Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

Cảm nhận về những ca khúc của Trịnh Công Sơn

Cảm nhận về những 
ca khúc của Trịnh Công Sơn

1. Ru ta ngậm ngùi

Sẽ có những lúc mỗi người trong ta thấy trở nên chai lì với mọi điều xung quanh và tự cho đó là điều tất yếu của một cuộc sống bận rộn. Khổ nỗi, đã là một con người thì phải có tất tần tật những loại cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố; thiếu nó thì ta không sống một cuộc sống đúng nghĩa được. Vậy thì, mở đề dông dài chẳng qua cũng chỉ muốn chúng ta thử tìm lại cảm xúc của mình trong bài hát “Ru ta ngậm ngùi” của Trịnh Công Sơn.
Môi nào hãy còn thơm cho ta phơi cuộc tình
Tóc nào hãy còn xanh cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên
Khi tình đã vội quên tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên con chim đứng lặng câm
Khi về trong mùa đông tay rong rêu muộn màng
Thôi chờ những rạng đông, xin chờ những rạng đông
Đời sao yên vắng như đồng lúa gặt xong, như đồi núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm
có đường phố nào vui cho ta qua một ngày
có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn không còn ai ta trôi trong cuộc đời
Không chờ không chờ ai
Em về hãy về đi ta phiêu du một đời
Hương trầm hãy còn đây ta thắp nốt chiều nay
Xin ngủ trong vòng nôi ta ru ta ngậm ngùi
Xin ngủ dưới vòm cây

Tôi sẽ không có ý định làm động thái PR cho một ca khúc đã quá ư nổi tiếng, cũng không cần thiết bởi ca từ và giai điệu của bài hát đã nói hết và tùy theo khả năng mỗi người để có cảm nhận khác nhau. Tôi rơi vào số người không thể đọc được hết những suy tư mà tác giả gởi gắm và cũng không rơi vào tình cảnh mà “ta” trong bài hát phải sống (hay được sống). ”Ta” đã quá yêu, quá chìm đắm trong ngơ ngẩn và ảo vọng của tình yêu, đến nỗi làm vật tế thần trơ tráo của tình yêu, những mong được một lần chạm môi, một lần tha thiết với mái tóc xanh người con gái; những mong tình yêu đừng vội đến rồi đi để mặc con tim lăn lóc không còn chỗ dựa về niềm tin.
Có biết đâu rằng càng cố gắng trải lòng chân thật thì càng đánh mất sự hồn nhiên đáng yêu của tâm hồn mình. Mất đi rồi niềm tin, “ta” mất tất cả, ngơ ngẩn lang thang tìm lại chính nình trong từng biến chuyển của cuộc sống, nhưng sao chỉ là phố xá im lìm, sao chỉ là mùa đông buốt giá, sao chỉ là những cánh đồng đã vắt kiệt sức mình cho những mùa bội thu?… “Ta” biết nơi nào để lẩn trốn, để níu kéo không để cho mảnh hồn vơ vẩn trôi dạt đi đâu?
“Ta” đã lựa chọn chính bản thân mình làm cái nôi trú ngụ. Lạ kỳ thay! Nôi kia vốn để mẹ đưa ta trong những ngày còn chưa có khái niệm gì về cuộc sống, nôi kia sao chịu được sức nặng vật lý của một cơ thể trưởng thành và làm sao che chở được một “ta” già đến trăm tuổi vì mất niềm tin? Đơn giản bởi vì, còn biết tìm nơi để trú ngụ là còn muốn sống, còn biết chờ đến rạng đông. Quay trở về với nôi xưa là về lại với bản thể của chính mình, trần trụi nhất, nhưng vô tội, có là lỗi không nếu “Ta” đã sống đúng như “ta” phải sống?
Đừng cố thử “soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm” để coi thử có buồn không nhé? Không ai muốn mình đến mức phải như vậy, nhưng mọi thứ tình cảm trong cuộc sống đều có ý nghĩa nhất định của nó. Nhìn từ khía cạnh tích cực, chỉ khi nào đẩy bản thân đến tận cùng của buồn khổ, ta mới nhận ra cuộc sống thật sự tươi đẹp để biết sống đẹp hơn.

2. Tuổi đá buồn

Tuổi đá buồn của Trịnh Công Sơn là một trong những bài hát tôi yêu thích, sau Diễm xưa và Hạ trắng. Những giai điệu và ca từ thấm đẫm một nỗi buồn man mác:
“Trời còn làm mưa, Mưa rơi mênh mang, Từng ngón tay buồn, em mang em mang, Đi về giáo đường, Ngày chủ nhật buồn, Còn ai còn ai, Đóa hoa hồng, Cài lên tóc mây, Ôi đường phố dài, lời ru miệt mài, Ngàn năm ngàn năm, Ru em nồng nàn, Ru em nồng nàn…”
Đời người, nhiều khi có những nỗi buồn không tên, nó cứ len lén đâu đó trong tâm tư của mình. Những chiều mưa qua, nhìn những chiếc bóng nhỏ cặm cụi trong mưa gió, hay nằm trong phòng nhỏ nghĩ vu vơ mà lo sợ cho tương lai. Những sáng phóng xe cả chục cây số tới cơ quan, vượt qua bao khói bụi, để đối mặt với những người đồng nghiệp xấu tính. Từ đó mới thấy sự não nề của cuộc bon chen phố thị…
“Trời còn làm mây, mây trôi lang thang, Sợi tóc em bồng, Trôi nhanh trôi nhanh, Như dòng nước hiền, Ngày chủ nhật buồn, Còn ai còn ai, Đóa hoa hồng, Vùi quên trong tay, Ôi đường phố dài, Lời ru miệt mài, Ngàn năm ngàn năm, Ru em giận hờn, Ru em giận hờn“.
Thế đấy, cuộc đời vẫn cứ xô đẩy ta trôi theo thời cuộc, lang thang theo những quỹ đạo không định trước được, rồi mọi thứ đã trôi qua thật nhanh, như nước qua cầu, như tóc em rớt trên vai không thể níu vào lòng. Đóa hồng xưa đã ngủ quên trên tay như bao khát vọng tình yêu đã bị lãng quên trong cuộc mưu sinh kiếm tìm danh lợi. Ta sẽ được gì sau bao nhiêu năm nữa: Một công việc có thu nhập cao? Một chức vụ được người ta tung hô và kính nể? Một căn hộ chung cư cao cấp hay một căn biệt thự ở khu phố dành cho giới giàu có? Một chiếc xe hơi đời mới khiến kẻ khác phải ngắm nhìn? Hay ta cũng vẫn chỉ loanh quanh là người làm thuê cao cấp? Hay ta sẽ tự lập thành ông chủ của chính mình? Hay ta sẽ biết đâu là điểm dừng để thanh thản với một cuộc sống thật sự của chính mình?
“Trời còn làm mưa, Mưa rơi mưa rơi, Từng phiến băng dài, Trên hai tay xuôi, Tuổi buồn em mang, Đi trong hư vô, Ngày qua hững hờ, Trời còn làm mưa, Mưa rơi mưa rơi, Từng phiến mây hồng, Em mang trên vai, Tuổi buồn như lá, Gió mãi cuốn đi, Quay tận cuối trời”.
Thời gian luôn khắc nghiệt và dù ta có làm gì, nghĩ gì thì mưa vẫn rơi và nắng vẫn phai, tuổi cứ nhiều thêm khi ngày qua hờ hững. Vậy ta sẽ buông xuôi theo số phận? Hay ta sẽ đấu tranh để kiếm tìm hạnh phúc cho mình? Ta sẽ mang trên vai cây thập tự của nghĩa vụ và trách nhiệm? Hay ta sẽ thanh thản sống tự nhiên như ta vốn có, như lá trên cành theo gió cuốn đi? Cuộc sống luôn cho ta nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn, và mỗi người đều có lựa chọn của riêng mình. Chỉ xin hãy nhớ rằng: Cơ hội qua đi thì không bao giờ trở lại, đã chọn lựa rồi thì không nên hối tiếc.

Điều cuối cùng và quan trọng nhất là sống trong tuổi nào, dù tuổi đá buồn kiếm tìm bản ngã, tuổi ngây ngô vào đời hay tuổi suy tư cuối chiều, thì ta luôn cần có một tình yêu để nương tựa, để làm cứu cánh cho những nỗi cô đơn và tuyệt vọng của kiếp người. Không nhất thiết đó phải là tình yêu trai gái, mà có thể chỉ đơn giản là ta yêu một ai đó, một thứ gì đó thật chân thành và hết mình. Ta không nhất thiết phải sở hữu hay có ở bên cạnh, nhưng ta luôn vui, hạnh phúc, thấy mình đầy niềm tin và sức sống khi nghĩ về người ta yêu hay thứ ta yêu. Đơn giản thế thôi.
Những điệp khúc lặp lai mang nỗi buồn man mác:
“Trời còn làm mưa, Mưa rơi thênh thang, Từng gót chân trần, Em quên em quên, Ôi miền giáo đường, Ngày chủ nhật buồn, Còn ai còn ai, đóa hoa hồng, tàn hôn lên môi, Em gầy ngón dài, Lời ru miệt mài, Ngàn năm ngàn năm, Ru em muộn phiền, Ru em bạc lòng”.
Mỗi lần nghe ca khúc này, lòng tôi luôn se sắt một cảm giác thật xót xa. Tôi thương cho tuổi thơ ngây vào đời gặp phải những điều không đáng có, những cú sốc đầu đời không dễ vượt qua, những ảo ảnh đời thường không cách nào nhận chân thật giả. Tôi thương tuổi 20 ngu ngơ sống, khờ khạo yêu và ngây ngất nỗi buồn. Tôi thương tuổi 30 nháo nhào danh lợi mưu sinh, chật vật tìm chỗ đứng để thành người hay thành danh, và chán ngán sau những cuộc tình vội vã, trói mình vào một cuộc hôn nhân nào đấy cho đúng kiếp người. Tôi thương tuổi 40, 50 mà vẫn chưa “nhi bất hoặc”, vẫn bon chen tìm kiếm, vẫn loay hoay với các giá trị đã có và đã mất. Nhưng tôi biết, tất cả rồi cũng sẽ qua, như gió thổi mây bay, như kiếp nhân sinh phù du mong manh, chỉ mong sao sau những cơn mộng mị, người tìm ra đâu là hạnh phúc thật của mình.

3. Lặng lẽ nơi này

Mình đã nghe nhạc Trịnh mấy mươi năm rồi - nhiều năm ôm ấp một mối tình âm nhạc. Nếu nói là chung thủy thì thật là khó vì thời gian vẫn đang còn đứng đợi ở phía trước. Mối tình ấy cũng có nhiều thăng trầm lắm ấy chứ. Ngày là học sinh trung học mới nghe và yêu nhạc Trịnh mình chỉ dám nghe trộm, hát thầm vì e rằng có người cho là mình khác người, khác đời và khác lứa tuổi. Đến khi vào học Đại học thì nó được bộc lộ và tỏa sáng. Mình tìm thấy nhiều tâm hồn đồng điệu, đồng sở thích và cách cảm, cách nghĩ về nhạc Trịnh Công Sơn. Đến gần đây mình mới sống thực sự theo sở thích vì mình biết dù không hiểu nhưng vẫn có người trân trọng những giá trị nghệ thuật ấy. Mình lại nghe và hát nhạc Trịnh như xưa dù vẫn có người dị ứng với nó.
Tôi đã say mê nghe nhạc Trịnh vì tìm thấy một sự đồng điệu như thế, đặc biệt trong những đêm khuya ngồi một mình lắng nghe tiếng đêm, tiếng lòng, tiếng đời. Tôi mê đắm nhạc Trịnh được hòa âm theo lối đơn giản: giọng hát lảnh lót của người ca sĩ trên nền guitar thùng. Tôi đã quá yêu mến những bản tình khúc Trịnh Công Sơn trong suốt nhiều năm qua mà không hay để ý những ca khúc về thân phận, những ca khúc phản chiến của ông. Cho đến một buổi chiều gần đây, ngồi một mình nghe nhạc Trịnh, lặng buồn nhìn thời gian qua giọt cafe, mà tâm trạng đầy buồn bã, mệt mỏi cô đơn vì quá nhiều hoang mang tôi gặp trong cuộc sống. Giọng hát Thái Hòa vang lên với những ca từ đầy ám ảnh khiến tôi rớt nước mắt trước hạnh phúc và thân phận con người:
“Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
… Đời như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về với tôi”.

Đó là những giai điệu da diết, khắc khoải và những ca từ khiến tôi phải suy tư nhiều của bài “Lặng lẽ nơi này”. Tất cả cứ nhẩn nha, từ tốn, lặng thầm nhưng in sâu trong tâm trí người nghe. Nghe bài hát tôi luôn liên tưởng đến những đối cực, những sắc thái cảm xúc va chạm, tương tranh nhưng cũng đồng nhất tạo nên bản thể cuộc đời con người, bản thể của tình yêu:
“Tình yêu mật ngọt
Mật ngọt trên môi”
Tình yêu là vậy, là mật ngọt trên môi và mật đắng trong đời. Ai đã sống trong tình yêu hẳn sẽ cảm nhận được cái hạnh phúc ấy, cảm giác về hạnh phúc mà đôi khi con người ta chấp nhận đánh đổi để có được nó.
“Tình yêu mật đắng
Mật đắng trong đời”
Đến đây thì cái đắng dường như đã lấn át lên tất cả. Cái còn lại là “vị đắng” nhiều hơn, thấm hơn. Bởi vì cái mật ngọt ấy nào phải ai cũng cảm nhận được, có khi chưa kịp nắm bắt thì đã đi qua. Nhưng cái ”mật đắng” kia thì không phải chỉ tồn tại ở một khoảng khắc hay một quãng thời gian nhất định nào đó nữa, mà đó là cả CUỘC ĐỜI.
Thế nhưng, dù thế nào, thì tình yêu luôn là nỗi khát khao, bởi vì tình yêu là thuộc tính của trái tim con người, và đã yêu là không hối hận, đã yêu là không thể cưỡng lại, hoặc cưỡng lại là điều không thể bởi:
“Tình yêu như biển
Biển rộng hai vai
Biển rộng hai vai…”
Chút dư tình ngọt ngào của nó chỉ thoảng qua như hồng phai trước ngõ, còn dư vị đắng cay, chua xót của sự chia ly, tan vỡ lại theo ta suốt trong đời. Cứu cánh cuối cùng của cuộc đời để người ta bấu víu vào lại trượt dài. Tất cả đều dần xa rời tầm tay. Tình yêu lớn lao nhưng cũng quá nhỏ hẹp. Cuối cùng chỉ còn lại một mình ta trong cuộc đời:
“… Tình yêu như biển
Biển hẹp tay người
Biển hẹp tay người lạc lối”
Tình yêu như biển khơi khiến con người lạc lối. Chút hy vọng cuối cùng là tình yêu đã không còn. Em đã ra đi cùng tình yêu để ta lạc lối, để ta u hoài:
“Em đi về nơi ấy
Nơi đâu nơi đâu
Sông cạn đá mòn
Trăng treo đầu con sóng
Tan theo tan theo
Chút tình xa vắng
Làm sao ru được tình vơi…”
Dường như có một sự nghịch lý trong cách sử dụng ngôn từ ở đây. Thành ngữ “sông cạn đá mòn” thường chỉ tình yêu thủy chung, gắn bó sâu nặng thì ở đây Trịnh dùng nó với hàm ý chỉ sự phôi pha. Tất cả đều ra đi, tất cả đều xa dần con người từ tình yêu biển rộng đến chút dư tình xa vắng, từ em ra đi đến vầng trăng treo đầu con sóng cũng vụt biến mất. Những hình ảnh đều chỉ tính chất bao la, vô tận nhưng nó là sự tận cùng của sự cô đơn, của những mất mát trong đời. Tất cả những gì giao cảm đều trôi đi, mất mát dần theo thời gian và không gian. Và đồng hành với con người không phải là sự tri âm, không phải là người yêu vì “Từng người tình bỏ ta đi những dòng sông nhỏ” mà là nỗi cô đơn dằng dặc, là nỗi đau đầy vơi hiện hữu ngay trong hiện tại, với nỗi buồn như nhỏ máu.
Tình yêu đã mất, tuổi trẻ không bền, hạnh phúc qua đi, một mình ta lại về với ta:
“Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
Đờ như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về với tôi”
Sự tồn tại của con người như một hạt cát nhỏ nhoi giữa trời cao đất rộng, giữa cuộc đời vô tận. Một mình lặng lẽ nơi này để tìm về với chính bản thể. Cái cảm giác mất mát, hư vô luôn ám ảnh và đeo đuổi con người. Nền nhạc Violon réo rắt và lối hát nhẩn nha như đếm ra từng nỗi lòng trong tâm hồn. Nó để lại bao khoảng lặng đầy suy tư trong lòng người nghe khi bài hát kết thúc. Khoảng lặng đó cũng mênh mông như nỗi niềm của con người chỉ lặng lẽ đi về cuộc đời “với tôi”. 
Lời bài hát: Lặng lẽ nơi này
Tình yêu mật ngọt
Mật ngọt trên môi
Tình yêu mật đắng
Mật đắng trong đời
Tình yêu như biển
Biển rộng hai vai
Biển rộng hai vai
Tình yêu như biển
Biển hẹp tay người
Biển hẹp tay người lạc lối
Em đi về nơi ấy
Nơi đâu nơi đâu
Sông cạn đá mòn
Trăng treo đầu con sóng
Tan theo tan theo
Chút tình xa vắng
Làm sao ru được tình vơi
À ơi nỗi đau này người
Tình yêu vô tội
Để lại cho ai
Buồn như giọt máu
Lặng lẽ nơi này
Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
Một mình tôi đi
Đời như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về… với tôi.

4. Cỏ xót xa đưa

Sau một ngày vật vã với những xô bồ của cuộc sống thì đêm chính là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để ta trải lòng với những nỗi niềm của bản thân. Đêm! Ta lại trở về đúng nghĩa của riêng ta! Nguyên vẹn và tròn đầy. Chỉ khi trở về với đêm, ta mới tìm được lại chính mình. Không cười cười nói nói như một lập trình được cài sẵn mà chỉ cần nhấn enter là chạy suôn sẻ từ đầu chí cuối nữa, mà thay vào đó là ta với những khoảng lặng… Những khoảng lặng mênh mông đến bất tận…! 
Đêm…!.Chông chênh… đến yếu mềm!… Đêm…!. Cô đơn… trong từng hơi thở!… Và trong cái không gian đặc quánh và tĩnh mịch ấy, Tôi ngồi một mình, nhâm nhi tách trà ấm, bật DVD player hát USB lên, vặn nhỏ Ampli, và…  nghe. Bài hát: “Cỏ xót xa đưa” làm cho tôi thấy mình chạm đến được nơi tận cùng của một kiếp người. Suy cho cùng trong một kiếp người, cái gì có sự bắt đầu thì đương nhiên phải có sự kết thúc. Con người cũng như hạt bụi hóa kiếp, sinh ra, lớn lên rồi cũng sẽ trở về với đất. Và cái quan điểm ấy của Trịnh Công sơn mặc nhiên rất rõ ràng và đó là sự thật không thể chối cãi. 
Nó như xuyên thấu tim gan của con người một cách bản năng, bản năng trong vô thức. Bằng những sự trải nghiệm và vốn tri thức của cuộc đời mình ông đã dồn hết và gửi gắm vào những câu hát chất chứa tâm sự.
Những ngôn từ rất mới lạ, lạ đến thú vị trong các tác phẩm của ông mà ta gặp không ít. Những mưa hồng, những cánh vạc bay, những níu tay nghìn trùng… cho đến cỏ xót xa đưa làm ta ngạc nhiên đến sững lòng. Có người yêu nhạc của ông vì điều đó. Có người lại yêu nhạc của ông bởi ca từ trong các tác phẩm của ông đầy chất thơ, đầy sự tinh tế và tài hoa. Có người yêu nhạc của ông bởi chất thiền và tính nhân văn trong ấy. Lại cũng có người yêu nhạc ông bởi những giai điệu da diết nhưng lại rất ngọt ngào và sâu lắng ấy. Tôi thấy tất cả đều đúng. Những tác phẩm của ông là kết quả của sự thai nghén lâu dài về con người, về cuộc đời, về tình yêu. 
Phải yêu đời, yêu người lắm mới viết lên những giai điệu tuyệt vời ấy. Và để cảm nhận, hiểu đúng và sâu sắc những điều mà ông muốn gửi gắm thông qua những đứa con tinh thần của mình không phải là điều dễ dàng. Giống như tôi cũng từng vật lộn với ý nghĩa của bài hát này. Sau một thời gian dài, nghe và cảm nhận tôi mới thực sự hiểu hết những điều mà ông muốn nói. Để tiếp nhận âm nhạc của ông đòi hỏi người nghe phải cảm thụ, thưởng thức và suy ngẫm bằng cả tâm hồn mình. Rồi từ đó mới ngộ ra được nhiều điều sâu sắc. Và cũng từ đó làm cho tâm hồn mình được bồi bổ, bớt khô cằn, sống nhân ái hơn và tốt đẹp hơn. Nhạc ông với tôi là một món ăn rất đậm đà, thấm thía và nhiều dư vị. Người ta từng cáo buộc nhạc của ông là những lượng bạch phiến không thừa… cũng đủ độ làm tê liệt sức đề kháng hay khả năng miễn nhiễm tiềm tàng trong cơ thể. Người ta cũng từng cáo buộc nhạc của ông là những khối chất nổ không dư… cũng đủ làm sụp đổ một thể chế. Và rốt cuộc, mọi cáo buộc cũng chỉ chứng minh một điều duy nhất: nhạc của Trịnh Công Sơn là những hạt kim cương sáng mãi cùng cuộc đời.
“Cỏ xót xa đưa” xét ở một phương diện nào đấy có thể xem là một bản tuyên ngôn về một kiếp người đầy sự băn khoăn, trăn trở của một nghệ sĩ. Trịnh Công Sơn đã từng đi qua, đã là một chứng nhân của cuộc đời vậy mà có lúc ông vẫn không thể nào biết được chặng đường trước mắt mình phải làm những gì và điều gì đang đợi mình ở phía trước.
Cuộc đời con người có nhiều giai đoạn thăng trầm, nhiều khi phải lao đao, khổ tâm, lúc lên voi lúc xuống chó, hỷ nộ ái ố đều phải trải qua. Lời nói rồi cũng như gió bay, sẽ trôi vào quên lãng. Và lúc đấy chỉ còn ta với những cảm xúc thật với đời: cười, khóc. Sự dằn vặt, trăn trở ấy thấm đượm và hiện hữu rất rõ trong mỗi ca từ, nhịp điệu của bài hát. Ta có thể cảm nhận điều này rõ ràng nhất là khi nghe đến một khúc nhạc đệm giữa bài hát. Bao nhiêu dồn nén với những băn khoăn không có câu trả lời vỡ òa trong ấy. Khó có thể nói hết được những cảm giác, những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn tôi lúc đó… Và cứ mỗi lần nghe xong, tôi như bước ra một thế giới khác với những sự trăn trở, trầm luân của một kiếp người cứ ám ảnh và lay thức tâm hồn ta mãi không thôi…!.

Và những điều băn khoăn, trăn trở của Trịnh Công Sơn mãi mãi là một ẩn số không ai giải đáp được… và có lẽ ta phải mất một đời người để tìm đáp án mà đáp án đó… vẫn chỉ là một ẩn số…!.

5. Nắng thủy tinh

Năm 1968, tôi 16 tuổi, học lớp đệ tam (lớp 10). Đến lứa tuổi này, tôi bổng nhiên “chựng” lại về tánh tình. Đang là một cậu học sinh tinh nghịch, giỡn vô tư thì bỗng nhiên biết “mắc cỡ” và hơi nghiêm lại. Thuở còn nhỏ, tôi tự học nhạc và đàn hát được (phải gọi là hát hay mới đúng!) những bài hát phổ thông thì nay học đòi theo mấy đàn anh thế hệ trước bỏ hẳn những bài hát trước đây mà tập tành nghe và hát nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn (TCS), Cung Tiến, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương cho nó “sang”. Cũng nhờ vậy mà tôi tiếp cận được nhạc Trịnh Công Sơn. Thú thật với ngần ấy tuổi và học thức mới chỉ bằng “lá mít”, tôi đến với TCS vì muốn làm “sang”, làm “giá” hơn là cảm nhận được hồn nhạc Trịnh Công Sơn. Lần đầu nghe bài hát Nắng thủy tinh, tôi ngơ ngác: “Nắng thủy tinh là sao?”. Thủy tinh trong suốt, không màu, mà nắng thì phải có màu chứ.
Mãi đến những năm sau nữa, khi yêu lần đầu, tôi mới hiểu hết ý tứ của ca từ: “Màu nắng hay là màu mắt em, Mùa thu mưa bay cho tay mềm, Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm, Rồi có hôm nào mây bay lên”.
Lần đầu tiên của đời mình, tôi bị choáng ngợp vì một đôi mắt trong veo, ngơ ngác, ướt, đen và buồn sâu thẵm, tôi thấy rõ ràng có nắng soi vào trong đôi mắt ấy, như muốn làm khô đi những giọt nước mắt cứ như sắp rơi ra. (Sau này, trong cuộc đời, tôi luôn bị ám ảnh bởi những đôi mắt ướt). Ngày khai trường luôn là mùa thu, mưa bay, gió nhẹ, nắng thênh thang, tuổi hồng hân hoan chào bạn mới, trường mới, thầy cô mới. Từ tuổi 15 sang tuổi 18, biết bao đổi thay đến ngạc nhiên. Từ một cô bé gầy gò, ngơ ngác, em trở thành thiếu nữ má đỏ môi hồng. Từ một cậu bé tung tăng quần đùi đá banh, tắm sông tôi trở thành chàng trai cao lên hẳn, lơ ngơ với tiếng vỡ giọng khàn khàn. Chúng tôi không còn sự hồn nhiên như thời học lớp đệ tam nữa, mà đã bắt đầu thấy ngượng ngùng khi tình cờ đụng vào nhau, khi nhìn nhau thấy đều khang khác. Có những đứa bạn quá thân từ nhỏ thì vẫn mày - tao hay ông - tôi, bà - tôi, nhưng những người có chút gì đó (tình ý với nhau) thì bắt đầu gọi nhau bằng tên, gọi nhau bằng bạn xưng mình. Những rung cảm đầu đời chớm nở, để lòng ta phơi phới như nắng loang qua thềm cũ, như mây bay lên trong khói chiều. Những đêm nằm ngủ chập chờn tôi mơ được nắm tay “em” rồi bị xử chết đi cũng cam lòng còn ban ngày thì đâu dám đụng chứ nói chi dám nắm tay em. Lỡ khi đụng nhằm tay em, dù chẳng dám nói gì, chỉ thế thôi mà cả hai cùng thẹn thùng bối rối. Đổi lại bây giờ, người trẻ ngày nay, họ mạnh dạn hơn nhiều, internet, điện thoại di động cho họ những cách tỏ tình vũ bão, chóng mặt và táo tợn hơn. Họ không chỉ nắm tay mà đã dám hôn nhau, gọi nhau là ông xã, bà xã và dắt nhau đi vũ trường, nhà nghỉ và chuyện gì tới cũng tới với lứa tuổi tràn trề sinh lực nhưng thiếu vắng kỹ năng sống ấy.

Ngày xưa, tuổi yêu luôn bị cấm đoán khắt khe bởi mọi thứ. Cha mẹ luôn cho rằng chúng ta cần tập trung vào học tập, đậu đại học cứ như là con đường duy nhất để vào đời. Mà duy nhất thật vì nếu thi rớt thì phải đi lính. Thời chiến tranh, di lính là đường cùn của đời mình. Vì nguy cơ bom đạn không thể biết được. Thầy cô cũng chẳng tâm lý đâu, chỉ biết dạy cho hết nội dung, chương trình và cũng chẳng dám khuyên bảo gì về những thắc mắc tâm sinh lý của học sinh mới lớn vì sợ bị mang tiếng, sợ bị cho là “vẽ đường cho hươu chạy”.

Và những con hươu non ngơ ngác cứ thế dại khờ yêu, ngây ngô đi tìm bản thể của mình. Ngày ấy, tình đầu chỉ mong manh và lãng đãng bằng những chiều hẹn hò vội vã, ngồi bên nhau dưới gốc phượng sân trường, mở sách ra vờ trao đổi bài học, để được: “Lùa nắng cho buồn vào tóc em”, để được nắm “Bàn tay xanh xao đón ưu phiền”, nỗi buồn và sự ưu phiền muôn thuở của tuổi mới lớn khi chưa thể định hình tương lai, chưa khẳng định rõ ràng bản ngã chính mình. Và nhiều khi ngơ ngác, sao cũng là em, cũng là tôi, mà: “Ngày xưa sao lá thu không vàng, Và nắng chưa vào trong mắt em” để mình thấy thương thương nhớ nhớ, thấy quay quắt đợi chờ nhau?.
Có nhiều chiều tan lớp, tôi ngu ngơ đứng đợi, chỉ để mong thấy: “Em qua công viên bước chân âm thầm” để thấy áo dài em bay trong nắng thu sang, để lòng tôi náo nức như: “Ngoài kia gió mây về ngàn”, để tim tôi hân hoan như: “Cỏ cây chợt lên màu nắng”.

Khi yêu lần đầu, hình như mọi thứ đều đẹp và lung linh qua lăng kính của tình yêu, ta thấy không gì đẹp hơn đôi mắt người yêu, không gì say đắm bằng cái nhìn của nhau, không gì ấm áp hơn vòng tay và làn môi ấy. Không ai còn ý nghĩa, không gì còn quan trọng, chỉ có ta và tình yêu là tất cả. Nhưng rồi một ngày: “Em qua công viên mắt em ngây tròn”, và tôi cũng đi qua em như cơn gió lạ, cho dù nắng vẫn: “Lung linh nắng thủy tinh vàng” mà “Chợt hồn buồn dâng mênh mang”. Nếu ta biết, tình đầu có khi đó chỉ là bài học vỡ lòng cho tình yêu, hay ta biết đó chỉ là một phép thử của cuộc sống, thì ta sẽ vùi lấp cơn đau trong kỷ niệm để mở lòng đón nhận những chân tình khác. Còn ngược lại, ta vẫn miên man trong nuối tiếc để mãi không bao giờ thấy hạnh phúc nơi đâu.

Thời gian trôi theo bao mùa xuân hoa nở, mùa hạ lá xanh, và “Mùa thu qua tay đã bao lần”, những kỷ niệm xưa vẫn chỉ là kỷ niệm. Một lần qua Huế, tôi ngỡ ngàng khi thấy hàng cây long não hai bên đường đứng như “Ngàn cây thắp nến lên hai hàng”, và thấy nắng thật trong, thật tinh khôi như nắng thủy tinh. Tôi chợt nhớ lại phút chia ly em để xuống Sài Gòn học Đại học, khi em ngước nhìn tôi, đôi mắt ướt không rơi lệ vì nắng đã rọi vào ngăn đi những yếu mềm tuổi ngọc. Mỗi lần nghe câu kết: “Để nắng đi vào trong mắt em, Màu nắng bây giờ trong mắt em”, tôi lại nhớ mãi ánh mắt, như có nắng ở trong.
Dù mấy mươi năm trôi đi hay đến phút cuối của cuộc đời, dù cuộc đời xô đẩy, chà đạp, thì tôi cũng giữ những hoài niệm đẹp, trong sáng, để cảm ơn đời đã cho tôi một thời hoa bướm ngây thơ, tôi đã không vội vã buông mình vào những cuộc tình hoang dại như tuổi trẻ ngày nay, tôi cũng không ngu ngơ chỉ vùi đầu đèn sách, tôi đã biết sống và biết yêu cho đúng tuổi của mình. Và yêu là không phải nói lời hối tiếc: Love is not to say you are sorry.

6. Mưa hồng

Tôi đang nghe lại bài Mưa Hồng của Trịnh Công Sơn trong một buổi chiều tháng tám mưa vừa tạnh, trời ấm lên những hạt nắng cuối cùng. Những con nắng xám trắng trên những tàng cây. Nắng rong chơi làm tôi mệt mỏi, buồn rầu. Nắng vô tâm không biết rằng mình cũng như mưa, chỉ là một hạt bụi nhỏ nương náu qua nhân gian này...
Lâu lắm rồi tôi không có một chút thảnh thơi để khắc họa lại khuôn mặt của chính mình. Ý tôi là khuôn mặt mà những người yêu thương tôi vẫn nhận ra ở bất cứ lúc nào, nơi nào chứ không phải là những nét ký họa vội vàng, rời rạc.
Giọng hát của Khánh Ly trong ca khúc này làm tôi liên tưởng đến những chiếc lá xoay xoay, chao chao trong mưa. Những chiếc lá thích ở lưng chừng, nhìn đời nghiêng nghiêng chứ chưa vội rơi xuống im lìm cùng mặt đất. Tôi đang nhớ về những cơn mưa ngày xưa nay đi vắng đã lâu.
Trời ươm nắng vàng hoe cho mây hồng tụ lại tan chảy thành những cơn mưa. Những cơn mưa nhòa đi trong xác phượng đỏ rực thành những cơn mưa hồng rỉ rả. Mưa hồng là ảo ảnh trong đôi mắt, đau vùi trên đôi tay. Tôi chỉ thấy cơn mưa ấy nơi đây, trong các sáng tác của người nhạc sĩ họ Trịnh, bên cạnh những con phố hẹn và bàn tay chờ, những dòng sông đã qua đời gọi trùng dương khơi nước lên sóng mềm.
Thời còn nhỏ, tôi thắc mắc sao lại là mưa hồng? Có bao giờ mưa lại màu hồng. Nhưng rồi có một lần trời mưa trong cơn nắng, và ánh nắng soi vào màn mưa một màu hồng lung linh, tôi mới chợt hiểu, có mưa hồng thật. Và rất đẹp nữa.
Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào
Em đến thăm mây âm thầm mang gió lên
Những ngày hè, trời xanh và rất cao, những đám mây bồng bềnh phiêu lãng có một màu hồng nhẹ rất đẹp. Giữa trời hè đó, lá xanh hơn, tiếng ve rộn ràng hơn, con tim cũng loạn nhịp hơn khi thấy bước chân người con gái mong manh đi lại. Một chút buồn len lỏi, một niềm vui âm thầm, một tình cảm lâng lâng khó gọi thành tên trong trái tim chàng trai mới lớn cứ dâng tràn. Thành thơ thành nhạc là thế. Nhưng tình đầu thường quá mong manh, tuổi hoa qua cũng nhanh, chia ly sớm tới để kéo dài thêm nỗi đợi chờ, để người ngồi ngóng mưa, và buồn vương vấn, cho dù ngoài kia vạn vật vẫn theo quy luật của tự nhiên, mưa vẫn rơi và nắng vẫn lên, lá vẫn xanh và phượng vẫn hồng.
Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng.

Tôi thấy đâu đó trong tiếng cười hồn nhiên của trẻ nhỏ là “tiếng khóc tiếc thương những ngày vui ngắn ngủi”. Tôi thấy trên từng phiến lá, “loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng”, màu vàng úa đang lấn dần màu xanh. Tôi thấy ở đâu đó trong trăm năm, tiếng hoang vu vọng về. Cuộc đời tạm bợ chỉ là cõi ngụ để ta ghé chân qua…
Và tôi nghe thấy tiếng em khóc trong một chiều mưa hồng từng cánh phượng tả tơi. Tiếng khóc như tiếng nấc nghẹn nức lòng lời ca muộn phiền.
Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau
Trong tiếng guốc mộc mòn tê của tuổi, em đi về phía con “đường phượng bay mù không lối vào”. Cuộc đời lận đận, vô thường, long rong. Em đi về phía ấy làm gì. Đường mưa ướt áo, “vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi…”…
Khi xa thật rồi, lòng mới thấy nuối tiếc cho những lời chưa nói, cho những ánh mắt chưa trao. Rụt rè, e thẹn, bối rối, hình như tuổi trẻ ngày nay với thời đại interner không còn những trạng thái cảm xúc ấy nữa rồi. Bọn trẻ yêu cuồng sống vội, nhạc trẻ bây giờ cũng loạn những ca từ nghe phát kinh, chẳng còn chút nào lãng mạn như xưa. Những hẹn hò trên net thật chóng vánh, những cuộc vui thâu đêm, những mối tình yêu cuồng sống vội, những tranh giành vật chất phù du, hiếm thấy còn người trẻ nào biết nghe và sống như nhạc Trịnh. Họ bảo rằng nhạc này xưa rồi. Thật buồn, sao họ không nghe những ca từ này đi để thấy nó đẹp và buồn nao lòng thế nào:
Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau
Người ngồi xuống mây ngang đầu
Mong em qua, bao nhiêu chiều
Vòng tay đã xanh xao nhiều
Ôi tháng năm gót chân mòn trên phiếm du
Mây thường trên cao, làm sao có mây ngang đầu? Nhưng không phải mây thật, mà là mây trong tưởng tưởng, là tóc mây hờ hững vai thon. Có khi cũng là mây mù trong ký ức nhớ nhung khi người ngồi đó ngắm dòng người qua lại mà không thấy bóng dáng người xưa đâu sau bao nhiêu chiều ngóng đợi. Tháng năm qua những  gót chân đi về đã mòn mỏi trên những viên gạch lát đường, những rêu phong xưa đã che lấp dấu yêu ngày cũ, những vòng tay học trò vụng dại đã xa dần theo kỷ niệm. Sao ta vẫn lẫm cẫm còn mãi mong nhớ kỷ niệm xưa.
Người ngồi xuống xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.
Câu kết nghe thật ý nghĩa: cuốc đời thật ngắn ngủi và qua mau; sao không yêu thương nhau, sao không tử tế với nhau, chân thành và nồng nhiệt với nhau; sao nỡ hững hờ để những ân tình trôi mau như nước mưa qua ô cửa, để những cơn đau nối dài những chuyến mưa qua trên những bàn tay chờ đợi những bàn tay?
Những bài hát của Trịnh luôn có một nỗi buồn, nhưng lại luôn có những thông điệp rất thiền như thế. Sống, là không hờ hững, sống là không chờ đợi, là biết tận dụng mọi cơ hội của cuộc sống để sống chân thành và yêu thương hết mình; để được nhận lại những gì đáng có; biết cho đi sẽ được hạnh phúc, biết đón nhận mọi điều với tâm thế thật thoải mái và tích cực, bởi: cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ.

7. Như cánh vạc bay

Cũng không biết từ bao giờ nữa, mình đã nghe nhiều lần bài hát “Như Cánh Vạc Bay”… Nhưng hiểu gì về nó? Có lẽ là không gì cả. Chỉ đơn giản là thích, nghe và cảm nhận. Cảm nhận bằng tất cả tình cảm của mình:
Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh
Hình tượng trong bài hát là một cô gái. Có lẽ là rất đẹp. Nàng đẹp, nhưng sao buồn thế, hay tại mình lại có suy nghĩ như thế. Môi nàng hồng, màu hồng của ánh nắng ban mai, màu hồng mà không thể cảm nhận được bằng thị giác, chỉ là hình dung, là tâm tưởng, là một cái gì đó rất riêng của cá nhân từng nghe và từng cảm nhận:
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh
… Có lẽ sẽ còn rất lâu nữa mình mới có thể hiểu hết được. Có lẽ thế. Chỉ đơn giản cảm nhận là buồn, rất buồn, một nỗi buồn không thể gọi tên. Cái thứ buồn đó cứ ma mị, bào mòn, rủ rê ta. Nghe mãi, nghe mãi…Buồn về thân phận một người con gái có tài, có sắc nhưng sao cuộc sống cứ có một cái gì đó không thể thoát ra được, không thể… Có tưởng tượng ra cuối con đường này, mình sẽ đi về đâu không? Ta thấy một dòng sông đã chết, một ngọn núi đợi, vầng mặt trời khô và bầy chim ưu phiền mỏi cánh đang nghỉ ngấp nghé nơi lưng đèo. Và tiền kiếp, rêu rong im lìm… Em có buồn như đôi môi của nắng? Nắng hanh khô, nẻ toác những tháng ngày rong chơi. Em có buồn như đôi mắt của mưa, mưa rỉ rỉ những chiều muộn trái mùa, bàn tay em năm ngón xanh xao trầm mặc đưa gió vào vùng ăn năn tội lỗi. Em có buồn như năm tháng biết lãng quên nhau? Có buồn không mà từng lọn tóc nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh, ta nhìn vào hoe hoét cả chừng ấy những tháng ngày tươi vui?.
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ trên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi…
Nắng có còn hờn ghen môi em
Mưa có còn buồn trong mắt em
Từ lúc đưa em về
Là biết xa nghìn trùng…
Không hiểu sao khi nghe đoạn này mình lại cứ nghĩ đến những câu thơ trong Truyện Kiều:
“Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Và:
“Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh…”
Một vẻ đẹp thật chẳng kém nàng Kiều. Nếu như trong chuyện Kiều, đó là “Mây thua…”, là “Tuyết nhường…” là “Hoa ghen…” là “Liễu hờn…” thì ở đây nàng cũng đẹp lắm. Cũng là “Mây hờn…”; là “Nắng có còn hờn ghen môi em..” nhưng cái hình ảnh đẹp nhất, sâu sắc nhất, hình ảnh mà theo mình nghĩ đã làm cho “Nàng” đẹp hơn Kiều lại là ở bờ vai:
Vai em gầy guộc nhỏ.

Mình hạc xương mai. Hình ảnh một đôi vai bé bỏng, đang run rẩy trước gió Đông thật sự làm mình xúc động. Vai gầy của một người phụ nữ? Điều đó là hoàn toàn bình thường, bởi vì họ đã có những bờ vai rắn chắc của những người đàn ông. Khi nào yếu đuối, mệt mỏi thì họ có thể dựa vào đó, có thể khóc cho vơi đi nỗi buồn để còn có đủ niềm tin và sức lực để tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu…. Nhưng ở đây, hình như điều đó nàng cũng không có được. Hình ảnh “Vai gầy…” rất đẹp nhưng ”Vai gầy guộc….” thì thực sự làm cho con ta xúc động, thương cảm. Mình cảm thấy đây là một bài thơ, một bài thơ tình hơn là một bài hát. Ca từ quá đẹp, quá hoàn thiện mà ngay cả một nhà thơ chuyên nghiệp chắc gì đã viết nổi. Có thể cái hình ảnh “Mây hờn….. Nắng hờn ghen…” kia, Trịnh đã chịu sự ảnh hưởng của truyện Kiều. Nhưng điều đó cũng dễ hiểu thôi khi những câu Kiều là những kiệt tác của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Điều đáng nói ở đây là Trịnh biết tìm tòi và phát huy trong tác phẩm của mình.
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi…
Bài hát kết thúc cũng bằng một hình ảnh thật đẹp:
Suối đón từng bàn chân em qua
Lá hát từ bàn tay thơm tho
Lá khô vì đợi chờ
Cũng như đời người mãi âm u
Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Ta nghe từng giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh.

Thế rồi như cánh vạc, Nàng bay đi để lại nơi này một người đang ngày đêm trông ngóng. Để mỏng mảnh và gầy guộc đi về tuổi đá buồn trơ trọi từng nốt sol la. Để rồi như cánh vạc về chốn xa xôi, em ôm từng vạt mây hờn ngủ quên trên vai đi hết những phím cầm rong của mùa vừa kịp hát tinh khôi đã vội tàn lụi. Em ưu tư mà đời mênh mông quá, đi bao lâu nữa cho trọn một kiếp người?

Và đôi khi ta tự hỏi, em sẽ về đâu sau nỗi buồn mùa cuối ấy? Khi cây cỏ không còn nghe em hát, mặt trời cuồng nộ không còn lắng nghe tiếng em thì thầm và rừng đã cháy, loài người đã ngủ, chẳng còn ai đi cùng em trên con đường gót phiếm du đã mỏi. Và còn điều gì ôm em bao dung đi về kiếp trước không?
Lá khô vì đợi chờ
Cũng như đời người mãi âm u…
Có thể cuộc đời này nàng chẳng bao giờ có thể là của chàng nữa, nhưng chàng vẫn ngóng trông vẫn chờ đợi và vẫn mong tin nàng. Cầu chúc cho nàng ở phương trời nào đó sẽ luôn vui và luôn hạnh phúc.
Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Còn ở nơi này, có thể chàng sẽ buồn, sẽ khóc, khóc tới giọt nước mắt cuối cùng:
Ta nghe từng giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh.
Lời bài hát: Như cánh vạc bay
Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ quên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi
Nắng có còn hờn ghen môi em
Mưa có còn buồn trong mắt trong
Từ lúc đưa em về
Là biết xa nghìn trùng
Suối đón từng bàn chân em qua
Lá hát từ bàn tay thơm tho
Lá khô vì đợi chờ
Cũng như đời người mãi âm u
Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Ta nghe từng giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh.
8. Rồi như đá ngây ngô

Tháng Năm, ngày ngập nắng, phố phường được phủ lên một màu vàng ấm áp trải trong không gian báo hiệu cho phút chớm mùa của một ngày tháng Năm. Những hàng cây cao vương vương đầy hoa vào đầu mùa xuân giờ đang phai dần sắc thắm để lại cho khoảng trời rộng một màu xanh ngan ngát của lá.
Tôi đã đi qua bao mùa hoa phai, ngoài hiên nhà đã là nhân chứng cho bao mùa mưa nắng sập soài chợt đến, chợt đi theo mùa bất tận. Những giây phút chuyển mùa luôn làm tôi nhớ về một điều gì đó xa xôi, không rõ nét mà lại da diết khôn cùng.
Sẽ chẳng bao giờ phai đâu khi ký ức chỉ còn lưu giữ những điều tốt đẹp. Một câu thơ hay, một bông hoa đẹp… những dịu dàng không bao giờ phụ rẫy tâm tình của người yêu mến. Cứ tưởng mong manh lắm hóa ra lại bền chặt vô chừng.
Tôi đang sống chậm như kẻ nhàn du, học yêu cuộc đời qua từng nhịp đập của một trái tim cằn cỗi. Lựa chọn sự cô đơn để được bình an, để sống chậm hơn cùng tiếng chim hót trong trẻo vào mỗi sáng ban may, để được ngắm hoàng hôn rơi rơi trong từng buổi chiều tà. Và giờ đây trên quãng đường còn lại của cuộc đời khi bắt được cánh hoa rơi, vạt nắng trời, câu thơ cũ… tôi biết, những người bạn đồng hành chân thành ấy sẽ không bao giờ phụ rẫy tấm lòng tha thiết của tôi.
Một ngày nắng lan man quá. Chợt nghe bên nhà kế cận vọng lên bài hát:
Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ
Đôi khi bỗng nghe bước chân về đâu đó của em
Ngày nào vừa đến đã xa muôn trùng
Ngày nào vừa đi lạnh lùng bước chân
Đôi khi thấy trong gió bay lời em nói
Đôi khi thấy trên lá cây ngày em đã xa tôi
Đôi khi nắng trên phố xưa làm tôi nhớ
Đôi khi có mưa giữa khuya hồn tôi bỗng vu vơ…
Không biết khi viết câu này, hình tượng nắng trong tâm trí của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là con nắng nào, nắng sớm dịu dàng hay nắng chiều vàng vọt, mà khi nghe mình hay nghĩ về nắng của những trưa mùa hạ êm đềm trôi trong ký ức. Những buổi học về cùng lũ nhỏ, chờ bữa canh tôm khô nấu rau của mẹ, trèo tít lên cây mận hái quả ăn với muối ớt cay xè, í ới gọi nhau hái mít chín ngồi ăn sau hè… Những chiều lang thang hái phượng ép vào quyển tập học trò, để mấy năm sau, vào thời điểm này, con bướm nhỏ xưa ấy mãi chập chờn trong những giấc mơ. Tạm biệt, tạm biệt nhé… Có lẽ mình chỉ có thể nói với nắng như thế và đối với tôi có lẽ nắng chiều là đẹp hơn. Nắng trong ngày đang úa dần trong cái màu hồng nhợt nhạt điểm xuyết trên bầu trời về chiều, hẳn lúc ấy là giờ phút tạm biệt cho những ánh mắt trong ngắm màu nắng thật kỹ với vẻ đầy nuối tiếc. Cũng chẳng thê nào giấu diếm, chẳng thể nào giấu đi sự phù phiếm ấy, ánh nắng trong ngày ánh lên rạng vỡ rồi xoáy sâu vào một góc khuất nào đó khiến bầu trời đen quyện trong đêm.
Nghìn tia nắng đi trong làn mây mờ ảo thật vội vã như những ngón tay đang vẫy chào tạm biệt những đôi mắt nâu ấy. Tạm biệt lần này thôi nhé! Chắc sẽ đến tìm ánh mắt nâu vào một ngày nắng đẹp trời nào đó, những khi ấy sẽ mỉm cười thật tươi và quên đi những lần chờ đợi nắng trong những khi lỗi hẹn. Hãy tự chăm sóc mình nhé! Đôi mắt nâu ấy chỉ mỉm cười mỗi mình nắng thôi, dường như lúc xa cách là lại có cái cảm giác bồi hồi và cái nhìn thì vô thức.
Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối
Đôi khi nhớ trong mắt em một bóng tối nhỏ nhoi
Từng ngày tình đến thiết tha ân cần
Từng ngày tình đi một vùng vắng yên
Đôi khi thấy trong cánh chim từng đêm tối
Đôi khi nhớ trong tóc em mùi cây trái thơm tho
Đôi khi bước qua phố xưa lòng tôi nhớ
Đôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô…
Ánh mắt ấy không ngủ được, có lẽ vì nắng ra đi quá vội. Hãy giúp đôi mắt ấy được thư thả và tạm biệt trong nỗi cô đọng của cảm xúc nắng nhé! Ánh nắng ấy dường như cuốn hút lấy đôi mắt nâu, ửng lên những ánh lấp lánh khi có nắng xuyên thấu và hoang dại đến lạ. Hãy ôm lấy những đôi mắt nhiệt tình ấy bằng cái ôm khẩn thiết đầy yêu thương nắng nhé! Cho dù phải chóng tàn đi quá nhanh hay ra đi trong sự lặng lẽ. Để đôi mắt nâu ấy cứ xao xuyến mãi và day dứt câu tạm biệt, một tình cảm không bao giờ hời hợt và tựa như một lời ấn định từ trước, từ biệt để rồi tái hợp nắng nhé!.
Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ
Đôi khi bỗng nghe bước chân về đâu đó của em.

9. Phôi pha

Đêm nay, trời quang mây tạnh, trong người nghe hoang vắng và tôi ngồi đây “Ôm lòng đêm, Nhìn vầng trăng mới về” mà ngậm ngùi “Nhớ chân giang hồ. Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già”. Biết bao năm đã qua, bước chân tôi cũng có khác chi bước giang hồ rong ruổi khắp miền đất nước này, hồn tôi cũng phiêu du qua bao ngày tháng tuổi xuân trôi. Để bây giờ có cảm giác như “Một ngày kia đến bờ, Đời người như gió qua”.

Đời người như gió qua! Nghe sao xót xa cho thân phận. Ai cũng mong mình sống trăm năm, hay chí ít cũng có sáu mươi năm cuộc đời. Khi còn trẻ, nhìn về tương lai mà háo hức sao đường đời còn dài thế, sao những cái đích đến của Danh, Lợi, Phú, Quý, Vinh, Hoa, Tình, Ái nó đều xa vời vợi. Thế mà bây giờ, đã qua hết nửa dốc bên này cuộc đời, đã qua cái đỉnh của mọi sự ham muốn, bắt đầu thấy mình như đã từ từ xuống dốc, thì lại thấy mọi thứ thật phù du, và đời người thật chỉ như cơn gió.
“Không còn ai, Đường về ôi quá dài”. Tôi không tới nỗi quá cô đơn như Nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh ấy, không tới nỗi “nói cười giữa chốn nhân gian, mà lòng trống vắng thênh thang kiếp này”. Tôi vẫn còn có một gia đình để đi về, có những đứa con để nuôi nấng và hy vọng, có những người tri kỷ để tâm tình. Nhưng sao cũng vẫn cảm nhận được  đường tới Chân - Thiện - Mỹ của mình còn quá dài. Mình vẫn còn trần gian lắm, vẫn còn nhiều lo toan bề bộn, vẫn chưa thể giũ áo để sống vô tư như cỏ cây ven đường kia được. Nhiều đêm mất ngủ, tôi cảm nhận được nỗi cô đơn khắc khoải của “Những đêm xa người, Chén rượu cay, Một đời tôi uống hoài, Trả lại từng tin vui, Cho nhân gian chờ đợi”. Sự chờ đợi, cho dù là chờ đợi bất kỳ điều gì, cũng luôn là khắc khoải, là dằng vặt, là thấp thỏm và hy vọng, là nuối tiếc và hoài nghi. Câu trả lời ấy, ta chưa thể biết, và vì thế ta cứ mãi bâng khuâng.
Thôi thì, ta lại về, “Về ngồi trong những ngày, Nhìn từng hôm nắng ngời, Nhìn từng khi mưa bay”. Cho dù thế nào, thì cuộc sống vẫn trôi nhanh, nắng vẫn lên sau những cơn mưa, và mưa lại tới khi mây vần vũ, như một quy luật không thể chối từ. Vậy thì ta cũng không nên day dứt nhiều. Cái gì tới cũng sẽ tới, cái gì phải ra đi cũng sẽ đi. Thứ gì là của mình thì sẽ là của mình, thứ gì không thuộc về mình, thì cố gắng cách mấy nó vẫn không là của mình. Không hẳn là AQ, nhưng tôi cứ tự an ủi như thế, thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Biết là khó, nhưng ta phải cố, bởi có mấy ai xa đời mà còn quay về lại, có ai dám về cuối trời làm mây trôi lơ đãng?
“Thôi về đi, Đường trần đâu có gì”. Nghe cứ như một lời mời mọc ân cần. Mà thật, đường trần đâu có gì: ngoài khổ đau, ngoài thất vọng, ngoài lo toan, ngoài lừa dối?  À, có chứ, có những tấm lòng, có những chân tình, có những tình yêu dành cho ta đâu đó. Nhưng có DUYÊN sẽ gặp, có TÂM sẽ thấy, tội tình chi ta mải miết đi tìm, tìm mãi từ khi  tóc xanh mấy mùa đã trở thành sợi bạc, tìm mãi trong hư vô một thứ hạnh phúc bình dị mong manh, khiến nhiều khi trong cơn mộng giữa vườn khuya, chợt giật mình vì “Bàn chân ai rất nhẹ, Tựa hồn những năm xưa”. Rồi giật mình thảng thốt, đó là ai? Đó là thứ gì? Có phải là cái ta tìm kiếm? Rồi lại chìm vào cơn ngủ mê của đời sống ngày thường.
Tôi yêu nhạc Trịnh Công Sơn, yêu những ca từ đầy triết lý, yêu những giai điệu nhẹ nhàng mà sâu sắc ấy, cũng như hàng triệu người yêu nhạc Trịnh khác, không thể lý giải được vì sao thứ âm nhạc ấy nó ngấm vào mình thật tự nhiên, thành một thứ gì giống như tôn giáo, như lẽ sống, như nắng, gió, như ánh trăng, như cát bụi, như tất cả những gì thuộc về cuộc sống này, nửa thật đời, nửa thật hư ảo như mộng mị. Và nhạc Trịnh, chỉ có thể thấm hết qua giọng ca của ca sĩ Khánh Ly, chỉ có bà mới lột tả được hết cái hồn của từng ca từ. Và chỉ trong đêm vắng tĩnh lặng, trong nỗi cô đơn thân phận, ta mới thật hiểu và ngấm triết lý nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh không phải là thứ nhạc cho dàn nhạc điện tử ồn ào, sân khấu lộng lẫy và khán giả xô bồ, ồn ào. Nhạc Trịnh là để cho mỗi người tự chiêm nghiệm, và để nghĩ về mọi người, về  quê hương - tình yêu - thân phận.

24/7/2011
Lê Trung Ngân
Theo https://bacsiletrungngan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...