Nghe lại nhạc xưa: Đêm Đông
Tôi yêu mùa đông. Tình yêu từ
thuở tâm hồn còn trứng nước với những suy nghĩ ngây thơ: mùa đông được mặc chiếc
áo ấm đẹp. Nhưng rồi, càng lớn, càng đi ra ngòai vòng tay của mẹ, của thị trấn
nhỏ, tôi càng gặp nhiều người yêu mùa đông.
Những người ở thành phố hối
hả này yêu mùa đông. Vì sao vậy? Rồi, tôi cũng lớn dần, đủ trưởng thành để tìm
được câu trả lời. Câu trả lời có từ rất nhiều điểm chung của những người tôi gặp,
của thế giới xung quanh tôi, và của cả nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với Đêm
đông.
Ca khúc: Đêm đông
Nhạc sĩ: Nguyễn Văn Thương
Ca sĩ: Bạch Yến
Nhạc sĩ: Nguyễn Văn Thương
Ca sĩ: Bạch Yến
Trong cuộc đua chen hối hả của
thành phố này, đa phần thời gian người ta vội vã cuốn theo nhịp của công việc,
phải như thế để tồn tại, phải như thế để khẳng định mình, phải như thế để cống
hiến được tuổi trẻ của mình cho đời, nhưng cũng phải như thế để cảm nhận những
giây phút sâu lắng của tâm hồn mình. Người ta hay trở về với chính mình vào những
đêm mùa đông.
Mùa đông, thời gian dường
như trôi chậm hơn. Bởi cái lạnh đánh thức da thịt khiến người ta không thể hoàn
toàn chìm đắm vào công việc mà buộc phải cảm nhận và hướng mình ra thế giới bên
ngoài nhiều hơn. Để biết rằng thời gian đang trôi, chiều chưa đi nhưng đêm cũng
đang xuống dần.
Đâu đó tiếng chuông chùa vẳng
lại. Cái tiếng chuông chùa giữa phố thị như là thanh âm của sự tĩnh lặng, nhưng
cũng là thanh âm của sự nhắc nhớ, của thời gian ngày xưa và một không gian nào
đó xa lắm nơi người ta thực sự thuộc về. Có cánh chim nào cũng đang rã rời mỏi
mệt tìm về chốn nghỉ. Có làn mây xám nào cũng đang chầm chậm trôi ngang lưng trời.
Đều là những sự vận động,
nhưng là những vận động trong mệt mỏi, đó là cái vận động của cuối ngày, vận động
để đi dần về phía tĩnh lặng.
Thi nhân cũng dần đi vào
chính lòng mình. Cái tĩnh lặng mỏi mệt của không gian khiến thời gian trong tâm
hồn thi nhân, dường như cũng dừng lại và tê tái. Cái tê tái đến đây đã là cái lạnh
của lòng, của chiều sâu. Và cái tê tái đó càng tái tê hơn khi lữ khách trở về với
thế giới mặt đất gần hơn xung quanh mình: cây trút lá, mưa giăng mắc, sương thướt
tha, và tất cả cứ tiêu điều, đìu hiu quá.
Và lúc này, lữ khách bắt đầu
dành cho tâm hồn mình một sự lắng nghe để biết mình khát khao điều gì trong cái
chiều-đêm mùa đông ấy:
Đêm đông, xa trông cố hương
buồn lòng chinh phu
Đêm đông, bên song ngẩn ngơ
kìa ai mong chồng
Đêm đông, thi nhân lắng nghe
tâm hồn tương tư
Đêm đông, ca nhi đối gương
ôm sầu riêng bóng
Không nói trực tiếp tiếng
lòng mình, nhưng lữ khách nghe trong đêm đông tiếng lòng chinh phu buồn xa quê,
tiếng lòng chinh phụ dựa song ngóng chồng, tiếng thi nhân buồn tương tư, tiếng
ca nhi soi gương và ôm nỗi sầu riêng chỉ một mình mình hiểu. Chinh phu-chinh phụ,
thi nhân-ca nhi, chinh phu khát chinh phụ, ca nhi khát thi nhân, những cặp đôi
tình nhân vốn luôn khát khao gần gặn, nhưng cũng luôn gặp cảnh cách xa.
Nỗi day dứt vì cách xa chẳng
phải đêm đông mới có, nhưng lại cứ cồn lên vào mỗi đêm mùa đông lạnh lẽo. Mùa
đông, người ta cần nhau, cần chia sẻ, cần sự gần gũi bằng xương thịt để cảm nhận
cái ấm nồng về tâm hồn. Nhưng mùa đông lạnh chỉ nhắc rằng nỗi khát khao đó là
không thể. Khát khao càng mạnh thì nỗi sầu lạnh chỉ càng lớn dần thôi.
Gió nghiêng, chiều say
Gió lay ngàn cây,
Gió nâng thuyền mây
Gió reo sầu miên
Gió đau niềm riêng
Thế nên, tất cả như nhòa đi
trong lòng lữ khách. Và lúc này, lữ khách chỉ còn cảm nhận thấy trong không
gian tiếng bước chân của gió, con gió vĩnh cửu. Đến đây, tiếng hát Lê Dung cùng
với tiếng nhạc dồn lên vừa khát vọng, vừa xa xót. Và cuối cùng thì con gió ấy
cũng say hơn, nghiêng hơn, sầu hơn và tiếng than thở của gió cũng triền miên
như nỗi sầu triền miên của kiếp người.
Đi qua những triền miên của
kiếp người, rồi lòng lữ khách cũng trở về với cảnh ngộ của chính mình với nỗi
cô đơn khắc khoải:
Đêm đông, ôi ta nhớ nhung
Đường về xa xa
Đêm đông, ta mơ giấc mơ, gia
đình, yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân
phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ, đêm
đông không nhà?
Lúc này, đêm đông, đó là nỗi
nhớ nhung, đêm đông, đó là giấc mơ gia đình, giấc mơ một tình yêu, giấc mơ về
hơi ấm tình người. Nhưng đêm đông, đó lại cũng là hiện thực, hiện thực với đường
về còn xa lắm, với bước chân phong trần còn lê trên đường đời dù mỏi mệt, là hiện
thực với cái tê lạnh của tâm hồn một kẻ cô lữ không nhà.
Bài hát kết thúc bằng một
câu hỏi. Câu hỏi chầm chậm cất lên: “Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không
nhà?”. Vậy là, trong đêm đông bây giờ, không có một ngôi nhà, không có một người
tri kỷ, chỉ có một lữ khách, một lạnh lẽo và một nỗi cô đơn.
Nhưng vẫn còn may mắn lắm,
vì đó là một câu hỏi! Câu hỏi dù không cần câu trả lời, nhưng đó vẫn cứ là một
câu hỏi, một sự tìm kiếm, và một nỗi khát khao. Không phải là một sự chấm hết.
Chấm hết thì cô đơn quá! Cuộc
đời này, giữa phồn hoa phố thị này, dù người ta có cảm thấy cô đơn thế nào, thì
hãy đừng ngưng kiếm tìm một hơi ấm tình người…Để đêm đông bớt lạnh.
đặt vé eva airline
đặt vé máy bay đi mỹ online
ve may bay korean air
vé máy bay đi mỹ hãng nào rẻ nhất
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich