Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Nghĩ thêm về Lưu Quang Vũ, qua “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”

Nghĩ thêm về Lưu Quang Vũ, 
qua “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”
Đối với những tác phẩm văn học, thời gian là  sự sàng lọc công bằng nhất để trả lời câu hỏi về giá trị. Có những tác phẩm, khi vừa ra đời đã được tung hô, ngợi ca nhiệt liệt, nhưng rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng. Ngược lại, có những tác phẩm, dẫu khi mới xuất hiện bị đón nhận một cách hờ hững, thậm chí bị lên án, vùi dập… nhưng qua thời gian, những giá trị đích thực của nó được trả lại. Và bạn đọc sẽ có sự phán xét công bằng và chính xác.
Với thơ Lưu Quang Vũ, cũng có thể nói rằng qua độ lùi thời gian mấy chục năm từ khi nhiều bài thơ của anh ra đời, đến nay, những giá trị của thơ anh đã được khôi phục, hoàn nguyên sau nhiều khuất lấp, thậm chí oan uổng. Điều thiệt thòi nhất cho Lưu Quang Vũ và cho cả bạn đọc là việc thơ anh được công bố ít quá và muộn quá. Năm 2010, một số bài thơ trong di cảo của anh mới được ra mắt bạn đọc trong tập “Lưu Quang Vũ – di cảo”. Đến năm 2011, tập thơ “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, tập hợp thêm nhiều bài thơ của Lưu Quang Vũ mà bạn đọc chưa từng được tiếp cận xuất bản, đã hé lộ thêm nhiều điều mới mẻ về thơ anh. Trong “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, đường thơ Lưu Quang Vũ được thể hiện tương đối rõ nét, từ những trong trẻo đầu tiên của những ngày “Hương cây” đầy say mê, náo nức cho đến những linh cảm, những lo âu ban đầu về cuộc đời ngầm chứa đựng những tai ương. Rồi bi kịch vỡ mộng của con người đã từng mang trong mình nhiều mộng đẹp, ước mơ trước cuộc sống hiện thực trụi trần, rách xé. Nhưng vượt lên trên tất cả, Lưu Quang Vũ vẫn sống hết mình, yêu hết mình cái cuộc đời đầy gió bụi, lắm đắng cay này; vẫn gắn bó cả đời mình với “đất nước đàn bầu” dầu không nguôi quằn quại, dằn vặt bởi những ngang trái, đớn đau. Nếu qua tập “Lưu Quang Vũ – di cảo”, người đọc ngỡ ngàng với một Lưu Quang Vũ điềm tĩnh và đau đớn trong những chiêm nghiệm khác biệt và sâu sắc về chiến tranh thì điều mới mẻ mà bạn đọc khám phá được qua “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” là một Lưu Quang Vũ – công dân, sống trung thực và nhiệt thành với Tổ quốc, luôn đấu tranh quyết liệt cho một cuộc sống tốt đẹp, để con người sống với con người phải đúng chất người hơn.
Đọc “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”, thấy gương mặt chân thực của đất nước trong những tháng năm buồn bã và đau khổ. Cái hào hùng trong những ngày chống Mỹ từng được tô đậm trong nhiều tác phẩm văn học thời đó, cái thời “Ra ngõ gặp anh hùng”; cái thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” vốn đã quen thuộc với tất cả chúng ta- kể cả lớp bạn đọc được sinh ra thời hậu chiến, chưa một ngày biết đến đạn bom và khói súng. Nói một cách công bằng, khi đất nước có chiến tranh, nhiệm vụ cao nhất của văn học nghệ thuật là phục vụ chính trị, động viên tinh thần chiến đấu, góp phần vào chiến thắng của toàn dân tộc. Và văn học kháng chiến của ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó trong một thời đại, một giai đoạn lịch sử nhất định. Nhưng nếu các nhà văn, nhà thơ chỉ đơn thuần hướng ngòi bút của mình để phục vụ chính trị, hô hào, cổ vũ tinh thần chiến đấu (mặc dầu, xin nhấn mạnh lần nữa, nhiệm vụ này của văn chương rất quan trọng và cũng rất đỗi vinh quang) thì nền văn học ấy còn thiếu vắng và buồn tẻ. Nếu nhìn lướt qua, có thể nghĩ rằng, thơ của Lưu Quang Vũ trong những năm chống Mỹ, (ngoài một số bài thơ đầu đời lấp lánh say mê trong tập “Hương cây”) có vẻ không nằm trong quỹ đạo chung của thơ ca kháng chiến thời bấy giờ. Bởi vì, trong thơ anh không có những hào hùng bất tận, không có khí thế ngút trời của chiến đấu và chiến thắng; không là hồi kèn xung trận giục con người tiến lên, tiêu diệt kẻ thù; cũng không lên án, chửi rủa kẻ thù, không phơi phới niềm tin vào một chiến thắng rất gần trong nay mai. Vậy thì, trong những năm “cả nước chung một hình hài, chung một gương mặt” ấy, thơ Lưu Quang Vũ nói gì? Trước tiên, anh nói về đất nước trong chiến tranh. Nhưng không phải đơn thuần là tố cáo kẻ thù, động viên chiến đấu, mài sắc ý chí căm hờn. Lưu Quang Vũ nhìn chiến tranh bằng cái nhìn thật sâu, thật đau và cũng thật nhân văn. Lúc cuộc chiến tranh đang hồi khốc liệt nhất, cũng là lúc anh bàng hoàng nhận ra rằng: hoá ra tất cả những gì mình từng được nghe, từng được đọc, từng nghĩ về chiến tranh… đều là ảo tưởng và nhầm lẫn. Khi trực tiếp có mặt trong cuộc chiến. Khi bản thân đã qua những trải nghiệm thực sự về chiến tranh, Lưu Quang Vũ đã có những “nhận thức lại” về cuộc đời: “Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh/ Tuổi trẻ ta đã qua bè bạn ta đã chết” (Những bông hoa không chết). Bộ mặt thực, kinh hãi của chiến tranh hiện lên trong thơ Lưu Quang Vũ đầy ám ảnh. Gương mặt đất nước trong chiến tranh không còn gì có thể đau thương và tiêu điều hơn thế nữa. Lưu Quang Vũ cũng nói về những mất mát, hy sinh có thực. Những mất mát, hy sinh ghê rợn:
- Lửa cháy đỏ trời bốn phía ngoại ô
Tro lả tả xuống mặt gầy hoảng hốt
Bom ném lên cao những đường tàu gẫy nát
Những bàn ghế những lá thư những cánh tay người
Mùi thịt cháy rợn mình mùi khói cay
(Ghi vội một đêm 1972)
- Thành phố vừa trải qua
Những trận bom huỷ diệt
Lòng cha giờ dập nát
Những xác người máu loang
(Nói với con cuối năm, 1972)
- Những người chết trong đêm thân gẫy nát
Óc chảy ròng trên gạch
Những người chết cháy đen miệng há mắt mở trừng
Những xác vùi đẫm máu dưới cầu thang
Tay chân văn vẹo thịt xương
Lòng ruột mắc trên dây điện
Phố Khâm Thiên ầm ầm đổ sụp
Tiếng người la khủng khiếp xé đêm dài
(Khâm Thiên)
Nhưng không đơn thuần là những dòng thơ tố cáo tội ác của kẻ thù. Như đã nói, Lưu Quang Vũ nhìn chiến tranh bằng cái nhìn thật sâu. Chiến tranh khiến cho Tổ quốc kiệt quệ. Chiến tranh đã làm tan vỡ tất cả những giá trị tốt đẹp nhất. Chiến tranh làm hình hài Tổ quốc và con người méo mó đi. Lưu Quang Vũ thương mình, thương bè bạn, thương “một thế hệ cứng đi như thỏi sắt” vì “tuổi thơ bỏ ta bay mất như chim” “vừa hết trẻ con đã là người lính”. Và trên tất cả, anh thương Tổ quốc đến “xót xa lòng” trong sự giày vò, chà đạp của chiến tranh. Tình yêu đất nước trong thơ anh thật lạ, cứ nhoi nhói, hành hạ, khiến con người bầm dập, đớn đau. Một Lưu Quang Vũ - công dân yêu Tổ quốc của mình hơn máu thịt. Anh yêu đất nước Việt Nam văn hiến và nhân văn, một “đất nước đàn bầu” quyến rũ:
Người nô lệ da vàng bất khuất
Vươn giữa trời bát ngát tấm lòng son
Tóc phơ phơ bạc trắng sợi đau buồn
Sao bà hát những lời da diết
Cháu nghe mãi vẫn lạ lùng tiếng Việt
Chữ “thương” liền với chữ “yêu”
Chữ “thương” đi cùng chữ “nhớ”
Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ
Phải thương nhau mới sống được trên đời
((Đất nước đàn bầu)
Cũng trong tình yêu ấy, anh xót lòng nhìn ra bi kịch của dân tộc. Đó là bi kịch “luôn đánh vật với tai ương và nước mắt”. Lịch sử dân tộc là lịch sử của những cuộc chiến tranh. Càng yêu dân tộc càng thấy thương hơn những thiệt thòi, tan nát mà dân tộc này phải gánh trên vai:
Màu áo đen của đêm, màu của đất áo nâu
Luôn đánh vật với tai ương nước mắt
Đất chỉ sinh những bàn tay làm lụng
Không có những nhà ảo mộng đăm chiêu
Đất tả tơi trong định mệnh đói nghèo
Trong độc ác, dối lừa, trong sỉ nhục
(Đất nước đàn bầu)              
Điều ghê rợn nhất của chiến tranh không phải là sự huỷ hoại những giá trị vật chất mà là huỷ hoại những giá trị tinh thần. Nó khiến cho con người mất niềm tin vào cuộc đời. Tin sao được vào những điều tốt đẹp nữa, khi chính con người vẫn hàng ngày, hàng giờ bắn giết nhau? Tin sao được khi chính con người tự tay tước đoạt đi mạng sống của nhau, phá huỷ hết những gì con người chắt chiu gây dựng? Một khi con người không còn tin vào con người nữa, thì chẳng còn gì được gọi là tốt đẹp tồn tại ở cuộc sống này. Lưu Quang Vũ nhìn chiến tranh bằng cái nhìn nhân loại, nên anh không đứng ở phía quan điểm chính trị nào, mà đứng về phía giá trị người để lên tiếng, bởi “máu đổ ra vẫn máu người đỏ thắm”. Sự khốc liệt của chiến tranh đã tước đoạt niềm tin của con người trong cuộc sống. Những “mộng đẹp tuổi thơ” tan vỡ. Những điều đẹp đẽ trong sách vở không còn nữa. Con người trở nên ngơ ngác và lạc lõng giữa cuộc đời:
Ta lớn lên cửa sổ thay màu
Nghe tiếng chim không thấy mùa nắng nữa
Con thuyền giấy nát nhàu sau trận gió
Thành phố nghèo hơn và cũng buồn hơn
Em đã tin trời xanh ngoài cửa sổ
Trời đen sầm cửa sập nát vai em
Trang sách tình yêu có ngôi sao lên
Không giống với cuộc đời thô bạo
Vì ta lầm đường hay vì trời nổi bão
Thương bạn bè ngơ ngác ngóng tin nhau
Em nông nổi như một dòng suối chảy
Tin bình minh nhưng chỉ gặp sương chiều
Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều
Rách tan cả những làn sương đẹp phủ
Chỉ còn lại nỗi buồn trơ núi đá
Điều em tin là nhảm nhí mà thôi
(Gửi một người bạn gái)              
Nỗi đau vì niềm tin đổ vỡ tràn trong thơ Lưu Quang Vũ. Anh nhắc đi nhắc lại điều này như bi kịch khủng khiếp nhất của con người. Khi mất niềm tin, người ta chẳng còn gì để sống, chẳng còn bất cứ nơi nào bám víu. Nguyên nhân của việc đổ vỡ niềm tin, suy cho cùng, vẫn bởi tại chiến tranh. Bởi “Đất chia cắt ngàn năm” nên “lòng người rách xé” (Những vườn dâu đánh mất). Ám ảnh lớn nhất về chiến tranh trong thơ Lưu Quang Vũ vẫn là chuyện nó huỷ diệt lòng tin và hi vọng của con người:
Cuộc chiến tranh tàn ác
Xô tháng ngày vỡ  nát nối nhau trôi
Điều anh tin không có ở trên đời
Điều anh có không giúp gì ai được
(Quán cà phê ngoại ô)
Hãy nghe tôi hát đôi lời
Tình dậu tình ôi
Ngực đau trống vỡ
Điều tôi tin cõi đời này chẳng có
(Khúc hát)
Cho nên, người ta còn không dám tin vào cả tình yêu nữa:
Anh chẳng còn gì nữa để yêu em
Chẳng còn gì nữa
Những con chim ngờ nghệch tuổi thơ
Trong chiếc bẫy thời gian đã chết
Hàng rào mát với quả chuông sùng tím
Đã tan thành cát bụi dưới lòng sông
(Anh chẳng còn gì nữa)             
Hơn cả việc mất niềm tin, có nhiều lúc Lưu Quang Vũ hoảng loạn, kinh hãi trước chiến tranh. Anh bất lực không thể cắt nghĩa nổi vì sao con người có thể thản nhiên xô nhau vào chỗ chết:
- Cơ sự làm sao đến nỗi này
Mông lung không đoán được ngày mai
Máu chảy thành sông thây chất núi
Bè bạn tan hoang mình rã rời
(Đêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn)
- Đất phân tranh hoa mọc trên mồ
Máu đen nhuộm những khu rừng kinh hãi
(Những đêm hoa vàng)
Anh “thương đến xót xa lòng” đất nước tội nghiệp của mình. Chiến tranh huỷ hoại mọi giá trị tốt đẹp nhất. Một đất nước văn hoá và nhân văn đã bị “phá sản” bởi chiến tranh. “Dân tộc trải xót xa nhiều đau khổ/ Phải thương nhau mới sống được trên đời” bị bầm dập bởi chiến tranh cho nên con người lại hoá tàn nhẫn và nhỏ nhen với nhau. Đây mới là mất mát lớn nhất, đáng đau xót nhất. Lưu Quang Vũ dùng cảm nhìn thẳng vào sự thật của chiến tranh. Anh gọi thời đại mình đang sống là thời loạn, thời bạo tàn, thời hỗn loạn, thời bạo ngược, thời đau khổ… Cao hơn tất cả “những lời hào nhoáng về chiến tranh”, Lưu Quang Vũ thấm thía điều này: chiến tranh là nỗi nhục nhã nhất của con người mà không thể nào gột rửa. Không nhục nhã sao được khi nhân loại cứ đẩy nhau vào chỗ chết, khi con người không “tìm được cách nào” để “sống với nhau cho ổn thoả”:
Vô nghĩa hết thánh kinh và máy tính
Những pho sách những dàn giao hưởng
Ích gì đâu khi bể máu dâng đầy
Ôi xấu xa đê nhục lắm con người
Lời không đủ để nói điều phẫn nộ
(Khâm Thiên)     
Lưu Quang Vũ nhìn thấy rất rõ gương mặt thực, đau thương của Tổ quốc trong chiến tranh. Những đau thương vì bị tàn phá toàn diện, cả vật chất lẫn tinh thần. Hình như trong cay cực, con người ta cũng trở nên nhỏ nhen hơn, tàn nhẫn với nhau hơn:
Em ơi em có buồn không
Thành phố đang thời hỗn loạn
Nghèo túng lọc lừa bội phản
Giết người trộm cắp khắp nơi
Con người nói với con người
Những lời hằn thù sỉ nhục
(Vẫn thơ tình về người đàn bà không có tên (II)
Khi người ta mặc cả máu người
Thay tình nghĩa như thay áo lót
Khi chung quanh ngổn ngang xác chết
Khi chẳng có gì ăn
Nói tình yêu nghe chừng lạc long
(Em I)    
Trong thơ Lưu Quang Vũ, hình ảnh “chiếc cốc thuỷ tinh” cứ trở đi trở lại. Chiếc cốc thuỷ tinh trong veo ấy tượng trưng cho những giá trị của cuộc đời. Nó là hạnh phúc. Là tình yêu. Là niềm tin. Là cái đẹp. Những nó cũng chỉ là «những giá trị mong manh dễ vỡ». Đối mặt với bom đạn chiến tranh, không một cái đẹp nào có thể tồn tại được, vì bản chất chiến tranh là điều «xấu xa đê nhục» của con người. Cho nên, những chiếc cốc thuỷ tinh trong thơ Lưu Quang Vũ luôn luôn bị đặt giữa đạn bom, luôn luôn bị « vỡ tan » một cách oan uổng, đau lòng:
Chiếc cốc rơi mọi điều tan vỡ hết
Em có còn mơ ước nữa không em?
(Gửi một người bạn gái)
Chiếc cốc tan không thể khác đâu em
Anh nào muốn nói những lời độc ác
Như dao cắt lòng anh như giấy nát
(Từ biệt)
Bây giờ anh chỉ còn là một chiếc cốc vỡ, một vết thương
(Mưa dữ dội trên đường phố trên mái nhà)
Em xếp lại trên bàn những chiếc cốc thuỷ tinh
Những giá trị mỏng manh dễ vỡ....
Chiếc cốc thuỷ tinh giữa đợt ném bom
Trong veo màn nước
(Em I)               
Những vần thơ trung thực của Lưu Quang Vũ quả đã vẽ được gương mặt khổ đau, quằn quại của đất nước trong chiến tranh.  Điều khủng khiếp nhất của chiến tranh không phải nó lấy đi mạng sống con người, mà là nó lấy đi tình yêu, niềm tin vào cuộc sống, lấy đi cả “bản chất người” của con người, khiến cho con người bơ vơ, cô độc, yếu đuối và sợ hãi. Không biết nương tựa vào đâu. Không biết bấu víu vào đâu. Không dám tin vào bất cứ điều gì. Nhìn đâu cũng chỉ thấy sừng sững những “tường vách/ ngăn cản con người đến với nhau”. Thế giới nghệ thuật thơ Lưu QuangVũ ngổn ngang mảnh vỡ. Tất cả mọi sự đều bị đặt trong thế lụi tàn, đổ vỡ. Bất cứ vật gì, điều gì cũng đã chết, đã mất, đã thành cát bụi, đã gẫy, đã đổ, đã vỡ, đã tắt, đã tàn, đã sụp, đã rách, đã cỗi, đã sập, đã nát, đã bay mất, đã đổ sụp… (“Những con chim ngờ nghệch tuổi thơ/trong chiếc bẫy thời gian đã chết” (Anh chẳng còn gì nữa); “Đứng giữa hai ta là những người đã chết… Những nụ cười từ lâu đã tắt/ Như tuổi trẻ sớm tàn trong cay cực của ta… Cầu đã sụp con tàu không chạy nữa” (Mặt trời trong nước lạnh); “Đến nay tất cả đã vỡ ra” (Nói với mình và các bạn); “Những bông hoa chưa nở đã tàn đi/ Những cành cây chưa xanh đã cỗi” (Những tuổi thơ); “Thương ga xưa đã sập tan tành/ Thương những chuyến lên đường xưa đã chết” (Ghi vội một đêm 1972); “Muốn lên tàu đi thật xa/Nhưng nhà ga đã sụp” (Ngã tư tháng chạp)… Lưu Quang Vũ đặc biệt hay nói đến những nhà ga, những con tàu, đường tàu và những chuyến lên đường. Đó là biểu tượng cho khát vọng của tuổi trẻ. Những chuyến lên đường, sự ra đi tượng trưng cho sức trẻ dám bứt phá để vươn tới những điều tốt đẹp hơn đang chờ phía trước. Nhưng, trong chiến tranh, những nhà ga đều “đã đổ” “đã sụp” “đã nát” “đã sập”. Những nhịp cầu “gẫy đổ”. Những đường tàu “gẫy nát”, “Những toa tàu rỗng không”… Chính điều này khiến tuổi trẻ trở nên vô nghĩa, trống rỗng. Nhà thơ gọi đó là “tuổi trẻ cay cực”. Trong đất nước đau buồn, khổ ải, có những lúc con người lâm vào tuyệt vọng. Cuộc chiến tranh quá dài đã khiến Tổ quốc kiệt quệ. Lưu Quang Vũ xa xót ngắm hình hài đất nước mà bật lên những câu thơ rớm máu:
Mấy mươi năm vẫn mái tranh này
Dòng sông đen nước cạn
Tiếng loa đầu dốc lạnh
Tin chiến trận miền xa
Mấy mươi năm đã mấy lớp người
Chia lìa gục ngã
Đã tận cùng nỗi khổ
Người ta còn muốn gì Người nữa
Việt Nam ơi?
Người đau thương, tôi gắng gượng mỉm cười
Gắng tin tưởng nhưng lòng tôi có hạn
Tổ quốc là nơi toả bóng yên vui
Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất
Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát
Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi
Tất cả sẽ ra sao
Mảnh đất nghèo máu ứa
Người sẽ đi đến đâu
Hả Việt Nam khốn khổ?
Đến bao giờ Người mới được nghỉ ngơi
Trong nắng ấm và tiếng cười trẻ nhỏ
Đến bao giờ đến bao giờ nữa
Việt Nam ơi? 
(Việt Nam ơi)              
Đọc “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” thấy hình ảnh một Lưu QuangVũ – công dân đang khóc ròng trên những đổ nát của chiến tranh. Anh không ngần ngại nói về mặt trái của chiến tranh, về sự tăm tối, đói nghèo của dân tộc khi gánh trên vai cuộc chiến quá lâu rồi. Anh “không chấp nhận” cuộc sống cay cực, tủi buồn, đau đớn ấy. Không phải anh chối bỏ Tổ quốc, chối bỏ dân tộc. Anh chỉ chối bỏ những “xấu xa, đê nhục”, những “bạo tàn” đã làm biến dạng hình hài đất nước. Một đất nước giàu truyền thống văn hoá, đất nước của tiếng đàn bầu, của ca dao, quan họ; một đất nước trọng ân nghĩa, thuỷ chung “chữ thương liền với chữ yêu/ Chữ thương đi cùng chữ nhớ”, dẫu có “trải xót xa nhiều đau khổ” thì con người vẫn luôn tâm niệm “phải thương nhau mới sống được trên đời”… mà rồi có lúc “Nghèo túng lọc lừa bội phản/Giết người trộm cắp khắp nơi/con người nói với con người/những lời hằn thù sỉ nhục”(Vẫn thơ tình về người đàn bà không có tên (II). Nhưng dù có phẫn uất, thất vọng và đau buồn đến mấy, tình cảm của Lưu Quang Vũ với cuộc sống vẫn là:
“Cuộc sống anh không chấp nhận
Mà thương đến xót xa lòng”
(Vẫn thơ tình về người đàn bà không có tên II)             
“Thương đến xót xa lòng” là cảm hứng chính của Lưu Quang Vũ trong những vần thơ viết về đất nước. Trong đau buồn anh không gục ngã. Sau mỗi tuyệt vọng, Lưu Quang Vũ luôn bướng bỉnh vượt lên những “thói thường” để chiến đấu cho những điều tốt đẹp, thách thức và tuyên chiến với những “bạo tàn” “độc ác”. Anh vẫn luôn đắm đuối với cuộc đời “Sao lòng cứ thương yêu/Khi khắp trời oán hận” (Những vườn dâu đánh mất). Sự nhất quán  trong thơ Lưu Quang Vũ từ “Hương cây” cho đến những bài thơ cuối cùng của anh chính là nỗi đắm đuối với cuộc đời. Vì “yêu quá đời này” nên anh luôn nhìn thấy sự sống được tái sinh từ cái chết:
Và gió thổi quanh em tóc rối
Những bông hoa đã mất vụt bay về
(Hoa tầm xuân).
Bao giờ em về
Phù Lưu hoa gạo thắm
Nong tằm đã mất
Sẽ bàng hoàng lá tươi
Trên mọi điều thù hận
Những vườn dâu còn lại với con người
(Những vườn dâu đánh mất)
Vì đắm đuối với cuộc đời, nên anh nhìn thấy sau bao đau thương, cuộc sống sẽ ngàn lần đẹp đẽ hơn:
Sau căm giận, cắt chia, sau lửa đạn
Những vườn cây còn lại với người
Những trái vàng hy vọng thắm trên tay
Cả đất nước mênh mông mùa quả chín          
(Mùa xoài chín)
Cuộc đời sẽ đi qua những ngày đông xám ngắt
Sẽ trẻ lại con sóng già đầu bạc
Sẽ quây quần mọi gió dại đảo hoang
Sẽ có ước mơ và những quả dưa vàng             
(Viết cho em từ cửa biển)
Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích
Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông                             
(Đất nước đàn bầu)
Và trên những đổ nát, hoang tàn, con người sẽ đủ sức kiến tạo và dựng xây lại tất cả. Chỉ cần đừng buông tay, đừng nương theo những bạo tàn, độc ác; đừng thoả hiệp với những xấu xa đê hèn của cuộc sống đang diễn ra chung quanh. Niềm tin và tình yêu luôn bền bỉ cháy trong trái tim Lưu Quang Vũ. Bất chấp những chà đạp, huỷ diệt của chiến tranh; bất chấp những điều tồi tệ đang khiến mình đau đớn, niềm tin và  tình yêu cuộc sống cứ bướng bỉnh trỗi dậy trong anh:
Những bức tường dựng đứng quanh tôi
Có những lúc tôi xuôi tay đuối sức
Nhưng từ đáy nỗi buồn tôi thăm thẳm
Một cái gì như nhựa thắm trong cây
Một cái gì trắng xoá tựa mây bay........
Dẫu bao lần người làm tôi thất vọng
Tôi vẫn yêu người lắm lắm người ơi
Tình yêu tôi như một tiếng chuông dài
Làm run rẩy hoa hồng trên ngực nắng                              
(Có những lúc)
Những cửa gương hy vọng
Trên chông gai trên ngói nát
Nhà mới sẽ cao lên
Sẽ có mái hồng sẽ có tổ chim
Nụ cười mới cơn mưa rào cũng mới
Anh vẫn như ngày mười bảy tuổi
Ngực bồn chồn ước ao
Như chưa hề có chuyện khổ đau              
(Viết lại một bài thơ Hà Nội)
Lại gần đây gần nữa em ơi
Ta tựa vào nhau không sợ hãi
Anh và em đôi ngực trần trơ trọi
Thách thức tương lai
Thách thức hào sâu thách thức bầu trời
Những cối xay gió và bóng đêm độc ác      
(Di chúc tình yêu)
Bên cạnh những vần thơ rách xé và quằn quại là những vần thơ tin yêu, ấm áp. Trải bao bầm dập, thấm thía những tan vỡ, dập vùi, cay đắng, sự tin yêu ấy vẫn như ngọn lửa hồng, soi cho con người đi xuyên bóng đêm để hướng đến một bình minh tươi sáng ngày mai. Thơ Lưu Quang Vũ thường kết cấu theo vòng tròn tâm trạng ấy, từ những niềm tin khờ dại và trong trẻo đầu đời đến những dằn vặt, khổ đau vì vỡ mộng, rồi lại cháy lên hy vọng, tin yêu. Niềm tin yêu cuối cùng đọng lại là niềm tin yêu của con người quyết chiến đấu để chiến thắng những đau buồn, xấu xa, độc ác. Nói đến thơ Lưu Quang Vũ mà quên không nhắc đến một Lưu Quang Vũ – công dân, suốt đời chiến đấu cho lẽ phải, cho tổ quốc, cho cuộc sống công bằng và tươi đẹp bằng những vần thơ lửa cháy và quyết liệt là còn khiếm khuyết rất nhiều. Sự kiên trì và quyết liệt của anh thật đáng khâm phục:
Tia nắng mỏng manh thầm lặng
Quyết không khuất phục bao giờ         
(Vẫn thơ tình về người đàn bà không có tên II)
Dẫu bay đi không một lời đáp lại
Dẫu trơ trọi lạnh lùng trong bóng tối
Dẫu đường dài xa ngái
Đừng phút nào mệt mỏi thơ ta ơi                             
(Nói với mình và các bạn)
Dù con người là cô đơn
Cái ác là dầy đặc
Mỗi bài thơ của chúng ta
Phải như một ô cửa
Mở tới tình yêu
Ở đó lòng ta
Ra với mọi người
Ở đó mọi người
Đi tới bên nhau                       
(Liên tưởng tháng Hai)
Người biên soạn sách quả đã rất “tinh” khi lấy một câu thơ của Lưu Quang Vũ đặt cho tập sách này: “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”. Bởi tập thơ với nhiều bài thơ lần đầu mới được công bố đã tô đậm một gương - mặt - công - dân Lưu Quang Vũ; một tình yêu thắm thiết, thành thật và bền bỉ với tổ quốc, với dân tộc của mình. Và chắc chắn, những bài thơ ấy đã tự nói lên rất nhiều điều về Lưu QuangVũ, về những đóng góp lặng lẽ của anh vào nền văn học nước nhà.
Nguyễn Thị Việt Nga
Theo http://nhavantphcm.com.vn/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...