Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam và ý nghĩa của nó. Phần 2

Đạo làm người trong tục ngữ, 
ca dao Việt Nam và ý nghĩa của nó. Phần 2

3.2.1.2. Đạo làm con (làm con phải “hiếu”)
Công lao sinh thành dưỡng dục, tình yêu thương bao la vô bờ bến mà cha mẹ dành cho con thể hiện qua chín chữ cù lao, được phản ánh trong tục ngữ, ca dao Việt Nam thật sinh động, sâu sắc. Nó nhắc nhở những người làm con phải thấu hiểu, khắc ghi và suốt đời đền đáp công ơn cha mẹ bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình. Hiếu với cha mẹ là gốc của đạo đức, là tiêu chí hàng đầu của đạo làm người. Quan niệm về đạo làm con trong văn hóa Việt Nam nói chung, trong tục ngữ, ca dao Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và Phật giáo nhưng nó vẫn thể hiện nét riêng. Nho giáo đưa ra ba mối quan hệ rường cột của con người: vua - tôi, cha - con, chồng - vợ với những chuẩn mực đạo đức quy định bổn phận của người dưới đối với người trên, đó là: tôi phải trung với vua, con phải hiếu với cha, vợ phải thuận theo chồng. Trong đó, quan hệ vua – tôi là quan hệ cao nhất và chữ trung được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, khi Nho giáo du nhập vào Việt Nam thì nhân dân ta đã không tiếp thu một cách nguyên xi mà đã tiếp biến cho phù hợp với quan niệm sống, đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam. Cha ông ta đã khai thác, kế thừa những điểm tích cực của Nho giáo để khẳng định và làm sâu sắc thêm những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Trong văn hóa Việt Nam nói chung, trong tục ngữ, ca dao Việt Nam nói riêng, chữ Hiếu luôn được đặt lên hàng đầu: “Làm con nết đủ trăm đường, Trước tiên điều hiếu đạo thường xưa nay”, “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên, Chữ rằng mộc bổn thủy nguyên, Làm người phải biết tổ tiên ông bà” [28, tr.55] (Con người có trăm đức nhưng đức hiếu là hàng đầu. Đó là đức tính cơ bản, đầu tiên cần có của con người). Cùng với Nho giáo, Phật giáo cũng có ảnh hưởng tới quan niệm về đạo làm con trong tục ngữ, ca dao Việt Nam. Phật giáo đề cao tình yêu thương bao la rộng lớn đối với con người, với chúng sinh muôn loài. Trên cơ sở tiếp thu tinh thần của đạo Phật, nhân dân ta cho rằng hiếu thảo với cha mẹ là cái gốc và là biểu hiện cao nhất của tình yêu thương con người. Vì thế, tu trước hết là phải tu tại gia, tu dưỡng lòng hiếu thảo với cha mẹ là việc làm trước tiên, là cái tu chân thật nhất, thiết thực nhất, cao quý nhất: “Thứ nhất thì tu tại gia, thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa”[66, tr.150], “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu”[37, tr.350]. Có thể nói, Phật giáo và Nho giáo đã làm sâu sắc thêm quan niệm về đạo làm con được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam. Bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam qua một số nội dung cơ bản sau: Một là, phận làm con phải kính trọng, biết ơn, hết lòng phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ. 

Trên cơ sở khẳng định công ơn trời biển, tình yêu thương, lòng bao dung, nhân từ, độ lượng của cha mẹ đối với con cái, cha ông ta cho rằng phận làm con phải kính trọng, biết ơn, hết lòng phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ. Điều đó luôn phải được khắc ghi trong tâm và được biểu hiện qua từng hành động cụ thể: “Bảo vâng gọi dạ con ơi, vâng lời sau trước con thời chớ quên. Công cha nghĩa mẹ ai đền, vào thưa ra gửi mới nên con người” [8, tr.184]. Con cái muốn nên người thì trước hết phải hiếu thảo, lễ phép, vâng lời cha mẹ, biết làm cho cha mẹ vui lòng, luôn hiếu kính với cha mẹ. Một người mà không biết hiếu kính với cha mẹ, người đã sinh thành, dưỡng dục mình thì không còn nói đến đạo lý gì nữa. Và khi cha mẹ về già, phận làm con phải hết lòng phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ: “Bé thì nhờ mẹ nhờ cha, lớn lên nhờ vợ, lúc già nhờ con”[66, tr.29]. Lúc còn nhỏ, cha mẹ chính là chỗ dựa của con cái. Cha mẹ nuôi nấng, dạy bảo để con khôn lớn trưởng thành, cha mẹ dành cả tâm sức cuộc đời để vun đắp cho cuộc sống, tương lai, hạnh phúc của con, dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Đến khi cha mẹ về già thì con cái lại trở thành chỗ dựa cho cha mẹ, có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng, báo đáp công ơn cha mẹ. Đó là quy luật của cuộc sống, là đạo lý ở đời. Dù cho hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần con cái có tấm lòng thành kính, luôn cố gắng dành cho cha mẹ những điều kiện tốt nhất mà mình có thể thì đó cũng chính là sự thể hiện tấm lòng hiếu thảo thực sự đối với cha mẹ: “Sáng cơm, trưa cháo, chiều trà. Chăm cha, chăm mẹ, tuổi già xa xăm” [35, tr.100], “… Công cha đức mẹ cao dày, Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ, Nuôi con khó nhọc đến giờ, Trưởng thành con phải biết thờ hai thân. Thức khuya dậy sớm chuyên cần, Quạt nồng ấp lạnh giữ phần đạo con” [48, tr.345]. Với hình ảnh giản dị “quạt nồng ấp lạnh”, tục ngữ, ca dao đã thể hiện thật sâu sắc bổn phận làm con trong việc chăm sóc cha mẹ. Mùa hè nóng bức, con phải quạt mát cho cha mẹ, mùa đông lạnh giá thì trước khi cha mẹ đi ngủ, con phải nằm ủ cho chăn ấm để cho cha mẹ không bị lạnh. Biểu hiện sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ trong tục ngữ, ca dao Việt Nam phản ánh điều kiện sống khó khăn, thiếu thốn của đông đảo quần chúng nhân dân lao động Việt Nam trong lịch sử nhưng có lẽ chính trong hoàn cảnh đó thì tình cảm của con cái với cha mẹ mới được thể hiện sinh động, sâu sắc như vậy. Hai là, phận làm con phải cố gắng tu dưỡng, học hành để làm rạng rỡ gia đình, dòng họ. 

Việc báo hiếu của con cái đối với cha mẹ không chỉ đơn thuần ở mặt vật chất, không chỉ dừng lại ở việc phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ mà phận làm con còn phải biết quan tâm cha mẹ về mặt tinh thần, phải cố gắng tu dưỡng, học hành để cha mẹ vui lòng, làm rạng rỡ gia đình, dòng họ. Làm cha làm mẹ, ai cũng mong con khôn lớn, trưởng thành, học hành giỏi giang, có cuộc sống hạnh phúc, có địa vị trong xã hội, làm rạng danh gia đình, dòng họ. Sự thành công của con cái chính là món quà tinh thần vô giá, là một trong những cách thể hiện sự đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ: “Con cái khôn ngoan vẻ vang cha mẹ” [66, tr.52], “Con hơn cha là nhà có phúc” [66, tr.53], “Mai ngày treo biển đề tên, Khoa khôi lại gặp được thì thánh minh. Lộc trời tước nước hiển vinh, Báo đền đôi đức dưỡng sinh bất chầy”[60, tr.145]. Con người trong truyền thống là con người gắn bó mật thiết với gia đình, dòng họ và giá trị của mỗi cá nhân có ảnh hưởng tới bộ mặt của cả gia đình, dòng họ: “Một người làm nên cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ mất nhờ”, “Một người làm quan thì sang cả họ”[66, tr.109]. Mỗi con người không những là niềm tự hào, là tài sản lớn nhất của cha mẹ mà còn là tài sản, là sự tiếp nối, là bộ mặt của cả dòng họ. Vì thế, mỗi người con của gia đình, dòng họ phải thể hiện sự hiếu thảo của mình bằng cách cố gắng tu dưỡng, học hành để làm rạng rỡ gia đình, dòng họ. 

Ba là, phận làm con phải hết lòng phụng thờ khi cha mẹ khuất bóng. 

Phận làm con không những phải hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ còn sống, biết trân quý những phút giây còn có cha mẹ mà còn phải hết lòng phụng thờ khi cha mẹ khuất bóng. Với niềm tin rằng, ông bà, cha mẹ sau khi chấm dứt cuộc sống trên trần gian thì lại tiếp tục bắt đầu cuộc sống mới ở thế giới bên kia mà hai thế giới này lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Người ở thế giới bên kia có thể hộ trì cho con cháu trên trần gian đồng thời, con cháu trên trần gian có thể chu cấp, lo toan cho cuộc sống của người ở thế giới bên kia. Chính vì thế, cha ông ta quan niệm tình yêu thương, sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ không những được thể hiện khi cha mẹ còn sống mà còn tiếp tục được thể hiện khi cha mẹ qua đời. Phận làm con phải trước sau vẹn toàn, một đời thành kính, phụng thờ cha mẹ. Khi cha mẹ còn sống thì phận làm con phải phụng dưỡng, chăm sóc và khi cha mẹ khuất bóng thì phải hết lòng phụng thờ để yên lòng cha mẹ nơi chín suối: “Thờ cha mẹ, ở hết lòng, Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường” [68, tr.559], “Khôn ngoan nhờ ấm cha ông, làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ. Đạo làm con chớ hững hờ, phải đem hiếu kính mà thờ từ nghiêm” [37, tr.350]. Tư tưởng trên là sự thể hiện lối sống trọng tình, trước sau như một của người Việt Nam. 

Đạo làm người trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam là những nguyên tắc đạo đức căn bản, cốt lõi quy định bổn phận từ hai phía: cha từ, con hiếu. Cha mẹ có bổn phận sinh thành, dưỡng dục, yêu thương, bao dung, nhân từ độ lượng với con cái; con cái trọn đời phải biết yêu thương, kính trọng, hiếu thảo đền đáp công ơn cha mẹ. Đạo cha con trong tục ngữ, ca dao Việt Nam nghiêng nhiều đến việc giáo dục thái độ biết ơn của con cái đối với công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, từ đó dẫn đến thái độ kính yêu và trách nhiệm chăm sóc, phụng thờ cha mẹ. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo nhưng quan hệ cha mẹ và con cái trong tục ngữ, ca dao Việt Nam không cứng nhắc, khắc nghiệt như Nho giáo (“Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”) mà lại mềm dẻo, mang tính dân chủ, nhân văn sâu sắc dựa trên tình yêu thương vô điều kiện từ cả hai phía. 

3.2.2. Đạo làm người được thể hiện qua mối quan hệ vợ chồng (Tình nghĩa) 

Mối quan hệ vợ chồng là một trong những mối quan hệ thiêng liêng, quyết định sự hạnh phúc hay bất hạnh đối với mỗi con người. Đó là mối quan hệ tình nghĩa dựa trên sự gắn bó, hòa quyện cả về tinh thần và vật chất, cùng chia ngọt sẻ bùi, vượt qua khó khăn trong cuộc sống để xây đắp gia đình hạnh phúc. Đạo làm người được thể hiện qua mối quan hệ vợ chồng trong tục ngữ, ca dao Việt Nam là những nguyên tắc đạo đức căn bản, cốt lõi quy định bổn phận của chồng đối với vợ và của vợ đối với chồng. 

3.2.2.1. Đạo làm vợ 

Do ảnh hưởng bởi chế độ phụ quyền, tư tưởng tam tòng, tứ đức nên trong mối quan hệ vợ chồng, tục ngữ, ca dao Việt Nam nói khá nhiều về bổn phận của người vợ. Trong đó, vợ phải thuận theo chồng, nhún nhường chồng, hết lòng vì chồng trên cơ sở tình yêu thương và khát vọng xây dựng gia đình hạnh phúc. Phụ nữ khi lấy chồng thì phải theo chồng: “Thuyền theo lái, gái theo chồng” [66, tr.151], “Lấy chồng bắt thói nhà chồng, thôi đừng theo thói cha ông nhà mình” [66, tr.97]. Người vợ, người con dâu phải hết lòng vì gia đình nhà chồng, lo toan, gánh vác mọi công việc gia đình, thậm chí cả công việc của dòng họ nếu là dâu trưởng. Câu tục ngữ “Con gái là con người ta, Con dâu mới thật mẹ cha mua về”[48, tr.351] khẳng định khi người con gái đi lấy chồng thì thường ít có điều kiện gần gũi, quan tâm chăm sóc bố mẹ đẻ, mà chủ yếu dành thời gian cho công việc nhà chồng vì thế mới nói “con gái là con người ta”. Mọi công việc trong gia đình, sự chăm sóc bố mẹ chủ yếu lại do người con dâu gánh vác. Con dâu mới là người sống bên bố mẹ chồng nhiều nhất, có điều kiện và trách nhiệm quan tâm chăm sóc bố mẹ chồng nhiều hơn con gái vì thế mà mặc dù không có liên hệ về huyết thống và không được cha mẹ chồng thực sự yêu thương nhưng do trách nhiệm, đạo lý mà người con dâu lại có sự gắn bó với gia đình nhà chồng hơn cả con gái cho nên mới nói “Con dâu mới thật mẹ cha mua về” là như vậy. Điều đó thể hiện sự ghi nhận vị trí, sự đóng góp và trách nhiệm của người con dâu đối với gia đình nhà chồng. 

Khi có phát sinh mâu thuẫn với chồng hoặc gia đình chồng thì người vợ, người con dâu phải nhẫn nhịn để giữ yên cửa nhà, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Do bản tính đàn ông thường nóng nảy hơn so với phụ nữ vì thế trước những mâu thuẫn nảy sinh, người vợ cần biết nhún nhường chồng: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê” [66, tr.45]. Người phụ nữ Việt Nam nhún nhường chồng, thuận theo chồng, một lòng vì gia đình chồng không phải do ép buộc mà xuất phát từ tình thương, sự thấu hiểu chồng và khát vọng xây đắp gia đình hạnh phúc: “Thương chồng nên phải gắng công” [37, tr.235], “Chồng em áo rách em thương, chồng người áo gấm xông hương mặc người” [66, tr.45]. Đồng thời, trong mối quan hệ của nàng dâu với gia đình nhà chồng thì mối quan hệ nàng dâu với mẹ chồng từ xưa luôn là mối quan hệ dễ phát sinh nhiều mâu thuẫn. Về mặt huyết thống, với gia đình nhà chồng thì người con dâu chỉ là người dưng, khác máu tanh lòng. Hơn nữa khi nàng dâu về nhà chồng, tình cảm của người con trai sẽ được san sẻ cho con dâu, ngoài ra, trong cuộc sống không thể tránh khỏi sự khác biệt thậm chí là mâu thuẫn về cách nghĩ, lối sống với gia đình nhà chồng. Tất cả những điều đó làm cho mối quan hệ giữa nàng dâu với gia đình nhà chồng mà đặc biệt là với mẹ chồng thường hết sức phức tạp: “Mẹ chồng nàng dâu, chủ nhà người ở yêu nhau bao giờ” [66, tr.104], “Trời mưa ướt lá đài bi, Con mẹ mẹ xót, xót gì con dâu” [37, tr.374], “Đói thì ăn khế ăn sung, Trông thấy mẹ chồng thì nuốt chẳng trôi” [37, tr.368]. Mối quan hệ đó sẽ càng trở nên phức tạp nếu người vợ không có người chồng biết thấu hiểu và biết cư xử. Sống trên cương vị một người vợ và người con dâu, người phụ nữ phải nhẫn nhịn, khéo léo để giữ hòa khí gia đình. Sự nhẫn nhịn là cách để người phụ nữ giữ hạnh phúc gia đình, cách thể hiện tình cảm yêu chồng thương con: “Từ khi em về làm dâu, Anh thì dặn trước bảo sau mọi lời, Mẹ già dữ lắm em ơi! Nhịn ăn nhịn mặc, nhịn lời mẹ cha, Nhịn cho nên cửa nên nhà, Nên kèo, nên cột, nên xà tầm vông, Nhịn cho nên vợ nên chồng, Thời em coi sóc lấy trong cửa nhà. Đi chợ thời chớ ăn quà, Đi chợ thời chớ rề rà ở trưa” [37, tr.375]. Vợ phải đồng hành cùng chồng lúc gian khổ để vượt qua tất cả khó khăn trong cuộc sống. Dù cho cuộc sống có sướng khổ, đói no, vui buồn thì người phụ nữ vẫn phải vui vẻ chấp nhận, sẵn sàng cùng chồng đi đến chân trời góc bể: “Đôi ta chung một cảnh nghèo, Anh cày em cuốc sớm chiều có nhau. Yêu nhau đến thủa bạc đầu, Dù mưa dù nắng dãi dầu sắt son, Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn”[66, tr.391], “Có chồng thì phải theo chồng, Đắng cay cũng chịu, mặn nồng cũng vui” [37, tr.126], “Đi đâu cho thiếp đi cùng, Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam” [48, tr.319], “Rủ nhau lên núi đốt than, Chồng mang đòn gánh, vợ mang quang gánh. Củi than nhem nhuốc với tình, Ghi lời vàng đá xin đừng quên nhau” [66, tr.637]. 

Đặc biệt, khi chồng chết, người phụ nữ phải ở vậy, thờ chồng, nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ chồng: “Gái chính chuyên chẳng lấy hai chồng” [66, tr.76], “Ghe bầu chở lái về đông, làm thân con gái thờ chồng nuôi con” [37, tr.230]. Họ phải sống theo hình mẫu đã định sẵn, đi con đường mòn mà người khác vẽ ra, sống cuộc đời do người khác sắp đặt. Xã hội đã kìm kẹp người phụ nữ trong những khuôn khổ chật hẹp của lễ giáo phong kiến, làm cho người phụ nữ đánh mất quyền tự do, quyền được sống hạnh phúc, quyền được là chính mình. Nhận thức được sự bất công này, nhân dân ta đã thể hiện tiếng nói đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người phụ nữ. Khi người chồng chết, người phụ nữ hoàn toàn có thể tái giá: “Ông chết thì thiệt thân ông, Bà tôi sắp sửa lấy chồng nay mai. Bà chết thì thiệt thân bà, Ông tôi sắp sửa lấy ba nàng hầu”[48, tr.336]. Ngoài ra, tư tưởng tiến bộ được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam đó là tư tưởng giải phóng cho nhau khi hôn nhân bất hạnh để đi tìm hạnh phúc mới: “Xưa kia ở với mẹ cha, Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành. Từ ngày tôi ở với anh, Anh đánh anh mắng, anh tình phụ tôi. Đất xấu nặn chả nên nồi, Anh đi lấy vợ, cho tôi lấy chồng” [48, tr.306]. Tục ngữ, ca dao Việt Nam cũng thể hiện cái nhìn cởi mở đối với việc tái giá của người phụ nữ: “Rượu ngon, cái cặn cũng ngon, Thương em chẳng luận chồng con mấy đời” [48, tr.238]. Đây là tư tưởng nhân văn, tiến bộ, thể hiện tình yêu thương, sự trân trọng người phụ nữ, cởi trói người phụ nữ khỏi những quy định hà khắc của lễ giáo phong kiến để họ có được hạnh phúc thực sự. Mặc dù, nằm trong vòng cương tỏa của chế độ phong kiến với nhiều quy định hà khắc nhưng tư tưởng mà nhân dân ta gửi gắm trong tục ngữ, ca dao Việt Nam đã vượt lên trên tất cả những quy định đó. Từ đó, cho thấy khát vọng hướng tới hạnh phúc, tự do là khát vọng mạnh mẽ, cao đẹp, không gì ngăn cản nổi của con người ở mọi thời đại. 

Có thể nói, đạo làm vợ được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam mang những sắc thái đan xen, vừa thể hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ, vừa thể hiện tinh thần dân chủ, nhân văn, thái độ đấu tranh nhằm bảo vệ và giải phóng phụ nữ. Mặc dù, Nho giáo có ảnh hưởng khá rõ nét đến quan niệm đạo làm người của nhân dân ta nhưng chúng ta đã không tuân thủ một chiều những lễ giáo phong kiến mà đã thể hiện thái độ phản kháng một cách tinh tế, không tạo ra sự mâu thuẫn. Đó chính là thái độ khoan hòa và khôn khéo trong ứng xử của dân tộc ta và là một trong những đặc trưng của tư tưởng triết học bình dân Việt Nam. 

3.2.2.2. Đạo làm chồng

Tục ngữ, ca dao Việt Nam khẳng định bổn phận của chồng đối với vợ đó là: chồng phải thấu hiểu được vai trò, sự đóng góp của vợ trong việc xây đắp gia đình; biết yêu thương, trân trọng, đỡ đần và không phụ vợ; biết tu dưỡng tài đức để vợ được cậy nhờ. 

Một là, chồng phải thấu hiểu được vai trò, sự đóng góp của vợ trong việc xây đắp gia đình. 

Vợ có vai trò quan trọng, là người tề gia nội trợ, quán xuyến công việc gia đình. Từ việc ma chay đình đám, cúng giỗ, đến việc nhà cửa, bếp núc chủ yếu đều do người vợ sắp đặt “Trai có vợ tề gia nội trợ” [37, tr.85]. Cách sống, cách đối nhân xử thế của người vợ ảnh hưởng lớn đến cách sống và hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như quan hệ của gia đình với dòng họ và hàng xóm láng giềng. Một người vợ tốt sẽ giúp chồng gắn kết gia đình với dòng họ, gia đình với hàng xóm, làm cho anh em thêm gần gũi gắn bó, làm cho hàng xóm thêm đoàn kết, chia sẻ, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Còn ngược lại, nếu người vợ không biết ăn ở thì chẳng những sẽ làm mất hạnh phúc gia đình mà còn làm mất đi tình cảm của dòng họ và hàng xóm. Chẳng thế mà cha ông ta từng nói: “Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng” [66, tr.61] và cũng vì thế mà cha ông ta luôn đề cao, trân trọng những người con dâu, những người vợ hiền thảo đem lại phúc khí cho gia đình, xem họ như người con ruột: “Dâu hiền nên gái, rể hiền nên trai” [66, tr.61]. 

Sự xuất hiện của người vợ đã làm thay đổi vị thế của người đàn ông trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Theo quan niệm của cha ông ta, trong quá trình lập thân lập nghiệp của người đàn ông luôn cần có sự hỗ trợ đắc lực của người vợ, xem việc lấy vợ là công việc trọng đại trong cuộc đời: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà, Trong ba việc ấy thật là khó thay” [66, tr.140], “Chồng như đó, vợ như hom” [66, tr.45]. Việc lấy vợ, có gia đình riêng sẽ nâng vị thế của người đàn ông thành người chủ gia đình. Dù người đàn ông có giỏi giang, thành đạt đến đâu đi nữa nhưng chưa có gia đình riêng, chưa yên bề gia thất thì vẫn xem như chưa thành đạt, chưa trở thành người trụ cột. 

Đồng thời, vợ còn là chỗ dựa, là hậu phương cho chồng, cùng chồng làm ăn xây đắp gia đình. Do đặc điểm của công việc nhà nông với nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi phải có sự chịu khó, tỉ mỉ nên vợ là người hỗ trợ đắc lực cho chồng trong lao động sản xuất. Không những thế, vợ còn là người bạn, là chỗ dựa tinh thần của chồng, là người tham mưu cho chồng trong nhiều công việc cuộc sống: “Làm ruộng phải có trâu, làm giàu phải có vợ” [37, tr.231], “Nhà khó cậy vợ hiền, nước loạn nhờ tướng giỏi”[37, tr.233]. Dưới chế độ khoa cử phong kiến, không ít người phụ nữ còn nuôi chồng ăn học thành tài, làm rạng rỡ gia đình, dòng họ: “Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ, Dầu hao thiếp rót, đền mờ thiếp khêu”[48, tr.315], “Em thời canh cửi trong nhà, Nuôi anh đi học đăng khoa bảng vàng. Trước là vinh hiển tổ đường, Bõ công đèn sách, lưu phương đời đời”[37, tr.273]. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước thường xuyên phải đối diện với giặc ngoại xâm, những người đàn ông, người chồng phải lên đường ra chiến trận thì người vợ lại giữ vai trò trụ cột gia đình, thay chồng gánh vác mọi công việc: 

Trời mưa cho ướt lá bầu, Vì ai nên phải đi hầu, chàng ơi! Nhà vua cho lệnh về đòi, Đồn rằng chàng trẩy hai mươi tháng này. Tiền gạo em xếp đã đầy, Đồ nai áo nịt, quần, giầy, thắt lưng. Đồn rằng chàng trẩy hay đừng, Ở nhà công việc nửa mừng nửa lo. Ruộng nương ai chịu cấy cho, Để thiếp ở lại, đói no vài đồng! Lấy gì đóng góp cho chồng? Lấy gì giỗ chạp tổ tông, ông bà? Lấy gì nuôi mẹ, nuôi cha? Lấy gì thu xếp cửa nhà, chàng ơi! [48, tr.387-388]. 

Người vợ phải lo việc cấy cầy, sản xuất để phục vụ nhu cầu của gia đình, lo đóng góp cho chồng, lo cưới hỏi anh em, lo cúng giỗ tổ tiên, lo chăm sóc cha mẹ, con cái, quán xuyến mọi công việc gia đình và sẵn sàng chiến đấu khi giặc đến nhà: “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh” [66, tr.80]. Nhận thức được vai trò quan trọng của người vợ trong gia đình, cha ông ta khẳng định mọi thành công của người chồng đều có sự đóng góp của người vợ: “Của chồng công vợ” [66, tr.58], “Chồng sang vì vợ” [33, tr.561]. 

Vợ là thành viên có vai trò quan trọng trong việc sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống: “Thành viên đó có sứ mệnh cực kỳ lớn lao và trọng đại, đó là làm cho nòi giống của chồng, gia đình chồng, dòng họ nhà chồng tiếp tục tồn tại và phát triển”[71, tr.67]. Đó là thiên chức thiêng liêng nhưng cũng đầy vất vả của người vợ, là công việc mà người chồng không thể đỡ đần, làm thay được: “Đàn ông vượt biển có chúng bạn, đàn bà vượt cạn chỉ có một mình”[37, tr.229]. Người phụ nữ không những sinh con mà còn có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nuôi dạy con. Dường như tính cách, đạo đức, tài năng của người con phụ thuộc chủ yếu vào người mẹ vì thế mà: “Phúc đức tại mẫu”[66, tr.130], “Con hiền tại mẹ”[33, tr.737], “Con nhờ đức mẹ”[33, tr.750]. Thực tế chứng minh sự vất vả, hy sinh của người phụ nữ trong việc nuôi con, vì thế, tục ngữ, ca dao Việt Nam một mặt khẳng định công ơn to lớn của cả cha và mẹ, mặt khác bao giờ cũng trân trọng, đề cao vai trò của mẹ hơn: “Cha sinh chẳng bằng mẹ dưỡng”[66, tr.37], “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá đầu chợ”[34, tr.1789]. 

Có thể nói, người vợ có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống gia đình. Họ vừa đảm nhận việc tề gia nội trợ, là hậu phương, là chỗ dựa cho chồng; đồng thời họ cũng là người sinh con đẻ cái, nuôi dạy con cái khôn lớn trưởng thành. Vì vậy, người chồng phải thấu hiểu được vai trò, sự đóng góp của vợ trong việc xây đắp gia đình. Nói về vai trò của người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình, Đỗ Huy từng khẳng định: “Họ là lực lượng duy nhất sản xuất ra con người. Họ là người thầy đầu tiên giáo dục các thành viên tương lai của xã hội. Họ là lực lượng điều hòa tình cảm và giữ gìn sự tồn vong của gia đình” [26, tr.36]. 

Hai là, chồng phải biết yêu thương, trân trọng, đỡ đần và không phụ vợ; biết tu dưỡng tài đức để vợ được cậy nhờ. 

Trên cơ sở thấu hiểu vị trí, vai trò, sự vất vả của người phụ nữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam khẳng định người đàn ông, người chồng phải biết yêu thương, trân trọng, chia sẻ, đỡ đần vợ và không phụ vợ: “Giàu về bạn, sang về vợ”[37, tr.84], “Đàn ông học sẩy học sàng, đến khi vợ đẻ thì làm mà ăn”[37, tr.85], “Phụ vợ, không gặp vợ”[37, tr.85], “Đói no một vợ một chồng, chia niêu sẻ đấu đau lòng nát gan”[37, tr.229]. Chính sự thấu hiểu, tình yêu thương, tôn trọng của chồng đối với vợ sẽ giúp người vợ có thêm động lực để làm tốt bổn phận của mình, hết lòng vì chồng con, là hậu phương vững chắc cho chồng.
Ảnh hưởng bởi tư tưởng phụ quyền của Nho giáo, người đàn ông, người chồng đóng vai trò quan trọng, là trụ cột trong gia đình, phải có trách nhiệm với cuộc sống của vợ con; còn vợ có vai trò phụ thuộc, phải theo chồng, sống dựa vào chồng: “lấy chồng thì dù hay, dở, sống, chết thế nào cũng là người nhà chồng, chỉ nương nhờ về chồng - con, chớ không nương nhờ ai được nữa”[4, tr.62]. Do đó, người chồng không những phải biết yêu thương, trân trọng, đỡ đần và không phụ vợ mà còn phải biết tu dưỡng tài đức để vợ được cậy nhờ: “Làm trai quyết chí tang bồng, sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam”, “Làm trai cho đáng nên trai, đánh đông đông tĩnh, đánh đoài đoài tan”[67, tr.798]. Nếu lấy được người chồng giỏi giang thì vợ sẽ được cậy nhờ, có cuộc sống sung túc; ngược lại, người vợ sẽ phải vất vả, gồng gánh để lo liệu cuộc sống: “Chồng khôn vợ được đi hài, vợ khôn chồng được nhiều bài cậy trông”, “Chồng sang vợ được đi giày, vợ ngoan chồng được tối ngày cậy trông”[66, tr.45]. Vì vậy, những ông chồng khôn ngoan, giỏi giang, hay chữ luôn là mơ ước của phụ nữ. Những người chồng như thế được ví như tiên, như rồng, như soi gương vàng: “Lấy chồng biết chữ là tiên, Lấy chồng dốt chữ là duyên nợ đời”[68, tr.404], “Phận gái lấy được chồng khôn, Xem bằng cá vượt Vũ Môn hóa rồng”[68, tr.315], “Đêm nằm nghĩ lại mà coi, Lấy chồng hay chữ như soi gương vàng”[68, tr.376].  Mặc dù chịu ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam khinh nữ nhưng quan niệm đạo vợ chồng trong tục ngữ, ca dao Việt Nam đã thể hiện tư tưởng dân chủ, tiến bộ, thái độ trân trọng, đề cao người phụ nữ. Người phụ nữ có vị trí tương đối bình đẳng so với chồng, họ là người “tay hòm chìa khóa”, là người giữ lửa trong gia đình, cùng chồng quyết định mọi công việc chung: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”[66, tr.148]. Nhiều khi, người phụ nữ có vai trò quan trọng hoặc quyền lực trội hơn so với chồng: “Lệnh ông không bằng cồng bà”[66, tr.98], “Nhất vợ nhì trời”[66, tr.121]. Câu tục ngữ trên đã cường điệu hóa một cách hóm hỉnh vai trò của người vợ nhưng nó đã góp phần chống lại tư tưởng gia trưởng, trọng nam khinh nữ trong gia đình. Có thể giải thích nguyên nhân của tư tưởng dân chủ, tiến bộ này là do: 

Trước hết, do xuất phát từ việc người đàn ông thấu hiểu vai trò, tầm quan trọng của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. 

Hai là, do truyền thống trọng phụ nữ của dân tộc. Truyền thống này được hình thành trên cơ sở thực tiễn Việt Nam là một đất nước trải qua nhiều chinh chiến vì thế “Người phụ nữ phải thay người đàn ông lao động cày cấy, đắp đê chống lụt, khai sông chống hạn, nuôi dạy con cái, thờ cúng tổ tiên, và sản xuất quân lương gửi ra tiền tuyến… Trong hùng thiêng sông núi, trong cõi sâu thẳm của mọi tâm hồn con người, mẹ là giá trị văn hóa thiêng liêng và cao cả”[26, tr.36-37]. 

Ba là, đây là cách thể hiện sự chống đối lại tư tưởng Nho giáo của nhân dân ta. 

Nho giáo du nhập vào Việt Nam được xem là công cụ của giai cấp thống trị. Nó xây dựng trật tự trên dưới trong các mối quan hệ của con người mà ở đó người dưới phải phụng tùng người trên, vợ phải phục tùng chồng. Nhân dân ta vốn có tư tưởng trân trọng người phụ nữ, do đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo khi được truyền bá vào Việt Nam đã vấp phải sự phản kháng của nhân dân. Nho giáo với tư tưởng trọng nam khinh nữ, coi trọng cha thì truyền thống văn hóa Việt Nam lại trọng mẹ. Trong khi Nho giáo đề cao vai trò của người chồng thì người Việt Nam lại đề 95 cao vai trò của người vợ trong gia đình. Tuy nhiên, do đặc điểm lối tư duy, cách ứng xử của dân tộc ta vốn linh hoạt, mềm dẻo, khoan dung nên một mặt chúng ta vẫn tiếp thu tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của Nho giáo nhưng mặt khác lại thể hiện sự đấu tranh chống lại tư tưởng này một cách khôn khéo mà không tạo ra sự mâu thuẫn đối chọi. 

Người Việt không chấp nhận quyền uy tối thượng của người cha trong gia đình và sự phục tùng tuyệt đối của người vợ theo nguyên tắc “phu xướng phụ tùy”, cũng không coi thuyết “tam tòng” là phương hướng hành động của người phụ nữ trong gia đình. Người Việt đã tìm ra được phương hướng ứng xử hợp lý hơn trong quan hệ vợ chồng. Đó là “thuận vợ thuận chồng” thay vì “phu xướng phụ tùy”[71, tr.214]. 

Có thể nói, quan hệ vợ chồng chính là quan hệ nền tảng trong gia đình. Điểm nổi bật của quan hệ vợ chồng trong tục ngữ, ca dao Việt Nam chính là sự đề cao tình yêu thương son sắt, sự tôn trọng, gắn bó thủy chung, cùng nhau vượt qua khó khăn gian khổ để xây đắp gia đình hạnh phúc. Người chồng phải thấy được vai trò, sự đóng góp của vợ trong việc xây đắp gia đình, luôn có thái độ trân trọng vợ, biết chia sẻ, đỡ đần và không phụ vợ, biết tu dưỡng tài đức để vợ được cậy nhờ; người vợ phải hết mực yêu chồng, biết nhún nhường chồng, biết chia sẻ, gánh vác công việc với chồng, là hậu phương vững chắc cho chồng. Mặc dù, quan niệm đạo vợ chồng trong tục ngữ, ca dao Việt Nam còn thể hiện tư tưởng phụ quyền, tư tưởng tam tòng, tứ đức nhưng nó không cứng nhắc mà vẫn thể hiện tinh thần bình đẳng, nhân văn, tiến bộ. Cả vợ và chồng đều phải kính trọng nhau, cùng nhau làm tròn bổn phận của mình để giữ được đạo vợ chồng: “sự kính trọng lẫn nhau (tương kính) là nguyên tắc nền tảng của đạo vợ chồng” [dẫn theo 27, tr.154]. 

3.2.3. Đạo làm người được thể hiện qua mối quan hệ anh chị em (Kính - nhường) 

Mối quan hệ anh chị em là mối quan hệ huyết thống thiêng liêng của con người. Đạo làm người trong mối quan hệ này là những nguyên tắc đạo đức quy định bổn phận từ hai phía trên cơ sở tình yêu thương, sự gắn bó máu thịt, sự tương trợ, sẻ chia để giữ tình thân trong gia đình. Trước hết, tục ngữ, ca dao Việt Nam khẳng định tình cảm anh chị em là tình cảm gắn bó không thể tách rời: “Anh em cốt nhục đồng bào”[33, tr.55], “Anh em như nước một dòng, Như cây một cội, như sông một nguồn”[66, tr.180], “Anh em nào phải người xa, Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân”[68, tr.603]. Người Việt Nam rất coi trọng gia đình, dòng họ với tư tưởng huyết tộc: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”[66, tr.108] vì thế anh em trong nhà lại càng có sự gắn bó thân thiết. Mối quan hệ anh em là mối quan hệ bình đẳng, cùng là phận làm con trong gia đình do đó anh em phải biết yêu thương, quý trọng, nhường nhịn nhau: “Chị em trên kính dưới nhường, là nhà có phúc mọi đường yên vui”[37, tr.106], “Anh em trên thuận dưới hòa, họ hàng đẹp mặt, mẹ cha vui lòng”[33, tr.60]. Gia huấn ca cũng viết: “Làm anh biết yêu, Làm em biết trọng”[1, tr.18-19]. Với truyền thống trọng gia đình, dòng họ của người Việt Nam, mỗi cá nhân giao tiếp với xã hội thông qua gia đình, lấy danh nghĩa gia đình và gia đình chính là thể diện của mỗi cá nhân vì thế sự hòa hợp, hạnh phúc của gia đình là mục tiêu mà mỗi thành viên phải hướng tới xây dựng. Anh em trong nhà phải trên kính dưới nhường, biết yêu thương, kính trọng nhau để gia đình hòa thuận, hạnh phúc. 

Phận làm anh phải biết yêu thương, bao bọc, nhường nhịn, xây đắp cho em. Khi còn nhỏ, anh chị phải biết phụ giúp bố mẹ trông nom, chăm sóc em, hết mực yêu thương em: “Em ơi đừng khóc chị yêu, Nín đi chị kể truyện Kiều cho nghe”[29, tr.124], “Em tôi khát sữa bú tay, Ai cho bú thép (bú nhờ) ngày ngày cám ơn”[68, tr.606], “Ru em, em hãy nín đi, Kẻo mà mẹ đánh em thì em đau”[68, tr.608], “Ru em, em ngủ cho rồi, Chị ra buồng cửi chị ngồi quay tơ. Năm nay tơ kén được mùa, Chị xin thầy mẹ mua cho mấy đồng”[68, tr.609]. Gia đình Việt Nam truyền thống vốn là gia đình đông con. Cha mẹ hàng ngày đi làm nên anh chị em phải tự trông coi, chăm sóc nhau, con chị bồng con em. Có nhiều gia đình, con đầu cách con út vài chục tuổi nên anh chị có vai trò rất quan trọng trong việc đỡ đần cha mẹ, thay cha mẹ chăm sóc các em, chị chăm em cũng tựa như mẹ chăm con. Vì thế, tình cảm của anh chị với em có những điểm giống tình cảm cha mẹ với con cái. Anh chị vừa trông nom, dỗ dành, ru em ngủ, lo cho em khỏi bị đói, xin sữa cho em, mong em ngủ ngoan, hay ăn chóng lớn; vừa tham gia sản xuất, đỡ đần cha mẹ việc nhà. Đến khi khôn lớn trưởng thành thì anh chị phải biết yêu thương, bao bọc, sẻ chia, giúp đỡ em, cùng phấn đấu xây dựng gia đình thuận hòa, hạnh phúc: “Em ngã đã có chị nâng”[33, tr.1156], “Con chị dắt con em”[37, tr.106], “Của anh như của chú”[37, tr.105]. Để thực hiện được bổn phận đó cũng không hề đơn giản, đòi hỏi mỗi người phải thấy được tình cảm gắn bó ruột thịt anh em, biết yêu thương, nhường nhịn, lo lắng cho em như cho chính bản thân mình: “Làm chị phải lành, làm anh phải khó”[37, tr.105]. Có nhiều gia đình, do anh em cách nhau vài chục tuổi nên khi em đến tuổi dựng vợ gả chồng thì bố mẹ tuổi đã cao, do đó, anh chị lại là người thay bố mẹ đứng ra gánh vác công việc, lo liệu, vun vén, xây đắp cho em. Vốn có tư tưởng yêu thương, xây đắp, tạo dựng cho nhau và tình anh em vốn có nhiều điểm giống với tình cha con nên trước ảnh hưởng của tư tưởng “Quyền huynh thế phụ”[37, tr.105] (tư tưởng Nho giáo được dân gian hóa thành câu tục ngữ) thì mối quan hệ anh chị em càng được củng cố, vai trò của anh chị càng được khẳng định. Anh phải có trách nhiệm yêu thương, xây đắp cho em; là người có quyền thay cha quyết định mọi công việc trong gia đình. Đặc biệt khi cha mẹ mất, anh sẽ là người lo lắng, xây dựng cho em: “Cha mất rồi thì người anh là người thay mặt cho cha mà trông nom các em. Em còn thơ bé thì anh phải nuôi nấng, rồi lo dựng vợ, gả chồng cho em nữa, gọi là quyền huynh thế phụ”[4, tr.14]. Đó chính là sự thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm đối với gia đình, thể hiện sự hiếu thảo đối với cha mẹ, là đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, giúp cho mỗi người biết sống có trách nhiệm để vun đắp cho những người thân yêu của mình, gia đình mình, góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Quan hệ anh em không phải là quan hệ một chiều mà phận làm em phải biết kính trọng, yêu thương, đỡ đần và nghe theo anh: “Chị ngã em nâng”[66, tr.40], “Chị dại đã có em khôn”[37, tr.106]. Truyền thống văn hóa của dân tộc ta là trọng người trên, con cái phải kính trọng cha mẹ, em phải kính trọng anh, phải nghe theo lời chỉ bảo đúng đắn của anh chị đồng thời phải biết yêu thương, đỡ đần anh chị. Tục ngữ có câu “Ông bảy mươi học ông bảy mốt”[66, tr.128], huống hồ là anh chị của mình, những người luôn yêu thương mình, luôn muốn tốt cho mình, luôn sẵn sàng chia sẻ, bảo ban mình để mình tiến bộ vì thế phận làm em phải biết kính trọng anh chị. Dù đúng sai thế nào cũng nên lắng nghe để rồi tự suy ngẫm và đưa ra quyết định đúng đắn. Cha ông ta lên án phận làm em không biết thương yêu, chia sẻ với anh chị: “Em ngã thì chị phải nâng, đến khi chị ngã em bưng miệng cười”[37, tr.106], “Con chị cõng con em, con em lèn con chị”[37, tr.106]; đồng thời cũng lên án những người làm anh không làm tròn bổn phận của mình, không có tình thương yêu đối với em, ỷ thế làm anh để lợi dụng em, không biết bao bọc, đỡ đần em, để em phải chịu thiệt thòi: “Phận đàn em ăn thèm vác nặng”[37, tr.252], “Anh ngủ, em thức; em chực, anh đi nằm”[37, tr.251], “Ăn là anh, làm là em”[67, tr.128]. Mặc dù, mối quan hệ anh chị em có những điểm tương đồng như mối quan hệ cha - con nhưng thực chất mỗi người đều có cuộc sống, có gia đình riêng của mình, không thể ở mãi với nhau được “Anh em kiến giả nhất phận”[33, tr.58], “Anh em phận ai phận ấy” [33, tr.59] do đó mỗi người phải biết tự xây đắp cho mình, đứng trên đôi chân của mình, không dựa dẫm vào ai, không nên bắt anh này hay chị kia phải có trách nhiệm với mình. Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính đã viết: “Thường tình thì anh em phương trưởng, phận ai người nấy lo. Nhà phong phú thì cha mẹ lập cho con một cơ nghiệp, nhà tầm thường thì ai phải lo thân người ấy, có tư cấp ít nhiều, chớ không mấy người đùm bọc lấy nhau được mãi”[4, tr.13-14]. Đức Phật cũng từng dạy rằng: Con người hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự thắp đuốc mà đi. Chỉ khi nào con người xác định rõ được mục tiêu, lẽ sống cho mình, có trách nhiệm với chính mình, có ý thức làm chủ cuộc đời mình thì mới có đủ sức mạnh để vượt qua những trở ngại của cuộc sống, sống có ích và có thể đóng góp vào sự phát triển xã hội. Vì thế, anh em trong gia đình nói là phải đùm bọc, giúp đỡ, xây đắp cho nhau nhưng mỗi người cần phải tự lập, tự chủ là chính. Qua tục ngữ, ca dao Việt Nam, cha ông ta khẳng định tình cảm thiêng liêng giữa anh chị em đồng thời cũng khẳng định mối quan hệ này rất dễ nảy sinh mâu thuẫn. Anh em cùng do cha mẹ sinh ra, về cơ bản có quan hệ bình đẳng với nhau và mỗi người lại có tính cách, quan điểm khác nhau nên khi sống cùng nhau rất dễ va chạm, nảy sinh những mâu thuẫn trong sinh hoạt. Sau này, khi mỗi người lập gia đình riêng thì lại phát sinh những mâu thuẫn trong việc phân chia tài sản và phân định trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ… Chính vì vậy, chữ Nhẫn là rất quan trọng trong mối quan hệ này. Nếu không biết nhún nhường, nhẫn nhịn nhau thì sẽ mất hòa khí gia đình, mất tình anh em, làm buồn lòng cha mẹ: “Trong cách ăn ở phải yêu mến nhau. Mà muốn cho được hòa mục mãi mãi thì lại cốt lấy chữ nhẫn làm đầu, nghĩa là nhường nhịn nhau…trong nhà vẫn được vui vẻ, cha mẹ cũng được thỏa lòng”[4, tr.15-16]. Trong Gia huấn ca, Trình Hiệu từng khẳng định: “Muốn hòa trên dưới, Chữ nhẫn làm đầu,… Anh em nhẫn hiền, Trong nhà vô hại”[1, tr.22]. Nhẫn là biểu hiện của sự hiểu biết và tình thương yêu, đó là tình thương yêu dựa trên sự hiểu biết, thiếu một trong hai điều đó thì không thể nhẫn được. Sự hiểu biết sẽ giúp con người phân định được phải trái, đúng sai, tốt xấu, nên và không nên; tình thương yêu chính là điều kiện để anh em có thể nhẫn nhịn nhau. Nếu không có tình yêu thương thì người ta cứ theo lý mà ứng xử với nhau và như vậy thì chẳng khác nào người dưng nước lã. Vì thế, để trên thuận dưới hòa, anh em phải biết nhẫn nhịn nhau dựa trên sự yêu thương và thấu hiểu lẫn nhau: “Ơn mẹ cha trời cao khôn thấu, Nghĩa anh em xương cốt ruột rà. Muốn cho trên thuận dưới hòa, Chẳng thà chịu nhục, hơn là rẽ nhau”[68, tr.608]. Đặc biệt, mối quan hệ anh em khi bị đồng tiền, bị vật chất xem vào, nếu chúng ta không tỉnh táo, không có tình yêu thương thực sự thì rất dễ nảy sinh mâu thuẫn: “Anh em gạo, đạo ngãi tiền”[37, tr.105], “Anh em hiền thật là hiền, bởi một đồng tiền nên mất lòng nhau”[37, tr.105]. Nguyên nhân của vấn đề này có lẽ là do khi trưởng thành, anh, em đều xây dựng gia đình riêng, bị chi phối, chịu áp lực bởi nhiều thứ và đều có mối bận tâm, lo lắng cho gia đình riêng của mình. Anh em trong gia đình có tình thân, sự gắn bó khăng khít, cùng do cha mẹ sinh ra, cùng được cha mẹ nuôi nấng trưởng thành vì thế phải biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, dù hay, dở thế nào cũng phải đóng cửa bảo nhau: “Anh em trong nhà, đóng cửa bảo nhau”[37, tr.251], “Anh em như thể chân tay, Rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần”[66, tr.180], “Chị em như chuối nhiều tàu, Tấm lành che tấm rách đừng nói nhau nặng lời”[8, tr.166]. Cuộc sống không tránh khỏi có những bất hòa, nhưng anh em một nhà phải biết lấy yêu thương để hóa giải mọi mâu thuẫn, để giữ được sự thuận hòa trong gia đình, bởi: “Cắt dây bầu dây bí, không ai cắt dây chị dây em”[37, tr.251], “Khôn ngoan đá đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”[66, tr.90], “Em thuận anh hòa là nhà có phúc”[33, tr.1157]. 

Đạo làm người được thể hiện qua mối quan hệ anh chị em trong tục ngữ, ca dao Việt Nam đề cao tình cảm huyết thống thiêng liêng, sự “hòa thuận”, “trên kính dưới nhường”. Anh em phải biết yêu thương, đoàn kết, tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau. Dù cuộc sống không tránh khỏi có những lúc mâu thuẫn nhưng tình cảm ruột thịt chẳng bao giờ thay đổi, do vậy, phải lấy yêu thương để hóa giải mọi mâu thuẫn, để yên vui mọi đường. Dấu ấn Nho giáo trong mối quan hệ anh chị em được thể hiện ở tư tưởng “quyền huynh thế phụ” có mặt tích cực đó là anh có thể giữ vai trò như cha để dựng dã công việc trong gia đình, để lo lắng, xây dựng cho em khi cha qua đời, làm cho gia đình trên dưới thống nhất, tạo dựng cho nhau phát triển nhưng đôi khi cũng bộc lộ những mặt trái của nó đó là làm mất đi sự bình đẳng anh em, làm cho anh ỷ vào quyền của mình để áp chế em, tạo nên những mâu thuẫn trong mối quan hệ này. 

3.3. ĐẠO LÀM NGƯỜI ĐƯỢC THỂ HIỆN QUA MỐI QUAN HỆ CỦA CON NGƯỜI VỚI XÃ HỘI 

3.3.1. Đạo làm người được thể hiện qua mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội (Thương người) 

Thương người chính là đạo lý làm người trong mối quan hệ giữa con người với con người được phản ánh trong tục ngữ, ca dao Việt Nam. Tình thương đó có cơ sở từ điều kiện thực tế: 

Một là, nước ta thường xuyên phải đối mặt với thiên tai và địch họa, phải hứng chịu những mất mát to lớn về người và của vì thế từ bao đời nay, nhân dân Việt Nam luôn hết mực yêu thương, quý trọng con người.

Hai là, do quan niệm của nhân dân ta về nguồn gốc các dân tộc Việt Nam, rằng tất cả đều là “Con Rồng cháu Tiên”[8, tr.247]. Mọi người đều có chung một nguồn gốc cao quý, đều do một mẹ sinh ra, tất cả đều có quan hệ “đồng bào”, đều là anh em một nhà vì thế phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau: “Con một mẹ, hoa một chùm, thương nhau nên phải bọc đùm lấy nhau”[8, tr.247]. 

Ba là, do chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của tư tưởng thương người của Phật giáo và Nho giáo. 

Thương người là một đức tính lớn mà dân tộc nào tự mình cũng có. Song do xuất phát từ chính điều kiện thực tế trên nên tình yêu thương, quý trọng con người đã trở thành điểm nổi bật trong văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam luôn xem con người là vốn quý của gia đình, dòng họ, làng xóm, quê hương. Và tình thương người không chung chung, mơ hồ mà sâu sắc, cụ thể: “Thương người như thể thương thân”[66, tr.151]. Thương người cũng giống như thương mình, thương mình như thế nào thì cũng thương người như thế ấy. Thương người là biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, là biết thấu hiểu nỗi khổ của mình để hiểu thấu được nỗi khổ của người. Nhân dân Việt Nam đã thể hiện quan niệm về tình thương người của mình bằng câu nói rất dễ hiểu, gần gũi mà bất cứ một người bình dân nào, kể cả không được học hành, không biết chữ vẫn có thể hiểu được. Tình thương người của những người bình dân là như vậy, rất bình dị, chân thật, không mơ hồ, cao xa, không giáo điều, lý luận nhưng lại chứa đựng triết lý sống sâu sắc, được đúc kết từ chính cuộc sống đầy những khó khăn, thử thách của đông đảo quần chúng nhân dân lao động Việt Nam. 

Xuất phát từ cuộc sống luôn phải đối mặt với thiên tai địch họa, con người có nhu cầu phải đoàn kết lại để đắp đê, làm thủy lợi, chống chọi với thiên tai, với thù trong giặc ngoài nên tình thương người luôn gắn liền với tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau đặc biệt là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn: “Lá lành đùm lá rách”[66, tr.93], “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”[66, tr.107]. Vì ta và người là một nên nỗi khổ của người cũng là nỗi khổ của ta, khó khăn của người cũng là khó khăn của ta và giúp người cũng là giúp chính ta. Đồng thời, do ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, cha ông ta luôn tâm niệm, giúp đỡ người khác cũng là tích phúc cho chính mình, là gieo quả ngọt cho tương lai của mình. Đó chính là một trong những động lực thúc đẩy con người sống thiện, làm điều thiện, luôn có tinh thần đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ người khác, cùng nhau xây dựng xã hội nhân ái, tốt đẹp: “Cứu được một người, phúc đẳng hà sa”[66, tr.60], “Dẫu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”[66, tr.62]. Tư tưởng từ bi của Phật giáo là tình thương yêu rộng lớn muôn người vạn vật do đó khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã được nhân dân đón nhận, thâm nhập nhanh chóng vào đời sống tinh thần của người Việt Nam, làm giàu thêm đức thương người của tổ tiên ta và làm cho nó trở thành phương châm sống của con người với mong muốn tu nhân tích đức để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Trước sự ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo và Nho giáo, tình thương người của dân tộc ta đã được bồi đắp, làm giàu thêm. Người Việt Nam có “tình thương người” thì Nho giáo có “đạo nhân”, Phật giáo có “từ bi”. Mặc dù có những tính chất, sắc thái khác nhau nhưng chúng đã hòa quyện với nhau, bổ sung cho nhau. Tư tưởng thương người của dân tộc Việt Nam không bị ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, Phật giáo mà xuất phát từ chính bản chất con người, từ quan niệm đạo làm người, từ truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Vốn có lòng yêu thương con người, khi bắt gặp “nhân” của Nho giáo và “từ bi” của Phật giáo thì tình thương đó đã được nâng lên như một nguyên lý đạo đức phổ biến cho cả cộng đồng. “Nhân” trong quan niệm Nho giáo là “ái nhân”, “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”[74, tr.28] - điều gì mình không muốn thì cũng đừng làm cho người, “kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân”[74, tr.28] - mình muốn lập thân thì cũng giúp người khác lập thân, mình muốn thành đạt thì cũng giúp người khác thành đạt. Tư tưởng thương người của Nho giáo được thể hiện qua học thuyết Nhân dựa trên sự phân biệt giai cấp. Tình thương người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam thì khác, thể hiện tình thương sâu sắc hơn, rộng lớn hơn, đó là thương người như thương chính bản thân mình, không có sự phân biệt giai cấp, không bị giới hạn trong phạm vi một quốc gia, một dân tộc nào mà đó là tình thương yêu rộng lớn: “Bầu ơi! Thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”[48, tr.158], “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”[68, tr.625] và tình yêu đó còn được mở rộng ra trên phạm vi toàn thế giới: “Anh em bốn bể một nhà”[33, tr.55] (Không phân biệt sắc tộc, tôn giáo, vùng lãnh thổ, tất cả đều là anh em một nhà, cùng chung dòng máu đỏ). Đây là tinh thần nhân văn quốc tế, thể hiện triết lý sống nhân văn, cởi mở, trọng tình nghĩa, trọng sự hòa hợp của dân tộc Việt Nam. Mặt khác, tình thương người của dân tộc Việt Nam được thể hiện qua tục ngữ, ca dao cũng không bao la, vô bờ bến như Phật giáo. Tư tưởng thương người của Phật giáo được thể hiện qua tư tưởng từ bi, cứu khổ. Đó là lo lắng cho người hơn cả cho mình, từ bi cả với người hung ác, những kẻ đã làm nhục mình. Chúng ta giàu đức hiếu sinh, “đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại” nhưng rất rạch ròi giữa thiện và ác, thể hiện thái độ yêu ghét rõ ràng với cái thiện và cái ác. 

Như vậy, tình yêu thương con người của dân tộc Việt Nam không bao la, vô bờ bến như Phật giáo, cũng không bó hẹp và mơ hồ như Nho giáo. Tình thương người của dân tộc Việt Nam không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, sang hèn, mà mọi người bình đẳng thương yêu lẫn nhau, đoàn kết với nhau. Tình thương đó mang tính nhân văn cao cả, hướng vào những người nghèo khổ, những người kém may mắn, những người bất hạnh trong xã hội để yêu thương, trân trọng và bảo vệ họ. Tình yêu thương đó thể hiện ở mong mỏi con người được quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền được yêu thương, đồng thời cực lực lên án những lực lượng đen tối chà đạp lên con người. Chính vì vậy, thương người của dân tộc ta còn là thương dân, hết lòng phục vụ nhân dân, đấu tranh chống lại những thế lực chà đạp, bóc lột nhân dân: “Nước lấy dân làm gốc”[8, tr.314], “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”[8, tr.326], “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”[8, tr.338] qua đó, khẳng định triết lý sống quý báu, thể hiện tình yêu thương, trân trọng con người sâu sắc của dân tộc Việt Nam. 

3.3.2. Đạo làm người được thể hiện qua mối quan hệ của con người với quê hương, đất nước (Yêu nước) 

Yêu nước là triết lý xã hội và nhân sinh, là biểu hiện cao nhất của đạo làm người. Theo Trần Văn Giàu, đó cũng là “đạo Việt Nam”. Trong các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc thì tinh thần yêu nước giữ vị trí hàng đầu, chi phối các giá trị khác: “Tình cảm và tư tưởng yêu nước là tình cảm và tư tưởng lớn nhất của nhân dân, của dân tộc Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại”[19, tr.100]. Xuất phát từ thực tiễn lịch sử nước ta thường xuyên phải đối diện với giặc ngoại xâm nên tinh thần yêu nước đã trở thành lẽ sống, đạo lý làm người của người Việt Nam và chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử Việt Nam: “Chống xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do, đó là điều kiện đầu tiên để dân tộc tồn tại và phát triển. Yêu nước vì thế trở thành tình cảm thiêng liêng và điều kiện thiết yếu để sống còn”[19, tr.20]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó bước qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”[39, tr.171]. Mặc dù chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhưng tư tưởng yêu nước của dân tộc Việt Nam có những nét riêng. “Nước” trong chủ nghĩa yêu nước Nho giáo và chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam có điểm chung là đều mang dấu ấn của vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc. Tùy theo điều kiện lịch sử, tùy theo lập trường chính trị của các cá nhân nhà tư tưởng hoặc tập đoàn xã hội mà nội hàm khái niệm ấy được nhấn mạnh và phát triển theo hướng đề cao lợi ích giai cấp hay lợi ích dân tộc, hoặc theo hướng điều hòa cả hai lợi ích đó. Còn điểm khác nhau căn bản đó là “nước” trong chủ nghĩa yêu nước Nho giáo lấy lợi ích của dòng họ, trên hết là của cá nhân ông vua chuyên chế làm cốt lõi thì “nước” trong chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam lấy lợi ích của cộng đồng quốc gia dân tộc làm cốt lõi. Do yêu cầu của lịch sử, tình yêu nước của dân tộc Việt Nam được phát triển và trở thành ý thức bảo vệ cuộc sống gia đình, sự bình yên của xóm làng, của cộng đồng quốc gia dân tộc và về trách nhiệm của công dân đối với đất nước... Tình yêu ấy được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam qua một số nội dung cơ bản đó là:

Thứ nhất, yêu nước là yêu những thứ bình dị gắn với gia đình, làng xóm, quê hương. 

Trên thế giới, mỗi quốc gia, dân tộc đều có tình yêu nước với bản sắc khác nhau, có cơ sở hình thành và đặc điểm khác nhau. Nhưng dù khác nhau thế nào thì cuội nguồn, điểm xuất phát của tình yêu nước cũng là tình yêu những gì bình dị, gần gũi nhất với cuộc sống, tuổi thơ của mỗi con người. Đúng như nhà văn Nga Ylia Erenbua từng viết: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu… Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê đã làm nên lòng yêu Tổ quốc”[dẫn theo 21, tr.48]. Với người Việt Nam, quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có cha có mẹ, có anh chị em, nơi có mồ mả ông bà, nơi chứa đựng những kỷ niệm về thời thơ ấu với mảnh vườn, thửa ruộng, dòng sông… Vì thế, trong trái tim mỗi người, hai tiếng quê hương rất thiêng liêng, gọi về bao kỉ niệm và tình yêu nước bắt nguồn từ tình yêu gia đình, người thân, mảnh vườn, xóm làng, đồng ruộng quê hương, từ tất cả những gì bình dị nhất. 

Mặc dù, tình yêu nước không phải là tình cảm bẩm sinh nhưng nó được hình thành một cách tự nhiên qua quá trình sống của con người trong mối quan hệ với tự nhiên, gia đình, xã hội và chính mình. Và tình yêu ấy được bồi đắp theo thời gian, theo sự vận động của lịch sử, là sản phẩm của sự phát triển lịch sử. 

Tục ngữ, ca dao Việt Nam là tiếng lòng của đông đảo quần chúng nhân dân lao động Việt Nam, những người gắn bó mật thiết với nông thôn, với công việc nhà nông, với những gì bình dị nhất của làng quê Việt Nam. Trong quá trình lao động sản xuất, họ cất lên những câu thơ, những lời ca tiếng hát để thể hiện cảm xúc, tình cảm của mình trước con người và cảnh vật. Vì lẽ đó tình yêu quê hương được phản ánh trong tục ngữ, ca dao Việt Nam rất giản dị, gắn liền với cảnh làng quê, cuộc sống sinh hoạt và lao động của nhân dân: “Rủ nhau đi tắm hồ sen, Nước trong bóng mát, hương chen cạnh mình. Cứ chi vườn ngọc, ao quỳnh, Thôn quê vẫn thú hữu tình xưa nay”[48, tr.95], “Làng tôi có lũy tre xanh, Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng. Bên bờ vải, nhãn hai hàng, Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng”[48, tr.110], “Quê em óng ánh tơ vàng, Ruộng nương thẳng tắp, ngút ngàn dâu xanh”[68, tr.183]. Nước ta là nước nông nghiệp, đại bộ phận dân số là nông dân, với bộ mặt đất nước chủ yếu là nông thôn, có điều kiện sản xuất lạc hậu lại thường xuyên trải qua chiến tranh do đó, quê hương được gọi về trong trí nhớ mỗi người không phải là cảnh phố thị phồn hoa, không phải là những trang trại sản xuất nông nghiệp với máy móc hiện đại mà là hình ảnh về những làng quê nghèo, sản xuất nhỏ, con trâu đi trước, cái cày đi sau, với sản vật bình dị dân dã của đồng quê, với những con người mộc mạc, chân chất, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Chính cuộc sống nghèo khổ, lam lũ đó đã gắn bó với tuổi thơ của mỗi con người, do đó nhớ về quê hương không chỉ là nhớ về những gì đã qua mà còn là tình thương nỗi nhớ về một thời gian khó, tình thương yêu và lòng biết ơn sâu nặng đối với những người thân ruột thịt đã vất vả, tần tảo sớm hôm để mình có ngày hôm nay: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”[68, tr.498], “Anh đi anh nhớ quê nhà, Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương. Nhớ ai dãi nắng dầm sương, Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”[48, tr.241]. 

Xã hội Việt Nam truyền thống là một xã hội nông nghiệp nên kinh đô Thăng Long, nơi phồn hoa nhất cũng mang dấu ấn nông thôn với các con phố gắn liền với tên những sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp. Vì thế, tình yêu quê hương, đất nước của mỗi người Việt Nam luôn gắn với những gì bình dị nhất, gắn với cuộc sống nông nghiệp, nông thôn và nông dân: 

Rủ nhau chơi khắp Long Thành, Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai: Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai. Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay. Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày. Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn. Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than. Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng. Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông. Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè. Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre. Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà. Quanh đi đến phố Hàng Da. Trải xem đường phố, thật là cũng xinh. Phồn hoa thứ nhất Long Thành, Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ…[48, tr.107-108]. 

Thứ hai, yêu nước là quyết tâm đánh giặc giữ nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm do đó điểm nổi bật của tình yêu nước được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam chính là ý chí quyết tâm đánh giặc giữ nước. Ý chí đó được thể hiện rõ nét nhất qua cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ. Đây cũng chính là giai đoạn mà chủ nghĩa yêu nước của dân tộc phát triển đến đỉnh cao bởi nó có lý luận cách mạng soi đường, gắn với mục tiêu cao đẹp đó là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc khỏi mọi áp bức bất công.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, đánh dấu quá trình đấu tranh gian khổ của nhân dân chống bọn đế quốc và thực dân kéo dài hơn 100 năm. Chúng tiến hành khai thác thuộc địa, ra sức đàn áp, bóc lột nhân dân Việt Nam. Chúng đặt ra chính sách sưu cao, thuế nặng vô cùng hà khắc, đẩy nhân dân vào cảnh lầm than. Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, một loạt các quốc gia bước vào cuộc chiến tranh chống ách nô dịch của phát xít Đức, Ý, Nhật, trong đó có Việt Nam. Ngày 22/9/1940, phát xít Nhật vào Đông Dương, đặt nhân dân Việt Nam vào cảnh sống cơ cực “một cổ hai tròng”. Tục ngữ, ca dao Việt Nam chính là tiếng nói lên án bản chất vô nhân đạo, tố cáo tội ác tày trời của quân xâm lược với bao nỗi xót xa căm hờn: “Cao su xanh tốt lạ đời, Mỗi cây bón một xác người công nhân”[36, tr.174], “Đau đẻ cũng phải xúc than, Đẻ rơi cũng mặc, kêu van cũng lờ”[48, tr.398], “Thuế điền rồi lại thuế đinh, Thuế thuốc, thuế rượu, sát sinh, thuế đò. 

Năm ngày “công ích” phải lo, Chạy vạy không được bán bò mất thôi. Bán đi đặng nạp cho rồi, Miễn sao thoát khỏi tanh hôi nhục hình”[36, tr.170], “Chém cha lũ Nhật côn đồ, Bắt người cướp của tha hồ thẳng tay. Dân ta trăm đắng ngàn cay, Thóc ăn chẳng có trồng đay cho người”[48, tr.401]. 

Khi chưa có lý tưởng cách mạng soi đường, tục ngữ, ca dao Việt Nam là một trong những cách thể hiện tinh thần đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Chúng ta đã nhận thức được sự bất công, bản chất hung bạo, ngang ngược, mất nhân tính của bè lũ xâm lược và đã thể hiện nỗi ấm ức nghẹn ngào: “Đất này là đất tổ tiên, Đất này chồng vợ bỏ tiền ra mua. Bây giờ Nhật, Pháp kéo hùa, Chiếm trồng đay lạc, ức chưa, hỡi trời!”[48, tr.401] với tư tưởng phản kháng, quyết tâm nổi dậy, không chịu khuất phục: “Con giun xéo lắm cũng quằn”[36, tr.24], “Ruộng ta, ta cấy ta cày, Không nhường một tấc cho bầy Nhật, Tây. Chúng mày lảng vảng tới đây, Rủ nhau gậy, cuốc đuổi ngay khỏi làng”[48, tr.402]. Tục ngữ, ca dao Việt Nam là lời nhắn gửi, giục giã thống thiết của người mẹ dân tộc đối với những người con yêu nước phải quyết tâm đứng lên bảo vệ đất nước. Đây không còn là lời của một người mẹ cụ thể nào mà đã trở thành lời nhắn gửi chung - lời nhắn gửi của người mẹ dân tộc trước cảnh nước mất nhà tan: 

Con đừng trách số oán trời, Nhật, Tây là bọn giết người cướp cơm. Quân phát xít, giống gian tham, Phân gio cũng lấy, rạ rơm chẳng từ. Trồng đay, trồng cả ruộng chùa, Đóng quân, đóng cả nhà thờ nhà thương. Nước ta thành bãi chiến trường, Chan hòa máu chảy, bạt ngàn xương phơi. Cũng vì lũ quỷ hại người, Còn ai theo chúng, chỉ người phản dân. Đồng bào đau nhục muôn phần, Con còn nghi hoặc, ngại ngần mãi sao? Cùng hai mươi nhăm triệu đồng bào, Con mau đứng dậy, phất cao cờ hồng. Chỉ tay thề với non sông, Giết cho sạch hết loài trùng Nhật, Tây. Mẹ tuy tóc bạc, mình gầy, Nhưng còn sống mãi đợi ngày thành công. Giờ đây cá chậu chim lồng, Nhớ thương con nén bên lòng, con ơi! [18, tr.487]. 

Lịch sử đã chứng minh, khi chưa có lý tưởng cách mạng soi đường, quá trình đấu tranh chỉ mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Nhân dân Việt Nam càng đấu tranh thì bọn thực dân lại càng ra sức áp bức, bóc lột tàn tệ. Hơn lúc nào hết, lịch sử cần một lý tưởng cách mạng soi đường, nhân dân Việt Nam cần một vị lãnh tụ. Đó chính là chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm thực hiện thành công sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Trên cơ sở được giác ngộ lý tưởng cách mạng, theo tiếng gọi của Đảng, của dân tộc, tiếng gọi của tự do, hạnh phúc, toàn thể dân tộc Việt Nam cùng chung một ý chí, quyết tâm đập tan âm mưu thâm độc, đánh đuổi bè lũ xâm lược, giải phóng đất nước: “... Trên mình Tổ quốc thân yêu, Ở đâu có giặc, vạn đèo cũng qua. Đất này thấm máu ông cha, Ngàn năm giục bước chân ta lên đường”[48, tr.459-460]. Nhân dân Việt Nam, bất luận già trẻ, gái trai đều sẵn sàng ra chiến trường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với khí thế hừng hực: “Tuổi già đã bảy mươi ba, Còn đi tiếp vận mới là lão quân”[48, tr.412]. Hình ảnh những người phụ nữ vừa chăm sóc gia đình, vừa tham gia sản xuất và chiến đấu chống quân thù với ước mong ngày mai hạnh phúc sẽ đến: “Ngủ đi, con ngủ cho say, Mẹ còn tay súng tay cày giương cao. Đổ mồ hôi, đổ máu đào, Giữ quê, biển rộng, trời cao trong lành”[48, tr.478]. Trong chiến tranh, tình cảm vợ chồng, tình yêu nam nữ cũng gắn liền với tình yêu lao động, chiến đấu chống quân thù: “Vợ vừa ra khỏi cánh đồng, Ngoảnh lại thấy chồng xách súng chạy theo. Nhìn chồng, vợ khẽ nguýt yêu: Sao bảo đến chiều mới đến phiên anh? Chúng mình hai đưa cùng canh, Giữ yên thành phố, quê mình chứ sao”[48, tr.471]. 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết, Pháp rút quân về nước, miền Bắc Việt Nam được giải phóng. Đế quốc Mỹ với ý đồ xâm lược Việt Nam từ lâu, đã lợi dụng cơ hội, tiến hành xâm lược miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc chiến đấu chống xâm lược lâu dài. Trong cuộc đấu tranh đó đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng của đông đảo quần chúng nhân dân. Chính vì vậy, cha ông ta đã nhắn nhủ: “… Muốn cho sung sướng thanh nhàn, Chúng ta đoàn kết lên đàng đấu tranh…”[48, tr.396]. Dù cho quân giặc có mạnh, có hung bạo đến đâu đi chăng nữa, dù cho con đường đấu còn dài, còn nhiều gian nan vất vả thì nhân dân Việt Nam vẫn giữ trọn tấm lòng vàng, đoàn kết một lòng, bền chí đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng nhằm thống nhất đất nước: “Dù cho Mỹ ngụy trăm tay, Quyết không chia được đất này làm hai. Dù cho cạn nước Đồng Nai, Nát chùa Thiên Mụ không phai lòng vàng”[48, tr.453] với một tinh thần cách mạng triệt để đó là: “Thà chết hơn sống không có tự do”[8, tr.99], “Đứng trên cầu Cấm em thề, Chưa xong nhiệm vụ, chưa về quê hương”[48, tr.472]. 

Để có thể chiến thắng kẻ thù xâm lược, làm theo lời Bác, cả nước thi đua chống giặc đói, giặc dốt. Học tập, sản xuất và chiến đấu chính là yêu nước vì thế không khí chiến đấu, sản xuất và học tập rộn ràng khắp nơi: “Chồng em đánh giặc phương xa, Ruộng nhà em cấy, mẹ già em trông. Bầy con đứa dắt, đứa bồng, Mà em vẫn học vỡ lòng như ai!”[48, tr.416], “Này bà này mẹ, này cha, Này là em ruột, này là em dâu. “I tờ” chắp tiếng chắp câu, Quanh bàn xúm xít bảo nhau học bài”[48, tr.443]. 

Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã khẳng định chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”[8, tr.286]. Đó chính là động lực thúc đẩy các thế hệ người Việt Nam quyết tâm chiến đấu chống quân xâm lược giữ yên bờ cõi. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng đó đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đồng thời, tinh thần đó đã thấm vào trong trái tim và ý chí mỗi người dân Việt Nam, tạo nên một năng lực mạnh mẽ giúp họ có thể lên đường vì Tổ quốc bất cứ lúc nào Tổ quốc cần. 

Tinh thần yêu nước được thể hiện thật sinh động, rõ nét trong tục ngữ, ca dao Việt Nam qua cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc. Trước sự xâm lược của các thế lực bên ngoài, nhân dân Việt Nam từ xưa đến nay luôn thể hiện niềm tự hào tự tôn dân tộc sâu sắc, ý chí quyết tâm mãnh liệt đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, bảo vệ sự yên bình của xóm làng, của đất nước, quê hương. Tình yêu ấy thường trực trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, tạo nên sức mạnh to lớn để có thể vượt qua mọi biến cố thăng trầm của lịch sử. Yêu nước chính là triết lý nhân sinh, là biểu hiện cao nhất của đạo làm người, là sự thể hiện đẹp đẽ nhất, sâu sắc nhất mối quan hệ giữa con người với bản thân, với gia đình và xã hội. Mặc dù không được thể hiện dưới dạng hệ thống những quan điểm lý luận nhưng tinh thần yêu nước trong tục ngữ, ca dao Việt Nam đã thể hiện triết lý sống sâu sắc của dân tộc Việt Nam, thể hiện tính đặc thù của tư tưởng triết học Việt Nam. 

Tiểu kết chương 3 

Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam là sự thống nhất biện chứng những yêu cầu để hoàn thiện nhân cách và những nguyên tắc đạo đức căn bản, cốt lõi quy định bổn phận của con người trong mối quan hệ với bản thân, với gia đình và xã hội. Trong mối quan hệ với bản thân, nội dung đạo làm người là những yêu cầu cơ bản để hoàn thiện nhân cách: Tự lập, biết suy tính; Tự học suốt đời; Cần cù, sáng tạo trong lao động. Trong mối quan hệ với gia đình và xã hội, nội dung đạo làm người là những nguyên tắc đạo đức căn bản, cốt lõi quy định bổn của con người như: từ - hiếu, tình nghĩa, kính - nhường, thương người, yêu nước. Có thể nói, trong mối quan hệ với bản thân, với gia đình và xã hội thì người Việt thường có xu hướng hướng nội trước, chú trọng “tu thân” để “thành nhân”; trên cơ sở đó, hướng tới xây dựng gia đình “tề gia”, giữ gìn truyền thống dòng họ; để rồi hướng ra bên ngoài xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh và xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam mang tinh thần dân chủ, nhân văn, tiến bộ, thể hiện lối sống tình nghĩa, thủy chung, trọng sự hòa hợp trong mọi mối quan hệ của con người nhằm giúp con người có thể làm chủ chính mình, làm chủ cuộc đời mình, sống an vui, hạnh phúc, góp phần tích cực vào sự phát triển của bản thân, của gia đình và xã hội. 

Tục ngữ, ca dao Việt Nam là sản phẩm kết tinh trí tuệ và tâm hồn Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ. Nội dung đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam được thể hiện khá sinh động, với nhiều quan điểm khác nhau. Trong đó, có những quan niệm trái ngược nhau, có cả mặt tích cực và hạn chế, có cái trước đây phù hợp nhưng đến nay không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, khuynh hướng xuyên suốt trong quan niệm đạo làm người được phản ánh trong tục ngữ, ca dao Việt Nam mà đề tài khai thác là đề cao cái tốt đẹp, phê phán cái xấu, cái tiêu cực, từ đó khẳng định giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. 

Chương 4 

Ý NGHĨA HIỆN THỜI CỦA ĐẠO LÀM NGƯỜI TRONG TỤC NGỮ, CA DAO VIỆT NAM 

Việt Nam đang trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Điều đó đặt ra cho chúng ta những cơ hội và thách thức to lớn. Một trong những thách thức phải kể đến đó là sự xuống cấp nghiêm trọng đạo đức xã hội. Bên cạnh số đông nhân dân, cán bộ, đảng viên vẫn cố gắng bảo vệ, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp thì đã xuất hiện một bộ phận không ít người quay lưng lại với các giá trị đó. Xã hội đã thay đổi đòi hỏi hệ giá trị của con người cũng thay phải thay đổi cho phù hợp. Việc hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam phải dựa trên sự kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa loài người. Một trong những hệ giá trị mang tính bền vững, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành lẽ sống, mạch ngầm tư tưởng, góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh cho cả dân tộc bước qua thăng trầm lịch sử mà chúng ta có thể kế thừa trong giai đoạn hiện nay đó là hệ giá trị đạo làm người được kết tinh trong tục ngữ, ca dao Việt Nam. Quan niệm về đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam có ý nghĩa sâu sắc đối với xã hội Việt Nam trước bối cảnh xuống cấp đạo đức nghiêm trọng như hiện nay. 

4.1. ĐẠO LÀM NGƯỜI TRONG TỤC NGỮ, CA DAO VIỆT NAM GÓP PHẦN HOÀN THIỆN NHÂN CÁCH CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY 

Nhân cách là đặc trưng xã hội của con người, là toàn bộ những phẩm chất quy định giá trị và hành vi xã hội của con người. Nhân cách có vai trò rất quan trọng, là mục tiêu tổng quát của giáo dục và đào tạo. Trước sự phát triển mọi mặt đời sống xã hội hiện nay thì yêu cầu đặt ra đối với con người ngày càng cao và việc hoàn thiện nhân cách con người càng được đặc biệt quan tâm. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước khẳng định quan điểm “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách”[11, tr.48] với phương châm “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển”[12, tr.126]. Đặc biệt, nhân cách con người Việt Nam hiện nay bên cạnh những mặt tích cực đã xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như: sự xuống cấp về đạo đức lối sống, thiếu ý thức tự lập, tự học suốt đời, xuất hiện lối sống hưởng thụ, tệ sùng bái đồng tiền, thói lười lao động, dễ mắc các tệ nạn xã hội …. Vì vậy, việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Nó đòi hỏi phải có sự kết hợp những giá trị truyền thống và hiện đại. Với những giá trị không thể phủ nhận, đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam có ý sâu sắc với việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay. 

4.1.1. Tinh thần tự lập và tự học suốt đời trong tục ngữ, ca dao Việt Nam góp phần hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay

Trước hết, tục ngữ, ca dao Việt Nam khẳng định mỗi con người sinh ra phải có trách nhiệm với bản thân mình, tự làm chủ cuộc đời mình, đi bằng đôi chân của chính mình, tự xây đắp, tạo dựng cho mình, làm nên cuộc đời mình, không trông chờ, ỷ lại vào ai “Có thân phải lập thân”. Cho dù con đường lập thân, lập nghiệp có gian nan vất vả, con người sẽ gặp không ít khó khăn, trở ngại nhưng con người hãy luôn cố gắng vươn lên bởi “Có khổ mới nên thân”. Chỉ khi nào xác định được mục tiêu, lẽ sống cho mình, có trách nhiệm với chính mình, có ý thức làm chủ cuộc đời mình thì con người mới có đủ sức mạnh vượt qua những trở ngại của cuộc sống, mới có thể đóng góp vào sự phát triển xã hội. Tinh thần tự lập và tự học suốt đời trong tục ngữ, ca dao Việt Nam như một lời nhắc nhở sâu sắc đối với con người về vai trò, trách nhiệm đối với chính bản thân mình, có ý nghĩa với việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay. 

Thứ nhất, tinh thần tự lập trong tục ngữ, ca dao Việt Nam góp phần hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay. 

Tự lập là một yêu cầu vô cùng cần thiết đối với mỗi con người. Chỉ có tự lập mới có thể giúp con người đứng vững và làm chủ cuộc sống. Do đó, làm người trước tiên phải tự lập bởi không ai có thể “làm người” thay cho mình được, chỉ có mình mới làm nên chính mình, mới khẳng định được chính mình. Chủ nghĩa duy vật lịch sử đã khẳng định rằng con người vừa là sản phẩm của lịch sử, vừa là chủ thể lịch sử. Trên cơ sở nắm bắt quy luật của lịch sử xã hội, thông qua các hoạt động vật chất và tinh thần, con người đã làm nên chính mình, đồng thời thúc đẩy xã hội phát triển. Tự lập là yêu cầu tiên quyết cho sự hình thành nhân cách: “Nội dung thực sự của nhân cách là giá trị tự lập. Dù ở trong những điều kiện thuận lợi hoặc những điều kiện khó khăn, tinh thần tự lập là một biểu hiện quan trọng của một giá trị nhân cách gắn với thực tế”[26, tr.36]. Nhân cách không phải là cái bẩm sinh, vốn có của mỗi con người, nó không xuất hiện đồng thời với sự sinh ra con người. Con người được sinh ra nhưng nhân cách phải được hình thành. Sự hình thành và phát triển của nhân cách là một quá trình lâu dài, là kết quả tích lũy dần dần những kinh nghiệm sống, những kiến thức, kỹ năng mà cá thể người trải nghiệm trong suốt quá trình sống và học tập của mình một cách tự giác, tự chủ. Nhờ có tinh thần tự lập mà con người mới có thể tự hoàn thiện bản thân, tự chủ trong mọi vấn đề, dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách, có ý chí vươn lên thực hiện mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, giá trị tự lập trở thành tiêu chí hàng đầu trong quá trình lập thân, lập nghiệp của con người. Sự phát triển của kinh tế, khoa học công nghệ đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với mỗi con người. Nếu mỗi người không tự chủ động cố gắng vươn lên thì người đó sẽ bị tụt hậu. Những người có thói quen ỷ lại, dựa dẫm vào người khác thì sớm muộn cũng bị đào thải, cũng sẽ trở nên lạc lõng trong xã hội hiện đại với tính cạnh tranh ngày càng cao. 

Thứ hai, tinh thần tự học suốt đời trong tục ngữ, ca dao Việt Nam góp phần hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay. 

Tục ngữ, ca dao Việt Nam khẳng định: “Học để làm người”, “Học khôn học đến chết, học nết học đến già”. Để có thể lập thân, lập nghiệp, làm chủ cuộc sống thì không có cách nào khác là con người phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và trí tuệ suốt đời. Đạo đức và trí tuệ là tài sản vô cùng quý giá đối với mỗi con người, là hành trang không thể thiếu của con người trong cuộc sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Đức và tài là hai mặt không thể tách rời làm nên nhân cách con người nhưng nó không phải là cái sẵn có mà phải do quá trình học tập, rèn luyện một cách tích cực và tự giác, trong đó con người phải tự học là chủ yếu: “Tự giáo dục là những hoạt động có ý thức của con người, là giai đoạn phát triển cao của nhân cách. Tự giáo dục được hình thành trên cơ sở con người tự ý thức được mục tiêu cuộc sống và cố gắng tìm ra các phương thức tốt nhất để đạt được mục tiêu đó”[75, tr.45-46]. Tự học, tự giáo dục, tự hoàn thiện bản thân là động lực và là biểu hiện sự phát triển cao của nhân cách. V.A.Sukhomlinxki từng khẳng định: “Khi nào giáo dục là tự giáo dục thì mới là giáo dục chân chính. Và tự giáo dục - đó là nhân phẩm của con người trong hoạt động, đó là dòng thác mãnh liệt chuyển động bánh xe nhân phẩm của con người”[dẫn theo 2, tr.19]. Tự học, tự giáo dục bắt đầu từ việc con người tự nhận thức về bản thân: mình đang ở đâu, mình có vị trí và vai trò gì, mình cần phải làm gì, mình có những ưu nhược điểm gì, có sở trường, sở đoản gì… để phấn đấu vươn lên hoàn thiện bản thân. Nhận thức đúng về bản thân là biểu hiện năng lực trí tuệ cá nhân và tự giáo dục là một phẩm chất quý báu của nhân cách. 

Tuy nhiên, hiện nay, không ít người, đặc biệt là thế hệ trẻ vì chưa nhận thức được sự cần thiết, vai trò quan trọng của việc học tập, rèn luyện đạo đức và trí tuệ trong quá trình lập thân, lập nghiệp chưa xác định được mục tiêu cuộc sống, chưa có lý tưởng sống, chưa có ý thức phấn đấu vươn lên trong học tập, chưa có ý thức làm chủ cuộc đời mình, sống vì người khác, dựa vào người khác và bắt chước theo người khác, chạy theo lối sống hưởng thụ, lười học hành, lao động… rơi vào các tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì xu hướng sống tiêu cực này có thể nhanh chóng lây lan trong giới trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của xã hội, dẫn đến hậu quả khôn lường. Tục ngữ, ca dao Việt Nam được xem như một kho tàng triết lý, chứa đựng nhiều bài học sâu sắc đối với mỗi chúng ta. Tinh thần tự học suốt đời trong tục ngữ, ca dao Việt Nam có ý nghĩa với việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Nó giúp mỗi người có ý thức chủ động chiếm lĩnh kiến thức, làm chủ các quan hệ xã hội, chuyển nội dung các quan hệ xã hội thành nhu cầu, niềm tin, lý tưởng của mình, góp phần quan trọng trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách con người. Đặc biệt, trước sự phát triển của kinh tế, khoa học công nghệ hiện nay thì việc con người phải không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trí tuệ của mình là điều không thể thiếu, có như vậy con người mới bắt nhịp được với cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và làm chủ cuộc sống. Song, sự phát triển của kinh tế, khoa học công nghệ cũng có những mặt trái của nó vì vậy, song song với việc nâng cao trí tuệ, con người cần phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức, biết giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, làm cho sự phát triển cá nhân gắn liền với sự phát triển của cộng đồng xã hội. 

4.1.2. Tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động trong tục ngữ, ca dao Việt Nam góp phần hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay

Cùng với việc khẳng định giá trị của tinh thần tự lập, tự học suốt đời, tục ngữ, ca dao Việt Nam cũng khẳng định giá trị của tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động với việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Cần cù, sáng tạo trong lao động chính là nguồn gốc của hạnh phúc, của trí tuệ và của mọi sự tiến bộ xã hội. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, lao động là hoạt động đặc trưng của con người, là nhân tố quyết định sự sinh tồn, phát triển của con người và xã hội, là hoạt động nền tảng làm phát sinh, phát triển những mối quan hệ xã hội của con người, là cơ sở cho sự hình thành và phát triển xã hội. Trong quá trình lao động, con người sẽ nhận ra giá trị cuộc sống và tìm thấy hạnh phúc của đời mình. Lao động giúp nâng cao năng lực tư duy, khả năng nhận thức của con người. Quá trình lao động sản xuất đặt ra những những yêu cầu đòi hỏi con người phải không ngừng tìm hiểu, nghiên cứu, giải quyết. Điều đó góp phần tạo ra sự phát triển của mỗi cá nhân và là động lực của sự tiến bộ xã hội. 

Tinh thần lao động cần cù, sáng tạo là thái độ tích cực, tự giác trong lao động, là khả năng bền bỉ chịu đựng khó khăn, vất vả, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ, là năng lực tuy duy sáng tạo nhằm cải biến hoàn cảnh và tìm ra những biện pháp tối ưu để đạt được mục tiêu đã đề ra. Trong bối cảnh phát triển mọi mặt đời sống xã hội, sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, tinh thần đó càng được khẳng định. Nếu chúng ta không cần cù, sáng tạo trong lao động thì chúng ta sẽ bị tụt hậu so với các nước khác. Cần cù, sáng tạo trong lao động góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay bởi chỉ có lao động mới giúp con người có động lực vươn lên để hoàn thiện bản thân mình; chỉ trong lao động, con người mới có thể khẳng định được bản thân và tìm thấy giá trị thực sự của cuộc sống. 

Thực tế hiện nay cho thấy, một bộ phận thế hệ trẻ có lối sống hưởng thụ, ỷ lại, lười lao động, chưa nhận ra giá trị của lao động, chưa tìm thấy niềm vui, sự ham thích trong lao động, xem lao động là việc bắt buộc để kiếm miếng cơm, manh áo chính vì vậy thiếu sự sáng tạo, chủ động trong lao động, không phát huy được năng lực bản thân, lao động không hiệu quả, giá trị lao động thấp, … Chính vì vậy, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động trong tục ngữ, ca dao Việt Nam có ý nghĩa với việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã đặt ra cho chúng ta những cơ hội và thách thức to lớn. Một trong những thách thức đó là nếu chúng ta không học tập, lao động sáng tạo, không bắt nhịp được với sự phát triển của cuộc cách mạng này thì khoảng cách tụt hậu của nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới sẽ ngày càng giãn rộng. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là kỷ nguyên công nghiệp lớn lần thứ tư kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên (từ 1784) với phát minh ra động cơ hơi nước; lần thứ hai (từ 1870) với phát minh ra động cơ điện; lần thứ ba (từ 1969) với phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển với tốc độ ở cấp số nhân, làm biến đổi toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị. Tinh thần của cuộc cách mạng này là sự kết nối giữa con người với vạn vật và vạn vật với nhau trên cơ sở sự phát triển của khoa học công nghệ. Muốn tham gia vào cuộc cách mạng này, điều trước tiên đòi hỏi chúng ta phải có sự kết nối về tinh thần, ý chí của tất cả mọi người trên cơ sở sự quyết tâm muốn thay đổi với tinh thần say mê lao động sáng tạo và cống hiến không mệt mỏi. 

Có thể nói, đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam mang tinh thần tiến bộ, khoa học, có ý nghĩa đối với việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Nó định hướng cho chúng ta có nhận thức và hành động đúng đắn trên con đường lập thân, lập nghiệp để làm chủ cuộc đời mình, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, thực tiễn mới của đất nước cũng như quốc tế đang đặt ra những yêu cầu mới trong cấu trúc nhân cách con người Việt Nam. Nhiều giá trị hiện đại mà con người Việt Nam cần có không thể lấy từ quá khứ như: tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ khoa học công nghệ,… vì thế bên cạnh việc kế thừa, tiếp thu những giá trị tinh thần truyền thống chúng ta cần tiếp thu có chọn lọc những giá trị hiện đại để xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu mới của đất nước. Có như vậy, chúng ta mới không đánh mất mình, không biến mình trở thành cái bóng hay bản sao của người khác. Do đó, việc trở lại với giá trị đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam để kế thừa và phát huy nó trong bối cảnh hiện nay là việc làm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. 

4.2. ĐẠO LÀM NGƯỜI TRONG TỤC NGỮ, CA DAO VIỆT NAM GÓP PHẦN XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VIỆT NAM HÒA THUẬN, HẠNH PHÚC HIỆN NAY 

Gia đình có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội, có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước, có vai trò giữ gìn, lưu truyền, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Xác định được vai trò quan trọng của gia đình, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta chủ trương xây dựng gia đình Việt Nam vừa mang những nét đặc trưng của gia đình truyền thống, vừa không ngừng bổ sung, hoàn thiện những giá trị đạo đức mới phù hợp với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế. Văn kiện Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”[10, tr.77]. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng nêu rõ: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”[12, tr.128]. 

Việt Nam là một trong số những nước có truyền thống tôn trọng gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những bước phát triển mới, tiến bộ, gia đình ở nước ta cũng phải đối diện với rất nhiều thách thức và bước đầu có những dấu hiệu của sự khủng hoảng. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay đã đem đến những cơ hội cho sự phát triển đất nước, đồng thời nó cũng đặt ra những thách thức đối với xã hội nói chung, gia đình Việt Nam nói riêng. Theo Nguyễn Thế Nghĩa: “Trong các giá trị truyền thống bị ảnh hưởng của toàn cầu hóa nhiều nhất, thì lĩnh vực đạo đức có diễn biến phức tạp, xuống cấp và trầm trọng nhất. Truyền thống đạo đức gia đình vốn là hạt nhân của đạo đức xã hội đang có nguy cơ biến dạng”[46, tr.236-237]. Mối quan hệ giữa con người với gia đình hiện nay bên cạnh những biểu hiện tích cực, thì cũng đang có nhiều biểu hiện tiêu cực. 

Các mối quan hệ cơ bản trong gia đình đã có nhiều thay đổi: “Nội dung tình cảm phản ánh mối quan hệ truyền thống giữa vợ và chồng, con cái với bố mẹ, anh chị em ruột thịt với nhau… không còn như trước nữa. Đã có sự rạn nứt trong tình cảm đầm ấm giữa bố mẹ với con cái, ông bà với con cháu…” [45, tr.406-407]. Hiện nay, ở nhiều nơi mà nhất là ở các đô thị lớn, đời sống gia đình đang bị chi phối mạnh mẽ bởi lối sống thực dụng, lai căng, xa rời đạo lý làm người và truyền thống văn hóa dân tộc. Sự gắn bó với nhau giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo hơn, họ xem nhẹ hoặc không cần biết đến lòng hiếu thuận, lễ nghĩa gia đình, thiếu trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, sống lạnh lùng, vô cảm với những người xung quanh. Điều đó cho thấy, đạo đức gia đình đã có biểu hiện đi xuống, đạo lý làm người dường như đang bị lãng quên. Chính vì vậy, việc xây dựng gia đình Việt Nam hòa thuận, hạnh phúc là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay. Nghiên cứu đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam, chúng ta thấy được ý nghĩa của nó đối với việc xây dựng gia đình Việt Nam hòa thuận, hạnh phúc hiện nay dựa trên việc xây dựng mối quan hệ cha - con, vợ - chồng, anh - em hòa thuận, hạnh phúc. 

4.2.1. Đạo cha con trong tục ngữ, ca dao Việt Nam góp phần xây dựng mối quan hệ cha con hòa thuận, hạnh phúc trong gia đình Việt Nam hiện nay 

Quan hệ giữa cha mẹ với con cái là quan hệ huyết thống thiêng liêng đối với mỗi con người. Khi nói tới mối quan hệ này, chúng ta thường chỉ chú ý hoặc xem trọng quan hệ một chiều, chú ý tới bổn phận làm con, đạo làm con mà chưa chú ý nhiều đến bổn phận của cha mẹ đối với con cái vì thế ít khi đề cập đến đạo làm cha mẹ: “Trong gia đình truyền thống, người ta ít nói tới trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái nhưng đặc biệt nhấn mạnh tới bổn phận của con cái đối với cha mẹ… Kết quả của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình truyền thống là tạo ra những con người tuân thủ, ngoan ngoãn phục tùng”[71, tr.411-412]. Chính vì thế, những tư tưởng tiến bộ, nhân văn về đạo làm người trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam góp phần xây dựng mối quan hệ cha con hòa thuận, hạnh phúc trên cơ sở thực hiện bổn phận từ hai phía. 

Một là, xây dựng quan hệ của cha mẹ đối với con cái. Đạo làm cha được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam vừa là sự ghi nhận, khẳng định công ơn trời biển mà cha mẹ đã dành cho con cái; đồng thời cũng là sự khẳng định bổn phận của cha mẹ đối với con cái. Cha mẹ phải có tình yêu thương, lòng bao dung nhân từ, độ lượng với con cái, có trách nhiệm nuôi dưỡng, dạy bảo để con khôn lớn trưởng thành. Tư tưởng này góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp của cha mẹ đối với con cái hiện nay. 

Sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay đã làm cho mức sống của các gia đình ngày càng nâng cao, các gia đình có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con tốt hơn nhưng bên cạnh những mặt tích cực thì cũng tồn tại những mặt trái đó là cha mẹ chiều chuộng con quá mức khiến con không biết trân trọng những gì đang có, hình thành ở con tâm lý ỷ lại, lười lao động, thích hưởng thụ, dẫn đến những tệ nạn xã hội. Mặt khác, trước sự phát triển của kinh tế, của lối sống thực dụng, nhiều bậc cha mẹ mải miết kiếm tiền nên không có nhiều thời gian bên con để thấu hiểu con, thay vì cho con tình cảm nhiều cha mẹ đã dùng tiền để bù đắp cho con với suy nghĩ mình vất vả kiếm tiền là để vì con cái, cho con tiền, đáp ứng những nhu cầu vật chất của con cũng có nghĩa là cho con hạnh phúc, cho con tình thương. Nhưng sự thật lại không phải như vậy, tiền không đủ để giúp con cái lớn khôn trưởng thành. Nếu cha mẹ thiếu sự quan tâm với con cái về mặt tình cảm thì đứa trẻ đó sẽ rất dễ trở thành con người vô cảm, ích kỷ, sống thờ ơ, vô trách nhiệm, dễ bị lôi kéo, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, trong xã hội hiện nay, chúng ta thấy có không ít người do không làm chủ được chính mình, không có trách nhiệm với những điều mình đã làm nên đã không thực hiện được bổn phận làm cha mẹ của mình hoặc không làm tròn bổn phận của mình đối với con cái, gây nên không ít hậu quả nghiêm trọng. 

Có không ít cha mẹ do thiếu hiểu biết, thiếu kiên nhẫn đã dạy con bằng roi vọt, đã bạo hành con cái một cách dã man, gây nên những tổn thương nghiêm trọng về cả thể chất và tinh thần cho con trẻ. Nhiều bậc cha mẹ không biết lắng nghe con, không tôn trọng con, áp đặt suy nghĩ của mình đối với con khiến con không có cơ hội được thể hiện và khẳng định mình, tạo nên sự bất đồng quan điểm giữa cha mẹ và con cái cũng như sự bất hòa trong cuộc sống gia đình. 

Thực trạng trên khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng mối quan hệ cha con hòa thuận, hạnh phúc đồng thời khẳng định ý nghĩa của đạo làm người trong tục ngữ, ca dao với việc xây dựng gia đình Việt Nam hòa thuận, hạnh phúc hiện nay. Cha mẹ phải yêu thương, bao dung, nhân từ, độ lượng với con cái. Nhưng tình thương đó phải gắn với sự hiểu biết bởi nếu cha mẹ yêu thương con không đúng cách, yêu thương mà không có sự nghiêm khắc, yêu thương mà không kết hợp với giáo dục, yêu thương một cách mù quáng thì cũng đồng nghĩa với việc hại con, làm hỏng con. Cha mẹ không nuông chiều con quá mức nhưng cũng không cậy thế là cha mẹ để áp đặt, chửi mắng, bạo hành con; đồng thời cần có kiến thức, có sự kiên nhẫn, có thái độ đúng mực với con, biết chỉ bảo, định hướng cho con những điều hay lẽ phải, luôn lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu, tôn trọng con. Có như vậy, con cái mới cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ, biết vâng lời, hiếu thảo với cha mẹ, có ý chí phấn đấu vươn lên để khẳng định mình và đền đáp công ơn trời biển của cha mẹ. 

Hai là, xây dựng quan hệ của con cái đối với cha mẹ. Trên cơ sở khẳng định vai trò, bổn phận của cha mẹ đối với con cái, cha ông ta cho rằng phận làm con phải thấu hiểu, biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam qua một số nội dung cơ bản đó là: phận làm con phải kính trọng, biết ơn, hết lòng phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ; phải cố gắng tu dưỡng, học hành để làm rạng rỡ gia đình, dòng họ; hết lòng phụng thờ khi cha mẹ khuất bóng. Đó là tình cảm thiêng liêng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng mối quan hệ cha - con hòa thuận, hạnh phúc hiện nay khi mà có không ít những người làm con quay lưng lại với cha mẹ, bạc đãi, bất hiếu với cha mẹ, để cha mẹ sống trong cảnh cô đơn, không nơi nương tựa khi tuổi già gây ra không ít hệ lụy đáng tiếc cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Trước hết, phận làm con phải hết lòng phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ với tất cả tấm lòng yêu thương, thành kính. Đúng như Khổng Tử từng nói về sự cần thiết phải Thành và Kính trong việc thực hành chữ Hiếu: “Ngày nay, người ta gọi nuôi nấng, săn sóc cha mẹ là thờ cha mẹ nhưng đối với chó và ngựa người ta cũng phải nuôi nấng chăm sóc nó. Nếu như đối với cha mẹ mà không kính thì sự săn sóc đối với cha mẹ có khác gì đối với việc săn sóc nuôi nấng chó ngựa?”[74, tr.29-30]. Mỗi người có điều kiện khác nhau vì thế sự báo đáp của con cái đối với cha mẹ không quan trọng ở sự sang hèn, giàu nghèo mà quan trọng nhất là ở sự thành kính và tấm lòng yêu thương thực sự. 

Phận làm con phải thấy hạnh phúc khi mỗi ngày còn có cha mẹ, hạnh phúc vì còn được chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Cuộc đời vô cùng ngắn ngủi, khoảng thời gian mỗi con người được sống bên cạnh những người mình thương yêu, được sống bên cha mẹ không nhiều. Lúc nhỏ ở với cha mẹ, lúc khôn lớn trưởng thành thì lập gia đình, đi làm ăn, không phải ai cũng được ở gần cha mẹ để có điều kiện thường xuyên thăm nom cha mẹ. Công việc, sự bận rộn trong cuộc sống hàng ngày với bao khó khăn, bộn bề khiến mỗi con người mải miết xoáy vào vòng xoay cuộc sống mà không có nhiều thời gian cho cha mẹ. Đến khi chúng ta có tuổi, công việc và cuộc sống ổn định, vững vàng, có nhiều thời gian và điều điện để chăm sóc cha mẹ thì cha mẹ lại không còn. Đó vừa là một nghịch lý vừa là quy luật của cuộc sống. Chính bởi cuộc sống ngắn ngủi, nay còn mai mất nên phận làm con phải biết trân trọng những giây phút được ở bên cha mẹ, thấy hạnh phúc khi mỗi ngày còn có cha mẹ, hạnh phúc vì còn được chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ
Tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ còn được thể hiện ở việc hết lòng phụng thờ khi cha mẹ khuất bóng. Điều đó đã trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta từ bao đời nay, giúp mỗi chúng ta an tâm bước đi trong hiện tại, có thể vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay, có không ít những người con khi cha mẹ còn sống thì thờ ơ, vô trách nhiệm, không quan tâm săn sóc cha mẹ nhưng khi cha mẹ qua đời thì thương tiếc, cúng giỗ mâm cao cỗ đầy, xây lăng mộ to đẹp… Chúng ta sống trong hiện tại nhưng thường quên đi hoặc không để tâm tới giây phút hiện tại. Chúng ta thường hoài niệm, nhớ tiếc về những điều đã qua đi, lo lắng cho những điều sắp đến trong tương lai mà ít chú tâm tới cuộc sống hiện tại. Mà hạnh phúc thực sự không thuộc về quá khứ, không chắc có trong tương lai mà cần được tạo ra, cần nắm bắt ngay trong giây phút hiện tại, trong cuộc sống hiện tại. Bởi vì, khi ta nhớ tiếc quá khứ hay ta lo lắng về tương lai thì tại ngay lúc đó ta không hề có hạnh phúc, cũng không thể đem lại hạnh phúc cho người khác. Vì vậy, chúng ta cần thể hiện tình yêu thương, sự hiếu thảo đối với cha mẹ bằng việc làm cụ thể khi chúng ta đang còn được ở bên cha mẹ, đừng để dành những hành động đó khi cha mẹ không còn nữa. Hiện tại là ngắn ngủi, qua mau, cuộc đời con người nay còn mai mất, không ai có thể biết trước được điều gì. Chính vì thế hãy yêu thương và hành động, đem lại hạnh phúc, sự bình an cho chính mình và cho cha mẹ mình ngay trong hiện tại. Có như vậy, ta mới chạm tới sự nhiệm mầu của cuộc sống, mới có được sự hạnh phúc, thanh thản từ trong tâm, qua từng hơi thở, qua từng bước đi để rồi lan tỏa năng lượng sống tích cực đó cho những người xung quanh, để việc thực hành hiếu đạo trở thành lẽ tự nhiên, vô điều kiện trong mỗi con người. Đạo làm người trong mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái trong tục ngữ, ca dao Việt Nam thể hiện tư tưởng biện chứng, nhân văn, đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Cha mẹ có trách nhiệm sinh thành, dưỡng dục, yêu thương, bao dung, nhân từ độ lượng với con cái; con cái phải hết lòng yêu thương, kính trọng, hiếu thảo đền đáp công ơn cha mẹ. Đó chính là cơ sở cho việc xây dựng gia đình Việt Nam hòa thuận, hạnh phúc hiện nay. 

4.2.2. Đạo vợ chồng trong tục ngữ, ca dao Việt Nam góp phần xây dựng mối quan hệ vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc trong gia đình Việt Nam hiện nay

Quan hệ vợ chồng là quan hệ nền tảng trong gia đình, quyết định hạnh phúc của mỗi con người. Câu hỏi đặt ra là: trong mối quan hệ này, con người phải sống làm sao cho phải đạo, để tạo và giữ được hạnh phúc gia đình? Chúng ta có thể tìm được nhiều câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này bởi mỗi thời đại khác nhau, mỗi người khác nhau lại có những quan điểm khác nhau. Một trong những lời giải có ý nghĩa sâu sắc được cha ông ta tổng kết giúp chúng ta có được cái nhìn khá toàn diện để tự suy ngẫm và tìm ra lựa chọn của riêng mình chính là quan niệm về đạo vợ chồng trong tục ngữ, ca dao Việt Nam. Mặc dù, quan niệm về đạo vợ chồng ở đây còn thể hiện tư tưởng phụ quyền, trọng nam khinh nữ của Nho giáo nhưng nó chứa đựng những giá trị không chỉ đối với quá khứ mà đó còn có ý nghĩa định hướng cho chúng ta hôm nay trong cả nhận thức và hành động để tạo và giữ được hạnh phúc gia đình. 

Sự phát triển của kinh tế thị trường, của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay bên cạnh những mặt tích cực thì cũng bộc lộ mặt trái của nó. Đó là sự xuống cấp đạo đức xã hội nói chung, đạo đức gia đình nói riêng trong đó có đạo vợ chồng. Sự xuống cấp của đạo vợ chồng được thể hiện ở việc xem thường tình cảm gia đình, bạo hành gia đình, ngoại tình, lối sống thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thiếu sự quan tâm chia sẻ với nhau… diễn ra ngày càng phổ biến. Nhiều cặp vợ chồng chưa ý thức được giá trị thiêng liêng của quan hệ vợ chồng, xem nhẹ quan hệ vợ chồng vì thế chưa có ý thức xây đắp gia đình. Do thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết, nhiều cặp vợ chồng cưới nhau một cách vội vàng và cũng ly hôn một cách nhanh chóng. Điều đó gây nên những bất hạnh cho cuộc sống gia đình, cho các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy, việc xây dựng mối quan hệ vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc tạo cơ sở cho việc xây dựng gia đình hòa thuận hạnh phúc là việc làm cần thiết. Đạo vợ chồng trong tục ngữ, ca dao Việt Nam có ý nghĩa với việc xây dựng mối quan hệ vợ chồng hòa thuận, hạnh phúc hiện nay. 

Một là, xây dựng quan hệ của chồng đối với vợ. 

Qua tục ngữ, ca dao Việt Nam, cha ông ta đã đưa ra lời khuyên đó là người chồng phải thấu hiểu được vai trò, sự đóng góp của vợ trong việc xây đắp gia đình, luôn có thái độ trân trọng vợ, biết chia sẻ, đỡ đần và không phụ vợ; biết tu dưỡng tài đức để vợ được cậy nhờ. Thực tế hiện nay cho thấy, có không ít những người đàn ông hoặc còn vô tâm hoặc vẫn còn mang tư tưởng gia trưởng nên chưa thấu hiểu được sự đóng góp, vai trò to lớn của vợ trong việc xây đắp gia đình do đó chưa có thái độ trân trọng vợ, chưa có ý thức chia sẻ, đỡ đần vợ. Nhiều người đàn ông vẫn xem những công việc nội trợ, chăm sóc con cái là công việc đương nhiên của vợ vì thế gánh nặng công việc hàng ngày dồn lên vai người phụ nữ vô cùng nặng nề, khiến họ không có nhiều thời gian dành cho bản thân, cho công việc. So với đàn ông, phụ nữ có ít thời gian dành cho nghỉ ngơi và cho sự nghiệp hơn. Đàn ông thường xem công việc gia đình là việc của phụ nữ, vì thế, thực tế, phụ nữ thường ít được đàn ông chia sẻ công việc gia đình hoặc có chia sẻ thì cũng là không nhiều, không liên tục, không phải là việc đương nhiên. Có thể nói, nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do chúng ta bị ảnh hưởng quá lâu bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vì thế mỗi người đàn ông cần thấy được vị trí, vai trò, đóng góp của người vợ trong gia đình từ đó biết yêu thương, trân trọng vợ, biết chia sẻ, đỡ đần vợ. Đồng thời, cuộc sống hiện đại với nhiều cám dỗ khiến cho người đàn ông nếu không tỉnh táo thì rất dễ sa ngã. Đàn ông gặp vợ chủ yếu là lúc ở nhà - lúc mà người phụ nữ phải tất bật cơm nước, dọn dẹp, chăm sóc các con, không được bắt mắt bởi vẻ bên ngoài vì thế trong mắt đàn ông, đôi khi, vợ mình không hấp dẫn bằng những người phụ nữ mà anh ta gặp nơi công sở - lúc mà người phụ nữ chỉn chu nhất. Nếu người đàn ông không thấu hiểu, không biết cảm thông, yêu thương vợ thì rất dễ chán vợ, thờ ơ với vợ. Chính vì vậy, người đàn ông phải biết thấu hiểu, yêu thương và không phụ vợ. 

Vợ chồng đến với nhau là để cùng xây đắp gia đình hạnh phúc vì thế cả hai bên đều phải có trách nhiệm vì nhau, cùng theo nhau, hướng xây dựng những điều tốt đẹp, góp phần thực hiện bình đẳng giới. Và bình đẳng giới là bình đẳng theo “nguyên tắc phần bù” - phần bù cho chủ thể yếu thế. Có nghĩa là, bình đẳng giới không chỉ dừng lại ở việc khẳng định vị trí, vai trò, quyền lợi, tầm quan trọng, giá trị xã hội như nhau giữa nam giới và nữ giới mà còn là sự yêu thương, trân trọng phụ nữ, tạo điều kiện để họ phát triển, đồng thời đó còn là là tư tưởng đấu tranh giải phóng phụ nữ khỏi những bất hạnh trong cuộc sống. Để làm được điều đó thì trước tiên và hơn ai hết chính là người đàn ông, người chồng trong gia đình. 

Hai là, xây dựng quan hệ của vợ đối với chồng. 

Bên cạnh việc chỉ ra bổn phận của chồng đối với vợ, tục ngữ, ca dao Việt Nam cũng chỉ ra bổn phận của vợ đối với chồng đó là: yêu thương, nhún nhường, cùng chia sẻ công việc với chồng, là hậu phương vững chắc của chồng. Trong xã hội hiện nay, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định. Phụ nữ bên cạnh việc thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ của mình đã tham gia một cách hiệu quả vào các công việc xã hội và có đóng góp quan trọng vào mọi mặt đời sống xã hội, “vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà”. Khác với phụ nữ ngày xưa ít được học hành, công việc chủ yếu là tề gia nội trợ thì phụ nữ ngày nay có cơ hội được học hành không kém gì nam giới, thậm chí nếu có sự nỗ lực, họ còn có thể học hành tốt hơn cả nam giới. Họ tham gia các công việc xã hội và thể hiện vai trò trong việc xây dựng gia đình không thua kém gì nam giới. Tuy nhiên, dù trong xã hội nào cũng vậy, người phụ nữ với thiên chức của mình vẫn luôn phải thể hiện được vai trò quan trọng trong việc giữ lửa cho gia đình, yêu chồng, chăm con, vun vén cho hạnh phúc gia đình, là hậu phương vững chắc cho chồng, con. Đó chính là cơ sở cho sự phát triển của mỗi cá nhân, mỗi gia đình cũng như của xã hội. 

Phụ nữ luôn khát khao được bình đẳng với nam giới trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Tuy nhiên, trong gia đình, nhiều khi vợ chồng bình đẳng một cách thái quá thì cũng có những mặt trái của nó, đó là: không ai chịu theo ai, ai cũng cho mình là đúng, ai cũng bảo vệ quan điểm của mình, không ai nhường nhịn ai, làm cho trên dưới không thống nhất, gây bất hạnh thậm chí đổ vỡ trong cuộc sống gia đình. Bình đẳng trong quan hệ vợ chồng phải dựa trên sự yêu thương, thấu hiểu và nhường nhịn lẫn nhau để cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình: “Chồng tới vợ lui, chồng hòa vợ thuận”. Xã hội càng phát triển, vị trí của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội đã được nâng lên, mối quan hệ giữa nàng dâu với gia đình nhà chồng cũng không còn phức tạp như trước. Trước đây, con gái đi lấy chồng khi tuổi còn nhỏ, tâm lý chưa phát triển đầy đủ, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, không làm chủ về kinh tế, sống phụ thuộc vào chồng vì thế rất dễ nảy sinh mâu thuẫn với gia đình chồng, khó được lòng mẹ chồng, một người tổng quản trong gia đình, nhiều hiểu biết và kinh nghiệm. Phụ nữ thời nay thì khác, họ lấy chồng khi đã có sự phát triển đầy đủ về thể chất và tâm lý, được học hành đến nơi đến chốn, có hiểu biết, có công ăn việc làm ổn định, tự đứng được trên đôi chân của mình nên những mâu thuẫn giữa họ với gia đình chồng cũng ít đi. Do đó, nếu như mối quan hệ giữa nàng dâu với gia đình chồng, đặc biệt là với mẹ chồng là khâu yếu nhất trong gia đình Việt Nam truyền thống thì mối quan hệ đó từng bước được hóa giải trong gia đình Việt Nam hiện đại. Có nhiều gia đình, nàng dâu sống hòa hợp với gia đình chồng, được gia đình chồng thương yêu, là người có tiếng nói trong gia đình. Để có được điều đó, đòi hỏi người con dâu phải sống đúng đạo làm vợ, làm con, biết yêu thương và vun vén cho gia đình chồng, coi gia đình chồng cũng như gia đình mình. Có như vậy chúng ta mới có được sự bình an trong cuộc sống và mới sống hạnh phúc. 

4.2.3. Đạo anh em trong tục ngữ, ca dao Việt Nam góp phần xây dựng mối quan hệ anh em hòa thuận, hạnh phúc trong gia đình Việt Nam hiện nay 

Quan hệ anh em là quan hệ huyết thống có ý nghĩa đối với mỗi con người. Tuy nhiên, hiện nay, mối quan hệ này bên cạnh những biểu hiện tích cực thì đã xuất hiện những biểu hiện tiêu cực khiến chúng ta phải suy ngẫm. Vì sự bộn bề cuộc sống cùng với sự ích kỷ cá nhân mà anh chị em trong gia đình sống thờ ơ, thiếu tình thân, thiếu sự gắn bó, chia sẻ với nhau, theo kiểu “ai có thân người ấy lo, ai có bò người ấy giữ”, “chị em không thèm đến ngõ” diễn ra ngày càng phổ biến; những giá trị thiêng liêng của tình cảm anh chị em ngày càng bị xem nhẹ. Vì lợi ích kinh tế, anh chị em trong gia đình sẵn sàng cãi vã, đánh đập, từ khử, kiện tụng nhau không khác gì người dưng nước lã, làm mất đi sự thuận hòa trong gia đình, gây nên sự lục đục giữa cha mẹ với con cái và giữa các con với nhau. Những mâu thuẫn nảy sinh trong mối quan hệ giữa anh chị em trong gia đình không phải bây giờ mới xuất hiện mà nó đã có từ lâu và là điều không thể tránh khỏi. Chỉ có điều, sự phát triển của cơ chế thị trường, của lối sống thực dụng, tư tưởng trọng vật chất hiện nay đã làm cho mối quan hệ này càng trở nên phức tạp, bộc lộ nhiều biểu hiện xuống cấp về đạo đức, ảnh hưởng không nhỏ tới hạnh phúc gia đình, làm lung lay các giá trị đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống. Vì lẽ đó, việc giúp mỗi người hiểu được giá trị thiêng liêng của tình cảm anh chị em, biết yêu thương, chia sẻ, sống có trách nhiệm với gia đình, biết xây đắp cho những người thân yêu của mình để giữ được nếp nhà và cũng là giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc là điều cần thiết. Qua tục ngữ, ca dao Việt Nam, ta thấy được bài học sâu sắc, có ý nghĩa với việc xây dựng mối quan hệ anh em hòa thuận, hạnh phúc hiện nay. 

Trước hết, phận làm anh phải biết yêu thương, bao bọc, nhường nhịn, xây đắp cho em, thay cha lo lắng cho em khi cha qua đời; phận làm em phải kính trọng, yêu thương, đỡ đần và nghe theo lời chỉ bảo đúng đắn của anh. Do ảnh hưởng bởi tư tưởng phụ quyền, mối quan hệ anh - em cũng giống như mối quan hệ cha - con. Người cha, người chồng, người anh đóng vai trò trụ cột gia đình, có quyền quyết định mọi công việc; còn người con, người vợ, người em có bổn phận phải nghe theo (tại gia tòng phụ, phu xướng phụ tùy, quyền huynh thế phụ). Mặc dù, quan niệm này cũng có những hạn chế nhất định nhưng nó giúp gia đình trên dưới thống nhất, có tôn ti trật tự, có người nói người nghe, có người xướng người tòng, giúp mỗi người biết sống đúng bổn phận của mình. Anh em cùng do cha mẹ sinh ra, cùng lớn lên bên nhau, lúc nhỏ đều phụ thuộc vào cha mẹ, được cha mẹ nuôi nấng trưởng thành, đều là tình yêu, là niềm hy vọng của cha mẹ. Chính vì vậy, anh em phải biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, cùng phấn đấu thành đạt để làm vui lòng cha mẹ. Làm anh phải biết nhường nhịn, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ em bởi em chính là người thân ruột thịt của mình, là người luôn yêu thương và sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với mình, muốn những điều tốt nhất cho mình. Đồng thời, làm anh phải biết xây đắp cho em và khi cha mất, anh phải thay cha lo lắng cho em. Đây là tư tưởng mang tính nhân văn sâu sắc, thế hệ trước vun đắp cho thế hệ sau, người đi trước soi đường cho người đi sau để nối tiếp nhau cùng phát triển. Khổng Tử từng nói: mình muốn lập thân thì cũng giúp người khác lập thân, mình muốn thành đạt thì cũng giúp người khác thành đạt (Kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ dục đạt nhi đạt nhân). Đó là đạo lý làm người nói chung, áp dụng cho các mối quan hệ của con người trong xã hội, huống hồ là anh em một nhà thì càng cần phải đỡ đần, đùm bọc, nâng đỡ, xây dựng cho nhau. Anh thành đạt cũng phải giúp em thành đạt, anh lập thân thì cũng cần giúp em lập thân và ngược lại. Đặc biệt, khi cha mẹ qua đời, anh em lại càng phải biết dựa vào nhau, giúp nhau thành đạt, làm cho mẹ cha yên lòng, làm rạng danh cho gia đình, dòng họ. Sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của anh em trong gia đình phải dựa trên sự thấu hiểu và tôn trọng nhau. 

Bởi yêu thương mà không có sự thấu hiểu thì tình thương đó sẽ không có giá trị; giúp đỡ mà không có sự tôn trọng thì đó là sự ban ơn. Yêu thương, thấu hiểu và tôn trọng phải luôn đi liền với nhau trong quan hệ anh em. Làm em phải biết yêu thương, kính trọng anh, thấu hiểu được trọng trách, sự vất vả của anh, biết chia sẻ, đỡ đần anh. Đồng thời, phải có tinh thần tự chủ, biết phấn đấu rèn luyện để có thể đứng trên đôi chân của mình, không ỷ lại, dựa dẫm vào anh, giảm bớt nỗi lo cho anh, cho gia đình. Có như vậy, anh em trong gia đình mới trên dưới một lòng, trong ấm ngoài êm. 

Anh em khi còn sống chung một nhà thường ít nảy sinh mâu thuẫn hoặc nếu có chỉ là những những mâu thuẫn liên quan đến cuộc sống hàng ngày, không có gì đặc biệt. Khi trưởng thành, mỗi người đều lập gia đình và có cuộc sống riêng, có những mối bận tâm và lo lắng riêng, không có nhiều thời gian dành cho nhau nên trước những gánh nặng cơm áo gạo tiền, khi nảy sinh những vấn đề liên quan đến lợi ích vật chất, đến tiền bạc nếu không đủ tỉnh táo, thông biết yêu thương nhau thì sẽ rất dễ nảy sinh mâu thuẫn. Đặc biệt, hiện nay, lối sống thực dụng, vị kỷ đang trở nên ngày càng phổ biến thì tình cảm anh em nhiều khi bị xem nhẹ. Người ta có thể sẵn sàng vì lợi ích của mình mà để mất tình anh em, gây nên những xung đột, bất hạnh không đáng có trong cuộc sống. Vì vậy, qua tục ngữ, ca dao Việt Nam, chúng ta có được những bài học đáng suy ngẫm đó là cho dù cuộc sống có thế nào đi nữa thì mỗi người hãy cố gắng vượt qua chính mình, vượt qua sự ích kỷ của bản thân để thương yêu lấy nhau, để giữ sự thuận hòa trong gia đình, lấy yêu thương để hóa giải mọi mâu thuẫn, để sống với nhau có tình có nghĩa. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong xã hội ngày nay khi mà đạo đức xã hội đang bị lãng quên và đồng tiền lên ngôi, trở thành thước đo của mọi giá trị. 

4.3. ĐẠO LÀM NGƯỜI TRONG TỤC NGỮ, CA DAO VIỆT NAM GÓP PHẦN XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ TỐT ĐẸP GIỮA CON NGƯỜI VỚI XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 

Một trong những mối quan hệ có nhiều vấn đề nổi cộm hiện nay chính là mối quan hệ của con người với xã hội. Trước sự phát triển của kinh tế thị trường, của khoa học công nghệ, sự hối hả của cuộc sống hiện đại, sự du nhập của nhiều luồng văn hóa từ bên ngoài, cùng với đó là những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, mối quan hệ của con người với xã hội có biểu hiện đi xuống đáng báo động. Con người trở nên lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm trước những người xung quanh, bàng quan với những vấn đề chính trị xã hội của đất nước. Lối sống thực dụng, vị kỷ đã chi phối các mối quan hệ của con người, làm cho quan hệ giữa người với người mang tính lợi ích nhiều hơn là quan hệ tình cảm. Chính vì vậy, việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với xã hội là điều cần thiết. Qua tục ngữ, ca dao Việt Nam, ta thấy được nhiều bài học sâu sắc, góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp của con người với xã hội. 

4.3.1. Tình thương người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội Việt Nam hiện nay 

Việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội là việc làm có nghĩa, đặc biệt trong bối cảnh xuống cấp đạo đức xã hội như hiện nay. Qua việc khẳng định giá trị cốt lõi của mối quan hệ giữa con người với con người là tình yêu thương, đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội Việt Nam hiện nay được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau: 

Một là, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội Việt Nam hiện nay dựa trên tình yêu thương, tinh thần đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia. Thương người là giá trị đạo đức luôn được trân trọng, đề cao ở bất cứ nền văn hóa nào. Tuy nhiên, tư tưởng thương người của dân tộc ta được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam có nét riêng, thể hiện tinh thần tiến bộ và nhân văn sâu sắc: “thương người như thể thương thân”. Thương người đã là quý, thương người như thương chính mình lại càng đáng quý hơn. Nó đáng quý ở chỗ đó là cái không phải ai cũng làm được bởi con người bao giờ có sự ích kỷ cá nhân, luôn yêu thương bản thân mình, nghĩ cho mình, chăm lo vun đắp cho mình hơn là cho người khác. Tư tưởng “thương người như thể thương thân” đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay khi mà sự phát triển của kinh tế, của lối sống thực dụng, vị kỷ đã làm cho mối quan hệ giữa người với người đã có sự biến đổi theo hướng tiêu cực. Con người ngày càng trở nên vô cảm trước những nỗi khổ của người khác, vô cảm trước những số phận bất hạnh trong cuộc sống. Đồng tiền, giá trị vật chất đã chi phối mạnh mẽ mối quan hệ giữa người với người. Vì lợi ích kinh tế, người ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì, thậm chí cả những điều trái với lương tâm, trái với luân thường đạo lý. Con người ngày càng đối diện nhiều với những hiểm họa do con người tạo ra: ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; thức ăn, nước uống chứa chất hóa học độc hại tràn lan trên thị trường; bệnh dịch xuất hiện ngày càng nhiều với tính chất ngày càng nguy hiểm… Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ ung thư tăng cao nhất trên thế giới, chiếm tới 35%. Trong quý I năm 2016, cả nước có 969 người bị ngộ độc thực phẩm trong đó 669 người nhập viện, 2 người tử vong. Số ca bị ngộ độc thực phẩm hàng năm trong khoảng 250 - 500, 7.000 - 10.000 người nhập viện và 100 - 200 người tử vong. Mỗi năm, Việt Nam dành 0,22% GDP chi trả cho 6 căn bệnh ung thư mà nguyên nhân chính là do thực phẩm bẩn [30]. 

Mặc dù những số liệu trên đây chưa thể nói hết được thực trạng bất ổn, đáng báo động của vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam hiện nay nhưng qua đó phần nào nói lên được hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng thực phẩm bẩn mà nguyên nhân của nó là do lợi ích kinh tế. Vì lợi ích kinh tế mà người ta sẵn sàng sử dụng chất cấm, các chất hóa học độc hại một cách tràn lan trong chăn nuôi, trồng trọt và chế biến bất chấp nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Đó là một vấn nạn xã hội đang diễn ra ngày càng tinh vi phức tạp, khó lường ở Việt Nam, là nguyên nhân gây ra các bệnh hiểm nghèo, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của con người. 

Tư tưởng thương người như thể thương thân trong tục ngữ, ca dao Việt Nam góp phần khắc phục lối sống thờ ơ, vô cảm của con người hiện nay, giúp mỗi con người biết nhìn lại chính mình, biết sống quan tâm tới những người xung quanh, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu nỗi khổ của người khác. Nếu mỗi người biết yêu người khác như chính bản thân mình thì người đó sẽ luôn cố gắng làm những điều tốt nhất có thể cho chính mình cũng như cho người khác, không làm bất cứ điều gì gây tổn hại đến người khác. Giữa người với người có mối quan hệ biện chứng không tách rời. Vì thế, thương người cũng là thương chính mình, làm lợi cho người cũng là làm lợi cho mình, đem lại những điều tốt đẹp cho người khác cũng là đem lại cho mình những điều tốt đẹp. Tình thương người chính là cơ sở hình thành ý thức về bổn phận của cá nhân đối với tập thể, của công dân với đất nước. Đó là triết lý sống nhân văn, tốt đẹp cần được phát huy trong bối cảnh hiện nay. 

Đi liền với tình yêu thương là sự đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia giữa những con người trong xã hội. Sự phát triển của kinh tế, của lối sống vật chất vị kỷ đã làm cho con người ngày càng xa cách, thiếu sự gắn kết cộng đồng và thiếu dư vị tình người. Tinh thần đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia đã trở thành mắt xích yếu trong mối quan hệ giữa những con người trong xã hội hiện đại. Trong khi đó, con người con người đang từng ngày từng giờ phải đối diện với nhiều hiểm họa như: tai nạn giao thông, thiên tai, bệnh hiểm nghèo, chiến tranh… Đó là những nguy cơ đang đe dọa cuộc sống con người, làm cho cuộc sống con người vô cùng bất an, khó lường trước được. Chính vì vậy, trong xã hội hiện nay, con người càng cần có sự đoàn kết, sẻ chia, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, trước những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch trong và ngoài nước nhằm làm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm nhân dân ta mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước thì mỗi chúng ta càng phải nêu cao tinh thần đoàn kết. Đoàn kết sẽ giúp chúng ta phân biệt đúng sai, giúp chúng ta có đủ sức mạnh đương đầu với mọi kẻ thù. Tình yêu thương, đoàn kết, sẻ chia, đùm bọc sẽ giúp chúng ta xích lại gần nhau, gắn kết với nhau, cùng nhau tạo nên môi trường sống hữu ái, xoa dịu những nỗi đau, sự bất hạnh mà con người đang gặp phải. Có như vậy, chúng ta mới có thể đương đầu được với những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp. 

Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người từng nói: “Việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được, ít người làm không nổi, nhiều người đồng tâm hiệp lực mà làm thì phải nổi” [40, tr.282] với chân lý: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công. Trong Di chúc, Người căn dặn các cán bộ, đảng viên: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” [44, tr.611]. Hiện nay, đất nước ta đang trên đà hội nhập phát triển với những thuận lợi và khó khăn nhất định. Để tạo nên sự phát triển vững chắc, Đảng, Nhà nước phải tiếp tục củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Tư tưởng thương người, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa những con người trong xã hội được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam không bó hẹp trong một phạm vi nào mà đó là tình người của một thế giới đại đồng, thế giới mở “anh em bốn bể một nhà” trên tinh thần tương trợ lẫn nhau, với phương châm “thêm bạn bớt thù” để cùng chung sống hòa hợp. Đây là tinh thần nhân văn quốc tế, thể hiện triết lý sống của cha ông ta: cởi mở, khoan hòa, tình nghĩa. Trên tinh thần đó, ngày nay, trong giao lưu, hội nhập quốc tế, chúng ta thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở: “đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” [12, tr.153]. Có thể nói, tình thương người, tinh thần đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia giữa những con người trong xã hội đã trở thành điểm tựa vững chắc, là động lực mạnh mẽ trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và nó cần được tiếp tục phát huy trong sự nghiệp cách mạng của đất nước hôm nay. 

Hai là, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội Việt Nam hiện nay trên cơ sở nêu cao tinh thần thương dân, hết lòng phục vụ nhân dân, đấu tranh bảo vệ quyền lợi nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. 

Tư tưởng thương người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam còn gắn với tư tưởng thương dân, hết lòng phục vụ nhân dân, đấu tranh bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Tư tưởng này cần được phát huy trong bối cảnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay. Có không ít những cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ của mình làm trái quy định của pháp luật, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân… Từ nhiều năm nay, trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, trong các kỳ họp Quốc hội, các diễn đàn xã hội khác, vấn đề suy thoái đạo đức trong một bộ phận nhân dân và cán bộ, đảng viên, kể cả những người có chức, có quyền được đề cập, bàn luận khá nhiều. 

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định sự: “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự di n biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí…” [12, tr.429]. Nếu trước đây, Đảng ta khẳng định một bộ phận nhỏ cán bộ đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, thì bây giờ, bộ phận nhỏ đã trở thành bộ phận không nhỏ. Trong Đảng đã xuất hiện hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ có chức có quyền. 

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải nêu cao tinh thần thương dân, hết lòng phục vụ nhân dân, đấu tranh bảo vệ quyền lợi nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[42, tr.292]. Cán bộ, đảng viên phải nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của nhân dân, trong mọi trường hợp luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, tận tụy hết lòng phục vụ nhân dân. Người từng nói “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” [43, tr.434]. Người đã mở rộng quan niệm “trung hiếu” của đạo đức Nho giáo vào thời đại mới để nói lên vai trò của những người cán bộ, đảng viên trước nhân dân và trước dân tộc: “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Những tư tưởng trên đã được dân gian hóa như một câu tục ngữ về tinh thần phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trung với nước, hiếu với dân là cái gốc của người cán bộ, đảng viên. Đó chính là chuẩn mực, là giá trị cao nhất của đạo đức cách mạng và là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên có thể thực hiện được những nhiệm vụ nặng nề và khó khăn, dám hy sinh quyền lợi bản thân và gia đình, đặt lợi ích dân tộc, Tổ quốc lên trên hết…
Tư tưởng thương người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam không mơ hồ, trừu tượng mà rất cụ thể, mang tinh thần tiến bộ và nhân văn sâu sắc. Đó là tình thương người như thương mình; là sự đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia và cao hơn nữa đó là yêu nước, thương dân, hết lòng phục vụ nhân dân, đấu tranh bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Quan niệm đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam có ý nghĩa với việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với xã hội hiện nay. 

4.3.2. Tình yêu nước trong tục ngữ, ca dao 

Việt Nam góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với quê hương, đất nước ở Việt Nam hiện nay Mối quan hệ của con người với quê hương, đất nước là mối quan hệ thiêng liêng đối với mỗi con người, trong đó giá trị được đề cao hàng đầu đó là tình yêu nước. Yêu nước là giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển cùng với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước lâu dài của nhân dân qua nhiều thế hệ và tinh thần đó cần được tiếp tục phát huy trong bối cảnh hiện nay. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đặt ra yêu cầu: “xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính” [10, tr.76-77] nhằm khơi dậy mọi tiềm năng, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Mặc dù đất nước ta đã thoát khỏi chiến tranh nhưng chúng ta vẫn đang phải đối diện với thù trong, giặc ngoài. Các thế lực thù địch trong nước và thế giới vẫn đang tìm cách chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Cùng với đó là sự phát triển mọi mặt đời sống xã hội, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải nêu cao tinh thần yêu nước. Yêu nước trong bối cảnh hiện nay phải có sự kế thừa những giá trị của lòng yêu nước trong truyền thống, đồng thời phải bổ sung những yêu cầu mới cho phù hợp với thực tiễn. Tình yêu nước trong tục ngữ, ca dao Việt Nam góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với quê hương, đất nước hiện nay trên cơ sở bổ sung những yêu cầu mới, cụ thể là: 

Thứ nhất, yêu nước là tin tưởng, bảo vệ con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã chọn, kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. 

Tình yêu nước được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam là ý chí quyết tâm đánh giặc giữ nước. Tình yêu đó vẫn còn giữ nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, trước bối cảnh đất nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như: âm mưu diễn biến hòa bình, khủng bố, nguy cơ chiến tranh, tranh chấp lãnh thổ trên đất liền và trên biển, nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh thông tin, an ninh mạng, an ninh kinh tế, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao… đang đe dọa đến hòa bình ổn định của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam vì thế tình yêu nước hiện nay phải gắn với việc nâng cao tinh thần cảnh giác trong Đảng, trong quân đội và trong nhân dân, luôn đoàn kết một lòng, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra, tin tưởng, bảo vệ con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã chọn, kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. 

Thứ hai, yêu nước là luôn có ý thức bảo vệ môi trường sống vì sự phát triển của mỗi cá nhân và sự phát triển bền vững của đất nước. 

Tình yêu nước được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam bắt đầu từ tình yêu xóm làng, yêu vẻ đẹp của đất nước, quê hương. Tình yêu đó góp phần khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường sống, bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp của đất nước trong bối cảnh môi trường sống đang bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay. Ô nhiễm môi trường là vấn đề lớn mà mà thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt. Sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất và của dân số đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đe dọa trực tiếp sự phát triển bền vững của mọi quốc gia. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại trong khi việc xử lý chất thải, nước thải còn rất hạn chế. Đặc biệt, trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp nhưng trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 500.000 cơ sở sản xuất trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu. Bên cạnh đó, nước ta có hơn 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 4.500 làng nghề. Hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế. Cả nước hiện có 787 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải ngày/ đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý và đang lưu hành gần 43 triệu môtô và trên 2 triệu ôtô [25]. Tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí ở các thành phố lớn của Việt Nam đang ở mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như hệ sinh thái. Đã đến lúc chúng ta phải nhận thức rõ vấn đề này, có hành động thiết thực, kịp thời góp phần bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta. Ănghen đã từng cảnh báo: “Chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với tất cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên”[6, tr.655]. Con người là một bộ phận không tách rời của giới tự nhiên do đó mọi điều gây tổn hại cho giới tự nhiên thì sớm muộn cũng tác động trực tiếp đến chính con người. Môi trường sống bị ô nhiễm thì không ai khác ngoài chúng ta và các thế hệ con cháu chúng ta sẽ trực tiếp phải gánh chịu. Chính vì vậy, yêu nước trong bối cảnh hiện nay còn là biết yêu và bảo vệ môi trường sống vì sự phát triển của mỗi cá nhân và sự phát triển bền vững của đất nước. 

Thứ ba, yêu nước là không ngừng học tập, tu dưỡng trí tuệ và đạo đức, có ý thức xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cá nhân với gia đình và xã hội nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội. 

Sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội hiện nay đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với con người. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động mạnh đến Việt Nam tạo cho chúng ta cơ hội và thách thức to lớn. Về cơ hội, Việt Nam có thể hội nhập sâu rộng, hiệu quả vào nền kinh tế thế giới, đi tắt đón đầu, tranh thủ các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển. Bên cạnh cơ hội, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn. Một trong những thách thức đặt ra đó là nếu chúng ta không trau dồi kiến thức, phát huy sức mạnh trí tuệ toàn dân, không sẵn sàng tham gia vào cuộc cách mạng này thì chúng ta sẽ bị tụt hậu. Vì thế, yêu nước ngày nay còn là quyết tâm trau dồi kiến thức, kĩ năng, nắm bắt được những tri thức khoa học tiên tiến của thời đại, có thể ứng dụng vào cuộc sống, vào quá trình sản xuất đồng thời không ngừng nghiên cứu tìm tòi để có những đóng góp cho khoa học, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Cùng với việc nâng cao trí tuệ, con người cần ra sức tu dưỡng đạo đức để hoàn thiện nhân cách, có ý thức xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, xã hội tạo cơ sở cho sự phát triển hài hòa mọi mặt đời sống xã hội. 

Có thể nói, yêu nước trong bối cảnh hiện nay đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi phải có sự thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, kế thừa và đổi mới; đòi hỏi chúng ta phải chuyển từ tinh thần yêu nước trong chiến tranh sang trong hòa bình, từ ý chí không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ sang ý chí không chịu nghèo đói, tụt hậu: “Yêu nước ngày nay… phải gắn liền với ý chí tự lực tự cường, sáng tạo trong lao động, học tập và nghiên cứu, khai thác mọi tiềm năng của đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc, quyền bình đẳng dân tộc, chiến thắng nghèo đói lạc hậu, để nhân dân được ấm no, hạnh phúc, vươn lên ngang tầm thời đại”[32, tr.32]. Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam có ý nghĩa sâu sắc, góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với quê hương, đất nước, góp phần giúp chúng ta có nhận thức và hành động đúng đắn để thể hiện tình yêu nước của mình trong bối cảnh hiện nay. 

Tiểu kết chương 4 

Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam thể hiện triết lý sống sâu sắc của dân tộc được đúc kết qua nhiều thế hệ, có ý nghĩa với việc hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam, với việc xây dựng gia đình Việt Nam hòa thuận, hạnh phúc và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với xã hội ở Việt Nam hiện nay: 

Thứ nhất, đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam góp phần giúp chúng ta biết sống có trách nhiệm với chính mình, biết làm chủ cuộc đời mình, có khát vọng được khẳng định mình; luôn có ý thức vươn lên trong học tập để hoàn thiện bản thân đồng thời hiểu được giá trị của lao động từ đó có thái độ cần cù, sáng tạo trong lao động. 

Thứ hai, đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam giúp chúng ta thấy được vị trí, vai trò của mình trong gia đình từ đó có ý thức xây dựng mối quan hệ cha - con, vợ - chồng, anh - em hòa thuận, hạnh phúc dựa trên sự thấu hiểu và thực hiện bổn phận từ hai phía, tạo cơ sở xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc. 

Thứ ba, đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam củng cố tình yêu thương và lòng yêu nước trong mỗi người Việt Nam, giúp mỗi người có ý thức xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với xã hội, góp phần xây dựng đất nước phát triển bền vững. 

Trong bối cảnh đất nước đang trên đà hội nhập phát triển như hiện nay thì việc trở về phát huy những giá trị đạo làm người trong truyền thống thông qua tục ngữ, ca dao Việt Nam là điều rất cần thiết, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trần Quốc Vượng từng nói: “nếu Dân là gốc nước thì Văn hóa Dân gian bao giờ cũng là nền tảng của văn hóa dân tộc”[76, tr.184]. Để có thể phát huy những giá trị của đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải đảm bảo sự thống nhất giữa truyền thống và hiện đại trên cơ sở nhận thức được sự biến đổi không ngừng của thực tiễn cuộc sống. Có như vậy, chúng ta mới hiểu được giá trị đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam, đồng thời có ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị đó trong thời đại ngày nay. 

KẾT LUẬN 

Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam là bức tranh sinh động về sự tồn tại của con người trong tổng hòa những mối quan hệ xã hội; là sự thống nhất biện chứng những yêu cầu cơ bản để hoàn thiện nhân cách và những nguyên tắc đạo đức căn bản, cốt lõi quy định bổn phận của con người trong mối quan hệ với bản thân, với gia đình và xã hội. Mặc dù, quan niệm về đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam chưa được tổng kết thành hệ thống những quan điểm lý luận nhưng ở đó, người ta đã thấy cả một “triết lý dân tộc” giản dị mà sâu sắc, thể hiện tinh thần nhân văn, cách mạng, nét đặc sắc trong lối ứng xử của dân tộc, cũng như tính đặc thù của tư tưởng triết học Việt Nam. 

Ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau thì những nguyên tắc đạo đức mà con người cần tuân theo cũng có sự thay đổi nhất định. Tuy nhiên, tục ngữ, ca dao Việt Nam là triết lý sống được cha ông ta đúc rút qua nhiều thế hệ đã thể hiện được quan niệm về đạo làm người mang tính bền vững, thể hiện những giá trị cốt lõi mà con người cần phải theo đuổi trong suốt cuộc đời. Những điều đó có ý nghĩa sâu sắc, góp phần định hướng cho con người trong nhận thức và hành động để hoàn thiện nhân cách và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp với gia đình và xã hội, tạo cơ sở cho sự phát triển hài hòa mọi mặt đời sống xã hội. Đặc biệt, trước sự phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế hiện nay, bên cạnh những thuận lợi cũng đặt ra cho chúng ta không ít những thách thức. Một trong những thách thức đó là sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Vì vậy, việc kế thừa và phát huy giá trị đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam là việc làm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Đồng thời, những giá trị của đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam cần phải được nâng lên cho phù hợp với yêu cầu của thời đại. Hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ được mở rộng và nâng lên thành hiếu với dân với nước. Lòng thương người được nâng lên thành chủ nghĩa nhân đạo. Lòng yêu nước phải gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã chọn... Có như vậy, những giá trị của đạo làm người trong truyền thống nói chung, được thể hiện trong tục ngữ, ca dao Việt Nam nói riêng mới có ý nghĩa tích cực trong việc giữ gìn và xây dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, mới thể hiện được vai trò tác động trở lại của nó đối với tồn tại xã hội nhằm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. 

Có thể nói, tục ngữ, ca dao Việt Nam là triết học của nhân dân lao động Việt Nam. Đó là một kho tàng tri thức chứa đựng muôn vàn giá trị tinh thần quý báu. Nghiên cứu đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam chỉ là sự khai thác một trong những giá trị đó. Vì vậy, tác giả hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những đề tài nghiên cứu về tục ngữ, ca dao Việt Nam nói riêng, Văn học dân gian Việt Nam nói chung dưới góc độ triết học, nhằm giúp thế hệ trẻ Việt Nam có cơ hội hiểu rõ hơn cội nguồn văn hóa dân tộc, từ đó có ý thức bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị đó trong bối cảnh đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển như hiện nay. 

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 

1. Trần Thị Thơm (2018), “Đạo hiếu trong tục ngữ, ca dao Việt Nam”, Tạp chí Triết học, Số 6 (325)/ 2018, tr.85-92. 

2. Trần Thị Thơm (2019), “Triết lý giáo dục trong tục ngữ, ca dao Việt Nam”, Tạp chí Triết học, Số 5(336)/2019, tr.77-84. 

3. Trần Thị Thơm (2016), “Triết lý về việc học trong tục ngữ Việt Nam”, Tạp chí Giáo dục, Số 383, tháng 6/2016, tr.13-15. 

4. Trần Thị Thơm (2016), “Quan niệm về giải phóng phụ nữ trong ca dao, tục ngữ Việt Nam”, Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt, kỳ 3, tháng 6, tr.141-143. 

5. Trần Thị Thơm (2016), “Tinh thần đấu tranh chống sự xâm lược của thực dân, đế quốc trong ca dao, tục ngữ Việt Nam”, Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt, kỳ 3, tháng 6/2016, tr.137-140. 

6. Trần Thị Thơm (2018), “Tư tưởng tôn sư trọng đạo trong ca dao, tục ngữ Việt Nam”, Tạp chí Giáo dục, Số 428 (kỳ 2 - 4/2018), tr.35-38 

7. Trần Thị Thơm (2019), “Quan niệm về nghĩa anh em trong tục ngữ, ca dao Việt Nam”, Tạp chí Giáo dục, Số 463 (kỳ 1 - 10/2019). 

8. Tran Thi Thom, Tran Thi Ngoc (2018), “Dualistic Behavior of Vietnamese in Folk-songs and Proverbs”, American Journal of Educational Research, Vol. 6, No. 5, 526-531. 

9. Tran Thi Thom (2019), “Morality in Vietnamese Proverbs and Folk Songs - Formation Basis and Characteristics”, World Journal of Social Sciences and Humanities, vol.5, no.1: 55-61. doi: 10.12691/wjssh-5-1-8. 

10. Tran Thi Thom (2019), “The Morality of Being Human in Family Relationships Expressed by Vietnamese Proverbs and Folk Songs”, World Journal of Social Sciences and Humanities, vol.5, no.2:62-70. doi: 10.12691/wjssh-5-2-1. 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Dương Thu Ái và Nguyễn Kim Hanh (Sưu tầm và dịch)(2004), Giáo dục truyền thống văn hóa gia đình cổ xưa, Nxb Văn hóa thông tin. 

2. Lương Gia Ban và Nguyễn Thế Kiệt (đồng chủ biên)(2014), Giá trị văn hóa truyền thống dân tộc với việc xây dựng nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 3. Đỗ Thị Bảy (2011), Sự phản ánh quan hệ gia đình, xã hội trong tục ngữ ca dao, Nxb Lao động. 

4. Phan Kế Bính (2008), Việt Nam phong tục, Nxb Văn học. 

5. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 

6. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, Tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 

7. Đoàn Trung Còn (Dịch và chú giải)(1996), Đại học Trung dung, Nxb Thuận Hóa - Huế. 

8. Nguyễn Nghĩa Dân (2000), Đạo làm người trong tục ngữ ca dao Việt Nam, Nxb Thanh niên. 

9. Nguyễn Nghĩa Dân (2007), Tục ngữ các dân tộc Việt Nam về giáo dục đạo đức Nxb Giáo dục. 

10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 

11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng. 

12. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 

13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng. 

14. Trần Thị Điểu (2014), "Đạo hiếu trong văn học dân gian Việt Nam", Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam, Khoa Triết học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Nxb Lý luận chính trị, tr. 257-268. 

15. Lê Văn Đính (2007), "Bàn thêm về ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay", Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo. 10. 

16. Phan Đại Doãn (1999), "Một số đặc điểm Nho giáo Việt Nam", Tạp chí Nghiên cứu lịch sử. 2. 

17. Nguyễn Tài Đông (2013), "Tam giáo Đồng nguyên và tính Đa nguyên trong truyền thống văn hóa Việt Nam", Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam. 5(66). 

18. Vũ Dung và Vũ Thúy Anh (2003), Ca dao Việt Nam, tập 1, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 

19. Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội. 

20. Vũ Thị Hải (2014), "Đạo làm người trong ca dao, tục ngữ Việt Nam", Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam, Khoa Triết học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Nxb Lý luận chính trị, tr. 339-352. 

21. Cao Thu Hằng và Nguyễn Thị Thọ (đồng chủ biên) (2017), Giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam. 

22. Nguyễn Hùng Hậu (2017), Triết học Việt Nam, tập 1: Triết học Việt Nam truyền thống, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật. 

23. Nguyễn Duy Hinh (2003), Người Việt Nam với Đạo giáo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 

24. Tử Hoàn (2004), "Nho giáo với gia đình Việt Nam truyền thống", Tạp chí Đông Nam Á. 12. 

25. Nguyễn Hồng (2018), Tổng quan thực trạng ô nhi m môi trường hiện nay, truy cập ngày 28/5/2019, tại trang web 150 http://tainguyenmoitruong.com.vn/

26. Đỗ Huy (2002), Đạo đức học - Mỹ học và đời sống văn hóa nghệ thuật, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 

27. Nguyễn Thừa Hỷ (2015), Văn hóa Việt Nam truyền thống - Một góc nhìn, Nxb Thông tin và truyền thông. 

28. Huệ Khải (2010), Tam giáo Việt Nam, Tiền đề tư tưởng mở Đạo Cao Đài, Nxb Tôn giáo. 

29. Đinh Gia Khánh (1983), Ca dao Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội. 

30. Không rõ tên (2018), Thực trạng thực phẩm bẩn - Những con số biết nói, truy cập ngày 6/3/2019, tại trang web http://www.greenfeed.com.vn/

31. Khổng tử (Người biên soạn (Tạ Quang Phát dịch) (2007), Kinh Thi, Nxb Văn học. 

32. Nguyễn Thế Kiệt (2015), "Vai trò của giáo dục đạo đức trong xây dựng nhân cách sinh viên hiện nay", Tạp chí Lý luận chính trị. 7. 

33. Nguyễn Xuân Kính ( chủ biên) (2002), Kho tàng tục ngữ người Việt, Tập 1, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 

34. Nguyễn Xuân Kính (chủ biên) (2002), Kho tàng tục ngữ người Việt, Tập 2, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 

35. Hoàng Thúc Lân (chủ biên) (2017), Triết lý nhân sinh trong tục ngữ, ca dao Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam. 

36. Mã Giang Lân và Lê Chí Quế (1977), Tục ngữ, câu đố, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Đại học Tổng hợp. 

37. Phạm Việt Long (2010), Tục ngữ ca dao về quan hệ gia đình, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 151 

38. Nguyễn Thị Như Lụa (2014), "Quan niệm về đạo Hiếu trong tục ngữ, ca dao Việt Nam", Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam, Khoa Triết học, Đại học Sư phạm Hà Nội, tr. 364-375. 

39. Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 

40. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 

41. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 

42. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 

43. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 

44. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 

45. Phạm Xuân Nam (2002), Triết lý phát triển ở Việt Nam - mấy vấn đề cốt yếu, Nxb Khoa học xã hội. 

46. Nguyễn Thế Nghĩa và Nguyễn Thị Hương Giang (2017), Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 47. Trần Nghĩa (2010), "Quá trình hội nhập Nho - Phật - Lão hay sự hình thành tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” ở Việt Nam", Tạp chí Triết học. 1(224).

48. Vũ Ngọc Phan (2008), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội. 

49. Hoàng Phê (chủ biên) (2010), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng. 

50. Nguyễn Hồng Phong (1963), Tìm hiểu tính cách dân tộc, Nxb Khoa học, Hà Nội.  

51. Nguyễn Thị Kim Phượng (2017), Chữ Đạo trong tục ngữ, ca dao - dân ca người Việt, Kỷ yếu Hội thảo: Nghiên cứu, giảng dạy Việt Nam học và tiếng Việt - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.528-544. 

52. Trần Đăng Sinh (2010), Những khía cạnh triết học trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 

53. Bùi Thanh Sơn và Lê Thị Thu Ngân (2007), Con người Việt Nam - giá trị truyền thống và hiện đại, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 

54. Võ Văn Thắng và Nguyễn Thị Ngọc Thơ (2014), "Nhân ái - một giá trị văn hóa cao đẹp trong đạo làm người Việt Nam", Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam, Khoa Triết học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Nxb Lý luận chính trị, tr. 48-57. 

55. Hoàng Phương Thảo (2014), "Đạo hiếu trong ca dao Việt Nam", Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam, Khoa Triết học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Nxb Lý luận chính trị, tr. 295-306. 

56. Hoàng Thị Thảo (2018), "Tìm hiểu một số nội dung giáo dục qua triết lý nhân sinh trong ca dao, tục ngữ Việt Nam", Tạp chí Giáo dục. Số Đặc biệt Kỳ 1 tháng 5, tr. 276-279. 

57. Trần Ngọc Thêm (1997), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb TP Hồ Chí Minh. 

58. Trần Ngọc Thêm (1998), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục. 

59. Lê Đức Thọ (2018), "Quan điểm về đạo làm người trong ca dao, tục ngữ Việt Nam", Tạp chí Khoa học và Công nghệ. 3, tr. 70-72. 

60. Nguyễn Thị Thọ (2017), Bản thể luận xã hội về đạo hiếu ở Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học xã hội. 

61. Nguyễn Khắc Thuần (2001), Đại cương Lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục.
62. Lê Huy Thực (2015), Triết lý đạo đức trong kho tàng tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. 

63. Nguyễn Đăng Thục (1964), Tư tưởng Việt Nam - Tư tưởng bình dân Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn. 

64. Nguyễn Ngọc Toàn (2007), "Về tính nhân văn trong văn hóa Việt Nam", Tạp chí Triết học. 6 (193). 

65. Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia (1994), Nho giáo tại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 

66. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (1999), Tuyển tập Văn học dân gian, tập 4, quyền 1: Tục ngữ - Ca dao, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 

67. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (2002), Tổng tập Văn học dân gian người Việt, Tập 2 - Tục ngữ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 

68. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (2002) Quốc Văn (2006), "Những giá trị tích cực của Nho giáo trong Bộ luật Hồng Đức", Tạp chí Dân chủ và Pháp luật. 1 (166). 

69. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (2003), Tổng tập Văn học dân gian người Việt, Tập 19 - Nhận định và tra cứu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 

70. Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Quốc Văn (2006), "Những giá trị tích cực của Nho giáo trong Bộ luật Hồng Đức", Tạp chí Dân chủ và Pháp luật. 1 (166)

71. Lê Ngọc Văn (2012), Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 

72. Nguyễn Thị Vân (2014), "Đạo đức - một giá trị được tôn vinh trong tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam", Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam, Khoa Triết học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Nxb Lý luận chính trị, tr. 278-294. 

73. Nguyễn Thị Vân (2014), "Giáo dục đạo đức thông qua tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam", Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam, Khoa Triết học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Nxb Lý luận chính trị, tr. 364-375. 

74. Nguyễn Hữu Vui (chủ biên) (2007), Lịch sử triết học, NXb Chính trị Quốc gia. 

75. Phạm Viết Vượng (2014), Giáo dục học, Nxb Đại học Sư phạm. 

76. Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học. 

77. Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1998), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa Thông tin. 

78. Phạm Thu Yến (chủ biên) (2008), Giáo trình văn học dân gian, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
Hà Nội 2020
Trần Thị Thơm
Theo https://hcma.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...