Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Việt Anh - Chàng lãng tử cô đơn bên dòng sông lặng lẽ

Việt Anh - Chàng lãng tử cô đơn 
bên dòng sông lặng lẽ
Từ những năm 1990, công chúng bắt đầu làm quen với những ca khúc trữ tình lãng mạn của một khuôn mặt mới trong giới sáng tác nhạc: Việt Anh. Nét nhạc của Việt Anh lạ và có phong cách riêng, dễ nhận ra trong số những ca khúc đang lưu hành lúc đó. Và cho đến nay, dòng nhạc Việt Anh vẫn mang một hơi thở riêng, có một đời sống riêng, không ồn ào nhưng sâu đậm trong lòng người yêu nhạc.
Thoạt đầu, khi 2 ca khúc “Mưa Phi Trường” và “Người Đi Xa Mãi” được trình bày qua tiếng hát Lam Trường và liên tục đạt top ten Làn Sóng Xanh, Việt Anh trở thành một cát tên được chú ý trong làng nhạc. Nhưng thực sự hai ca khúc này vẫn có nhiều nét tương đồng với những ca khúc được gọi là nhạc trẻ, nhạc thời thượng lúc đó. Dần dần về sau này, khi “Những Mùa Hoa Bỏ Lại”, “Hoa Có Vàng Nơi Ấy”… ra đời, những ca khúc của anh mới bắt đầu có một phong cách riêng, một “dấu ấn Việt Anh” không trộn lẫn.
Nhạc Việt Anh đẹp từ giai điệu đến ca từ, và không gian trong ca khúc của anh rất lãng mạn. Có lẽ đó là những yếu tố tạo thành sự khác biệt của Việt Anh.
Không gian và thời gian trong ca khúc của Việt Anh
Đó là một không gian trầm lắng với ánh trăng mờ mờ và những cánh hoa rơi trong mưa…
Đêm tàn cho trăng khuyết ra đi theo người
Ru mai buồn từng cánh rơi ngoài sân mưa…
                                  (Hoa Có Vàng Nơi Ấy)
. Có đâu trăng khuya chợt vắng bên trời
thật lặng lẽ
giấc mơ tôi về chết bên em…
     (Dấu Vết Ngày Ta Yêu)
Đêm đêm nằm mơ phố, trăng rơi nhòa trên mái
     Đi qua hoàng hôn ghé thăm nhà…
… Đêm xin bình yên nhé con đường vàng ánh trăng
Đèn dầu khuya quán quen chờ sáng
             (Đêm Nằm Mơ Phố)
Ta tiễn thêm mùa trăng tàn úa
Cho nỗi buồn rớt trên bờ vai
             (Giao Mùa) 
Mùa thu cứ lãng đãng mơ hồ trong những ca khúc của Việt Anh với những hàng cây ngơ ngác trong mưa, với lá rụng tơi bời…Nhưng không gian âm nhạc của Việt Anh dường như không có tiếng động, dù là có lá rơi, có sóng vỗ…Thật lặng lẽ. Trong đó Việt Anh là chàng lãng tử cô đơn đang lắng nghe nỗi buồn của mình vang vọng.
Anh như là sương khói mong manh về trên phố
Đâu hay một hôm gió mùa thu
          (Đêm Nằm Mơ Phố)
Giá như chúng ta quên được mãi
đâu đây lá rơi ai lặng lẽ thở dài
như trối trăn cả mùa thu
 (Dấu Vết Ngày Ta Yêu)
Từng ngón tay khép như nụ hoa trắng
Bỏ lại hàng cây ngơ ngác sau lưng
            (Dòng Sông Lơ Đãng)
Ngày hôm qua là thế chìm khuất trong mưa xóa nhòa
Nhìn em đi lặng lẽ qua những buồn vui…
            (Ngày Hôm Qua Là Thế)
Và những dòng sông luôn hiện diện trong ca khúc Việt Anh. Những dòng sông lặng lẽ dù có đang réo gọi, biển vẫn lặng câm dù đang bão tố. Nỗi cô đơn vì thế cũng da diết hơn nhiều…
Sao nơi đây chiều câm lặng thế
Ngoảnh đầu nhìn dòng sông chẳng thấy đâu bờ
              (Chiều Biển Vắng Thênh Thang)
Rồi chúng ta sẽ đôi lần nuối tiếc
Để một dòng sông lơ đãng trôi qua
           (Dòng Sông Lơ Đãng)
Nghe dòng sông về khuya khát khao
nỗi khát khao sao câm lặng thế…
          (Dấu Vết Ngày Ta Yêu)
Từ tháng năm đó, chìm dấu con sóng
Lang thang chi mùa Thu tội tình
Niềm vui nỗi buồn, chờ em thức dậy thấm sâu vào đêm
                         (Những Mùa Hoa Bỏ Lại)
Đi qua dòng sông
Nụ hôn em đánh rơi bên bờ
Dòng sông qua biết bao mùa lũ
Nụ hôn rơi biết đâu ai tìm
Dòng sông trôi giống em lặng lẽ
Mặc tình yêu hóa thân trong lòng
           (Đánh Rơi Bên Hồ)
Trả lại anh niềm kiêu hãnh của ngày xưa
Đã chết đi, giữa cây mùa trút lá bên sông
             (Điều Cuối Cùng Đợi Chờ)
Hàng cây khóc đôi hàng lá
Bờ bên kia đang réo gọi ta
Giật mình như Thu lên tiếng đâu đây
Mà đời kia lạc mất em rồi
             (Giao Mùa)
Ở chốn nào dòng sông đã hòa cùng đại dương
Cạn bến bờ chiều nay thẫn thờ nhìn hoàng hôn
                      (Dòng Sông Lơ Đãng)
Và thời gian trong nhạc Việt Anh, cho dù là “trưa đã sang chiều”, buối sáng đầy nắng, choàng tỉnh sau giấc mơ, hay đêm dài với vầng trăng khuyết…cũng mênh mênh mang mang đầy ảo mộng…
Ngoài hiên nắng lên
đi về đâu đó giấc mơ trôi dạt giữa đêm
Ôi ngày hôm qua dường như chưa đến bao giờ
…Thời gian về giữa mênh mang ngàn lớp xô bờ.....
….Niềm vui nỗi buồn, chờ em thức dậy thấm sâu vào đêm
Giờ khuất xa lắm vườn đã yên giấc
Em đi đâu mùa hoa bỏ lại....
 (Những Mùa Hoa Bỏ Lại)
Ngày tìm đêm cuối trời
Người lãng quên rồi
Đời đã chia trôi
  (Hoa Có Vàng Nơi Ấy)
Mình sẽ xa lạ nhau, giật mình trưa đã sang chiều
Ngày hôm qua gió lãng quên bên đời thổi mãi
                            (Ngày Không Tên)
Bao ngày qua, vầng trăng khuya cô đơn giữa trời
Dòng thời gian in lên nét cười
Suốt đêm dài chỉ còn một trời sao câm lặng giữa ta
                         (Màu Của Lãng Quên)
Chỉ có em biết từng đêm, từng đêm tỉnh giấc
Chợt thấy ta giữa xa lạ nơi nào
      (Ngày Hôm Qua Là Thế) 
Theo gió qua miền quê hoang vắng
cho tiếng dương cầm đêm chết lặng…
            (Tình Yêu Tôi Hát)
Dường như lúc nào nhân vật trong ca khúc cũng chỉ một mình, buồn một mình và thầm nói với chính mình…
Buồn hoài chi ta ơi
nơi ấy hoa vàng cho đẹp mùa sang
Đường mình qua lúc nào
giờ bước âm thầm
tình cũ dâng trào
  (Hoa Có Vàng Nơi Ấy)
Và nỗi đau rơi trong lòng đêm vắng
Nỗi đau ta nhận riêng mình…
     (Dòng Sông Lơ Đãng)
Ngày hôm qua cạn lối, chỉ có anh trước biển rộng
Chợt nhận ra mình cô đơn giữa đời nhau...
             (Ngày Hôm Qua Là Thế)
Khác với dòng nhạc thị trường có ca từ dễ dãi, nôm na với ngôn ngữ nói trong giao tiếp hàng ngày, ca từ trong nhạc Việt Anh có sự chọn lọc trong từng câu chữ, sâu sắc, lắng đọng mà không hề sáo rỗng. Chính vì thế dù không gian, thời gian trong nhạc Việt Anh mang tính biểu tượng cao và được lặp lại trong nhiều ca khúc, ca từ của anh vẫn biến hóa thật tinh tế khiến người nghe không cảm thấy nhàm chán.
Những giai điệu lạ
Ca khúc của Việt Anh ít khi theo cấu trúc giai điệu A-B-A như phần lớn ca khúc hiện nay. Ngay cả khi theo cấu trúc A-B-A thì phần B của ca khúc cũng đặc biệt và nhiều màu sắc do giai điệu được lặp lại ở câu đầu mỗi đoạn nhưng lại biến hóa khác nhau ở những câu sau (Hoa Có Vàng Nơi Ấy, Đánh Rơi Bên Hồ...). Đối với những ca khúc có tính chất tự sự, cấu trúc giai điệu tự do khiến người hát dường như dễ hóa thân hơn, và cũng dễ tạo cảm xúc nơi người nghe. Tuy nhiên, thực ra nhạc Việt Anh không hoàn toàn có cấu trúc tự do, mà thường có những giai điệu ngắn được lặp đi lặp lại như một cách tạo ấn tượng (không lặp lại nguyên một đoạn như thông thường), phần giai điệu tiếp theo lại hoàn toàn khác nhau ở mỗi đoạn. Chính điều này đã tạo nên dấu ấn Việt Anh và cũng tạo ra sự khác biệt trong âm nhạc Việt Anh.
Buồn hoài chi ta ơi
Nơi ấy hoa vàng cho đẹp mùa sang
Đường mình qua lúc nào giờ bước âm thầm
Tình cũ dâng trào
Đường về không gian xưa
Đá rêu xanh đầy đi về mình ta
Chiều về hoang phím đàn
Một phút giây nào mình khóc cho nhau
Mình cùng say trong mưa
Em ánh trăng mờ anh làm trời thơ
Ngày tìm đêm cuối trời
Người lãng quên rồi
Đời đã chia trôi…
  (Hoa Có Vàng Nơi Ấy)
Nhạc Việt Anh còn mang sắc thái đặc biệt ở những đoạn cao trào. Cao trào nhưng không gào thét, không "lên gân", không cần phô diễn kỹ thuật. Cao trào nhưng vẫn sâu lắng mênh mang. Vì thế để hát đúng “chất” nhạc Việt Anh, người hát phải hát thật tự nhiên như đang thủ thỉ, đang tâm sự với chính mình.
Sau khi du học ở New Zealand về, Việt Anh hoạt động ở lĩnh vực hòa âm phối khí cho đến nay. Hy vọng “chàng lãng tử cô đơn” sẽ còn chia sẻ với chúng ta những ca khúc đẹp mang phong cách lãng mạn trữ tình như trước đây.
Mời các bạn nghe một số ca khúc của Việt Anh.
Hoa Có Vàng Nơi Ấy
Trình bày: Tuấn Ngọc
Những Mùa Hoa Bỏ Lại 
Trình bày: Hồ Trung Dũng
Đánh Rơi Bên Hồ 
Trình bày: Thu Phương
Chiều Biển Vắng Thênh Thang 
Trình bày: Quang Dũng
Đêm Nằm Mơ Phố 
Trình bày: Thu Phương
Dấu Vết Ngày Ta Yêu 
Trình bày: Quang Dũng
Điều Cuối Cùng Đợi Chờ 
Trình bày: Quang Dũng 
Không Còn Mùa Thu 
Trình bày: Thu Phương

Ngày Không Tên 
Trình bày: Quang Dũng
Ngày Hôm Qua Là Thế 
Trình bày: Quang Dũng
Dòng sông Lơ Đãng 
Trình bày: Thu Phương
hoadongnoi
 Theo http://www.hoadongnoi.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...