“Thời gian trốn ở đâu?”, câu hỏi hồn nhiên của
một bé thơ đặt ra cho ông ngoại, đụng chạm đến nỗi ám ảnh “đi tìm thời gian đã
mất” của cả một đời người.
Câu trả lời đầy hình ảnh của ông ngoại (Thời
gian sớm đó rồi khuya/ Từ tao nôi đến mộ bia đời người/ Thời gian: chiếc lá đấy
thôi/ Từ xanh thắm đến vàng phơi lối về…) gợi ý cho cháu rút ra một “đáp án”: Thời
gian trốn giữa bốn bề không gian.
“Đáp án” nẩy sinh tự phát đó nói lên một định
luật sâu xa: thời gian tựa hồ hòa nhập vào không gian và chảy theo chiều kích của
không gian; ngược lại không gian cũng mang nhịp điệu và tiết tấu của thời gian.
Đâu phải ngẫu nhiên mà M. Bakhtin, một học giả nổi tiếng người Nga, đã đề xuất
thuật ngữ không-thời gian (khronotop) như một cách bện chặt không thể tách rời
hai phạm trù này.
Nhưng Thời gian trốn ở đâu? của
Nguyễn Thái Dương không phải là tập thơ triết lý. Câu hỏi truy tìm thời gian ở
đây được liên hệ trong một phối cảnh rất “đời thường”: nỗi buồn tuổi tác của
ông ngoại được hóa giải trong một kết hợp hai chiều: dõi theo Kiwi và Bòn Bon từng
ngày lớn lên, đầy tháng, thôi nôi, vào mẫu giáo rồi lên lớp Một; đồng thời, làm
thơ cho hai cháu, ông như quay lại nhìn tuổi thơ của mình. “Những lần ít ỏi gần
gụi nhau, nụ cười ấy, ánh mắt kia, cử chỉ nọ… của Kiwi và Bòn Bon cứ gieo mầm rồi
đâm chồi nẩy lá trong nỗi nhớ thương của ông”: nhớ thương hai cháu, ông làm
thơ; và làm thơ cũng là cách ông nhớ thương tuổi thơ của mình.
Mới ngày nào, ông cũng hồn nhiên đặt những
câu hỏi vì sao như hai cháu. Mới ngày nào ông cũng vừa nôn nao vừa sợ
sệt nắm tay bà cố đến trường. Mới ngày nào ông hồi hộp chờ mong tiếng khóc chào
đời của con. Mới ngày nào ông nghẹn lời vì hạnh phúc tiễn con gái về nhà chồng…
Hành trình đã qua của ông cũng sẽ là hành trình tương lai của cháu. Tập thơ này
lưu giữ cho hai cháu mà cũng là lưu giữ cho ông ngoại những niềm vui do tuổi
thơ ban tặng.
Bìa tập thơ Thời gian trốn ở đâu? của Nguyễn
Thái Dương
Nhà văn Tô Hoài có lần bảo rằng viết cho tuổi
thơ phải cố gắng đạt ít nhất hai điều: nghịch và đẹp. Tập thơ này đáp ứng hai
yêu cầu đó. Tuổi thơ mà không nghịch thì đâu là tuổi thơ. Viết cho tuổi thơ mà
nghiêm nghị thì sẽ mất vui, như viết cho “ông cụ non”. Phải có cái nhìn tinh
nghịch mới thấy niềm vui ngày “hoàng thượng đi khai trường”: Người đâu,
chuẩn bị… cơm sườn/ Trẫm xơi rồi trẫm tới trường Mầm Non. Ông “học tập” cháu
cái nhìn tinh nghịch đó khi cháu đọc truyện tranh, khi trái banh của Misa và Thỏ
Trắng méo xệch, khi sách bút lêu lêu cô chủ còn mê nghỉ Tết…
Và cái nghịch không tách rời cái đẹp. Vẻ đẹp
của những giọt sương (Sương từng giọt một long lanh/ Giọt tranh cành lộc, giọt
giành nhụy mai). Vẻ đẹp của tấm áo bà ngoại cắt may cho cháu (Nâng niu cất giữ
từ hồi/Kìa vuông vải nhỏ thơm hơi tháng ngày). Vẻ đẹp của dáng đi và tiếng rao
của một bà mẹ nghèo (Mẹ giọng khản vai trầy/ Từ tiếng rao, đôi gióng/ Dù hẻm gầy
nắng bỏng/ Dù đường lầy buốt mưa).
Cái đẹp, dưới mắt nhìn tuổi thơ, đôi khi vẫn
buồn. Nỗi buồn nhẹ nhàng khi Kiwi chia tay thỏ trắng, gấu bông… một thuở Mầm
Non để lên lớp Một, còn Bòn Bon thì ở lại. Nỗi buồn pha chút xót xa khi thấu hiểu
người bạn cùng lứa tuổi trên sân ga: Con tàu chuẩn bị rời ga/ Vé số em cầm
chân mỏi/ Lời rao khản giọng chờ mua/ Kiếm chút tiền cơm đắp đổi…
Nguyễn Thái Dương cả đời viết văn, làm báo
cho tuổi thơ, tuổi trẻ. Thơ ông luôn giữ được nét trong sáng, nhân hậu và ân
tình. Đó là suối nguồn sẽ còn tiếp tục chảy trong thơ ông, tưới mát những dòng
chữ và tưới mát tâm hồn người đọc.
Huỳnh Như Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét