Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Đế đô một thuở…

Đế đô một thuở…

Tôi chỉ là một cây chò nâu mọc tự nhiên trong rừng quốc gia Đền Hùng. Khi còn là hạt mầm nằm trong lòng đất, tâm hồn tôi đã được ấp ủ bởi nhiều địa tầng lịch sử. Từng hạt mưa ngấm xuống cũng mang đến câu chuyện của vùng đất linh thiêng Nghĩa Lĩnh. Đất kể với tôi về thời xa xưa. Về Lạc Long Quân, Âu Cơ và bọc trăm trứng nở ra một trăm người con khôi ngô tuấn tú, xinh đẹp, chính là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Năm mươi người theo cha xuống biển, năm mươi người theo mẹ lên núi. Bà Âu Cơ tự suy tôn người con trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương. Rồi đất kể với tôi về nước Văn Lang và mười tám đời Vua Hùng cai trị. Tôi như nghe thấy tiếng vó ngựa dồn đuổi giặc Ân. Nghe thấy tiếng vươn vai của Thánh Gióng trước khi xông pha ra trận. Nghe thấy tiếng Mỵ Nương Thiều Hoa đang ngồi dệt lụa. Khi tôi nhú mầm đội đất vươn lên đã được tiếng gió lao xao của đại ngàn hòa với tiếng vỗ sông Hồng, sông Lô chào đón. Kể từ đó tôi sống cuộc đời của một thân cây tươi xanh nuôi khao khát vươn cao để ngắm nhìn những núi đồi nối tiếp. Để vẫy gọi những bước chân đang mỗi ngày hướng về đất Tổ…
Giống chò nâu chúng tôi có thân thẳng đứng và vươn rất cao. Nhờ độ cao vài chục mét của mình mà tôi có thể nhìn ngắm và nghe thấy tiếng trò chuyện của tất thảy vạn vật nơi đây. Cụ vạn tuế trước cửa chùa Thiên Quang ở Đền Hạ thường ôn tồn kể về những biến cố thăng trầm của lịch sử mà mình từng chứng kiến. Mọi cây xanh trong rừng quy tụ lại lắng nghe. Trong tiếng gió lao xao chúng tôi hỏi cụ về 800 năm tuổi của mình. Hỏi về những triều đại cụ từng sống qua. Hỏi về những lần dân tộc đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi nước Nam mình. Cuộc đời cụ là cả một kho sử sống, là di sản văn hóa được người đời nâng niu coi trọng. Ba nhánh cây vạn tuế tượng trưng cho ba miền Bắc - Trung - Nam qua bao tháng năm vẫn tươi xanh đứng giữa đất trời. Cụ thông già ngoài cổng kể với chúng tôi về người bạn của mình. Từng cùng đứng với nhau hiên ngang ở cổng đền giờ chỉ còn là một khoanh gỗ thông nhỏ lưu lại trong bảo tàng đền Hùng để du khách chiêm ngưỡng mà thôi. Cây sui, cây đại, cây trám… cũng đều có câu chuyện của mình. 
Buổi sáng, lũ chim thường đánh thức tôi dậy bằng tiếng hót véo von. Chúng cắp từ cánh đồng về những hạt lúa còn đượm mùi phù sa, bùn đất. Tháng Ba, bầy chim còn líu lo kể chuyện những em bé được bố mẹ dắt về lễ hội Đền Hùng. Những đôi mắt đen láy, trong veo chạy nhảy quanh sân trung tâm lễ hội, dưới chân đồi Phân Đậu. Hội trại văn hóa vui lắm, đông đúc người ghé thăm những sản vật địa phương được mang đến trưng bày. Lũ chim như cũng muốn say cùng men rượu cần, ngả nghiêng với xôi ngũ sắc. Những nam thanh nữ tú từ khắp nơi tìm về chụm đầu ngắm bức tranh gốm mang tên “Ngày hội non sông trên đất Tổ”. Tôi cùng cây đại, cây thông, bạch đàn, trám trắng… vẫy chào từng dòng người nô nức rủ nhau về dự hội. 
Cái nắng cuối xuân cũng đủ khiến những bước chân mỏi mệt. Tôi muốn vươn rộng cành nhánh của mình để tỏa bóng mát cho bất cứ ai dừng lại nghỉ chân. Nhờ có họ mà tôi nghe được biết bao câu chuyện đời. Lấp lánh tình yêu thương đôi lứa, tình đồng chí đồng đội, tình bằng hữu bền lâu. Đối với tôi mỗi một cuộc gặp gỡ đều giống như cơn mưa mát lành tưới tắm mình tươi tốt. Từng mầm non căng tràn sức sống. Từng gân lá như cũng biết reo ca. Tôi ủ những điều tốt đẹp ấy trong dòng nhựa của mình chờ đến ngày ra hoa, kết trái. Vài người hứa với nhau sẽ quay lại nơi này. Nhưng tôi biết có nhiều người đến Đền Hùng lần đầu cũng sẽ là lần cuối. Giống như những người Mẹ Việt Nam anh hùng ấy. Tôi vẫn còn nhớ chứ, họ đến đây vào ngày đầu tháng Ba, cách đây đã mười năm…
Hôm ấy trời trong nắng đẹp. Đền Hùng còn chưa vào chính hội nên không đông đúc. Đi cùng các mẹ là đoàn thanh niên tình nguyện tỉnh nhà và những người có công với cách mạng. Họ đã vượt mấy trăm cây số từ miền Trung xa xôi đến đây thắp nén hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Đoàn người thong thả dạo bước, từ xa vọng lại tiếng trống chiêng rộn rã. Các xã lân cận đang tập dượt để chuẩn bị cho nghi lễ rước kiệu, dâng lễ vật cung tiến các Vua Hùng sẽ được tổ chức vào ngày mồng mười tháng Ba âm. Họ leo từng bậc đá lên Đền Hạ, khói hương lan tỏa, cúi đầu. Tấm huân chương lấp lánh trên ngực áo những người thương binh già khiến tôi xúc động. Người phải chống nạng, người thì một bên tay áo gió lùa. Lại có người còn những mảnh đạn găm đâu đó trên cơ thể họ, khiến mỗi khi trái gió trở trời những cơn đau trỗi dậy. Họ đã để lại một phần xương thịt của mình nơi bom đạn chiến trường. Chính những người thương binh ấy đã góp phần giữ gìn tổ quốc này. Như mong muốn mà Bác Hồ từng căn dặn các chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong ngay chính tại nơi đây năm 1954: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Các mẹ bước đến, tóc trắng như mây. Những đôi mắt mờ đục nhìn theo hương khói. Các mẹ đều đã già rồi, có người đã đi qua hai cuộc chiến tranh với rất nhiều nỗi đớn đau mất mát. Bom đạn đã lùi xa vào quá khứ nhưng vết thương trong lòng mẹ thì vẫn còn hiện hữu. Đoàn thanh niên tình nguyện dìu các mẹ ngồi nghỉ chân. Tôi rưng rưng khi nhìn xuống những mái đầu đã bạc. Thương những đôi tay gầy gò bấu chặt vào hai đầu gối đã bắt đầu đau mỏi. Mẹ ngước mắt nhìn cậu thanh niên và bắt đầu thủ thỉ chuyện trò: 
- Màu áo của các con xanh quá. Ngày xưa, lúc gần bằng tuổi các con bây giờ thì áo của con trai mẹ cũng xanh. Nhưng đó là màu xanh áo lính của chàng trai chưa đầy mười tám tuổi. 
- Con trai tôi cũng vậy. Mười sáu tuổi thằng bé đã viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ bằng máu. Hôm nó đi, tôi cứ nhìn theo màu áo lính cho đến khi chỉ còn là chấm xanh mờ nhạt. Hòa bình lập lại đồng đội mang thằng bé trở về đặt vào bàn tay tôi chỉ vỏn vẹn tấm áo đã sờn rách bởi đạn bom, mưa nắng. 
- Tôi tiễn chồng và hai đứa con trai ra trận, nhìn họ mặc màu áo lính lần đầu và cũng là lần cuối. Không một ai trở về. Chồng đi đánh Pháp. Con đi đánh Mỹ. Giờ thỉnh thoảng ngủ mơ, chẳng nhìn thấy rõ mặt. Chỉ màu áo xanh là còn mới.
- Tôi thì hay mơ thấy thằng bé về cứ đòi ôm mẹ ngủ. Ngày xưa ở nhà còn sợ ma, đêm nào cũng rúc vào nằm cạnh mẹ. 
- Cũng nhanh thôi, chúng ta sắp được đi gặp các con rồi. 
- Các mẹ phải sống thật lâu chứ ạ. Để sau này chúng con còn có cơ hội đưa các mẹ quay trở lại nơi này. 
- Một lần này thôi là cũng đủ vui rồi. Mẹ cả đời không ra khỏi lũy tre làng. Không nghĩ đến cuối đời mình lại có cơ hội được ra thủ đô viếng Lăng Bác. Được lên tận đây thắp hương các Vua Hùng. Sau này gặp lại những đứa con của mình, mẹ sẽ có nhiều điều để kể. 
Tôi may mắn nghe được cuộc chuyện trò xúc động ấy. Dù hàng năm, cứ tháng Ba này có hàng nghìn người về khai hội Đền Hùng. Biết bao nhiêu khuôn mặt, nụ cười từng hiện hữu nơi đây. Nhưng tôi nhớ mãi về đoàn người năm ấy. Nhớ những mái tóc bạc, tấm lưng còng. Nhớ tiếng nạng gỗ chống lộc cộc trên nền gạch. Họ đi đến đâu cây cối vươn ra tỏa mát. Núi Nghĩa Lĩnh dường như cũng cúi đầu trước họ. Những ngọn gió xôn xao nghe như tiếng hát của nghìn năm vọng lại. Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật. Bầy chim chóc gọi nhau về ríu rít trên những tán cây. Tiếng giã bánh giầy nhịp nhàng từ một xóm núi nào đó thay lời tiễn biệt. Tôi đứng đó nhìn theo chiếc xe chở đoàn người rời miền đất Tổ. Xe trôi qua những tên xóm tên làng còn lưu trong truyền thuyết: Xã Thậm Thình giã gạo cho vua; Kẻ Đọi rèn quân sĩ; Kẻ Gát là nơi vua dựng lầu kén rể… Chắc hẳn lòng người đi cũng bâng khuâng trong từng câu hát: “Phú Thọ quê mình đẹp như gấm hoa/ Câu ca em hát thoảng hương quê nhà/ Đậm đà vị chè từ tay người hái/ Thảo thơm chứ quê mình, chứ quê mình” (1).

Câu ca em hát Phú Thọ quê mình - Thanh Hoa

Tôi - cây chò nâu mọc ra trong cánh rừng nguyên sinh ở Đền Hùng đang được sống một cuộc đời ý nghĩa. Những buổi sáng trong lành, tôi vươn cành lá ngắm từng đám mây bay ngang qua núi non điệp trùng, cánh đồng tươi xanh màu mỡ. Những dòng sông yên ả bên lở bên bồi. Gần thôi những đồi cọ, vườn chè, lũy tre xanh ngát. Tiếng gà gáy gọi mặt trời nhô lên đỉnh núi. Tiếng nghé ọ gọi nhau ra đồng. Tiếng của người nông dân hồn hậu. Tiếng mộc mạc chân chất chợ quê với nải chuối, mớ rau, nón lá, bánh đa, cá thính… Tất cả những âm thanh quen thuộc ấy sao giống như bài thơ của cô giáo trong lớp học trường làng: “Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm/ Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về/ Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm/ Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre” (2) . Hỡi Ngã ba Bạch Hạc. Hỡi ngọn Ba Vì ẩn hiện phía xa. Hỡi Tam Đảo mờ sương hùng vĩ. Tôi yêu biết bao cảnh non nước hữu tình, đất đai trù phú. Mới chợt hiểu vì sao thuở xa xưa sau khi đã đi khắp mọi miền Vua Hùng lại chọn đây làm đất đóng đô…
Chú thích: 
(1) Bài hát: Câu ca em hát Phú Thọ quê mình - sáng tác: Đào Đăng Hoàn.
(2) Bài thơ: Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ.
5/4/2020
Vũ Thị Huyền Trang
Theo http://baolamdong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tưởng chừng như

Tưởng chừng như (Nói với Gaston,  15.Dec.2013-15.Dec.2020) Đập cổ kính ra tìm lấy bóng Xếp tàn y lại để dành hơi (Khóc Bằng Phi, Vua Tự Đứ...