Một góc nhìn khác về bài “Cò lả”
Là một trong những cái nôi của văn hóa Việt, Văn hóa đồng bằng
Bắc Bộ đã để lại cho chúng ta một kho tàng vô giá về dân ca - Cò lả là một
viên ngọc quý trong kho tàng ấy. Ai cũng đã ít nhất một lần nghe hoặc ngân
nga hát lên giai điệu bài dân ca ấy. Khi hát ta thấy dường như trước mắt hiện
ra một bức tranh đẹp về đồng bằng với những đường nét dịu êm, thanh bình; những
cảnh sinh hoạt của nông dân hết sức vui tươi, yêu đời…
|
“Con cò, cò bay lả, lả bay la
Bay từ, từ cửa phủ
Bay ra, ra cánh đồng
Tình tính tang, tang tính tình
Cô nàng rằng, cô nàng ơi
Rằng có biết, biết hay chăng
Rằng có nhớ, nhớ hay
chăng”
Giữa tục ngữ, ca dao và dân ca có mối quan hệ gắn bó mật thiết.
Đa phần các bài dân ca thường được bắt nguồn từ ca dao mà ra. Cò lảcũng thế,
nó bắt nguồn từ câu ca dao:
“Con cò bay lả, bay la
Bay từ cửa phủ, bay ra cánh đồng”
Trong bài này, người viết sẽ nhìn bài Cò lả ở một
góc độ khác với cách nhìn quen thuộc trước đây. Với góc nhìn mới này (mang
tính chủ quan) chúng tôi chỉ mong góp phần tìm thêm đôi chút về vẻ đẹp của
bài Cò lả nói riêng và của dân ca nói chung.
Đây là một bài dân ca xuất phát từ tỉnh Bắc Ninh và sau này
được hát với rất nhiều văn bản ca từ khác nhau. Đây là thể loại hát đối đáp,
giao duyên giữa nam-nữ trong các dịp đầu xuân. Bài hát được chia làm hai phần,
phần đầu là phần đối đáp nam-nữ, được hát lên từ lời câu thơ lục bát được cắt vụn
ra và dùng biện pháp điệp từ. Phần này được sử dụng thang năm âm điệu Bắc,
bao gồm các âm được ký theo hệ 7 âm là: Đô-Rê-Fa-Sol-La. Phần hai là phần đồng
xướng có tác dụng như cổ vũ cho đối đáp nam-nữ. Phần hai này sử dụng thang
năm âm điệu Huỳnh, bao gồm các âm được ký theo hệ 7 âm là: Fa-Sol-La-Đô-Rê. Đây
là một thủ pháp chuyển hệ trong âm nhạc cổ truyền (hệ năm âm) được
cha ông ta sử dụng một cách điêu luyện, nó gần giống như chuyển điệu của
âm nhạc phương Tây nhưng sựchuyển hệ ở đây diễn ra một cách tự nhiên, êm
ái đến độ người nghe không phát hiện ra.
Cả bài dân ca này có cấu trúc hoàn chỉnh như một ca khúc,
giai điệu mềm mại, duyên dáng, chính vì vậy mà nó có sức sống mạnh mẽ và được
phổ biến rộng rãi, dài lâu từ bao thế hệ.
Xin được bắt đầu với câu:
“Con cò cò bay lả, lả bay
la
Bay từ, từ cửa phủ
Bay ra, ra cánh đồng”
Trong tục ngữ, ca dao hình ảnh con cò thông thường là ẩn dụ của
hình ảnh người phụ nữ. Và thường là nói đến người phụ nữ tảo tần, lặn lội sớm
hôm để tìm ra miếng ăn để nuôi chồng, con. Hình ảnh con cò thường gắn với cánh
đồng và những ao đầm, gắn với những vất vả, khổ cực…
Nhưng hình ảnh con cò trong bài Cò lả này thì hoàn
toàn không phải bắt nguồn từ cánh đồng mà có nguồn gốc từ cửa phủ. Vậy đây
phải là cô tiểu thư con của quan rồi (Chỉ có con quan thì mới từ cửa phủ mà bay
ra chứ!). Rồi một ngày rảnh rỗi cô cò - tiểu thư bay ra khỏi tháp ngà
của mình và đi dạo chơi xem dân đen sống như thế nào. Cô chẳng có gì phải vội
vã nên cô cứ “bay lả, bay la”, cứ vỗ cánh một nhịp rồi dang rộng cánh ra
chao lượn trên cao một cách nhàn rỗi, vô ưu và thỉnh thoảng một cách ngẫu nhiên
cô ghé mắt nhìn xuống cánh đồng, nơi ấy có biết bao nông dân đang lao động vất
vả. Với cô có thể đó là hình ảnh lạ mắt, thú vị, một thế giới tuy không quá xalạ; cô
nhìn những hình ảnh ấy giống như đang thưởng ngoạn một bức tranh, thế thôi. Nếu
ví cô là con cò thì đây là một con cò trắng tinh, thanh khiết không hề vướng một
chút bụi trần ai. Cô giống như công chúa Tiên Dung đi du ngoạn trên sông ngày
nào trong chuyện cổ tích “Tiên Dung và Chử Đồng Tử” ấy mà!
nhưng lại
nhưng lại
Câu tiếp theo mang âm hưởng rất rõ của âm nhạc:
“Tình tính tang, tang tính tình”
Ở đây có phải là sự thăng hoa trong tâm hồn của cô tiểu thư
khi thưởng ngoạn cảnh lạ ngoài đời, nó đã vang lên thành âm nhạc hay còn có một
ý nghĩa nào khác?
Có thể còn có một góc nhìn khác, nó không chỉ tượng thanh mà
còn là ý nghĩa tượng hình gắn liền với tình cảm của một nhân vật sắp xuất hiện.
Tại sao lại nói như thế? Bởi vì cuối bài là câu:
“Cô nàng rằng, cô nàng ơi
Rằng có biết, biết hay chăng
Rằng có nhớ, nhớ hay chăng”
Rõ ràng, đây không thể là câu hát cất lên từ cô tiểu thư được,
mà phải được cất lên từ một nhân vật nam đang hướng tình cảm vào cô tiểu thư ấy.
Vậy nhân vật nam ấy là ai mà cả gan thế?
Theo tôi, nhân vật ấy là một anh nông dân chân lấm, tay bùn
đang trên đồng thì tình cờ bắt gặp được hình dáng cô cò-tiểu thơ đi
ngang qua(!) Cả cuộc đời, chắc anh chỉ gặp được quanh quẩn những cô thôn nữ tối
ngày cũng lam lũ như anh, các cô dẫu có đẹp đến thế nào thì cũng không thể sang
trọng, đài các như tiểu thư ta đây. Chính vì vậy anh nông dân này sẽ bị choáng ngay
khi bắt gặp cô cò-tiểu thư đi ngang ruộng mình. Chắc anh cũng biết
thân phận thấp hèn của mình nhưng do máu muốn làm Chử Đồng Tử một lần nên anh
đã tiến đến tiếp cận với tiểu thư.
Xét về mặt cao độ của âm thanh thì âm “tình” là thanh bằng,
thấp; âm “tang” là ngang, gần với giọng người; còn âm “tính” là thanh trắc, cao
nhất trong ba thanh âm này.
Trở lại với câu “Tình tính tang, tang tính tình”, ta thấy
anh này bắt đầu từ âm “tình”, bắt đầu từ cái thấp nhất như thân phận của anh vậy,
rồi ảnh nhảy vọt hai bước lên tới thượng tần đó là âm “tính”. Khi đến thượng tần
này, chắc rằng anh bắt gặp một sự phũ phàng, khinh miệt nào đó nên anh bị dội
ngược về một bậc đó là âm “tang”. Một hình ảnh của kẻ yếu thế, vừa tiến
hai bước đã vội lùi một bước.
Thế nhưng, con tim không nghe lời lý trí nên anh lại một lần
nữa dấn bước vào thượng tầng, lần này anh bắt đầu ở vị thế “tang” lúc nãy và
anh nhảy vào “tính”. Nhưng lần này anh bị rớt một cách thảm hại hơn, từ vị thế
thượng tầng đang mơ ước anh rơi tự do về với đúng thân phận thấp hèn của mình.
Anh rơi hai bậc từ âm “tính” về thẳng âm “tình”. Lần này thì tiến một bước
nhưng lại lùi hai bước. Rốt cuộc “mèo lại hoàn
mèo”.
Trở về với thân phận của mình anh chỉ còn là cái xác không hồn,
anh ngóng theo dáng người đã xa mà đành thốt lên một câu:
“Cô nàng rằng, cô nàng ơi
Rằng có biết, biết hay chăng
Rằng có nhớ, nhớ hay chăng”
Ai nhớ ai? Anh mang chi một mối tình si, đơn phương, vô vọng.
Cô ấy có biết anh là ai đâu, và có nhìn anh một lần nào không dù chỉ là thương
hại? Ôi đau xót thay cho anh, mà cũng cho những người có thân phận giống như
anh thời ấy. Trước anh có một người chết vì phải mang mối tình si, chết mà mang
theo cả niềm uất hận cũng vì lỡ trót yêu cô tiểu thư giống như anh. Đấy chính
là Trương Chi đó anh!…
Trên đây chỉ là một phiếm luận, một cách nhìn mang tính
chủ quan về bài Cò lả; Chỉ mong rằng tìm thấy được thêm những nét đẹp của dân
ca theo nhiều góc nhìn khác nhau. Chỉ khi thấy được cái đẹp, cái hay của dân ca
thì mới có được chuyện yêu quý và tìm cách bảo tồn cũng như phát triển nó.
Cò lả - Dân ca đồng bằng Bắc bộ
Khánh Vy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét