Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Nguyễn Văn và lục bình ngẫu khúc

Nguyễn Văn và lục bình ngẫu khúc 
Lục bình (water hyacinth) có nơi gọi là bèo Nhật Bản, là một loài cây thủy sinh rất phổ biến ở Việt Nam, nhất là các vùng ao hồ sông nước Nam bộ. Cây lục bình sống dập dềnh trên mặt nước, nở những bông hoa tím phơn phớt rất đơn sơ. Rễ lục bình không bám xuống đất nhưng cây có sức sinh sôi phát triển mạnh mẽ kỳ lạ. Một đám lục bình dày đặc dưới chân cầu có thể đội lệch một mố cầu. Ấy vậy mà lục bình lại là một loài cây vô hình. Nó có đó, ở khắp sông suối ao hồ, lặng lẽ có mặt và lặng lẽ trổ bông mà không ai nhìn thấy nó cả. Thậm chí ngay cả các nhà thơ cũng không mấy người nhìn thấy nó. Cho đến một hôm trên thi đàn phương Nam xuất hiện bài thơ “Phương Nam Khúc Ca Trôi Dạt Của Khóm Lục Bình”, trong đó, tác giả, nhà thơ nhạc sĩ Đynh Trầm Ca của xứ Quảng, như một kẻ giang hồ hào sĩ, phất tay áo hô to lời khí khái:
ta,
lục bình vừa trôi vừa trổ bông
thì nhiều người mới chợt nhận ra sự hiện diện của loài cây sống lênh đênh rất hiền hậu này. Có không ít nhà thơ chợt giật mình nhận ra cuộc sống của mình cũng giang hồ phiêu bạt như kiếp lục bình vô hình vừa trôi vừa trổ bông.
Có lẽ Nguyễn Văn là một trong số những cánh lục bình vô hình trôi lặng lẽ giữa cuộc sống nhiều đa đoan như thế. Cũng vừa trôi vừa trổ bông.
Nguyễn Văn không phải là một “người mới” trong làng thơ. Năm 1975, đang là một sinh viên văn khoa, với một thi phẩm Đi Giữa Quê Hương, xuất bản một năm trước đó giắt ở thắt lưng (1). Nguyễn Văn đã lặng lẽ từ biệt trường đại học để trở về quê Đại Lộc Quảng Nam, và từ đó lao vào cuộc sống, bắt đầu nhiều chặng lênh đênh sau cuộc “đổi đời”, như kiếp lục bình. Có thời gian nhà thơ này đã lưu lạc lên tận vùng rừng núi Phương Lâm Tỉnh Đồng Nai để làm rẫy.
Được vài năm, anh lại “trôi” về thành phố, tham gia lực lượng chợ trời, chạy vật liệu cho các máy dệt thủ công gia đình ở khu Bảy Hiền, và bán mũ nón và túi xách ở vỉa hè lây lất kiếm sống - và làm thơ. Anh trôi qua dạt lại từ nơi này sang nơi khác ở đất Sài Gòn xưa bây giờ là thành phố Hồ Chí Minh. Một thời gian sau nhà thơ lại “trôi” về xứ Quảng. Trong cuộc sống lưu vong phiêu bạt như thế, Nguyễn Văn vẫn tiếp tục làm thơ. Anh khiêm tốn và kín tiếng, Không phô phang. Không ồn ào. Như cây lục bình vẫn vừa trôi vừa trổ bông lặng lẽ. Rất lặng lẽ. Và… vô hình.
“Lục Bình Ngẫu Khúc”, thi phẩm thứ hai của anh, dày gần một trăm rưỡi trang sách với trên một trăm bài thơ, được nhà xuất bản Văn Học xuất bản năm 2010. Tên tập thơ có vẻ hơi…cũ, và có lẽ không mấy gợi sự chú ý. Tuy vậy, đó là tập hợp những bài thơ được sáng tác ngẫu nhiên trong cuộc sống trôi nổi lưu lạc như kiếp bèo Nhật Bản của nhà thơ. Hai tập thơ cùng một tác giả, ra đời cách nhau 36 năm; khoảng thời gian đó có lẽ gần đủ cho một con người bước vào tuổi bất hoặc. Cho nên không có gì lạ nếu ta đọc thấy nơi những bài thơ trong thi tập này ngoài sự vững vàng chững chạc về vần điệu, nhạc điệu và thi pháp với ngôn ngữ thơ trau chuốt chọn lọc, còn có sự trầm ngâm trong ý tưởng chín chắn và sâu sắc thỉnh thoảng pha chút hòm hỉnh của một hồn thơ từng trải sau hơn một giáp thăng trầm trong cuộc “đổi đời” nhiều khốn khó. Như những bông lục bình tuy bề ngoài chỉ là một màu tím nhạt đơn sơ nhưng cái hồn chứa bên trong những chiếc bông ấy dễ làm mũi lòng mình. Thơ Nguyễn Văn như thế, hoặc gần như thế. Có thể là một lúc nào đó ta bỗng nhận ra mình yêu thơ Nguyễn Văn bao giờ không hay. Nhất là thơ Lục bát của Nguyễn Văn khá mượt mà, hoàn toàn thoát khỏi cái bẫy “vè” mà cái dạng “sáu chữ tám chữ” dễ dãi thường khiến những người làm thơ non tay viết ra những câu rỗng tuênh đầy sáo ngữ. Lục bát Nguyễn Văn dễ lôi cuốn mình vào sự đồng cảm với những cảm xúc và cảm nhận thâm trầm và độc đáo của tác giả. Chẳng hạn, nhà thơ nhận thấytình yêu của đôi lứa đang yêu nhau đẹp như một bài thơ tứ tuyệt. Khi nàng đã quảy gánh theo chồng, thì bài thơ tứ tuyệt đã dần dần hóa thành… văn xuôi! Nhưng ghi nhận này của Nguyễn Văn khiến ta cảm thấy “lạnh người”:
Già ư! Không phải già đâu
Chẳng qua đứa trẻ bạc đầu đấy thôi
Thiếu Khanh trân trọng giới thiệu với người yêu thơ, nhà thơ Nguyễn Văn với ít nhiều bài thơ của anh trong tập thơ Lục Bình Ngẫu Khúc.
(1) Dịch nghĩa đen câu thành ngữ tiếng Anh: To have something under one’s belt - Đạt được một sự thành tựu nào đó/ có vốn liếng.
Thơ Nguyễn Văn
Nhà Cũ 
Chiếc nôi
Gợi tiếng ầu ơ
Chỗ nằm
Gợi một ngây thơ đầu đời
Mái hiên
Giậu trúc
Vườn chơi
Hình như đang gợi khoảng trời xanh mây
Về căn nhà cũ chiều nay
Lặng yên giấu
Tháng năm dài
Lưu vong
Cười khan
Lệ cứ lưng tròng
Giấu đi đâu
Khoảng trống không
phận người.
Quảy Gánh Theo Chồng 
Kể từ
Duyên mới
Mở hàng
Non thề biển hẹn
Tim vàng lều tranh
Thế rồi
Quang gánh
Theo anh
Câu thơ tứ tuyệt
Hoá thành
Văn xuôi.
Ngẫu Khúc Hàng Rong
Một thời
Cho biết long đong
Cơm không theo bữa
Áo không theo người
Một hôm
Rớt nón trông trời
Giật mình tôi đứng nhìn tôi
Sững sờ.
Không Già
Cách chi kéo được mệnh trời
Quay đầu ngoảnh lại sân chơi mà thèm
Tàn ngày nối tiếp thâu đêm
Cái thân dâu bể đi tìm bể dâu
Già ư! Không phải già đâu
Chẳng qua đứa trẻ bạc đầu đấy thôi.
Sững Sờ Bằng Lăng
Trở về
Qua mấy ngã tư
Phượng hồng buổi ấy bây chừ
Ai thay
Phố chiều giăng
Sợi mưa bay
Một mình
Rượu thầm lòng say
Lờ mờ
Đường xưa
Như tỉnh như mơ
Hai hàng hoa tím
Sững sờ
Bằng lăng.
Bái Tình
Tạ ơn giấy hồng mực xanh
Tạ ơn luôn những cuộc tình đò đưa
Giờ đây chín nắng mười mưa
Răng long tóc điểm xin chừa nhởn nhơ
Nào đâu cái buổi ban sơ
Nào đâu ngày tháng vật vờ u mê
Đâu rồi chân bước đi về
Đâu rồi mắt ngó tứ bề cỏ hoa
Cúi đầu sát cõi người ta
Lời thề biết thật xương da biết còn
Người mang vàng mã cúng hồn
Thư hồng châm lửa tạ ơn bái tình.
Một Đời Kiều
Chiều năm ấy
Tiễn nhau đây
Cánh chim ngoài cửa
Bóng mây bên trời
Chim lạc nẻo
Mây vàng trôi
Mười lăm năm
Lại nhớ người
Thương ta.
http://pinsght.com/v/?cs_uuid=dd11ff5b501e4b48a5715c5c1dca0e4b&attrib=undefined&keyset=234670&url=http%3A%2F%2Fwww.luanhoan.net%2FBai%2520Moi%2520Trong%2520Ngay%2Fhtml%2Fbm%252011-5-38.htm&time=1441271770Thiếu Khanh
Theo http://www.luanhoan.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...