Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Một thoáng hương xưa qua nét nhạc và cung đàn

Một thoáng hương xưa qua nét nhạc và cung đàn
Sống giữa cuộc sống xô bồ, hỗn độn đến mệt nhoài, nhiều khi tôi thèm ngồi một mình trong tĩnh lặng để nghe lại những bản tình ca xưa của những nhạc sĩ tài danh ở khắp mọi miền đất nước, hầu tìm lại những âm vọng một thời bềnh bồng, phiêu lãng, nay được kết tinh thành những kỷ niệm long lanh. Chỉ thèm một chút hoài niệm nhỏ nhoi thôi, vậy mà cuối cùng, nhờ hạnh của trời và đất đã giúp cho ước muốn của tôi trở thành hiện thực.
Đó là lần đầu tiên, sau gần 40 năm xa xứ, tôi hân hạnh được quen biết 4 người bạn trong nhóm Nét Việt Productions có cùng một chí hướng, một tâm tư, yêu âm nhạc đã đến với nhau, ngồi lại, bắt tay nhau để cùng đi đến một quyết định thật đặc biệt và hữu ích, nhằm giới thiệu những nét đẹp của văn học nghệ thuật. Tôi nói đặc biệt vì đây là lần đầu tiên những người bạn này đang tiến hành tổ chức một buổi nhạc thính phòng tại thủ phủ Toronto của xứ Lá Phong, nhằm vinh danh bốn nhạc sĩ tài danh Phạm Mạnh Cương, Lê Dinh, Trường Sa và Phan Ni Tấn với trên 50 năm đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa, là cả bốn nhạc sĩ này đều cư ngụ tại đất nước Canada , ở hai thành phố Montreal và Toronto kể từ sau tháng 4 năm 1975 đến nay.
Đọc trang quảng cáo trên bích chương với chủ đề "Nét Nhạc & Cung Đàn" nhằm vinh danh bốn nhạc sĩ nói trên, tôi nghĩ rằng mỗi bài ca của bốn nhạc sĩ từ Bắc vô Nam là quà tặng đặc biệt dành cho những ai tri âm ở đời. Những ca khúc trữ tình, đằm thắm, thiết tha, trìu mến, khi hiu hắt, khi rộn rã, khi nồng nàn, khi ngời sáng mà tôi đã nghe từ hồi còn trong nước, tiêu biểu như Thu Ca, Suối Lệ Xanh của Phạm Mạnh Cương; Hà Tiên, Tuy Xa Nghìn Trùng của Lê Dinh; Rồi Mai Tôi Đưa Em, Xin Ơn Nhau Cuộc Đời của Trường Sa và Giọt Thánh Thót Mừng, Lý Con Sáo Bạc Liêu của Phan Ni Tấn. Những ca khúc một thời đến nay vẫn âm vang cùng với những dòng nhạc mới của họ như bức thông điệp của tâm thức phiêu bồng, mãi mãi mở ra cánh cửa tâm hồn dành cho những ai yêu thích âm nhạc Việt Nam.
Ngày nay, chúng ta nhớ đến họ từ những gì đơn thuần nhất, mộc mạc và thuần lương nhất. Những người trẻ nhớ đến họ qua hình ảnh những trang giấy với năm dòng kẻ và những lời nhạc đầy ắp chất thơ ngọt ngào, gần gũi, yêu thương; có nụ cười của hạnh phúc và có cả nước mắt của nỗi niềm biệt ly.

Hãy đến với họ, để nghe, để nhìn và để thưởng ngoạn những cái hay, cái đẹp, cái lành của những ca khúc luôn luôn phát ra từ trái tim, ở đó mở ra những nẻo đường tâm linh để hướng tới chân thiện mỹ và để thấy mình may mắn được trở về với biết bao kỷ niệm trìu mến, yêu thương:
Về nguồn xưa xin qua lối vượt biên
Có tiếng hân hoan con tim khóc rất hiền.
Sau đây tôi cũng muốn chia sẻ vài cảm nghĩ của cá nhân tôi và một số chi tiết tôi góp nhặt được từ Internet về quá trình sáng tác của bốn nhạc sĩ trong show Nét Nhạc và Cung Đàn sắp tới.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương
Từ ngày theo chồng xuống đò Thừa Phủ, tôi bỏ Huế lại sau lưng. Huế cổ kính, trầm mặc và Huế than van. Tôi biết Huế tiếc thương tà áo tím và mái tóc thề tôi thôi trôi trên sông những chiều buồn bã. Người con gái theo chồng bỏ lại sông Hương ướt tiếng hò mái đẩy, bỏ núi Ngự với tiếng thông reo. Và tôi đành đoạn bỏ cả câu thơ:
Đi đâu cũng nhớ quê mình
Nhớ sông Hương gió mát, nhớ non Bình trăng treo
Mà "quê mình" đâu phải của riêng ai. Dạ thưa, quê Huế ở đây, còn là của Phạm Mạnh Cương, một trong những nhạc sĩ gốc Huế mà tôi hằng mến mộ từ thuở theo học trường nữ sinh Đồng Khánh cho đến nay.
Nói tới nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, người yêu nhạc đều nhớ bài tango Thu Ca, một trong những ca khúc được hầu hết các ca sĩ Việt trình bày nhiều nhất từ trong nước ra đến hải ngoại. Chính tôi, tuy không biết hát nhưng thuở xa xưa ấy tôi cũng từng ngân nga vài câu nhạc trong bài Thu Ca của ông:
...Chiều về gieo thương với nhớ. Lòng người lữ thứ bơ vơ. Nghe lá hoa rụng xác xơ. Chiều thu về đây lạnh lẽo. Mà sương chiều rơi hắt hiu. Gió xa đưa nhẹ tiếng tiêu...
Tôi biết rằng người lữ thứ nào cũng sẵn sàng đón nhận cho khúc nhạc buồn man mác trên nhẹ chảy vào lòng mình, đặc biệt là những người con đất Thần Kinh xa quê.
Ngoài Thu Ca, những ca khúc nổi tiếng khác như Thưong Hoài Ngàn Năm, Giã Từ Cố Đô, Khúc Nhạc Mừng Xuân, Mắt Lệ Cho Người Tình... đều được giới thưởng ngoạn yêu thích đến nay.
Theo tôi được biết nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sinh năm 1933 tại Thừa Thiên, Huế và hiện cư ngụ tại thành phố Montreal, Quebec. Từ nhỏ ông học nhạc lý với nhạc sĩ Ngô Ganh. Nhạc phẩm đầu tay của ông là Nhạc Chiều Quê được nhạc sĩ Thu Hồ trình bày nhiều lần trên đài phát thanh Pháp Á. Sau khi sang hải ngoại, ông vẫn còn sáng tác nhưng chủ yếu là thơ phổ nhạc.
Nhạc sĩ Lê Dinh
Năm 1985, nhà thơ Du Tử Lê và nhà văn Song Thao ra mắt sách tại Montreal, Canada, tôi có gặp nhạc sĩ Lê Dinh. Tôi biết rõ cá tính muôn thuở của người miền Nam là xuề xòa, bộc trực, vui vẻ, tự nhiên. Nhạc sĩ Lê Dinh cũng vậy. Tuy nổi tiếng nhưng người ta luôn mến phục ông ở đức tính khiêm tốn, nhã nhặn. Nghe nhạc ông từ cuối thập niên 1950 ở trong nước đến nay, tôi nhận thấy lời ca của Lê Dinh thường diễn đạt theo lối tả chân, không văn chương điệu đàn, sáo rỗng. Ông khéo léo sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, đi thẳng vào lòng người bằng những nét nhạc đơn giản, dễ nghe, dù buồn hay vui.
Bài Làng Anh Làng Em, viết năm 1956 là sáng tác đầu tay của ông, được nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam ấn hành cùng năm.
Những tình khúc tiêu biểu mang tên Hà Tiên, Tấm Ảnh Ngày Xưa, Xác Pháo Nhà Ai, Chiều Lên Bản Thượng... đã làm nên một Lê Dinh sung mãn, nhưng khiêm tốn và hiền hòa.
Ngoài ra, nhạc sĩ Lê Dinh còn có nhiều sáng tác chung với nhạc sĩ Minh Kỳ và Anh Bằng, gọi chung là Lê -Minh- Bằng, ghép từ tên ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Những nhạc phẩm của Lê Dinh và Lê Minh Bằng sáng tác trước 1975 gồm hơn 200 ca khúc, đều được thu thanh và xuất bản tại Việt Nam.
Biến cố tháng 4/1975, nhạc sĩ Lê Dinh phải sống đời lưu vong nên thấm thía hai tiếng "quê nhà". Cái tình cảm thiêng liêng của một người có tâm hồn nghệ sĩ như ông lưu lạc nơi đất khách quê người nó thắm thiết lắm, nó cứ bắt ông lội ngược về quá khứ để biến mọi thứ thân quen như dòng sông, con đò, chợ búa, câu hò ngoài kinh... thành âm nhạc. Thật dễ hiểu, dễ cảm thông và cũng thật cảm động khi Lê Dinh hướng về Gò Công của ông, tìm lại những hình ảnh cũ để gởi gắm nỗi niềm bàng bạc nhớ quê qua ca khúc Thưong Về Gò Công, một quê hương thu nhỏ của ngưòi xa xứ:
... Ai qua Gò Công mà không ghé thăm chợ Dinh. Để nghe tiếng hò cô gái ngoài kinh. Hò ơi. Em là con gái xứ Gò. Quanh năm sông vắng đưa đò...
Theo các tài liệu trên Internet, nhạc sĩ Lê Dinh tên thật là Lê Văn Dinh, sinh năm 1934 tỉnh Gò Công. Năm 1948 Theo học Trung học Collège Le Myre de Vilers, Mỹ Tho, đồng thời học thêm khóa hàm thụ lớp hòa âm và sáng tác của Ecole Universelle de Paris. Năm 1978 ông và gia đình vượt biến đến đảo Đài Loan, sau định cư tại thành phố Montreal, Canada đến nay. Hiện nay, nhạc sĩ Lê Dinh thường xuyên đăng những sáng tác cũ và mới của ông trên trang website: http://www.ledinh.ca.
Nhạc sĩ Trường Sa
Hồi còn ở trong nước, năm 1973 lần đầu tiên tôi nghe ca khúc Một Mai Em Đi của nhạc sĩ Trường Sa qua giọng hát Lệ Thu tự nhiên lòng tôi dâng lên một mối cảm hoài. Cái tình khúc thật giản dị nhưng sâu lắng từ lời ca đến điệu nhạc cứ như có ai đó "gọi gió" quạt vào lòng mình gây nên sự chao đảo, bồ i hồi, tê tái, rạn vỡ để rồi nhung nhớ vu vơ. Cho tới bây giờ mỗi lần nghe lại ca khúc này, tôi vẫn bị sức hấp dẫn, quyến rũ, nhẹ nhàng, êm ả và gợi nhớ của bài ca khi cất lên nghe buồn buồn như một tiếng thở dài:
Một mai em đi gọi gió thả mây về ngàn. Xin tạ lòng người tình ta hư không thế thôi. Đời vui không mấy niềm đau đã chín kíp người. Lòng đâu phụ nhau thêm nữa khi mai không còn có nhau...
Những lời tiên tri đầy tình tự như vậy, ở một người khiêm tốn như Trường Sa là quí hóa, là cánh cửa mở ra một thế giới âm nhạc, bộc lộ cơn hạnh phúc đớn đau của một cuộc chia lìa.
Tuy nhiên, vì xuất thân từ binh chủng Hải quân nên sáng tác đầu tay của ông là ca khúc Một Lần Xa Bến, ký bút hiệu Trường Sa. Từ đó, nhạc sĩ Trường Sa còn có thêm những nhạc phẩm làm tác giả nổi bật hơn khi ông viết về đời sống và tình yêu của những người lính biển với những chuyến tàu ra khơi lênh đênh trên sông nước. Sự nhậy cảm của nhạc sĩ Trường Sa, tức Thiếu tá Hải quân Nguyễn Thìn, đã giúp ông nắm bắt được vẻ đẹp nên thơ, sống động của miền sông nước và đại dương trùng sóng. Những ca khúc như Chờ Em Trên Bến, Sầu Biển, Hành Trang Giã Từ... lấp lánh những kỷ niệm của kiếp sống hải hồ có bầu trời bao la, có trùng trùng sóng lượn, có vui có buồn giữa những đổi thay của dâu bể và biến động đờì người.
Nhưng dù sao cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng, nhạc phẩm của nhạc sĩ Trường Sa, dù không nhiều nhưng hầu như bài nào cũng có giá trị qua những âm điệu dịu dàng, êm ả, mênh mang, buồn buồn khi trĩu nặng tâm tình và nhất là có sức lay động tâm tư người mến mộ tài năng âm nhạc của ông. Trong những nhạc sĩ gốc lính, Trường Sa có lẽ là người nhạc sĩ giàu tình cảm lãng mạn nhất. Càng lắng nghe những tình khúc của ông càng thấm thía cái hay, cái đẹp, cái nên thơ của ngôn từ uốn lượn theo suối nhạc đầy tình tự của ông. Những bài hát của Trường Sa luôn có một nỗi buồn nhưng rất hay vì ông viết bằng tất cả tâm tình.
Tóm lại, vì ông đem tâm tình viết thành nhạc, nên loại nhạc của Trường Sa có thể nói là nhạc của tình yêu đôi lứa, là những khúc ca viết cho những mối tình khổ đau, uất nghẹn, khắc khoải, ngậm ngùi mà người nghe bắt gặp mình buồn man mác, nhiều khi rưng rưng theo từng câu hát của lứa đôi chia lìa.
Theo trang website của nhạc sĩ Trường Sa, ông tên thật là Nguyễn Thìn, sinh năm 1940 tại Ninh Bình. Tốt nghiệp Sĩ quan hải quân Việt Nam Cộng Hòa, khóa 12. Cựu Hạm Phó tàu tuần duyên Trường Sa. Đơn vị cuối cùng là Giang Đoàn 63 Tuần Thám với cấp bực Thiếu Tá. Sau biến cố 30 tháng 4/ 1975, định cư tại Toronto nhạc sĩ Trường Sa tiếp tục sáng tác và một số nhạc phẩm của ông đã được trình diễn trên sân khấu của các trung tâm lớn tại hải ngoại.
Nhạc sĩ Phan Ni Tấn
Trong bốn nhạc sĩ được vinh danh lần này, Phan Ni Tấn là người trẻ nhất, mặc dù sang đầu năm 2016 ông bước vào tuổi 70. Trong cuốn Bông Hồng Tạ Ơn, viết về 190 Tác Giả và Nghệ Sĩ, xuất bản tại Nam California năm 2006, nhà văn Nguyễn Đình Toàn cho biết nhạc sĩ Phan Ni Tấn có một đặc điểm khá kỳ lạ: "Bố Nam, mẹ Trung, sinh tại Ban Mê Thuột, cưới vợ Rạch Giá. Như vậy, nghĩa là Phan Ni Tấn "gom" hết cái hay cái đẹp của đất nước về phần mình".
Thật vậy, nhạc của ông rất phong phú và đa dạng. Sáng tác khởi từ năm 1964, ngoài những ca khúc đấu tranh, nhạc du ca, tình ca quê hương, ông còn nghiêng về nhạc dân tộc miền Thượng du như Đứa Con Của Mẹ Núi, Pleiku, Em Ở Núi Rừng,... Từ đó, trải suốt chiều dài đất nước xuống miền đồng bằng sông Cửu Long, ông có những bài dân ca cải biên như Lý Con Sáo Bạc Liêu, Phải Lòng Con Gái Bến Tre... rất được ưa chuộng và đã được trình diễn trên video của một số trung tâm ở hải ngoại. Ngoài nhạc dân ca, ông còn có tài phổ nhạc cho các bài thơ rất hay mà tôi đã được nghe qua như Sài gòn Ngồi Một Mình (thơ La Toàn Vinh), Những Giọt Mưa Trái Tim (thơ Diễm Hương), … Trong cả trăm bản nhạc tình ca, về mặt nội dung và ý thức sáng tạo, Phan Ni Tấn còn xông xáo vào lãnh vực nhạc Blues/Jazz, là thứ âm nhạc bất hủ của người da đen, một thể loại cao, kén chọn người thưởng ngoạn, như các sáng tác mới của ông Môi Hôn (2015), Nụ Lan Thêng,…
Nhớ lại Bài Ca Học Trò, bài nhạc xuất hiện khoảng năm 1972 vào thời kỳ đen tối nhất của cuộc chiến tranh tương tàn:
Kính thưa thầy đây bài chính tả của con. Bài chính tả viết về nước Mỹ. Con viết hai lần sai chữ America. Con viết hai lần sai chữ Communite, Con viết hai lần sai chữ Liberty. Làm sao thuộc bài con học. Vì anh con đã chết...
Đây là một đoạn nhạc của bài ca học trò Phan Ni Tấn đã từng làm xao xuyến dư luận khi xuất hiện qua lối nhạc truyền khẩu. Nhiều người nghe, nhất là giới thanh niên, ngạc nhiên và sảng khoái trước những lời lẽ trần trụi, bất ngờ, u uất, đầy bi tráng. Lời ca bày tỏ tâm trạng của đứa học trò có người anh tử trận vào thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Có thể nói nguyên bản Bài Ca Học Trò là một hình ảnh văn học mà nhà văn Nguyễn Đình Toàn có lần tâm sự: " Nỗi buồn do cuộc chiến gây ra chưa xong, đời sống lại rơi vào một thời tối tăm, mù mịt dưới chế độ mới, nghe những người trẻ hát ca khúc này, đôi lúc người ta thấy buồn hơn cả cái chết".
Theo một số website, tôi được biết nhạc sĩ Phan Ni Tấn sinh năm 1946 tại Ban Mê Thuột, theo học trường Trung học Ban Mê Thuột và Đại học Khoa Học Sài Gòn. Là cựu Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ông vượt biển cuối năm 1979 và hiện sống cùng gia đình tại Toronto. Khởi viết về thơ, văn và nhạc từ năm 1964, ông đã có khoảng 15 tác phẩm được xuất bản tới nay.
Cuối cùng, tôi nôn nao chờ đợi ngày trình diễn của "Nét Nhạc & Cung Đàn" sắp tới đây. Tôi chờ đợi vì đây là buổi nhạc thính phòng vinh danh bốn nhạc sĩ, lần đầu tiên được tổ chức tại Canada nói chung và thành phố Toronto nói riêng. Có thể nói rằng buổi vinh danh nhạc sĩ đã đành là quan trọng, nhưng điều lớn hơn là cái tâm tình của người Việt chúng ta. Cái tâm tình đó sẽ là một nghĩa cử, một nét đẹp văn hóa khi mà đồng bào chúng ta, các hội đoàn, đoàn thể kêu gọi nhau, đến tham dự buổi nhạc thính phòng thật đặc biệt này.
Riêng cá nhân tôi lúc mua vé, tôi có cảm tưởng như mua một kỷ niệm lấp lánh của vườn nghệ thuật âm nhạc. Trong ngôi vườn này, có biết bao nhạc sĩ tài danh đã từng nâng niu, nắn nót từng phím đàn, nuôi dưõng những tác phẩm tinh thần của họ nhằm cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam ngày càng phong phú và tươi sáng hơn.
Lê Trầm Hương
Theo http://www.caulacbotinhnghesi.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...