Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Hương lửa - Ngọn lửa thơ cháy mãi

Hương lửa - Ngọn lửa thơ cháy mãi
Ngay trong Lời thưa trước mở đầu tập thơ, nhà thơ Thanh Giang đã tự đặt ra một câu hỏi: Vậy nguồn cơn nào trình làng tập Hương lửa*?
Và cũng chính nhà thơ đã trả lời: Bao nhiêu năm cầm bút, từng trải nghiệm khắp các chiến trường gian khổ khốc liệt, qua ngày tháng hòa bình, tôi đã viết rất nhiều thơ. Thơ viết về mẹ, về đồng đội, về Bác Hồ, về anh hùng liệt sĩ và những vùng đất đầy chiến tích oai hùng. Năm tháng thời gian qua đi, không đành bỏ lụi tàn, tôi chọn lọc, gia công, viết mới để hình thành và ra đời tập Hương lửa. 
Trải dài thời gian, không gian, Hương lửa được chia làm bảy phần: Tết trồng cây; Lòng mẹ; Anh hùng ca; Tình làng; Hương khói; Sài Gòn vẫy gọi; Lửa hương; đã cho thấy ý thức sâu sắc của Thanh Giang. Thanh Giang làm thơ từ rất sớm khi cùng với Võ Trần Nhã, Nguyễn Thi và các bạn bè văn nghệ miền Nam làm tờ Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng. Nhiều bài thơ của ông khi ấy đã có tiếng vang như: Người con gái Rạch Gầm; Mùa hoa Lê ki ma; Trong lòng mẹ-lòng sông; Gặp em trên đường chiến dịch; Âm vang Hàm Luông; Bài ca dép râu…
Đọc Hương lửa, ta thấy một Thanh Giang bền bỉ, trung trinh, nhất quán với chính mình, với thơ ca. Thơ Thanh Giang là giọng thơ tâm tình, thủ thỉ; một tiếng nói khẽ khàng nhưng rất trực của người Nam Bộ. Ông quê Mỏ Cày- Bến Tre, một vùng đất cách mạng lừng danh những chiến công mà nghĩa tình thơm thảo lắm. Ơi em đi! Tóc ngào ngạt hương tràm/ Chân vững vàng rể đước/ khăn răn gió lước/ Bông tràm mây trắng bay. (Hương tràm – Tưởng niệm nữanh hùng liệt sĩ Hồ Thị Kỷ). Tưởng anh huy sinh/ mà anh không chết/ Bởi vì anh dám chết/ Cho một lẽ thường tình/Giải phóng quê hương. (Mở đường đột phá – Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Huỳnh Văn Tạo). Con năm đứa xóm làng đùm bọc/ Mẹ đi đánh đồn đứa lớn giữ em/ Ôi sức mạnh gì trong con người mảnh khảnh/ Sá chi bụng bầu. “Còn cái lai quần cũng đánh” (Một cuộc ra binh- Tặng Anh hùng Nguyễn Thị Út).
Hương lửa dày âm điệu chiến tranh nhưng là những mảng sáng sinh sôi, tươi xanh sau trận đánh. Cái lạc quan luôn hằn rõ ngay ở cả những câu thơ đầy sắt thép: Sắt thép đánh ta vụt ào lên đánh trả/ Từng thân cây ngã xuống ngẩng đầu lên. Thật cảm động đến ngỡ ngàng trong chiến tranh ngay cả ở cái mùng cưới người thương đêm đêm: Đồn bên súng nổ/ Em ngồi mộng mơ may mùng cưới thành hôn/ Tuần trăng mật môi hôn còn bỡ ngỡ? Mùng cưới anh giăng nỗi nhớ hành quân… để rồi bật ra lẽ tự nhiên mà rơm rớm: Mùa xuân sau nắng reo chồi biếc/Anh mừng rơn thư em báo tin vui/ Cái mùng cưới qua đạn bom chiến dịch/ Làm bầu trời riêng con bộ đội chào đời. (Cái mùng cưới).
Hương lửa luôn đượm cháy tình đồng đội. Đồng đội trong thơ Thanh Giang luôn trọng nghĩa tình, biết giữ gìn phẩm giá ở những nơi sống chết cận kề nhau. Đồng đội trong thơ Thanh Giang là những người được trui rèn qua đạn bom khốc liệt và cả những tháng ngày hòa bình gian khó. Vẫn chiến trường khốc liệt ấy, giọng thơ sáng trong ấy, nhưng cái chất Thanh Giang đã cho người đọc rung cảm khác thường: Ta đi đánh giặc đường xa/ Non sông một súng, cửa nhà một bao/ Trời xanh một nón đội đầu/ Chân mang giày đất quảng bao thác ghềnh. (Dọcđường Trương Sơn).      
Hương lửa ở những khúc đời thường ngày hòa bình có không ít những câu thơ mộc mạc nhưng rất gợi khiến người đọc chẳng dễ gì quên được: Lần về dấu xưa xanh cỏ/ Mịt mù bụi đỏ Lộc Ninh/ Em quên mất mình/ Làn da mịn trắng. (Bụi đỏ). Ruộng vàng trâu béo, bò no/ Sống ăn cỏ/ Hiến sữa cho con người (Ngọn cỏ).
Xin được trích lời Thanh Giang trong Lời thưa trước của Hương lửa thay cho lời kết: Trong các thể loại văn chương, đối với tôi, Thơ là siêu đẵng. Đó là tiếng thì thầm của trái tim thâm thúy đến lay động tâm hồn và trí tuệ con người.
Phùng Văn Khai
Theo http://nhavantphcm.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...