Những lần xuống núi, lững
thững dọc theo miền duyên hải, từng ngày dừng lại ở những xóm làng ven biển,
nhận ra đất nước như cái bao lơn khổng lồ ngun ngút nhìn ra biển Đông. Được ở
bên biển là may mắn, ân huệ, sở hữu một sự vĩ đại và diễm lệ của
thiên nhiên, nhưng ấy cũng là món quà nham hiểm, đánh đố và thách thức khắc
nghiệt của Thượng đế mỗi khi gió trùng khơi kéo vào...
BÃO TỐ VÀO GIỌNG NÓI
Đặc sản của đại dương là hải
sản. Còn đặc sản của bờ biển là nắng gió cùng sự khắc nghiệt kéo đến tận
cùng. Nắng gió cao nguyên là thứ nắng gió lững thững liếm qua núi đồi, lúc ve
vuốt lúc lại thênh thang. Còn nắng gió đồng bằng châu thổ của cây lúa là thứ
mênh mông, bàng bạc. Nắng gió duyên hải là keo lại, thốc vào xóm làng, vào
con người, cây cỏ, lúc lại lồng lộng. Chính vì thứ nắng gió keo lại đó mà thảo
mộc thì hoá gai, lá dày lên, cây thu mình lại, gan lì, bền bỉ, gai góc, phũ
phàng. Ở đấy, dừa là cây "tráng sĩ" nhất, giỏi chịu đựng khắc nghiệt
của trời đất, nên cứ ưỡn ngực ra trước nắng gió, bão tố từ đại dương. Nhưng mỗi
cây dừa cũng là mỗi nỗi trầm tư. Mỗi lần đi giữa những dải rừng dừa ven biển ở
Tam Quan (Bình Định), Cam Ranh (Khánh Hoà)..., lặng thinh, sẽ cảm nhận được sự
bát ngát của bản "sonata thiên nhiên man dại" miền duyên hải. Biết
bao nhiêu là nghệ sĩ nhiếp ảnh đã "gặt" được những bức ảnh chơi
vơi, thẫn thờ nhất về hình dáng những cây dừa uốn cong mình đỡ lấy bờ biển,
che chở đất liền... Biển Đông "phân phát" nắng, gió, cũng như cả
bão tố về cho cao nguyên, thị thành, hay các miền châu thổ xa trong dải lục địa
hình chữ S trầm luân thân thương.
Làng nỗi của biển Ô Loan,Tuy An Phú Yên.
Ảnh Nguyễn Hàng Tình
Bờ biển là tấm chắn của đại
dương với lục địa, là dải kết nối của rừng với biển. Thế mà gầy gò nhất đích
thị là dải đất đai nằm ven biển miền Trung. Ở đó, con trai dạn dày, da dẻ
quánh lại, hừng hực màu của phong ba, nâu thẩm. Sự gan lì đi biển trong mỗi
thằng con trai là một " giá trị" lớn nhất. Còn con gái, nhan sắc
cũng ngào ngạt thứ hương của đại dương, biển dã, dồn hết sự mảnh mai, hiền dịu,
yếu đuối vào sự chân thật. Nhưng gái hay trai, già hay trẻ đều chung một nếp
sống phóng khoáng, tự do, tin cậy, nhân ái, bao dung nhưng ngoan cường. Trước
thiên nhiên khắc nghiệt, phong ba bão tố đã đi vào cả giọng nói người duyên hải,
nên trầm nặng, nặng đến thô kệch, chúa chát.
Chịu khốn khổ, đau thương
nhiều thế, nhưng những làng thôn lâu đời ven biển bao giờ cũng là hình ảnh về
thứ làng mạc có nhà cửa tạm bợ, dã chiến, sinh hoạt đơn sơ, con người lam lũ,
đến đường sá đi luôn xoá nhoà ngay_ chỉ toàn cát mà!... Thế đó,
nhưng trước mặt họ, áp sát họ, là đại dương, nơi luôn được hiểu là dồi dào sản
vật, vô tận. Còn nhà cửa cứ sát nhau, không phải vì để tiết kiệm đất mà bởi cần
sự nương tựa. Không gian sống hồn nhiên với nếp thương mại "chợ chồm hổm",
sản vật thì đơn sơ, nhưng hễ cứ gặp mỗi lối rẽ đường làng là thấy chợ. Cứ như
những làng chài ven biển sinh ra là để chấp nhận, an phận, ngàn năm vẫn vậy.
ĐỔI THAY NƠI BỜ
Ở đó nhịp sống trong từng
tổ người theo một qui luật miên man: mỗi chiều tà người đàn ông, trai tráng
ra khơi, phụ nữ ở nhà chăm con, lo chuyện "vặt" hậu phương và...
ngóng đợi sáng mai(hoặc nhiều ngày hơn) chồng cùng hải sản về bờ. Họ chỉ cần
căn cốt: dầu(chạy ghe tàu), thương lái(thu mua hải sản), và biển lặng... là
cuộc sống êm trôi. Cái chất của những người luôn đối mặt tự nhiên, sống chết,
khiến nhịp sống an nhiên, tha thiết, nhưng lại rất "bất cần", như bất
cần xe hơi đời mới, thị trường chứng khoán, siêu thị, địa ốc, phân lô bán nền,
qui hoạch dân cư, rồi hững hờ luôn với những làng resort của ai đó ngày càng
liên tục, liên tục "rơi" xuống dải bờ biển máu thịt. Những năm gần
đây bỗng sốc, vì người ta mang những dải bờ biển máu thịt đó giao
cho giới Tư Bản "phân lô", chặt ra từng khúc, dưới danh nghĩa
"nhà đầu tư", vì đại cuộc phát triển du lịch. Con dân ngư phủ quen
nghề "đi bạn", rành theo con cá con tôm, nói năng như sóng vỗ; còn
con gái lại thô như hộ pháp thì làm gì có cửa để mà vào
làm việc ở những khu du lịch xa hoa như thế, mượt mà, "văn minh" đấy.
Rồi có còn bãi biển hiền lành, thanh bình nào cho gái trai ra tắm, cho hồn
Xuân Quỳnh mơ về, Khổng Vĩnh Nguyên ra biển làm thơ, cho Phạm Duy, Dương Thụ...
về viết nhạc? Resort là thực thể không gian xa lạ, là "thế giới mới";
với dân chài nó là "người khách" trên bờ biển... nhưng ở lì mà
không thể đuổi đi, gồng mình chấp nhận chung sống. Những dải bờ biển đẹp nhất,
cát trắng nhất, sóng êm ái nhất, an toàn nhất là dành cả cho các nhà Tư bản rửa
tiền, cất Resort. Dân chài chỉ nhận ra rằng, khi cái anh "resort"
bành trướng dọc ngang, ấy là lúc không còn không gian để nhìn ra biển, biến mất
lối để đi ra biển thế. Vậy là đến ngọn gió ven bờ cũng không còn nẻo lang
thang, cũng cạn chỗ cho con dã tràng xe cát, cho loài rau muống biển tha hồ
bò như bao đời nay. Nhưng vẫn phải chung sống với "resort", không để
ý, hoặc gia tăng mặc cảm, hoặc sự bất cần.
Nhưng chính nhờ sự "bất
cần", vô tư đặc trưng đó mà những làng ngư phủ vững chãi trước biển,
không bỏ bờ biển mà đi, không để ý nhiều, toan tính chuyện thời thế... Nhưng
hai năm trở lại đây, Chính quyền ngày nay của Trung Quốc(dù cùng theo Chủ
nghĩa đại đồng Xã hội Chủ Nghĩa ) ở phương Bắc vốn dân thảo nguyên du mục
liên tục tràn xuống ức hiếp, đoạt giật ngư trường, biển cả quê hương, xua đuổi
ngư dân, tịch thu tàu bè, bắt bớ người Việt... thì làm sao không để
tâm đến thế sự. Láng giềng của ta đang tiến hành "rào" biển Đông
ngàn đời của người người Chăm, người Việt lại. Chưa bao giờ những làng người
sống lâu đời bên chiếc "bao lơn biển hình chữ S" thiêng liêng này
hàng ngày phải ngay ngáy lo chuyện "thời cuộc biển khơi", nghĩ về
thân phận mình nhiều như thế. Ngày xưa người ngư phủ ta chỉ lo hiểm hoạ bao tố
từ trùng khơi, thì nay những chuyến ra khơi phập phồng trước với
người du mục phương Bắc. Lời tình ca dáng hình duyên hải từ Phạm Duy: "... Đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh/ Ruộng đồng vun sóng ra Thái
Bình (dương)/ Nghìn trùng dương hát câu lành" liệu có gợi về dấu yêu
thiêng liêng mà đốt lửa ý chí bảo vệ đến cùng. Và các người em gái da nâu của
tôi, vốn sinh ra bên bờ biển khi lớn lên đã như những " hòn vọng phu dự
bị", nay có càng thêm than trách: "Lấy chồng làm ruộng em thương/ Lấy
chồng đi biển hồn treo cột buồm" (ca dao dân gian của biển miền
Trung Việt Nam)!?.
Biển Đông ở nơi giáp ranh
giữa Khánh Hòa và Phú Yên.
Ảnh Nguyễn Hàng Tình
Vậy đấy, bám biển bao đời,
nhưng không thấy nhà nào giàu sang, sung túc ? Biển cả của cải như
vô tận, hào phóng, nhưng không dễ dàng gom lấy những gì từ nó. Vì vậy, cư dân
ven biển chọn một cuộc sống giống nhau về sự giản đơn, mong manh, chênh vênh,
phù phu, nhưng an nhiên với kiểu hạnh phúc rất riêng của mình. Vì thế mà người
cứ thương người, thứ tình thương đôn hậu, thật, không nhiều lời, không son phấn
ứng xử. Còn niềm tin, vẫn cứ sừng sững, nên ở đó nhà thường không cổng, tường
vách không xây, hàng rào nếu có chỉ dùng "thực vật", thực vật không
gai, trồng thâm thấp là là để không sát thương ai...
TÂM LINH BIỂN
Những cuộc đời nối tiếp cuộc
đời, những thế hệ nối tiếp thế hệ bên bờ biển. Sống đơn sơ, và hạnh phúc cũng
đơn sơ, quen vậy, thích nghi vậy, nên luôn hiện lên sự mãn nguyện, bền chắc.
Vì vậy, có thấy xóm chài, làng ngư phủ nào kéo nhau rời bỏ bờ biển mà đi
đâu_hay tìm lên cao nguyên mà sinh sống chẳng hạn?. Thường cho đến khi
"biển gặm"(sóng nuốt đất liền, làng mạc) sát nách mới chịu đi. Có
nơi chính quyền thấy biển đã tiến sát mép làng, kêu gọi "di tản"
vào trong sâu an toàn hơn, họ vẫn cứ cố bám bờ mà sống. Thứ tình yêu biển định
hình, vĩ đại, máu thịt, coi biển dã là "quê hương", là
"nhà". Đã ra khơi, thì mặt nước kia là không bờ không bến, không thể
có thứ thước kẻ nào vạch nổi cái đường biên hình học lên mặt đại
dương hoang dại, cứ lênh đênh theo đàn cá. Họ "hiểu" biển, và có
cách tồn tại trước biển một cách kỳ diệu.
Cứ mỗi người thiệt mạng vì
biển, họ lại dùng cái từ nghe rất "hiểu biển", tôn trọng biển dã,
coi biển là "bề trên": biển lại "lấy" người! Và cứ thế
màu nhiệm hoá "quê hương mình"(biển). Bao giờ cũng vậy, khi sống
trong khắc nghiệt của thiên nhiên, thường xuyên đối mặt với hoang dã, con người
càng kiêng nể tự nhiên. Vì vậy, bà con rất hay cúng, cúng nhiều lắm, ngày thường
cũng vái, cũng thắp nhang. Khởi động đóng một chiếc ghe, tàu:
cúng. Đóng xong: cúng. Thả xuống nước: cúng. Ra giữa khơi: cúng. Đánh được mé
cá đầu tiên: cúng. Đi chuyến đầu tiên về: cúng. Nước lên, nước ròng: cúng. Cưới
hỏi con cái: cúng. Sinh nở cháu con: cúng. Người chết: cúng...Vv... và ...vv.
Nhìn hình ảnh những người phụ nữ "hồn treo cột buồm", đứng trước biển
trông ngóng những người đàn ông nơi nghìn trùng khơi vào mùa biển động mà
không cần đến "tâm linh" mới lạ. Không cần thờ "ông
địa", hay ông "thần tài" như dân đô thị, mà cứ thờ biển, cùng
với thờ cúng ông bà, tổ tiên. Cho dù thi thoảng có "lấy" đi chàng
dân chài nào thì biển vẫn là "ân nhân", nuôi họ sống, chia sẻ họ buồn
vui. Ân nhân vĩ đại đó hiện thân qua "cá Ông"(cá heo, tức cá Voi).
Dẫu có là con cá heo cái vẫn cứ gọi là "Ông". Khi cá heo tấp vào bờ
để chết thì gọi là "Ông luỵ". Cả làng hôm ấy khỏi đi đánh cá. Dành
thời gian, tình cảm để lo cái chết của "Ông". Đi chôn
"Ông" tử tế. Có nghĩa địa riêng, trang trọng nhất dành để chôn
"các Ông". Bất cứ bờ biển nào, tồn tại làng chài nào, và nếu có lập
nên đền thờ nào lớn nhất, thiêng liêng nhất thì đó là đền thờ dành cho
"cá Ông". Mọi sinh hoạt của cộng đồng dân biển đều diễn ra ở đền thờ
"cá Ông". Đền thờ cá Ông(cá Voi), dày đặc miền duyên hải, suốt từ
Quảng Ninh vào đến Cà Mau. Gia đình nào có chuyện trọng, hay sự cố nào...
cũng đến đền thờ "Ông" mà cầu lạy, vì "Ông" mới thật sự
là người hết mình vì ngư dân, thường trực ở biển dã, xuất hiện trước
hết, "người hành hiệp", khi bão tố xảy ra, tàu chìm,
người trôi ....
Thế đấy, thứ lễ hội cổ xưa
và sống động nhất cho đến bây giờ ở dọc theo miền duyên hải vẫn cứ là "cầu
ngư". Đó là thứ lễ hội thiêng liêng, cho chuyện sống-chết, là từ nhu cầu
sinh tồn, nên đố mà... đưa lên sân khấu hay ra đường phố để làm du lịch. Ngay
đến chiếc thuyền, con tàu để đi biển, còn kẻ đôi mắt cá để soi sáng cuộc mưu
sinh và làm bình an lòng người ra khơi kia mà.
Dân biển quí phận người,
yêu biển, vắng tiếng sóng biển thấy cô đơn, nên sống thì bám sát bờ biển, thế
nào cũng không rời, nhưng người chết thì cứ tìm chỗ cao nhất, thật xa biển,
thật an toàn để gìn giữ xương cốt.
SỢI DÂY BỂ - NGÀN
Cơ thể đất nước cứ nghiên
mình về với biển, lạ thật. Vì thế sông nhiều chi mà nhiều, tha hồ, lớp lớp.
Những con sông thượng nguồn dồn nước cho đại dương. Sông là sợi dây kỳ diệu nối
rừng già sâu thẳm với đại dương mênh mông. "Giọt nước"(người trên
cao nguyên còn có cả tục làm lễ, cúng vái "giọt nước"/ bến nước_nơi
các các khe hoặc suối đoạn chảy qua chỗ họ thường hay lấy nước về dùng) đi
lang thang, bền bỉ ngày này qua ngày nọ cho đến khi đến biển, như hoà vào
chân không, vào vô tận. Có cửa biển nào ở dưới kia mà không liên hệ, nợ nần với
con sông thượng nguồn trên cao nguyên.
Biển nhớ rừng, nhớ kẻ
"tiếp máu", nước. Rừng nhớ biển, nhớ "giọt nước". Bờ biển
cứ vậy thi thoảng lại ngắt nhịp bởi những cửa sông. Vì vậy bờ biển quê hương
cứ chồng lên những bất ngờ, hấp dẫn, thú vị, đoạn trường. Bờ biển mà cũng có
giai điệu, số phận..._khác lắm bờ biển xứ người. Người bên này sông âm giọng
đã khác bên kia. Cửa sông là nơi mưu sinh, để giao lưu, để đi ra, đi về,
nhưng cũng là nơi kẻ xấu dòm ngó, thèm thuồng, tìm cách "đi vào". Bờ
biển lại là nơi đón nhận đầu tiên những thứ nguy hiểm khác, ngoài bão tố
thiên tai. Lịch sử đã chỉ ra những hải thuyền của người Hà Lan, Bồ Đào Nha,
Anh, Pháp, Mỹ, Ấn, Tàu, Nhật, Mã Lai... cứ nhắm bao bận các cửa sông miền
Trung của đất nước này mà xộc vào.
Nhưng dù có lùi xa bao
nhiêu vào lục địa thì miền cao nguyên cũng có sự liên kết sâu nặng với biển,
không chỉ cuộc tình của rừng với biển trong thiên nhiên. Những già làng cao
nguyên hay nhắc về "con đường muối" xa xưa của cha ông họ từ cao
nguyên xuống miền duyên hải Nam Trung Bộ, bởi không có muối, chất mặn, thì
con người, thực thể sinh học nhỏ bé mà rắc rối_ cũng không sống được... Biển
nợ nần với núi rừng như núi rừng nợ nần với biển. Đó là những chứng cứ hằn
trong những sử thi Tây Nguyên về nguồn gốc biển (những tộc người có hệ ngữ Nam
Đảo_Austronesian/Malayo Polynésien), nổi nhớ biển, của nhiều tộc người miền
Thượng ngày nay. Rồi hình ảnh chiếc K'Pan_tấm gỗ rộng và dài hàng
chục mét có công năng như chiếc thuyền lớn không thể vỡ được đẽo từ nguyên
thân cây gỗ để thả xuống đại dương, nổi trên mặt nước, và người(tổ tiên) ngồi
lên đấy vượt thoát vào buổi xưa khi biển dâng ngập dìm những lục địa trong
quá khứ_ vẫn đặt chỗ thiêng liêng nhất trên các căn nhà sàn Ê Đê,
Jrai... Rồi huyền sử truyền thuyết "Trăm trứng" của người Việt cũng
réo gọi về cái sự kết nối sâu nặng thiêng liêng biển -rừng_ và hình như hiếm
dân tộc nào trên trái đất có thế. Đâu đó trong dân gian miền Trung phổ biến về
cuộc tình giữa biển và đại ngàn rằng: "Ai về nhắn với thượng nguồn, mít
non gửi xuống cá chuồn gửi lên"... Tuy nhưng, chặt một cây rừng
nguyên sinh ở miền Thượng là rách đi ngay một mảnh duyên hải. Một xác người bị
lũ cuốn trôi ra cửa (Đà Rằng) Phú Yên, cửa sông Cái (Nha Trang)... thì sự nhói
đau ai bảo không vọng về nơi miền thượng.
Trước biển, đất liền thật
nhỏ bé, những làng ngư phủ thật bọt bèo.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét