Tháng sáu về cho lòng lay lắt nhớ. Những cơn mưa vô tư xối
xả ngoài trời. Đường phố ướt mèm, những vòng xe lao đi vội vã, những kí ức
như rượt đuổi nhau trong khoảng lặng của trời chiều…Tôi ngồi lặng yên. Khẽ
xoa tay thổi một hơi nhẹ trên làn cửa kính. Chiếc radio cũ ngân vang lời bài
hát quen. Cảm giác cơn mưa chiều nay như một bài thơ lâu ngày đọc lại, gợn
nét quen thân mà dường như đã khác lắm rồi…
|
Tháng sáu,
Mưa.
Mưa.
Giá trời đừng mưa,
Giá trời đừng mưa,
Và anh đừng nhớ.
Trời không mưa và anh không nhớ, anh còn biết làm gì?.
Trời không mưa và anh không nhớ, anh còn biết làm gì?.
Khúc mưa - Phú Quang - Hồng Nhung
Nhạc Phú Quang bao giờ cũng xoáy vào
người nghe những thoáng bâng khuâng kì lạ. Người con trai trong lời bài hát Khúc
mưa (phổ thơ Đỗ Trung Quân) vốn không chờ đợi bất kì một cơn mưa nào, anh
cũng muốn lẩn tránh những nỗi nhớ cứ xoay tít nơi cõi lòng mình. Có lẽ bởi do
những nỗi nhớ dễ khiến lòng người chật chội, quẩn quanh. Mà chàng trai này cũng
thật khó hiểu. Sau đó đã lại thốt lên rằng “Trời không mưa và anh không nhớ,
anh còn biết làm gì?”
Thoạt đầu đã bắt gặp một sự mâu thuẫn.
Khi đối thoại với chính mình người ta thường dễ nảy sinh tâm lí băn khoăn, nảy
sinh những mâu thuẫn nội tâm. Đôi lúc chúng ta cũng đã từng bắt gặp mình qua những
mâu thuẫn tựa hồ như thế. Vừa muốn thâu tóm, thấu hiểu một sự việc, một con người
nào đó lại vừa muốn trốn tránh, lánh xa nó bởi những sự dặt dè, nghi ngại trước
bao nỗi run rủi, phức tạp của dòng đời. Cái cảm giác bình yên, thấu hiểu tưởng
chừng đã tồn tại, kề gần mà sự thực có phải vậy? Giống như những cơn mưa, những
nỗi nhớ vừa thực vừa mơ hồ. Hiện diện trước mắt ta đó mà rồi cũng thật khó để nắm
bắt, phút chốc đã vụt tan…
Tôi xòe tay ra hứng mưa. Mát. Lạnh.
Và những ngón tay khép lại thật khẽ. Làn nước mỏng bốc hơi, chỉ còn để lại
trong lòng tay những chấm nước mịn li ti. Tất cả tan biến nhanh trong một tích
tắc. Tôi thả lỏng tay ra, cảm giác cứ như đã bắt hụt nỗi lòng mình. Vậy rồi,
chuỗi suy nghĩ, tâm tưởng từ đó bắt nhịp duềnh lên, tôi đã không thể thoát khỏi
những sự rung động trước mưa, giống như chàng trai trong lời ca khúc, cứ mãi ám
ảnh, nhớ về “bóng hồng” xưa cũ của mình.
Em như hạt mưa trên phố xưa
Nuôi kỉ niệm bám hoài trí nhớ
Đối diện với mưa, con người ta thường
dễ xao động, cảm thấy lòng mình như chùn lại. Và với những trái tim yêu đã đôi
lần vấp ngã, mưa cứ như chiếc gương phản chiếu những kỉ niệm ấp iu của một thời
đã qua. Trong những sự hồi tưởng đầy day dứt. Vậy nên lời thơ của Đỗ Trung Quân
mới thấm thía làm sao: Kỉ niệm như rêu anh níu vào trượt ngã/ Tình xưa giờ
quá xa…
Làm sao quên những yêu thương khi mà
trái tim mình còn lắm nồng nhiệt với cuộc đời này. Hình như có ai đó đã từng
triết lí rằng, một ngày mà con người không được sống cho tình yêu và vì tình
yêu thì cũng giống như một quả tim đã không còn nhịp đập. Tình yêu thật kì diệu,
dù chỉ là trong khoảnh khắc, nhưng cũng đủ làm tâm hồn ta trang trải hơn, bao
dung hơn, đằm thắm hơn…
Hoa cúc vườn nhà ai thả từng chùm
Cho anh thương áo em vàng
Bóng dáng “em” hiện lên qua một vài
nét chấm phá mà sao đẹp lạ. Ánh lên như sắc cúc vàng da diết, nồng nàn. Để rồi
người con trai ấy thảng thốt nhận ra “cho anh thương áo em vàng”.
Như một nốt lặng đầy thơ mộng, tôi bần
thần rất lâu trước lời nhạc Phú Quang và giọng hát của Thanh Lam. Sự chín muồi
trong những trải nghiệm đời thường và bao lận đận trên con đường tìm lại “đẳng
cấp” trong chất giọng của chị đã khiến tôi xúc động. “Thanh Lam Aucoustic” thực
sự là một album hay. Tôi hình dung ra chị đã hoàn toàn hóa thân vào từng lời
ca, nốt nhạc. Và Khúc mưa, một ca khúc được cover lại, qua giọng hát
ngậm ngùi, tha thiết của chị đã lắng rất sâu trong tôi:
Tháng sáu trời buồn
Tháng sáu riêng anh
Bầy chim sẻ hiên nhà bay mất
Như em…
Như em…
Cơn mưa đã dứt. Lời nhạc cũng trôi trên những
nhịp cuối cùng. Tôi ấn nhẹ đôi cánh cửa mở ra. Gió lùa vào vi vu, lặng yên tôi
ngồi ngắm dãy phố bừng nắng sau một cơn mưa thật đẹp. Ướt sũng. Tinh khôi. Những
chiếc lá gòn vàng phai trong sắc ráng chiều khẽ đung đưa lên mắt.
Bình yên một tháng sáu
mưa…
Song Mây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét