Gần nhà tôi có một ông cụ tóc bạc phơ hay ngồi
dưới tán cây bàng già. Cứ mỗi buổi chiều ông cụ lại bày những lồng chim ra bán.
Một ngày kia, tôi mang chỗ tiền tiết kiệm được, toàn những tờ tiền lẻ cũ mèm đến
chỗ ông cụ, chọn mua hai cái lồng: một cái thiệt bự được đánh véc ni màu nâu
bóng và một cái lồng bẫy. Cái lồng bẫy có hình lập phương, bên dưới là một “nhà
tù” lớn để nhốt chim mồi, bên trên là bốn “nhà tù” nhỏ để làm chỗ bắt chim. Ông
cụ bảo, chỉ cần nhốt chim mồi vào, bỏ một miếng chuối hay bông hoa sặc sỡ vào lồng
để làm mồi nhử rồi treo lên tán cây là lát sau sẽ có một vài con chim bị bắt
giam.
- Nuôi cho vui chứ đừng bẫy nhiều chim quá
nghe! – Ông cụ dặn tôi.
Nhà tôi có một cây xoài già. Sáng sớm
hay chiều muộn là đám chim lại ríu rít bay vào bay ra. Đến giữa mùa Hè, khi những
quả xoài vàng ươm lúc lắc trên cây là vườn nhà lại rộn ràng náo nhiệt. Lũ chim
tới nhiều lắm, từ những con chim sâu màu cỏ úa đến những con vành khuyên có
vòng trắng tinh trên mắt, rồi cả đám chìa vôi đuôi dài hai màu đen trắng, những
con chim ri nghịch ngợm từng cặp rủ nhau đi tìm mồi.
“Lũ chim tới nhiều lắm, từ những con chim sâu
màu cỏ úa đến những con vành khuyên có vòng trắng tinh trên mắt, rồi cả đám
chìa vôi đuôi dài hai màu đen trắng..”
Tôi mang cái lồng bẫy lên chỗ tán cây um tùm
nhất, lâu lâu chạy ra ngóng cổ lên xem có con chim nào sập bẫy chưa. Cuối cùng
cái lồng bự của tôi cũng đã có đến năm con chim sâu, ba con vành khuyên và một
con chim ri. Khu tôi ở toàn trẻ nhà nghèo nên một cái lồng chim to đẹp như của
tôi với những chín con chim là quý lắm. Tụi bạn hàng xóm suốt ngày chạy sang ngắm
nghía, xuýt xoa. Tôi vênh vang xách cái lồng chim khoe khắp xóm:
- Con này là chim ri. Hót hơi bị hay đó!
- Khéo khéo không tuột cái cửa lồng, tụi nó lại
bay mất!
Lời nói của tôi bỗng trở nên “trọng lượng”,
ai cũng phải lắng nghe. Tôi nổi tiếng nhất giữa đám trẻ trong xóm. Nhưng rồi một
bữa tôi nhận ra cây xoài không còn đông vui nữa. Đám chim đã chạy biến đi chỗ
khác, dù tôi chẳng còn ý định bẫy thêm vì cái lồng bự của tôi đã chật chội lắm
rồi. Mỗi sáng tôi mang cái lồng ra treo lên cành cây, thay nước rồi bỏ thêm cám
mới, làm vệ sinh lồng cho lũ chim, đến tối lại mang cái lồng vào nhà, phủ vải
lên. Tôi chăm sóc đám chim cẩn thận như chăm báu vật, hy vọng đến ngày trong lồng
xuất hiện những quả trứng chim nhỏ xíu và tôi sẽ có những chú chim non.
Cuối tháng Mười, bố cho tôi đi chơi xa hai
ngày. Tôi quên bẵng cái lồng chim. Ở nhà cũng chẳng ai để ý đến đám chim nhỏ
giùm tôi. Lúc về mới sực nhớ, tôi chạy một mạch ra vườn. Trước mặt tôi là cái lồng
chim rỗng không, những cái song tre bị bẻ nát, chỉ còn vương lại vài cái lông rụng,
vài vết máu và hũ cám bị xô đổ ngổn ngang. Đó là tàn tích sau chuyến “ghé thăm”
của một con chuột cống hay con mèo nào đó. Cổ họng tôi nghẹn lại, không thể
khóc, cũng không thể la hét gì.
Lũ bạn hàng xóm chạy sang nhà tôi, nhìn cái lồng
trống hoác, hiểu ngay mọi chuyện. Tụi nó càng hỏi thăm, tôi càng khổ sở và tuyệt
vọng. Nhưng điều khiến tôi day dứt hơn cả là liệu lũ chim có thoát được không
hay đã chết vì kẻ đột nhập?
“Lúc về mới sực nhớ, tôi chạy
một mạch ra vườn. Trước mặt tôi là cái lồng chim rỗng không, những cái
song tre bị bẻ nát, chỉ còn vương lại vài cái lông rụng, vài vết máu và hũ cám
bị xô đổ ngổn ngang…”
Sau ngày hôm đó, tôi bỏ hẳn ý định nuôi chim.
Cái lồng bẫy còn nguyên vẹn tôi cũng đem trả lại cho ông cụ tóc bạc. Tôi vẫn tiết
kiệm tiền hàng tuần nhưng không phải mua một lồng chim mới mà để mua thóc rắc
lên mặt bể nước xi măng ở đầu hồi.
Cuối Thu, sáng nào tôi cũng dậy thật sớm, ra
chỗ bể nước rắc một ít thóc rồi chạy vào nhà, ngồi bên cửa sổ chờ lũ chim sà xuống.
Quãng thời gian “nổi tiếng” ngắn ngủi của tôi đã qua. Tôi không còn là đích ngắm
của những ánh mắt vừa ngưỡng mộ vừa ghen tị nữa. Tôi có niềm vui khác, nhẹ
nhàng hơn và lâu dài hơn. Tôi không nhất thiết phải giữ những chú chim cho riêng
mình, mà chỉ cần dậy sớm một chút trong những ngày không mưa là tôi có thể lắng
nghe tất cả những thanh âm vui tươi của lũ chim nhút nhát nhưng tự do.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét