Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Trên màu ban trắng biên cương

Trên màu ban trắng biên cương
Xuân muộn, tôi lên Điện Biên Phủ - chiến trường năm xưa. Tháng ba, thời khắc rực nở cuối cùng của hoa xuân, giao hòa trong cái se sắt, khắc nghiệt còn sót của giá lạnh và chút hơi hám mùa hạ, thỉnh thoảng trườn chiếc lưỡi bỏng rát từ Lào liếm lên núi rừng Tây Bắc, nơi nàng Ban trơ trụi với những chiếc cành khẳng khiu đâm xuyên lên mảng mây sa cuối núi, lặng lẽ đứng giữa rừng cây ướt át, thao thiết kể về những chuyến trẩy hội yêu rộn ràng của những đôi trai gái Thái lần tìm nhau trong mùa ban bao đời. Một vài giọt nắng rơi rơi vào một sáng con chim họa mi xòe đuôi hót và nàng, phút chốc lộng lẫy khoác lên mình chiếc áo trắng xuyết hồng giữa đại ngàn mây trắng bay.
Muốn lên Điện Biên Phủ phải qua đèo Pha Đin chị gánh anh thồ quanh co 32 km, nơi được người Thái mệnh danh là chỗ tiếp giáp trời với đất. Ở đó, cái đẹp nguyên sơ của Tây Bắc hiện lên bên những sườn đồi, dưới thung lũng xa. Màu xanh nhiều sắc độ trải dài ngút mắt từ cánh rừng sớm, dải bụi hoang, những đồi chè, núi cao. Giữa hoang vu đó, những chòm xóm của nàng Ban đẹp nhất, phủ một màu trắng lên sườn xanh Pha Đin - nơi từng ghi dấu những trận đánh ác liệt của đội quân cách mạng với kẻ thù, nơi gan thử lửa với hòn tên mũi đạn, nơi những chiếc xe thồ chở vượt quá trọng tải 50 lần và những cỗ pháo nặng nề dô - ta qua đèo qua dốc.
Ở Pha Đin, nàng Ban đã dùng thứ ngôn ngữ hùng biện của sắc trắng nàng mang. Màu trắng ấy từng làm vơi đi ác liệt của bom đạn và nảy mầm những tình yêu trong đoàn quân trên đường ra trận. Họ đã gửi những bản hùng ca vào rừng ban, chờ đợi tiếng gọi hòa bình thức vang thế giới. Tôi đặt một chân lên đỉnh đèo Pha Đin mặc cho những khóm mây thấp đi qua cùng gió sáng. Núi rừng phả hơi thở mát trong, lành lạnh của mùa xuân năm nào... Các anh đã kéo pháo qua đây, hàng nghìn người cùng vận sức mang “voi” vào chiến trường. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi... Họ kéo pháo trong đêm bằng những tiếng hò chấn rung rừng núi, và hoa ban đã thắp sáng những con đường đoàn quân đi lên Điện Biên Phủ.
Qua đèo Pha Đin, cảm thấy cái vị chiến trường thấm trong từng ngọn gió, trong những tượng đài lấp ló giữa rừng cây. Thành phố Điện Biên trước mặt, xanh xanh, mơ màng trong sương. Những phố nhỏ chìm trong bóng cây. Kia, dòng Nậm Rốm lặng lẽ uốn quanh thành phố với những bãi bồi cát vàng và sỏi nhỏ. Tất cả nằm gọn trong bát ngát đồng xanh ngút ngàn Mường Thanh ruộng nước. Bầu trời Điện Biên thấp, cứ nghĩ với tay là chạm khơi một chút nắng đọng lại sau những áng mây. Thật khó hình dung được đây từng là một chiến trường ác liệt nhất Đông Dương.

Trong yên bình của thung lũng, dưới bóng những hoa ban, kẻ mục đồng vui thú sơn khê với đàn dê nhỏm nhót trên những hốc đá. Khi mùa đốt nương đến, những thảm xanh hoa cỏ lụi tàn, có lẽ lúc đó ban sẽ cứu núi rừng bằng màu hoa của mình bởi ban được đặc ân không bao giờ bị đốn chặt vô cớ. Ban bước ra từ chuyện tình đầy ngang trái xa xưa của nàng Khôm và chàng Tào Lu yêu nhau, cùng thề non hẹn biển nhưng không được gia đình hai bên chấp thuận. Dù vậy, họ luôn trốn tránh gia đình để được ở bên nhau. Mùa xuân, hai người rủ nhau lên chơi hang như bao đôi trai gái Thái khác. Nhưng Tào Lu đoản mệnh. Chỉ ít lâu sau, chàng mắc bệnh chết, để lại nàng Khôm một mình khóc cạn nước mắt. Nàng Khôm không muốn bị ép duyên với chàng trai khác đã bỏ trốn vào rừng. Nàng chạy, chạy mãi, chạy mãi để tìm Tào Lu, về dưới mái nhà chung cùng chàng và nàng kiệt sức rồi chết trong rừng. Nơi nàng nằm xuống mọc lên một loại cây có hoa trắng, có hương thơm, mật ngọt. Người dân gọi đó là hoa ban. “Ban” có nghĩa là ngon, đẹp đẽ. Tất cả những gì ngon ngọt, đẹp đẽ đều gọi là “ban”. Loài hoa ấy tượng trưng cho sự thủy chung trong tình yêu đôi lứa. Hoa ban nở đúng vào mùa xuân, thời gian mà chàng Lu và nàng Khôm cùng nhau đi chơi hang.
Những tình cảm người Thái đều dồn nén trong màu trắng hoa ban, vì nàng Khôm đại diện cho tất cả tâm tư của họ. Ban trở thành cây thiêng, trấn yểm một cộng đồng Thái hiền hòa, nặng tình son sắt. Giữa những sườn đồi đen cháy, ban vẫn đứng hiên ngang, lặng lẽ nở những đóa hoa tinh khiết như cố xóa đi cái thảm cảnh chết chóc mà chúng bạn không may gặp phải. Những đóa hoa buồn buông cánh rơi lả tả trong nắng chiều rồi phủ lên sỏi đá ưu phiền vùng Tây Bắc xa xôi, nhuốm cái vẻ tang thương của chiếc khăn xô trong một ý nghĩa nào đấy thuộc về những kí ức trầm kha khói lửa.
Những đóa ban đã nở ra những nàng tiên Tây Bắc, nhuốm lên cô gái Thái màu trắng ngà ngọc, thanh cao. Cố kết một loài hoa với một dân tộc là một sự ví von chiếu lệ, điều này hoàn toàn trở thành mệnh đề sai với dân tộc Thái. Họ đã tôn vinh một loài hoa - hoa ban với sự tích về lòng thủy chung, yếu tố hàng đầu của những cộng đồng tồn tại hôn nhân phối ngẫu, một vợ một chồng, mà người phụ nữ suốt đời không bao giờ phụ bạc với chồng mình để rồi hổ thẹn với nàng Ban tinh khiết. Rất ít cô dám bỏ tằng cẩu để đi theo người khác vì suốt đời họ là hàng dậu vững vàng cho những đấng phu quân dựa vào. Các cô mỗi khi đã búi tóc lên thành tằng cẩu thì y như rằng, khi chết đi, con cháu họ vẫn tự hào về búi tóc cao vợi ấy. Những người vợ thủy chung lên nương trồng bắp, xuống ruộng trồng lúa, vào chợ đổi hàng và hát cho những người khách lạ muốn quàng lên mình chút gì đó của Tây Bắc. Chén rượu nếp chảy trong cổ như tưới thấm thêm áo cóm trắng sáng bên vai. Những phút giây ấy, tôi quên đi mình là ai, kẻ hành hương về quá khứ - một vùng chiến địa oanh liệt, bi ai.
Mỗi chiến trường là mỗi quyển thư đồ sộ về những câu chuyện thai sinh từ khói lửa. Chiến trường, một dòng sông vô tận, chảy mãi không thôi với vô số hồi ức của những con người có những tháng ngày sống trong nó, chịu đựng tất cả sự khắc nghiệt nhất. Cái tên ấy vốn không dễ gọi với những người yêu hòa bình, nhưng hết thảy họ đã làm quen được, vì một lẽ hòa bình được sinh ra từ thành bại của chiến trường ấy và bao con người quen mùi của chiến trường sẽ mất một thời gian dài giữa thời bình để quên đi chính nó. Chiến trường, nơi hỗn dung sự mất mát, lòng căm thù, niềm vinh quang và cả bẽ bàng. Trong những tư cách khác nhau, những người đến thăm một chiến trường xưa có những cung bậc cảm nhận khác nhau. Những người cựu binh sẽ xúc động, tiếc nhớ, day dứt kỉ niệm với những đồng đội vào sinh ra tử. Họ sẽ làm sống dậy một chương, trang nào đó của quyển thư sinh động kia. Những người trẻ chưa biết mùi vị của chiến tranh, sẽ cảm nhận theo cách của mình. Họ đã được học, đồng cảm và biết rằng chiến trường không phải là nơi của màu xanh.
Điện Biên, cái tên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841, nghĩa là vùng biên thùy vững chãi, âu cũng là sự mong mỏi của tiền nhân vào vùng đất phên dậu này. Sự vững chãi ấy được khẳng định rực rỡ hơn 100 năm sau bằng chiến thắng Điện Biên Phủ đánh bại thực dân Pháp. Từ một vùng đất yên bình với những ruộng lúa xanh ngút mắt, những núi đồi trập trùng hoa và giờ năm châu chỉ biết đến Điện Biên Phủ bằng hình tượng của một chiến trường. Nhưng có lẽ chúng ta đã lầm, chiến trường ấy đã thay áo xanh, trổ đầy hoa, đẩy lùi tàn khốc ra xa hàng vạn dặm kí ức.
Một sớm Điện Biên mù sương, tôi thơ thẩn lên nghĩa trang Đồi Độc Lập. Những đoàn người từ khắp đất nước đến đây với sự thành kính, lặng lẽ mang những bó hoa tươi thắm đi viếng những liệt sĩ đã nằm xuống 60 năm trước. Bó nhang cháy trên tay, khói hòa vào một rừng bia mộ. Trước mắt tôi, hai ngàn bốn trăm ba hai ngôi mộ liệt sĩ. Tôi hỏi người quản trang, vẫn là câu trả lời: hai ngàn bốn trăm ba hai ngôi mộ liệt sĩ. Tất cả cùng chung ngôi sao vàng giữa tấm bia. Ngôi sao vàng ghi công các anh, những người ngã xuống vì ĐỘC LẬP - TỰ DO. Một Điện Biên Phủ năm mươi sáu ngày đêm khói lửa, năm mươi sáu ngày đêm máu trộn bùn non, ác liệt đến nỗi không thể đếm, lẫn lộn hết những người ngã xuống. Này đây nữa nghĩa trang A1, Him Lam, Tong Khao, các anh đều chung một ngôi sao vàng ái quốc. Các anh đến từ khắp đất nước, những vùng xa xôi của liên khu IV Trị - Thiên, Thanh - Nghệ, từ vùng đồng bằng Bắc Bộ Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình... xứ Kinh Bắc Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, đến từ Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà và cả những chàng trai hào hoa Hà Nội.

Những thanh niên khỏe mạnh, đầy nhiệt huyết, tràn ước mơ vĩnh viễn nằm lại nơi đây, chốn nghĩa trang mang một tên chung mà các anh khao khát giành lấy: ĐỘC LẬP - TỰ DO. Trên tấm bia chung giữa nghĩa trang, những dòng ghi: “Vinh quang này đời đời thuộc về các anh hùng liệt sĩ”. Phải, tất thảy mọi vinh quang thuộc về các anh, những người làm rạng rỡ non sông, những người đi chẳng tiếc đời xanh, đã làm nên tên tuổi Việt Nam rạng rỡ năm châu 60 năm về trước. Bó nhang ít ỏi trong tay tôi làm sao thắp hết những bia mộ này? Mẹ các anh, chị các anh, đồng đội các anh đã tới, đồng bào cả nước cũng đã tới. Nước mắt thấm ướt núi sông này mấy mươi năm qua ai đong đếm nổi. Tôi đã gặp những giọt nước mắt như thế của chị bên một hàng bia mộ. Chị đã khóc bên mộ các anh, tất cả các anh đều là người thân của chị. Chị vẫn chờ anh, dù biết rằng chiến trường đi không hẹn ngày về, cho đến hôm nay, năm 2014, tóc chị đã bạc đầu. Anh có nghe thấy không? Chị lặng lẽ để một cành ban lên mộ anh, cành hoa chung thủy. Thứ hoa ấy có nghĩa là ngon, đẹp đẽ. Tất cả những gì ngon ngọt, đẹp đẽ đều gọi là “ban”. Và loài hoa ấy tượng trưng cho sự thủy chung trong tình yêu đôi lứa. Một cành hoa chị mang đi suốt những mùa xuân xôn xao xứ sở Tây Bắc, chỉ để đợi anh về.
Chuyến xe đi trong một cơn mưa nhỏ Điện Biên. Thành phố bỗng trắng xóa trong giây phút. Xa xa, đồi A1 nhô lên trầm mặc trong mưa với hàng cây tàn lá, gợi chút ảm đạm khó tả. Tôi lặng lẽ lên ngọn đồi được đánh giá là cứ điểm có tính quyết định nhất trong toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi đổ máu nhiều nhất của cả hai bên. Bây giờ những cây gỗ tếch, nhãn, chuối đã phủ xanh đồi khiến người ta có thể lầm tưởng đây là một công viên hay trang trại. Nhưng không, lên tới lưng chừng, những giao thông hào chằng chịt giăng như những con trăn khổng lồ quấn quanh ngọn đồi đã nghiền nát biết bao người. Người Pháp gọi là cứ điểm Eliane, cuống họng bảo vệ sở chỉ huy trung tâm nên phòng bị rất tốt. Mất ba mươi sáu ngày đêm giằng co từng tấc đất, hơn 2500 cán bộ chiến sĩ thương vong tại quả đồi này, quân Pháp cũng đánh đổi hơn 1000 thương vong, những lính Legion, Maroc, lính dù thiện chiến đều phơi thây nơi đây. Tính ra, không có chỗ nào trên quả đồi này không có xác người. Những người quả cảm nhất đã nằm lại đây. Chỉ mới đây thôi, người ta khai quật hàng chục bộ hài cốt chiến sĩ, họ chết trong tư thế chiến đấu, tay còn lăm lăm khẩu súng, chân còn tỳ tư thế bắn thù.
Lên trên đỉnh, một cái hố khổng lồ, đen úa được tạo ra vào đêm 6/5 bởi 1000 kg thuốc nổ làm rung chuyển A1. Người Pháp hoàn toàn thất bại trong sáng hôm ở A1, ngày 7/5, đồng thời với sự đầu hàng của quân Pháp trên toàn chiến trường Điện Biên Phủ. Giải quyết A1, đồng nghĩa với sự quyết định cục diện toàn chiến trường. Đứng trước cái hố ấy, tôi cảm thấy choáng bởi dư lực của sóng xung kích 60 năm về trước. Nó sẽ kể mãi muôn đời trận chiến cam go nơi đây. Cái hố ấy, những ngày mưa, nước đầy như một cái ao, một cái chén nằm trên ngọn đồi khô khan, tàn khốc. A1 mùa nhãn đến, ong bướm lượn khắp đồi thổi bừng sinh khí. Những buồng chuối rừng không ai nghĩ có thể sống trên đồi khô cằn, sỏi đá này đã trổ hoa. Nhặt một chiếc lá tếch, tôi viết lên đó những dòng biết ơn sâu sắc vì những người ngã xuống. Một lời thơ gửi về mộ địa. Bên kia, nghĩa trang đồi A1, hoa ban trắng như dòng ảo ảnh làm loang đi những hình người đang đứng đó, ngồi đó, cùng nhau kể về chuyện 60 năm, một thiên hùng sử. Thật sự tôi không muốn rời khỏi nơi này, muốn đứng mãi bên chiếc hố bộc phá, trong ấy thăm thẳm những huy hoàng và sầu muộn còn văng vẳng đến hôm nay... Tôi yêu đất nước này rau cháo/ bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu (Trần Vàng Sao). Đất nước tôi mấy nghìn năm rau cháo, nhân dân tôi cày sâu cuốc bẫm, bằng chân đất áo vải, tầm vông, chông nhọn bao lần đánh đuổi giặc thù.

Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất. Những người nằm xuống cho những người khác đứng lên và tất cả nhân dân tôi luôn tiến về phía trước, nơi ngọn cờ Độc lập - Tự do mãi mãi là niềm vinh quang khao khát. Nước Pháp cũng khao khát tự do - độc lập khi bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Họ là những người anh hùng sau Đệ nhị Thế chiến, cùng đồng minh giáng những đòn vào bè lũ phát xít. Nhưng chỉ phút giây ngắn ngủi ấy thôi, họ lại đội cái lốt mà người Đức vừa bỏ xuống để tiếp tục gieo rắc chiến tranh lên Đông Dương. Nếu những giống nòi trên thế giới đều yêu thương nhau thì lịch sử đã chẳng nghẹn ngào cho những thang giá trị. Với chiến tranh, những nấc thang ấy càng mong manh. Chiều hôm qua, chúng tôi đến Noong Nhai mới biết nhân dân ta khổ đau thế nào vì cuộc chiến. Noong Nhai, theo tiếng Thái, Noong là “Ao”, Nhai là “Vỡ”. Noong Nhai ví như cái ao bị vỡ bờ, nước cạn và cá chết vào cái ngày 25/4/1954. Bốn trăm bốn bốn người, đa số là người già, phụ nữ và trẻ em, nhiều gia đình chết không còn một ai ở khu tập trung này. Tôi đứng đó, dưới chân tượng đài người phụ nữ Thái buồn thảm ôm đứa con thơ đã chết, ánh mắt buồn đau vô hạn. Chiều lạnh buông xuống dần, tôi cảm giác người mình rần rần trong lớp sương giá của cái “ao vỡ” tịch liêu.
Trích đoạn lịch sử nói rằng, khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang ở giai đoạn 2, giai đoạn quân Pháp bị bao vây thế trận. Đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn tại Điện Biên Phủ, vào hồi 14 giờ ngày 25/4/1954, tướng De Castries bất chấp dư luận, ngang nhiên ra lệnh cho 4 máy bay Dakota chở hàng trăm bom sát thương và bom Na - pan đi từ phía Nam lên ném xuống trại tập trung Noong Nhai, trong lúc nhân dân đang tập trung đông người để đưa một đám tang. Tôi chợt nhớ đến cách hành xử của người Đức với các chiến dịch Holocaust trong các trại tập trung thời Đệ nhị Thế chiến. Lịch sử sẽ minh định việc thiếu tướng De Castries thực sự không nên đeo cái lon không xứng với tư cách của ông ta vào hai bên gù vai.
Nếu có ai hỏi tôi, chiến trường Điện Biên Phủ đẹp nhất nơi nào, tôi không ngần ngại trả lời rằng đó là Bản Kéo. Bản Kéo là cứ điểm duy nhất trong số 49 cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta chiếm mà không cần nổ một phát súng, không một chiến sĩ nào ngã xuống. Đó là một chiến địa màu mỡ đầy hoa với những ngôi nhà sàn luôn rộn ràng bếp lửa. Trong một chiều đầy mưa, chúng tôi ngang qua Bản Kéo. Mới 3 giờ chiều mà sương núi theo mưa lấp khuất những lối mòn. Bản Kéo nhìn từ xa như một ốc đảo toàn nhà sàn nổi lên giữa ruộng lúa xanh mênh mông. Hàng trăm nóc nhà san sát nhau, chồng cao chồng thấp như một ngọn núi nhà. Những mái lợp lá vàng rơm lẫn với những mái ngói cũ mốc đen sừng sững giữa núi rừng. Những ngôi nhà im lặng trong cơn mưa nhỏ phủ lên bản làng. Không nghe thấy âm thanh nào ở bản, một vài người già đi từ nương về, gùi đầy những ngô. Mấy đứa trẻ thấy khách lạ nhìn ta từ những ô cửa vuông, mặt mày ngây thơ lem luốc. Nhưng khi ta đứng dưới một chân cầu thang của bất kì ngôi nhà nào, trong ấy bốc lên không khí của cả một lễ hội. Đàn ông và đàn bà xúm xít ngồi bên ché rượu, bếp rực than hồng, nếp nương đồ chín, mâm vại đầy thức ăn thơm. Những cái tiệc nhỏ sau những ngày vất vả đốt nương, gieo mạ. Trời mưa, việc hay nhất là ở nhà, ngồi bên nhau kể những chuyện xa xăm của xứ Thái Tây Bắc. Bên hiên, cây ban rụng hết lá, hoa tỏa bung một góc trời. Già ngồi bên hông cửa, nhìn hoa, môi nhâm nhi chén rượu. Ban nở rồi. Mùa này năm xưa, cả bản của già làm cơm thết trung đoàn 36 và mấy tiểu đoàn Thái ta về với cách mạng. Bản Kéo luôn hòa bình, đã không ai đổ máu xuống đất này. Chị ngồi bế con trong nhà, cất điệu hát ru con, kể chuyện nàng Khôm và chàng Tao Lu tình yêu thủy chung sinh ra dáng hình hoa ban trinh trắng. Bản làng lên khói, mưa sà xuống, sương tràn mênh mông.
Tôi rời Bản Kéo như xa một áng mây lành.
Tôi đã về đây, về Điện Biên, về miền hoa ban, lì loọng ơi ta múa chung điệu xoè. Và sẽ thao thức kể mãi không thôi chuyện nàng Ban đã nở như thế nào trong tháng ba khói lửa của 60 năm trước. Chính nàng, người đã làm nhạt đi khói súng, vơi bớt đau thương, tô điểm và khơi dậy những nội chất mà chúng ta luôn khao khát trong tiếng chuông hòa bình.
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầ...