Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

Văn Cao - Nhân cách và tài năng

Văn Cao - Nhân cách và tài năng

Những thập niên đầu thế kỷ XX vừa qua, quê hương Nam Định chứng kiến sự xuất hiện của những người con ưu tú, trưởng thành trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do. Họ là những chiến sĩ cách mạng kiên cường, những văn nghệ sĩ hàng đầu, niềm tự hào của quê hương đất nước. Văn Cao là một trong số những người con ưu tú ấy.

Nhạc sĩ Văn Cao tên khai sinh là Nguyễn Văn Cao, quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Quê hương Nam Định trong niềm yêu kính của ông:
... Nam Định
Ruộng đất mênh mông trong tiếng hát
Quê mẹ quê cha cách một vườn trầu...
Sinh ngày 15-11-1923 tại Lạch Tray, thành phố Hải Phòng, trong một gia đình viên chức, thân phụ ông từng là đốc công nhà máy nước Hải Phòng:
Sinh ra tôi đã có Hải Phòng... thành phố hiển thị Những người trên cửa biển trong trường ca của Văn Cao, nơi ông thụ hưởng gia phong của một gia đình nền nếp; một thành phố khoáng đạt hào sảng và lẫm liệt, nơi có trường tiểu học khai tâm Bonnal, ngôi trường trung học Saint Josef, nơi Văn Cao bắt đầu học Tân nhạc. Hải Phòng hội tụ những nhạc sĩ tiên phong của Tân nhạc Việt Nam như Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý... cuối những năm 30 thế kỷ trước. Cũng tại đây, chàng thiếu niên Văn Cao hăng hái tham gia nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận... Năm 16 tuổi, Văn Cao viết Buồn tàn thu, nhạc phẩm trữ tình đầu tay báo hiệu sự xuất hiện của một tài năng âm nhạc lớn với các ca khúc lãng mạn trữ tình đặc sắc sau đó: Bến xuân, Suối mơ, Thiên Thai... Ở Hải Phòng, Văn Cao còn có các ca khúc hướng đạo tươi vui, khỏe khoắn Vui lên đường, khai thác đề tài lịch sử như Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang... biểu lộ lòng yêu nước.
Rời Hải Phòng năm 1942,Văn Cao lên Hà Nội, theo học lớp dự thính trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông còn thử sức mình trong việc viết truyện làm thơ đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy. Trong các năm 1943, 1944, tranh sơn dầu của Văn Cao hai lần xuất hiện trong triển lãm Salon Unique trưng bày tại nhà Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội: Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm... Nổi trội hơn cả là tác phẩm Cuộc khiêu vũ những người tự tử "được đánh giá cao và gây chấn động dư luận" lúc bấy giờ. Văn Cao có tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Căn gác trọ số 171 phố Mongrant - nay là 45, Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội trở thành "địa chỉ đỏ" của âm nhạc cách mạng, nơi tác giả Buồn tàn thu, Thiên Thai... tham gia công tác Việt Minh với  nhiệm vụ đầu tiên là viết một hành khúc. Tại đây sau những ngày lao động sáng tạo đầy hứng khởi, Tiến quân ca của người nhạc 21 tuổi đã ra đời trong sự chứng kiến xúc động của những người đồng nghiệp. Rồi Tiến quân ca được in trang trọng trên trang văn nghệ báo Độc Lập tháng 11 năm 1944. Ngày 13/8/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/8/1945 tại quảng trường Nhà Hát lớn Hà Nội, Tiến quân ca được hát vang trong cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Nhạc sĩ có lần kể lại kỷ niệm buổi hôm đó: "Bài Tiến quân ca đã nổ ra như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi hàng ngàn giọng hát cất vang lên theo những đoạn sôi nổi".
Lần thứ hai, trong cuộc mít tinh ngày 19/8/1945, tại Hà Nội, hàng đoàn người và các em thiếu nhi cùng hát Tiến quân ca. "Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, thét lên tiếng căm thù vào mặt bọn đế quốc với sự hào hùng chiến thắng của cách mạng"- Văn Cao viết.
Tiến quân ca ngày ấy còn tạo ra một cuộc hội ngộ đặc biệt giữa NSND Đinh Ngọc Liên và nhạc sĩ Văn Cao. NSND Đinh Ngọc Liên quê thôn Phú Nhai, xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, Nam Định, khi ấy là Đoàn trưởng Đoàn quân nhạc Vệ Quốc Quân, được cụ Hồ giao cho việc chỉ huy quân nhạc cử Quốc ca trong ngày lễ Tuyên ngôn Độc lập... Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, ngay sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, “Tiến quân ca vang lên, hàng vạn người trên quảng trường im phăng phắc, nhiều anh em trong đội kèn ứa nước mắt...".
Một nghệ sĩ tài hoa giàu sức sáng tạo không nề hà việc gì. Tiểu sử nghệ thuật "trích ngang" trong kỷ yếu Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại, xuất bản năm 1997, ghi rõ: Văn Cao tham gia hoạt động Cách mạng, viết và phụ trách ấn loát cơ quan Phan Chu Trinh, in sách báo và truyền đơn bí mật. Ông phụ trách Đội Danh dự trừ gian. Thời gian này ông viết Chiến sĩ Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám, Văn Cao vừa là phóng viên vừa trình bày báo Lao Động thuộc Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam.
Chuyến “hành phương Nam”, lần thứ nhất, ở Huế, Văn Cao ghi dấu ấn kinh thành sông Hương núi Ngự trong Một đêm đàn lạnh trên sông Huế. Bài thơ mang hơi hường của Thơ mới khá điêu luyện và tinh tế. Năm 1946, Văn Cao có chuyến "hành phương Nam" lần thứ hai, ông cùng đồng chí Hà Đăng Ấn chuyên chở tiền bạc và vũ khí vào mặt trận Nam bộ. Trở về, Văn Cao hoàn thành nhạc phẩm nổi tiếng Trương Chi, viết các ca khúc Hải quân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Bắc Sơn, Công nhân Việt Nam. Ông tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc và được bầu là ủy viên chấp hành Hội. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Văn Cao về Liên khu III rồi ông được phân công phụ trách một bộ phận điều tra của Công an Liên khu X ở Lào Cai và viết báo Độc Lập. Tác giả Quốc ca Việt Nam được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 3-1948. Thời kỳ này, Văn Cao viết các nhạc phẩm nổi tiếng nối tiếp mạch "hùng ca" và "tình ca": Trường ca sông Lô, Làng tôi, Ngày mùa và Tiến về Hà Nội. Trở về Việt Bắc, năm 1950, ông phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, là Trưởng ban Âm nhạc Vụ Văn học Nghệ thuật của Bộ Giáo dục.
Cuối năm 1951, ông về Hội Văn nghệ Việt Nam rồi lại sang làm công tác âm nhạc ở xưởng Điện ảnh. Các tác phẩm Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Toàn quốc thi đua, Hành khúc Tiểu đoàn Lũng Vài... ra đời trong thời kỳ này.
Năm 1952, Văn Cao sang Liên Xô nghiên cứu âm nhạc.
Năm 1957, Văn Cao là hội viên của Hội Nhạc sĩ, Hội Mỹ thuật, Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là ủy viên Ban chấp hành khóa I, Phó Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Năm 1983, ông trở lại là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam...

Sau những tháng năm gian khổ, vượt qua những thử thách, những hệ lụy... một kết thúc có hậu của một nghệ sĩ bậc thầy, sống tận hiến, thủy chung, cao đẹp trong cuộc đồng hành vì độc lập, vì tự do cùng nhân dân đất nước đã về đích thành công. Năm 1983, tại căn gác 51 Trần Hưng Đạo Hội Liên hiệp Văn học Việt Nam tổ chức sinh nhật lần thứ 60 của nhạc sĩ Văn Cao. Lần đầu tiên sau nhiều năm những tác phẩm Thiên Thai, Suối mơ, Trương Chi... được hát trở lại. Rồi sau đó, năm 1986, 1987, 62 đêm nhạc Văn Cao đã được tổ chức ở nhiều nơi trong cả nước, nhất là ở Hà Nội được đông đảo người xem người nghe đón nhận. Ông được nhân dân yêu quý, được bạn bè, nhiều người tài đức trong giới quý trọng. Tình bằng hữu cao đẹp của Văn Cao với Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng... mỗi khi nhắc đến thật ấm lòng. Không chỉ với những người cùng thời, tình cảm của ông  với các nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ lớp sau cũng thật thắm thiết. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: "Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư...".
Năm 1988, tập thơ Lá của Văn Cao do Nhà xuất bản Tác phẩm mới Hà Nội ấn hành được nhiều người tìm đọc. Lá chỉ với 27 bài (26 bài thơ và trường ca Những người trên cửa biển) đã cho thấy một Văn Cao thi sĩ lặng thầm lao động, kiên định trên con đường mình đã chọn. Tài năng thi ca bậc thầy của ông biểu lộ trong việc sử dụng sáng tạo ngôn ngữ tiếng Việt làm nên những lời ca đẹp, giàu, sang trọng bậc nhất trong những ca khúc đặc sắc hàng đầu của Tân nhạc và Âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Giờ đây với Lá, Văn Cao gom về một tập thơ chọn mà ông ưng ý. Từ những bài thơ buổi đầu khá tinh tế nhưng còn nằm trong hòa điệu của thơ truyền thống, nhà thơ trữ tình minh triết Văn Cao đã đi theo hướng cách tân, sáng tạo một thi pháp hiện đại hàm súc, trữ tình ở bậc cao. Cái gốc trữ tình ấy ở trong tình yêu nhân dân, tình yêu quê hương đất nước suốt đời Văn Cao gìn giữ. Ông là người nghệ sĩ có trái tim lớn, nhân cách lớn.
Nhạc sĩ Văn Cao với miền quê Nam Định, ông có những chuyến đi về đáng nhớ. Năm 1970, khi Thành Nam ngổn ngang chiến hào công sự phòng không, tại nhà hát 3-2, lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Trần Tế Xương được cử hành trọng thể với sự tham gia của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Viện Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam. Ông về cùng các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, các nhà thơ Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông... Một cuộc hội ngộ ý nghĩa, một cuộc tiếp sức. Năm 1987, Đêm nhạc Văn Cao do Hội Văn học nghệ thuật và Sở Văn hóa Hà Nam Ninh phối hợp tổ chức tại nhà hát 3-2. Người nghệ sĩ mái tóc phong sương, cử chỉ tao nhã, ánh mắt nhân ái, thong thả bước lên trong tiếng vỗ tay nồng hậu của bao người yêu mến, trong nỗi xúc động trong suốt và đầy ắp "đầm ấm dương hòa" một thế giới nghệ thuật âm nhạc Văn Cao hoành tráng, thánh thiện từ cuộc đời này đến chốn Bồng Lai... Trước đó, ông dành thời gian viếng mộ Tú Xương, gặp gỡ tiếp xúc thân tình với anh chị em văn nghệ sĩ của tỉnh. Nhạc sĩ Văn Cao được tỉnh biểu dương là "một nghệ sĩ - chiến sĩ kiên cường có những cống hiến to lớn vào thành tựu văn hóa cách mạng". Các tác phẩm của ông được in trang trọng trong Tuyển tập thơ tình Nam Định thế kỷ XX, Tuyển tập truyện ngắn Nam Định thế kỷ XX, Tuyển tập Âm nhạc Nam Định thế kỷ XX, trong đó có những kiệt tác làm rạng danh cho quê hương đất nước. Sau ngày ông ra đi (10-7-1995), đã có trên mười tỉnh, thành phố có đường phố mang tên ông.
Tại thành phố Nam Định, con đường "Cổng tỉnh" trong tiểu thuyết thơ của nhà thơ Trần Dần, qua Năng Tĩnh nay là đường Văn Cao nối về Vụ Bản. Dọc con đường này, nhà thơ - nhạc sĩ - họa sĩ quê hương đã trở về ướm những bước chân trên vạt cỏ bờ mương quê nhà trong bộ phim chân dung Người đi trên biển không để lại dấu chân. Ông có dịp thăm lại những làng kháng chiến anh hùng trong 9 năm kháng chiến chống Pháp: Làng tôi xanh bóng tre/ Từng tiếng chuông ban chiều/ Tiếng chuông nhà thờ rung...và sống lại không khí Ngày mùa vui thôn xóm/ đầy đồng giáo với gươm/ súng tì tay anh đứng/ em ngừng liềm trông sang...
Tình yêu quê hương đất nước dập dìu trong một ca khúc được xem là khúc ca khải hoàn của ông viết sau ngày đất nước thống nhất “Mùa xuân đầu tiên”:
“Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên! Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm! Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người...”
Vâng, đấy là những thông điệp thấm thía nhất, nhân văn nhất mà nhạc sĩ thiên tài Văn Cao - huân chương kháng chiến hạng Nhất, huân chương Độc lập hạng Ba (1988) huân chương Độc lập hạng Nhất (1994), Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996) gửi đến tất cả chúng ta.
28/8/2020
Phạm Trọng Thanh
Theo http://hoivhnt.namdinh.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...