Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Cảm xúc về Hà Nội - Đi suốt bài ca

Cảm xúc về Hà Nội - Đi suốt bài ca
Những năm 1955 - 1963, khu nhà ở số 126 phố Bà Triệu vào những đêm trăng sáng thường rộn tiếng đàn ca. Người đánh đàn là bác sĩ Mạc - một bác sĩ có tay nghề phẫu thuật giỏi, đồng thời là tay đàn ghi ta điêu luyện. Chúng tôi hát Chiều Mát-xcơ-va: "Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào/ Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu...".
Chúng tôi hát Đôi bờ: "Đêm dài qua dưới mưa rơi/ Em mong chờ anh tới". Tôi như lờ mờ nhận ra tâm hồn Nga rất đẹp và cũng giống tâm hồn Việt Nam. Vào những buổi sớm mai nghe bài hát Buổi sáng trên đồng nội: "Sương long lanh trên ngọn cỏ non xanh..." thấy cuộc đời thật đẹp. Vào những đêm trung thu cùng chúng bạn gõ trống hát vang khắp phố phường bỗng thấy tâm hồn mình lung linh trong trẻo quá. Tôi yêu âm nhạc từ đấy.
Kế nhà tôi là nhà nghệ sĩ dương cầm Hoàng Mãnh, dáng người nhỏ nhắn nhưng khi ngón tay ông lướt nhẹ trên phím đàn thì vang lên một chuỗi âm thanh dìu dặt, trầm bổng. Ông thường đệm đàn cho các ca sĩ tập hát. Qua bức tường mọc lan man hoa ti-gôn tím, tôi leo lên mô đất xem ai hát. Một nghệ sĩ dáng người cao, khuôn mặt xương xương nhưng giọng hát thì trong sáng ngọt ngào, đầy quyến rũ. Đó là Quốc Hương với bài Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người... Một chiều thu đứng ngẩn ngơ trên đường Bà Triệu, nghe giọng nam cao mãnh liệt, da diết của Trần Khánh với bài Tôi là người thợ lò càng cảm nhận rõ hơn sức mạnh kỳ diệu của âm nhạc trong việc truyền tải tâm hồn con người. Sau này nghe Thu Hiền hát "Câu hò trên bến Hiền Lương", Tân Nhân hát "Xa khơi" thì đó không chỉ là giọng hát trời cho mà còn là sự rèn luyện công phu nghiêm túc. Lên học lớp 8 Trường cấp 3 Đoàn Kết dù chỉ lỗ mỗ về nhạc lý tôi cũng được gọi vào đội hợp xướng của trường. Nhạc sĩ Hồng Đăng, ca sĩ Diệu Thúy tập cho đội hợp xướng bài Núi Voi do chính Hồng Đăng sáng tác. Bài hát ca ngợi một đội du kích trong kháng chiến chống Pháp. Có những đoạn lên rất cao: "Trăng kia còn có khi mờ. Núi Voi ngàn đời anh dũng" khiến chúng tôi khản cả giọng. Thích hát nhiều khi mọi người trong nhà đi vắng cả, tôi đóng cửa tập hát một mình. Tốt nghiệp lớp 10 tôi định đi học nhạc. Lần lữa mãi tôi lại chọn con đường học văn, dù sao văn học đối với tôi vẫn có ma lực hơn âm nhạc. Con đường âm nhạc ngừng ở đấy nhưng những bài hát về Hà Nội, đã từng nghe ở Hà Nội lại đi cùng tôi suốt năm tháng.
Tôi đi vào chiến trường miền Nam mang theo trong hành trang tâm hồn mình là những bài hát. Một đêm hành quân vượt lộ 1 từ Bàu Hàm sang Bình Sơn. Trăng suông. Bờ ruộng mấp mô. Mồ hôi đẫm lưng áo. Chúng tôi đi men theo ấp chiến lược, nhìn thấy rõ những lá mít bóng láng, nghe lá chuối reo phần phật trong gió, sừng trâu va vào chuồng lạch cạch. Nhìn xa xa là cái quầng sáng đục: "Cái quầng sáng bồn chồn thương nhớ đó. Đang đêm đêm nức nở gọi ta về" (Lê Anh Xuân). Sài Gòn! Bao giờ được tiến về Sài Gòn. Tự dưng trong lòng tôi ngân lên bài hát Mùa hoa Bác Hồ đã từng nghe ở Hà Nội "Đi giữa con đường Sài Gòn ta đó. Tháng năm mùa hoa rực rỡ. Đi giữa con đường cây xanh bóng mát. Bông điệp đỏ thắm như tấm lòng người thành đô". Cảm xúc dâng trào tôi như quên đi những vất vả, gian lao, tin tưởng một ngày nào đó tôi sẽ được về thành phố mang tên Bác.
Sau giải phóng về thăm nhà ở Hà Nội, đi trên những đường phố đầy ắp kỷ niệm lại nhớ tới bài hát ngày thủ đô đánh Mỹ "Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công. Đường thênh thang Ba Đình lịch sử. Đường tấp nập Hoàn Kiếm Đồng Xuân. Nghe náo nức trong lòng. Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ...". Bài hát như gợi lại niềm tự hào của một thủ đô gan dạ, hào hoa. Giờ đây tuổi đã cao nghe lại những bài hát một thời đã từng nghe ở Hà Nội tôi vẫn rưng rưng xúc động. Cứ mỗi lần nghe bài hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người lại nhớ tới Quốc Hương, nghe bài Tôi là người thợ lò lại nhớ Trần Khánh. Những bài hát Nga thường vang lên trong dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười càng yêu thêm giai điệu Nga. Và nhất là những bài hát thiếu nhi đã gieo vào tuổi thơ tôi sự long lanh, trong trẻo, yêu cuộc sống, yêu con người. Tôi đã ghi lại cái khoảnh khắc đầu đời đáng nhớ ấy bằng một đoạn thơ trong bài thơ Đi suốt bài ca:
Ôi tuổi thiếu niên vui rộn rịp
Gõ trống hát vang khắp phố phường
Bài hát trung thu trong trẻo quá
Ngọn cỏ tâm hồn đẫm giọt sương.
Hà Nội, một bảo tàng âm nhạc, nơi phát ra những bài hát nuôi dưỡng trái tim tôi, cùng  tôi đi suốt những năm tháng của cuộc đời.
Bùi Quang Tú
Theo http://www.baodongnai.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầ...