Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

Những câu thơ đang thiền

Những câu thơ đang thiền

Không thấy những câu thơ hạ mình, phàn nàn, quở trách cho thân phận nữ nhi thường tình. Sự yếu đuối không tìm cách tựa lên cái mạnh đó là mạnh. Một cảm nhận chung, không chỉ là phảng phất về "Những bông hoa đang thiền" của Bình Nguyên Trang- tác giả của những thi phẩm tuổi xanh mười bảy năm về trước.
Bình Nguyên Trang tự thú nhận Những bông hoa đang thiền là thơ về tình yêu. Một cuộc “bãi công” của niêm luật, “lật đổ” niêm luật mà nữ sĩ là “chiến binh nổi loạn” để tìm đến tự do. Tự do và tự do, ngay cả trong tình yêu và cũng buồn phiền từ đó, ở ngay trong tình yêu:
Dường như anh đã bỏ em ở lại
Ngay khi đã ngồi bên nhau
Con ngựa tình yêu chạy ra ngoài đồng cỏ
Bỏ lại xanh xao một vệt nắng chiều
(Dường như)
để rồi cay đắng lấy:
Bóng ta đổ nát chiều
Tựa lưng vào phiến đá
Sừng sững một cô liêu
(Trước biển)
Thất bại, chia lìa, hờn tủi, yêu dấu, hy vọng, phản bội… là những thành tố hình như đã có sẵn trong tình yêu. Ngay cả Trịnh Công Sơn cũng đã từng chới với trong câu “Bỏ lại ta ở bên đời kia” đấy thôi.
Đó là lý, chân lý của hai người, thứ pháp lý phi logic của ái ân, những dở khóc dở cười của tâm trạng. Và bắt đầu xuất hiện thơ tình. Thơ tình ngoại tình. Đó là sự kết tủa nỗi đau:
Chúng ta vướng vào nhau
Như cỏ rối bời
Em không sắp xếp nổi mình trước nghiêng ngả tình yêu
(Tình yêu)
bởi đã dùng người nam nói hộ thân phận đàn bà:
Em là chiếc cúc nhỏ
Đơm vào ta nỗi nhớ hoàng bào
(Thạch thảo)
Trong thơ Bình Nguyên Trang có nhiều chữ đau, buồn, nhiều câu thơ xấu số lỡ đà như khi viết “khất thực một tình yêu sắp sửa lâm chung”, tức là phiên ra nước mắt. Không chỉ là chữ riêng lẻ mà rất nhiều bài thơ trong tập thấm đẫm chân thành nghĩa của những chữ này. Đó là chiếu nghiệm linh thiêng từ hồn vía tình yêu cầu cứu đến thi ca:
Anh ngàn năm
không tới
em - loài hoa rất buồn
thản nhiên
xanh
(Thản nhiên)
Một thản nhiên, một bướng bỉnh, một phớt đời, một tự tin sau những dày vò chết đi sống lại mới “dửng dưng buồn gương mặt phù điêu” (Gương mặt tình yêu).
Bình Nguyên Trang cũng tự thú nhận đây là tập thơ về đàn bà và chị có rất nhiều đồng loại, đồng tính, đồng giới. Họ hạnh phúc và bất hạnh như cùng một mẹ sinh ra. “Trong triển lãm có tên hạnh phúc” thấy lấp ló một triết lý nhân sinh của ông bà: “Thương người như thể thương thân”.
Có thể chép lại toàn bộ bài này như đề tựa cho định mệnh phái yếu:
Người đàn bà mỉm cười
Mắt nâu son đỏ
Viên mãn
Trên chiếc khung chật hẹp cuộc đời
Trong triển lãm có tên Hạnh phúc
Họ đến và chiêm ngưỡng
Giấc mơ đủ đầy
Chị tồn tại như một ví dụ
Nhưng đêm đêm
Những sắc màu tan chảy
Chị bước ra ngoài bố cục Hạnh phúc
Chị đập vỡ chiếc khung
Trượt khỏi giấc mơ treo tường
Căn phòng lã chã
Vết bàn chân lội qua giông gió
Kiêu hãnh một mình
Vùi gương mặt khổ đau dưới bóng
người đàn ông vừa khuất
Gỡ ra, gỡ ra
Những vòng tròn số phận
Đã tình nguyện buộc vào
Đã lặng im khốc liệt…
Ôi khuôn mặt nhìn nghiêng
Như không ngừng dấu hỏi
Người đàn bà đứng trong triển lãm
Phơi bày một niềm vui
Mà nỗi buồn đã bảo tàng
Vĩnh viễn…
Và nhắc lại bốn câu cuối không có lời bình cho một nỗi buồn đã thành di sản:
Người đàn bà đứng trong triển lãm
Phơi bày một niềm vui
Mà nỗi buồn đã bảo tàng
Vĩnh viễn…
Thích thơ, thích làm thơ là tò mò vụng dại. Biết làm thơ là nguy hiểm. Làm thơ hay thì cấp độ cao hơn. Đó là cấp độ tai biến dây chuyền giữa nhà thơ và độc giả của chết đuối buồn. Buồn mới đẹp và buồn mới hay, mới nhớ lâu. Đó lại là nghịch lý.
Phụ nữ làm thơ là tự mình soi gương phản chiếu số kiếp đào hoa: lộng lẫy, mê hoặc, “trên những tàn phai”, hơi rơm rớm và hơi… rờn rợn.
Bởi vì THI CAÂM mà phụ nữ cũng là ÂM. Phụ nữ là đối tượng để thi ca hướng đến chứ không phải là người có nghĩa vụ vác trên vai mình cây thánh giá thiêng liêng của một trong tám ngành nghệ thuật với mong muốn cứu rỗi tinh thần đồng loại. Phụ nữ bếp núc, phụ nữ chồng con, phụ nữ thu vén. Nhẹ dạ, cả tin và nông nổi là bản chất của thi ca. Sáng tạo là “hân hoan” của “nỗi đọa đày” như Bình Nguyên Trang viết quả chẳng sai chút nào.
Thế nhưng… người đàn bà sắp sang tuổi 35, gốc quê Nam Định vẫn tự nguyện hạ mình trước thơ để dâng hiến Những bông hoa đang thiền thì có nhất thiết phải cắt nghĩa không! (?).
Hà Nội, ngày cuối năm 2011
Mai Linh
Nguồn: vanchuongviet.org/
Theo http://hanamtv.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Rót lòng mình vào chập chùng sương khói Nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị si...