Hoàng Việt là một trong 5 nhạc
sĩ đầu tiên của âm nhạc Việt Nam (cùng với Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận,
Nguyễn Xuân Khoát) được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 1996. Ông
cũng là nhạc sĩ đầu tiên được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng
vũ trang nhân dân trong năm 2011 cùng với các nhà văn Chu Cẩm Phong, Nguyễn Ngọc
Tấn và nhà thơ Ca lê Hiến. Hoàng Việt xứng đáng với mọi sự tôn vinh bởi những
gì ông đã dâng hiến cho quê hương đất nước…
Từ “Tiếng còi trong sương
đêm” và những ca khúc kháng chiến bất hủ
Hoàng Việt tên thật là Lê
Chí Trực, sinh ngày 29/10/1928 tại Chợ Lớn. Quê cha anh ở thị xã Bà Rịa, quê mẹ
ở Cái Bè, Tiền Giang. Từ những năm học trung học ở Sài Gòn, lúc mới 16, 17 tuổi,
Lê Chí Trực với bút danh Lê Trực đã viết những ca khúc như “Chị Cả”, “Biệt
đô thành” và “Tiếng còi trong sương đêm”, trong đó ca khúc theo
điệu tango “Tiếng còi trong sương đêm” qua tiếng hát của ca sĩ Khánh
Vân những năm 1944-1945 được người dân Nam Bộ rất yêu thích:
Bến nước gió rét đò đưa khách
sang
Lau xanh ven sông mờ rung
bóng trăng
Đêm nay không gian chìm
trong giá băng…
Mà đoàn hùng binh âm thầm
xông lướt trong sương…
Khi ra đi có hứa thu nay về
Mà hôm nay lá thu đã rơi
tràn
Trong giai đoạn tiền khởi
nghĩa ở Nam Bộ, nếu các hành khúc của Lưu Hữu Phước như“Lên đàng”, “Tiếng gọi
thanh niên” là lời kêu gọi, tiếng kèn thúc giục thanh niên đứng dậy cứu nước
thì “Tiếng còi trong sương đêm” là lời tâm sự và quyết tâm ra đi của
một lớp thanh niên đô thành được thức tỉnh bởi lời kêu gọi và tiếng kèn thúc giục
ấy. Cho đến nay, sau hơn 65 năm ra đời, ca khúc trữ tình thắm sâu tinh thần yêu
nước này là một trong những ca khúc tiền chiến vẫn còn được hát nhiều nhất cả
trong nước lẫn hải ngoại qua tiếng hát của các ca sĩ nhiều thế hệ như Thanh
Thuý, Khánh Ly, Thanh Tuyền, Ngọc Ánh, Vân Khánh, Đoan Trang, Tâm Đoan, Trang Mỹ
Dung, Hồng Cúc…
Năm 1947, Lê Chí Trực thực sự
“biệt đô thành” ra bưng biền tham gia kháng chiến và là thành viên trẻ nhất của
đội ngũ văn nghệ kháng chiến Nam Bộ, đầu tiên công tác tại chiến trường miền
Tây “dọc ngang sông rạch” rồi sau đó chuyển sang chiến trường miền Đông “gian
lao mà anh dũng”. Trong những tháng năm này, giữa tuổi 20, chàng thanh niên yêu
nước Lê Chí Trực đã trở thành nhạc sĩ – chiến sĩ Hoàng Việt, người phát ngôn kỳ
tài bằng âm nhạc ý chí chiến đấu, tinh thần lạc quan của quân dân Nam Bộ thành
đồng tổ quốc với các ca khúc “Lá xanh”, “Nhạc rừng”, “Mùa lúa chín
“, “Lên ngàn”… Nếu “Lá xanh” là bài hát tòng quân ra trận thật rộn
ràng, tươi trẻ, lôi cuốn thì “Nhạc rừng” như sự ngân vang tuyệt vời của
thiên nhiên đất nước trong tâm hồn người chiến sĩ vệ quốc còn “Lên ngàn” là
khúc tráng ca về sức sống bất khuất, sự hy sinh thầm lặng và niềm tin sắt đá
vào chiến thắng cuối cùng của người phụ nữ Nam Bộ giữa ngút ngàn đau thương,
tang tóc, gian khó của cuộc kháng chiến trưòng kỳ:
Nước ngập đồng xanh lúa chết
Gió mưa sập đổ mái nhà
Bao nhiêu gia đình tan hoang
Đau thương lệ rơi chứa chan
Em đi cắt lúa trên ngàn rẫy
trên ngàn nắng chiều chang chang
Đường đi nước ngập mênh mang
Cùng với “Làng tôi”, “Tiến
về Hà Nội”, “Trường ca sông Lô” của Văn Cao, “Hành quân xa”, “Du kích
sông Thao”, “Giải phòng Điện Biên” của Đỗ Nhuận, “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Tiếng
chuông nhà thờ” của Nguyễn Xuân Khoát, “Lỳ và Sáo”, “Quê tôi giải
phóng” của Văn Chung…ba ca khúc đậm chất lãng mạn cách mạng trên của Hoàng
Việt nằm trong số những ca khúc hay nhất của âm nhạc cách mạng Việt Nam thời
kháng chiến chống Pháp và là những ca khúc mãi đi cùng năm tháng như chúng ta
thưòng nói.
Đến khúc tình ca được cả dân
tộc ca hát
Cùng với “Bài ca hy vọng” của
Văn Ký, “Tình trong lá thiếp” của Phan Huỳnh Điểu, “Trăng sáng
đôi miền” của An Chung, “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của Hoàng Hiệp, “Giữ
trọn tình quê”của Văn Cận… “Tình ca” của Hoàng Việt ra đời trong những
năm đầu đất nước bị chia cắt, là các ca khúc mở ra dòng ca khúc đấu tranh thống
nhất đất nước rất đặc biệt trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Đối với Hoàng Việt, “Tình
ca” như là một bài hát rất riêng tư. Năm 1954, Hoàng Việt tập kết ra Bắc,
để lại ở miền Nam người vợ trẻ đẹp và ba đứa con thơ, đứa lớn nhất chưa đến 5
tuổi, giữa nanh vuốt kẻ thù. Từ đấy, như bao ngưòi con miền Nam tập kết, ở thủ
đô Hà Nội Hoàng Việt luôn sống trong tình cảnh “Ban ngày bận công tác/Ban
đêm nằm nhớ em/Ban ngày ở miền Bắc/Ở miền Nam ban đêm” (Tế Hanh). Năm
1957, sau hơn hai năm trời bặt vô âm tín, Hoàng Việt bất ngờ nhận được thư
vợ từ miền Nam gửi ra, lá thư đã phải đi vòng vèo vạn dặm qua tận nước Pháp xa
xôi rồi mời về được Hà Nội để đến tay ông. Hoàng Việt nhoà nước mắt khi đọc thư
vợ. Những rung động mãnh liệt, trào dâng từ những nhớ thương, tin tưởng, tự hào
với người vợ hiền đảm, từ nỗi đau đất nước chia cắt và gia đình ly tán, Hoàng
Việt chợt cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết sức mạnh kỳ diệu của tình yêu đôi lứa
trong sự gắn bó thiếng liêng với tình yêu quê hương đất nước. Một sức mạnh bất
chấp không gian xa cách và thời gian dằng dặc, thách thức mọi phong ba bão tố,
vượt trên chiến tranh thù hận, xoá tan đau khổ chia ly, để toả sáng như ánh sao
đêm, thơm ngát như cánh hoa xuân và bền vững muôn đời như sông nước Cửu Long bất
diệt. Và bản “Tình ca” đã ra đời như tiếng lòng của Hoàng Việt gửi về
người vợ phưong xa với những nhắn nhủ thuỷ chung son sắt:
Bến nước Cửu Long còn đó em
ơi
Biển lúa nương dâu còn mãi
muôn đời
Là còn duyên tình ta thắm
trong tiếng ca không thể xoá nhoà...
Giữ lấy đức tin bền vững em
ơi
Giữ lấy trái tim đòi sống
yêu đời
Là một bài tình ca của đôi lứa
ta dâng cả bao người
Ngay sau khi ra đời, “Tình
ca” đã được ca sĩ Quốc Hương, người bạn thân từ chiến trường Nam Bộ của
Hoàng Việt, thu thanh, phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam làm ngây ngất
thính giả trong và ngoài nước. Tuy vây, thật khó tin khi bản tình ca tha thiết,
mạnh mẽ nhường ấy lại bị một số quan chức văn hoá và cả một số văn nghệ sĩ phê
phán là bi luỵ, yếu đuối và lập tức bị lưu kho. Mãi đến hơn 10 năm sau, sau khi
Hoàng Việt trở về miền Nam chiến đấu, sáng tác và hy sinh,“Tình ca” mới được
phổ biến trở lại. Từ đấy, “bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người” của
Hoàng Việt đã cất cánh bay đến với các thế hệ người Việt ở mọi phương trời, trở
thành khúc tình ca được cả dân tộc ca hát trong hơn nửa thế kỷ qua, cả trong
chiến tranh cũng như giữa thời bình, cả trong đau khổ và hạnh phúc. Với sức
chinh phục vô song và khả năng thức tỉnh, nâng mọi tâm hồn vươn đến những điều
cao đẹp, thánh thiện, “Tình ca” xứng đáng được coi là biểu tượng của
âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ 20 như có người đề nghị.
Năm 1958, Hoàng Việt được Đảng
và nhà nước cử sang học tập tại Nhạc viện Sofia, Bulgari. Đến cuối
năm 1964 ông tốt nghiệp hạng ưu tú tại đây với bản giao hưởng số 1 của ông,
cũng là bản giao hưởng đầu tiên của âm nhạc Việt Nam, bản giao hưởng mang tên “Quê
hương”. Sau 7 năm tu nghiệp tại một nhạc viện lớn của châu Âu, người nhạc sĩ tự
học từ đô thành Sài Gòn năm xưa đã nỗ lực vươn lên làm chủ được thể loại giao
hưởng, thể loại âm nhạc được coi là lớn nhất và khó nhất của âm nhạc hàn lâm thế
giới, “một trong những biểu hiện rực rỡ nhất của sự trưởng thành về tinh
thần của loài người” như nhận định của giới mỹ học châu Âu.
Giám đốc Nhạc viện Sofia từng
tự hào đánh giá: “Bản giao hưởng của Hoàng Việt không phải là một tác phẩm
tốt nghiệp mà thật sự là một tác phẩm lớn... Đó là một thành công rực rỡ của âm
nhạc Việt Nam". GS Ca Lê Thuần cũng cho rằng giao hưởng Quê
hương của Hoàng Việt đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của nền âm nhạc
Việt Nam dân tộc hiện đại, là giá trị tinh thần sống mãi với đất nước.
Hoàng Việt tâm sự: "những
ký ức quê hương" và "trách nhiệm của một công dân" đã
giúp ông viết nên bản giao hưởng với lời đề tặng "Kính dâng Nam Bộ
trong cuộc chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm"...
“Quê hương” là bản giao
hưởng sử thi đồ sộ gồm 4 chương, với những hình tượng âm nhạc phong phú khắc hoạ
cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói
riêng. Tác giả đã sử dụng chất liệu từ những bài hát cách mạng và dân ca để làm
các chủ đề, được phát triển nhuần nhuyễn với những cảm xúc sáng tạo tinh tế và
một bút pháp khá điêu luyện. Chương I diễn tả không khí những ngày Cách mạng
tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, được viết dưới hình thức sonate với các chủ
đề lấy từ các ca khúc “Hội nghị Diên Hồng”, “Lên đàng” của Lưu Hữu
Phước, “Nam Bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn, “Chiến thắng Điện
Biên” của Đỗ Nhuận. Chương II mang tính chất trữ tình, miêu tả quê hương từ
chiến tranh chuyển sang những ngày hòa bình, được viết dưới hình thức ronto với
các chủ đề lấy từ “Lên ngàn”, “Mùa lúa chin” (Hoàng Việt), “Kỵ binh
Việt Nam” của Lê Yên, “Cây trúc xinh”, dân ca quan họ Bắc Ninh và“Quê
tôi giải phóng” của Văn Chung. Chương III là chương nhanh, kịch tính, nhằm
miêu tả cuộc kháng chiến chống Mỹ, được viết dưới hình thức sonate, bao gồm các
chủ đề phát triển từ bài “Giải phóng miền Nam” của Lưu Hữu Phước, “Đợi
chờ”, dân ca Tây Nguyên và “Lên đàng”. Trong chương này, âm nhạc mang
tính căng thẳng, kịch tính cao độ để thể hiện cuộc chiến tranh một mất một còn,
cuối cùng phần tái hiện mang âm hưởng hai bài “Lên đàng” và “Giải
phóng miền Nam” biểu hiện quyết tâm chiến đấu và chiến thăng kẻ thù xâm lược.
Chương IV mang âm hưởng vui tươi, rộn rã, thể hiện niềm vui khi đất nước giành
được độc lập tự do. Chương này được xây dựng với hình thức 3 đoạn phức cùng phần
coda trang trọng, hoành tráng, có sự tham gia của dàn hợp xướng thể hiện ước mơ
được sống trong hạnh phúc thanh bình của dân tộc.
Trong năm 1964, giao hưởng “Quê
hưong” đã được biểu diễn ba lần tại thủ đô Bugari: lần thứ nhất trong dịp
Hoàng Việt thi tốt nghiệp với Dàn nhạc Nhạc viện Sofia và hai lần nữa để phục vụ
công chúng với Dàn nhạc Giao hưởng Bugari. Dàn nhạc Giao hưởng Bungari cũng đã
thu thanh giao hưởng “Quê hương” để phát trên đài phát thanh Quốc
gia. Tại Việt Nam, khi Hoàng Việt trở về Hà Nội, bản giao hưởng này cũng đã được
Nhà hát giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam và hai danh ca Quốc Hương,
Vũ Dậu dàn dựng, công diễn cùng bản giao hưởng số 5 của nhạc sĩ vĩ đại người
Nga P.I.Tchaikovsky vào ba đêm 26, 27, 28 tháng 3 năm 1965 tại Nhà hát Lớn Hà Nội
dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng, nghệ sĩ công huân Triều Tiên Ly Hiơng Un. Đó
là ba đêm nghệ thuật không thể nào quên không chỉ với Hoàng Việt mà cả với người
hâm mộ và giới âm nhạc hàn lâm Việt Nam…
Ông tiên tóc trắng ở khu nhà
87B Lý Thường Kiệt, Hà Nội
Tôi nhớ mãi ấn tượng về
Hoàng Việt khi ông đến sống tại khu nhà 87B LýThượng Kiệt, Hà Nội. Đây là khu
nhà dành cho các văn nghệ sĩ miền Nam tập kết gồm nhà thơ Bảo Định Giang, các
nhà văn Khương Minh Ngọc, Nguyễn Quang Sáng, Xuân Vũ, hoạ sĩ Nguyễn Tấn Hưng,
nghệ sĩ điện ảnh Nhị Hà và ba tôi, nhà nghiên cứu Mịch Quang. Đầu năm 1965, khi
Hoàng Việt từ Bungari về nước, nhà thơ Bảo Định Giang, Phó Tổng thư ký phụ
trách văn nghệ miền Nam của Liên hiệp các hội VHNTVN, đã cùng gia đình dọn đến
trong cơ quan 51 Trần Hưng Đạo, nhưòng căn phòng lớn của gia đình tạị đây cho
nhạc sĩ đồng hương Tiền Giang tài năng đến ở để có điều kiện sáng tác. Khi ấy,
tôi là một cậu học sinh lớp 9 mê nhạc cổ điển, rất tự hào khi biết người nhạc
sĩ nổi tiếng của những “Lên ngàn”, “Nhạc rừng” và giao hưởng “Quê
hương” đến ở trong khu nhà mình. Hằng ngày, Hoàng Việt hầu như chỉ ở trong
căn phòng của ông và tôi luôn được nghe tiếng đàn piano vọng ra từ đấy, chỉ thỉnh
thoảng tôi mới thoáng thấy bóng ông ra ngoài với vóc dáng mình hạc xương mai và
mái tóc bạc trắng. Với tôi, Hoàng Việt gần thật đấy mà cứ xa xôi huyền hoặc như
là một ông tiên trong cổ tích. Tôi không hề biết ông tiên tóc bạc trắng này chỉ
mới 37 tuổi. Ít lâu sau, nhạc sĩ Văn Cận sau khi tu nghiệp ở Trung Quốc về, đã
đến ở với ba con tôi và tôi đã đôi lần theo nhạc sĩ Văn Cận vào chơi với nhạc
sĩ Hoàng Việt trong căn phòng của ông. Được đối diện thật gần với Hoàng Việt,
tôi thấy ông không già như tôi tưởng, ông có đôi mắt thật sang và nụ cười thật
hiền từ. Nghe Hoàng Việt và Văn Cận trò chuyện, tôi biết hai nhạc sĩ của “Tình
ca” và “Giữ trọn tình quê” khi tập kết đều để lại vợ con ở miền
Nam, nay đều có nguyện vọng trở về Nam chiến đấu, sáng tác mong có cơ hội sum họp
gia đình và nguyện vọng đó đã được cấp trên chấp thuận. Bên cây đàn piano,
Hoàng Việt và Văn Cận đã đàn và hát cho nhau nghe các sáng tác mới chuẩn bị cho
chuyến hồi hương thiêng liêng, Hoàng Việt với bài “Giết giặc Mỹ cứu nước” còn
Văn Cận có bài “Mẹ ơi! Con sẽ trở về”. Thời gian này, chị tôi sau khi
tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp đã xung phong về miền Nam được hơn một năm. Trong
thư chị gửi ra cho gia đình, tôi được biết chị tôi đã phải mất hơn hai tháng trời
vượt qua hàng ngàn cây số đèo dốc Trường Sơn mới về được đến quê hương. Nhìn
Hoàng Việt và Văn Cận, tôi thầm nghĩ không biết hai ông sẽ làm thế nào để vượt
Trưòng Sơn, khi Văn Cận thì cận thị rất nặng còn Hoàng Việt thì quá mảnh khảnh,
gầy guộc…Sau tết 1966, tôi không còn được gặp Hoàng Việt và Văn Cận tại khu nhà
87B Lý Thường Kiệt Hà Nội nữa, hai ông đều đã lên đường…
Cửu Long - Bản giao hưởng
dang dở
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng,
trưởng đoàn văn nghệ sĩ đi chiến trường Nam Bộ đầu năm 1966 kể rằng ông và các
văn nghệ sĩ trong đoàn không ai nghĩ rằng Hoàng Việt có khả năng vượt nổi Trường
Sơn bởi thấy ông quá ốm yếu. Trên đường Trường Sơn, Nguyễn Quang Sáng luôn bố
trí Hoàng Việt đi đầu khi hành quân nhưng bao giờ ông cũng là người cuối cùng đến
trạm, rất lâu sau khi mọi người đã đến đã nấu cơm và ăn cơm xong, khi cả đoàn
đã lên võng ngủ Hoàng Việt mới lủi thủi một mình lặng lẽ nhóm bếp nấu cơm. Có lần,
Hoàng Việt bị lật cổ chân, chân sưng to, mưng mủ, đoàn muốn gửi ông lại trạm để
dưỡng bệnh nhưng ông vẫn cắn răng lết theo đoàn, kể cả khi phải mang thêm hơn
10 cân gạo ăn đường trong cái ba lô đã nặng gần bằng trọng lượng 42 kg người
ông. Cứ thế, sau hơn ba tháng, Hoàng Việt vẫn theo kịp đoàn để về đến quê hương
trong sự kinh ngạc của mọi người.
Toại nguyện về với quê
hương, bất chấp đói khổ, ác liệt, ngay trên chiến khu, song song với việc đào hầm,
cất nhà, tải gạo, với bút danh mới Lê Quỳnh, Hoàng Việt đã say sưa sáng tác với
năng suất chưa từng có. Từ cuối năm 1966 đến giữa năm 1967, ông đã hoàn thành
12 ca khúc và vở nhạc kịch “Bông sen” kể chuyện anh hùng liệt sĩ Nguyễn
Văn Lịch với 102 trang phần đệm piano để gửi ra miền Bắc. Ông còn viết nhạc cho
hai điệu múa của Văn công R, rồi chuyển “Bông sen” từ thể loại lớn
opera thành một nhạc cảnh nhỏ để Văn công R có thể biểu diễn phục vụ tại chiến
trường. Trong lá thư viết cho nhạc sĩ Đỗ Nhuận tháng 5/1967, Hoàng Việt nói với
Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam rằng dù rất tích cực sáng tác phục vụ kip thời
nhưng ông vẫn không quên dồn tâm sức sáng tác những tác phẩm lớn góp
phần đánh dấu giai đoạn tiến triển mới của âm nhạc cách mạng miền Nam. Hoàng Việt
còn bày tỏ với nhạc sĩ Đỗ Nhuận khát vọng đưa âm nhạc cách mạng thâm nhập sâu
vào đời sống tinh thần của người dân miền Nam để thay thế loại tân cổ tạp nham
cũng như thứ nhạc dance ỉ eo than khóc mị dân của Phạm Duy hoặc loại
nhạc điện tử làm ô uê thích giác người nghe của đám nhạc trẻ sa đoạ Sài Gòn…
Sau niềm hạnh phúc to lớn được
đón người vợ yêu thương và ba đứa con từ Sài Gòn ra chiến khu sum họp gia đình
sau hơn 13 năm xa cách trong dịp têt 1967, Hoàng Việt lại bắt đầu một thử thách
mới. Ông xin tổ chức cho rời chiến khu về với vùng đất ven bờ Cửu Long, vùng
chiến sự ác liệt, để lấy cảm hứng thực hiện dự án sáng tác lớn ông hằng ôm ấp:
bản giao hưởng số 2 của ông, giao hưởng mang tên “Cửu Long” . Theo
Hoàng Việt, đây sẽ là giao hưởng có 3 chương: Chiến thắng, hạnh phúc và xây
dựng. Và ông đã lên đường về Cao Lãnh, Tiền Giang men theo đường số 4 và bờ
sông Cửu Long để tìm hiểu thêm những điều Hoàng Việt gọi là“những khía cạnh đặc
biệt” nơi dòng sông vĩ đại của quê hương. Cuối năm 1967, sau những ngày
tháng băng đồng, qua lộ, chịu bom pháo, Hoàng Việt đã đặt chân về đến quê mẹ Tiền
Giang, đã đến rất gần với sóng nước Cửu Long. Nhưng ngay trên bờ kênh Ả Rặt,
làng Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, Tiền Giang, trong buổi sáng cuối cùng năm 1967,
sáng 31 tháng 12, Hoàng Việt và những người cùng đi bất ngờ bị máy bay Mỹ tập
kích. Hoàng Việt bị trúng đạn rốc két của kẻ thù. Ông hy sinh, thân xác
hoà tan trong con kênh chảy ra dòng sông Cửu Long. Khi ấy, Hoàng Việt mới vừa
qua tuổi 39. Và bản giao hương số 2 của đời ông, giao hưởng “Cửu Long”, mãi
là bản giao hưởng dang dở…
Nguyễn Thế Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét