Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Người về đường còn dài

Người về đường còn dài
Gã là người sau cùng về thọ tang cha. Không hiểu sao khi nhìn tên người gọi trong điện thoại là cô em gái, gã đã vội vàng mở máy chứ không như mọi khi. Có một thôi thúc gì đó khó lí giải. Duyên mếu máo trong hốt hoảng và khẩn thiết rằng anh ra ngay, ba sắp mất. Gã choáng váng. Đó là thứ cảm xúc tỉnh táo đến mụ mị. Ông nằm đó, thanh thản. Gã thụp người bên giường…
Duyên vừa khóc vừa kể, ba cứ nhắc anh hai. Nghe em nói anh đang trên đường ra vậy mà cứ một lát lại hỏi. Ở bệnh viện ba chỉ chỗ cho em lấy cuốn sổ trên giá sách ở nhà bảo đưa anh. Cuốn sổ đây nè, anh hai…
Gã vuốt tóc ông, áp bàn tay ấm nóng run run của mình lên gương mặt gầy vàng rồi nắm mãi đôi tay đặt trên bụng đã lạnh của ông. Gã tìm kiếm một sự thân thiết máu mủ ruột rà. Gã không khóc. Chỉ mơ hồ một cảm giác mất mát. Giờ thì ba mới thực trở về, đường về thật dài. Gã gục đầu xuống thành giường, đôi vai rung lên.
Người đàn ông gầy gầy, tóc chớm bạc, mặc bộ đồ may vụng thường thấy ở người ngoài Bắc vào những năm đầu sau bảy lăm bất ngờ xuất hiện trước cửa.
- Cho hỏi thăm, đây phải nhà bà Tâm.
Gã đáp hờ hững:
- Phải. Có gì không?
Vị khách tái mặt nhìn sững gã. Vừa lúc bà Tâm nhà sau bước ra. Bà run bắn người, lắp bắp không rõ lời gì đó về mấy chữ “còn sống”… “đã về”… Rồi bảo gã: “Ba con đó, Hoài.” Con Duyên, thằng Duy chạy ra. Bà nói tiếp, đơn giản, con em. Vài người quanh con phố nhỏ tò mò. Người đàn ông hỏi nghẹn, vào nhà được không, bà gật. Ông đốt hương bàn thờ cha mẹ, đứng thật lâu trước hai di ảnh. Có vẻ như ông đã nắm bắt được nhiều thông tin.
Sau bữa cơm tối, Duyên, Duy lên gác học bài. Gã chào hai người rồi vào phòng mình sau vách gỗ, ngã người lên phản cạnh tủ sách ôm cây guitar như một vật tình cờ.
Nghe có tiếng nức nở của bà Tâm: “Em có lỗi vì không trọn vẹn với anh…, thế chị và… mấy cháu?...” “Tôi vẫn một mình.” Im lặng. Tiếng rót nước. “Ba mấy nhỏ đâu?” Tiếng thút thít: “Chết hết rồi.” “Hai người khác nhau à?” “Dạ hai.” “Họ làm gì?” “Một là cảnh sát, một du kích.” Im lặng. “Có bị bức ép gì không?” “Không, là em tự nguyện. Năm đó thằng Hoài đã sáu tuổi, anh thì biền biệt chẳng biết sống chết ra sao, anh Tấn, à ba con Duyên lại nhà thường xuyên dù rất mất an ninh, nhà mình vùng ngày quốc gia đêm cộng…, à đêm cách mạng mà, và…” “Chồng em… nó nhằm phá gia đình có người tập kết chứ gì.” “Anh Tấn cũng nói vậy ngay từ đầu không giấu diếm, nhưng ảnh nói không phải ảnh đến với em là từ chủ trương khuyến khích đó.”
Gã nhớ người cảnh sát đẹp trai đàn hát thật hay thường lại nhà. Cả lúc má gã ngồi dưới bếp nấu cơm ông ta cũng xuống ngồi dưới bếp đàn hát cho bà nghe. Bà nội lúc đầu phản ứng ra mặt nhưng rồi người cảnh sát cứ đến nhà, nhất mực lễ phép. Má khóc từng đêm. Rồi bà nội cũng bỏ sang hàng xóm những lúc cảnh sát tới.

“Vậy còn người du kích?” “Anh Học bắn chết anh Tấn… Mấy năm sau ảnh đến với em và cũng kể chuyện bắn.” Im lặng kéo dài. “Ông Học chết thế nào?” “Ảnh tới chào bảo dẫn đội đi đánh vô quận. Thấy mặc bộ ga-bạc-đin em mới may cho, em hỏi sao đi đánh nhau mà ăn mặc đẹp, cười nói tỉnh bơ, lỡ chết bọn địch không khinh cộng sản khố rách áo ôm. Lúc đó em có bầu thằng Duy gần sanh. Rồi ảnh chết thiệt trận đó… Ảnh người xóm dưới, biết anh, nhỏ hơn em bốn tuổi.” Đồng hồ tường thong thả mười hai tiếng. “Má mất khi nào?” “Khi thằng Duy được bốn, năm tháng. Tầm thằng Hoài lúc anh đi. Má lần chần không chịu ra hầm, quả ca nông nổ sạt đầu hồi trên. Em ráng chạy vào ôm được má ra thì nhà cháy rần rần.”
Có tiếng hức lên, nấc nghẹn.
“Tụi nhỏ học hành ra sao?” “Thằng Hoài đang lỡ dở đại học khoa triết, con Duyên lớp bảy, thằng Duy lớp một.”
Gần sáng, bà Tâm bảo ông vào nằm với gã, bà lên gác. Gã bảo tới nhà bạn rồi xách xe đạp đi, cây đàn trên lưng.
Nửa buổi sáng về, gã thấy ông tần ngần rút từng quyển sách trên giá ra coi. Đó là những cuốn về triết học, mĩ học, văn chương các tác giả phương Tây: J.P. Sartre, A. Camus, M. Heideger, D. Diderot, P. Hegel, F. Nietzsche, H. Miller, I. Kant, E. Hemingway… Cả F. Dostoievski, B. Pasternak, L.Tolstoi… Rồi Phạm Công Thiện, Thích Nhất Hạnh, Bùi Giáng, Nguyễn Bắc Sơn… Sách tiếng Việt, tiếng Pháp. Bao bìa nhựa cứng, ngăn nắp.
- Con đọc chi những cuốn sách này. - Ông ôn tồn bảo.
Gã im lặng. Im lặng.
- Tháng sau ba chuyển về giảng dạy ở đại học Bách khoa Đà Nẵng, con sắp xếp ra học. Cái triết của Sài Gòn chẳng để làm gì. Ba sẽ lo mọi thủ tục, ngành nào con thích thì chọn.
Gã im lặng.
Chiều đó gã chở ông ra ga bằng chiếc Honda 67 mượn của người bạn.
Giáo sư Đặng Huân là trưởng khoa Kinh tế - Tài chính. Gã không chọn ngành học nào cả nên ông cho ghi tên gã về khoa mình. Cha con sống cùng trong căn phòng nhỏ khu tập thể giảng viên.
Gã nhanh chóng ớn chán.
Ngày gã xách túi có mấy bộ đồ với cây đàn ra, giáo sư đã tỏ vẻ không vừa ý. Gã để tóc dài, chỉ có độc quần jeans áo pull, mang giày. Hút thuốc thì bật quẹt zippo tanh tách, điệu nghệ. Giáo sư mấy ngày sau cầm về mấy mét vải phân phối bảo gã đi may. Cả đôi dép nhựa quai hậu. Gã vẫn để đấy.
Tối tối gã ôm đàn ra sân trường đàn hát. Bọn sinh viên tụ lại. Gã đắm mình vào thế giới riêng, chỉ ngưng khi hút thuốc, uống li rượu. Tiếng đàn gã nhẹ nhàng đằm sâu mà khơi vơi. Gã chỉ cần rải một vài hợp âm đã ngân lên thứ âm thanh đầy ma lực. Hai bàn tay gã như chỉ thoảng trên dây, như nâng niu một báu vật, như đó không phải cây đàn mà là chính mình, một phiên bản khác của mình, một góc riêng trú lánh của mình thật, một mơ tưởng hay một khám phá về một mình khác. Gã không đàn, gã nghe cây đàn tâm sự. Cây đàn không phát ra âm thanh mà chính hồn gã ngân lên, mê mải. Không phải nỗi niềm. Mà là sự thăng hoa của cô độc và tuyệt vọng. Còn tiếng hát gã nhập vào tiếng đàn trầm, mượt. Nhập vào để bay đi. Duy nhất chỉ có tiếng hát bay đi thoát xác. Bay đi đến chốn nơi tuyệt đích nào không định trước. Không tìm kiếm, không giải thoát. Bay đi. Phải bay đi, thế thôi. Bay đi như triệu triệu con bướm mê mải lấp loáng trôi trong những sáng nam non, bản năng và thinh lặng vang động.

Gã đàn và hát như thể đàn và hát đã ngàn vạn năm qua rồi vẫn đàn và hát đến ngàn vạn năm sau. Không có khái niệm không gian, thời gian với gã và cây đàn.
Không gian và thời gian cũng có lúc vỡ vụn khi ai đó đề nghị đàn cho hát một bài nhạc mới như mắc võng trên rừng Trường Sơn chẳng hạn. Gã lắc đầu chuyển cây đàn cho ai đó, chỉ lặng lẽ uống rượu, đốt thuốc: gã biến mất.
Gã chán. Những giờ học chính trị. Những sinh hoạt cộng đồng, đoàn thể. Từ ngạc nhiên ban đầu khi nhớ tới hoạt động hướng đạo trước kia mà gã từng tham gia nhiều năm đến chán ngán thê thảm. Gã chán luôn đến những giờ học chuyên môn đâu đó cũng gắn kết với một định hướng xã hội. Nhiều lần gã không lên lớp chỉ ngồi quán cóc suốt buổi. Rượu và thuốc lá. Và thấu cái xa lạ với chính mình.
Vài lần giáo sư nhẹ nhàng nhắc nhở, vài lần không nhẹ nhàng răn dạy lẽ đúng. Gã chỉ im lặng. Người cha vốn xa lạ càng xa lạ hơn. Có lúc ngồi quán một mình gã tự vấn về vấn đề huyết thống và chạnh buồn. Gã và cha đã là những con người khác. Vĩnh viễn khác.
Đêm đó theo lời mời của một giảng viên là tiến sĩ từ Tiệp Khắc về, gã cầm đàn sang chơi. Mấy tháng đủ để tài đàn hát những bản tình ca trước bảy lăm của gã nhiều thầy cô biết tiếng. Vậy là những Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Cung Tiến, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên… nối tiếp nhau tràn ngập căn phòng. Thỉnh thoảng có thêm một hai thầy cô sang chơi. Một hai sinh viên biết nhạc miền Nam từ xa nghe vọng, tìm tới. Ai gợi dòng nhạc nào gã chơi dòng ấy, không một lời chú giải. Một hai người về nghỉ. Chai Vodka Ba Lan chưa cạn, ai đã mang một chai rượu gì đó tới. Càng khuya không gian âm nhạc liều lĩnh, đầy thách thức ấy càng như ma nhập, không cả yêu cầu, gợi ý, hết bài nọ tới bài kia như dòng dung nham lặng lẽ tuôn trào, mê rợn. Năm chục bài, bảy chục, hay hơn một trăm, gã không biết, không ai biết. Đến tàn đêm.
Về, giáo sư vẫn chờ cửa, có vẻ suốt đêm ông ngồi chờ. Ông xáng cho gã một cái tát. Mạnh đến mức gã liểng xiểng.
Gã rỗng không đến mấy ngày. Tuyệt đối rỗng.
Buổi sáng ấy khi giáo sư đã lên lớp, gã gói ghém vài bộ đồ. Và viết để lại cho ông mấy chữ.
Hôm qua nó tình cờ thấy má với bà nội nói gì với nhau mà ai cũng khóc. Đêm, má cứ ôm nó vào lòng, trăn trở mãi. Đã lâu, má mới nằm ngủ chung với nó.
Nghe hàng xóm nói có người thấy mẹ sớm đó đi về phía quốc lộ, cái linh cảm mất mẹ đêm hôm khiến nó không kịp chào nội, vừa đi vừa chạy theo. Một lần đã được mẹ dẫn đi chợ, nó nghĩ tự mình có thể. Sáu tuổi đầu và đường xa hơn chục cây số. Đứa bé rồi cũng tới đường. Cũng tới bến xe. Nó leo lên từng chiếc xe đò ngơ ngác tìm. Không có. Nó quanh quẩn ở bến xe khi chiếc cuối cùng rời đi mới lủi thủi quay về.
Nó chưa biết mặt cha nên khái niệm gia đình trong nó chỉ gom lại má và bà nội, với ngôi nhà lá mái, hơi tối với hàng cột, những vách gỗ chạm khắc, các diềm gỗ cầu kì xoi tiện trước dãy bàn thờ mà nếu không phải ngày cúng giỗ mở toang các cửa, nó không bao giờ dám lên nhà trên. Tuổi thơ nó là khu vườn rộng tít tắp đến bờ sông trồng dừa, mùa chim dồng dộc mấy ông cậu thường bắt tổ thả xuống cho nó xỏ chân vào làm giày, tha hồ giẫm lên mấy bụi gai mắc cỡ.
Má nó đã có bầu và bỏ đi. Nghe nói vô Quy Nhơn tá túc nhà ngoại. Cái lằng lặng của ngôi nhà cổ không có đàn ông dù quen thuộc cũng không làm sự hụt hẫng mất mẹ ít hơn. Vài lần ngó rừng dừa, ngó nội quạnh hiu, nó chảy nước mắt. Nó thường một mình và mỗi ngày chỉ nói vài câu gì đó thật cần.
Rừng dừa cũng đổ gục dần. Cuộc chiến đã bắt đầu. Con đường chuyển quân qua bên kia sông, những cuộc tập kết đơn vị trước hoặc sau một trận đánh, rừng dừa có ngày gục ngã năm, bảy cây. Tuổi thơ nó dần tan hoang.
Khi chiến tranh bắt đầu lan rộng, má nó bỗng trở về với em Duyên. Bà nội đã nhờ người vào bảo má về, mẹ con bà cháu có nhau. Rồi đào hầm tránh bom đạn. Xóm này nhà nào cũng đã đào hầm. Chỉ cần nghe trên đồi Mười hoặc dốc chợ Bộng có tiếng đề-pa là ai cũng vội ra hầm. Nó đã biết bồng em những lúc ấy cho má, bà bưng bê thứ đang làm xuống hầm làm tiếp. Hầm cũng là nhà.

Rồi má có em Duy. Gia đình đông người hơn, bận rộn hơn nhưng rừng dừa giờ chỉ còn mươi cây mảnh bom đạn loang lổ trên thân, tán lá xơ xác. Những cây cụt ngọn trơ khấc lên trời một tín hiệu phi lí. Chôn cất bà nội và sau mấy tuần tang, mẹ con nó đùm túm nhau rời làng vô Quy Nhơn. Nó, hơn mười tuổi, ngoái nhìn một lần ngôi nhà chỉ còn đống tro và rừng dừa tan hoang, biết rằng đã mất quê hương.
Gã thi đỗ đệ thất vào trường trung học Cường Đễ danh giá, tham gia hoạt động hướng đạo và bắt đầu chơi đàn. Có thể nói cây guitar chờ gã từ lâu như chờ một người tình. Đàn và gã thấu hiểu nhau và nhanh chóng chiếm trọn nhau. Gã miệt mài tập chơi những bản nhạc khó đến khi không sai một nốt nào và sau đó thì quên hẳn. Những lần chơi sau, các hòa âm cứ tự tìm đến với tâm trạng gã, với cảnh và người chung quanh, mỗi lần chơi mỗi khác. Gã là một guitarist đúng nghĩa.
Gã nhập giới đàn ca tài tử, giới hướng đạo và lang bạt kì hồ mùa hè. Những đêm không ngủ, những cuộc rượu, những quán bar.
Và gã yêu, năm mười sáu. Cô ca sĩ lớn hơn gã bảy, tám tuổi đang là một hiện tượng cùng chồng, một nhạc sĩ tài hoa thành cặp song ca đình đám nhất thời này. Ca sĩ Lê Uyên đẹp hút hồn với chất giọng thổ khơi vơi vào quên lãng. Cô và chồng cô cũng yêu mến gã. Chồng cô yêu một bạn trẻ có tài. Cô yêu một bạn trẻ mê mình - ánh mắt và sự lúng túng của gã đã tiết lộ điều đó.
Không có li kì nào trong cuộc yêu đầu đời của gã nhưng mãi về sau này dường như gã không thể có cuộc tình đúng nghĩa với thật nhiều phụ nữ khác.
Gã chơi thuốc cùng đám bạn con tướng tá Sài Gòn. Chơi cho biết. Thường là bạch phiến, muốn bay hơn thì có hồng phiến. Và gái. Không thiếu gái Thái, gái Phi ở mấy tụ điểm vui chơi giải trí đặc biệt. Thời này, miền Nam Việt Nam là thiên đường kiếm tiền của gái điếm khu vực. Rượu vang đầy những bồn lớn như bồn tắm, trên thành bồn là xô đá, nhiều lát chanh và muối. Thích rượu nặng thì trên bàn có Johnnie Walker, Black & White… Các em phì phèo Salem, Kool, nhai kẹo cao su. Hát, nhảy, và cần gái nào thì đưa vào dãy phòng bên cạnh. Xong ra uống, hát, nhảy, thích thì đưa các em vào tiếp. Chỉ ngày chủ nhật mới có thiên đường thác loạn vậy, những ngày khác bán đồ ăn uống, cà phê. Không phải ai cũng vào được vòng trong - tụi bạn con tướng hoặc con tỉnh trưởng mới đưa được gã vào.
Thời này, có lần tổ chức nội thành gặp gã bảo đưa lên núi, ra Bắc học hành. Gã từ chối. Gã thấy cuộc sống đang sống đáng sống. 
Những ngày đầu giải phóng gã cũng vui. Sẽ không còn ai phải chết trận nữa. Gã con nhà tập kết nên được phường mời lên tham gia các hoạt động thanh niên. Năng lực tổ chức hướng đạo của gã rất đắc dụng, nhưng chuyện đàn cho sinh hoạt văn nghệ thì gã từ chối. Gã không quen với dòng nhạc hừng hực chiến đấu.
Rồi gã nhanh chóng thấy ớn. Rất nhiều thanh niên tự kiếm đâu ra cái xà-cột, mũ cối, dép râu, hàng ngày tới phường nói với vị quân quản, có việc gì phân công tụi em làm. Lăng xăng gột rửa tàn dư Mĩ - ngụy. Đóm điếu các kiểu. Gã thấy bọn này thật tởm. Và không tham gia bất kì việc phường nào nữa. Gã ôm cây đàn chơi với bạn. Và xì ke lai rai, rượu thuốc.
Ngày giáo sư về trong gã có tâm trạng buồn vui lẫn lộn, buồn là chính. Gã vốn không có cha, giờ có cũng vui chút. Nhưng cách ông nói về sách, về sự học làm gã thất vọng. Đi ra trường đại học của giáo sư gã đã cố. Nhưng rồi không thể. Gã thấy lạc loài trong mắt cha, lạc loài với thời cuộc. Gã là quá khứ, một quá khứ nhiễm vào máu thịt không thể gột rửa. Và gã cũng không hề muốn gột rửa.
Bỏ trường về, gã điếng người khi toàn bộ sách gã bị phường cho người tới nhà thu sạch đem đốt. Chiến dịch tiêu hủy “văn hóa phẩm đồi trụy” này giáng cho gã một đòn chí mạng. Gã lao vào xì ke không có điểm dừng. Mối bán bí mật gã biết từ trước bảy lăm, giờ đắc dụng. Khi quân đội tháo chạy, tay thượng sĩ già quân y đã gom hết mấy thứ thuốc hiếm quý về nhà. Gã mua rồi bán lấy lời đủ chơi xài ung dung.

Phường lại mời gã lên, công an nhờ gã chơi với tụi bạn trước bảy lăm, chỉ điểm thằng nào hàng năm đưa đi cải tạo. Gã ô kê làm đặc tình để được công an bảo kê. Thời này có chuyện khoán tù: mỗi năm từng phường sẽ đưa vào trại mười mấy hai chục thằng, chả có tội gì cụ thể, cứ đàn đúm, chơi lêu lổng cũng hốt. Chỉ cần điền tên vào tờ lệnh tập trung cải tạo không thời hạn những phần tử nguy hại cho xã hội là xong, không biết ngày nào ra trại. Gã ừ hữ rồi báo mông lung, chẳng hốt được ai.
Gã chơi thí mạng. Có lúc gã làm liều đúp cho chết. Hai lần má gã hoảng hồn thấy gã bất tỉnh, miệng sùi bọt mép, tim như ngưng đập, khóc kể chở vô bệnh viện. Rồi gã sống. Chơi tiếp. Ven tay ven chân gã nổi nhiều cục mãi không tan. Đến ba năm sau tới phần gã bị đưa đi cải tạo. Gã không bị oan như các tốp trước. Tội chích choác và mua bán rành rành.
Ở trại cũng có hàng chuyển vào nhưng gã không chơi nữa. Gã đã định chết, không chết thì sống vậy.
Một lần, gã có người thăm nuôi. Cán bộ đưa tên người đăng kí hỏi gã liên quan gì với ông giáo sư, gã nói không liên quan và từ chối ra gặp. Mấy món quà cán bộ mang vào, gã để cho mọi người cùng phòng xài.
Thực ra gã cũng thấy người cha tốt với gia đình. Tiền lương của ông luôn được dành dụm gửi về phụ giúp má nuôi mấy đứa nhỏ. Nhưng đó là chuyện khác.
Gã đã dành thời gian gần một năm để làm cây đàn. Một cánh cửa sổ hư là có gỗ. Hông thùng đàn dùng câu liêm nạo dần rồi hơ lửa, bên trên để mùn cưa tẩm nước, cứ uốn dần. Đóng vào hai mặt bằng đinh chỉ xin trại mộc. Dây đàn dùng ruột dây điện thoại xin ngoài tù tự giác. Ba dây bốn năm sáu quấn bằng dây đồng trong tăng-phô hư các cỡ, phím đàn dùng kẽm lớn đập dẹp… Quái là cây đàn tự chế của gã nghe còn hay hơn đàn chợ bấy giờ. Cây đàn đã giúp gã tồn tại gần bốn năm ở trại tù.
Ngày về gã được quyền chọn nơi cư trú như quy định của trại. Có thể chọn bất kì đâu nếu không muốn về Quy Nhơn. Gã đã chọn về lại nơi mình từng sống. Không phải nôm na làm lại cuộc đời. Cuộc đời gã có gì phải làm lại, đơn giản vì gã muốn sống, cần sống như một bản lĩnh, như một chung thủy với cây đàn, như một đứa con, người anh của gia đình mình. Một gia đình từng chắp vá những mẩu vất vưởng bên lề cuộc sống.
Giáo sư hàng năm có về, ngày giỗ cha mẹ. Ông không lập bàn thờ riêng nơi mình sống. Ông biết hơn hai mươi năm biền biệt, cha mẹ mình đã được phụng thờ ở đây, trong ngôi nhà cũ và nhà này. Ông vẫn chăm lo mọi thứ không chỉ chuyện tiền bạc. Lí lịch con Duyên quá khó, ông đã ra phường bảo lãnh. Thi tốt nghiệp xong, ông hướng nó thi vào trường ông dạy. Nó học giỏi nên thi đỗ. Nó sống cùng ông ở kí túc xá giờ đã xây dựng khang trang, hàng ngày tranh thủ đi chợ nấu nướng. Duyên ra trường, ông xin việc ở Đà Nẵng, rồi lo chuyện chồng con cho nó. Mấy năm sau vợ chồng nó mua được nhà. Thằng Duy học ở Quy Nhơn, ra trường ông xin về thử việc ở Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Quảng Nam. Các mối quan hệ của ông khá tốt vì nhiều cán bộ cấp tỉnh là học trò ông.
Còn gã ở với má. Những lần về ông và gã vẫn nhẹ nhàng cha con nhưng ông không bao giờ nhắc nhở chuyện sống thế nào. Có thể ông đã nghĩ lại rằng, những điều ông khuyên bảo gã ngày gặp lại là không đúng, hoặc có thể đơn giản ông cho rằng gã là một thế giới ông không thể hiểu, không thể tiếp cận.

Một lần cả nhà sum vầy ngày giỗ vui vẻ sau khi gã ra tù, ông hỏi sao ngày đó con không đi với đường dây ra Bắc, gã chỉ nói đơn giản rằng hài lòng cuộc sống đang có. Ông gật gù không nói gì. Cũng không đả động chuyện gã bỏ trường về nhà, chuyện gã không gặp ông ở trại tù.
Ngày má mất, ông cùng mấy đứa về, chuyện hậu sự xong, lúc gã tiễn ông ra xe, ông ngần ngừ rồi bảo, con cưới vợ đi, sống một mình sao được. Ba đã một mình mấy chục năm ba biết, khổ lắm. Giờ ngoài kia ba có vợ chồng con Duyên, mấy cháu. Rồi thằng Duy nay mai cũng ổn định. Con lúc nào cưới thì báo tin cho ba về nhé.
Ông ôm gã, nghẹn lời, ba biết ba đã sai, cả chục năm sau, quan sát mọi thứ, ba biết ba nghĩ về con, cư xử với con năm đầu gặp con là sai.
Và điều này làm gã bất ngờ, ông bảo bên cạnh mộ mẹ con trong nghĩa địa thành phố còn khoảng đất, ba muốn mua mai sau sẽ về nằm cạnh mẹ con. Ý con sao?
Gã chỉ dà dạ. Nhưng khi ông đi rồi, gã đã liên hệ mua khoảnh đất ấy rồi cho xây sẵn cái kim tỉnh.
 *
*    *
Gã bàn với mấy đứa em tổ chức hỏa táng cha. Ôm cái bình đựng dúm tro cùng vợ chồng con cái Duyên, Duy về an táng bên cạnh mộ mẹ. Mấy ngày xây mộ, mấy đứa em đứa cháu cùng ở trong ngôi nhà gia đình. Đêm nào gã cũng gầy cuộc rượu đến khuya, gã cứ muốn ngồi mãi với những người thân còn lại. Thật lạ lùng, cảm giác đoàn tụ, cảm giác gia đình đúng nghĩa giờ mới thực sự có trong gã. Uống bao nhiêu gã cũng không say. Chỉ lòng mềm nhũn. Và khi mấy đứa em đã đi nghỉ, khóe mắt gã ri rỉ thứ nước đặc sánh. Nó không như nước mắt.
Duyên bảo: Anh hai, mãn tang ba anh cưới vợ đi. Anh sống một mình vầy, tụi em thì ở xa…
Thằng Duy, Tiến chồng Duyên cũng góp lời. Gã chỉ ậm ừ. Rồi chỉ bừa vào dãy đàn quý gã mua được mấy năm qua từ Yamaha, đến Aria, Matsuoka…
Duyên khóc, anh hai biết không, ba cứ nói điều đó với tụi em hoài, bảo thương anh và chưa thể yên tâm khi anh cứ sống một mình. Hồi má còn sống lần nào em về má cũng cứ bảo tụi em thúc anh. Bao nhiêu người thương anh sờ sờ ra đó, anh chọn ai tụi em cũng ủng hộ hết.
Gã không kể chuyện giáo sư nói với gã chuyện ấy. Đời gã có nhiều đàn bà. Trong nước, ngoài nước. Ai mỏi thì cứ lấy chồng. Gã không có ý trói buộc ai cùng mình. Gia đình, với gã đã tan hoang từ lâu, từ tít xa tuổi thơ trong khói lửa, từ buổi sáng chạy đi tìm mẹ.
Một tối khi mấy đứa em đã đi ngủ, gã giở cuốn sổ giáo sư để lại. Ông vẫn giữ tờ giấy gã viết vỏn vẹn mấy chữ: Con về. Mong ba hài lòng với lựa chọn của mình. Con sẽ tự lo phần đời con. Ba giữ gìn sức khỏe.
Trong sổ giáo sư không viết gì nhiều. Ông không ghi ngày tháng nhưng dễ nhận ra những mẩu rời được viết nhiều thời gian khác nhau. Không một dòng trách cứ vợ. Với gã cũng vậy. Rất tiếc là ba đã không chăm sóc được con hai mươi năm qua. Bây giờ cũng vậy/…/ Dù ba muốn khác nhưng ba tôn trọng lựa chọn của con/…/ Sao đến nông nỗi này Hoài ơi?/.../ Mừng con đã đi qua những ngày gian nan nhất của mình/ Ba già thật rồi, mỏi mệt thật rồi/…/ Lúc nào con cũng canh cánh trong lòng ba. Sao mãi con không lập gia đình?...
Gia đình ư? Cưới vợ là lập gia đình? Có cần không cái gia đình ấy? Và cũng đơn giản biết bao nếu cần một bề ngoài gia đình yêu thương, chăm sóc nhau? Gã không chắc lắm. Nhưng lòng gã đang dần ấm áp khi tiếp nhận những lo lắng của người thân dành cho mình.
Gia đình, ừ, giờ đang hình thành trong lòng gã. Đang dần có trong hồn gã. Người cha đã về. Về thật sau chuyến đi dài. Của ông. Của gã. Gã đốt tiếp cây hương và nhìn thật lâu di ảnh trên bàn thờ.
Và thật bất ngờ, gã khóc nức lên. Lần đầu đời gã được khóc. Gã lập cập cầm cây đàn trong ràn rụa nước mắt. 
Trại sáng tác Đà Lạt, tháng 3/2016
LÊ HOÀI LƯƠNG
Theo http://vannghequandoi.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...