Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Mấy vấn đề về hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay

Mấy vấn đề về hệ giá trị 
văn hóa Việt Nam hiện nay

Hệ giá trị văn hóa Việt Nam cũng chính là hệ giá trị con người Việt Nam, hay về cơ bản trùng với hệ giá trị con người Việt Nam. So với vài thập niên trước đây, văn hóa Việt Nam hiện nay, ở tất cả các dạng hoạt động và với tất cả các loại hình của nó, đều có những thay đổi theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Ở khá nhiều loại hình thuộc hoạt động văn hóa, hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã không còn lạc lõng, không còn thua kém bao nhiêu so với các nền văn hóa được đánh giá là mạnh. Tuy nhiên, hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay đang có những tiêu cực đáng ngại: đạo đức xuống cấp, con người bị tha hóa, sự lệch lạc về giá trị, giả dối lại được coi là bình thường và niềm tin bị suy giảm. Muốn cho đất nước phát triển, văn hóa trở lại với các chân giá trị, thì mỗi các nhân và các tổ chức xã hội phải thật sự nghiêm khắc với những phản giá trị này.
1. Giới thiệu
Nhận diện, xác định diện mạo hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hay đánh giá thực trạng hệ giá trị văn hóa Việt Nam giai đoạn hiện nay, là việc không dễ. Dường như ai đặt cho mình nhiệm vụ nhận diện, xác định diện mạo hệ giá trị văn hóa Việt Nam cũng cảm thấy có nhiều điều rất khó đề cập cho thỏa đáng. Hiện thực đa dạng, phức tạp và đầy sôi động của đời sống kinh tế - xã hội không dễ đi vào bất kỳ khuôn thước đánh giá nào về phương diện văn hóa. Trong bối cảnh công cuộc chống tham nhũng, chống tha hóa đạo đức đang được đẩy mạnh với nhiều vụ án nghiêm trọng đã được khởi tố, không ít hiện tượng xã hội tiêu cực ngoài sức tưởng tượng đã bị phơi bày. Có những hiện tượng tiêu cực thuộc văn hóa đạo đức, văn hóa làm người, mà trước đây chẳng mấy ai dám hình dung, đã xuất hiện tương đối phổ biến. Tiếng nói bức xúc đã xuất hiện không chỉ ở mạng xã hội hay trên báo chí, mà ở cả diễn đàn Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV (21/5-15/6/2018) nhiều ý kiến của các đại biểu đã trực tiếp đụng tới chính vấn đề này. Tâm thế xã hội hiện thời đang ở tình trạng khá dị ứng với những lời khen hay ca ngợi. Người ta chú ý hơn đến thái độ của những người có trách nhiệm đối với cái xấu, cái ác. Bởi thế, đây cũng là cơ hội để văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người và văn hóa Việt Nam được nhìn nhận một cách khách quan.
2. Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người: vấn đề phương pháp luận
Nói đến hệ giá trị văn hóa Việt Nam, lâu nay mọi người đều hiểu đó cũng chính là hệ giá trị con người Việt Nam. Những phẩm chất đặc trưng của văn hóa Việt Nam, mà Nghị quyết TW 5 khóa VIII đã khái quát, và về sau được nhắc lại trong nhiều văn kiện quan trọng khác và được coi là những giá trị cốt lõi hoặc cơ bản, tuy được gọi là giá trị văn hóa Việt Nam nhưng đó chính là giá trị con người Việt Nam, hay về cơ bản trùng với hệ giá trị con người Việt Nam. Gần như không ai nghĩ rằng đó không phải là các giá trị con người Việt Nam.
Nhưng gần đây, có tác giả lại quan niệm hệ giá trị con người khác với hệ giá trị văn hóa. Theo chúng tôi, sự phân biệt này chỉ có ý nghĩa trong chừng mực nhất định. Vì chỉ ở những phạm vi đủ hẹp, trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa, các hiện tượng văn hóa, thì giá trị văn hóa mới không phản ánh trực tiếp, không nhất thiết phải thể hiện giá trị con người. Trong những trường hợp như vậy, nói đến giá trị, người ta thuần túy chỉ muốn bàn đến giá trị của một hiện tượng văn hóa; chẳng hạn, giá trị một vở kịch, một tác phẩm kiến trúc, một bức tranh, hay rộng hơn, một lễ hội, một khu di tích, một quần thể danh lam thắng cảnh, hay rộng hơn nữa, các giá trị của văn hóa thời Trần, thời Nguyễn, v.v... Tuy nhiên, khi các giá trị văn hóa được xem xét trong phạm vi càng rộng, được khái quát càng cao ở những phẩm chất chung, thì đối tượng càng gần với giá trị con người.
Ở phạm vi rộng nhất (hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của nền văn hóa Việt Nam, của toàn bộ văn hóa Việt Nam), thì giá trị được nói đến không đồng nhất với giá trị của những hiện tượng văn hóa cụ thể nữa, mà là giá trị của văn hóa Việt Nam và của con người Việt Nam; hay nói chính xác hơn, là hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam. Tức là, xuyên qua giá trị của những hiện tượng cụ thể, được biểu hiện bằng giá trị của các hiện tượng cụ thể, giá trị của văn hóa Việt Nam, của con người Việt Nam là đối tượng bàn luận, là cái được chú ý xem xét, khám phá.
Vấn đề văn hóa thực chất là vấn đề con người. Vấn đề giá trị thực chất là vấn đề văn hóa. Chẳng có cái văn hóa nào không nói gì về con người. Định nghĩa ngắn gọn nhất về văn hóa chính là “văn hóa là tổng hòa các giá trị người”. Nói đến giá trị tức là người ta muốn nói tới giá trị người. Bởi vì, chẳng có giá trị nào lại không thuộc về con người, không phải là giá trị người. Chỉ có con người mới nhìn mình và nhìn thế giới qua lăng kính giá trị. Hay hoặc dở, xấu hay đẹp, thiện hay ác, cao cả hay thấp hèn, vĩ đại hay tầm thường, thậm chí đắt hay rẻ, v.v., đó là những khuôn thước chỉ con người mới dùng để xem xét thế giới. Vì thế, giá trị đạo đức hay giá trị văn hóa, giá trị truyền thống hay giá trị hiện đại, giá trị xã hội hay giá trị cá nhân, giá trị dân tộc hay giá trị giai cấp, v.v..., tất cả đều là giá trị người.
Trong khuôn khổ của những bàn luận về hệ giá trị Việt Nam, theo chúng tôi, không nên và không cần thiết phải phân biệt hệ giá trị văn hóa Việt Nam với hệ giá trị con người Việt Nam.
3. Hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay: những chuyển biến tích cực
So với vài thập niên trước đây, văn hóa Việt Nam hiện nay, ở tất cả các dạng hoạt động và với tất cả các loại hình của nó, đều có những thay đổi, theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực.
Kể từ khi tham gia Thập kỷ quốc tế về văn hóa trong phát triển (1986-1997), đặc biệt kể từ khi thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa VIII năm 1998 về văn hóa, văn hóa, Việt Nam đã có những bước phát triển đạt tới chất lượng và diện mạo khác nhiều so với trước đó.
Vượt ra khỏi khuôn khổ thế giới quan và phương pháp luận về văn hóa giai đoạn trước kia, ngày nay văn hóa không còn bị xem là sản phẩm thụ động của đời sống kinh tế, của cơ sở hạ tầng, mà đã trở thành nhân tố bên trong, là cái quy định hành vi và hoạt động của con người, thậm chí quy định cả diện mạo sự phát triển ở phạm vi quản lý, điều hành chính sách của Đảng và Chính phủ Việt Nam, và ở cả phạm vi hoạt động thường ngày của mỗi con người. Quan điểm mới này về văn hóa đem lại cho con người và các tổ chức xã hội khả năng can thiệp, giải quyết các vấn đề xã hội bằng nguyên nhân văn hóa, điều mà trước kia chưa được quan tâm. Chức năng điều tiết của văn hóa cũng được thực hiện một cách thầm lặng và đôi khi nằm ngoài sự tính toán.
Quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước Việt Nam và toàn thể xã hội về văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển, mặc dù trên bề mặt xã hội có vẻ sáo mòn, không mấy thực chất, nhưng thực tế thì khác. Bằng lối đi riêng của văn hóa, quan điểm đó đã xoay chuyển nhận thức, tạo nền cho văn hóa khởi sắc, kích thích sự hồi sinh của phần lớn những giá trị truyền thống trước đó còn bị bỏ quên, thậm chí bị kỳ thị, làm cho văn hóa Việt Nam trở lại với diện mạo bình thường của nó, nối được với quá khứ và rồi nhờ hội nhập mà bắt nhịp ngày càng sâu vào văn hóa thế giới, đóng góp được cho kho tàng văn hóa chung của cộng đồng thế giới.
Sau hơn 30 năm, văn hóa truyền thống được tôn trọng và phục hồi rất căn bản, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được xác định và đánh giá theo chuẩn quốc tế, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên và di sản ký ức thế giới được cộng đồng quốc tế ghi nhận3. Các hoạt động văn hóa được hiện đại hóa; giao lưu và tiếp biến văn hóa đặc biệt mở rộng; văn hóa công quyền, văn hóa ứng xử, văn hóa hội nhập… gần gũi hơn với khu vực và thế giới. Đời sống văn hóa của nhiều tầng lớp dân cư có dấu hiệu được nâng cao cả về trình độ và chất lượng.
Nghĩa là, có đủ sơ sở để nói rằng, hệ giá trị văn hóa Việt Nam sau mấy chục năm phát triển theo xu thế đổi mới đã xác lập được các khuôn mẫu văn hóa mới4, thực sự hội nhập tương đối sâu vào văn hóa nhân loại theo các chuẩn mực phổ biến của cộng đồng thế giới. Tình trạng dị biệt - không giống ai đã bớt dần.
Ở khá nhiều loại hình thuộc hoạt động văn hóa, hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã không còn lạc lõng, khoảng cách lạc hậu đã được thu hẹp. Thậm chí, ở nhiều hoạt động văn hóa, như văn hóa biểu diễn - tổ chức các sự kiện, văn hóa Showbiz, văn hóa thời trang, văn hóa hội thảo, văn hóa du lịch, Việt Nam đã không còn thua kém bao nhiêu so với các nền văn hóa có kinh nghiệm.
Với những lĩnh vực thuộc đời sống văn hóa (như văn hóa tiêu dùng, văn hóa kinh doanh, văn hóa xuất bản, văn hóa khách sạn, v.v...), Việt Nam mặc dù vẫn chịu khá nhiều phê phán hay phàn nàn, nhưng mặt bằng chung đã có những tiến bộ khá xa so với trước; thậm chí ở một số hoạt động cụ thể, còn tỏ ra nhanh nhạy không thua kém các nước có nền kinh tế phát triển.
Về văn hóa ẩm thực, văn hóa khách sạn, văn hóa sử dụng IT…, ngày nay Việt Nam đã tạo được ấn tượng tích cực trên trường quốc tế.
Về văn hóa chính trường, văn hóa công quyền, văn hóa đối ngoại (ngoại giao), văn hóa công an, văn hóa quân sự, văn hóa học đường, v.v..., hệ giá trị văn hóa Việt Nam cũng đã có không ít điểm sáng, với những chuẩn mực gần với thế giới, dù những lĩnh vực này hiện vẫn bị chê trách nhiều cả từ phía bên trong và bên ngoài.
Không chỉ ở những hiện tượng bề ngoài thuộc hoạt động văn hóa, mà cả ở tầng sâu hơn, trong các nội dung thuộc phẩm chất nhân văn của phát triển, với các chiều cạnh thuộc về con người, về cộng đồng và về dân tộc, văn hóa Việt Nam cũng có những bước phát triển mà trước kia khó có thể đạt được.
Bằng cách thức độc đáo của “sức mạnh mềm”, văn hóa đã ngày càng làm sâu sắc hơn ý thức dân tộc - quốc gia; ngày càng làm rõ thêm lịch sử dân tộc, giá trị thiêng liêng của độc lập và chủ quyền quốc gia. Trên cơ sở “Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh” (lời Jpseph S. Nye đánh giá về Việt Nam [9]), văn hóa đã thực sự uốn nắn quan điểm cực đoan của một số chủ thể, làm xích lại gần nhau những quan niệm trước vốn xa nhau. Các giá trị và bản sắc văn hóa, gồm cả bản sắc văn hóa các địa phương, các tộc người, được nghiên cứu ngày càng sâu và khơi dậy được ý nghĩa nhân văn khách quan của sự tồn tại của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong Quốc gia Việt Nam độc lập, thống nhất. Các thành tựu văn minh của nhân loại từng có mặt tại Việt Nam đã được đánh giá ngày càng hợp lý, và là nhân tố được kế thừa của văn hóa người Việt. Nhận thức của xã hội, đặc biệt của các cơ quan có trách nhiệm, về tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, được nhận thức và được triển khai ngày càng thực tế và có hiệu quả. Không phải ngẫu nhiên rằng, Việt Nam đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu Thiên niên kỷ, đã thực hiện một cách ấn tượng chỉ tiêu giảm nghèo, đã thực hiện thành công nhiều chính sách an sinh xã hội. Thu nhập của người dân ở khắp mọi miền tuy còn nhiều vấn đề nhưng không ngừng được cải thiện. Khoa học, giáo dục mặc dù còn rất nhiều hạn chế, nhưng đã có những bước phát triển tương đối rõ theo hướng hội nhập. Người Việt Nam vẫn được đánh giá là năng động, thông minh. Học sinh Việt Nam, theo kết quả khảo sát quốc tế (PISA), vẫn được xếp ở thứ hạng cao về nhận thức toán, ngôn ngữ và khoa học5.
Nhìn nhận những điểm mạnh của văn hóa Việt Nam hơn 30 năm qua, Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” [1, tr.126].
Trong dịp tuần lễ cấp cao APEC, nhiều chính khách đã không tiếc lời khen ngợi Việt Nam, coi Việt Nam đã thực sự trở thành một trong những “Điều kỳ diệu lớn” (The Great Miracles) của thế giới; “Ngày nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trái đất” (One of the Fastest-growing Economies on Earth) [10], [11].
Tuy nhiên, cùng với sự tiến bộ không thể phủ nhận ấy, văn hóa Việt Nam với bộ mặt thường ngày của nó trong đời sống xã hội, lại tỏ ra là chưa đủ bản lĩnh để đề kháng trước những tác động tiêu cực từ bên trong và bên ngoài. Sự tử tế và tính nhân văn của văn hóa đôi lúc lại không đủ mạnh để tự vệ và tấn công lại cái thiếu văn hóa và vô văn hóa. Ngược lại, chính nó trong không ít trường hợp lại bị tha hóa vì những tác động của cái xấu và cái ác.
Tác động tiêu cực đến văn hóa hiện nay là một loạt những vấn nạn lớn và không kém phần nghiêm trọng về kinh tế - chính trị - xã hội, dù ai đó muốn lãng quên cũng không thể. Như nhiều tài liệu chính thức và không chính thức đã phản ánh, chẳng hạn, nền kinh tế ngày càng lệ thuộc nặng nề vào nguồn vốn FDI và vào kinh tế Trung Quốc; tỷ lệ nợ công sắp chạm trần; sự chuyển đổi mô hình phát triển vẫn rất lúng túng và chậm trễ; tình trạng tham nhũng và làm ngơ trước tham nhũng mới chỉ có dấu hiệu dừng lại; hiểm họa của tình trạng môi trường “gần chết” khó lường; khai thác tài nguyên vẫn khó kiểm soát; khủng hoảng giáo dục chưa có lối thoát; hoạt động y tế đã xuống cấp ở chính quan hệ giữa thày thuốc với con bệnh; tình trạng cán bộ công quyền lãnh cảm với dân và với các bên đối tác chưa bớt; Biển Đông và chủ quyền lãnh thổ bị trực tiếp đe dọa, v.v...
4. Hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay: những hiện tượng có vấn đề
4.1. Hiện tượng xuống cấp về đạo đức, tha hóa con người
Như đã nhận định ở phần mở đầu, trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống tha hóa đạo đức như hiện nay, nhất là từ khi các vụ đại án được khởi tố trước pháp luật, không ít hiện tượng xã hội tiêu cực ngoài sức tưởng tượng đã bị phơi bày. Từ người dân thường đến các đại biểu Quốc hội đều cảm thấy bức xúc đối với những hiện tượng xã hội tiêu cực đó.
Vấn đề xây dựng con người từ lâu đã được quan tâm cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Tuy vậy, từ lý thuyết “con người mới” những năm 60-80, thế kỷ XX đến lý thuyết “phát triển con người” ngày nay, đều có những lỗ hổng không nhỏ khi vô tình xem nhẹ những điều kiện thực tế khách quan của sự hình thành và phát triển nhân cách, phát triển con người.
Vấn đề là ở chỗ, các cơ chế xây dựng con người, hình thành nhân cách con người thường không mấy phụ thuộc vào quan điểm hay thái độ của các chủ thể. Những chuẩn mực định hướng xây dựng con người tưởng như tuyệt vời nhưng trong thực tế vẫn có thể làm nảy sinh những con người không như ý muốn, thậm chí méo mó, hư hỏng, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường thời toàn cầu hóa, trong điều kiện thể chế chính trị, thể chế kinh tế ở Việt Nam chưa có nhiều yếu tố của thể chế dung hợp (Inclusive Instituttions) [2].
Từ cuối 2016, thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên với 27 biểu hiện tiêu cực rất cụ thể, đã được đề cập chi tiết và phê phán gay gắt trong Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam [4]. Với bài viết này, sau khi đã có Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, có lẽ không cần thiết phải nói thêm những hiện tượng xuống cấp về đạo đức, suy thoái về tư tưởng, tha hóa con người, hay nói cách khác, những biểu hiện tiêu cực của hệ giá trị con người Việt Nam. Với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, gần đây với việc ban hành Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị, văn bản số 04-HD/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, kể cả đảng viên đã qua đời, đặc biệt với thái độ kiên quyết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà xã hội có thể cảm nhận được, công cuộc chống tham nhũng, chống bòn rút của cải quốc gia, chống phá nát xã hội, nếu có thể được nói như vậy, với các vụ án được khởi tố, đã làm cho bầu không khí xã hội chuyển biến tích cực, làm cho niềm tin đang được hồi phục trở lại. Người dân đã tin rằng xử lý tham nhũng, sẽ không còn vùng cấm như trước đây, người vi phạm pháp luật, trước sau cũng phải trả giá.
Cần thiết phải nói rằng, với công cuộc chống tham nhũng, làm sạch xã hội, thái độ kiên quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đảng viên vi phạm đã bắt đầu làm cho quan niệm về quan trường và bổng lộc thay đổi. Quan niệm cho rằng làm quan để trục lợi (kiểu Kleptocracy), cái gì cũng mua được bằng tiền, đã bắt đầu lung lay. Theo chúng tôi, về lâu dài, đây là điều có ý nghĩa rất to lớn và bền vững.
4.2. Hiện tượng lệch lạc về giá trị và sự giả dối được coi là bình thường
Trong một tham luận tại hội thảo về văn hóa Việt Nam cuối năm 2017, chúng tôi đã đề xuất và chứng minh cho nhận định rằng, vấn đề lớn nhất của văn hóa Việt Nam hiện nay là hiện tượng lệch lạc về giá trị, giả dối được coi là bình thường. Theo chúng tôi, nếu văn hóa trước hết là tổng hòa các giá trị người, thì rõ ràng, vấn đề lớn nhất của văn hóa Việt Nam hiện nay đúng là vấn đề lệch giá trị. Ở bài này, chúng tôi một lần nữa khẳng định ý kiến này và xin nói thêm vài điều có liên quan.
Khó mà phủ nhận được rằng, lâu nay, đâu đâu trong đời sống xã hội người ta cũng bắt gặp cái giả dối. Giả dối đã phổ biến đến mức được coi là bình thường, làm nản lòng sự trung thực, tử tế. Bằng giả, danh hiệu giả, kiến thức giả, chất lượng sản phẩm giả, thuốc chữa bệnh giả, tuổi tác giả, số liệu thống kê giả, thanh toán với chứng từ giả, biểu quyết giả, đạo đức giả,… gần như có mặt khắp nơi và không còn là điều xấu hổ nữa. Rất tiếc là, xã hội lại thừa nhận bằng cách làm ngơ coi như không thấy.
Ở không ít công trình, dự án, mục đích ghi trong văn bản thực tế chỉ là giả, vì đó chẳng qua chỉ là phương tiện, là công cụ cho bòn rút, tham nhũng. Làm bất cứ việc gì cũng nghĩ đến lách luật, hay xà xẻo. Sẽ không còn động cơ hành động nếu công việc được tiến hành một cách ngay thẳng, không có lợi ích gì có thể xà xẻo được. Mọi đề án quốc kế dân sinh đều có nguy cơ đổ vỡ nếu ở đó tham nhũng hay mục đích vụ lợi không thực hiện được.
Vấn đề tất nhiên là do suy thoái phẩm chất làm người. Tuy vậy, nhìn xa hơn, vấn đề còn là ở chỗ, thể chế kinh tế, cơ chế xã hội từ quá lâu đã sinh ra tình trạng mà ở đó hầu hết các công việc, lao động đều không được trả thù lao tương xứng, đặc biệt ở khu vực nhà nước (tạm gọi là tình trạng “không ngang giá”). Gần như ở khắp nơi, trong mọi dạng lao động, nếu ai làm thật, có trách nhiệm thật, hưởng thù lao thật, thì chắc chắn là họ bị thiệt thòi hoặc không được thụ hưởng xứng đáng với công sức bỏ ra. Cơ chế này thuộc về thể chế bóc lột (Extractive Institutions). Xã hội mấy chục năm nay đã tự tìm đường đi cho mình bằng cách tồi tệ nhất, cách giả dối.
4.3. Hiện tượng suy giảm niềm tin
Từ lâu, hiện tượng suy giảm niềm tin vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào bộ máy công quyền, đã được báo chí và dư luận xã hội lên tiếng báo động. Nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ đã nhiều lần được chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo.
Tháng 5/2016 trong bài phát biểu chỉ đạo công tác của Ban Dân vận Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định rằng: hiện tượng “người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân”, hiện tượng “cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng”, những hiện tượng đó “đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng” [6]. Nghị quyết Hội nghị TW 4 khóa XII chỉ rõ: “những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ đảng viên (mà Nghị quyết Hội nghị TW 4 đã chỉ ra) “đã làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” [4].
Thực ra, tình trạng suy giảm niềm tin, đổ vỡ niềm tin do đã được xã hội nói quá nhiều từ hàng chục năm nay nên giờ gần như đã hết nóng. Niềm tin tỷ lệ nghịch với giả dối. Niềm tin thiếu vắng thì giả dối tăng lên, mà thường là tăng lên nhiều lần lớn hơn. Văn hóa ở nơi mà con người ngày càng ít tin nhau là thứ văn hóa đi theo chiều giả dối, lừa gạt lẫn nhau, nói chính xác hơn, đó là vô văn hóa.
Các nhà khoa học thường tìm nguyên nhân của khủng hoảng niềm tin trước hết ở sự vận hành của thể chế, ở bộ máy công quyền, ở đội ngũ quan chức, ở hệ thống luật pháp. Điều đó dĩ nhiên là hợp lý. Nhưng nhìn từ phía giá trị, nguyên nhân cơ bản làm cho niềm tin trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam mai một rồi mất dần, theo chúng tôi, là ở chỗ, đã quá lâu rồi ở nước ta lẽ phải ít được tôn trọng, thậm chí bị chà đạp.
Sự thật là, do thể chế (chủ yếu vô tình), luật pháp luôn tạo kẽ hở, bộ máy công quyền thường quan liêu, chính sách lại không sâu sát, trong đội ngũ cán bộ có không ít người tham lam, vụ lợi, cho nên nhiều người đã coi thường lẽ phải, quay lưng lại với lẽ phải, đôi khi chà đạp lên lẽ phải, làm cho niềm tin rơi vào tình trạng như hiện nay. Lẽ phải trong không ít trường hợp bị đối xử như là thứ vô nghĩa. Mới rất gần đây, có những vụ việc rất bức xúc nhưng người có trách nhiệm vẫn ráo hoảnh trả lời công luận rằng “đúng quy trình”. Lẽ phải trong những trường hợp như vậy hoàn toàn bị xem thường. Niềm tin dù ở dạng nào thì cũng khó có cơ sở để tiếp tục tồn tại.
Ở Việt Nam hiện nay, lẽ phải bị xem thường đến mức luật pháp cũng có thể “mua được”. Oan sai đôi khi phải cần đến những người có trách nhiệm rất cao của đất nước can thiệp mới được giải quyết. Mới đây, khi các vụ đại án được khởi tố trước pháp luật, phần lớn người dân không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng, trong số những tội phạm nghiêm trọng lại có cả những người đã từng có hàm cấp tướng trong công an, cấp tá trong quân đội, và cán bộ cấp rất cao của Đảng, Nhà nước. Niềm tin được đảm bảo bằng cái gì nếu biết rằng những quan chức đầy đạo mạo xung quanh lại chính là tội phạm thao túng trật tự xã hội.
Ấy là chưa kể đến những hiện tượng nhức nhối ở các lĩnh vực khác; chẳng hạn, giáo viên hành hạ học sinh; học trò đâm thủng bụng thy giáo; phụ huynh bắt cô giáo quì, đạp cả cô giáo đang mang thai; người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ, đâm thầy thuốc; quan chức chăm chăm bảo vệ kẻ xấu; kẻ thất đức hay vô học lại ngông nghênh vì “ăn theo” quyền lực, v.v... Những hiện tượng nhức nhối này vừa là nhân vừa là quả của hiện tượng mất niềm tin.
Không nên ngụy biện rằng những hiện tượng này chỉ là cá biệt. Nếu hệ thống không xập xệ, cơ chế, thể chế không có vấn đề nghiêm trọng, thì những hiện tượng như vậy không thể nảy sinh được. Những hiện tượng này nếu vẫn tiếp tục tồn tại, dù chỉ là cá biệt, hay thậm chí duy nhất đi nữa, thì niềm tin từ dân chúng vẫn còn chưa thể phục hồi được. Niềm tin, như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Quốc hội ngày 22/5/2018, “là nguồn lực rất lớn để xây dựng đất nước” [7].
Về phương diện giá trị, cần thiết phải nói rằng việc định hướng giá trị trong thực tế luôn có hai xu hướng không mấy khi trùng nhau. Trong khi những giá trị lý tưởng, những giá trị kỳ vọng được nồng nhiệt đề cao, được tôn vinh có chủ ý nhằm định hướng tư tưởng và hành vi con người, thường không đạt được kết quả bao nhiêu, thì ngược lại, các giá trị ngầm định của bản thân đời sống xã hội lại âm thầm thể hiện sức mạnh của nó. Dòng chảy bản năng mãnh liệt của đời sống xã hội, nếu không được các thiết chế pháp lý đủ mạnh và nghiêm minh tạo hành lang đủ thông thoáng để vận động, thì sẽ luồn lách qua mọi kẽ hở để thỏa mãn nhu cầu chính đáng và không chính đáng của con người. Cái xấu, cái ác, cái bất hợp lý trong những trường hợp như vậy đôi khi không kiểm soát được. Thực trạng hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay ít nhiều rơi vào tình trạng như vậy.
5. Kết luận
Văn hóa Việt Nam hôm nay là một thực tế mang trong nó không ít mâu thuẫn. Việt Nam từ một quốc gia nghèo đói, chậm phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, với quy mô nền kinh tế đứng thứ 40 trên thế giới và dự trữ ngoại hối năm 2017 đạt 64 tỷ USD [7]. Thực tế phát triển đó thật đáng suy ngẫm. Nhưng chính sự phát triển ấy lại cũng là điều kiện để nhiều thói hư tật xấu của người Việt và một số yếu kém trong quản lý vĩ mô có cơ hội gây tác hại cho xã hội. Điều đó để lại dấu ấn trong văn hóa.
Hiện thời văn hóa Việt Nam đang ẩn chứa một số vấn đề thực sự cản trở sự phát triển. Con người tha hóa, đạo đức xuống cấp, niềm tin suy giảm, giáo dục yếu kém, y tế kém nhân văn, chính sách văn hóa bất cập, lễ hội ít văn hóa…, đó là những vấn đề nóng của bản thân văn hóa Việt Nam.
Hệ giá trị con người và văn hóa Việt Nam trong khi đạt tới nhiều chuẩn mực gần với thế giới, có không ít điểm sáng được thế giới ca ngợi, thì cũng lại chịu nhiều chê trách từ bên trong, cả từ phía người dân và cả từ phía các đại biểu Quốc hội, do có sự xuống cấp của văn hóa, đặc biệt văn hóa làm người, văn hóa trong quan hệ giữa người với người.
Trong khi hệ giá trị văn hóa Việt Nam sau hơn 30 năm phát triển đã xác lập được các khuôn mẫu văn hóa mới, thực sự hội nhập tương đối sâu vào văn hóa thế giới theo các chuẩn mực phổ biến của cộng đồng thế giới, nhiều hoạt động văn hóa không thua kém các nước có nền văn hóa hùng mạnh, tình trạng không giống ai bớt dần, thì ngay trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam lại xảy ra hiện tượng lệch lạc về giá trị. Hiện thời, vị trí của danh và thực, của lao động và sự giàu có, của địa vị và tài năng, của tiền bạc và tình người, của thói phô trương và đức khiêm tốn, của sự vô cảm và lòng vị tha, v.v..., trong bảng giá trị cộng đồng khá lệch lạc. Theo chúng tôi, vấn đề lớn nhất của văn hóa Việt Nam hiện thời là lệch lạc về giá trị. Hệ giá trị của người Việt đã vô tình bị xếp sai một số vị trí thành ngụy giá trị. Thói vụ lợi và thực dụng qua sự kích thích của mặt mặt trái kinh tế thị trường đã làm cho không ít người tưởng rằng có tiền bạc và được làm quan là giá trị đỉnh cao của đời sống. Giả dối đã tương đối phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thậm chí giả dối đôi lúc đã lấn át sự tử tế và chân thật.
Sự phát triển của đất nước đòi hỏi mỗi các nhân và các tổ chức xã hội phải thật sự nghiêm khắc với những thói hư tật xấu này để văn hóa trở lại với các chân giá trị. Xã hội muốn phát triển, thì ngụy giá trị không thể chiếm chỗ của chân giá trị, giả dối không thể lấn át sự tử tế và chân thật.
Những mâu thuẫn vừa nêu không phải do chúng tôi nghĩ ra mà là những mâu thuẫn đang tồn tại thực trong thực tế. Về mức độ gay gắt của vấn đề thì chúng tôi nghĩ rằng không khí trong diễn đàn Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 5 khi bàn tới những vấn đề này còn gay gắt hơn. Tuy vậy, nếu nhìn lại lịch sử thì có thể thấy rằng, văn hóa Việt Nam xưa nay đều đi lên thông qua mâu thuẫn. Điều này cho phép hy vọng, với một cơ thể đang phát triển tương đối mạnh như Việt Nam, những bức xúc, gay cấn đó chẳng những sẽ không cản trở được, mà chẳng qua chỉ là cơ hội để văn hóa Việt Nam giải quyết triệt để các mâu thuẫn có thể có, để rồi đạt tới những giá trị cao hơn, tốt đẹp hơn.
Chú thích:
2. Ước kinh tế phát triển như ngày nay, đạo đức xã hội như ngày xưa. Kinh tế phát triển nhưng xã hội còn nhiều việc động trời. Không quan tâm đến văn hóa thì phát triển kinh tế là vô nghĩa” [6], [7].
3. Tính đến thời điểm này, di sản thế giới tại Việt Nam đã được UNESCO công nhận gồm cả 3 loại hình: di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa thế giới và di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Việt Nam hiện có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có 5 di sản văn hóa (Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ), 2 di sản tự nhiên (Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long). Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á và là một trong số ít 35 di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận[14]. Về di sản văn hóa phi vật thể, Việt Nam có 12 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho văn hóa nhân loại được UNESCO công nhận: Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình triều Nguyễn (2003). Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên (2005). Hát Ca Trù (2009). Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009). Hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng (2010). Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012). Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013). Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014). Nghi lễ và Trò chơi Kéo co (2015, Hồ sơ đa quốc gia Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia và Philippines). Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016). Hát Xoan Phú Thọ (2011, 2017). Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017). Trong đó có Ca Trù là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp [15].
Về Hồ sơ ký ức thế giới (Memory of the World - MOW), Chương trình do UNESCO đề xướng và thực hiện từ năm 1992 nhằm bảo tồn và tiếp cận những di sản tài liệu quý hiếm có nguy cơ bị xâm hại và mai một ở nhiều nước và khu vực trên thế giới. Cho đến nay, Việt Nam đang có 6 di sản nhận danh hiệu này, bao gồm “Mộc bản triều Nguyễn”, “Châu bản triều Nguyễn”, “Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang”, “Bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám”, “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản Trường Phúc Giang, Hà Tĩnh” [16].
4. Trong nghiên cứu văn hóa, một số nhà nghiên cứu được giao nhiệm vụ hoặc tự đặt cho mình nhiệm vụ xác định chuẩn mực mới của văn hóa Việt Nam hay của con người Việt Nam. Thực tế cho thấy dù kết quả hợp lý đến mấy, công việc này cũng rất khó được thừa nhận. GS. Trần Ngọc Thêm trong công trình xuất bản 2016 đã xác định “Hệ giá trị cốt lõi toàn diện” của văn hóa Việt Nam gồm 35 giá trị. Trong đó “Hệ giá trị cốt lõi trọng điểm” gồm 10 giá trị: “Dân chủ và Pháp quyền, Yêu nước và Nhân ái, Trung thực và Bản lĩnh, Trách nhiệm và Hợp tác, và Khoa học và Sáng tạo” [3, tr.464-471].
5. Kết quả đánh giá học sinh quốc tế theo chuẩn PISA mới nhất (2015, được OECD công bố ngày 6/12/2016), Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước về Khoa học, thứ 22 về Toán và 32 về Ngôn ngữ. Lần đầu tiên tham gia PISA 2012, Việt Nam đứng thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về Toán và thứ 19 về Ngôn ngữ [13], [8].
Tài liệu tham khảo:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2] Acemoglu D., Robinson A.J. (2013), Tại sao các quốc gia thất bại: nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói, Nxb Trẻ Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
[3] Trần Ngọc Thêm (2016), Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống tới hiện tại và con đường đi tới tương lai, Nxb Văn hóa -Văn nghệ, Hà Nội.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 - khóa XII, https://thuvienphapluat.vn/
[5] Hồ Hạ (2018), Ước kinh tế phát triển như ngày nay, đạo đức xã hội như ngày xưa, http://kinhtedothi.vn/
[6] Xuân Hoa (2016), Tổng bí thư: “Dân giảm lòng tin với Đảng vì nhiều cán bộ thoái hóa”, https://vnexpress.net/
[7] Nguyễn Hưng (2018), Thủ tướng: Niềm tin của dân là nguồn lực xây dựng đất nước, https://news.zing.vn/
[8] Jerrim, John (2017), Why does Vietnam do so well in PISA? An example of why naïve interpretation of international rankings is such a bad idea, https://ioelondonblog.wordpress.com/
[9] Nye, Joseph S. (2010), Chủ nghĩa dân tộc lành mạnh là điểm tựa của Việt Nam, http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/
[10] “Remarks by President Trump at APEC CEO Summit”, Da Nang, Nov., 10, 2017,  https://www.whitehouse.gov/
[11] “Remarks by President Trump and President Quang of Vietnam at State Banquet”, Hanoi, Nov., 11, 2017, https://www.whitehouse.gov/
[12] Thanh Tâm (2016), Giáo sư Mỹ thắc mắc 'Việt Nam nghèo sao học sinh xếp hạng PISA cao, https://vnexpress.net/
[13] Viet Nam. Student performance (PISA 2015), http://gpseducation.oecd.org/
[14] http://whc.unesco.org/
[15] https://ich.unesco.org/
[16] http://www.unesco.org/.
23/10/2018
Hồ Sĩ Quý
Nguồn: Khoa học xã hội Việt Nam số 10/2018
Theo http://hdll.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...