợ Kỳ Lừa kéo dài từ 22 đến 27 tháng giêng. Trong mỗi phiên chợ diễn ra những hoạt động văn hóa dân gian của các dân tộc rất sống động như hát sli, hát lượn; người đến chợ không chỉ để mua bán mà còn giao lưu, hát giao duyên, kết bạn … Nay thì không còn những phiên chợ, sinh hoạt văn hóa đó nữa mà trở thành chợ đêm, hoạt động mua bán thường xuyên và diễn ra từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm để phục vụ khách du lịch, chủ yếu là các loại hàng hóa của Trung Quốc, trước đây việc mua bán rất sầm uất, nhưng kể từ khi Trung Quốc có những hoạt động quấy phá trên biển Đông, đặc biệt là những thông tin về hàng Trung Quốc có chứa nhiều độc tố thì việc mua bán giảm sút hẳn, tôi tận mắt nhìn thấy khá nhiều gian hàng che bạt phủ kín.
Người bạn giải thích cho tôi nghe tại sao gọi là Kỳ Lừa: ngày xưa, khu vực này có một con lừa rất kỳ lạ. Hàng ngày, khi được chủ thả đi ăn, nó tự bơi qua sông Kỳ Cùng và sang núi Kỳ Cấp ăn cỏ non, đến tối lại tự bơi qua sông tìm về chuồng, người ta kháo nhau đó là con lừa của Mạc Đĩnh Chi, rủ nhau đến xem con lừa rất đông và cái tên Kỳ Lừa (con lừa kỳ lạ) ra đời từ đó. Còn ý kiến khác thì cho rằng xưa kia nơi này có những đồi cỏ thấp dùng làm bãi chăn thả lừa, ngựa nên gọi là Khưu Lư và người ta đã đọc chệch thành Kỳ Lừa. Cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ về sự hai luồng ý kiến này. Tuy là người sinh ra và lớn lên ở Xứ Lạng nhưng cũng không rõ lắm, tùy anh tin ở ý tương truyền nào cũng được.
Lạng Sơn là một trong những tỉnh Đông Bắc của Việt Nam được vua Minh Mạng thành lập năm 1831 cùng 12 tỉnh khác của Bắc Kỳ, thành phố Lạng Sơn nằm giữa một lòng chảo lớn, cư dân thành phố gồm có: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, H’Mông; trong đó người Nùng chiếm tỷ lệ cao nhất, rồi đến người Tày, thứ ba là người Kinh. Từ xưa, Lạng Sơn là trung tâm của vùng đất biên giới, nằm trên trục giao thông có từ rất lâu, nối liền từ giữa kinh thành Thăng Long (Hà Nội) và biên ải, cũng là đường giao lưu giữa các triều đại phong kiến của hai nước Việt Nam – Trung Hoa. Theo nhiều sử liệu, thời nhà Hán, Đường (Trung Quốc) đô hộ nước ta, Lạng Sơn thuộc quận Giao Chỉ, là một trong 9 quận của Việt Nam lúc bấy giờ. Đến triều đại nhà Lý (thế kỷ 11), Lạng Sơn được gọi là châu Lạng, do phò mã Thân Thừa Quý cai trị. Đời nhà Trần (thế kỷ 13), Lạng Sơn được gọi là Lạng Châu lộ, năm Quang Thái thứ 10 đổi thành trấn Lạng Sơn và đặt lỵ sở ở Mai Pha. Thời nhà Lê (thế kỷ 15), Lạng Sơn được bố trí nhiều cơ quan gọi là vệ, cục, ty, củng cố quân sự để chống lại sự xâm lược của nhà Minh. Đến triều Nguyễn, triều đình cử Ngô Thì Sỹ trấn thủ và tu bổ lại Đoàn Thành Lạng Sơn được xây dựng từ thời nhà Trần. Năm 1925 của thế kỷ 20, thị xã Lạng Sơn được thành lập và là tỉnh lỵ của tỉnh Lạng Sơn, chia làm hai khu vực tự nhiên, lấy sống Kỳ Cùng làm ranh, phía bờ nam gọi là “bên tỉnh” tập trung các cơ quan hành chính của bộ máy, phía bờ bắc gọi là “bên Kỳ Lừa” là nơi phố chợ với các hoạt động sản xuất, buôn bán của người dân. Trong chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979, quân Trung Quốc tràn xuống đến bên Kỳ Lừa gây ra nhiều thiệt hại. (*)
Góc nhỏ thành phố Lạng Sơn với hồ Phai Loạn trong buổi chiều tà.
Sông Kỳ Cùng chảy qua trung tâm thành phố, sông thuộc lưu vực Tây Giang (Trung Quốc), sông này dài hơn 240 km, bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa (cao hơn 1.100m) thuộc huyện Đình Lập chảy theo hướng đông nam – tây bắc về Quảng Tây – Trung Quốc. Cách thành phố Lạng Sơn khoảng hơn 20 km, dòng chảy đổi chiều theo hướng nam – bắc tới thị trấn Văn Lang rồi lại đổi hướng dòng chảy thành đông nam – tây bắc trước khi rẻ sang hướng đông ở gần thị trấn Thất Khê, để rồi cũng tại thị trấn Thất Khê dòng chảy theo đường vòng cung, đoạn đầu là hướng tây tây bắc – đông đông nam đến Bi Nhi; từ đây vượt biên giới sang Trung Quốc và đổi hướng dần thành tây tây nam – đông đông bắc nên người ta gọi là sông chảy ngược (**). Trên sông Kỳ Cùng có cầu Kỳ Lừa.
Sông Kỳ Cùng và cầu Kỳ Lừa
Những đám mây màu trắng đục là là thật thấp hòa cùng màn sương mù mỏng làm cho cảnh vật ở thành phố Lạng Sơn còn đang chìm trong giấc ngủ trở nên huyền ảo, lung linh hơn, – có thể nào trong cái lung linh, huyền ảo này, ta sẽ gặp những nàng sơn nữ của nhạc sĩ Trần Hoàn! – tôi thầm nghĩ. Đường phố im vắng, yên tĩnh đến diệu kỳ. Ngày mới đã bắt đầu, nhưng hình như tất cả vẫn còn đang ngủ nướng, lang thang trên những con phố nhỏ của thành phố, thoảng qua những làn gió nhẹ làm cho mình tưởng như mùa thu đang tới, tôi ngửi thấy mùi hương hoa hồi đằm thắm, mùi hoa ngọc lan tinh khiết, mùi hoa sữa hăng nồng, hương núi rừng sâu thẳm đẩm ướt sương đêm. Tất cả, tất cả, mùi núi rừng, mùi sương đêm, mùi hoa tạo nên nét đặc trưng riêng biệt khác với mùi dẽo đặt bazan của Gia Lai, mùi nhựa thông của Lâm Đồng – Đà Lạt, mùi dã quỳ của Đắk Lăk, mùi hoa ban của núi rừng Tây Bắc … và gợi nhớ trong tôi những tháng ngày sống và làm việc ở một huyện nghèo của tỉnh Gia Lai – Kon Tum sau 1975; cũng những mùi hương không phố thị nào có được ấy, cũng những con người sơn dã nơi ấy đã khiến tôi thấy gần gũi với thiên nhiên, với đất trời và cả với những con người thường xuyên khét nắng. Cảm giác thanh bình tràn ngập trong tôi. Khí hậu của vùng biên cương cận nhiệt đới ẩm buổi sáng tinh mơ sao mà tuyệt diệu quá! Ở những con phố tôi đã đi qua như: Trần Đăng Ninh, Kỳ Lừa, Bắc Sơn, Bà Triệu, v.v… chỉ độ dăm ba quán ăn nhỏ mở cửa chuẩn bị bán hàng làm xáo động một không gian nhỏ nhoi; còn lại thật bình yên, không ồn ào, náo nhiệt, không kẹt xe, tắc đường, không khói bụi mịt mù, không tiếng còi xe inh ỏi như Sài Gòn, Hà Nội hay những thành phố khác mà tôi đã đi qua. Sau khi ăn sáng xong, người bạn đưa tôi đến động Tam Thanh.
Nàng Tô Thị của Lạng Sơn là một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam có tên là Hòn vọng phu, nằm trong quần thể di tích động Tam Thanh (chùa Tam Thanh, tường thành nhà Mạc, hòn vọng phu) thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, trên đỉnh núi (gọi là núi Nhị Thanh) có một khối đá tự nhiên hình một người phụ nữ cõng con hướng nhìn về phương xa. Năm 1991, tượng bị hiện tượng phong hóa đặc trưng ở những miền núi đá vôi do nước chảy xói mòn làm rơi xuống (khoa học địa lý gọi là hiện tượng “karst” (tiếng Đức) và giải thích rằng sự xói mòn này không phải do lực cơ học mà do dioxide carbon (CO2) trong không khí hòa tan vào nước cùng với các ion dương của hydro (H+) tạo thành acid carbonic), người dân đã lấy đem nung vôi (lúc ban đầu người ta nghi là bị phá hoại và đã bắt giữ 2 người dân). Sau này, địa phương đã làm lại tượng bằng ciment đặt vào vị trí cũ.
Việt Nam có rất nhiều Hòn vọng phu được trải dài từ Bắc đến Trung. Ở Lạng Sơn có nàng Tô Thị; Thanh Hóa có núi vọng phu ở núi Nhồi xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn; ở Nghệ An có hòn vọng phu ở Quế Phong bên bờ Khe Giai cạnh giòng Nậm Giai; Quảng Trị có đá vọng phu ở huyện Vũ Xương; Quảng Nam có đá Bà Rầu, Bình Định có núi vọng phu trên dãy núi Bà ở Chánh Oai, xã Cát Hải, huyện Phù Cát; ở Phú Yên có núi Đá Bia (trên dãy núi đèo Cả); Khánh Hòa có núi Mẫu Tử ở xã Ninh Tòng, huyện Ninh Hòa; ở Tây Ninh có núi Bà Đen; còn ở Đăk Lăk có núi Mẹ bồng con trên đỉnh núi M’Drăk huyện M’Drăk. Nhìn chung, có thể nói sự tích các nàng Tô Thị,  Hòn vọng phu ở Việt Nam đều có cốt truyện na ná nhau, đó là: người phụ nữ ôm (bồng hay cõng) con khắc khoải chờ chồng đi chinh chiến, hoặc buôn bán ở phương xa hay đánh bắt tôm, cá ngoài biển khơi nhiều năm dài đến độ hóa thành đá; mà người chồng đó là anh trai của mình, ngày còn bé anh em chơi đùa cùng nhau, người anh lỡ tay làm em gái mình bị thương tích trên đầu, sợ hãi bỏ đi, anh em lưu lạc và rồi tình cờ gặp nhau, thương yêu nhau, thành vợ thành chồng. Trong một lần giúp vợ gội đầu hay bắt chí phát hiện ra vết sẹo ngày xưa, hỏi ngọn ngành và biết đó là em gái mình, nhận biết sự loạn hôn của mình và em gái, người chồng (anh) ân hận, đã lặng lẽ ra đi biền biệc để vợ phải chờ mong trong nhiều năm tháng, hàng ngày bồng bế con lên núi dõi mắt nhìn xa đợi chồng rồi hóa thành đá. Và một đặc điểm chung nữa là các hòn vọng phu của Việt Nam là nhìn về hướng biển Đông hay nhìn về phương Bắc xa xăm; theo tôi, đó là nơi người chồng (anh) ra đi tìm sự sống cho gia đình (mua bán hay đánh bắt cá, tôm) hoặc tòng chinh chống quân xâm lược, bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Và, tuy sự tích của những “hòn vọng phu” ấy gần giống nhau, nhưng là những hình tượng đẹp, ca ngợi sự thủy chung, nhân hậu và cũng rất nhân văn của người phụ nữ Việt Nam; những “vọng phu” này đã đi vào thơ ca, âm nhạc bằng những tuyệt tác vượt thời gian, không gian như: ba nhạc phẩm Hòn vọng phu 1, 2, 3 của Lê Thương; những bài thơ “Vọng phu thạch” trong tập “Thanh Hiên thi tập” của Nguyễn Du (nói về nàng Tô Thị, Lạng Sơn), “Vọng phu thạch” của Phan Chu Trinh viết năm 1905 về hòn vọng phu ở Bình Định, hay “Núi vọng phu” của Hồ Dzếnh dưới đây:
Nghe nói ngày xưa biển ở đây
Biển đi để lại núi non này
Mưa nguồn chớp bể chia hai ngả
Hòn vọng phu thương vọng hải đài
Thuở nhỏ tôi thường hay hòi mẹ
Vì sao đỉnh núi mọc hình người
Đợi chồng lâu quá nên thành đá
Hòn vọng phu kia đứng với đời
Tôi lớn dần lên đá vẫn chờ
Khi xa heo hút giữa sương mờ
Khi gần sừng sững chiều biên giới
Như bức phù điêu nét chửa khô
Không chỉ quê tôi núi đợi chồng
Còn nhiều nới khác cảnh chờ mong
Bắc Nam đâu cũng niềm son sắt
Tạc giữa trời cao dáng thủy chung
Ôi nhớ rêu phong hồn cẩm thạch
Mối tình vời vợi giữa không gian
Bốn nghìn năm ấy bao sương gió
Mà vẫn đinh ninh thiếp đợi chàng
Nhà thơ Chế Lan Viên cũng có thơ về Vọng phu như sau:
Đầu nước đá ôm con, cuối nước đá đợi chồng
Đâu chẳng song Thương đâu chẳng Kỳ Cùng
Là tượng đá của những thời binh lửa
Nàng Vọng phu đầu sông hơn gì nàng Tô Thị cuối sông
Một mình với mây, một mình với gió
Mùa đông một mình mùa xuân hay hạ một mình …
Người ra đi chắc gì quay lại nữa,
Trên đầu non lòng đá vẫn kiên trinh.
Chỉ có cánh chim khuya bay qua vai đá của nàng
Hàng vạn vành trăng hết tròn lại khuyết
Sóng gợi nhớ sóng xui quên nối tiếp
Mỗi một phút đợi chờ sâu một bể thời gian
Không hóa thạch kẻ ra đi, hóa thạch kẻ đợi chờ
Xói mòn những non cao, không xói mòn lòng chung thủy
Đá đứng đấy giữa mưa nguồn và chớp bể
Đợi một bóng hình trở lại giữa đơn cô.
(Chế Lan Viên toàn tập, Nxb Văn học, 2002)
Hay những câu thơ mượt mà, đầy hoài niệm của Du Tử Lê trong bài “Em về thăm thẳm núi non”:
Em về trong bão giông tôi
Que diêm Đông Hải, dáng ngồi vọng phu
Lệ còn trên gối, tôi thu
Bàn tay ngón út giam tù tháng năm
Hoặc là “giọt lệ còn rưng rưng …” huyền ảo, hư vô chứ không chỉ đơn thuần là hình ảnh người thiếu phụ hóa đá, thành hình tượng vô giác, vô tri trong “Sự tích hoa đá” của Lâm Thị Mỹ Dạ:
Ta thành hoa vọng phu
Để tang chàng hiệp sĩ
Thắm đỏ mà cho ai
Thôi đành thôi, tái nhợt…
Người gọi ta hóa đá
Lòng ta đâu lạnh lùng
Hãy ngắm nhìn cho kỹ
Giọt lệ còn rưng rưng …
v.v… và v.v…
Và, gần đây nhất có trường thi “Hòn vọng phu” của Vũ Thanh (Võ Thanh Quang), bạn cùng trường, cùng khóa với 2466 câu thơ lục bát đã nhân hóa truyền thuyết hòn vọng phu của Bình Định:
… Đêm nay trời đổ cơn mưa
Mưa như suối lệ tiễn đưa linh hồn
Ngàn khơi con sóng nộ cuồng
Như hờn, như oán, như thương tiếc người
Chớp giăng, sấm động núi đồi
Đứa con thơ đã chết rồi trên tay
Bao nhiêu kỳ vọng bấy nay
Bao nhiêu thương nhớ đắng cay tủi hờn
Hòa vào giá lạnh xác con
Thành niềm tuyệt hận ứ dồn về tim
Nàng gào to giữa đêm đen
Cả nguồn tinh lực thoát trên đỉnh đầu
Như hào quang tỏa muôn màu
Đất trời giao hội bắt cầu vồng lên
Rước hồn nàng đến cõi tiên
Xác thân hóa thạch muôn niên đứng chờ …
Thành nhà Mạc là một phần trong quần thể di tích ở phường Tam Thanh, gần với tượng nàng Tô Thị, dấu tích còn lại là hai đoạn trường thành bằng đá trong hẻm núi, khoảng hơn trăm bậc cấp, khá rộng cho người đi, đứng trên đỉnh trường thành có thể nhìn bao quát cả vùng Lạng Sơn, núi non trùng điệp, mây bay lãng đãng trên nền trời xanh. Đẹp, bình yên và tâm hồn trở nên thư thái hơn. Đây là dãy trường thành quân sự nối từ Ải bắc xuống phía nam do Mạc Kính Cung xây dựng vào thế kỷ XVI làm căn cứ chống lại Lê – Trịnh và cũng là nơi để quan sát, phòng ngự và chống lại quân xâm lược Trung Hoa.
Chùa Tam Thanh nằm trong động núi đá nên cón có tên gọi khác là Động Tam Thanh, được xây dựng từ thời nhà Lê, chùa được xây trên một khu đất ở phía bên kia đường gần phía trước của động. Người dân ở đây cho biết; thời Pháp thuộc, gần sát chân núi phía đông có một hồ bơi lớn do người Pháp xây bằng gạch men đem từ “mẫu quốc” qua, dành cho các quan chức Pháp và những người Việt có thế lực làm nơi giải trí. Nước của hồ là nguồn nước từ sườn núi chảy thằng vào nên hồ bơi lúc nào nước cũng trong xanh, mát rượi.
Trái núi ở phía Nam là Tam Thanh, có một hang rất rộng và sâu, cửa hang mở rộng ngay tại chân núi, trông như miệng con cá voi khổng lồ đang há ra. Hang này mới chính là Động Tam Thanh, vì đứng trước cửa hang hô một tiếng to và dài, ta sẽ nghe được tiếng đó vọng lại 3 lần tiếp theo nhau. Động Tam Thanh nằm trong dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ. Đi sâu vào trong hang, ta có thể xem các thạch nhũ từ nóc hang thòng xuống, có nhiều cột dài đến mặt nền hang, trông như cột chống đỡ, phản chiếu ánh ngũ sắc long lanh như kim cương rất đẹp. Trong lòng núi này có con suối ngầm chảy ra cửa hang và đổ vào sông Kỳ Cùng. Người ta có thể đốt đuốc men dọc theo dòng suối trong lòng núi, suốt từ cửa hang bên này sang tận sườn núi bên kia để qua núi Nhị Thanh (nơi có nàng Tô Thị). Có đoạn đi lài lài sâu xuống lòng đất, gọi là lối xuống Âm phủ. Đoạn sau cùng dẫn ngược lên cao ra triền núi, gọi là thang lên Trời.
Khoảng khu trung tâm của động, có hồ Âm Ty nước không bao giờ cạn. Hồ chỉ rộng độ mấy năm ba chục mét vuông nhưng cảnh quan tuyệt đẹp, có nguồn nước chảy suốt ngày đêm và ngày nay nhờ kỹ thuật chiếu sáng hiện đại làm cho màu sắc của hang động thêm lung linh, huyền ảo.***
Trong chùa Tam Thanh có một tượng phật A Di Đà được tạc nổi vào vách đá từ thế kỷ 15, tư thế tượng đứng trong hình chiếc lá bồ đề mặc áo cà sa buông xuống tận gót, hai tay chỉ xuống đất. Hàng năm chùa tổ chức lễ hội vào ngày rằm tháng giêng, thời điểm tôi đến đây không phải là mùa lễ hội và chỉ mới hơn 8 giờ sáng nên cảnh chùa còn vắng vẻ.
Ngoài phong cảnh tuyệt vời, chùa Tam Thanh còn lưu giữ được những văn bia của các văn nhân đất Việt thuộc loại quí hiếm như: bia Ma Nhai là tấm bia cổ nhất (tạc vào năm 1677, triều nhà Lê) ghi lại một cách chi tiết quá trình xây dựng, tôn tạo chùa; bia khắc bài thơ vịnh cảnh sơn thủy hữu tình của động Tam Thanh của Ngô Thì Sĩ (khắc vào năm 1777); bia tạc bài thơ “Vọng phu thạch” được Nguyễn Du cảm tác vào năm 1803 khi ông được cử đi đón sứ nhà Thanh sang sắc phong cho vua Gia Long, bài thơ như sau:
Thạch da? Nhân da? Bỉ hà nhân?
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân
Vạn kiếp diểu vô vân vũ mộng
Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân
Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ
Đài triện trường minh nhất đoạn văn
Tứ vọng liên sơn diếu vô tế
Độc giao nhi nữ thiện di luân
Bài thơ được Nguyễn Thạch Giang dịch thành:
ĐÁ VỌNG PHU
Là người? Là đá? Hỏi là ai?
Đầu núi bao năm đứng giữa trời.
Bặt mộng mây mưa trong một kiếp,
Giữ lòng tring bạch trọn muôn đời.
Lớp rêu đoạn sách còn ghi mãi,
Dòng lệ mưa thu cứ chảy hoài.
Bốn phía mênh mông nhìn dãy núi,
Luân thường riêng để má hồng soi!
Thật đúng là một “đệ nhất bát cảnh xứ Lạng” như nó đã từng được mệnh danh.
Còn đây, phải chăng là “trụ đồng” của Mã Viện trong huyền thoại “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (trụ đồng ngã, đất Giao Chỉ không còn) khi Mã Viện là một viên tướng được nhà Đông Hán cử sang cai trị nước ta? Không phải, đây chỉ là một trong hai trụ đèn dựng bên quốc lộ 1A thuộc địa phận cuối Lạng Sơn, đầu Bắc Giang, thấy ngồ ngộ nên tôi chụp hình cho vui.
Hai mươi tám tiếng đồng hồ để đến và đi khỏi Lạng Sơn, quỹ thời gian quá ngắn ngủi để có thể tìm đến những chùa Tiên, giếng Tiên, ải Nam Quan, hang Gió, Mẫu Sơn v.v… nên chỉ ghi lại những cảm nhận của mình về những nơi mình đã đến, chiêm ngưỡng và tình cảm mộc mạc, chân tình của cư dân xứ Lạng và tự hẹn sẽ đến với chùa Tiên, giếng Tiên, Nam Quan … vào dịp khác.
Vậy là tôi đã chính thức từ giã Lạng Sơn khi bóng mặt trời đang dần khuất trên nền trời Bắc Ninh.
Chú thích:
*: Tóm lược theo “Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn (www.langson.gov.vn)
**: Tóm lược theo “Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn (www.langson.gov.vn)
***: Theo lời kể của người bản xứ và tham khảo các tài liệu khác trên mạng internet.
Lâm Khánh - Võ Xuân Đào
Theo https://xunauvn.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...