Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Nước như nước mắt và vấn đề biến đổi khí hậu

Nước như nước mắt và vấn đề biến đổi khí hậu
Nương theo nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư đặt ra nhiều vấn đề của môi trường và số phận của cá nhân trong chỉnh thể sinh thái. Trong những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, cảnh báo Việt nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất của tình trạng biến đổi khí hậu hiện diện lên từng số phận nhân vật, từng ngôi nhà, mỗi con sông…
Chúng ta vẫn thường nói về vấn đề biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong năm nước chịu tác động của nước biển dâng. Tuy nhiên, những cảnh báo đó vẫn chưa tác động mạnh đến người đọc nhưng sự lí giải của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đặt số phận của nhân vật trên nền tảng của biến đổi môi trường sinh thái đã thức tỉnh chúng ta về một hoàn cảnh thật khó khăn về tình trạng biến đổi khí hậu hiện diện lên từng số phận nhân vật, từng ngôi nhà, mỗi con sông.
Nước như nước mắt là câu chuyện về người chồng bị người yêu cũ giết chết, người vợ tìm cách trả thù kẻ đã gây ra cái chết của chồng. Nhưng cốt truyện khá gay cấn đó chỉ như là một cái cớ còn hầu hết nó được dệt nên bởi cảm nhận của nhân vật về mùa nước nổi, về sự xâm thực của biển vào đất liền, đẩy người nông dân ngày một lùi xa vào đất:
“Ngó nước bắt đầu linh đinh bờ bãi, người ở xóm Rẫy thở dài ứ hự, chắc năm sau ăn tết trên ghe”, sống trong tình cảnh “cứ mỗi năm nước đuổi lại sớm hơn, mùa mỗi năm lại dài hơn (…) nước theo sông ngày càng vào sâu hơn, trên bờ bãi, ngấm vào chân ruộng… đắp tới đâu, nước theo tới đó, cơi nhà tới đâu, nước ngập tới đó”, môi trường sống xung quanh ngày một xuống cấp nghiêm trọng: “cây trái tàn rụi, chỉ có cỏ đuôi mèo là sống được”, “những con cá nước đục còn sót lại, ốm ròm, trên mình đầy ghẻ lở”, cả đôi cá bạc đầu huyền thoại cũng “chạm râu vào nhau khẽ khàng, như âu yếm, như đờ đẫn, như dịu dàng lại như kiệt sức”, sức chống chọi với mùa của con người cũng “mệt mỏi và đuối sức như con cá nước đục khắc khoải sống với cái vị mặn mòi xa xót của biển” vì “nước đuổi đã 2 tháng rồi, đến con người cũng phờ phạc đi”. “Khi bị bứng lìa ra khỏi mặt đất”, sống trên ghe mọi sinh hoạt bị đảo lộn: chỉ được “tắm khô”, giữa bữa cơm bất chợt thèm ớt, nắng mà không có bóng cây mắc võng nằm, chết cũng phải chờ nước rút thì mới đem âm thổ... thì có lẽ  nguyên nhân cái chết vì thèm rau tưởng như vô lí của chồng Sáo cũng trở nên bình thường “nó diễn ra mỗi ngày, người ta chết đuối, chết vì khát, vì thèm tắm, vì nhớ vị của trái ổi chát, vì giành nhau cành củi trôi sông…” và vì một điều nghiêm trọng hơn nhiều như ông bán xôi dạo thốt lên “thời thế loạn rồi, đất không còn thì thứ gì còn”.
Cái cảm giác ngoài cốt truyện đó đã giải thích nguyên nhân về cái chết nghe thật bâng quơ và khó tin “Chồng Sáo chết vì mấy lá ngò gai”. Kiểu tự sự của Nguyễn Ngọc Tư vừa có sức hút của truyền thống với cốt truyện chính bao giờ cũng có vẻ giật gân lại vừa rất hiện đại, cốt truyện luôn bị chìm đi bởi những yếu tố ngoài cốt truyện. Bằng cách đó tác giả làm cho truyện chồng lên nhiều tầng ý nghĩa mà soi chiếu ở góc độ nào cũng bóc tách ra được các vấn đề. Và đôi khi do sự chìm lấp của cốt truyện, những vấn đề đặt ra ngoài cốt truyện ấy hiện lên thật sắc nét. Dường như ở tác phẩm này, nếu chỉ đọc cốt truyện bề ngoài có vẻ giật gân, thời thượng : cốt truyện tình yêu, cốt truyện báo thù… thì sẽ không lí giải hết những giá trị của tác phẩm bởi ẩn sau đó là cốt truyện không kém phần quan trọng: cốt truyện về sinh mệnh của tự nhiên. Nhìn bề mặt, lí do cái chết của chồng Sáo được giải thích có vẻ hoàn toàn nghĩa đen, nhưng kì thực, đọc kĩ tác phẩm, soi chiếu vào sự nhấn mạnh về một kĩ thuật viết có dụng ý: câu “Chồng Sáo chết vì mấy lá ngò gai” được đánh số thứ tự đầu tiên, chỉ có một dòng cho phần đầu tiên ấy. Kiểu tự sự đó nhằm đánh dấu cho người đọc về một cốt truyện khác được dẫn nhập qua những cảm nhận về mùa nước nổi.
Nương theo nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư đặt ra nhiều vấn đề của môi trường và số phận của cá nhân trong chỉnh thể sinh thái. Trong những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, cảnh báo Việt nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất của tình trạng biến đổi khí hậu hiện diện lên từng số phận nhân vật, từng ngôi nhà, mỗi con sông. Thế giới tự nhiên có một sự cân bằng tinh tế của các mối quan hệ phức tạp liên hệ lẫn nhau trong đó sự tồn tại của sinh vật này phụ thuộc và sự tồn tại của sinh vật khác. Con người là một phần của hệ sinh thái, cuộc sống của con người phải tùy thuộc vào thế giới tự nhiên ấy. Vậy nên, khi chỉnh thể sinh thái của tạo hóa bị hủy hoại thì sự sống của bản thân con người tất sẽ bị đe dọa cả thể chất lẫn tinh thần: “Thế giới sinh vật là một “dây chuyền sống” cực kì tế nhị và người ta không thể phá hủy một mắt xích trong dây chuyền này mà không bị trừng phạt” (Jacques Vernier, 1993).
Là nhà văn của miền sông nước, Nguyễn Ngọc Tư phát hiện ra rằng nước được coi là yếu tố quan trọng nhất cấu thành sự cân bằng sinh thái tự nhiên tác giả của Cánh đồng bất tậncũng phát hiện ra nghịch cảnh “dừng chân bên bờ sông lớn mênh mang, mỉa mai, người ở đây lại không có nước để dùng”. Tình cảnh thiếu nước sạch trong Cánh đồng bất tận thật tội nghiệp: “Họ đi mua nước ngọt bằng xuồng chèo, nín thở để nước khỏi sánh ra ngoài… tụt xuống ao tắm táp thứ nước chua lét vì phèn, rồi xối lại đúng hai gàu. Nước vo cơm dùng để rửa rau, nước rửa rau xong dành rửa cá”. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đến nỗi ước sao trước lúc chết “được tắm một bữa đã đời”. Chủ đề này sẽ còn trở lại nhiều trong tiểu thuyết Sông, viết về một nhân vật đồng tính chán chường, hoang hoải với cuộc sống đô thị thực hiện dự án về kí sự sông Di và coi đó là cuộc ra đi mãi mãi của mình như những con sông lở - đất đai, địa danh, nhà cửa, con người… bị đứt rời, cắt khúc, mất tích vào khoảng không mênh mông của dòng nước "Dân Ngã Chín không lạ gì với việc mất một ai đó, một căn phòng nào đó biến mất. Họ quen với việc một người ngồi cạnh mình bỗng dưng lọt tõm vào một hố sâu nào. Mọi sự biến mất đã trở nên bình thường, họ thò đôi đũa ra để gắp thức ăn thì không thấy mâm cơm đâu nữa, họ với tay lấy áo mặc sau khi tắm xong thì nó không còn ở đó, họ đứng dậy rót rượu và cái ghế vẫn còn ấm hơi người lẳng lặng rơi xuống sông và người kia thì ngồi phịch vào khoảng không, cũng biến mất". Mỗi bước chân mà Ân đặt đến ở những nhánh của con sông Di là những phận người trên mỗi khúc của dòng sông ấy. Tình trạng biến đổi khí hậu giăng mắc khắp nơi.
Rất khác với Đoàn Giỏi (Đất rừng phương Nam) chọn một cậu bé thành phố lưu lạc về miền sông nước làm nhân vật chính, lấy con mắt chiêm ngưỡng, lạ lùng, tò mò của người thành phố để nhìn vẻ đẹp sông nước mênh mông, giàu có, nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư sống, lớn lên và vật lộn trên mảnh đất của mình nên đó là cái nhìn của người trong cuộc, đứng trước đổi thay, phai nhạt của quê hương thấy xót xa, đắng đót. Người nông dân hàng ngày đối diện với bờ kênh, con rạch, mảnh ruộng… nên cảm nhận về những tai họa của tự nhiên: đất lở, xâm ngập mặn, mùa nước nổi kéo dài… thật cụ thể, chân thực.
Trong bối cảnh chúng ta đang đặt vấn đề về “an ninh nước”, phát hiện này của Nguyễn Ngọc Tư quả đã chạm vào những điều thiết cốt của sinh thái môi trường. Vậy là, những thông điệp về môi trường được nhìn qua hình tượng văn học, lí giải bằng số phận của con người trong mối quan hệ với tự nhiên sẽ giúp mỗi người trải nghiệm về tình trạng khủng hoảng môi trường hiện tại. Thiên nhiên, cái tưởng như vĩnh hằng cũng dễ bị thương tổn và thực chất rất mong manh. Do vậy Phê bình về sự nóng lên toàn cầu (Global warming criticism) đề cao những văn bản mà theo cách nói của J. Bate, khiến cho chúng ta “suy nghĩ về sự mong manh”, về sự dễ bị thương tổn của tự nhiên.
Trần Thị Ánh Nguyệt
Theo http://nhavantphcm.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly

Thi sĩ Nguyễn Bính: Nặng những mối tình phân ly Nguyễn Bính đã sống trọn một đời thơ mộng đẹp đẽ, với những vần thơ da diết, đượm đà, đầy ...