Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

Người ước mơ mang tết ngày xưa trở lại

Người ước mơ mang tết ngày xưa trở lại
Vốn công tác trong ngành mỹ thuật, anh Nguyễn Đức Bình có điều kiện được tiếp cận với nhiều mái đình cổ và những nét văn hóa đậm chất truyền thống nhưng đang bị mai một. Anh luôn ấp ủ khát khao để giới trẻ ngày nay biết nhiều hơn về những vẻ đẹp xưa. Và những việc anh đang làm có thể được ví như một người “thắp lửa” để góp phần “gọi” văn hóa truyền thống trở về.
Mong ước nghệ thuật “hát cửa đình” sống dậy mạnh mẽ
Một sự kiện đang được khá nhiều người quan tâm đến đó là chương trình mang tên Tết Việt. Chương trình này sẽ được diễn ra ngày 30.1, (tức ngày 21.12 âm lịch) tại đình So ở xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Điều đáng nói là sự kiện này lại do một nhóm mạng xã hội tổ chức. Nhóm này có tên là Đình làng Việt do anh Nguyễn Đức Bình sáng lập và làm trưởng nhóm.
Anh Nguyễn Đức Bình cho biết, tại sự kiện Tết Việt ở đình làng So, có nhiều hoạt động như thi gói bánh chưng; thi bày đồ lễ; viết thư pháp; nói chuyện về Tết Nguyên đán; hát chèo, chầu văn, ca trù, quan họ; vinh danh các bậc cao niên có công gìn giữ những mái đình thuần Việt… Lý do sự kiện được tổ chức tại đình làng So là bởi các đình làng xưa kia vốn là nơi sinh hoạt cộng đồng và các hoạt động văn hóa chung của làng thường diễn ra rất sôi nổi tại đây. Đến nay, những điều này còn rất ít địa phương còn lưu giữ được. Đình So cũng là một ngôi đình có kiến trúc cổ kính còn khá nguyên vẹn, cả về không gian.
Một ngôi đình còn giữ được nhiều nét cổ xưa
Tại Tết Việt ở làng So, Ban Tổ chức sự kiện sẽ mời các cụ cao niên trong làng và các địa phương lân cận tới nói chuyện về Tết xưa với những tục lệ mà gần như chỉ còn lại trong thơ ca hay sách vở như tục trồng cây nêu ngày tết, tục tết cha, tết mẹ…hay những thói quen đẹp ngày đầu năm mới ra sao.
Một nội dung khác có tính chất là điểm nhấn của sự kiện Tết Việt chính là nghệ thuật hát cửa đình. Ban Tổ chức cho biết, đây là hoạt động cuối cùng của Tết Việt. Dự kiến khoảng 18h00 chương trình hát cửa đình sẽ được bắt đầu. Tại đây, những câu hỏi về nghệ thuật độc đáo này sẽ được các nhà nghiên cứu văn hóa cùng các bậc cao niên đàm đạo.
Điểm đặc sắc của chương trình Tết Việt ở làng So là toàn bộ các tiết mục sẽ hoàn toàn không gắn liền với “sân khấu hóa”. Nó được diễn ra tự nhiên như một buổi sinh hoạt đời thường được tái hiện lại. Và kinh phí của sự kiện này hoàn toàn do thành viên của nhóm Đình làng Việt tự chung sức.
Anh Nguyễn Đức Bình cho biết, thông qua sự kiện này anh và những thành viên trong nhóm Đình làng Việt mong muốn được sẻ chia, được cùng những người tham dự sẽ có cơ hội trở lại với không gian tết ngày xưa với những hoạt động truyền thống. Và nhóm đặc biệt chú ý đến nghệ thuật hát cửa đình bởi đây là một nghệ thuật rất đặc sắc thường được diễn xướng vào những dịp lễ tết ngày xưa tại các ngôi đình làng nhưng giờ gần như không còn nữa. 
Một buổi sinh hoạt của nhóm Đình làng Việt
Khát vọng gìn giữ không gian đình làng Việt Nam
Anh Nguyễn Đức Bình cho biết, sự kiện Tết Việt chỉ là một hoạt động trong chuỗi những hoạt động mà nhóm Đình làng Việt thường tổ chức. Hàng tháng, nhóm thường xuyên có những buổi sinh hoạt đi tham quan những kiến trúc đình làng ở khắp các nơi. Tại đây, ngoài việc quan sát nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc cổ, các thành viên còn cùng gặp gỡ, giao lưu và tìm hiểu về văn hóa truyền thống của địa phương gắn liền với ngôi đình. Những buổi sinh hoạt này, các thành viên tham dự cũng tự lo kinh phí.
Theo anh Bình, đình làng vốn là kiến trúc cổ khá điển hình có mặt ở hầu khắp các làng quê khu vực đồng bằng Bắc bộ. Đình làng vừa là nơi để cộng đồng dân cư làng thờ thần hoàng làng, vừa là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa của làng và cũng là nơi giao lưu tình cảm giữa các thành viên trong làng… Có thể coi đình làng là trung tâm văn hóa, hành chính của một đơn vị “làng”. Tuy nhiên, hiện nay, đình làng đang có dấu hiệu dần bị mai một, nhiều nơi đình làng bị pha tạp các yếu tố văn hóa ngoại lai khiến không gian văn hóa của đình bị phá vỡ hoặc bị xâm hại nghiêm trọng; một số nơi còn bị phá dỡ, xây dựng lại…một cách không thương tiếc.
Anh Nguyễn Đức Bình trưởng nhóm Đình làng Việt
Nhóm Đình làng Việt đã khảo sát được hơn 100 ngôi đình và đã phát hiện ra nhiều vấn đề chưa phù hợp với văn hóa truyền thống. Nhóm cũng đã góp tiếng nói của mình với các cơ quan chức năng và có nhiều ý kiến đã được tiếp thu tích cực.
Tuy nhiên, anh Bình cũng cho biết còn có những câu chuyện không vui. Cách đây không lâu, nhóm Đình làng Việt xuống khảo sát tham quan một ngôi đình khá cổ kính ở Bắc Giang. Tại đây, có một bức tường đất cổ được phủ rêu phong khá giống một ngôi chùa nổi tiếng khác. Bức tường không chỉ góp phần vào tôn thêm giá trị cho không gian cổ kính của ngôi đình mà còn ẩn chứa những giá trị về thời gian, kiến trúc. Nhóm đã có ý kiến với cán bộ xã về bức tường và dặn dò đó là một bức tường quý giá cần được bảo tồn nguyên vẹn. Tuy nhiên, đáng tiếc là chỉ vài tháng sau, các thành viên của nhóm quay lại đây thì phần tường đất đã bị phá tan và thay vào đó là một bức tường xây mới tinh bằng gạch.
Đó chỉ là một ví dụ đáng buồn, còn nhiều đình làng khác vẫn có nguy cơ bị xâm hại một cách vô tình hoặc cố tình. Theo anh Bình, hiện số lượng đình làng Việt còn khá nhiều, anh dự tính cũng khoảng trên 300 ngôi. Tuy nhiên, con số này nếu không gìn giữ, bảo quản thì có thể sẽ không còn vẹn nguyên. Bản thân anh Bình và nhóm Đình làng Việt luôn mong muốn được nghiên cứu, tìm hiểu và góp một phần sức lực nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ những nét đẹp văn hóa cổ truyền gắn liền với đình làng Việt Nam. Chúc cho những mong muốn của họ sẽ luôn được “thắp sáng” và được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng.
Hoàng Phương
Nguồn: Đại biểu nhân dân 
Theo http://vannghequandoi.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly 30 Tháng Mười Hai, 2022 Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vầ...