Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Vài nét về thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc và biểu diễn ca nhạc hiện nay

Vài nét về thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc 
và biểu diễn ca nhạc hiện nay
Thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc là xu hướng ham thích, cảm thụ và hiểu biết về cái đẹp trong âm nhạc. Nghệ thuật âm nhạc có nhạc đàn (khí nhạc) và nhạc hát (thanh nhạc). Thị hiếu hẩm mỹ âm nhạc của công chúng nước ta từ xưa cho đến nay, chủ yếu là ham thích, cảm thụ nhạc hát. Người ta gọi tên một số dòng nhạc hát ở nước ta là dòng nhạc dân gian, dòng nhạc bác học. Người ta cũng còn gọi tên một số những bài hát với tính chất đặc trưng của giai điệu và lời ca thành các loại ca khúc: Nhạc Vàng, Nhạc Xanh, Nhạc Đỏ. Những khái niệm Nhạc Xanh, Nhạc Vàng, Nhạc Đỏ chúng tôi chưa bình luận, trong bài viết này chúng tôi chỉ điểm qua về thị hiếu thẩm mỹ xem biểu diễn ca nhạc (thực ra là xem hát) của công chúng nước ta, ở một vài thời điểm lịch sử.
- Trước năm 1975, khi đất nước chưa thống nhất, thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc của công chúng hai miền Nam Bắc có những khác biệt. Miền Nam thời kỳ trước  năm 1975 người dân sống ở các  vùng do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát, vì thường xuyên tiếp cận với các phương tiện truyền thông của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nên một bộ phận công chúng thích đi xem để nghe một số ca sĩ hát dòng nhạc trữ tình (những ca khúc có giai điệu mượt mà, sâu lắng ca ngợi tình yêu nam nữ và phong cảnh). Những bài hát này thường gọi là Nhạc Xanh. Một bộ phận công chúng khác, đa phần là thanh niên thích đi xem để nghe các bài hát được gọi là Nhạc Sến, Nhạc Vàng (những ca khúc nói về tình yêu ngang trái của nam nữ, giai điệu buồn rầu, não nề). Người dân và chiến sĩ ở các vùng giải phóng Miền Nam nước ta thời kỳ trước năm 1975 và gần như toàn bộ quân dân Miền Bắc ở thời kỳ này có chung một thị hiếu thẩm mỹ xem biểu diễn ca nhạc là đi xem để nghe những bài hát hùng tráng, khí thế lạc quan ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Bác Hồ và người chiến sĩ Giải phóng quân, người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam… Những bài hát này được gọi là Nhạc Đỏ.
- Từ năm 1975 cho đến những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, công chúng nước ta gần như có chung một thị hiếu xem biểu diễn ca nhạc là nghe hát có xen kẽ minh họa, phụ họa múa.
- Từ những năm cuối thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI và hiện nay, công chúng xem biểu diễn ca nhạc ở nước ta chia tách thành 2 bộ phận lớn:
+ Những người ở lứa tuổi trung niên (trên 40) trở lên, thích xem biểu diễn ca nhạc là nghe hát riêng, múa riêng. Không hào hứng lắm với vai trò minh họa, phụ họa của múa trong khi hát.
+ Những người trẻ tuổi (dưới 40), thích xem ca nhạc có múa minh họa, phụ họa. Đặc biệt một bộ phận thanh thiếu niên rất thích thú xem múa trong biểu diễn hát.
Như thế là những năm cuối thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI và hiện nay, thị hiếu của những bộ phận công chúng xem biểu diễn ca nhạc(xem hát) ở nước ta đã có những khác biệt, thậm chí là trái ngược nhau. Tìm hiểu sự khác biệt trong thị hiếu thẩm mỹ xem biểu diễn ca nhạc ở nước ta những năm cuối thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI và hiện nay, chúng tôi thấy có nhiều yếu tố tác động dẫn đến những sự khác biệt:
- Một trong những yếu tố cơ bản đó là, chính sách mở cửa nhằm giao lưu, hội nhập với thế giới của Đảng và Nhà nước ta. Cũng như các lĩnh vực khác, giao lưu, mở cửa về văn hóa, trong đó có âm nhạc sẽ tiếp thu được những tinh hoa của thế giới, song cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn tới bản sắc riêng của cộng đồng dân tộc. Sự giao lưu, hội nhập về văn hóa nếu không tỉnh táo sẽ làm mất đi cái riêng của dân tộc, trong đó có từng cá thể người. Những năm cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI các ca sĩ của các nước Phương Tây và Mỹ khi biểu diễn hát thường nhảy múa rất sôi động. Xem các băng đĩa hình do Michael Jackson ông vua nhạc pop biểu diễn, chúng ta thực sự say mê và khâm phục tài năng của ông. Tài năng của Michael Jackson không chỉ ở giọng hát mà ở cả phần vũ đạo. Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa múa và hát trong con người Michael Jackson đã tạo nên một tượng đài vĩ đại của thể loại nhạc Pop. Cùng thời với Michael Jackson một ca sĩ dòng nhạc bác học người Ý tên là  Luciano Pavarotti cũng vô cùng nổi tiếng. Luciano Pavarotti là tượng đài vĩ đại về lĩnh vực thanh nhạc của dòng nhạc bác học thế kỷ XX. Không hề múa máy tay chân gì, Luciano Pavarotti chinh phục khán giả chỉ bằng giọng hát. Ở nước ta vào thời kỳ trước năm 1975 và những năm của thập kỷ 70, 80 thế kỷ XX nhiều ca sĩ được công chúng nước ta vô cùng ngưỡng mộ như cố NSND Quý Dương, NSND Trần Hiếu, NSND Trung Kiên, NSND Thanh Huyền, cố NSND Lê Dung… chinh phục khán giả chỉ bằng giọng hát. Tuy nhiên những năm cuối thế kỷ XX và đầu TK XXI cũng như hiện nay, nếu biểu diễn không có múa sẽ không được công chúng trẻ tuổi ưa thích. Mốt vừa hát vừa nhảy múa đang thịnh hành. Hầu như chương trình nào được dàn dựng cũng có màn múa hát kết hợp, hầu như ca sĩ nào biểu diễn cũng vừa hát, vừa nhảy múa, hoặc minh họa, phụ họa cùng múa (trừ mấy ca sĩ hát theo phong cách Cổ điển bác học). Đây là một sự lạm dụng thái quá về múa trong biểu diễn ca nhạc hiện nay. Đành rằng sự phối hợp của múa trong biểu diễn hát sẽ làm hấp dẫn người xem hơn. Nhưng liều lượng múa được sử dụng làm minh họa, phụ họa cần phải hợp lý, khoa học. Nếu không, hát sẽ là minh họa, phụ họa của múa trong biểu diễn ca nhạc. Thực tế điều này đã và đang xảy ra. Nhiều chương trình ca nhạc có những bài hát mở đầu và kết thúc không thực sự phải dàn dựng múa. Nhưng chạy theo xu hướng người ta vẫn đưa múa vào minh họa, phụ họa. Cả chương trình biểu diễn ca nhạc kết cấu như thế có thể phản tác dụng, tuy vậy cũng thể tình được. Nhưng một cá nhân ca sĩ, một nhóm ca sĩ biểu diễn một chương trình, hoặc một phần chương trình mà hầu như bài hát nào cũng có múa thì không thể dung nạp được. Nguyên nhân của việc lạm dụng múa trong biểu diễn ca nhạc hiện nay có nhiều lý do:
 1. Về việc lạm dụng múa trong biểu diễn ca nhạc mang tính tập thể.
- Thứ nhất là các phương tiện thông tin đại chúng đã đi lệch hướng với việc giới thiệu tác phẩm âm nhạc. Điểm lại trong một ngày, các phương tiên thông tin đại chúng giới thiệu được bao nhiêu phút, giới thiệu vào thời điểm nào trong ngày cho lối hát hát hợp xướng là đỉnh cao của nghệ thuật thanh nhạc. Điểm lại trong một tháng, một năm các phương tiên thông tin đại chúng giới thiệu cho hát hợp xướng hoặc các hình thức ca hát mang tính học thuật được bao nhiêu phút. Chúng tôi được biết, những năm 60 của thế kỷ XX hợp xướng là thể loại thanh nhạc được thanh niên Thủ đô Hà Nội và các đô thị miền Bắc vô cùng yêu thích. Người ta thành lập rất  nhiều Câu lạc bộ hát hợp xướng ở Thủ đô và nhiều tỉnh, thành phố. Sự yêu thích hợp xướng đã thôi thúc nhiều tác giả sáng tác những bản hợp xướng rất hay như: Tổ quốc (Hồ Bắc), Tiếng hát biên thùy (Tô Hải)… Những bản hợp xướng này cho đến nay vẫn vang lên tuyệt diệu trong nhiều chương trình ca nhạc, không cần phải có múa góp mặt.
- Thứ hai là sự thiếu vắng những bản hợp xướng hay. Những bài hát được dựng theo hình thức hợp xướng, nhiều bài không phù hợp nên không có sức sống lâu dài.
- Thứ ba là sự định hướng thẩm mỹ của chúng ta không có. Các thể loại âm nhạc cổ điển, trong đó có hình thức hát hợp xướng là tinh hoa của nhân loại, không được giới thiệu sâu, rộng. Vì thế dẫn đến tình trạng thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc lệch lạc như hiện nay. Người ta đi xem hát chỉ thích nghe đơn ca có nhảy múa.
2. 1. Về việc lạm dụng múa trong biểu diễn ca nhạc mang tính cá nhân.
- Khách quan mà xét chúng ta đang thiếu những bài hát hay. Hay ở đây là thể hiện ở giai điệu bài hát, ở vẻ đẹp của lời ca. Tìm trong hang trăm bài hát sáng tác những năm gần đây, rất hiếm có bài nào mang đặc trưng riêng. Thử so sánh những bài hát thời kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và những năm đầu xây dựng Chủ nghĩa Xa hội ở miền Bắc, chúng ta sẽ thấy điều đó. Mỗi khi giai điệu các bài Tình ca (Hoàng Việt), Sông Lô (Văn Cao), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi) hay giai điệu các bài Bài ca hy vọng (Văn Ký), Đường chúng ta đi (Huy Du-Xuân Sách), Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý), Người thợ lò, (Hoàng Vân), Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu)…vang lên chúng ta thấy trào lên những cảm xúc chân thành vừa xốn xang, rạo rực vừa đằm sâu, ngây ngất. Đã lâu lắm rồi không thấy xuất hiện những bài hát như thế. Ca sĩ không lẽ cứ hát mãi những bài hát đó. Họ phải tìm những bài hát mới để thể hiện. Những bài hát mới chưa đủ tầm để chỉ vang lên là chinh phục được người nghe, không cần có yếu tố nào phụ trợ. Vì thế ca sĩ phải mượn thêm sự hấp dẫn trong biểu diễn của mình ở múa.
- Ca sĩ hiện nay rất nhiều. Ai cũng có thể trở thành ca sĩ. Để có được những ca sĩ mang dấu ấn riêng như Quý Dương, Trần Hiếu, Trung Kiên, Thanh Huyền, Lê Dung… ngoài thiên bẩm là giọng hát, chỉ đóng một vai trò cần thiết, các nghệ sĩ phải học tập, lao động nghệ thuật vô cùng nghiêm túc, sáng tạo mới mang một dấu ấn riêng. Sinh thời cố ca sĩ Quý Dương, cố ca sĩ Lê Dung hay những năm trước đây các ca sĩ Trần Hiếu, Trung Kiên, Thanh Huyền… biểu diễn không hề có múa minh họa, phụ họa nhưng chỉ bằng giọng hát họ đã làm rung động hàng triệu trái tim khán giả. Tên tuổi các ca sĩ ngày nay khá nhiều, song ai có được những dấu ấn riêng, để chỉ cất giọng hát lên thôi đã chinh phục được người nghe? Để tạo dấu ấn một số ca sĩ phải viện đến nhảy múa, nếu không thì cũng hú hét làm cho lạ lẫm.
Trên đây là vài nét về thực trạng biểu diễn ca nhạc và sáng tác ca khúc những năm đầu thế kỷ XXI và hiện nay. Để góp phần vào việc định hướng thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc, chúng tôi có những suy nghĩ sau:
- Các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng cường hơn nữa thời lượng phát sóng giới thiệu các thể loại âm nhạc bác học (chú ý hơn về các thể loại thanh nhạc bác học) và các tác phẩm âm nhạc dân gian hàng ngày (có thể cả vào các giờ vàng, khoảng từ 17h đến 19h).
- Các cơ quan phụ trách chuyên ngành văn hóa-nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức hội như Hội Âm nhạc Việt Nam, Hội Âm nhạc các tỉnh, thành phố… cần liên kết phối hợp tổ chức các câu lạc bộ giới thiệu, luyện tập, biểu diễn những thể loại âm nhạc dân gian, bác học (chú ý hơn ở các thể loại thanh nhạc).
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức Hội như Hội Âm nhạc Việt Nam, Hội Âm nhạc các tỉnh, thành phố… cần liên kết phối hợp phát động sáng tác các tác phẩm âm nhạc nói chung, thanh nhạc nói riêng (chú ý hơn ở thể loại hợp xướng).
- Ca sĩ cần tạo ra dấu ấn riêng. Muốn tạo ra dấu ấn riêng cần phải học tập, lao động nghệ thuật nghiêm túc, sáng tạo. Điều kiện tiên quyết tạo nên dấu ấn của người ca sĩ là giọng hát. Khi đã tạo được dấu ấn riêng của mình qua giọng hát, ca sĩ luyện tập bổ sung các yếu tố biểu diễn khác, trong đó có múa. Sự hài hòa giữa hát và múa sẽ làm cho ca sĩ hấp dẫn người xem hơn.
Tản mạn đôi dòng về thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc và biếu diễn ca nhạc ở nước ta, chúng tôi hy vọng góp tiếng nói vào việc xây dựng đời sống âm nhạc ở nước ta trong sáng, lành mạnh vừa tiếp thu tinh hoa của thế giới vừa tạo ra bản sắc riêng.
Phạm Trọng Toàn
Theo http://www.spnttw.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...