Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta
Tôi từng mơ ước trở thành nhạc sĩ. Đó là giấc mơ đầu tiên của
tôi, khi nghe Bảo Yến hát Biết đâu nguồn cội trên radio. Với tôi, một ca khúc
hay là tổng hòa của nhạc sĩ tài năng, ca sĩ và dàn nhạc. Một sản phẩm được tổng
hợp bởi sức lao động của nhiều người. Sau này, tôi xếp giấc mơ trở thành nhạc
sĩ. Lắm khi, tôi nghĩ về thẩm mĩ âm nhạc và mức “chấp nhận được” của âm nhạc.
Một câu chuyện dài kì và phức tạp. Và có lẽ định mức ấy, là định mức cá nhân.
|
Tôi nghe "Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta"
trước khi album đạt giải Cống hiến. Và thật sự, album như một định hướng mới về
âm nhạc. Một thẩm mĩ âm nhạc tinh tế, một làn gió tươi mới. Dù Đỗ Bảo không mới.
Anh đã là một nhạc sĩ có chổ đứng trong nền âm nhạc Việt. Nhưng âm nhạc của anh
lúc nào cũng mang đến một nguồn cảm hứng mới như một nổ lực sáng tạo không ồn
ã. Đỗ Bảo không ồn ào, âm nhạc của anh cũng thế. Người nghe Đỗ Bảo nhiều, sẽ nhận
rõ cái màu sắc của sự giản di và chân thành. Chỉ cần một vài câu, người ta cũng
nhận ra ngay, màu đấy là màu của Đỗ Bảo. Một cái bản sắc riêng, điều tối cần
thiết cho người làm nghệ thuật.
Biết đâu nguồn cội - Bảo Yến
Khi người yêu nhạc đang loay hoay trước âm nhạc thị trường, với
những ông hoàng, bà chúa tự phong. Khi âm nhạc vẫn đang chông chênh, người có
tâm với âm nhạc vẫn hay ngậm ngùi nhớ về Quán Văn, về một thời gọi là Tân nhạc
Việt Nam (*). Với những tên tuổi không thể mờ phai trong nền nhạc Việt. Nhưng
đáng buồn thay, có những ca sĩ hát lại những ca khúc ấy với thứ cảm xúc vay mượn
hời hợt chẳng khác nào người khóc mướn. Tôi vẫn còn nhớ, thầy tôi đã từng dạy
tôi rằng “Đi hết dân tộc, con sẽ thấy nhân loại.
Chạy theo nhân loại, con sẽ không bao giờ đuổi kịp họ và đánh mất chính mình”. Và ngay lúc ấy, Đỗ Bảo với album Nhật thực dội xuống âm nhạc Việt Nam như một cú bật. Một làn gió thổi bay những thứ nhàu nát và hỗn tạp.
Chạy theo nhân loại, con sẽ không bao giờ đuổi kịp họ và đánh mất chính mình”. Và ngay lúc ấy, Đỗ Bảo với album Nhật thực dội xuống âm nhạc Việt Nam như một cú bật. Một làn gió thổi bay những thứ nhàu nát và hỗn tạp.
Một bài hát đơn, khác với một bài hát trong album như thế
nào? Tại sao người ta phải làm album? Giống như các bộ sưu tập thời trang.
Album không phải là tập hợp những ca khúc hay nhất, mà album là tập hợp những
bài hát thống nhất, định hình một xu hướng mới. Một xu hướng của ngày hôm nay để
chúng ta biết được rằng, vài năm hay vài chục năm nữa chúng ta sẽ được nghe gì
hay phải nghe điều gì.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi nghe album này, là sự tỉ mỉ. Một
sự tỉ mỉ của giai điệu và ca từ. Một sự trải nghiệm của người đàn ông chững chạc
ngoài ba mươi. Và, có lẽ trải nghiệm và suy ngẫm là yếu tố tạo nên dấu ấn cho
album này. Dòng chảy da diết và tinh tế trong âm nhạc Đỗ Bảo rất riêng. Sự chắt
lọc trong ca từ và sự phối âm, phối khí tuyệt vời, cùng với giọng hát Hà Trần.
Mọi thứ trở nên thật trọn vẹn nếu không muốn gọi là hoàn hảo.
Tôi đặc biệt thích "Người buông neo" và "Thành
phố không ngủ". Có lẽ ai trong đời, cũng sẽ trải qua những cảm xúc cheo
leo đó. Vừa neo đậu vừa lênh đênh, vừa nhìn lại những ngày ước mơ không thể mờ
phai.
Với "Người buông neo", tôi nghe đi nghe lại bài này
nhiều lần và câu hát “Có điều gì neo mỗi chúng ta?” cứ ám ảnh tôi, như một vòng
tròn như kiến bò miệng chén. Mình sẽ buông neo ở đâu, hay cứ mãi lênh đênh trên
những nỗi buồn bất tận, giăng mắc khắp cuộc đời. Hình ảnh “người lênh đênh suốt
đời không nghỉ, vừa mới đây mà phút giây lại đi” lại dễ làm người ta nhớ về những
khi chúng ta neo niềm tin, neo những nhớ nhung. Rồi thấy mình viễn vộng, thấy ước
mơ mình cô độc giữa dòng chảy buồn.
Và, "Thành phố không ngủ", lại nhắc nhớ tôi về những
ngày xám mưa. Từng giọt mưa cứ thấm ướt tâm hồn người khi nghe bài hát này. Âm
thanh dội về như những đồng vọng ngược chiều của những ngày trẻ thơ, những giấc
mơ non bị giấu mất. Những ngày dậy muộn và những nỗi mặc cảm vô hình. Rồi cái
ngày, lũ trẻ ấy bắt đầu biết thở dài. Và hồi còi tuổi thơ cứ vỗ về trong từng
giấc mơ không ngủ.
Nhưng có lẽ, chỉ khi nghe, người ta mới cảm nhận được nguồn cảm
xúc dày dặn và sâu lắng ấy chạm vào trái tim mình. Một sự khác nhau giữa những
bài hát chỉ cần nghe vài lần đã thấy cũ mèm và những bài hát càng nghe càng thấy
mới đó chính là những nỗi niềm được trao gửi trong bài hát. Đôi khi, ta nhìn thấy
bóng mình trong những khúc hát ấy.
Tài năng, nổ lực không ngừng và sự trải nghiệm. Đó là những
gì Đỗ Bảo dành tặng những người yêu nhạc anh. Âm nhạc chân chính không vồn vã.
Không ồn ào, nhưng nó chạm đến những thính giả nghe, hiểu và ngẫm. Và,
"Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta", mười hai bài hát, mười
hai sắc thái riêng, tạo nên một câu chuyện âm nhạc đa màu sắc, khắc khoải yêu
thương và chờ đợi những niềm vui mới lạ tưới tắm tâm hồn người.
(*) Quán Văn: Một trong những tụ điểm sinh hoạt văn nghệ tiên
phong của thanh niên sinh viên học sinh Sài Gòn. Nằm phía sau Trường Đại học
Văn khoa Sài Gòn do nhóm sinh viên Văn hóa sáng lập. Có thể nói, chính Quán Văn
đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn
của giới trẻ và người mộ điệu: Thanh Lan/ Từ Công Phụng, Khánh Ly/Trịnh Công
Sơn v.v. và nhiều ca nhạc sĩ, thi sĩ khác nữa. (Theo amnhac.fm).
Đông Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét