Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Cảm nhận bài thơ Mưa xuân của Nguyễn Bính

Cảm nhận bài thơ Mưa xuân của Nguyễn Bính
   Sáng nay mở cửa ra, bắt gặp một chồi non vừa nhú ra khỏi cội sung già. Nhìn sang cây mai bon sai, lác đác vài nụ hoa còn trong vỏ trấu. Tiết trời se lạnh. Bất giác tôi nhận thấy dấu hiệu của mùa Xuân khi khoảng không trước nhà xuất hiện mấy cánh én chao liệng....Mùa xuân cũng là mùa của lễ hội, mùa của đôi lứa hẹn hò, trao nhau những lời hẹn ước. Mùa xuân cũng là mùa của cảm xúc thơ ca, thăng hoa trong tâm hồn các thi sĩ.
   Trong dòng chảy thơ ca đương đại viết về mùa xuân, tôi đặc biệt yêu thích bài thơ Mưa Xuân của thi sĩ Nguyễn Bính. Mưa Xuân gợi nhớ tuổi hồng năm nào. Mưa Xuân phơi phới bay như tâm tình cô thiếu nữ, đã cuốn tôi ngược dòng về với những năm nửa đầu của thế kỷ 20.
Mưa Xuân 
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ tới anh…
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên,
Mưa chấm tay em từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem
Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe,
Mưa bụi nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê.
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em
Chờ mãi anh sang, anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng,
Năm tao bẩy tiết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng
Mình em lầm lũi trên đường về,
Có ngắn gì đâu một dải đê
áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
Lạnh lùng em tủi với canh khuya.

Bữa ấy, mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giầy
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ bảo rằng: “Hát tối nay”! 
Nguyễn Bính

Bài thơ Mưa Xuân được Nguyễn Bính viết theo thể thơ Tứ Tuyệt Trường Thiên. Nội dung viết về mùa xuân ở vùng quê bắc bộ những năm nửa đầu của thế kỷ 20. Trong Mưa Xuân có bức tranh làng quê ngày xuân, có hội làng, có nỗi lòng của một thôn nữ ở tuổi cập kê. Mưa Xuân như một câu chuyện được Thi Sĩ kể bằng thơ.
Câu chuyện Mưa Xuân, được thi sĩ mở đầu không phải cảnh đẹp xuân, không phải tiết trời xuân .Mà là
Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.
Nhân vật trong thơ, người mà Nguyễn Bính muốn miêu tả ở đây là một thiếu nữ làm nghề dệt lụa. Cảnh nhà đơn chiếc em “dệt lụa quanh năm với mẹ già”. Em còn trẻ được tác giả ví “như vuông lụa trắng”. tức vuông lụa chưa thành phẩm. Cho nên “mẹ già chưa gả bán”…..Em là hình mẫu người thiếu nữ thôn quê trong trắng, luôn luôn có trong thơ Nguyễn Bính. Trong bài Mưa Xuân,  nhân  vật ấy cũng không ngoại lệ. Bài thơ được nối tiếp sau phần giới thiệu bây giờ là:
Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.
Cảnh nhà đơn chiếc chỉ có hai mẹ con. Bỗng trở lên vui tươi ở khổ thơ này. Bởi một bữa “mưa xuân phơi phới bay”. Ta có cảm giác lòng Em “phơi phới bay” chứ không phải “mưa xuân”. Hình ảnh Hoa Xoan (Sầu đông) là hình ảnh loài hoa hiện diện ở khắp các làng quê Bắc Bộ từ xưa đến nay. Được Thi sĩ đưa vào Mưa Xuân với “hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy”.
Rồi “hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ” đã làm cho khung cảnh yên bình bị phá vỡ. Tiếng trống hội làng thúc giục, với tiếng loa của “hội chèo” cộng thêm “mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.làm cho “vuông lụa trắng” khấp khởi khi ngồi dệt bên khung cửi.
Mưa xuân đã xuất hiện trong thơ làm cho trời xuân khởi sắc, làm cho lòng người khấp khởi. Câu chuyện Mưa Xuân vẫn đang tiếp tục được Thi sĩ kể rằng:
...Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ tới anh…
Ở đây có lẽ do “mưa xuân phơi phới” rồi “hội chèo” đi ngang ngõ . Hay lời nói của Mẹ đã làm cho “vuông lụa trắng” phải “ngừng thoi lại” . Vì sao “tay xinh”ngừng dệt? có phải bởi “lòng thấy giăng tơ một mối tình”. Tại sao mới chỉ “lòng thấy…”mà đã “hình như hai má em bừng đỏ”? Em sao lại ngượng ngùng khi mới chỉ “nghĩ tới anh”. Một khổ thơ với bao nhiêu câu hỏi, khiến người đọc phải suy ngẫm qua đi. Câu chuyện mưa xuân vẫn còn nối tiếp:
...Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên,
Mưa chấm tay em từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem
Trời đã buông màn nhung tối đen xuống, bao phủ làng quê. Nhà nhà đã lên đèn, Em lúc này mới để ý và ra “trước mái hiên”,làm một hành động rất đẹp “ngửa bàn tay” ra đón “mưa xuân phơi phới bay”. Mặc dù “mưa chấm tay em từng chấm lạnh”. Nhưng em không cảm thấy mưa lạnh đang rót vào tay mình từng hạt, mà em chỉ nghĩ tới “thế nào anh ấy chẳng sang xem”.
Mưa Xuân đã xuất hiện như có tâm hồn “phơi phới bay”. Ở đây,chúng ta càng thấy rõ tài sử dụng từ ngữ tài tình của thi sĩ. “vuông lụa trắng” khấp khởi trong lòng khi nghĩ tới “anh ấy”nên không ngần ngại dẫu ngoài trời đang mưa lạnh:
...Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe,
Mưa bụi nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê.
Bây giờ chúng ta mới thấy từ “vội vàng” xuất hiện. Sau khi em đã “xin phép mẹ”. Mẹ đồng ý nên “Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe”.
Đọc tới đây, tôi có cảm giác Em đã vội để đến “Thôn Đoài”, dù chỉ cách một “thôi đê”. Chỉ có đi nhanh như bay thì “mưa bụi” mới “không làm em ướt áo”được.
Một điều tôi muốn nói rằng, tâm lý chung của mấy cô con gái mới biết rung động trái tim yêu lần đầu, khi nghĩ đến hẹn hò thì sẽ “chân sáo” để đi là cái chắc.
Nếu ai đã từng đi dưới sương đông, chắc hẳn biết nếu đi chậm sương cũng sẽ làm ướt áo, chứ đừng nói đến “mưa bụi”. dẫu “mưa bụi” là mưa nhỏ li ti đi chăng nữa. Câu chuyện Mưa Xuân vẫn còn lôi cuốn ta đi theo sau khi em đến thôn Đoài mà không bị Mưa bụi làm ướt:
...Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em
“Hội Chèo làng Đặng” tới hát ở “thôn Đoài”,  mùa lễ hội mà đặc biệt hôm nay, sẽ “Hát thâu đêm”tức tàn canh “đám hát”mới tan. Em đã xin phép mẹ đi xem hội. Vậy mà “Em mải tìm anh chả thiết xem”. Em có tìm thấy hay không? Giữa chốn đông người đi xem hát ấy, chưa biết. Chỉ thấy phía trước và ngay đêm nay, nơi căn nhà ấm cúng của em và Mẹ sẽ có “giường cửi lạnh”. Em không ngủ cũng không dệt nên “thoi ngà nằm nhớ ngón tay em”. Thoi ngà nhớ người, hay em đangnhớ anh?Câu hỏi này ta mang theo vào câu chuyện Mưa Xuân còn đang tiếp diễn:
...Chờ mãi anh sang, anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng,
Năm tao bẩy tiết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng

Một khổ thơ diễn tả tâm trạng cũng như những lời trách rất thật, rất nhẹ nhàng của cô gái thôn quê. Hóa ra không dưng mà đầu câu chuyện Mưa Xuân, Em lại “hai má bừng đỏ” khi “nghĩ tới anh” Họ đã gặp nhau ở đám “hát bên làng” hôm nọ. Anh chàng đã “năm tao bảy tiết” hò hẹn. Khiến cô gái “lòng còn như vuông lụa trắng” đã tin tưởng và hôm nay thì lại thấy “cả mùa xuân cũng bẽ bàng”. Em thất vọng vì tìm không gặp anh, phải lủi thủi “bẽ bàng” và có cảm giác rằng mùa xuân tươi mới kia cũng “bẽ bàng” theo đấy thôi!
Hội tan con đường về giờ đây:
...Mình em lầm lũi trên đường về,
Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
Lạnh lùng em tủi với canh khuya.
Đám hát đã tan, và “em mải tìm anh” trong vô vọng. Anh đã không đến. Hay là em tìm không gặp? hay là bởi “vô duyên đối diện…”hay là? Hay là? Bao nhiêu câu hỏi không lời giải đáp. Chỉ biết rằng giờ đây “mình em lầm lũi trên đường về”! “Mình em tủi với canh khuya”! có lẽ em là người sau cùng rời đám hát, nên đường về chỉ có mình em.
Khi đi, em khấp khởi vui bao nhiêu thì bây giờ về là đoạn đường lê thê. “Mưa nặng hạt” và chỉ có “áo mỏng che đầu”. “Thôn Đoài cách một thôi đê” sao gần thế! em đi hết, mà “mưa bụi không ướt áo”!
Thế mà giờ đây “Có ngắn gì đâu một dải đê”.
Lầm lũi em về với hình ảnh “áo mỏng che đầu” đủ thấy em bị “mưa nặng hạt” làm ướt áo. Thấm lạnh từ mưa và cả cái lạnh từ trong “vuông lụa trắng”, làm em tê tái bước chân trên đường về cô độc.
Câu chuyện mưa xuân vẫn chưa dừng lại . Sau khi Mưa Xuân xuất hiện “phơi phới bay”. Rồi “mưa bụi không làm em ướt áo” và “Mưa nặng hạt” đã trút lên đầu qua lớp “áo mỏng che đầu”. Bây giờ ta gặp lại Mưa Xuân và hoa xoan, Hội chèo, Mẹ Bảo. Nhưng với hình ảnh khác:
...Bữa ấy, mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giầy
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”
Mưa Xuân đã biết vui buồn theo em. Bây giờ Mưa xuân “đã ngại bay”.
Hoa xoan vẫn là hoa xoan rụng rơi trên mặt đất “bữa ấy”. Nó không còn lớp lớp dày” nữa mà giờ thì “hoa xoan đã nát” dưới chân giầy”. Bởi “hội chèo làng Đặng về ngang ngõ”. Thôn Đoài đã hết hội rồi. Còn mẹ lại bảo “Mùa Xuân đã cạn ngày”.
Hội tan, gánh chèo rời đi.em đâu còn cơ hội để tìm anh nữa….Bao nhiêu hy vọng tiêu tan.Nỗi lòng “vuông lụa trắng”có lẽ là hình ảnh “Hoa xoan ….dưới chân giầy”. Làm sao mà trong lòng không tan nát cho được khi mà đã tới Thôn Đoài mà chỉ “tìm anh chả thiết xem”. Cuối cùng hết hội lủi thủi một mình “tủi với canh khuya”! Bây giờ thì “mùa xuân đã cạn ngày”. Hy vọng không còn em chỉ còn biết tự thầm thì với lòng mình, như đang nói với anh thôi:
...Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ bảo rằng: “Hát tối nay!
Có thể nói, Em đã không may mắn trong mùa xuân này! Với câu hỏi “bao giờ em mới gặp anh đây?” có nghĩa vẫn còn hy vọng. chỉ là chưa gặp thôi! Sẽ gặp! có điều là không biết “bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ”, để mà em lại được nghe “mẹ bảo rằng: Hát tối nay”!. Lại đợi chờ...và hy vọng...
 Huỳnh Xuân Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...